Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2020

niềm tiếc nhớ hay nằm ở vu vơ

1.
Vốn thử nghiêm túc tìm hiểu một chút, tưởng tìm được câu trả lời tốt thì hóa ra lại tìm được nhiều hơn câu hỏi mới.
2.
Hành động đặc thù cho tình huống đặc thù: đợt giãn cách xã hội vì dịch bệnh vừa qua, tôi bỏ xó điện thoại luôn vài tuần. Thực tế rồi mọi thứ cũng tự điều tiết được hết. Trên Fb nghe thì ồn ào thế chứ cái vòng xã hội bạn bè bé tí, mọi thứ lao xao như bão trong tách trà thị dân thôi. Vứt béng mọi thứ đi, làm khác đi, thoát ra khỏi vòng an toàn để còn có thể thấy điều KHÁC, để còn tự biết mình đang thế nào cũng là điều hay.
3.
Ngày xưa bác có cái phong cách nhất quyết không dùng di động. Ai cần thì tìm, ai biết sẽ tìm được, ai chịu được thì chơi. Năm nay bác mất đã tròn 10 năm. Có những điều gặp gỡ gián tiếp lại hay. Chẳng phải bài thơ là để truyền thông những điều vốn cách nói năng ngày thường không thể diễn đạt được? Như đọc sách có thể cho ta cảm giác gần gũi với người xưa, người xa như thầy như bạn.
Nhưng cũng có rất nhiều điều nằm trong cõi bất khả nghĩ bàn mà phải gặp gỡ nhau tay bắt mặt mừng mới thông đạt được. Như uống bia với nhau một trận say mèm, chả nói cái gì ra hồn nhưng thực tế lại là đàm tâm luận tính, củng cố cùng nhau vài điều sơ tâm xưa cũ
18 năm trước trong chuyến khảo sát ở Quảng Nam với bác, nhạc sĩ VĐSB cũng được Sở Du lịch mời đi cùng như một chuyên gia văn hóa địa phương, và nhiều hơn là một người am hiểu và yêu quê đất Quảng. Nhưng thật tiếc, cơ bản ngày đó với tôi mà nói, đấy là cuộc gặp gỡ không thành. Tình cảm của tôi với xứ Quảng lại nằm ở cách tôi đọc cuộc đời Bùi Giáng. Phải chi ngày đó tôi đã nghe đã cảm những "Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang", ''Thu, hát cho người''...như những ngày tháng tuổi trung niên sau này, hẳn sẽ là một gặp gỡ khác...
Giữa thu vàng, bên đồi sim trái chín
Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay
Tôi luôn hình dung đồi sim và tuổi thơ ấy như khi đọc ''Anh lùa bò vào đồi sim trái chín'' của Bùi Giáng. Lá rơi có dội ở trong sương mù...
Mười năm như mộng, bạn hữu người gần kẻ xa, gặp như không gặp, không gặp như gặp cũng đều đã trải qua. Điều xa vắng nhất với một nhân cách sống động truyền cảm hứng là những điều không dùng lời lẽ để diễn tả; lại nằm trong những gặp gỡ chìm nổi trong nhịp ngày thường. Niềm tiếc nhớ hay nằm ở vu vơ, những gì nói được cũng vẫn không hơn những gì đã nói.
(2010) - Tốt khốc
Cháu hơn hai mươi thì bác đà sáu mươi. Sự tự tại ở đời của bác dạy cháu làm người cứng cáp từ ngày ấy. Biết tự trọng, biết làm việc và đã rong chơi hào sảng.
Cháu sẽ nhớ những lần dọc ngang đất nước cùng bác. Những chuyến tàu đêm và những ván cờ trong các ga xép lúc chờ tàu năm nào.
Bọn cháu từng nói chuyện với nhau và đều nhận rõ qua cách cư xử, bác dạy chúng cháu biết tôn trọng, quan tâm và nâng đỡ từ những người bất kỳ xung quanh ta. Theo được tài năng của bác đã khó, theo được đức độ lượng của bác thì cũng đủ để suốt cuộc đời chúng cháu gian nan tự răn mình.
Cháu hiểu xuất xử của bác mà chưa làm được như bác. Nhờ bác cháu thấy xuất xử của mình không lơ láo trong đời.
Cháu ngày càng thấm thía những điều không thể nói, không thể sẻ chia trong những nghiệm sinh riêng tư. Tự mình mình biết tự mình mình hay. Mất đi một người mà mình tin là họ cũng cảm nhận được điều đó trong ta là gần như mất đi tất cả những gì mình coi trọng.
Cháu đã đọc cuốn sách ấy rồi. Niềm an ủi là bác đã thích cuốn sách cuối cùng cháu tặng bác. Cháu tin nó đã an ủi bác rất nhiều. Có lẽ không gì dành cho bác hợp hơn những dòng bi minh đó:
Sống trên cây
Luôn yêu thương quả đất
Bay về trời...
Một lần nữa bác lại khiến cháu thấy mình phải đối diện với câu hỏi về cuộc đời mình, nguyên vẹn như những năm tháng tuổi hai mươi kia.

