Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

George Lakoff và Mark Johnson; Chúng ta sống bằng ẩn dụ

 

Ẩn dụ định vị là cách tổ chức hệ thống các ý niệm tương liên với nhau và có liên quan đến việc định hướng không gian: lên-xuống, trong-ngoài, trước-sau...Ẩn dụ định vị đưa đến các ý niệm về cách định vị không gian. (Theo George Lakoff và Mark Johnson; Chúng ta sống bằng ẩn dụ). Thử dò vết trong diễn đạt ngôn ngữ ngày thường:
- Vui vẻ thì hướng lên: (Hôm nay tôi cảm thấy lâng lâng)
- Niềm vui thì hướng lên; nỗi buồn thì hướng xuống: (Điều này nâng tinh thần tôi lên), (Tôi bị ngã lòng)
- Ý thức thì hướng lên; vô thức thì hướng xuống: (Thức dậy, tỉnh dậy), (anh ta chìm vào giấc ngủ, chìm vào hôn mê)
- Niềm vui và sự sống thì hướng lên; bệnh tật và chết chóc thì hướng xuống: (anh ta đang ở đỉnh cao của sức khỏe), (anh ta gục chết, sức khỏe suy sụp)
- Nắm giữ quyền lực thì hướng lên; bị khống chế thì hướng xuống: (Tôi khống chế được tình huống), (anh ta giữ vị trí cao hơn), (quyền lực của hắn rơi xuống), (hắn là kẻ thấp kém trong xã hội)...
- Nhiều thì hướng lên; ít thì hướng xuống: (số lượng sách xb tăng lên), (tuổi của anh ấy dưới mức giới hạn)...
- Sự kiện tương lai tiên liệu được thì hướng lên (và hướng về phía trước): (Tôi quan ngại điều sắp xảy ra phía trước)
- Tốt thì hướng lên; xấu thì hướng xuống: (Mọi việc trông có vẻ đang lên), (mọi việc đang đi xuống)...
- Phẩm hạnh thì hướng lên; đồi bại thì hướng xuống: (anh ấy có tấm lòng cao quý); (Đó là việc thấp hèn)
- Lý trí thì hướng lên; cảm xúc thì hướng xuống: (Cuộc thảo luận rơi vào thang độ cảm xúc nhưng tôi đã kịp nâng nó quay lại mức độ lí trí), (Anh ấy không vượt lên được cảm xúc của mình)
Các ẩn dụ định vị có cơ sở trải nghiệm thực tế của thân thể, văn hóa xã hội...của nó. NHƯNG KHÔNG PHẢI LÚC NÀO Ý NIỆM CŨNG TƯƠNG HỢP VỚI TRẢI NGHIỆM CƠ SỞ VÀ DO VẬY NẾU KHÔNG XEM XÉT KĨ, CHÍNH CÁCH CHÚNG TA DÙNG ẨN DỤ SẼ CHI PHỐI PHƯƠNG THỨC TƯ DUY VÀ NỘI DUNG PHÁN ĐOÁN CỦA CHÚNG TA.
Ẩn dụ định vị là có cơ sở nhưng mối quan hệ của nó không phải là một song ánh. Các giá trị trừu tượng không neo vào hệ định vị không gian, chỉ là trong không gian, thường thì sẽ như thế. Nhưng nếu không nhìn rõ mối quan hệ, tư tưởng sẽ theo lối võ đoán ngoại suy lấy ẩn dụ định vị làm khuôn thước.
Ví dụ về ẩn dụ không tương hợp: KHÔNG BIẾT THÌ HƯỚNG LÊN; BIẾT THÌ HƯỚNG XUỐNG. Ví dụ:
- Việc đó vẫn còn lơ lửng
- Vấn đề này đã ổn
KHÔNG BIẾT THÌ HƯỚNG LÊN là không tương hợp với TỐT THÌ HƯỚNG LÊN và KẾT THÚC THÌ HƯỚNG LÊN (I'm finished UP).
Như vậy rõ ràng là ý thức và cả tiềm thức về hệ giá trị của các ý niệm gán với ẩn dụ định vị kiểu LÊN-XUỐNG, TRÊN-DƯỚI. Việc mặc nhiên xem bản đồ hướng Bắc là duy nhất, rồi thấy mối quan hệ vùng địa lý thành hệ quy ước TRÊN-DƯỚI sẽ ảnh hưởng đến phán đoán giá trị của ta lúc nào không hay.
Thêm một điểm đáng ngạc nhiên là hầu hết các ví dụ trong tiếng Anh đều dịch tương đương được sang tiếng Việt. Tức là các ví dụ ngôn ngữ sử dụng ẩn dụ đều có độ phổ quát cao (có lẽ gắn với trải nghiệm thân thể và xã hội của con người cơ bản cũng có tính phổ quát cao). Câu chuyện tương tự có trong cuốn Ngôn ngữ bị lãng quên, của Erich Fromm. Theo đó ngôn ngữ tượng trưng có 1 loại là tượng trưng phổ biến gắn với các kinh nghiệm thân thể phổ quát. Fromm dùng ngôn ngữ tượng trưng phổ biến làm cơ sở nghiên cứu đặc điểm của ngôn ngữ giấc mơ, thần thoại, đồng dao và kinh điển tôn giáo.

Không có nhận xét nào: