Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

Niệm thiên địa chi du du

1.

Trong truyện huyền huyễn tôi đang đọc, nhân vật chính ở trận chiến cuối đã sử dụng thuật triệu hồi cả chiếu ảnh quá khứ và tương lai của bản thân về để đánh boss nên dù thắng thì sau đó phải trả giá là sẽ có mấy nghìn năm biến mất tại thế gian. Đại khái là triệt để biến mất. Bi ai là biến mất rất nhanh khỏi trí nhớ của tất cả thế gian, từ ngay cả những lão chiến hữu. Mọi người nhanh chóng ứng phó tình huống bằng cách cho dựng tượng, viết sách lưu truyền khắp càn khôn. Sách tượng còn đó nhưng kí ức trong tâm trí mỗi người sống đương thời thì đều bị xóa sạch. Độc giả theo dõi  mạch truyện từ điểm nhìn toàn tri, đọc đến đây không khỏi cảm khái, ngậm ngùi. Đây là một cách cục khá hay khơi gợi suy tư. Sẽ khá là khó để khai triển xa nhưng tôi vẫn muốn thử ghi lại đôi dòng phác thảo để sau còn trở lại.

Được nhớ đến và không ai nhớ đến thì sao? Trong một cuộc đời hiện thực thông thường, được ai đó nhớ đến tức là chỉ dấu của sự tương giao liên nhân vị trong đời. Sống là sống ở đời, là sống_với. Con người là sinh vật xã hội nên nhu cầu kết nối xã hội là một cấp độ nhu cầu căn bản thường được xếp ngay sau những nhu cầu sinh tồn. Điều này khá hiển nhiên đến nỗi chúng ta ít khi suy tư về nó. Nhưng đấy chỉ là những mô tả chứ không phải là những giải đáp về bản chất con người của chúng ta. (Cho dù ngay sau đây chúng ta sẽ chất vấn cả cái bản chất ấy thì câu hỏi vẫn luôn chờ chực ở trong tâm trí như một cái bẫy giăng sẵn của ngôn ngữ.). Ngay tức thời, sau ý niệm "kí ức" sẽ cùng khởi lên với nghi vấn về bản chất là những ý niệm khác như "sự vĩnh hằng", "ý nghĩa", "căn tính", "mục đích"...Tóm lại sự hiện hữu của cá nhân đối diện với hư vô sẽ gợi lên tất cả mọi điều cùng một lúc. Vấn đề thì cổ xưa như vũ trụ nhưng mỗi lần sẽ được kể lại theo một cách nào đấy khác nhau.

Có một sự thực là chúng ta luôn cảm thấy không hiểu rõ bản thân mình. ("Hiểu" đến lượt nó cũng lại trồi lên). Vậy thì có ý nghĩa gì không việc người_khác biết mình, hiểu mình. Nếu không biết không hiểu không cùng chia sẻ một tương giao nào đấy thì kẻ_khác đối với ta chỉ cũng như là cây cỏ gỗ đá vô tri mà thôi. Rồi ngay cả cái "bản thân mình" cũng là một tập hợp kí ức lộn xộn đáng ngờ nữa. Sau tất cả, bi ai quyến luyến trần gian này đến từ đâu? Học Phật chúng ta nhắc lại Ngũ uẩn thì dễ nhưng chứng đắc thì đâu phải ở lặp lại mấy câu thuyết pháp mà xong. "Đời sống của mỗi chúng ta thực chất chỉ là một chuỗi hiện tượng thân tâm, một chuỗi hiện tượng đã hoạt động vô lượng kiếp trước khi ta sinh ra và sẽ còn tiếp tục vô tận sau khi ta chết đi. Ngũ uẩn này, dù riêng lẻ từng uẩn hay hợp chung lại, chúng không hề tạo thành một cái gì gọi là cái ta. Ngoài chúng ra, không còn cái gì được gọi là một thể của cái ta độc lập với chúng, để ta tạm gọi nó là cái ta. Lòng tin có một cái ta, có một nhân cách độc lập chỉ là một ảo tưởng" (wiki).

Chủ đề mà tôi thường xuyên quan tâm là xoay xung quanh những ý niệm về "câu chuyện" và "ý nghĩa" trong các diễn ngôn của chúng ta. Chúng đều có vẻ ẩn giấu đằng sau là ý niệm "nhân quả". Tin rằng nhân quả là phổ biến nhưng hai ý niệm kia thì không tất yếu tồn tại. Nó có vẻ chỉ ra thế đối đãi của điểm nhìn bị hạn chế trong diễn đạt chủ quan của căn tính cá nhân. Nếu chúng ta cứ mải cho rằng chân trời ý nghĩa của đời ta ở mãi xa kia thì làm sao ta kết nối được nữa với đời thường, với những người sống với ta? Ta phải chăng là sự hòa hợp của đối đãi lúc này và ở đây với tình huống hiện tiền? Thế gian là phóng chiếu của cách ta tri nhận tự ngã.

Ký ức thực tế là kết quả của chọn lọc có tính hướng đích. Giống như nhìn và thấy, cái được thấy là cái được chọn trong khi cảnh quan thì không có biên giới. Cái chi phối sự thấy là nền tảng giáo dục, thiên kiến, sở thích...Chúng ta hiểu thế giới bằng và nhờ kí ức theo cơ chế của ẩn dụ cùng tất cả đặc tính mơ hồ, tạm thời và hay thay đổi của nó.

Cũng giống như câu trả lời phỏng vấn của diễn viên Keanu Reeves khi được hỏi “Anh nghĩ việc gì sẽ diễn ra khi chúng ta chết đi, Keanu Reeves?” - "Tôi biết rằng những người yêu ta sẽ luôn nhớ đến ta." (I know that the ones who love us will miss us.) - nhân vật chính trong truyện huyền huyễn kia hẳn sẽ nương tựa vào trí nhớ của những người yêu mến y để tạm yên lòng. Vậy mà tác giả chơi khăm y, cho tẩy xóa bằng hết thảy những kí ức đấy; cùng lúc chơi khăm độc giả, khiến chúng ta bâng khuâng với hố thẳm của lãng quên. Nhà văn không phải Thượng đế để đưa ra các lí giải cuối cùng - dù rằng hơn bao giờ hết, các tác giả của thể loại huyền huyễn được tự mình chạm vào quyền lực của Sáng tạo giả trong việc giả lập mọi mô hình cho vũ trụ huyền ảo của riêng y ta. Chẳng cần đợi đến cuối truyện, đôi lần nhà văn cho nhân vật của mình trải nghiệm cửu thế luân hồi. Trong mỗi luân hồi đều không có trí nhớ tiền kiếp cho đến khi thức tỉnh. Nếu có luân hồi với bản ngã vĩnh hằng khuyến mại thêm trí nhớ tiền kiếp nữa thì nhân sinh trở thành dị dạng đến mức nào? Không phải tự nhiên câu "thế gian vô tiên" lại hay được các tác giả huyền ảo nhắc đến nhiều như vậy. Chính sự hữu hạn của nhân sinh làm nên nhân sinh. Nếu quả thực có thể đột phá giới hạn đó, căn bản chúng ta không phải là chúng ta nữa, và tất nhiên chúng ta sẽ không hiểu được hành vi của KẺ ĐÓ. Ai mà quan tâm con kiến nghĩ gì?

2.

Sáng nay trong một giấc mơ của tôi có bác - ông già gân. Hình như là lần đầu vì tôi hầu như từ lâu đã giải quyết xong mọi vướng bận với mộng mị. Tôi có thể hiểu rõ được cơ chế tinh thần của bản thân từ mỗi giấc mơ và từ đó hầu như tôi cũng không mơ nữa. Như mọi khi, giấc mơ là một tình huống nhân sinh giả lập mà hình tượng bác được ẩn dụ cho cảm hứng của tôi về lối sống, phong cách và đức tính của bác. Tôi đang có chút chần chừ cầu âu khi nhận lời hướng dẫn lứa trẻ. Vậy là tôi sẽ nhớ đến cách bác đã từng truyền cảm hứng cho người trẻ là tôi những ngày đầu bước vào đời. Và tôi tự nhận ra mình nên làm gì cho đúng sơ tâm. Người đi xa mãi với người lâu ngày không gặp trong trường hợp này đâu có gì khác nhau? Từ phía của người_khác, tất cả sự hiện diện sinh động của ai đó trong ta đến cùng cũng chỉ đến như thế là đầy đủ. Nhưng đây là ở bình diện vỏ ngôn ngữ. Những ngày bác mới mất, chưa bao giờ tôi trải qua nỗi buồn và cô độc đến thế. Kinh nghiệm cảm xúc đó tràn ngập tâm trí tôi, hàng đêm tôi nằm co quắp trong bóng tối, nước mắt cứ ứa ra và hơn bao giờ hết tâm trí tôi xác quyết một tri nhận về hiện hữu. Tôi tuyệt không tin vào hư vô. Hư vô chỉ là bóng đổ tiêu cực của hiện hữu. Hư vô là một từ rỗng nghĩa và vô ích. Tôi có thể hiểu vô thường, hiểu vô ngã nhưng không có chỗ cho hư vô. Từ chỗ đó, dần dà tôi đã đi ra khỏi bóng tối của nỗi buồn đau cô độc thăm thẳm.






Không có nhận xét nào: