Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2021

kỉ niệm về chúng ta còn vang vang giữa những tầng lá cao

Trưởng thành và học cách chịu đựng

Đàn ông trưởng thành theo những khuôn mẫu của lịch sử và xã hội và thậm chí dù họ có nhận ra được tình huống của mình thì với cái căn tính đã định hình trong đời sống ấy, họ cũng sẽ vẫn rơi vào thế lưỡng nan của trưởng thành chứ không còn đơn giản là chọn cái này bỏ cái kia. Ở tuổi hai mươi, họ đã có lần tự vấn và loay hoay với các lựa chọn. Nhưng cuộc sống nào có một công thức rõ ràng cho anh chọn lựa. Sống là cứ dọ dẫm mà đi, cảm nhớ cái hoài bão xa xa mà sống. 

Mười năm, hai mươi năm, trưởng thành nhiều lúc đã là học được cách chịu đựng. Đàn ông thật khó khăn mở lời chia sẻ "Tôi đang đau khổ", "Tôi đang khó khăn". Nếu có vấn đề, liền hành động để giải quyết vấn đề. Tình bạn của đàn ông giống như quang cảnh của những ngọn cây trên đỉnh rừng sâu sau bao năm tháng đằng đẵng. Có một ranh giới vi diệu và có sự hòa điệu vi diệu. Nếu bạn ngả lưng xuống nhìn lên vòm lá rừng, bạn sẽ thưởng thức được quang cảnh đó.

Một vòm trời, mỗi vùng lá sẽ là một sử lịch đang xuôi dòng. Chúng ta đã từng chứng kiến tuổi trẻ của nhau. Từng dõi theo sự trưởng thành của nhau. Mọi người sẽ trưởng thành theo những cách khác nhau. Và dần dà, cũng chỉ còn một hai người bạn mà chúng ta có thể giữ được tình trân trọng từng cảm xúc mỗi lần gặp gỡ. Vì chúng ta chia sẻ với nhau nỗi hoài nhớ mãnh liệt rằng chúng ta đã từng mong đợi và tìm kiếm điều gì ở tuổi hai mươi xưa.

Trưởng thành và học cách chịu đựng. Chúng ta ổn vì chúng ta biết kỉ niệm về chúng ta còn vang vang giữa những tầng lá cao



ngày xưa là kỷ niệm

 "Tôi viết chiều nay chiều tưởng vọng

Làm thơ mình lại tặng riêng mình
Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh"
QD
 
Bài này Quang Dũng tự viết cho một tình cảm hầu như là tưởng tượng của riêng mình. Tuổi trẻ hay tự mình riêng mình như vậy. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ viết ra cho mình hay cho ai - ai có hiểu ai không - mà là ta có tự biết được hay không. Cùng trải qua một chiều thu, một đêm trăng nhưng mỗi người là mỗi chiêm bao, sẽ chẳng có một đêm trăng nào là duy thực cả. Hiểu người và hiểu mình là đồng thời trong giao tiếp tương liên với tha nhân. Không có cơ hội đó thì thôi, đến trăng kia cũng là hư ảo. Buồn của tuổi trẻ thường là nỗi buồn thẳm sâu của bị ngộ nhận, tự ngộ nhận và tự mình mình hay. Không nói rõ không phải vì không muốn nói mà vì không thể nói rõ.
"Em sẽ khóc và sương và giá lạnh
Tôi sẽ đàn và lại hát vu vơ
Bài thơ buồn sẽ tan loãng theo sương
Trăng nhắc nhở bằng màu trăng dịu mát
Tôi tự buồn rồi tôi sẽ tự vui
Ừ -thì sương thì trăng thì chiều hôm nắng nhạt
Ừ -loang chiều là một mái chèo xuôi
Ừ -kỷ niệm, ngày xưa là kỷ niệm
Bây giờ, em nhớ ngày xưa
Bây giờ, tôi nhớ ngày xưa
Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa
Vịn câu thơ"
qua trùng dương là hết mùa thu. tám chút thơ tình cuối thu cho hợp cảnh. tri kỷ tri âm đâu phải chuyện để nói ra nhắc đến. trong lòng tự có hoa cúc, tự có rượu nồng. trong đời tự biết đã từng như thế như thế.
một chút linh hồn nhỏ
đi về chân núi xanh
 
10.10.2019

 

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

Niệm thiên địa chi du du

1.

Trong truyện huyền huyễn tôi đang đọc, nhân vật chính ở trận chiến cuối đã sử dụng thuật triệu hồi cả chiếu ảnh quá khứ và tương lai của bản thân về để đánh boss nên dù thắng thì sau đó phải trả giá là sẽ có mấy nghìn năm biến mất tại thế gian. Đại khái là triệt để biến mất. Bi ai là biến mất rất nhanh khỏi trí nhớ của tất cả thế gian, từ ngay cả những lão chiến hữu. Mọi người nhanh chóng ứng phó tình huống bằng cách cho dựng tượng, viết sách lưu truyền khắp càn khôn. Sách tượng còn đó nhưng kí ức trong tâm trí mỗi người sống đương thời thì đều bị xóa sạch. Độc giả theo dõi  mạch truyện từ điểm nhìn toàn tri, đọc đến đây không khỏi cảm khái, ngậm ngùi. Đây là một cách cục khá hay khơi gợi suy tư. Sẽ khá là khó để khai triển xa nhưng tôi vẫn muốn thử ghi lại đôi dòng phác thảo để sau còn trở lại.

Được nhớ đến và không ai nhớ đến thì sao? Trong một cuộc đời hiện thực thông thường, được ai đó nhớ đến tức là chỉ dấu của sự tương giao liên nhân vị trong đời. Sống là sống ở đời, là sống_với. Con người là sinh vật xã hội nên nhu cầu kết nối xã hội là một cấp độ nhu cầu căn bản thường được xếp ngay sau những nhu cầu sinh tồn. Điều này khá hiển nhiên đến nỗi chúng ta ít khi suy tư về nó. Nhưng đấy chỉ là những mô tả chứ không phải là những giải đáp về bản chất con người của chúng ta. (Cho dù ngay sau đây chúng ta sẽ chất vấn cả cái bản chất ấy thì câu hỏi vẫn luôn chờ chực ở trong tâm trí như một cái bẫy giăng sẵn của ngôn ngữ.). Ngay tức thời, sau ý niệm "kí ức" sẽ cùng khởi lên với nghi vấn về bản chất là những ý niệm khác như "sự vĩnh hằng", "ý nghĩa", "căn tính", "mục đích"...Tóm lại sự hiện hữu của cá nhân đối diện với hư vô sẽ gợi lên tất cả mọi điều cùng một lúc. Vấn đề thì cổ xưa như vũ trụ nhưng mỗi lần sẽ được kể lại theo một cách nào đấy khác nhau.

Có một sự thực là chúng ta luôn cảm thấy không hiểu rõ bản thân mình. ("Hiểu" đến lượt nó cũng lại trồi lên). Vậy thì có ý nghĩa gì không việc người_khác biết mình, hiểu mình. Nếu không biết không hiểu không cùng chia sẻ một tương giao nào đấy thì kẻ_khác đối với ta chỉ cũng như là cây cỏ gỗ đá vô tri mà thôi. Rồi ngay cả cái "bản thân mình" cũng là một tập hợp kí ức lộn xộn đáng ngờ nữa. Sau tất cả, bi ai quyến luyến trần gian này đến từ đâu? Học Phật chúng ta nhắc lại Ngũ uẩn thì dễ nhưng chứng đắc thì đâu phải ở lặp lại mấy câu thuyết pháp mà xong. "Đời sống của mỗi chúng ta thực chất chỉ là một chuỗi hiện tượng thân tâm, một chuỗi hiện tượng đã hoạt động vô lượng kiếp trước khi ta sinh ra và sẽ còn tiếp tục vô tận sau khi ta chết đi. Ngũ uẩn này, dù riêng lẻ từng uẩn hay hợp chung lại, chúng không hề tạo thành một cái gì gọi là cái ta. Ngoài chúng ra, không còn cái gì được gọi là một thể của cái ta độc lập với chúng, để ta tạm gọi nó là cái ta. Lòng tin có một cái ta, có một nhân cách độc lập chỉ là một ảo tưởng" (wiki).

Chủ đề mà tôi thường xuyên quan tâm là xoay xung quanh những ý niệm về "câu chuyện" và "ý nghĩa" trong các diễn ngôn của chúng ta. Chúng đều có vẻ ẩn giấu đằng sau là ý niệm "nhân quả". Tin rằng nhân quả là phổ biến nhưng hai ý niệm kia thì không tất yếu tồn tại. Nó có vẻ chỉ ra thế đối đãi của điểm nhìn bị hạn chế trong diễn đạt chủ quan của căn tính cá nhân. Nếu chúng ta cứ mải cho rằng chân trời ý nghĩa của đời ta ở mãi xa kia thì làm sao ta kết nối được nữa với đời thường, với những người sống với ta? Ta phải chăng là sự hòa hợp của đối đãi lúc này và ở đây với tình huống hiện tiền? Thế gian là phóng chiếu của cách ta tri nhận tự ngã.

Ký ức thực tế là kết quả của chọn lọc có tính hướng đích. Giống như nhìn và thấy, cái được thấy là cái được chọn trong khi cảnh quan thì không có biên giới. Cái chi phối sự thấy là nền tảng giáo dục, thiên kiến, sở thích...Chúng ta hiểu thế giới bằng và nhờ kí ức theo cơ chế của ẩn dụ cùng tất cả đặc tính mơ hồ, tạm thời và hay thay đổi của nó.

Cũng giống như câu trả lời phỏng vấn của diễn viên Keanu Reeves khi được hỏi “Anh nghĩ việc gì sẽ diễn ra khi chúng ta chết đi, Keanu Reeves?” - "Tôi biết rằng những người yêu ta sẽ luôn nhớ đến ta." (I know that the ones who love us will miss us.) - nhân vật chính trong truyện huyền huyễn kia hẳn sẽ nương tựa vào trí nhớ của những người yêu mến y để tạm yên lòng. Vậy mà tác giả chơi khăm y, cho tẩy xóa bằng hết thảy những kí ức đấy; cùng lúc chơi khăm độc giả, khiến chúng ta bâng khuâng với hố thẳm của lãng quên. Nhà văn không phải Thượng đế để đưa ra các lí giải cuối cùng - dù rằng hơn bao giờ hết, các tác giả của thể loại huyền huyễn được tự mình chạm vào quyền lực của Sáng tạo giả trong việc giả lập mọi mô hình cho vũ trụ huyền ảo của riêng y ta. Chẳng cần đợi đến cuối truyện, đôi lần nhà văn cho nhân vật của mình trải nghiệm cửu thế luân hồi. Trong mỗi luân hồi đều không có trí nhớ tiền kiếp cho đến khi thức tỉnh. Nếu có luân hồi với bản ngã vĩnh hằng khuyến mại thêm trí nhớ tiền kiếp nữa thì nhân sinh trở thành dị dạng đến mức nào? Không phải tự nhiên câu "thế gian vô tiên" lại hay được các tác giả huyền ảo nhắc đến nhiều như vậy. Chính sự hữu hạn của nhân sinh làm nên nhân sinh. Nếu quả thực có thể đột phá giới hạn đó, căn bản chúng ta không phải là chúng ta nữa, và tất nhiên chúng ta sẽ không hiểu được hành vi của KẺ ĐÓ. Ai mà quan tâm con kiến nghĩ gì?

2.

Sáng nay trong một giấc mơ của tôi có bác - ông già gân. Hình như là lần đầu vì tôi hầu như từ lâu đã giải quyết xong mọi vướng bận với mộng mị. Tôi có thể hiểu rõ được cơ chế tinh thần của bản thân từ mỗi giấc mơ và từ đó hầu như tôi cũng không mơ nữa. Như mọi khi, giấc mơ là một tình huống nhân sinh giả lập mà hình tượng bác được ẩn dụ cho cảm hứng của tôi về lối sống, phong cách và đức tính của bác. Tôi đang có chút chần chừ cầu âu khi nhận lời hướng dẫn lứa trẻ. Vậy là tôi sẽ nhớ đến cách bác đã từng truyền cảm hứng cho người trẻ là tôi những ngày đầu bước vào đời. Và tôi tự nhận ra mình nên làm gì cho đúng sơ tâm. Người đi xa mãi với người lâu ngày không gặp trong trường hợp này đâu có gì khác nhau? Từ phía của người_khác, tất cả sự hiện diện sinh động của ai đó trong ta đến cùng cũng chỉ đến như thế là đầy đủ. Nhưng đây là ở bình diện vỏ ngôn ngữ. Những ngày bác mới mất, chưa bao giờ tôi trải qua nỗi buồn và cô độc đến thế. Kinh nghiệm cảm xúc đó tràn ngập tâm trí tôi, hàng đêm tôi nằm co quắp trong bóng tối, nước mắt cứ ứa ra và hơn bao giờ hết tâm trí tôi xác quyết một tri nhận về hiện hữu. Tôi tuyệt không tin vào hư vô. Hư vô chỉ là bóng đổ tiêu cực của hiện hữu. Hư vô là một từ rỗng nghĩa và vô ích. Tôi có thể hiểu vô thường, hiểu vô ngã nhưng không có chỗ cho hư vô. Từ chỗ đó, dần dà tôi đã đi ra khỏi bóng tối của nỗi buồn đau cô độc thăm thẳm.






Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

mùi chăn mùi gối lúc nào cũng thơm tho và phảng phất tinh dầu bạc hà

"0-45cm: cự li thân mật – là khoảng cách để trao đổi những cảm xúc mãnh liệt. Đây là khoảng cách của yêu thương, dịu dàng, an ủi và cả phẫn nộ cùng giận dữ. Ở cự li này, các giác quan tham gia chủ yếu là sự cảm ứng, khứu giác và xúc giác. Chúng ta có thể ôm, vỗ về, cảm nhận và động chạm. Giao tiếp đầy sự gần gũi, ấm áp, mạnh mẽ và truyền cảm xúc."
(Jan Gehl, Đô thị vị nhân sinh)
 
1.
Chợt nhận ra sau mùa dịch này một số nghề sẽ bị tác động và thay đổi lớn. Ví dụ như chợ dân sinh ở các khu vực chung cư sẽ bị thay thế bởi các hệ thống bán hàng qua mạng nội bộ dân cư. Giờ người ta mang đến cửa để đấy rồi về. Hàng thì đều cạnh tranh uy tín. Tệp khách hàng thì cỡ lớn hàng mấy nghìn hộ. Trải nghiệm thị trường kéo dài mấy năm thế này thì thị phần của chợ dân sinh sẽ bị thu hẹp là chắc chắn.
Anh em cắt tóc sẽ bị thiệt hại đáng kể vì nhiều chị em nhận ra để tóc dài cũng đẹp, anh em thì tiện nhà có tông đơ dũi mấy phát là xong.
 
2.
Trong mùa giãn cách này, nhà là đơn vị phòng thủ cuối cùng cho mỗi gia đình. Những ai không về được nhà mình, với người thân yêu của mình sẽ rất thiệt thòi và tổn thương tinh thần trong điều kiện giãn cách kéo dài.
Nếu hỏi điều gì làm nên sự khác biệt nhất trong mối quan hệ gia đình thì với tôi đó là trí nhớ của xúc giác và khứu giác. Mọi an ủi, mọi lí lẽ ngôn hành khác đều không thay thế được những trải nghiệm thân thể mãnh liệt ấy.
Trong Homo Deus, YNH có dẫn ra những nghiên cứu khoa học cho thấy đại ý: "Loài có vú không chỉ sống nhờ thức ăn, chúng cần kết nối tình cảm nữa...Tiến hóa cũng in sâu vào chúng rằng các mối gắn kết tình cảm nhiều khả năng được thiết lập với những thứ nhiều lông mềm mại (búp bê, chăn, quần áo cũ) hơn là những thứ cứng và bằng kim loại.". (Người ta làm thí nghiệm (khá dã man) với những con khỉ con và chúng thà từ bỏ những mô hình khỉ mẹ bằng gỗ sắt có sữa để đổi lấy mô hình ấm áp bằng vải bông...).
Tiến hóa cũng in dấu trong chúng ta bằng những cảm xúc mãnh liệt nhất khi được ôm vào lòng những người yêu thương. Và sự tàn bạo của bệnh truyền nhiễm lần này cũng là ở chỗ nó khiến con người phải xa cách nhau quá thể.
2m trong giao tiếp là thuộc về khoảng cách xã hội: "1,2m -3,7m: cự li xã hội – mô tả phạm vi diễn ra các cuộc hội thoại liên quan đến công việc, du lịch và các tin tức thông thường. Hình ảnh bộ sofa phòng khách với bàn café là bối cảnh không gian lý tưởng của dạng giao tiếp này." (Jan Gelh).
 
3.
Ngày bà ngoại tôi mất, có một lúc tôi ra gốc cây xoài phía sau nhà ngồi nhìn đống quần áo chăn màn thường dùng của bà chuẩn bị được người ta mang đi đốt bỏ. Bà đã sống cuộc đời trường thọ và minh mẫn, cũng nằm ốm liệt cả năm trời nên ngày hôm ấy với tôi là một điều gì đó bâng khuâng hơn là nỗi đau khổ. Nhưng khi nhìn đống chăn gối cũ của bà, nước mắt tôi cứ lặng lẽ rơi. Tôi lớn lên với bà bằng trí nhớ sâu đậm nhất là mùi chăn mùi gối lúc nào cũng thơm tho và phảng phất tinh dầu bạc hà. Giờ đây, chúng cũng sẽ chuyển hóa sang hình thái khác. Thậm chí người thường còn e sợ những tàn y.
Tình thương yêu phần lớn vượt quá khuôn khổ của ngôn ngữ là ở những trải nghiệm thăm thẳm như thế.
Bây giờ mỗi lúc khó ngủ, chúng tôi chỉ cần rủ Gấu Beo "tiêm thuốc ngủ cho bố mẹ nhé". Nằm rúc vào nhau, ngửi mùi thơm tho của con trẻ được mấy phút là cả hai cùng ngủ tít

Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

Sống đời của chợ - Nguyễn Mạnh Tiến. NXB Hội nhà văn. 2017

 

Hiểu Việt Nam

Sống đời của chợ - Nguyễn Mạnh Tiến. NXB Hội nhà văn. 2017


 

21. Chợ ở ngoài làng để phòng người lạ vào làng.

23. Chợ gần như luôn trải ra ngoài làng nhưng dựa vào lũy tre

26. "phần thâm sâu, tâm hồn chợ, cái bản chất của chợ trong cấu trúc làng thực sự là gì?" Chợ trong tư cách thực thể chợ làng, một đơn vị hoàn chỉnh, với các tính chất kinh tế - văn hóa đặc thù?

- Xác lập hệ chức năng của chợ trong cấu trúc làng

28. Tóm lại, những cái chợ, khi soi mình trong lịch sử riêng, có phần bé mọn và ẩn danh, nó đang kể những câu chuyện nhỏ (tiểu tự sự) mang dấu ấn làng, hay một đôi làng. Nhưng chính ở đó, có thể, ta sẽ có cơ hội hiểu cái tổng thể từ những thân phận bé mọn.

30. Phân loại chợ:

- Theo tư duy không gian

- Theo tư duy thời gian (phiên)

- Theo tính chất, quy mô trao đổi hàng hóa (đầu mối etc)

- Theo loại hàng hóa

- Theo quy mô chợ

- Theo sự kiện, hiện tượng

45. Khu phố chợ phân thành 2 phía. Chợ với không gian mở, có các cầu chợ - một kiểu nhà trống vách, lợp rơm rạ, mỗi cầu chợ tương ứng sẽ buôn một mặt hàng…Phía bên kia đường, thuộc khu tứ xứ quần cư là khu buôn bán gia súc, trâu bò, lợn…(chợ Phủ Quốc)

53. Trong "diễn ngôn" của BQL HTX TM-DV chợ Phủ Quốc (mấy ông quản lý chợ), chợ trước đây chỉ là một thực thể lều lán tạm bợ, với hai dãy cầu chợ, người bán lôm nhôm, tụ bạn tự do, tiểu tiện bẩn thỉu, ngồi bán buôn mà không ai quản lý…Chính quyền cải tạo lại khang trang: "kín" theo nghĩa đen, gói trong những bức tường bao quanh với 3 hướng cửa…Nếu không nhờ đám người lố nhố bán mua huyên náo trước các cổng chợ thì thật khó mà phát hiện – cái cổ truyền lại ngóc đầu dậy một cách ngoạn mục. Người phố sát chợ làm nhà thành ki ốt tại gia – Chợ Phủ lại kéo dài mấy trăm mét bám lộ, chợ lại "mở"

55. Chợ mới dành chỗ bán buôn cho ngày phiên và dân tự doanh, giữ lại 1 phần kiến trúc cũ.

58. Vẫn tồn tại những gánh hàng rong lộn xộn cổ truyền "phá luật một chút ít"

60. Chợ là một thành tố kiến tạo "bản sắc", "căn cước" một vùng đất.

71. Siêu thị sau vài tuần hoạt động đã phải "chợ làng hóa", mở thêm một quầy hàng bên ngoài

72-73. Địa điểm họp chợ thuận tiện, xây dựng quy mô và mở nhưng chợ Bồ Đề cũng chỉ có độ đôi chục người đến bán – thua xa chợ thôn. Người quanh vùng và cán bộ thôn thường giải thích, vì dân quen đi mấy chợ kia rồi nên không thích.

CHỢ TRONG CẤU TRÚC CHỨC NĂNG LÀNG XÃ

Chợ với mạng lưới kinh tế làng xã

114. Từ chợ mà điều chỉnh nhận thức về làng như xã hội VN truyền thống "thuần nông", bị bắt chết vào định danh "nền văn hóa lúa gạo", "văn minh lúa nước"

117. Không giản đơn để có thể nói theo lối quy giản, ở xh nông nghiệp, người nông dân khinh miệt thương mại. Diễn ngôn "trọng nông, ức thương" dường như chỉ duy trì ở tầng lớp trên, và được ghi chép trong thư tịch, tạo nên một quán tính nhận thức chưa hẳn là chuẩn xác với cuộc đời thực vốn có trong xã hội nông dân.

Chợ - sự triển nở không gian của làng

122. Nhìn từ chợ, thảo luận về tính mở của làng. Làng có nhiều cách để triển nở không gian như: luồng di dân, hội lễ, chế tài quân sự chính trị nhà nước…nhưng hơn hết và thường xuyên hơn cả là nhờ vào sự phát triển của chợ.

- Chu kỳ mùa vụ: di dân tạm thời lúc nông nhàn

- Chu kỳ năm: nhờ hội lễ

- Chu kỳ đời người (nhiều đời): di dân lập làng, nạn đói, chạy giặc…

- Chu kỳ cấp ngày: chợ

129. Chợ vì mục đích kinh tế mà làm co dãn không gian làng. Nhưng còn phái sinh chức năng giao lưu văn hóa: chợ còn để đi chơi, gặp gỡ.

Chợ - nền thương mại đàn bà

Chợ - môi trường điển chế luật pháp, thị phạm quyền lực quốc gia với người dân quê

165. Gia hình ở chỗ đông người

175. Chợ là chốn không gian công quan trọng nhất có thể huy động được đám đông khổng lồ tụ tập về thường xuyên theo phiên dày đặc của mạng lưới chợ.

176. So với không gian công quan trọng khác của làng là đình và chùa, mỗi năm chỉ vào ngày hội hè, đình đám, giỗ chạp mới huy động được đám đông thì chợ vượt trội ở ưu điểm tập hợp đám đông người khổng lồ thường xuyên quanh năm suốt tháng. Hơn thế vì tính thiêng của chùa và đình mà những sự vụ thế tục là cấm kị.

Không gian chợ có "thế mạnh" của tính thế tục và đặc điểm của cái phàm là đặc điểm quan trọng của người hàng chợ.

178. Chợ - pháp trường: bản chất đám đông luôn có xu hướng thủ ác, nhìn ngắm và vui thú với tai họa của kẻ khác…

179. "Lời nói đầu đường xó chợ cũng như chuyện đồn nhảm". Vô thưởng vô phạt, có khi nguy cơ bạo loạn. Phức tạp đông đúc, khó kiểm soát. Thuận tiện cho tình báo, gián điệp, nơi cung cấp và sản xuất những nguồn tin giật gân.

Chợ - Mạng lưới thông tin, làn sóng dư luận và tiến trình hình thành tâm lý đám đông làng xã

185. Môi trường tiếp xúc xã hội thường xuyên…

186. Đám đông vì mang mang căn cước tập thể, nên duy trì và củng cố các không gian công, thành quán tính. Không gian công của người dân quê ấy là hội làng, là sân đình, sân chùa, chợ, cây đa, bến nước, giếng làng…những không gian có thể tụ tập, hình thành, củng cố và thỏa mãn nhân cách tập thể, kiến tạo bản sắc đám đông, tâm lý tập thể làng xã. Vì thế trong các kiến trúc công của làng, ta thường thấy các tổ hợp: chợ-chùa, chợ-đình, chùa-am, chùa-miếu…Sự kết hợp ấy là cùng bản chất: nhằm kiến thiết, nở rộng các không gian công, "dưỡng chất" nhằm cung cấp, nuôi sống con người đám đông làng xã.

187. "một nền luân lý còn khiếm khuyết; lương tâm đóng một vai trò rất mờ nhạt và dư luận mới là đáng kể" (Cadiere 2010: 131)

190. Chợ quê được vận hành trong cơ chế niềm tin của lối kinh tế đạo đức và đậm màu thân tộc, bởi phần lớn những người ra chợ đều "trong họ ngoài làng" cả. Nên người ta tin nhau. Chợ, vì thế lên ngôi hình thức "mua bán chịu".

Chợ là nơi thông đạt thông tin nhanh nhạy nhất, mà mọi thông tin cá nhân được đưa ra bàn tán đều theo nguyên tắc "ẩn danh".

191. Cái thế tục là đặc điểm nổi trội của chợ…Ở chợ người ta thường văng tục tĩu, bông lơn, đánh chửi, giằng xé "thoải mái" với nhau…Nó làm thành đặc tính của ngôn ngữ chợ búa.

192. Tục tĩu ngay cả trong ma thuật "đánh vía"

Chợ - Không gian văn hóa, hội hè làng mạc và bảo tồn nghệ thuật, dân gian

199. Phiên chợ có dáng vẻ của ngày hội.

203. Người kể chuyện, người làm xiếc rong, người nhào lộn, người làm hề ngoài phố, diễn tuồng, kéo đàn, ca hát…

204…có nghệ thuật dân tộc, vào buổi tàn tạ của nghề, người nghệ sĩ chỉ còn biết cố gắng bám vào chợ để duy trì sự sống: "Hát bội ở miền Nam, chỉ có những gánh cha truyền con nối, đóng đô ở những rạp gần chợ, để thu hút khách xem từ vùng quê lên họp chợ, là còn cố bám víu lấy ít nhiều truyền thống xưa" (Phạm Duy 2017: 156)

209. Ngày nay, chợ quê không còn giữ chức năng vui chơi hội hè rõ như trước, nhưng nó lại có một chức năng phái sinh từ thời hiện đại, mang đậm tính chất dân tộc học sinh hoạt dân gian.

Chợ còn là nơi trưng bày nuôi sống các mỹ nghệ dân gian.

210. Đi chợ là để thỏa mãn cái dạ dày vì "chợ nào mà chợ chẳng có quà". Quà chợ, vì thế, mở một lúc vào nhiều không gian. Không gian mơ tưởng cho người đương thời nhớ quà đương thời. Không gian kí ức hoài niệm cho người Nam nhớ Bắc, người nay nhớ xưa. Chợ do vậy là nơi mà nghệ thuật ẩm thực dân gian lên ngôi. "Các món quà chợ" vì thế đi vào ca dao, và được các nhà chép địa chí danh tiếng kê vào, như một đặc trưng vùng đất.

216. Bảng so sánh lịch H'Mông và lịch Việt để thấy vai trò của chợ

222. "cắt đúm" ở chợ Hoàng Xá (Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Tây)

Chợ - Ma thuật thương mại của người dân quê

225…chợ khi vận động trong tâm thức tín ngưỡng tôn thờ thần quỷ mãnh liệt của người dân quê Việt Nam lập tức kiến tạo nên một "hệ thống" tín ngưỡng niềm tin đặc thù, phong phú, tương thích liên quan đến thực thể chợ. (kiêng kỵ, nghi lễ thờ cúng, ma thuật biểu trưng)

229. So với các không gian khác của làng thì tính phong thủy của chợ là khá yếu ớt

231. Chợ bị gạt ra ngoài, cùng với các xứ đồng, nghĩa địa những không gian lạnh lẽo, tạm bợ, của cái dung tục (chợ), sự chết chóc (là nghĩa địa)…Chợ vì thế, là một kiến trúc "phi kiến trúc", tức là một tập hợp hỗn độn, bẩn thỉu của lều lá, tụ bạ, lố nhố…

232. Có lẽ, xét về mặt vệ sinh, chợ chỉ hơn được mỗi nhà xí công cộng ở làng

233. Chợ - bán buôn – đàn bà – thấp hèn…nhưng phụ nữ VN là nguồn cảm hứng nuôi dưỡng và phát sinh tinh thần tôn giáo.

234. Tín ngưỡng thờ thần chủ đất của chợ (Thổ Công/Thổ Kỳ/Thổ Địa)

239. Tục "vén váy" ở miếu Trung Hiền (chợ Mơ, HN)

240. Thờ nhân thần bảo hộ chợ

242. Bà Chúa chợ

248. Đốt vía đốt van – ma thuật thương mại

252. Tốt vía mở hàng. Mua may bán dại (bán bằng được)

253. Tri ân tượng trưng – Nghi lễ "cầu cạnh" Cadierre: đầu năm dán giấy vàng bạc vào công cụ sinh lợi (tín ngưỡng vật linh)…Người ta tìm mọi cách để "lấy lòng" các thế lực linh thiêng ở chợ.

256. Ở VN người sx cũng là người chạy chợ. Thờ tổ nghề là một tín ngưỡng phổ biến cho dân hàng chợ.

257. Thầy bói mù ở chợ: vị thầy hướng dẫn tinh thần, giải đáp cho dân quê những nỗi lòng không biết tỏ cùng ai. (Tình duyên, mất trộm…). Bộ ba: Bà hàng nước, bà hàng ăn và ông thầy bói.

261-262. Chợ Âm phủ: người ta đi chợ để âm dương gặp nhau, giao tiếp với thiêng liêng: người ma, tiên. Sản vật mua về vừa để dùng, vừa để cầu may. Trần sao âm vậy

263. Chợ liên kết với không gian thiêng

265. Chợ Chùa – Chợ Tam Bảo (Khi PG thất thế so với Nho giáo (Đình)

KẾT

276. "Kinh chiếm đầu chợ, Tày chiếm đầu ruộng, Dao chiếm đầu nguồn nước, H'Mông chiếm núi đá" (Cái nhìn của người H'Mông)

"Kẻ chợ: người khôn ngoan, biết phép lịch sự, đối với mọi rợ" (Huỳnh Tịnh Paulus Của 1895). Cặp đối Thượng/Kinh là Châu/Chợ

277. Chợ chính là một trong những căn cước định dạng tộc người Việt ở châu thổ nhằm phân biệt với các tộc người khác ở trung du và miền núi cao (cách nhìn từ miền núi về xuôi)

279. Chợ chính là nhân tố quan trọng giúp xã hội VN hiện đại hóa: "Thành thị dựng lên quanh cái chợ" (Gourou 2003:9) – là công thức đô thị hóa ở VN.

280. Phường buôn ở chợ, một "hình thức hợp tác của những người sản xuất nhỏ, tư hữu nhỏ, là đơn vị kinh tế - xã hội dựa trên lợi ích nghề nghiệp, tính chất tự nguyện và bình đẳng" – kiểu tổ chức xã hội dân sự được biết dến khá sớm trong cơ cấu xã hội VN truyền thống. Chợ góp phần thúc đẩy, chuẩn bị các phẩm chất cho xã hội VN đối diện với tính hiện đại.

285. Chợ là một hình thức kinh tế sinh hoạt thuộc về người nghèo, của người nghèo và cho người nghèo; mở rộng ra, cho cả cận nghèo và người có thu nhập trung bình. Xã hội VN vẫn là một xã hội nghèo, trong đó hơn 90% dân nghèo tập trung ở nông thôn.

286. Người buôn bán nhỏ ở chợ hay gánh hàng rong vẫn giữ cấu trúc cổ xưa trong thời hiện nay, vẫn có một ý nghĩa quan trọng, bởi: "Bán hàng rong là một loại hình kinh tế ngày càng trở nên quan trọng vì nó vốn là khu vực kinh tế thu hút lao động dư thừa ở nông thôn và nhiều khu vực làm việc khác kể cả ở thành thị" (Lê Thị Mai 2004: 140).

287. Chính phủ muốn hiện đại hóa nhưng đã không có một chiến lược quy hoạch kinh tế nông thôn và đô thị tương thích nên gây ra nhiều cảnh hỗn loạn cho đám người buôn thúng bán bưng….Kết quả là cả nhà nước và tiểu thương đều khốn đốn vì lãng phí và thất thoát tiền của.

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2021

Burnouf phân biệt 2 loại kinh Phật giáo

 "Tôi đề nghị một độc giả có hiểu biết thành thạo về Phạn văn và ngoài ra, [người ấy còn] có thêm sức chịu đựng kiên cố để đọc năm mươi tờ đầu của bộ luận này, rồi sau đó nói xem liệu tác phẩm ấy có phải là một cuốn sách nguyên thủy, một cuốn cổ thư, một trong số những cuốn sách được các tôn giáo dựa vào đó để thành lập, nói tóm lại, là một pháp điển thiêng liêng, liệu người đó có thấy rõ được dấu vết của những nỗ lực truyền giáo; nếu người đó bắt gặp những cuộc đấu tranh của một đức tin mới chống lại một trật tự từ những quan niệm có trước; nếu người đó tìm được trong đó cái xã hội mà nơi ấy việc truyền giáo được khảo nghiệm được môi trường thuyết giảng. Hoặc là tôi đã lầm to, hoặc sau khi đọc như vậy thì người mà tôi nhờ xác chứng sẽ chẳng tìm thấy trong cuốn sách này điều gì khác ngoài những sự phát triển của một học thuyết hoàn chỉnh, đắc ý, tự tin là không có đối thủ, chẳng có gì khác ngoài những khái niệm an lạc và đơn điệu của đời sống trong các tự viện; chẳng có gì ngoài những hình ảnh nhạt nhòa của một tồn tại lý tưởng lặng lẽ trôi vào những cảnh giới hoàn hảo tuyệt đối, tách biệt khỏi sự xao động ồn ào và mê đắm của thế gian. Vì vậy, những gì tôi đã nói về kinh Hoa Nghiêm (Gandavyùha) thì hầu như cũng hoàn toàn phù hợp với những bộ kinh lớn khác, chẳng hạn như kinh Nguyệt Đăng Tam-muội (Samàdhiràja), kinh Thập Địa (Da'sabhùmìs'vara). Và ở các bộ kinh phát triển khác như kinh Phổ Diệu (Lalitavistara) và Thiện Pháp Liên Hoa (The Lotus of the Good Law), xuất hiện điều gì đó có thể đặc sắc và chân thực hơn những đức tính lý tưởng của các vị bồ-tát, kể về cuộc đời của đức Thích-ca-mâu-ni và tường thuật các dụ ngôn đẹp đẽ mang lại một ý tưởng cao vời như thế về sự thuyết giảng của vị Phật cuối cùng, theo tôi, trong các bộ kinh này, những dấu vết của sự phát triển thường khiến chúng dễ bị nhận diện, và khiến ta luôn đi đến giả thiết rằng, những cuốn sách này chỉ là công việc biên soạn lúc thư nhàn dựa trên chủ đề sẵn có.

Đúng, chính ở đây, sự khác biệt và có trước của các kinh đơn giản so với các kinh vaipulya xuất hiện một cách rõ ràng; ta tìm thấy mọi thứ thiếu sót trong loại kinh thứ hai ở loại kinh thứ nhất. Những bộ kinh thông thường tỏ rõ cho ta đức Phật Thích-ca mâu-ni giảng dạy giáo pháp của Ngài giữa một xã hội, mà nếu xét từ vai trò của Ngài được kể trong các truyền thuyết, thì xã hội ấy đã bị tha hóa sâu sắc. Trước hết giáo pháp của Ngài là đạo đức; và dù không bỏ quên siêu hình học, thì chắc chắn nó cũng sẽ chiếm một vị trí ít quan trọng hơn so với lý thuyết về các đức hạnh mà giới luật của đức Phật đã chế định, các đức hạnh nơi đó lòng khoan dung, đức kham nhẫn, và sự trong sạch được đặt lên hàng đầu. Giới luật, như lời đức Thích-ca, trong các sách này không đặt ra một cách giáo điều; mà ở đó hầu hết nó chỉ được nhắc tới một cách mơ hồ, và được trình bày bằng những ứng dụng hơn là các nguyên tắc của nó. Để suy ra từ những tác phẩm như vậy một sự mô tả mang tính hệ thống về niềm tin của những người theo đạo Phật thì cần phải có một số lượng rất lớn các tác phẩm loại ấy; mặc dù vậy, cũng không chắc gì người ta có thể vẽ thành công một bức tranh hoàn chỉnh về đạo đức và triết học Phật giáo bằng cách này, bởi lẽ những niềm tin xuất hiện ở đó, có thể nói như vậy, bằng hành động, và một số điểm quan trọng về giáo lý xuất hiện trên mỗi trang, trong khi các vấn đề khác thì hầu như hoặc hoàn toàn không được nhắc tới. Nhưng trong trường hợp này, dù đối với chúng ta là một khiếm khuyết thật sự, thì nó cũng có những ưu điểm nếu nhìn từ quan điểm lịch sử. Đó là một chỉ dấu nhất định về tính xác thực của những cuốn sách này, và điều ấy chứng tỏ rằng không hề có một nỗ lực mang tính hệ thống để hoàn thiện chúng sau đó, cũng không đánh giá chúng, qua những sự thêm thắt về sau, ở mức độ phát triển mà Phật giáo chắc chắn đạt được qua quá trình thời gian. Xét về mặt giáo lý, các bộ kinh phát triển có một ưu thế rõ rệt so với các kinh đơn giản, bởi lý thuyết ở đó chứng tỏ có sự tiến triển hơn xét từ cả hai quan điểm giáo nghĩa và siêu hình; nhưng chính đặc điểm này đã khiến tôi tin rằng các kinh vaipulya ra đời muộn hơn các kinh đơn giản. Các bộ kinh đơn giản cho chúng ta bằng chứng về sự ra đời và những sự phát triển ban đầu của Phật giáo; và nếu như các kinh đó không cùng thời với đức Thích-ca thì ít ra chúng cũng đã lưu giữ cho ta, một cách hết sức trung thực, truyền thống giáo lý của Ngài. Những bộ luận sớ (i) về loại kinh này chắc chắn được mô phỏng và biên soạn về sau trong sự tịch lặng của các tự viện; nhưng ngay cả khi chấp nhận là ta chỉ có những bản mô phỏng của các bộ kinh nguyên gốc thì mọi độc giả có thiện chí nghiên cứu chúng bằng các thủ bản Sanskrit của Nepal cũng sẽ buộc phải đồng ý rằng, chúng còn gần gũi với lời dạy của đức Thích-ca hơn cả các bộ kinh phát triển. Đây là điểm mà tôi muốn thiết lập ngay lúc này, đó là điểm quan trọng để chống đỡ mọi tranh cãi; bất cứ thời điểm nào, việc nghiên cứu tiếp theo cần phải có ngày đánh giá các kinh đơn giản nhất, dù chúng có quay ngược tới thời các đệ tử đầu tiên của Thích-ca, hay đến tận giai đoạn cuộc kết tập cuối  cùng củ Bắc truyền đi nữa thì cũng chẳng mấy quan trọng; dường như đối với tôi, mối liên hệ hiện có giữa loại kinh này và các kinh phát triển cũng sẽ không thay đổi; chỉ có khoảng cách tách biệt giữa hai loại này là tăng hay giảm mà thôi.

Tôi có mọi lý do để tin, nếu như các quan sát trước đó hoàn toàn có cơ sở thì tôi được quyền nói rằng những gì có chung giữa các bộ kinh phát triển và những bộ kinh đơn giản là cấu trúc, hành động, lý thuyết về các giá trị đạo đức, luân hồi, phước báo và ác báo, nhân và quả, những chủ đề chung của mọi tông phái; nhưng những vấn đề khác nhau này đã được tông phái này và tông phái khác xử lý với tỷ lệ khác biệt khá đặc thù. Tôi đã chỉ ra cấu trúc của các kinh phát triển rộng lớn hơn các kinh đơn giản như thế nào; tức là, loại thứ nhất thì hầu như vô hạn; loại thứ hai thì bì hạn chế chặt chẽ trong các giới hạn của tính hợp lý. Về hành động, dù cả hai phía đều giống nhau, nhưng ở các kinh phát triển thì hành động ấy không phải thực hiện cho cùng một loại thính chúng như trong các kinh đơn giản; người giảng dạy luôn là đức Thích-ca mâu-ni, nhưng thay vì người nghe là những người Bà-la-môn và thương gia mà Ngài đã cảm hóa ở các kinh đơn giản, thì trong các kinh phát triển, thính chúng lại là những vị bò-tát, cũng huyền hoặc như thế giới mà họ xuất phát, đến để hộ trì giáo pháp của Ngài. Bối cảnh của kinh đơn giản là Ấn-độ, diễn viên là con người với một số vị trời bậc thấp, và ngoại trừ thần lực của đức Thích-ca và các đệ tử thượng thủ của Ngài, thì những gì diễn ra ở đây có vẻ tự nhiên và hợp lý. Ngược lại, mọi thứ mà trí tưởng tượng có thể hình dung được như không gian và thời gian thì thật còn quá hạn hẹp so với bối cảnh của các bộ kinh phát triển. Diễn viên ở đó là những vị bồ-tát tưởng tượng có các đức hạnh vô lượng vô biên cùng những danh xưng dài bất tận mà người ta không thể nào đọc nổi, những danh hiệu kỳ quặc và gần như lố bịch, nơi ấy có các đại dương, sông ngòi, sóng, những tia sáng, các mặt trời được kết hợp với những phẩm tính hoàn hảo không tương xứng bằng một cách thức tầm thường non nớt và kém hiệu quả nhất, bởi vì chẳng có chút nỗ lực nào ở đó cả. Không còn ai để cảm hóa; mọi người đều tin tưởng và hoàn toàn chắc chắn vào một ngày kia mình sẽ thành Phật, trong một thế giới kim cương hay lưu-ly. Hậu quả của tất cả những điều trên là khi các bộ kinh càng phát triển thì chúng càng nghèo nàn về những chi tiết lịch sử; và càng đi sâu vào giáo lý siêu hình thì chúng càng xa rời xã hội và trở nên xa lạ với những gì đang xảy ra ở đó. Phải chăng điều ấy đủ để cho chúng ta tin rằng, những kinh sách này đã được viết ra trong những đất nước và thời đại mà ở đó Phật giáo đã đạt tới sự phát triển toàn diện, và nó đảm bảo toàn bộ khả năng khả thủ cho ý kiến mà tôi nỗ lực thiết lập, tức là, các kinh bình thường có trước, điều đó khiến chúng ta quay về những thời đại và những xứ sở nơi mà Phật giáo luôn phải đương đầu với các đối thủ của họ, buộc họ bằng việc thuyết giảng và tu tập đạo hạnh để chiến đấu với những đối thủ ấy.".

Kinh Pháp Hoa, tiểu sử. Donald S.Lopez, Jr. (đoạn trích dẫn Eugène Burnouf, trang 177-183)