Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Đọc Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật - Cynthia Freeland.2

a.
Chương 6, Nhận thức, sáng tạo, thấu tỏ

- Nghệ thuật truyền thông: nó có thể truyền thông cảm xúc và sự xúc động, hoặc tư duy và ý tưởng. (248)

- Diễn giải đóng vai trò quan trọng bởi nó tường giải việc nghệ thuật làm thế bằng cách nào. Nghệ thuật có được ý nghĩa phần nào từ chính văn cảnh của nó. (248)

- Dẫu không một diễn giải nào là "đúng" theo nghĩa tuyệt đối, dường như có một số diễn giải nghệ thuật tốt hơn những cái khác. (250)

- Các diễn giải tốt nhất luôn tập trung vào cả phong cách mô dạng lẫn nội dung tác phẩm (của Bacon). (255)

* Lý thuyết biểu lộ:
- Nghệ thuật biểu lộ và truyền thông sự xúc động tới công chúng.
- Tuy nhiên nỗi xúc động không cố định trong nghệ sỹ - "tính biểu lộ nằm trong tác phẩm"
- Vả lại nghệ thuật có thể biểu lộ, truyền tải các ý tưởng cũng như cảm xúc
                    -> Mở rộng định nghĩa cảm xúc
                    -> Mối quan hệ với chính mình trong sáng tác của nghệ sỹ (xem thêm Bohm về sự thông đạt - On dialogue)

*Lý thuyết nhận thức: thuyết dụng hành
- John Dewey: (i) tri thức sử dụng (knowledge how), (ii) tri thức cảm xúc (emotional knowledge).
- Nghệ thuật là công cụ - tạo khả năng nắm bắt thực tại - phong phú tri giác - truyền thông những thứ bất khả quy giản thành mệnh đề.

- Nelson Goodman: Các ngôn ngữ nghệ thuật (Languages of Art) - chịu ảnh hưởng từ ngành tâm lý học tri giác (perceptual psychology).


Chương 7, Số hóa và sự truyền bá

[Mở rộng khả năng tri giác và thay đổi có tính cách điều kiện, sự phản tư]

- Walter Benjamin: anh hoa (aura) bị uế tạp - quyền năng tôn giáo/sự duy nhất.
                       + Điện ảnh nới rộng khả năng tri giác.

- Marshall McLuhan: "phương tiện truyền thông chính là thông điệp"
                       + Truyền hình: khuyến khích kiểu tư duy phi tuyến tính và theo lối tranh khảm.
                       + nhấn mạnh xúc giác/thính giác/biểu lộ nét mặt.

- Bill Viola: [phản đối ý kiến truyền thông mở rộng khả năng tri giác] nghệ sỹ phải làm việc trước đã, rồi mới đạt tới sự tri giác nâng cao.

- Jean Baudrillard: công chúng không chỉ lơ đãng mà biến mất (trước màn hình vi tính, trong những đường hầm).
                        + Hiện thực phì đại (thậm phồn?): hyperreal
                        + Bản đội lốt (simulution): đám cưới trong những cảnh quay phim...

* Không gian số: 2 lựa chọn
- Sự vắng rỗng, cái ác vô hình/sự tự quyến dụ trước đám đông thông qua bản đội lốt...
- (hay) nơi chốn cho kết nối cộng đồng cũng như sự khám phá cảm giác - đem lại ích lợi, trí tuệ, sáng tạo...

*Kết luận:
- Richard Anderson: "nghệ thuật là ý nghĩa quan trọng về mặt văn hóa, được mã hóa khéo léo trong một chất liệu gợi cảm và gây xúc động"

- Robert Irwin: "nghệ thuật là một khảo sát liên tiếp vào nhận thức tri giác của chúng ta và là một nới rộng liên tiếp cho nhận thức của chúng ta về thế giới xung quanh"

[Xem thêm]
- Diawa Raffman: Ngôn ngữ, âm nhạc, và trí tuệ (Language, Music, and Mind)


b.
Ở phần trước tôi thử cố gắng viết theo kiểu tóm tắt điểm sách có mạch lạc. Nhưng trong mạch lạc có cái gì đó bị thất thoát. Nên ở phần này tôi xếp bên cạnh một dạng bản chép tay (carnets) - để_ngắm_nghía. Vừa hay ngẫu nhiên đọc lại ghi chép "Bên cạnh đúng-sai" ngày trước thấy có nhiều điểm thú vị để suy nghĩ thêm. Nhét thêm một đống labels để lấy từ khóa tìm sách đọc ^^

Đọc lại - Bên cạnh đúng-sai

Suy nghĩ bất chợt về nghệ thuật

Nghệ thuật, cốt yếu ở chỗ tái tạo cảm xúc và bắt đầu từ cảm tính. Không hẳn ý nghĩa đến sau mà có vẻ nó đến trong nhập nhằng. Khi xem 1 vũ công khiêu vũ trên băng thì cảm hứng mỹ cảm đến trước hết với tôi. Nhưng cũng có thể vì tôi chưa am hiểu và có kinh nghiệm về kỹ thuật của bộ môn này. Lại là nói về sự đào luyện. Rõ ràng những người có kinh nghiệm luyện tập trong 1 bộ môn nào đó sẽ thường có khả năng cảm nhận tinh tế hơn về bộ môn đó. Phải chăng ngay cả xúc cảm thẩm mỹ cũng chỉ quy về việc "tập và quen" trong 1 ngữ cảnh văn hoá nhất định?

"Mọi sự miêu tả cảm tính bất kỳ một vật thể sống hay hiện tượng nào từ giác độ trạng thái cuối cùng của nó, hay là dưới ánh sáng của thế giới tương lai, sẽ là tác phẩm nghệ thuật.” - Soloviev.


Dụng học của tri thức tự sự

Dưới hình thức 1 Báo cáo thẩm định nhưng sự thực thì cuốn "La condition Postmodern"/Hoàn cảnh hậu hiện đại-của F.L có tính chất như 1 đề cương lớn cho những ai muốn tìm hiểu những điều ông đã thực sự phát biểu trong những dòng giản lược. Nhưng hễ có thân phận con người thì thảy đều có quyền triết lý (K.Jasper), cuốn sách vạch ra những khía cạnh căn bản của 1 tổng thể tri thức thời đại (1979).

F.L tiếp cận vấn đề bằng khái niệm "các trò chơi ngôn ngữ" (ngữ dụng học, Wittgenstein hậu kỳ-theo BVNS) và nếu chấp nhận sự tiếp cận này thì sẽ đi cùng ông đến các khái niệm về "tri thức tự sự", "tri thức khoa học", "phát ngôn sở thị", "nhận thức"...Theo cách này tôi thấy rõ ràng hơn khi nhìn lại câu chuyện về "học lệch" rất phổ biến ở VN (mà trong 1 entry của chị HY có đề cập đến-trong câu chuyện với con trai). Bản thân tôi cũng có những kinh nghiệm khá sâu sắc với chuyện này. Từ hồi cấp 1, các giáo viên trường tôi luôn vận động các học sinh khá giỏi rằng "học năng khiếu là học lệch".

Bệnh thành tích của GD địa phương đã sáng tạo ra những giải pháp chiết trung tiện lợi: chúng tôi thường tham gia "thi hộ"-"thi cùng" với các đội tuyển của trường NK. Coi như là học sinh của cả 2 trường. Càng học lên thì tâm lý "môn chính-môn phụ" càng nặng nề. Lễ, Tết theo đó cũng có nặng nhẹ khác nhau. Còn nhớ năm lớp 7, cô giáo Sinh và thầy giáo Hoạ có phê phán công khai chúng tôi trước lớp về tâm lý này. Ông thầy có nói 1 câu "sau này ra đời chưa chắc các em sẽ sống bằng kiến thức Văn, Toán. Rất có thể là Nhạc, Hoạ. Lúc đó hãy kiểm nghiệm lại lời tôi.". Điều này kể cũng có tác dụng phản tỉnh và cuộc sống về sau cũng cho những phản tỉnh thường xuyên.

Nhưng có 1 điều canh cánh mơ hồ thường trực là cảm giác hình như câu chuyện có cái gì đó lệch dòng, chệch choạc khi tri thức được phân chia thành các ngăn riêng rẽ. Sau này lại thấy thêm 1 cái gì đó chệch choạc hơn nữa khi mọi thứ (chủ yếu ở VN) đều tìm cách hợp thức hoá bằng mấy chữ "có tính khoa học". Ngay cả các ngành nhân văn cũng tìm cách "khoa học hoá" bộ môn của mình. Xa hơn nữa thì là câu chuyện lược quy chân lý vào Logic hình thức. Định lý bất toàn của Kurt Godel trong Toán học thường được viện dẫn trong nhiều diễn ngôn phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong mục 6 "Dụng học của tri thức tự sự", Lyotard phân biệt các khái niệm "nhận thức", "tri thức", "khoa học" đồng thời bàn về các hệ tiêu chí khác nhau. Theo ông, "tri thức không đồng nhất với khoa học, đặc biệt dưới dạng hiện nay của nó" và "tri thức nói chung không quy về khoa học và thậm chí về nhận thức". Để hiểu rõ điều này cần nắm được cách định nghĩa của Aristote về "sở thị": "Mọi lời nói đều biểu thị cái gì đó, nhưng không phải mọi lời nói đều là sở thị. Chỉ là sở thị cái mà có thể nói về nó là đúng hay sai. Nhưng, điều này không phải bao giờ cũng làm được: chẳng hạn lời cầu nguyện là một lời nói nhưng nó không đúng không sai" (Péri herménèias; 4,17a)-(dẫn theo sách).

Nhận thức, do vậy, được giới hạn bằng tiêu chí "có thể qui về đúng sai". Khoa học là tập con của nhận thức. Nó kèm theo 2 tiêu chí là đối tượng mà chúng phản ánh phải dễ đệ qui, và do đó, phải ở trong hoàn cảnh được quan sát rõ ràng; hai là có khả năng quyết định mỗi phát ngôn này là thuộc về hay không thuộc về 1 ngôn ngữ mà giới chuyên gia cho là thích đáng.

Nhưng tri thức thì dù tất nhiên là phát ngôn sở thị nhưng nó được trộn lẫn vào những ý tưởng về tri thức-làm, tri thức-nghe, tri thức-sống...Nó vượt ra ngoài việc xác định và áp dụng tiêu chí chân lý duy nhất. Còn có những tiêu chí về tính hiệu quả (nhân tiện-Bàn về tính hiệu quả; F.Jullien), sự công bằng (Xác lập cơ sở cho đạo đức-F.J) và/hay hạnh phúc, vẻ đẹp của âm thanh/màu sắc..."Tri thức là cái làm cho ai đó có năng lực nói ra được những phát ngôn sở thị "hay", cũng như phát ngôn mệnh lệnh hay lượng định "tốt"->Tri thức cho phép thu được những thành tựu "tốt" về nhiều đối tượng của diễn ngôn: để hiểu biết, quyết định, đánh giá, thay đổi...

Đặc điểm chính yếu của tri thức, do đó, vẫn theo F.L: nó trùng với 1 sự "đào luyện" bao trùm nhiều thẩm quyền: nó là hình thức duy nhất được hiện thân trong một chủ thể, và chủ thể này là 1 tập hợp gồm nhiều loại thẩm quyền khác nhau cấu tạo nên nó. (sdd, tr105)
-------------


Phản tư
Khi xuôi chiều nhận thức thì không có vấn đề gì, nhưng tôi thường có cảm giác truyền thống tư tưởng Phương Tây không thể tách khỏi ảnh hưởng của cái tinh thần "Lời làm nên xác thịt" trong Cựu Ước. "Khởi đầu là Lời.".

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Đọc Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật - Cynthia Freeland. 1


(An Introduction to Art Theory) - Nguyễn Như Huy dịch. (Còn 1 phiên bản với tên "Thế mà là nghệ thuật ư?". NXB Tri Thức)

----------

Nếu ai đó yêu cầu chúng ta tùy tiện kể ra vài tác phẩm nghệ thuật thì hẳn ai cũng làm được - ai cũng có vài thứ để liệt kê dễ dàng. Nhưng nếu bị xoay sang hỏi "Nghệ thuật là gì?" thì sẽ khác hẳn. Nghệ thuật quá đa dạng, quá khác biệt từ chỗ này sang chỗ khác và từ thời nay đến thời xưa. Chưa bao giờ nghĩ đến chuyện khái quát hóa thì cũng là chuyện bình thường, nhưng thỉnh thoảng biết đến, chứng kiến những thực hành nghệ thuật đương đại - vốn dĩ quá xa lạ với những cái biết truyền thống ở VN hiện nay - thì câu hỏi kia lại quay trở lại rất thiết thực; nhất là khi ta biết rằng nghệ thuật được coi là phương thức chúng ta mở rộng và sáng tạo trong cách tri giác thế giới. "Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật" của Cynthia Freeland là một cuốn sách hay, vừa vặn cho những ai không chuyên muốn có một sơ đồ để lần đầu bước vào thế giới rộng lớn của lý thuyết nghệ thuật. Nó hay vì tác giả đã tường giải những khía cạnh rất đa dạng, đối lập của chủ đề một cách khéo léo hấp dẫn mà các đối tượng được trình bày vẫn không bị giản hóa.

Tác giả chọn cách mở đầu gây shock khi dẫn những tác phẩm nghệ thuật hiện đại đã từng gây shock cho công chúng với những đề tài và chất liệu bạo liệt như máu, nước tiểu, xác động vật, sự đau đớn, tính dục...Chương 1, Máu và cái đẹp, trỏ thẳng cho chúng ta một sự thực rõ ràng là từ lâu đối tượng của nghệ thuật không còn chỉ là về cái Đẹp nữa. Nhưng dù vậy, về phía kinh nghiệm cảm thụ đối với nghệ thuật thì vẫn còn mối liên hệ quan trọng với những triết lý khởi nguồn quan trọng của Kant. Di sản của Kant để lại cho hậu thế những phân tích quan trọng về sự hồi phản của chúng ta với nghệ thuật: một hồi phản đặc biệt và bất vị lợi của sự trung tính và cách biệt - hân hưởng có độ lùi. Ngày nay, ví dụ, để bảo vệ, diễn giải một tác phẩm gây shock như bức họa "Đái vào Chúa" của Serrano, một phê bình gia như Lucy Lippard sử dụng phép phân tích 3 tuyến (three - pronged analysis), theo đó cả 3 khía cạnh tiếp cận là (1) các đương lượng hình thứcchất liệu, (2) nội dung của tác phẩm và (3) văn cảnh của tác phẩm, đều quan trọng như nhau và được phân tích diễn giải chi tiết. Nói cách khác, mỗi tác phẩm nghệ thuật đều có nguồn mạch và cần được tường giải để khơi gợi công chúng đạt đến sự hân hưởng.

Trong chương 2, Các hệ hình và mục đích, bằng sự đi lại theo thời gian qua chiều dài lịch sử từ Cổ đại đến khi Andy Warhol trưng bày Những hộp xà phòng Brillo như một nghệ phẩm tại Gallery Stabler ở New York vào năm 1964, Cynthia Freeland đã kể cho chúng ta nghe mối liên hệ đa dạng và nhiều khi rời rạc giữa những diễn giải của các nhà tư tưởng với những tác phẩm nghệ thuật quan trọng từng thời kỳ. Bức ảnh chụp triết gia Arthur Danto đứng trước những hộp giấy đựng xà phòng trong phòng trưng bày có tính chất biểu cảm rất đặc trưng. Nói đứng trước là không chuẩn lắm, ông chắp tay sau lưng, hơi xoay người về phía nghệ phẩm trong xu hướng đi vòng quanh để xem xét. Không giống tư thái hân hưởng thông thường, dáng điệu của Danto trong bức ảnh là dáng điệu của sự chú ý nhưng có gì đó khó xử, đang được lý tính xử lý và tìm diễn giải. Cuốn sách đưa chúng ta đã đi đến điểm nhìn nhận nghệ thuật truyền thông tư duy hay cảm xúc nhờ vào phương tiện trung gian thuộc vật chất. Nhưng vấn đề tường giải về ý nghĩa và giá trị trong nghệ thuật mới chỉ vừa bắt đầu: "nói cái này cái kia là nghệ thuật khác với việc nói cái này cái kia là thứ nghệ thuật hay".

Đi vòng quanh địa cầu trong chương 3, Các giao cắt văn hóa, bằng vào cách xem xét những văn cảnh xa cách nhất, khác biệt nhất với phương Tây như ở châu Phi và Nhật Bản đã giao lưu, "du ngoạn" như thế nào trong thế giới hiện đại - "ngôi làng toàn cầu" - nơi mà "không nền văn hóa nào còn có thể biệt lập và xa cách", tác giả dẫn chúng ta đến những quan sát toàn cảnh về nghệ thuật của các nền văn hóa: bị tách khỏi văn cảnh, bị xung đột và so sánh, bị lai ghép, vay mượn...Liệu chúng ta có thể tìm được điều gì đó tương tự trong nghệ thuật từ mọi nền văn hóa (Richard Anderson) như niềm tin của John Dewey: "nghệ thuật là ngôn ngữ phổ quát" giúp phá vỡ rào cản giữa các nền văn hóa? Có nghĩa là tin vào một sự tiếp xúc trực thời dù sau đó còn là vấn đề "cần phải thụ đắc được ngôn ngữ nghệ thuật". Ý tưởng về tính phổ quát của giá trị và tri nhận là một ý tưởng rất hấp dẫn nhưng sẽ còn phải chống chọi nhiều với những tranh luận đa tạp - hậu-hiện đại đã từng từ chối thẳng thừng cái phổ quát ấy. Cũng cần để ý rằng ý niệm "nghệ thuật vẫn biểu lộ ra đời sống của một cộng đồng" của Dewey sẽ đưa ta đi xa tới câu chuyện về cách nhìn của nhánh Cultural studies (CS) đối với popular culture, về nơi các nhóm xã hội đấu tranh lẫn nhau bằng vũ khí của meanings và representations (quyền được diễn nghĩa thế giới và tái trình hiện hiện thực của các nhóm thiểu số trong mối quan hệ đối kháng với nhóm đa số) (*)

Tình thế ngập ngừng trong cách nhìn mối quan hệ có hay không có sự đối nghịch giữa nghệ thuật và đời sống như vậy hoàn toàn có thể là rất hệ trọng khi quy chiếu về vấn đề sự đấu tranh giữa các nhóm, các giai tầng xã hội - một khái niệm rõ ràng chịu ảnh hưởng bởi Marxism. Có một góc độ khác để rọi chiếu nó (chương 4, Tiền bạc, thị trường, bảo tàng), từ những thực thể có tính định chế cho nghệ thuật: các bảo tàng - chúng định tính, định vị các giá trị; là biểu tượng của cộng đồng và của các nhóm xã hội. Bảo tàng cũng là nơi thể hiện rõ nét mối liên hệ giữa nghệ thuật và tiền bạc - nguồn cơn của sự khước từ bảo tàng về sau này như những gì đã diễn ra với grafitty art hay những tác phẩm không thể bán của Christo và Jeanne-Claude. Quyết liệt hơn nữa, những người đấu tranh cho nữ quyền tấn công định chế bảo tàng từ tận những chuẩn tắc và nêu những câu hỏi về một bản chất nữ (chương 5, Giới tính, thiên tài và các Nữ du kích); qua đó nổi bật lên vấn đề về việc "làm thế nào để diễn giải nghệ thuật?" - là chủ đề của chương 6. Có thể nói, nếu muốn làm biếng thì chỉ cần đọc kỹ chương này và chương cuối của cuốn sách. Thực tế tinh thần của các chương khác đã được xây dựng xung quanh những luận điểm lý luận quan trọng của 2 chương ấy. Chúng đã tạo ra mạch lạc của một bản đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật. Nhưng phải chăng đó cũng là chỉ dấu cho thấy hoàn toàn có thể còn những phiên bản khác để diễn giải bức tranh lý thuyết nghệ thuật, trong một nguồn mạch khác.

(còn tiếp)
----------

(*) Tham khảo ở đây: http://gauxx.blogspot.com/2012/05/cai-oi.html




Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Phi-vô-bất-chẳng Niệm xứ. 1

Cũng giống như đề mục "truyền thông", tìm hiểu về "nghệ thuật đương đại" đối với tôi là việc phải làm nên biết trong chuỗi tiến hóa của bản thân. Nhưng "biết đến mức nào thì đủ?". Khi mà "truyền thông chính là văn hóa" (à la CS) và nghệ thuật đương đại thì nhập thế đến độ phổ sinh và chính là sự mở rộng và sáng tạo không ngừng cách chúng ta tri giác về thế giới mà ta ở-đó? Câu hỏi này hơi khó chịu và dai dẳng nhưng tôi nghĩ vẫn không thể thay được câu hỏi "sống thế nào?" bằng những câu kiểu như "nghiên cứu/hiểu/biết/chơi/làm truyền thông (hay contemporary art) thế nào là đủ?". Thì cứ thử đọc to mấy câu hỏi ấy lên mà xem ^^ "Người ta có quyền hoài nghi khi không hiểu một cái gì đó" (N.Chomsky)

Carnets
(Dự án nghệ thuật đương đại đa phương tiện: Những chân trời có người bay)

- Không gian gây ấn tượng trực thời nhất. Làm liên tưởng đến nghệ thuật Origami: cả không gian như từ một tờ giấy được gấp dựng lên một nơi chốn chơi-trò chơi. Mỗi điểm studio trên bề mặt biến đổi này như là một cái hốc: từ nghĩa đen 3D đến một chiều thếp mới - nó như một concept đang được kiến tạo và khu trú trong văn cảnh.

- Sự đồng nhất (vô tình?) về thời trang của những người trong khuôn viên (cả khán giả và nghệ sỹ): tông màu đô thị ấm, bạc, hơi vô sắc, chói chỉ là điểm xuyết. Chất cảm thấm, xốp. Nôm na là kiểu bụi bụi quen quen nhưng sạch sẽ.

- Thời gian vụt chạc và nhất thời của khán giả. Thời gian "đầy đủ" của nghệ sỹ theo kế hoạch. Luôn là như vậy. Cần một cam kết? Một sự giáo dục? Một sự thông diễn? Phải chăng luôn là bất đối xứng?

- Sự vượt trội của các thiết bị ghi hình và cảm giác thiếu vắng sự mật thiết chú tâm.

- Thông cáo báo chí và tên dự án (với cảm nhận cá nhân) là hơi xoàng. Đặt đâu cũng được, cũng vẫn thế.

- Đa phương tiện - tiến trình. Giải cấu trúc.


Khác

- Một bước về phía tự do, tự khẳng, tự quyết.

- Phản tư, nghiệm sinh, mô tả, biểu hiện và tương tác giao tình - đào sâu, mở rộng trải nghiệm - (một cách) sáng tạo.

- Phép phân tích ba tuyến (three-pronged analysis): các đương lượng hình thức và chất liệu/nội dung tư tưởng tác phẩm/văn cảnh của tác phẩm. Hội tụ hay chính độ chênh mới đem lại khả thể?


Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Đọc "Chữ số hay lịch sử một phát minh vĩ đại" - Georges Ifrah


Tôi mua cuốn sách này kèm với mấy cuốn khác ở chỗ NXB. Cũng ngần ngừ rồi nhặt vì nghĩ nó thể nào cũng có phần nói về mối liên hệ nhận thức con số với thân thể con người - là chủ đề mà tôi quan tâm. Sách dạng này có cái hay là dễ đọc một lèo, không phải đắn đo suy xét nhiều. Tưởng là vậy nhưng đọc đến hồi cuối thì cũng phải chép lại vài điều.

Đáng kể nhất, nổi bật nhất là cảm khái về sự vòng vo, khúc khuỷu của lịch sử nhận thức của nhân loại đối với con số. Nó không phải kiểu liên tục hay tuyến tính, mà tiến hóa dần dần cũng như sự tiến hóa của lịch sử các xã hội rời rạc trên quả đất. Một cái gì hiển nhiên hóa ra không hiển nhiên. Cái gì tưởng như bản năng hóa ra không phải như vậy. Toán học thường được coi là tư biện, trừu tượng bậc nhất, nhưng ở đây, gắn với câu chuyện của những con số, nó có nhân thân xuất xứ hẳn hoi - luôn luôn là là mặt đất, ở đâu đó giữa xã hội, lợn gà dê bò thóc lúa...

Sách có nhiều hình minh họa, nhiều câu chuyện chi tiết cụ thể để những người ưa thích toán học có thể lưu trữ trong vốn liếng câu chuyện làm quà của mình. Tôi quan tâm nhiều đến cái chiều kích cảm nghiệm thân thể trong tương quan với thế giới quan như thế nào hơn là những chi tiết minh họa nhiều khi rất lằng nhằng mệt óc. Đấy cũng là cái hay của loại sách thường thức này: có thể đọc theo nhiều cách khác nhau, tùy tạng mỗi người.

Carnets:

- Con người thông minh và có tính xã hội: sự vượt trội của kinh nghiệm so với bẩm sinh.

- Cảm nghiệm thân thể - quy chiếu về thân thể: con người cổ đại phân biệt 1, 2 và rất nhiều (3 = rất nhiều)/ từ những ý niệm cụ thể và quan trọng xung quanh họ.

- Người Ấn độ diễn đạt các con số bằng những ý niệm: 0 = không khí, rỗng không, trời...1 = mặt trăng, vị thần, kinh Veda...2 = cặp đôi...

- Ý niệm phổ quát về số học (không có tháp Babel)

- Lịch sử số học với/trong xã hội, được lưu trữ hay lựa chọn do xã hội.

- Con số googol 10 mũ 100: giới hạn của thế giới vật lý/số hạt cơ bản trong vũ trụ 10 mũ 88, tỷ lệ đường kính foton và đường kính vũ trụ 10 mũ 42....

- Cái vô hạn  = phủ định hữu hạn. Số siêu lớn: cái vô hạn - bộ phận = tổng thể.
-------------------

Có những pha mình đọc sách rất vào, lại có pha mình viết rất hăng. Tầm này lại đang rơi vào pha đọc loáng thoáng, nghĩ ngợi, đánh dấu và kết nối nên lười viết ^^ Nhưng cũng phải cố vì để lâu sẽ chán blogging thì sợ là tụt hẳn :P