Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2020

niềm tiếc nhớ hay nằm ở vu vơ

1.
Vốn thử nghiêm túc tìm hiểu một chút, tưởng tìm được câu trả lời tốt thì hóa ra lại tìm được nhiều hơn câu hỏi mới.
2.
Hành động đặc thù cho tình huống đặc thù: đợt giãn cách xã hội vì dịch bệnh vừa qua, tôi bỏ xó điện thoại luôn vài tuần. Thực tế rồi mọi thứ cũng tự điều tiết được hết. Trên Fb nghe thì ồn ào thế chứ cái vòng xã hội bạn bè bé tí, mọi thứ lao xao như bão trong tách trà thị dân thôi. Vứt béng mọi thứ đi, làm khác đi, thoát ra khỏi vòng an toàn để còn có thể thấy điều KHÁC, để còn tự biết mình đang thế nào cũng là điều hay.
3.
Ngày xưa bác có cái phong cách nhất quyết không dùng di động. Ai cần thì tìm, ai biết sẽ tìm được, ai chịu được thì chơi. Năm nay bác mất đã tròn 10 năm. Có những điều gặp gỡ gián tiếp lại hay. Chẳng phải bài thơ là để truyền thông những điều vốn cách nói năng ngày thường không thể diễn đạt được? Như đọc sách có thể cho ta cảm giác gần gũi với người xưa, người xa như thầy như bạn.
Nhưng cũng có rất nhiều điều nằm trong cõi bất khả nghĩ bàn mà phải gặp gỡ nhau tay bắt mặt mừng mới thông đạt được. Như uống bia với nhau một trận say mèm, chả nói cái gì ra hồn nhưng thực tế lại là đàm tâm luận tính, củng cố cùng nhau vài điều sơ tâm xưa cũ
18 năm trước trong chuyến khảo sát ở Quảng Nam với bác, nhạc sĩ VĐSB cũng được Sở Du lịch mời đi cùng như một chuyên gia văn hóa địa phương, và nhiều hơn là một người am hiểu và yêu quê đất Quảng. Nhưng thật tiếc, cơ bản ngày đó với tôi mà nói, đấy là cuộc gặp gỡ không thành. Tình cảm của tôi với xứ Quảng lại nằm ở cách tôi đọc cuộc đời Bùi Giáng. Phải chi ngày đó tôi đã nghe đã cảm những "Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang", ''Thu, hát cho người''...như những ngày tháng tuổi trung niên sau này, hẳn sẽ là một gặp gỡ khác...
Giữa thu vàng, bên đồi sim trái chín
Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay
Tôi luôn hình dung đồi sim và tuổi thơ ấy như khi đọc ''Anh lùa bò vào đồi sim trái chín'' của Bùi Giáng. Lá rơi có dội ở trong sương mù...
Mười năm như mộng, bạn hữu người gần kẻ xa, gặp như không gặp, không gặp như gặp cũng đều đã trải qua. Điều xa vắng nhất với một nhân cách sống động truyền cảm hứng là những điều không dùng lời lẽ để diễn tả; lại nằm trong những gặp gỡ chìm nổi trong nhịp ngày thường. Niềm tiếc nhớ hay nằm ở vu vơ, những gì nói được cũng vẫn không hơn những gì đã nói.
(2010) - Tốt khốc
Cháu hơn hai mươi thì bác đà sáu mươi. Sự tự tại ở đời của bác dạy cháu làm người cứng cáp từ ngày ấy. Biết tự trọng, biết làm việc và đã rong chơi hào sảng.
Cháu sẽ nhớ những lần dọc ngang đất nước cùng bác. Những chuyến tàu đêm và những ván cờ trong các ga xép lúc chờ tàu năm nào.
Bọn cháu từng nói chuyện với nhau và đều nhận rõ qua cách cư xử, bác dạy chúng cháu biết tôn trọng, quan tâm và nâng đỡ từ những người bất kỳ xung quanh ta. Theo được tài năng của bác đã khó, theo được đức độ lượng của bác thì cũng đủ để suốt cuộc đời chúng cháu gian nan tự răn mình.
Cháu hiểu xuất xử của bác mà chưa làm được như bác. Nhờ bác cháu thấy xuất xử của mình không lơ láo trong đời.
Cháu ngày càng thấm thía những điều không thể nói, không thể sẻ chia trong những nghiệm sinh riêng tư. Tự mình mình biết tự mình mình hay. Mất đi một người mà mình tin là họ cũng cảm nhận được điều đó trong ta là gần như mất đi tất cả những gì mình coi trọng.
Cháu đã đọc cuốn sách ấy rồi. Niềm an ủi là bác đã thích cuốn sách cuối cùng cháu tặng bác. Cháu tin nó đã an ủi bác rất nhiều. Có lẽ không gì dành cho bác hợp hơn những dòng bi minh đó:
Sống trên cây
Luôn yêu thương quả đất
Bay về trời...
Một lần nữa bác lại khiến cháu thấy mình phải đối diện với câu hỏi về cuộc đời mình, nguyên vẹn như những năm tháng tuổi hai mươi kia.

Không có nhận xét nào: