Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2007

Làm con phải nhớ

1. Suy nghĩ lúc ốm. Bạn gửi tin cho tôi nói về nỗi buồn vấp váp ở đời. Việc này làm tôi xúc động và lo lắng. Xúc động vì trong cõi ảo hoá này giữa chúng ta có sự tín nhiệm nhau. Lo lắng vì việc này thật khó để trả lời, cho dù ngay cả là sự im lặng. Bạn sa lầy trong sự nhùng nhằng oái oăm của ngôn từ và những tình bạn "cùng nhau trông thế nhân cười". Những người bạn rất tốt, rất hiếm hoi trong cuộc sống này. Nhưng chúng ta thường phản ứng dễ dãi quá, và tình bạn thực chất là một liên minh thoả hiệp. Chính sự dễ dãi từ đầu này sẽ làm cho bạn trở lên xói mòn theo thời gian. Khi 1 nhóm cùng sử dụng chung 1 thứ ngôn ngữ thì ngôn từ sẽ trở thành ước lệ. Sự bất an khi gặp phải tính ước lệ sẽ thành 1 hố cát tham lam và tàn nhẫn.

Lo lắng còn là vì mình sẽ càng ngày phải trở lên tín nhiệm với lời nói của mình hơn. Nếu con người bắt đầu không còn trung thực với chính mình thì cuộc sống sẽ trở lên buồn thảm, trơ tráo.

Tôi đã có thể nói gì? Rằng hoặc là "Khi không thể yêu thương được nữa thì hãy tha thứ, im lặng và bước qua-(F.Nietzche)"; hoặc là "người ta vấp ngã nơi mặt đất thì cũng y nơi mặt đất mà đứng dậy-(Kinh Thánh)"; hoặc là "người ta vấp phải hòn đá thì người ta không cáu giận vì họ biết hòn đá vô tri. Nhưng người ta dễ dàng oán giận kẻ khác dẫu vẫn biết rằng họ lầm lỡ vì họ vô tri-(Osho)". Hoặc giả bạn hãy dễ dàng và tự nhiên ngay lúc đó phân biện đúng sai, mắng cho kẻ đó 1 trận rồi từ rày không dính chấp vào nữa. Dăm bữa nửa tháng thì kẻ gây ra lỗi lầm đã quên rồi trong khi chúng ta thậm chí đeo đẳng điều tệ hại đó đến 20 năm và tự gây đau khổ cho mình. Lời nói hay hành động, chúng xảy ra trong 1 tương quan-mà tương quan đấy thì như nước chảy qua cầu, 1 lần là vĩnh viễn không quay lại.

Còn rất nhiều nữa những khả năng, nhưng tất cả đó chỉ là lời NÓI. Tự sâu xa tôi hiểu cái bạn thiếu là 1 cái gì đó thuộc về miền sâu TÂM LÝ. Cái cần chữa trị nằm thăm thẳm trong đó chứ không ở lời nói. Cách tôi thường làm là giữ với bạn 1 khoảng cách vừa đủ để bạn nhận thấy sự trống trải, cũng vừa đủ để nuôi dưỡng 1 hy vọng, 1 sự tín nhiệm vào hiện hữu con người.

Tôi biết rằng: khi chúng ta diễn đạt bản thân bằng ngôn từ, đồng thời cái đó thoát ra khỏi chúng ta. Điều duy nhất có thực là sự bấp bênh của cả nội tâm và ngoại cảnh-"mà kẻ dẫn đường duy nhất là tinh thần quyết vượt-(Bạch Ẩn Huệ Hạc)".

Rất khó để diễn đạt với bạn về điều mà tôi đang kinh nghiệm về TINH THẦN QUYẾT VƯỢT. Có lẽ nó như thế này chăng: ta chỉ đau đáu quan sát và hành xử tức thì như trong trận đấu kiếm trên bờ ghềnh sinh tử. Mọi sai lầm sẽ không lặp lại và chỉ cứ chăm chú thế thôi.

Từ nhỏ tôi là người hay đau ốm vặt. Những trận ốm thật khó chịu và chúng ta chỉ có 1 cách là chịu đựng và chờ đợi. Nhưng chờ đợi thì dễ cáu bẳn và buồn nản. Tôi tự đúc kết kinh nghiệm cho mình là hãy làm tất cả những gì có thể làm và sau đó là tự quan sát bình thản tất cả những gì đang diễn ra. Dửng dưng như kẻ ngoài cuộc với chính mình. Thấy như vậy. Biết như vậy. Tôi cũng tự cho phép mình rên khe khẽ. Như thế tôi thấy mình tương tác với tình hình. Và cũng bởi tôi đọc đâu đó là rên khi ốm có tác dụng gấp 200 lần 1 liều thuốc :)

Hay là vì vậy mà tôi ít oán giận cuộc sống và dễ thông cảm với người khác?
Bạn đừng tin ai cả-ngay cả chính tôi hay chính bạn-như là 1 cái gì đó bị dính chấp. Đây là cuộc dạo chơi trong rừng hái lá tìm thuốc chữa bệnh của kẻ ốm. Mọi cái đều có thể và đều không thể. Tuỳ duyên tiếp vật. Miễn khỏi bệnh thì thôi.

Nhưng quan trọng là luôn kiểm soát chặt chẽ bệnh tình của mình. Không phó mặc. Không tự lừa dối.


2. Chuyện kể của bà nội, bà ngoại, bố, mẹ và những điều anh đọc được trong số hồ sơ cá nhân ít ỏi của ông ngoại còn lại. Trong 1 bài khảo cứu của người Pháp, họ nhận thấy rằng người VN ít khi nhớ đến thế hệ G4-tức là các cụ của mình. Mối quan hệ thâm tình thường gói trong 3 đời hiện hữu. Chắc là vì tuổi thọ trung bình của chúng ta còn chưa cao, chúng ta chỉ biết đến ông bà chúng ta. Và ông bà chúng ta đa số là người bình thường nên cũng chỉ như vệt khói thoáng qua ngang trời. Vì vậy mà chúng ta lãng quên rất nhanh. Cũng vì chúng ta là chúng sinh loay hoay trong biển khổ vô bờ nên chúng ta khó mà nhận ra tình cảnh của chúng ta.

Tôi có 1 dự định, đó là chăm chú sống trọn vẹn cuộc sống ở đời của mình, không gán ghép nó sang đời con cháu. Và cũng không mong chờ 1 sự vĩnh viễn nào từ cuộc đời. Chừng đâu trong vòng sáu bảy chục năm là trọn vẹn 1 kiếp người chung chung. Nếu biết sống thì mỗi hơi thở đã là 1 kiếp luân hồi.

Nhưng anh sẽ kể cho em nghe về ông bà của chúng ta dần dần, chú em của tôi ạ. Hiểu biết và sống trải làm nên sự gắn bó-phải có cả 2 điều đó.

- Ông nội của chúng ta tên là HVM, mất năm 1985 thọ vừa tròn 60 tuổi nên suy ra ông sinh ra trong khoảng 1925. Cụ mình là HVT và 2 đời trên là HVQ và HVN. Các cụ ngày xưa là nhà giàu ở 1 làng quê nông thôn nghèo Bắc Bộ. Ông có 6-7 chị em và là độc đinh. Từ nhỏ không phải làm gì và được cho học chữ nho. Ăn cơm 1 mình 1 mâm-đàn bà trong nhà phải ăn cơm dưới bếp. Vậy nên đời sau chịu nghiệp là con cái trong nhà thường kiêu hãnh độc đoán và cô độc. Tình cảm giấu vào trong mà không biết bày tỏ với nhau. Ông mất sớm, bố không có nhà nên ông dặn chú thứ 6 là khu mộ của họ ta có sao cứ để vậy, chôn cao và không đảo trật tự. Mẹ đi xem bói người ta bảo rằng "họ này nhiều đinh, phần nhiều sống xa nhau, nhiều người tinh quái làm những việc liều lĩnh khác người, hết rồi lại có."

- Bà nội tên là TTS, năm nay 80 tuổi nên sinh khoảng 1927. Bà là con nhà lý trưởng, ngày xưa môn đăng hộ đối về làm dâu cho các cụ từ năm 16 tuổi. Từ hồi ruộng của nhà còn rộng mênh mông quanh làng. Bà đẻ 9 người con, nay đã mất 2 còn lại 7. Bây giờ bà còn khoẻ nhưng đã lẫn, chỉ biết loáng thoáng các con, không nhớ cháu trừ ông cháu đích tôn gắn bó với bà nhiều.

Ngày xưa nhà các cụ giàu nhưng đến đời ông nội vì đông con mà gia sản cũng suy hao. Cải cách ruộng đất các cụ thì mất rồi nhưng bị quy địa chủ. May là ông chỉ bị quy là trung nông. Bà kể "tôi còn nhớ rõ trong ruột nửa cái làng này nó đấu tôi. Chúng nó đến nhà lấy đi từng cái nồi cái mâm đồng". Trong làng có 2 người bị xử bắn trong dịp đó. Bố có vẻ rất ấn tượng với việc đó nên thỉnh thoảng lại kể "năm tao mấy tuổi, tao thấy họ bắn ông A, ông B ở rìa làng...". Nữa, chi của ông là chi trưởng hay còn gọi là họ phái. Nhà thờ họ ở gần nhà về phía Tây Bắc.

- Ông ngoại mình tên là NVL, đi làm còn có tên là NVN. Ông mất sớm năm 1980 thọ 55 tuổi nên suy ra ông sinh khoảng 1925. Ông chỉ bế được mỗi anh, và biết thằng H nhà dì lúc khoảng hơn 1 tháng; không biết mặt các cháu khác. Ông với ông B là 2 anh em trai cách nhau 8 tuổi, gia đình bần cố nông, mồ côi cả cha lẫn mẹ từ lúc sơ sinh. Ông được nuôi ở nhà người họ hàng đến chừng 13 tuổi, cho ăn học thầy đồ. 13 tuổi thì vào chùa làm tiểu. Sau lưu lạc vào mãi quê bà ngoại và gặp bà trong đó. Ông nhân hậu, hiền lành nên nhiều người quý mến. Sau 1945 người ta phá chùa thì ra làm liên lạc, nhân viên cho Ty Thông tin của huyện hay tỉnh gì đó. 1 lần bị máy bay Pháp đuổi chạy vào hang, bị bom đánh sập cửa hang nên sau này có tật ở chân, đi hơi tập tễnh. Sau này lấy bà có 2 con thì gánh cả về quê rồi đi làm bên Đông Y của huyện. Ông có bằng sơ cấp Đông Y. Ông bà ở xa nhau. Bà ngoại làm cấp dưỡng và làm kho ở BV huyện khác. Ông ở tập thể của Đông Y. Sau này khi mẹ đẻ anh cũng lại sống xa bố nên ông ở cùng với mẹ và bế anh. Cả cuộc đời ông hiền lãnh nhẫn nhịn, chịu nhiều khổ cực. Chưa bao giờ được ăn miếng ngon nào. Khi ở một mình ông thường đem cơm thiu ra tãi, hấp lại để ăn cho tiết kiệm. Ông mất vì bệnh đường ruột ngày đó không chữa được.
Bà ngoại đi xem bói bảo ông bây giờ dưới âm làm quan rồi, hay phù hộ cho con cháu.

- Bà ngoại mình tên là ĐTT, năm nay 82 tuổi nên cũng sinh khoảng 1926. Bà sinh ra ở 1 huyện gần miền núi, mồ côi mẹ từ nhỏ, sống với bố và cụ nội. Nhà nghèo xác xơ, thường ăn ngô tướt nước vôi. Cụ nội của bà già hơn 90 tuổi không có răng, mỗi lần ăn phải cho vào cối ăn giầu giầm nhuyễn. Một ngày bà tỉnh giấc, vẫn đang ôm cổ cụ nội thì thấy cụ mất tự bao giờ. Nhẹ nhõm, thanh thản. Bố bà lấy 1 đời vợ nữa, người Mán, ở với nhau 3 năm không sinh được con nên họ xin về nhà mẹ đẻ lấy chồng khác. Từ nhỏ bà không được ăn học hay kèm cặp gì. Lớn 1 chút thì đi chăn bò. Tính tình cương cường, yêu ghét đều thái quá. Con gái họ Đ đẹp nổi tiếng vùng đó nên năm 13 tuổi bà được gả tảo hôn với nhà giàu kia. Chồng mới 8 tuổi, con dâu thực chất làm người ở, tối ngủ riêng ở nhà dưới. 1 lần bị chồng đành hanh chửi mắng, bà bạt tai cho ngã dúi dụi rồi đang đem chui qua luỹ tre làng trốn khỏi làng. Băng qua 2 quãng đồng thấp thoáng đầy ma trơi. Mỗi lần thấy ma trơi thi bà lại tạt xuống ruộng tránh. Đêm ngủ trên rú, phải trèo lên cây để tránh hổ đói. Bà ra chợ huyện rồi xin vô chùa. Sau này nhà kia kiện tụng nhưng bà nhất quyết không về. Bà vợ ông quan huyện thích bà xinh xắn muốn nhận làm con nuôi nên bênh. Nhưng bà cũng nhất quyết không về làm con nuôi nhà họ. Căng thẳng đến mức doạ tự tử mấy lần nên về sau cũng êm cả.

Sau 1945, họ phá chùa, bà đi làm cứu thương, gặp và lấy ông rồi sinh ra 2 người con đầu ở đấy. Để mưu sinh, bà đi buôn cau trên mạn ngược. Lên những bản Mường Mán, trèo lên những cây cau cao chót vót trảy cau mang về xuôi. Cau đổi lấy dầu và muối cho người dân tộc. Cau được chẻ ra để bán hàng khô cho được giá. Bà có 2 người em họ, 1người là ông H ngày còn bé trốn nhà đi bộ đội chống Pháp, không đủ cân phải nhét đá vào trong quần.

Những ngày khốn khó ông bà được 1 gia đình địa chủ cưu mang. Đến khi có đấu tố hồi CMRĐ, ông bà nhất quyết không tham gia đấu tố họ. Không được vào nông hội cũng không sợ. Tính bà quật cường từ những ngày ấy như thế đấy. Sau này về quê ông ngoại, ông bà cũng nhất quyết không tham gia đấu tố địa chủ.

Ông thì hiền, bà sống độc lập từ nhỏ, không chịu sự ràng buộc của gia đình, cũng không phải làm dâu, đi làm trong môi trường tập thể nên càng ngày cái tính cương cường, yêu ghét theo bản năng càng thái quá. Con bà cháu bà là nhất. Mà con cháu cũng yêu ghét khác nhau. Thành ra nghiệp quả ảnh hưởng nên tính cách con cháu về sau.

Bây giờ bà già rồi, yếu và lẫn. Hay kể lể, hay tủi thân và thích được dỗ ngọt. Con cháu biết ý thì không sao. Dỗi lên lại bỏ cơm đòi chết. Đêm nằm nghĩ tiếc lương hưu sáng ra lại thôi.

Cháu ngoại của bà đều hiền lành giống ông ngoại, có chút thông minh nhanh nhẹn của bà. Bà vẫn thường lấy đó làm tự hào. Nhiều lúc hơi thái quá.

2 nhận xét:

Chu Chu nói...

ôi, bác kể chuyện gia phả hấp dẫn quá, mà em thấy mấy cái tên wen wen, hihi, như HVT, NVl, toàn là lãnh dạo cao cấp của Đảng và nhà nước thôi nhá, suy ra bác là COCC:D

Tung H nói...

Không dám so với Chu cô nương dòng dõi hoàng tộc :)