Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Nắng vàng trong mê mải & Sở tri chướng

1.
Thường tôi viết điều gì cũng chừa ra chút di âm chờ tiếng vọng. Ví như bàn về cuốn "Nhận diện quyền lực" thực ra nên có đôi dòng về cách quy chiếu trở lại mỗi thân phận cá nhân trong xã hội, tự thức, tự phản tỉnh và từ chính những gì xung quanh mình. Cách chúng ta nhận diện vấn đề không hẳn sẽ là cách chúng ta giải quyết được vấn đề. Đề xuất của Noam Chomsky thực ra là một con đường cần rất nhiều kiên nhẫn và tin tưởng. Tôi liên tưởng đến tình huống khi Mạnh Tử bàn về sự đối lập giữa Dương Tử và Mặc Tử, qua đó bày tỏ cách nhìn của Nho gia. Vấn đề không phải ở chỗ lật ngược tất cả các đối nghịch mà một sự thông suốt uyển chuyển từ uyên nguyên. Nhưng từ đó sẽ là chông chênh bất định...

Vụ "Ghi chép về Sự lũng đoạn của lá cải" cũng vậy, sau khi có vẻ đã gói ghém được một tẹo thì thực ra nên có chút phần dư: trong cái chiều hướng thông diễn - để hiểu người khác - thì đã hàm chứa một chủ thể ít nhiều đóng cặn và có tính tiền giả định. "Khi bản ngã phong phú và linh động vô hạn (trong khả thể) của anh bị giản lược về một sự hiểu biết (dẫu sâu sắc đặc biệt) của một cá nhân, nó sẽ phản ứng gay gắt trước nguy cơ chết khô tồi tàn trong hữu hạn." Thực tế trong bề chiều này, càng hiểu người khác chúng ta lại càng cô đơn!

Vậy đấy, trong màu hồ hởi đối thoại tương liên về lá cải, càng dập dìu lắm thì càng thê thiết nhiều. Nhưng ta có thể làm gì hơn nữa đâu ngoài chuyện mơ nắng vàng bến sông trong mùa hoa cải.

2.
Thỉnh thoảng lại có người bạn xa kể với tôi về một nỗi cô độc cay đắng.

3.
Năm hai mươi tuổi, nhân duyên khiến tôi nhận ra được sự khác biệt giữa cái Hiểu và cái Biết. Lỡ từ lạc bước bước ra/Bước đi đi mãi đi là đi luôn (BG). Sau đó thì cái Biết trở thành một chướng ngại, nhà Phật gọi là Sở tri chướng: Biết là chướng ngại của Biết. Nhưng điều quan trọng thì đã được xác lập: có một bình diện khác của nhận thức để ta biết tự phản tư và cầu tinh tấn.

Tôi đã đi nhiều năm như vầy: Đây là cuộc dạo chơi trong rừng hái lá tìm thuốc chữa bệnh của kẻ ốm. Mọi cái đều có thể và đều không thể. Tuỳ duyên tiếp vật. Miễn khỏi bệnh thì thôi.

Nhưng riết rồi cũng mỏi và buồn. Vẫn nhủ lòng câu nói năm xưa "Nếu cuộc đời rơi vào chỗ bế tắc đến tuyệt đối vô nghĩa, tuyệt vô hy vọng-thì hãy coi chính việc NHẤT QUYẾT VƯỢT QUA nó làm mục đích. Đời có thể vô nghĩa, nhưng vẫn có thể có 1 MỤC ĐÍCH" nhưng giờ bắt đầu biết sợ những câu đại ngôn như vậy.

4.
Thôi nhìn mọi sự một cách quá tuyệt đối, không một trưởng thượng để nương tựa, tôi tự đặt ra một chương trình nhỏ mọn để chống lại sự vô tri mỗi ngày: (i) gặp thêm bạn mới nhờ mạng xã hội - những người hầu hết còn trẻ và còn nhiều tin tưởng sống; (ii) đọc - viết, chủ yếu để chống đần hóa; (iii) làm một dự án xã hội nho nhỏ với vài người bạn. 


5.
Thà như vậy còn hơn là buông xuôi.


Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Mùa thu câu cá


Về quê thú nhất là ra bờ ao. Câu cá hay chỉ là ngồi liu tiu dưới gốc mít cũng thú. Sau đợt trước bắt hết mấy con cá chim trắng thì ao nhà giờ lại đầy cá to nhỏ các loại. Ông bà nội Gấu bảo cá đấy lâu rồi nhà không phải thả, mà là cá giống tự nhiên ngoài sông nó vào theo dòng nước triều lên. Hệ thống ao ở khu xóm nhà mình đều liên thông với sông qua cái mương nhỏ. Đây chính là mô hình lý tưởng cho một hệ sinh thái tự nhiên khép kín cổ điển của nông thôn ngày xưa.

Thực tế, mô hình làm sạch nước ngoài môi trường hiệu quả nhất chính là kiểu tự làm sạch của hệ sinh thái. Với hệ thống ao sông liên thông thì sẽ hoạt động như kiểu công nghệ lagunage (hệ thống hồ tự lắng). Bản thân cái ao là một hệ sinh thái rất phong phú với hàng mấy chục loài khác nhau. Đáng tiếc là vì đất đai ngày càng hẹp, người thì càng ngại lội vét bùn hàng năm nên bây giờ hầu hết các bờ ao đã bị xây gạch. Thiệt hại sinh thái là rất to lớn: lượng cua, ốc, tôm tép, hầu như còn rất ít. Cá thì cũng sứt đầu vì không làm tổ được. Tuy vậy vì còn có nước sông vào nên cũng vẫn sinh động dù vẫn nhớ mấy thể loại rau bè ven bờ ngày xưa. Sáng nay nhẩm đếm không ít hơn ba chục loại cây, rau các loại ven quanh quanh bờ. Nếu tính cả toàn bộ thì trên 600m2 đất thổ nhà mình phải có tầm trên một trăm loại thực vật khác nhau: hệ sinh thái rất chi phong phú.

Cảm giác giật được con cá to rất sướng. Ngày xưa mình hầu như không câu cá, mặc dù cũng biết cảm giác giật cá lên thì thích lắm. Hồi đấy thấy việc sát sinh, hay ít nhất là làm đau con cá (câu rồi thả) để mua vui là việc tệ hại nên không thích cầm cần câu. Bây giờ sát nghiệp ngày càng nặng, ít lăn tăn mấy vụ đó nữa thì thích câu. Hồi đầu chưa có kinh nghiệm, chả câu được gì. May nhờ có chú em hàng xóm điểm hóa cho thành ra tốt nghiệp lớp vỡ lòng. Thực ra cũng đơn giản: đó là cách làm mồi và nắm mồi cho vừa, cho chặt. Vừa và chặt thì cá đếch rỉa được phải đớp. Đớp thì giật cho nhẹn!

Lúc câu cá đầu óc rất thư thái, gần giống với thiền định. Mắt mình nhìn kiểu buông hờ phía trước, thần trí tĩnh lặng, vô tâm, hơi thở nhẹ và sâu. Chả trách khoảng khắc giật được cá lại chấn động toàn thân như hốt nhiên đại ngộ :P Chính quả và chiến quả thì cũng đều là công quả cả. Tuy nhiên cũng như thiền định và khí công: trong thời công phu vì các chân lông mở nên nếu thời tiết bất lợi thì dễ bị cảm mạo. Cá mà cắn nhiều quá thì cũng không tốt vì tâm khí không đều. Cá mà không cắn thì lại bị chấp vô, thành ra cũng không tốt. Tốt nhất là vừa vừa phai phải.

Ở một bề khác của tâm thức kẻ đi câu là cái cảm giác được cô độc ngạo thị giữa thiên nhiên một cách hợp lệ. Biết bao lần khi lướt xe dọc hồ Tây lúc mưa gió, mình đã ngưỡng mộ và thèm được như cánh đi câu cá chuyên nghiệp đang hành tẩu. Họ đứng đó, trong gió mưa, mũ lá và áo mưa trông như nhung y đại hiệp (nhất khoác nhung y năng đảm thế gian nan sự - Lê Thánh Tông), vươn ngọn cần dài ra mặt hồ vô định - thật tiêu sái cô ngạo. Ngày xưa hay ở trong phim chưởng thì cứ hiên ngang tỏ vẻ, nhưng trong thời hậu hiện đại thì không thế được, thiên hạ cười chết; vì vậy trong việc đi câu ta tái hiện và nhập vai vừa khít giữa thực tại với cái nhu cầu đành hanh kín đáo kia mà không phải ngượng.

Như vậy đấy, đi câu, nhất là câu cá mùa thu trong mưa ngâu, vừa vặn ta trải nghiệm cảnh Phật, cảnh Tiên - còn cái thú nào hơn. Những cần thủ hẳn đều ủng hộ ý kiến với mình. Và trong không khí phấn khởi của quần hùng, cũng xin thú nhận là cái lạc thú của Ngạ quỷ cũng rất sướng khoái: giữa đêm khuya thanh vắng, ngó quanh không bóng người, mình khoan khoái đái một bãi tướng xuống ao. Tiếng nước rào rạt như tiếng lòng kẻ sỹ câu cá trong thu lạnh.


Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Đọc lại về việc đọc

Dạo này cứ lấn cấn cảm giác có vấn đề về sự đọc của bản thân. Muốn thay đổi để hiệu quả hơn: đọc chậm quá; nhanh hơn thì không chịu được cảm giác nửa vời. Suy cho cùng có lẽ từ khởi thủy là tại quan niệm đọc cũng phải nhọc nhằn như viết.

Giở lại bài viết cũ từ hồi Y360 (ít nhất 5 năm trước) thì thấy đã từng viết về vấn đề này rồi. Mà cũng đã làm như thế rồi. Vậy sai ở đâu ta?
-------------

1

Dạo này mình gặp vấn đề về đọc. Đành rằng cách đọc phụ thuộc vào loại sách nhưng nếu trước đây mình có thể đọc lướt rất nhanh thì hiện nay lại luôn bị cảm giác cầu toàn làm cho việc đọc tài liệu trở lên chậm chạp. Nhất là những lúc đọc những thứ chỉ vì công việc chứ không phải vì hứng thú.

Cũng nói về cách đọc, thời gian gần đây cũng có sự thay đổi trong cách đọc sách của mình. Trước đây khi đọc mình thường kết hợp việc đánh dấu những ý quan trọng và ghi những nhận xét bất chợt bên lề - những nhận xét này phần nhiều là thoáng qua và thường không liên quan chặt chẽ đến văn bản, nhưng nó là cách hay để đánh dấu cảm nghĩ lúc đọc và dễ làm tái hiện cho những lần sau - cho đến khi kết thúc trọn vẹn 1 ý nào đấy thì ghi lại những logic chính ra giấy như 1 kiểu rút gọn. Cách đọc này mình đã thử như trong phần tóm lược tiểu luận phân tâm học của EF ở 1 số entry trước. Cách căn lề theo cấu trúc logic hình cây cũng tiện cho việc theo dõi văn bản. Tuy nhiên cũng chỉ là cách làm linh động không nên máy móc quá vì xét cho cùng có phải bài viết nào cũng chặt chẽ và tuân thủ duy nhất logic hình thức như toán học đâu. Ưu điểm nữa của kiểu đọc này là có thể nhận ra được bằng cảm nhận và logic những chệch choạc sai lệch nếu là đọc 1 bản dịch ngay cả khi mình không đọc được nguyên bản (Nhất là trong khi đa số những sách mình tìm đọc đều chịu cảnh chệch choạc không thể tránh khỏi này). 


Bằng vào việc giữ 1 tinh thần "để mở" như những nhận xét tạt ngang kia, nương theo mạch lạc của tác giả, nương nhẹ và lưu ý những chệch choạc, độ chênh, khoảng lùi, nếp gấp của văn bản...ta có cái thú được gần như tái tạo lại, tham gia vào quá trình suy tư của tác giả, nhận ra cả chỗ khó nói của văn bản. Nhiều khi, trong lúc đọc cứ tưởng sẽ viết lại những cảm nhận suy nghĩ thật sâu sắc, đầy đủ nhưng rốt cuộc khi gấp sách, nhìn lại những gì đã qua chỉ thấy không thể diễn đạt được điều mình đã thấy. Lại thấy cứ gạch đầu dòng, viết vu vơ bên lề là đúng nhất, vừa vặn nhất những gì cần nói. Càng lúc mình càng lảng tránh cách viết những diễn từ quá hoàn chỉnh, trau chuốt - viết như từ 1 thẩm quyền/mình tưởng tượng hơi tuyệt đối về cái thẩm quyền ấy! Lời nói chỉ có xu hướng như 1 sự điều tiết. Chình vì kinh nghiệm này mà mình đánh giá rất cao những tiểu luận của Francois Jullien về lối suy tư phương Đông - nó giúp ta nhìn lại chính ta 1 cách sáng tỏ, mạch lạc có căn nguyên.

Nhưng nhược điểm lớn nhất của cách đọc trên là mất quá nhiều thời gian dẫn tới sự trễ nải và đánh mất tính bao quát hiển ngôn thay vì những chiêm niệm. Vì vậy mình càng thấy bí quyết đầu tiên của việc đọc trong 1 cuốn sách gì đã được đọc ở nhà bạn etibohk là rất chí lí "Trước tiên phải đọc hết cuốn sách". Các bạn đừng coi thường điều này. Hãy thử kiểm nghiệm lại xem, tất nhiên chúng ta ngầm hiểu là đọc ở đây đồng nghĩa với đọc được điều gì đó

Do vậy, dạo này mình thay đổi 1 chút: cố gắng theo dõi logic lớn ngay trên trang sách và đánh dấu những chỗ quan trọng hay thú vị. Viết bên lề là cách rất hay để ghi lại dấu ấn trí óc. Phần nhiều chỉ là viết lại những từ khoá quan trọng. Về mặt logic thì ko có gì nhưng về mặt kinh nghiệm thì rất hay - nó giúp ta nhanh chóng tái tạo lại ấn tượng, suy nghĩ của lần trước mỗi khi mở sách. Cũng nhắc lại là mình thường không đánh dấu chỗ đọc dở, nếu lần sau mở ra bắt nhịp từ đâu thì tiếp tục từ đấy-không nhớ thì cố làm gì. Cuối mỗi chương thì gạch đầu dòng những nét chính và nhận định của bản thân ngay trên trang sách đang đọc. Thường thì khi kết thúc tất cả rồi nhìn lại mới thấy về mặt nghĩa thì những nhận định phần nhiều vì chưa hiểu hết ý, ngộ nhận, hời hợt hay lệch lạc; nhưng về mặt ý thì chính nó đã be bờ cho dòng chảy được tái tạo 1 lần nữa cùng tác giả. Cách đọc này đã cải thiện đáng kể thời gian và công sức viết lách của mình. Tuy nhiên lại nảy sinh vấn đề khác: thấy chuyện này là kinh nghiệm chứ không phải là kiến thức và thật khó vô cùng để chia sẽ kinh nghiệm về điều gì đó. Hậu quả là ăn nói nhiều lúc rất dấm dớ ^-^


0.


Đọc cũng phải được coi như là một sự sáng tạo lại (H.Banzac) -sự cùng sáng tạo lần 2, lần 3. Chừng nào đọc cũng khó nhọc như viết thì tương giao tinh thần mới phơi mở!