Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

Một số thông tin về ruộng đất của nông dân thời Tây Tấn đến Đường (theo Sử Trung quốc, Nguyễn Hiến Lê)

- Thời Tây Tấn dẹp xong Đông Ngô nước rất nghèo, dân ít mà ruộng hoang nhiều, chính sách triều đình là khuyến khích nông nghiệp: đàn ông từ 16 đến 30 tuổi được mỗi người 70 mẫu ruộng, ngoài ra còn làm 50 mẫu để đóng địa tô cho triều đình; đàn bà được 30 mẫu và 20 mẫu làm địa tô. Như vậy địa tô rất nặng, khoảng 60%, tuy là khuyến khích mà thực ra chỉ là bóc lột.

Theo đoạn sau thì đại khái 40 mẫu là bằng khoảng 20ha. Suy ra ở đoạn trên mỗi nhà tính vớ vẩn 1 đôi vợ chồng phải canh tác trên diện tích 170 mẫu đất, tức là khoảng 85ha đất ruộng (hẳn chủ yếu là ruộng cạn Trung nguyên và vùng phía Bắc, dưới mạn Đông Ngô mới có lúa nước?). Trong đó 40ha là trồng cấy để nộp địa tô cho triều đình. Thế thì cả đời chỉ cắm mặt vào làm nông cũng chả mong ngóc đầu lên được. Đáng tiếc tôi chưa tìm được tư liệu nào phân tích kĩ hơn về năng suất lao động của thời kỳ đó để đánh giá. Tuy nhiên về sau tôi sẽ dẫn Pierre Gourou phân tích đồng bằng châu thổ Bắc Kỳ làm so sánh tương đối. Nếu trồng cấy mà dễ như châu thổ sông Cửu Long thì sẽ còn khả dĩ. Trong việc nghiên cứu đời sống xã hội phong kiến, phép phân tích ruộng đất và năng suất lao động mà làm được sẽ có hình dung rất tốt về thời đại đó.
- Thời Bắc Ngụy theo phép tỉnh điền, chia mỗi trai tráng 40 mẫu ruộng (khoảng 20ha) và 20 mẫu trồng dâu. Tính ra cũng đại khái mỗi đinh canh tác 30ha đất.
- Nhà Đường theo chính sách quân điền từ thời Bắc Triều, Tùy; mỗi tráng đinh được phát một số ruộng (nhiều ít tùy miền và tùy triều đại), không được bán, khi già không làm được nữa hoặc chết trả lại cho triều đình để cấp lại cho người khác; ngoài ra được giữ một số (thường là 20 mẫu thời đó) gọi là ''vĩnh nghiệp'' làm của riêng, có quyền được bán (có sách nói không được bán). Họ phải đóng thuế nhẹ thôi, được giữ một số lúa, vải lụa đủ ăn, đủ mặc, nhưng tráng đinh mỗi năm phải làm xâu ba mươi ngày và đi quân dịch một tháng.
Như vậy có thể thấy đến tận đầu thế kỷ 20 ở Bắc Kỳ việc phân chia ruộng đất cơ bản giống cách phân chia quân điền của nhà Đường: dân vừa có ruộng riêng (bị giới hạn) và vừa có ruộng công bị đánh thuế và phân bổ lại sau một thời gian nhất định. Sự khác biệt mà tôi quan tâm là năng suất lao động và sản lượng lương thực. Vì ruộng đất thời đầu thế kỷ 20 ở Bắc Kỳ cho sản lượng bình quân rất thấp so với ngày nay (từ 1/10 đến 1/2 tùy ước tính và phẩm loại ruộng), nhân công thừa thãi và năng suất lao động quá thấp đến nỗi Pierre Gourou nhận xét là người châu thổ không quan tâm đến sự phung phí sức lao động. Diện tích ruộng đất chia cho mỗi hộ thời đó ở Bắc Kỳ cũng rất ít nếu so với con số bình quân thời Đường ở Trung Hoa. So sánh một chút như vậy để bước đầu hình dung ra cái cơ chế sản xuất và sở hữu ruộng đất đã duy trì tính trạng của làng xã Việt Nam suốt thời kỳ lịch sử trung đại như thế nào. Là cái ý mà tôi đang hình dung cơ bản tại làm hộc máu mà lúc nào cũng chỉ đủ ăn thì còn hơi sức đâu mà thay đổi nên làng xã mới ổn định hàng nghìn năm như thế. Nhưng đến lúc năng suất ruộng đất cao lên, hay khái quát hơn là đô thị hóa xuất hiện thời cận đại thì văn hóa làng biến đổi khẩn trương ngay chứ tôi không tin cái huyền thoại văn hóa làng nước sẽ mãi bất biến như bảo bối giữ nước được.
 
Dân số thời Đường:
 
- Dân số đầu thời Đường là 15 triệu, đời Huyền Tông là 54 triệu, sau loạn An Lộc Sơn chỉ còn 17 triệu. Nhưng con số đó tính theo sổ hộ tịch triều đình lập để thu thuế, cứ mỗi hộ trung bình có 5 người, nhân số hộ với 5 thì được số dân. Nhưng hạng dân có quyền quý được miễn thuế, có hạng bần hàn cũng khỏi phải đóng thuế, lại có hạng lưu vong, có hạng trốn thuế vào ở chùa hoặc làm công trong một đồn điền của một đại điền chủ, những hạng đó đều không được ghi trong hộ tịch, cho nên phép tính trên (nhân số hộ với 5) chỉ cho biết số người phải đóng thuế chứ không phải số dân. Có lẽ từ đời Hán đến đời Đường, những con số về dân số cần nhân gấp 2. (Sử TQ, NHL)

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2020

Nhàn rỗi không sinh nông nổi mà sinh ra sự tầm thường và bệnh tâm lý

 "Phần lớn mọi người, nói một cách đơn giản, đang bị giới hạn. Họ chỉ tìm cách sống cho qua ngày, cho nó hết giờ, trong trạng thái vật vờ, với những thú tận hưởng bị động, chỉ biết nhìn vào mọi thứ: games,TV, v.v. Hoặc là họ dành cả ngày nói chuyện, chủ yếu là về những chuyện vô bổ - việc người ta đến rồi đi, ai đang làm gì v.v, nói về những thứ mà vừa dứt lời là quên luôn được. Họ không có hoài bão gì cho bản thân ngoài việc tiếp tục một ngày nữa làm đúng những gì họ vừa làm hôm nay. Họ qua các giai đoạn của cuộc đời, trải qua theo nghĩa đen vì mọi thứ hầu như không thay đổi trong cuộc đời họ, sống không đạt được gì cả, không ước ao gì cả, không có nổi suy nghĩ của riêng mình nữa chứ là những suy nghĩ sâu sắc. Điều này là thông thường, là số đông, là tiêu biểu. Quả thực, cũng bình thường thôi mà. Chỉ một số ít mới vượt lên cái sự tồn tại lững thững lề mề kia."
Richard Taylor, Restoring Pride.

 

http://tramdoc.vn/tin-tuc/nhan-roi-khong-sinh-nong-noi-ma-sinh-su-tam-thuong-va-benh-tam-ly-nqedrW.html?fbclid=IwAR0AptvwqzIoPaFmMbhBTC4DqL54oDxdIGn68wpYYDLejSiasEA0U9QJgo8

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Chủ nghĩa khuyển nho ở xã hội Trung Quốc đương đại

 

Từ Bôn / Hồ Như Ý dịch
(Từ Bôn là giáo sư ở Saint Mary's College of California, một trong những trí thức cấp tiến nổi tiếng ở Trung Quốc).
Bài viết này trích trong tuyển tập "Nghiên cứu chủ nghĩa toàn trị" viết chung với Lưu Hiểu Ba, Thôi Vệ Bình, , Lý Thận Chi, Từ Hữu Ngư, Phùng Sùng Nghĩa...
(Tất nhiên, bài rất dài nên cũng chỉ là trích đoạn heheeeee )
Nhà văn người Thâm Quyến Vương Tư Tư trong bài viết “Hiện tại chúng ta đang tin vào cái gì” có nói tới câu chuyện về hai người bạn của anh ta. Người bạn thứ nhất cảm thấy rằng hiện tại tay trái của anh ta đều không tin tưởng đối với tay phải, “tay trái gãi ngứa giúp tay phải, tay phải nghĩ, gãi ngứa dễ chịu như vầy, không biết là có dụng ý gì. Tay phải cọ xà phòng tắm giúp tay trái, tay trái nghĩ nghĩ, xoa mạnh như vậy, sau đó là muốn làm gì? Hai tay cùng bê một bát canh nóng, tay trái nghĩ, mình phải bê một mình, không nên dựa vào tay phải, bên tay phải cũng nghĩ y như thế. Kết quả là, làm hại bọn nó phải gồng sức lên gấp đôi”. Người bạn thứ hai “khi con trai anh ta đượ ba bốn tuổi, bèn dạy cho con một bài học vỡ lòng khai sáng: đưá con trai muốn uống nước, anh đưa cho nó một cái cốc. Thằng bé uống canh một ngụm to, bị nóng tới mức phát khóc. Anh ta nói, ai bảo con không thử xem canh có nóng không, cái gì bản thân cũng phải làm thử, ai cũng đừng tin, ngay cả bố ruột cũng đừng tin tưởng." Đây là đều là hai câu chuyện liên quan đến không tin tưởng, một cái là tự chế giễu, một chuyện khác là dạy cho con trai cần học tập để khỏi bị thiệt thân, nó khắc họa một cách sinh động thứ chủ nghĩa khuyển nho mang màu sắc rất Trung Quốc.(1)
Chủ nghĩa khuyển nho hiện đại là một loại hình thái văn hóa xã hội "dùng không tin tưởng để nhằm hợp lý hóa".(2) Biểu hiện triệt để của chủ nghĩa khuyển nho hiện đại là ở chỗ nó thậm chí không tin tưởng rằng có bất kỳ biện pháp nào có thể thay đổi thế giới mà nó không tin tưởng. Chủ nghĩa khuyển nho có một mặt là không cung kính, bất mãn với trật tự thế giới hiện tại, cũng có mặt tiếp nhận hiện thực, nó đem những bất mãn đối với trật tự hiện tại chuyển hóa thành một loại hiểu biết không chối từ, một loại tỉnh táo không phản kháng và một sự tiếp thu không tán đồng, không chấp nhận. Chủ nghĩa khuyển nho cũng tồn tại trong văn hóa đại chúng ở các xã hội hiện đại khác, nhưng tình trạng phổ biến tới mức mà những người bình thường cảm thấy rằng có một cuộc khủng hoảng niềm tin xuất hiện giữa hai bàn tay thì không hề dễ dàng được bắt gặp. Loại khủng hoảng này chỉ là một góc nhỏ núi băng trôi của toàn bộ đời sống chính trị và đạo đức xã hội. Chủ nghĩa khuyển nho trong xã hội Trung Quốc đương đại không chỉ là một loại thái độ nghi ngờ dè chừng đơn thuần, mà là một phương thức cuộc sống được hình thành trong mối quan hệ cụ thể giữa thống trị và kẻ bị thống trị. Chủ nghĩa khuyển nho gắn liền với mối quan hệ giữa kẻ thống trị và kẻ bị trị này, được thể hiện lần lược là quyền uy thứ tư của kẻ bề trên cùng với chủ nghĩa hiện thực của kẻ bề dưới. Sự hình thành và đặc trưng của chúng, là vấn đề được thảo luận trng bài viết này.
1 - Chủ nghĩa khuyển nho và xã hội hậu toàn trị
Ông tổ của chủ nghĩa khuyển nho là Diogenes, một người Hy Lạp sống vào thời kỳ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 4, triết học của ông ta - phản đối lại tác phong xã hội và triết học phô trương vào lúc đương thời, dùng hành động mà không phải là lý luận để cho cả thế giới thấy được triết học nghèo khổ của ông ta. Nhằm chứng minh rằng những nhu cầu của con người với vật chất trần thế càng ít thì càng tự do, ông ta sinh hoạt trong một chiếc thùng, dùng nhu cầu sinh tồn thấp nhất để sinh hoạt. Người Athens do vậy gọi ông ta là "khuyển". Dùng kiêng nhịn bản thân để lên án hành vi quyền lực quá độ của người đời, đưa chủ nghĩa khuyển nho trở thành một loại châm biếm xã hội và triết học phê phán. Chủ nghĩa khuyển nho cổ đại có ba khuynh hướng, một là lối sống tùy tiện thỏa mãn gặp đâu vui đó không dục vọng, hai là không tin tưởng bất kỳ giá trị hiện hữu nào, ba là châm biếm mỉa mai đầy kịch tính. Bắt đầu từ thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên trở đi, chủ nghĩa khuyển nho bắt đầu phân hóa thành chủ nghĩa khuyển nho của kẻ bề trên và kẻ bị trị. Đối với kẻ chiếu dưới tức những người bình thường mà nói, chủ nghĩa khuyển nho là một loại phương thức cuộc sống nỗ lực sinh tồn và phát tiết tức giận của bất cứ người nào. Giống như D. R. Dudley đã nói: "Chủ nghĩa khuyển nho là kẻ dọn đường, con đường mà bọn họ trải xuống, bất luận thế gian thay đổi ra sao, cuộc sống vẫn là luôn tiếp tục." (3) Những kẻ bị trị khi đối mặt với bất công của xã hội cũng như những kẻ mạnh có thế lực thì không có được sức mạnh và thủ đoạn phản kháng công khai, châm biếm và hoài nghi thế giới thực tại trở thành hình thức chủ yếu để họ phát tiết phẫn nộ.
Đối với những kẻ bề trên tức là tầng lớp quyền quý tinh anh, chủ nghĩa khuyển nho lại là một thủ đoạn nhằm đối phó với dân thường. Nhà triết học theo chủ nghĩa hưởng lạc ở thế kỷ 3 trước Công Nguyên Theodorus đã bắt đầu tinh anh hóa và quyền thế hóa chủ nghĩa khuyển nho. Theodorus là quý tộc của Cyrene, Libya ngày nay, là đại diện cho trường phái triết học chủ nghĩa hưởng lạc. Mặc dù chủ nghĩa hưởng lạc và chủ nghĩa khuyển nho đối đầu nhau về vấn đề hưởng lạc vật chất, nhưng lại đều khinh thường các giá trị hiện hữu (chủ nghĩa hưởng lạc cho rằng không hiểu rõ về hưởng lạc, chủ nghĩa khuyển nho cho rằng quá mức chìm đắm hưởng lạc), bởi vậy đã xuất hiện khả năng gắn kết. Giống với Diogenes thành Sinope, Theodorus nhấn mạnh sự khác biệt giữa trí giả và người thường, nhưng ông ta càng nhấn mạnh rằng trí giả có quyền lực sắp đặt quy tắc đặc biệt theo cá nhân họ về trò chơi. Trí giả là người khôn ngoan biết thỏa mãn, những tiêu chuẩn quy phạm của bọn ngu ngốc hoàn toàn không thích hợp với trí giả, cuộc sống hoàn toàn không có bất kỳ tài sản sở hữu là điều tốt với những kẻ ngu ngốc, nhưng đối với trí giả "chúng tôi" lại chưa chắc đã là như thế. Trí giả không hề tin rằng cuộc sống quá mức khắc khổ có chỗ tốt nào, nhưng lối suy nghĩ "sống một cuộc sống khắc khổ" lại có thể giúp cho những kẻ ngu ngốc an phận.(4) Bắt đầu từ Theodorus, chủ nghĩa khuyển nho của kẻ trí giả đã trở thành tiêu chuẩn kép cho giới tinh hoa quyền lực, nói một đàng làm một nẻo, trở thành chiêu bài chính trị đem người bình thường xem là kẻ ngu ngốc để kiểm soát.
Trong xã hội hiện đại, những liên hệ phân tầng lẫn nhau giữa tầng lớp trên và dưới của chủ nghĩa khuyển nho càng phức tạp. Sự phân hóa đối với các lĩnh vực trong xã hội hiện đại cũng như tự thiết lập tiêu chuẩn về lĩnh vực xã hội càng đưa tới sự xung đột về tiêu chuẩn, quy phạm đạo đức giữa chính trị quyền lực và cuộc sống hàng ngày của người dân. Khoảng cách giữa những lý tưởng chính trị đường hoàng cao siêu cùng với biểu hiện chính trị đáng thất vọng dẫn tới người dân bình thường kính sợ và rời xa đối với chính trị, thậm chí càng xem đó là nghề nghiệp không có đạo đức. Người dân trong xã hội hiện đại rất lạnh nhạt đối với chính trị, chủ nghĩa khuyển nho của họ luôn bao hàm một loại thái độ như T. Bewes đã nói là "cao quý, thăng hoa giá trị", nó luôn luôn là "đem tính trừu tượng của chân lý và giá trị thật sự nhìn một cách quan trọng hơn nhiều so với hành động và sức tưởng tượng vốn được đức tính tốt đẹp của chính trị nhấn mạnh". (5) Chủ nghĩa khuyển nho đại chúng được sản sinh từ ý thức đạo đức bị đè nén của bản thân người dân là một loại phản kháng và bất mãn của người dân trước sự bất lực của bản thân họ trước lý luận chính trị vị lợi hiện đại. Kể cả khi họ cảm thấy lực bất tòng tâm như thế nào, xét cho cùng chủ nghĩa khuyển nho đại chúng cũng cho thấy một loại ý thức độc lập của tự chính họ.
Không phải tất cả mọi xã hội hiện đại đều có sự tồn tại của chủ nghĩa khuyển nho đại chúng. Trong xã hội toàn trị hiện đại với sự kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả, chủ nghĩa khuyển nho về cơ bản là không thể tồn tại, bởi vì tuyệt đại đa số người dân sinh sống dưới trạng thái bắt buộc phải tin tưởng. Sự thống trị thật sự có hiệu quả của ý thức hệ chính thống, không chỉ là biểu hiện ở việc dập tắt tư tưởng dị đoan, mà còn biểu hiện ở chỗ nó diệt sát hết tất cả mọi không gian có thể sản sinh ra tư tưởng dị đoan. Lý thuyết xã hội đại chúng với dựa trên kinh nghiệm về chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa Stalin trong thế kỷ 20, chúng nhấn mạnh chính là tính hữu hiệu tuyệt đối của sự thống trị ý thức hệ toàn trị đối với tư tưởng đại chúng. "Đại chúng" trong xã hội toàn trị không chỉ là đại đa số người dân, mà còn là trạng thái quần chúng cách ly, cô lập lẫn nhau. Đại chúng người dân dưới thể chế toàn trị không nhừng gặp phải những khích lệ từ các phong trào chính trị, không ngừng nằm trong trạng thái được động viên, từ đó tập hợp thành "quần chúng", nói một cách chính xác hơn, là "quần chúng cách mạng". Dưới chế độ toàn trị, lực lượng có tầm quan trọng then chốt đối với quần chúng là một chính đảng đại chúng thực thi chính trị chuyên chế. Giống như nhà chính trị học người Pháp Clade Fort đã nói, "Chính đảng đại chúng là công cụ tuyệt vời của chủ nghĩa toàn trị, quốc gia và xã hội dư luận bởi vì nó mà trở thành nhất thể. Mỗi một dịp công khai ở địa điểm công cộng, đảng đều sẽ thể hiện ra nguyên tắc quyền lực; nó tuyên truyền ra một loại quy phạm phổ biến nào đó, làm cho quy phạm này có vẻ như xuất phát từ chính bản thân xã hội." (6) Xã hội đại chúng liên tục ở trong trạng thái "mệnh lệnh hành động tích cực", từ đó hình thành nên xã hội đại chúng một cách chỉnh thể tuyệt đối.

Meditations - Suy tưởng, M.A

 

"Tôi muốn chia sẻ với bạn một điều mang đến cho tôi niềm an ủi không nhỏ, hi vọng rằng nó cũng có hiệu quả như thế với bạn. Trên đường tôi từ châu Á trở về, khi đi từ Aegina đến Megara, tôi chăm chú nhìn vùng đất mà chúng tôi đi qua. Aegina ở sau lưng tôi, còn Megara thì ở trước mặt, Piraeus ở bên mạn phải, Corinth thì phía cửa tàu. Những thành phố ngày xưa phồn vinh là thế, mà nay tàn tạ trong hoang phế trước mắt tôi - và tôi tự nhủ, "Chao ôi!...và này, Servius, mi sẽ không kìm chế nỗi đau mà nhớ lại rằng mi sinh ra là người có sinh có tử chứ?". Tin tôi đi, ý nghĩ ấy là niềm an ủi không nhỏ cho tôi..."
(Thư của luật gia La Mã là Servius Sulpicius viết cho Cicero nhân cái chết của người con gái ông này. Trích Meditations - Suy tưởng, M.A).
Điều làm cho độc giả ngày nay thấy đồng cảm gần gũi với những ghi chép cá nhân từ hàng ngàn năm trước có thể còn đến từ giọng điệu thân cận với người đương thời qua văn phong có phần chủ quan của dịch giả? Nhưng như trong phần Lời giới thiệu về cuốn sách đã viết, "...có một giọng buồn buồn xuyên suốt tác phẩm và người ta chỉ có thể gọi tên nó là điệu buồn Vergil", chúng ta, những độc giả ngày nay có lẽ đang xao xuyến với điệu buồn của văn phong nhật kí cá nhân người cổ đại. Và còn phải tách rời ra những gì là ảnh hưởng của ánh hào quang lẫn trong sương mù quá khứ hương xa của ngôi vị hoàng đế đế quốc La Mã của M.A. Thật dễ chịu khi nghĩ rằng chúng ta đồng cảm với ngài ấy, chứ không phải ai khác, với cái tên có âm hưởng La tinh ấy - thật oách.
Những xao xuyến đồng cảm để khơi nguồn suy tư dù thật đẹp, nhưng không thể dễ dãi đắm chìm trong đó. Cũng giống như chính M.A đã viết "Trí tuệ là người cai quản linh hồn. Nó nên giữ yên không bị rung chuyển bởi những rung động của xác thịt - dù êm dịu hay mãnh liệt. Không bị trộn lẫn vào, mà rào ngăn riêng nó ra khỏi những cảm giác, giữ chúng ở nguyên chỗ của chúng. Đừng cố cưỡng lại những cảm giác khi chúng tìm cách len vào suy nghĩ của anh, thông qua mối quan hệ đồng tình giữa trí tuệ và thể xác. Cảm giác là tự nhiên. Nhưng đừng để trí óc bắt đầu dùng lí lẽ mà bảo nó "tốt"hay "xấu". (Suy tưởng, Q5.26; M.A; Tiết Thái Hùng dịch).
Chép lại đôi dòng ngẫu nhĩ của cổ nhân an ủi nhau hòng an ủi nhau trước mỗi khúc quanh đời người. Dù vẫn biết, khổ đau là một điều gì đó rất riêng tư không thể tùy tiện nghĩ bàn

George Lakoff và Mark Johnson; Chúng ta sống bằng ẩn dụ

 

Ẩn dụ định vị là cách tổ chức hệ thống các ý niệm tương liên với nhau và có liên quan đến việc định hướng không gian: lên-xuống, trong-ngoài, trước-sau...Ẩn dụ định vị đưa đến các ý niệm về cách định vị không gian. (Theo George Lakoff và Mark Johnson; Chúng ta sống bằng ẩn dụ). Thử dò vết trong diễn đạt ngôn ngữ ngày thường:
- Vui vẻ thì hướng lên: (Hôm nay tôi cảm thấy lâng lâng)
- Niềm vui thì hướng lên; nỗi buồn thì hướng xuống: (Điều này nâng tinh thần tôi lên), (Tôi bị ngã lòng)
- Ý thức thì hướng lên; vô thức thì hướng xuống: (Thức dậy, tỉnh dậy), (anh ta chìm vào giấc ngủ, chìm vào hôn mê)
- Niềm vui và sự sống thì hướng lên; bệnh tật và chết chóc thì hướng xuống: (anh ta đang ở đỉnh cao của sức khỏe), (anh ta gục chết, sức khỏe suy sụp)
- Nắm giữ quyền lực thì hướng lên; bị khống chế thì hướng xuống: (Tôi khống chế được tình huống), (anh ta giữ vị trí cao hơn), (quyền lực của hắn rơi xuống), (hắn là kẻ thấp kém trong xã hội)...
- Nhiều thì hướng lên; ít thì hướng xuống: (số lượng sách xb tăng lên), (tuổi của anh ấy dưới mức giới hạn)...
- Sự kiện tương lai tiên liệu được thì hướng lên (và hướng về phía trước): (Tôi quan ngại điều sắp xảy ra phía trước)
- Tốt thì hướng lên; xấu thì hướng xuống: (Mọi việc trông có vẻ đang lên), (mọi việc đang đi xuống)...
- Phẩm hạnh thì hướng lên; đồi bại thì hướng xuống: (anh ấy có tấm lòng cao quý); (Đó là việc thấp hèn)
- Lý trí thì hướng lên; cảm xúc thì hướng xuống: (Cuộc thảo luận rơi vào thang độ cảm xúc nhưng tôi đã kịp nâng nó quay lại mức độ lí trí), (Anh ấy không vượt lên được cảm xúc của mình)
Các ẩn dụ định vị có cơ sở trải nghiệm thực tế của thân thể, văn hóa xã hội...của nó. NHƯNG KHÔNG PHẢI LÚC NÀO Ý NIỆM CŨNG TƯƠNG HỢP VỚI TRẢI NGHIỆM CƠ SỞ VÀ DO VẬY NẾU KHÔNG XEM XÉT KĨ, CHÍNH CÁCH CHÚNG TA DÙNG ẨN DỤ SẼ CHI PHỐI PHƯƠNG THỨC TƯ DUY VÀ NỘI DUNG PHÁN ĐOÁN CỦA CHÚNG TA.
Ẩn dụ định vị là có cơ sở nhưng mối quan hệ của nó không phải là một song ánh. Các giá trị trừu tượng không neo vào hệ định vị không gian, chỉ là trong không gian, thường thì sẽ như thế. Nhưng nếu không nhìn rõ mối quan hệ, tư tưởng sẽ theo lối võ đoán ngoại suy lấy ẩn dụ định vị làm khuôn thước.
Ví dụ về ẩn dụ không tương hợp: KHÔNG BIẾT THÌ HƯỚNG LÊN; BIẾT THÌ HƯỚNG XUỐNG. Ví dụ:
- Việc đó vẫn còn lơ lửng
- Vấn đề này đã ổn
KHÔNG BIẾT THÌ HƯỚNG LÊN là không tương hợp với TỐT THÌ HƯỚNG LÊN và KẾT THÚC THÌ HƯỚNG LÊN (I'm finished UP).
Như vậy rõ ràng là ý thức và cả tiềm thức về hệ giá trị của các ý niệm gán với ẩn dụ định vị kiểu LÊN-XUỐNG, TRÊN-DƯỚI. Việc mặc nhiên xem bản đồ hướng Bắc là duy nhất, rồi thấy mối quan hệ vùng địa lý thành hệ quy ước TRÊN-DƯỚI sẽ ảnh hưởng đến phán đoán giá trị của ta lúc nào không hay.
Thêm một điểm đáng ngạc nhiên là hầu hết các ví dụ trong tiếng Anh đều dịch tương đương được sang tiếng Việt. Tức là các ví dụ ngôn ngữ sử dụng ẩn dụ đều có độ phổ quát cao (có lẽ gắn với trải nghiệm thân thể và xã hội của con người cơ bản cũng có tính phổ quát cao). Câu chuyện tương tự có trong cuốn Ngôn ngữ bị lãng quên, của Erich Fromm. Theo đó ngôn ngữ tượng trưng có 1 loại là tượng trưng phổ biến gắn với các kinh nghiệm thân thể phổ quát. Fromm dùng ngôn ngữ tượng trưng phổ biến làm cơ sở nghiên cứu đặc điểm của ngôn ngữ giấc mơ, thần thoại, đồng dao và kinh điển tôn giáo.

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Còn ai đến bên đời

 Hồi xưa, tức là khoảng từ hơn mười năm trước trở lên, thỉnh thoảng sẽ có một người bạn tìm đến với mình để chia sẻ về những điều thật riêng tư, những loay hoay nghi ngờ của họ. Không hẳn họ tìm thấy điều gì đó sâu xa hơn ở mình mà chỉ đơn giản họ thấy mình luôn giữ được ứng xử chuyên chú với những mối bận tâm kiểu đó của cá nhân mình. Theo thời gian chúng ta trải nghiệm nhiều hơn, già đi và nhận ra rằng việc tìm kiếm lời khuyên bảo từ ai đó phần lớn là tuyệt đối vô ích. Đời thường trải rộng ra hơn nhưng thiếu dần đi bề sâu mông lung của tự vấn. Mấy ai còn giữ được sơ tâm vấn đạo, dò hỏi về sự hiện hữu của cuộc đời mình nữa. Thay vào đó là sự hợp lí hóa. Người ta tìm đến nhau chỉ còn vì cần có ai đó chuẩn thuận cho lựa chọn hay trạng thái tâm lí của mình. Ai đó ngồi yên bên cạnh lắng nghe (hoặc tỏ vẻ lắng nghe) và không bày tỏ phán xét, đã là một điều xa xỉ.

Khi loại trừ những kết nối trên mạng xã hội, liệu chúng ta còn quay trở về với tâm thế "bình thường" như trước kia nữa không? E là không. Chúng ta nhận rõ hơn tình trạng thiếu kết nối, mất kết nối liên cá nhân của xã hội hiện đại. Nhưng đồng thời chúng ta cũng nhận rõ hơn dòng thác thông tin rác rưởi của truyền thông làm nhiễu tâm ta đến như thế nào. Góc độ hữu ích đối với chính mình đó là nhận thức rõ ràng về tính công cụ mới mà thời đại mang đến cho chúng ta qua internet nói chung và mạng xã hội nói riêng.

Chúng ta theo đuổi thành công nhưng đó là cuộc đua kiểu kỉ lục Guinness: người ta cứ tìm đại một cái nhất trong bất cứ cái gì có thể quy đồng. Tôi đã gặp được hầu hết những mẫu đại diện của xã hội được coi là thành công: tiền bạc, địa vị xã hội, chính trị hay kinh doanh, nhà tu hành hay nghệ sĩ và triết gia học giả...Tất cả đều chỉ là một sự gắng gượng và hợp lí hóa. Ai cũng có vấn đề của mình, có kiến giải của mình và định kiến của mình. Lâu rồi đời mình cũng qua. Marcus Aurelius đáng trọng vì những suy tư của ông là một phần thì phần còn lại quan trọng hơn là thẩm quyền phán xét những hư ảo của thành tựu xã hội đời thường từ vai trò hoàng đế của Đế quốc. Một người bình phàm như mình khi nói tiền bạc phù du, chính trường bạc bẽo, thương trường nhạt nhẽo...thì chẳng có sức nặng gì mấy và điều đó là có thể hiểu được.

Khi con cái chúng ta đến lứa tuổi vị thành niên thì chúng ta lại càng cảm khái về cuộc đời mình nhiều biết mấy: Tôi vẫn nhớ như in những mường tượng, háo hức và băn khoăn về tương lai cuộc đời sau này của mình. Những phê phán kín đáo nhưng hùng hồn về thế hệ bố mẹ mình. Và bây giờ, khi quan sát lũ trẻ lớn lên, những vòng quay của nhân sinh đang lặp lại, tôi cảm nhận rõ ràng sự bất lực của ngôn từ khi đối diện tham vọng chia sẻ kinh nghiệm sống. Và điều quan trọng hơn là chúng ta đã làm gì với những hoạch định làm người to tát nhưng chân thành ngày xưa của chúng ta? Con cái chúng ta có được bao nhiêu hứng thú với hiện sinh của chúng ta - hay vẫn chỉ là những phê phán và phủ nhận hùng hồn? Tứ thập nhi bất hoặc. Chúng ta không còn hồ nghi nữa nhưng chúng ta hãy còn có thể định nghĩa đời mình. Con người định nghĩa mình qua hành động.

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

Cây xanh trong đô thị

Cây xanh trồng trong khuôn viên trường học là đối tượng cảnh quan cơ bản có đủ các quy chuẩn tiêu chuẩn pháp luật để quản lý. Nếu từ góc độ quản lý cây xanh đô thị, hoàn toàn có thể rà soát quy trình để quy trách nhiệm cũng như đề xuất bổ sung các chế tài cần thiết để đảm bảo an toàn.

Nhưng cây xanh cổ thụ còn có vai trò như một di sản của cộng đồng - nhà nước cũng có quy định về công nhận cây di sản. Những cây cổ thụ vừa là điểm nhấn nổi bật của cảnh quan, vừa là cột mốc neo giữ ký ức cộng đồng. Vì vậy khi nhìn chúng như là di sản cần gìn giữ, người ta sẽ tìm cách khắc phục, bảo tồn chúng để vừa đảm bảo an toàn vừa không đánh mất đi những giá trị văn hóa vật chất cũng như tinh thần của chúng.

Ứng xử vội vã của một số nơi vừa qua phản ánh tâm lí sợ trách nhiệm và ít nghĩ. Dẫu vậy, cũng nên hiểu một thực tế là không phải ở đâu cũng đủ điều kiện để đánh giá chăm sóc cây trồng đúng kĩ thuật. Trường học thường phần nhiều cũng chỉ xoay xở với các khoản kinh phí hạn hẹp; ưu tiên cho cây xanh theo tiêu chuẩn là một thứ xa xỉ.

Nhưng cây xanh đô thị còn có một câu chuyện khác buồn thảm hơn nhiều nếu xét từ điểm nhìn từ nguồn gốc đại ngàn của chúng. Trong cuốn sách ''Đời sống bí ẩn của cây'', Peter Wollerben có hẳn một chương sách nhan đề là ''Những đứa trẻ đường phố'' để ví von về cuộc đời của cây xanh đô thị. Tôi lược ghi lại vài ý hay nhất về loài gỗ đỏ:

Chúng là những đứa trẻ mồ côi khi đem trồng trong đô thị. Thứ quan trọng bị thiếu mất là rừng, hay chính là các họ hàng của chúng. Lớn lên xa gia đình và cha mẹ, không họ hàng, không có trường mẫu giáo đầy tiếng cười (tất nhiên của loài cây), không có gì hết, cả đời chúng sống trong nguy hiểm và cô độc.

Không có khu rừng nguyên sinh cung cấp cho bộ rễ mỏng manh của chúng loại đất mềm, bở, giàu mùn và luôn ẩm ướt. Ở công viên đô thị chỉ có mặt đất cứng, cạn kiệt chất dinh dưỡng và bị nén chặt vì đô thị hóa. Nước mưa sẽ rút đi nhanh quá mức, cây không thể tích tụ được lượng nước để sống qua mùa hè.

Kỹ thuật trồng cây cũng ám ảnh đám cây này suốt cuộc đời còn lại của chúng. Chúng bị giữ sống và quản lí ở vườn ươm trong nhiều năm trước khi được chuyển đến địa điểm cuối cùng. Mỗi mùa thu, rễ của chúng đều bị tỉa bớt để vẫn chen vừa trong giỏ ươm...Bầu rễ - thứ sẽ có đường kính khoảng 6m ở một cây cao khoảng 3m nếu cây ấy được sống theo ý mình, bị cắt chỉ còn khoảng 50cm, và để đảm bảo tán sẽ không héo rũ vì khát do rễ bị tỉa bớt, ngay cả tán cây cũng bị cắt bớt...Thật không may, khi rễ bị xén bớt, kết cấu tương tự như bộ não cũng sẽ cắt đi cùng với những đầu rễ nhạy cảm. Dường như việc can thiệp này khiến cây mất đi cảm giác phương hướng dưới lòng đất. Chúng không mọc rễ cắm xuống đất nữa, thay vào đó, chúng lại hình thành một chiếc đĩa rễ phẳng nằm gần mặt đất, và điều này hạn chế nghiêm trọng khả năng cây kiếm nước và thức ăn.

Mới đầu cây thoải mái với ánh sáng (vì trồng thưa đơn độc) và nước tưới, chúng nhồi nhét bản thân với những món quà vặt giàu đường, quang hợp bao nhiêu tùy thích. Mỗi năm chúng cố phát triển hết tốc lực cho đến lúc hết tuổi ấu thơ, việc chăm sóc trở nên tốn kém và đơn giản là dừng lại. Thân cây to mập như những chiếc bụng phệ vì lớn quá nhanh, tế bào thân cây quá lớn, chứa rất nhiều không khí, do đó dễ bị nhiễm nấm...

Cuối cùng thì cây sẽ có thân mập, lùn với tán lá bên trên. Rễ không cắm sâu hơn 50cm vào chỗ đất bị giẫm đạp nặng nề, hỗ trợ rất ít cho cây...Tán bị tỉa xén nghiêm trọng là cú đánh nặng nề vào bộ rễ - thứ phát triển lên kích thước tối ưu phù hợp cho việc phục vụ những phần nằm trên mặt đất của cây. Nếu có một tỷ lệ lớn các cành bị chặt bỏ khiến mức quang hợp giảm xuống, thì sẽ có một tỷ lệ tương ứng các phần dưới lòng đất của cây bị chết đói. Nấm sẽ thâm nhập vào phần gốc chết - nơi cành bị chặt bỏ và thân cây bị cưa đi. Phần gỗ chứa đầy các túi khí do cây lớn quá nhanh lúc còn non, và thế là nấm được dịp vui vẻ...Chỉ vài thập kỷ - quá nhanh với loài cây sống hàng nghìn năm - phần mục nát bên trong sẽ lộ ra phía ngoài của cây...

Những cây nơi thành thị chính là những đứa trẻ đường phố đối với rừng rậm. Đất cứng vỉa hè khiến chúng tìm đến phần đất xốp sau thi công đường ống - chỉ đường ống mới được sửa chữa - thế là tác động đến đường ống, trở thành vấn đề và bị trừng trị. Khí hậu đô thị có thứ không khí cực kì khô, tràn đầy khí thải...những thứ trong rừng có tác dụng chăm sóc sức khỏe của cây như nấm rễ cộng sinh thì vắng mặt. Những cây xanh nơi đô thị phải tự lo một mình trong điều kiện sống khắc nghiệt nhất. Cây yếu sức rồi sâu bệnh xuất hiện. Cuối cùng thì nỗi căng thẳng mà cây phải chịu đựng nhiều đến mức hầu hết chúng đều chết non (so với tuổi của chúng). Mặc dù cây trong đô thị có thể làm bất cứ điều gì chúng muốn khi còn trẻ, sự tự do này không đủ để bù đắp cho những bất lợi mà chúng phải đối mặt sau đó trong cuộc đời...


Thệ giả như tư phù

...
Mắt em còn mỏi không 8 tiếng nhìn màn hình
Những tối đi về đơn độc, em thấy lòng mình lặng thinh?
Và đừng để đời chỉ là những chuỗi ngày được chấm công
Miệng cười như nắng hạ, nhưng trong lòng thì chớm đông
Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau
Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau
(Đen Vâu)

Mọi người thường nhủ thầm sẽ cố gắng vài năm nữa, rồi sẽ thu xếp cuộc sống theo ý mình, ý nghĩa hay ho hơn. Và sẽ dành thêm thời gian đọc sách. Nhưng có thật thế không, hay điều đó chỉ là một cách hợp lí hóa tình huống hiện trạng, giúp bản thân qua được mỗi từng ngày từng ngày qua?

Đọc để biết thì nói chung biết nhiều cũng có điểm tốt, nhưng nhiều quá thì cũng chưa chắc tốt. Nên hồi trẻ thì đọc càng nhiều càng tốt, đọc cách đọc nữa. Lớn dần lên thì chọn lọc dần hơn. Chọn lọc thế nào thì nên học thông hiểu truyền thông ^^ Vì có thể chọn lọc nên cơ bản có thời gian thì đọc, ít đọc cũng mấy ai nói gì mình, nhất là trong thời đại google này.

Đọc để làm, phục vụ công việc thì không bao giờ thừa. Nhất là góc độ có thể lấy hiệu quả thực tiễn để kiểm nghiệm cái mình đã đọc. Trải nghiệm được từ cái chung đến cái riêng biệt đa dạng của cuộc sống và thế giới. Nhưng không phải công việc nào cũng luôn luôn đòi hỏi quá thường xuyên sự tăng bổ kiến thức nên khi đạt một chuẩn rồi chỉ cần có thời gian thì đọc là được. Chưa đọc chưa chết ai.

Đọc để có thể hiểu người khác, thông cảm và cộng tác được với nhau, và hơn thế, để có thể lịch luyện những tình huống nhân sinh lạ lùng nhất - đọc văn chương là gần với chuyện này nhất. Nhưng con người đến một mức độ nhất định cũng kh
ông dễ mà nhận ra những gì mới mẻ hơn nữa. Cuộc sống phong phú cũng nhiều điều để trực tiếp trải nghiệm nên đọc kiểu này cũng có thời gian đọc là được rồi.

Cả ba kiểu đọc trên đều có điểm chung là hướng ra ngoài, có manh mối cụ thể để nắm bắt và đo đếm. Nhưng còn một kiểu đọc khác không thuộc về phân loại này, đó là đọc như là một hình thức của suy tư.

Đọc để trở thành, để khai phát trong dò dẫm cái khả thể toàn vẹn của nhân tính mình trước/trong Tồn tại. Điệu lối đọc như thể suy tư này có nguồn cơn từ mối bận tâm thường trực của nội tâm - một sự ưu tư vào trong, không liên hệ với những giá trị thực dụng của ngoại giới. Khi diễn giải Luận ngữ, Francoise Jullien có một ghi chú rất hay về sự phân biệt giữa "Ưu" và ''Hoạn". Ưu là nỗi lo lắng nội tâm. Hoạn là nỗi lo xoay xở đến từ cuộc đời, chỉ liên quan đến phúc lợi bên ngoài. Vì như vậy nên suy tư chỉ có và chỉ khởi lên từ mối ưu tư thường trực nội tâm.

Bạn thấy mình không ổn? Chính mối ưu tư đang thúc giục bạn đấy. Bạn có suy tư vậy thì bạn ổn. Bạn bỏ lơ, lấp liếm, tự lừa dối mình trước mối ưu tư thì mới không ổn. Đọc theo điệu lối này không bao giờ là đủ, không thể ngừng nghỉ được. Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ. Đạo không ngưng nghỉ, tồn tại vẫn ở đó nhưng từng bước dò dẫm tìm về, tiến gần hơn đến với tồn tại thì cần sự suy tư không mỏi mệt. Đọc như thế sao chờ nhàn rỗi được? Suy tư sao để vài năm nữa mới suy tư được? Ở đầu kia của sự thiếu vắng suy tư là vô tri. Thoát được vô tri đối với đa số là một may mắn. Nhưng đi ra vô tri là thuyền ngược dòng nước xiết: không tiến được tức là lùi đấy.





Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

Phong cách mỹ thuật đồ họa của các bộ môn thiết kế: công trình, cảnh quan và quy hoạch

Trong triển lãm của sinh viên ĐH Kiến trúc Quốc gia Normandie “Vẽ ghi và gợi tả đặc trưng của một cảnh quan: thành phố Dieppe”, có một điểm vốn tưởng hiển nhiên mà đột nhiên tôi thấy chú ý là các nhà cảnh quan (hay kts) dùng thủ pháp đồ họa phong cách gì để gợi tả lại đặc trưng cảnh quan? Vì cái mà họ rút tỉa ra từ cảnh quan sẽ ảnh hưởng (thậm chí quy định) ngược trở lại giải pháp thiết kế mà họ đề xuất để can thiệp vào cảnh quan. Nhưng rồi chúng ta sẽ thấy vấn đề không đơn giản như thế.
Hầu hết các thủ pháp trình bày có dấu ấn của phong cách kiểu hội họa từ ấn tượng, lãng mạn đến biểu hiện. Tức là những phong cách tuy vẫn dựa vào hiện thực nhưng chú trọng biểu đạt cảm xúc và ý niệm chủ quan của người nhìn (tức là người vẽ lại). Điều này dễ hiểu vì cảnh quan là đối tượng không có ranh giới cũng như luôn biến đổi theo người nhìn: sự thay đổi góc độ, vị trí khi di chuyển trong không gian, thời gian; cũng như việc nhìn thấy cái gì lại là những lựa chọn đầy chủ quan "chịu tác động từ toàn bộ các tiền giả định về nghệ thuật mà họ đã từng được dạy dỗ" (như các tiền giả định về cái đẹp, sự thật, tài năng thiên bẩm, sự khai hóa văn minh, hình thức, địa vị xã hội, khiếu thẩm mỹ...) (John Berger, Những cách thấy, bản dịch của anh NNH, Nxb Thế giới, 2017). Nhưng một đồ án thiết kế cảnh quan lại sẽ có tham vọng tiến tới sự khách quan - một cảnh quan cho cộng đồng nào đó. Vậy làm thế nào để có được sự đồng thuận?
Trong khía cạnh này, có lẽ vấn đề của thiết kế cảnh quan nằm lưng chừng ở giữa 2 điểm mốc là thiết kế công trình và thiết kế quy hoạch.
Người KTS công trình khi hành nghề chuyên nghiệp sẽ sớm nhận ra và hiểu rằng một công trình hình thành trên thực địa là một kết quả hợp tác của ít nhất là những chủ thể chính như chủ nhà, người thiết kế, người thi công, bảo trì và người cấp phép. Một mặt người ta thường so sánh nó với "giấc mơ" đã thành hiện thực của chủ nhà, của kts...nhưng trên thực tế, để thuyết phục, thường nó được trình bày theo lối càng "giống thật" càng tốt (chủ nghĩa hiện thực).
Nhà quy hoạch thì đối diện với vấn đề "nảy sinh từ khi một người nào đó, với những lí lẽ có thể là đúng hoặc sai, cho là cần phải thực hiện hay khuyến khích một hoạt động nhằm biến đổi cách sử dụng mặt bằng để đạt tới "một tình thế được coi là tốt hơn"...Cho nên vấn đề là cách thức lựa chọn của một chủ ý hành động. Quy hoạch là một hành động của quyền lực, một công cụ để ra quyết định chính trị, do đó, "cách thức chọn quyết định, xét cho cùng, có tầm quan trọng lớn hơn nhiều so với bản chất của chính quyết định ấy" (Jean-Paul Lacaze, Các phương pháp QHĐT, Nxb Thế giới, 2002). Hình thức trình bày đồ họa của quy hoạch luôn tỏ ra có tính kỹ thuật hết mức (tuy nó có nhiều đặc điểm của 1 ngành khoa học nhưng nó chưa bao giờ là một khoa học thuần túy).
Trong tình cảnh ấy, có thể hình dung các nhà cảnh quan phải khó khăn thế nào để đạt được sự thừa nhận của xã hội theo nghĩa rộng nhất của nghề. Những khung cảnh luôn vừa hiển nhiên vừa phù du. Vừa của tất cả mọi người vừa chả phải của riêng ai. Những giá trị mà họ theo đuổi lại thất thường theo các giá trị chủ quan. Những ưu tiên mà cảnh quan đề xuất chỉ thỉnh thoảng được chính giới vay mượn ở những chỗ tiện dùng làm điểm nhấn cho chính tích trái ngược với những mong muốn đa cảm của nhà cảnh quan.
Mặc dù vậy, chính phương pháp luận mà bộ môn nghiên cứu cảnh quan đem lại là cái đang cần thiết nhất cho những xã hội như Việt Nam hiện nay. Cái cách người ta trải nghiệm, đo đạc, ghi lại những ấn tượng, giá trị có tính cá nhân...lại là thứ dễ thấu cảm được đến tinh thần của nơi chốn; là cách để một cộng đồng duy trì và lưu giữ ký ức cộng đồng. Những giá trị này hư vô, phiêu miểu, hiện rất khó thể hiện trong các đồ án quy hoạch vì nó không tiện dùng cho nhà quản lí đô thị.
Nhưng chính càng là như vậy, phân tích và am hiểu cảnh quan sẽ là phương cách tốt để khai minh cho xã hội đang trên đà đô thị hóa một cách man rợ. Việc học cảnh quan sẽ làm cầu nối và bổ trợ rất sâu sắc cho cả thiết kế công trình hay quy hoạch đô thị.
(Hình chụp từ một đồ án trong triển lãm)



Làng quê và thành phố

Thiên nhiên và con trẻ luôn là những hoài nhớ huyền hoặc, dai dẳng. Tự sự về một mối liên hệ miên mật với thế giới bằng thứ tinh thần thuần khiết.
Phần lớn thời gian của thị dân sống trong thế giới vật chất và tinh thần trái ngược với huyền thoại kia. Có hẳn những thế hệ từ đầu đến cuối lim dim trong thành phố. Thiên nhiên đồng nhất với những kì nghỉ phép và dịch vụ ướp từ đầu đến chân.
Làng quê thì tù đọng mênh mông, ấu trĩ mà chân thành trên nền bức tranh đầy những mảng màu ấn tượng và tỉ lệ không gian hòa hoãn; thành thị thì ngột ngạt xô bồ, trưởng giả điệu đà một cách ngây ngô thành thực như những khuôn ảnh trên instagram với những hiệu ứng ánh sáng của thủ pháp Kiểu cách (maniera). Thế gian là vào khoảng giữa của những thái cực. Tốt nhất là được không lựa chọn thái cực nào

Avatar

Mượn cái hình này để nói chuyện tâm linh, tín ngưỡng cá nhân. Trong một thảo luận, bạn tôi yêu cầu tôi nói ngắn gọn quan điểm về vấn đề niềm tin ở quỷ thần. Chả gì hợp hơn là mượn câu của thầy Khổng: KÍNH NHI VIỄN CHI. Tôn trọng niềm tin của người khác nhưng không có nhu cầu biết đến quỷ thần.
Những chuyện quái dị, thần bí...cơ bản không nằm trong mối bận tâm tinh thần của tôi. Nên hỏi có hay không với tôi thì trượt. Có thì đã làm sao? Không phải ông bà mình mà cúng tế thì là siểm nịnh. Ý này cũng thầy Khổng nói. Không cầu bên ngoài tự bạn sẽ có thể đạt dần tới tự do; lại có tôn nghiêm cho bản thân.
Nhưng trên khía cạnh đời sống tinh thần, tôi thấy mình vẫn gần với những hành giả. Dù không nghiêm cẩn lắm thì tôi vẫn thích hình tượng vị tu sĩ đang chơi bóng này: tu đấy, chơi trò chơi nhân gian đấy - hết mình. Trong cú ngã quăng rướn người hết sức hết tầm, vui vẻ đầm đìa, dẫu bóng đang vuột đi qua tay thì cũng kệ. Toàn bộ nằm trong sức căng của khoảnh khắc tràn đầy

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2020

niềm tiếc nhớ hay nằm ở vu vơ

1.
Vốn thử nghiêm túc tìm hiểu một chút, tưởng tìm được câu trả lời tốt thì hóa ra lại tìm được nhiều hơn câu hỏi mới.
2.
Hành động đặc thù cho tình huống đặc thù: đợt giãn cách xã hội vì dịch bệnh vừa qua, tôi bỏ xó điện thoại luôn vài tuần. Thực tế rồi mọi thứ cũng tự điều tiết được hết. Trên Fb nghe thì ồn ào thế chứ cái vòng xã hội bạn bè bé tí, mọi thứ lao xao như bão trong tách trà thị dân thôi. Vứt béng mọi thứ đi, làm khác đi, thoát ra khỏi vòng an toàn để còn có thể thấy điều KHÁC, để còn tự biết mình đang thế nào cũng là điều hay.
3.
Ngày xưa bác có cái phong cách nhất quyết không dùng di động. Ai cần thì tìm, ai biết sẽ tìm được, ai chịu được thì chơi. Năm nay bác mất đã tròn 10 năm. Có những điều gặp gỡ gián tiếp lại hay. Chẳng phải bài thơ là để truyền thông những điều vốn cách nói năng ngày thường không thể diễn đạt được? Như đọc sách có thể cho ta cảm giác gần gũi với người xưa, người xa như thầy như bạn.
Nhưng cũng có rất nhiều điều nằm trong cõi bất khả nghĩ bàn mà phải gặp gỡ nhau tay bắt mặt mừng mới thông đạt được. Như uống bia với nhau một trận say mèm, chả nói cái gì ra hồn nhưng thực tế lại là đàm tâm luận tính, củng cố cùng nhau vài điều sơ tâm xưa cũ
18 năm trước trong chuyến khảo sát ở Quảng Nam với bác, nhạc sĩ VĐSB cũng được Sở Du lịch mời đi cùng như một chuyên gia văn hóa địa phương, và nhiều hơn là một người am hiểu và yêu quê đất Quảng. Nhưng thật tiếc, cơ bản ngày đó với tôi mà nói, đấy là cuộc gặp gỡ không thành. Tình cảm của tôi với xứ Quảng lại nằm ở cách tôi đọc cuộc đời Bùi Giáng. Phải chi ngày đó tôi đã nghe đã cảm những "Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang", ''Thu, hát cho người''...như những ngày tháng tuổi trung niên sau này, hẳn sẽ là một gặp gỡ khác...
Giữa thu vàng, bên đồi sim trái chín
Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay
Tôi luôn hình dung đồi sim và tuổi thơ ấy như khi đọc ''Anh lùa bò vào đồi sim trái chín'' của Bùi Giáng. Lá rơi có dội ở trong sương mù...
Mười năm như mộng, bạn hữu người gần kẻ xa, gặp như không gặp, không gặp như gặp cũng đều đã trải qua. Điều xa vắng nhất với một nhân cách sống động truyền cảm hứng là những điều không dùng lời lẽ để diễn tả; lại nằm trong những gặp gỡ chìm nổi trong nhịp ngày thường. Niềm tiếc nhớ hay nằm ở vu vơ, những gì nói được cũng vẫn không hơn những gì đã nói.
(2010) - Tốt khốc
Cháu hơn hai mươi thì bác đà sáu mươi. Sự tự tại ở đời của bác dạy cháu làm người cứng cáp từ ngày ấy. Biết tự trọng, biết làm việc và đã rong chơi hào sảng.
Cháu sẽ nhớ những lần dọc ngang đất nước cùng bác. Những chuyến tàu đêm và những ván cờ trong các ga xép lúc chờ tàu năm nào.
Bọn cháu từng nói chuyện với nhau và đều nhận rõ qua cách cư xử, bác dạy chúng cháu biết tôn trọng, quan tâm và nâng đỡ từ những người bất kỳ xung quanh ta. Theo được tài năng của bác đã khó, theo được đức độ lượng của bác thì cũng đủ để suốt cuộc đời chúng cháu gian nan tự răn mình.
Cháu hiểu xuất xử của bác mà chưa làm được như bác. Nhờ bác cháu thấy xuất xử của mình không lơ láo trong đời.
Cháu ngày càng thấm thía những điều không thể nói, không thể sẻ chia trong những nghiệm sinh riêng tư. Tự mình mình biết tự mình mình hay. Mất đi một người mà mình tin là họ cũng cảm nhận được điều đó trong ta là gần như mất đi tất cả những gì mình coi trọng.
Cháu đã đọc cuốn sách ấy rồi. Niềm an ủi là bác đã thích cuốn sách cuối cùng cháu tặng bác. Cháu tin nó đã an ủi bác rất nhiều. Có lẽ không gì dành cho bác hợp hơn những dòng bi minh đó:
Sống trên cây
Luôn yêu thương quả đất
Bay về trời...
Một lần nữa bác lại khiến cháu thấy mình phải đối diện với câu hỏi về cuộc đời mình, nguyên vẹn như những năm tháng tuổi hai mươi kia.

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

We hope for the best, but prepare for the worst

(Ghi chép về loạt bài ''Thế giới hậu COVID-19'' của Ts. Hoàng Anh Tuấn trên tuanvietnam)

- COVID-19 là thảm họa y tế cộng đồng quy mô toàn cầu lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến. Do tác nhân của toàn cầu hóa. Sau đây toàn cầu hóa sẽ thay đổi sâu sắc.
- Đại dịch có sức tàn phá hủy diệt hơn bất cứ một khủng hoảng, thảm họa hay bất kỳ một cuộc chiến nào: hàng chục ngàn tỷ USD và còn tiếp tục tăng...
- Đây là cuộc chiến chưa từng có giữa nhân loại và virus mà các loại vũ khí truyền thống là vô dụng. Đồng thời con người hiện còn hiểu biết rất hạn chế về nó. Nếu có thắng lợi nào đó thì cũng chỉ là tạm thời. Từ nay để đối phó, sẽ phải sử dụng các biện pháp mạnh tay, đặc biệt và khác thường.

- Thế giới chưa sẵn sàng cho các kịch bản khác nhau của đại dịch. Nhiều quốc gia chưa có phương án nào cả với vấn đề có tính toàn cầu này, trong khi mối quan hệ quốc tế là ở tính phụ thuộc lẫn nhau về khả năng phục hồi.
- Có 3 kịch bản về đại dịch COVID-19: tốt nhất thì sau tháng 6/2020 sẽ khống chế được để quay lại hồi phục. Tệ nhất là mất kiểm soát toàn cầu, số ca nhiễm và số người chết vẫn duy trì đều đặn ở mức rất cao - thế giới rơi vào tình trạng bất động kéo dài; hệ thống y tế ở hàng loạt quốc gia thất thủ. Hậu quả vô cùng bi đát, phát triển của thế giới bị kéo lùi cả thập kỷ đi kèm nghèo đói, bệnh tật và bạo lực hoành hoành dữ dội, không chừa bất cứ nước nào và bất cứ khu vực nào.
- Khả dĩ hơn cả là kịch bản COVID-19 cơ bản được khống chế, nhưng vẫn tiếp tục lây lan ở mức độ thấp ở nhiều quốc gia và trên phạm vi toàn cầu từ 1 đến 3 năm cho đến khi có thuốc đặc hiệu để có thể sống chung với dịch bệnh như cúm mùa. Các hoạt động trong xã hội, giao lưu giữa các quốc gia chưa thể khôi phục ở mức bình thường, chỉ duy trì ở mức tối thiểu. Kinh tế thế giới bước vào giai đoạn suy trầm; tình hình trở thành khủng hoảng toàn diện lan sang kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội...Nguy cơ xuất hiện một cuộc đại suy thoái trong vòng một thế kỷ.

Một hình dung về thế giới sau đại dịch:
- Sớm xuất hiện chiến dịch dân sự lớn chưa từng có trên phạm vi toàn cầu, các hành động pháp lý truy tìm nguồn gốc, nguyên nhân, đánh giá quy trình chống dịch. Từ đó dẫn đến các chuyển dịch địa chính trị, địa chiến lược quan trọng, cũng như hình thành các liên minh, tập hợp lực lượng mới ở phạm vi khu vực và toàn cầu.
- Sự tăng tốc cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị trên toàn cầu. Chạy đua thoát dịch để phục hồi trước của siêu cường. Áp đặt điều chỉnh của các quốc gia lên các đại công ty; thay đổi nhận thức về ''kịch bản toàn cầu hóa mới 2.0'': xuất hiện làn sóng dịch chuyển, sắp xếp lại lớn nhất với tốc độ nhanh nhất về đầu tư, sản xuất, thương mại, cung ứng, hậu cần, dịch vụ...là những nhân tố cấu thành ''nền kinh tế chuỗi''. ''Toàn cầu hóa 1.0'' bị xem là lỗi thời, không còn phục vụ hoặc phù hợp lợi ích của Mỹ và phương Tây nữa.
- Liên kết, và hội nhập sẽ được tiến hành thận trọng và có kiểm soát. Xu hướng ''phi TQ''. Khả năng tự cung tự cấp để quốc gia có khả năng sống sót biệt lập từ 3 tháng đến 3 năm; không phụ thuộc nguồn cung của nước khác.
- Sự lên ngôi của Chủ nghĩa dân tộc/Chủ nghĩa hiện thực và bước thụt lùi của Quản trị toàn cầu/Chủ nghĩa tự do. Vai trò các quốc gia nổi lên và không thể thay thế. Mỹ giảm vai trò quản trị toàn cầu.
- Sự ra đời của hàng loạt quy định, luật lệ ở cấp quốc gia, khu vực, cũng như toàn cầu để điều chỉnh hành vi ứng xử của người dân. Người dân phải hy sinh, chấp nhận hạn chế tự do cá nhân và điều chỉnh hành vi của mình trong bối cảnh mới.
- Những cách làm mới, dịch vụ mớim ngành nghề mới sẽ có phát triển vượt bậc. CP điện tử tăng nhanh cùng các loại hình điện tử, trực tuyến cùng sự suy giảm của các trung tâm TM lớn.
- Các quốc gia sẽ phải xây dựng hệ thống ''phòng vệ quốc gia về y tế và dịch tễ''. Hoạch định chính sách sẽ là ''tam dụng'': dân sự, y tế cộng đồng, quân sự.
- ''Chiến tranh lạnh mới 2.0'' giữa Mỹ và TQ, phân chia thế giới thành 2 chiến tuyến. Làm cho TQ khốn đốn nhất có thể.
- Kinh tế toàn cầu khốn đốn. Xuất khẩu nguyên nhiên liệu, nông sản, hàng hóa thành phẩm...cũng khó còn được xem là cứu cánh cho nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Các gói cứu trợ là Vay nợ tương lai, tất yếu tăng gánh nợ, kéo chậm tăng trưởng, tăng nguy cơ phá sản.