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

We hope for the best, but prepare for the worst

(Ghi chép về loạt bài ''Thế giới hậu COVID-19'' của Ts. Hoàng Anh Tuấn trên tuanvietnam)

- COVID-19 là thảm họa y tế cộng đồng quy mô toàn cầu lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến. Do tác nhân của toàn cầu hóa. Sau đây toàn cầu hóa sẽ thay đổi sâu sắc.
- Đại dịch có sức tàn phá hủy diệt hơn bất cứ một khủng hoảng, thảm họa hay bất kỳ một cuộc chiến nào: hàng chục ngàn tỷ USD và còn tiếp tục tăng...
- Đây là cuộc chiến chưa từng có giữa nhân loại và virus mà các loại vũ khí truyền thống là vô dụng. Đồng thời con người hiện còn hiểu biết rất hạn chế về nó. Nếu có thắng lợi nào đó thì cũng chỉ là tạm thời. Từ nay để đối phó, sẽ phải sử dụng các biện pháp mạnh tay, đặc biệt và khác thường.

- Thế giới chưa sẵn sàng cho các kịch bản khác nhau của đại dịch. Nhiều quốc gia chưa có phương án nào cả với vấn đề có tính toàn cầu này, trong khi mối quan hệ quốc tế là ở tính phụ thuộc lẫn nhau về khả năng phục hồi.
- Có 3 kịch bản về đại dịch COVID-19: tốt nhất thì sau tháng 6/2020 sẽ khống chế được để quay lại hồi phục. Tệ nhất là mất kiểm soát toàn cầu, số ca nhiễm và số người chết vẫn duy trì đều đặn ở mức rất cao - thế giới rơi vào tình trạng bất động kéo dài; hệ thống y tế ở hàng loạt quốc gia thất thủ. Hậu quả vô cùng bi đát, phát triển của thế giới bị kéo lùi cả thập kỷ đi kèm nghèo đói, bệnh tật và bạo lực hoành hoành dữ dội, không chừa bất cứ nước nào và bất cứ khu vực nào.
- Khả dĩ hơn cả là kịch bản COVID-19 cơ bản được khống chế, nhưng vẫn tiếp tục lây lan ở mức độ thấp ở nhiều quốc gia và trên phạm vi toàn cầu từ 1 đến 3 năm cho đến khi có thuốc đặc hiệu để có thể sống chung với dịch bệnh như cúm mùa. Các hoạt động trong xã hội, giao lưu giữa các quốc gia chưa thể khôi phục ở mức bình thường, chỉ duy trì ở mức tối thiểu. Kinh tế thế giới bước vào giai đoạn suy trầm; tình hình trở thành khủng hoảng toàn diện lan sang kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội...Nguy cơ xuất hiện một cuộc đại suy thoái trong vòng một thế kỷ.

Một hình dung về thế giới sau đại dịch:
- Sớm xuất hiện chiến dịch dân sự lớn chưa từng có trên phạm vi toàn cầu, các hành động pháp lý truy tìm nguồn gốc, nguyên nhân, đánh giá quy trình chống dịch. Từ đó dẫn đến các chuyển dịch địa chính trị, địa chiến lược quan trọng, cũng như hình thành các liên minh, tập hợp lực lượng mới ở phạm vi khu vực và toàn cầu.
- Sự tăng tốc cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị trên toàn cầu. Chạy đua thoát dịch để phục hồi trước của siêu cường. Áp đặt điều chỉnh của các quốc gia lên các đại công ty; thay đổi nhận thức về ''kịch bản toàn cầu hóa mới 2.0'': xuất hiện làn sóng dịch chuyển, sắp xếp lại lớn nhất với tốc độ nhanh nhất về đầu tư, sản xuất, thương mại, cung ứng, hậu cần, dịch vụ...là những nhân tố cấu thành ''nền kinh tế chuỗi''. ''Toàn cầu hóa 1.0'' bị xem là lỗi thời, không còn phục vụ hoặc phù hợp lợi ích của Mỹ và phương Tây nữa.
- Liên kết, và hội nhập sẽ được tiến hành thận trọng và có kiểm soát. Xu hướng ''phi TQ''. Khả năng tự cung tự cấp để quốc gia có khả năng sống sót biệt lập từ 3 tháng đến 3 năm; không phụ thuộc nguồn cung của nước khác.
- Sự lên ngôi của Chủ nghĩa dân tộc/Chủ nghĩa hiện thực và bước thụt lùi của Quản trị toàn cầu/Chủ nghĩa tự do. Vai trò các quốc gia nổi lên và không thể thay thế. Mỹ giảm vai trò quản trị toàn cầu.
- Sự ra đời của hàng loạt quy định, luật lệ ở cấp quốc gia, khu vực, cũng như toàn cầu để điều chỉnh hành vi ứng xử của người dân. Người dân phải hy sinh, chấp nhận hạn chế tự do cá nhân và điều chỉnh hành vi của mình trong bối cảnh mới.
- Những cách làm mới, dịch vụ mớim ngành nghề mới sẽ có phát triển vượt bậc. CP điện tử tăng nhanh cùng các loại hình điện tử, trực tuyến cùng sự suy giảm của các trung tâm TM lớn.
- Các quốc gia sẽ phải xây dựng hệ thống ''phòng vệ quốc gia về y tế và dịch tễ''. Hoạch định chính sách sẽ là ''tam dụng'': dân sự, y tế cộng đồng, quân sự.
- ''Chiến tranh lạnh mới 2.0'' giữa Mỹ và TQ, phân chia thế giới thành 2 chiến tuyến. Làm cho TQ khốn đốn nhất có thể.
- Kinh tế toàn cầu khốn đốn. Xuất khẩu nguyên nhiên liệu, nông sản, hàng hóa thành phẩm...cũng khó còn được xem là cứu cánh cho nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Các gói cứu trợ là Vay nợ tương lai, tất yếu tăng gánh nợ, kéo chậm tăng trưởng, tăng nguy cơ phá sản.