Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

giá trị luân lý của tác phẩm văn chương

...Một tác phẩm văn chương nào không phản lại tâm lý con người, nói lên được nỗi buồn đau tủi nhục của con người trước cuộc sống, sự cố gắng của con người, cái thiện chí của con người gìn giữ thuỷ chung giữa muôn vàn thay đổi, giúp người vượt cuộc sống bon chen, giao hoà cùng đất trời một niềm xót xa chung cho cuộc sống, tác phẩm văn chương ấy sẽ có giá trị luân lý sâu xa...


...Cái gì sẽ giúp cho thế nhân đông đảo rung động chân thành để hiểu đạo lý sâu xa bằng trực giác, và lựa nhập điều hoà giữa cuộc sống va chạm, đẩy xô? Tôi tưởng ấy là tác phẩm văn chương.

(Bùi Giáng-Một vài nhận xét về Truyện Kiều...)

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2009

Sương bạc làm thinh khuya nín thở

Đêm xuân, vợ nằm gối tay chồng thì thầm:

-
Anh viết thêm về đời sống gia đình như hôm trước nhé-hay lắm.

-
(hắng giọng) Nhưng mà em ạ, phàm những bậc văn cao muốn viết hay thì phải tạo điều kiện cho người ta chơi nhiều vào...

-
(hừm hừm) Cao thì cao, chơi nhiều thế nào cũng có lúc phải ăn chửi...

-
Bình thường, thế em có biết chuyện ông Văn Cao bị vợ chửi nhảy sông tự tử không?

-
(hé hé) Là dư lào? Kể đi, kể đi...

-
Ngày xưa ông Văn Cao được vợ thả cho rong chơi tận những 30 năm...
--------


Lần ấy vào Huế, bằng hữu đưa hai vợ chồng ông Văn đi chơi thuyền đêm trên hồ (sông). Đêm khuya trăng sáng một dải giang hà, tri kỷ hội ngộ, thảy đều đã ngà ngà.

Người này nằm ngửa im lặng ngắm trăng suông.
Người kia tựa mạn gật gù lẩm bẩm.
HPNT vẫn đang thao thao miên man về Lý Bạch.

Duy chỉ nhạc sỹ còn ngồi vững, lim dim uống rượu, hết ly này đến ly khác. Vợ xót chồng mang bệnh can mấy lần đều không thấy nghe lời. Rốt cuộc bực mình giằng lấy ly rượu hắt toẹt xuống sông. Anh em hoảng vía im bặt. Ông lão lập cập trở mình "tao chết đây" rồi lăn tõm xuống nước.

Khỏi phải kể anh em mò vớt thế nào. Đưa vào viện cấp cứu rồi hỗ trợ phu nhân dỗ dành ra sao. Chuyện từ đấy thành giai thoại giang hồ luôn.
--------

Lần đầu nghe chuyện thì thấy ái ngại cho nhạc sỹ. Kể ra như phu nhân cũng đã là bậc tri kỷ của nhạc sỹ, nhưng tiếc thay lại chẳng phải tri âm.

Hỡi ôi, đã cùng nhau vượt những hoạn nạn gian khó ngập như sóng cả lút đầu, lại cùng nhau cười cái vụn vặt của thế nhân suốt mấy mươi năm mà rốt cuộc đến chỗ "chí tại non cao, tình nơi nước cả"(*) thì đành lăn tõm xuống sông sâu! Lúc nghĩ đến cái lạnh đêm hôm ấy của nhạc sỹ mà người nghe chuyện cũng muốn lăn ra ốm bệt đến 3 tháng.

Nhưng hôm nay đọc lại Tây Sương Ký, đến đoạn Kim Thánh Thán kể những nỗi sướng khoái bình sinh mà ngẫm lại thì sự vụ năm xưa không còn thấy lạnh nữa. Nó thậm chí còn có màu hỉ hả.
----------

Đêm xuân cùng các tay hào uống đã nửa say, thôi đã khó thôi, thêm cũng khó thêm...Bên cạnh bỗng có một đứa trẻ hiểu ý, đưa vào hơn chục pháo chuột. Liền đứng dậy ra ngoài tiệc, lấy lửa đốt chơi! Mùi lưu hoàng xông từ mũi vào tận óc, khắp người khoan khoái, chẳng cũng sướng sao!


Kim Thánh Thán nói những chuyện sướng khoái để cho lòng đỡ bạo bực-trích Lời bình trong Tây Sương Ký-Nhượng Tống dịch.
----------

Bây giờ mới nghĩ, hẳn cái lúc đêm sáng trăng hôm nọ, các tay hào kia cũng đã vào cái cảnh "thôi khó thôi, thêm khó thêm" rồi. Thử hỏi không có bàn tay lanh lẹ của lão phu nhân thì phải làm sao? Thực là rất khó. Cũng mới thấy ông lão còn lanh lẹ, gọn gàng gấp mấy lần chẳng hết. Cùng cảnh với Lý Bạch mà lại hợp lẽ với đạo cả: cái sạch của sông biển tẩy mọi ưu phiền (@Nam Hoa Kinh) (**). Mới hay cái đạo "phu xướng phụ tuỳ" không phải một lần mà hiểu ngay được chỗ thâm sâu.


Nhưng cũng phải nói lại thế này: Băng đóng 3 xích đâu phải cái lạnh một ngày. Kể như phu nhân xuất xử cũng là hợp với bản tính. Có điều như Triêu Vân (***) hẳn nàng đã chọn cách khác. Sao không mệt mỏi tựa vào vai chàng để cả bọn kéo về trong khói sương tan. Một đằng ấm một đằng lạnh, cùng một nghiệp mà duyên khác sinh quả khác những bao nhiêu!
---------

(*): Nguy nguy hồ, chí tại cao sơn. Dương dương hồ, chí tại lưu thuỷ (@Tử Kỳ)

(**): Ngồi uống cả tối trên thuyền trong đêm trăng sáng vừa thanh vừa nhã, nhưng mà trộm nghĩ cũng có điều bất tiện không dám nói rõ ở đây :)

(***): Hồng nhan tri kỷ của Tô Đông Pha.

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2009

Phàm các bậc văn cao

Đêm xuân cùng các tay hào uống đã nửa say, thôi đã khó thôi, thêm cũng khó thêm...Bên cạnh bỗng có một đứa trẻ hiểu ý, đưa vào hơn chục pháo chuột. Liền đứng dậy ra ngoài tiệc, lấy lửa đốt chơi! Mùi lưu hoàng xông từ mũi vào tận óc, khắp người khoan khoái, chẳng cũng sướng sao!

Kim Thánh Thán nói những chuyện sướng để cho lòng đỡ bạo bực-trích Lời bình trong Tây Sương Ký-Nhượng Tống dịch.

(cont)

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

Những bước đầu đời

Mỗi ngày nuôi con thì lại thêm nhiều kinh nghiệm hơn.

Erich Fromm cho rằng tình yêu của bà mẹ trưởng thành ở khả năng dành cho con khả năng sống độc lập. Những ngày dự định cho con đi nhà trẻ bố mẹ đã rất lo lắng vì con vẫn còn chưa biết tự bảo vệ bản thân. Nhưng nếu con đi học con sẽ lớn khôn lên rất nhiều. Và trách nhiệm của bố mẹ là phải cho con có những điều kiện tốt nhất để phát triển chứ không phải bao bọc con mãi.

Nhưng cứ nghĩ đến những lúc nâng niu con ở nhà mà lại lo lắng khi đưa con đi ra ngoài xã hội-lòng người ai chả như vậy.

Ở giai đoạn tuổi này con sẽ phải vượt qua nhiều thử thách: con đã chập chững biết đi nhưng chỉ đang bập bẹ biết nói. Thế giới của con là thế giới của quan sát và bắt chước. Thật khó để bố mẹ và mọi người hiểu được mong muốn của con. Vậy đấy, chỉ hơi lớn khôn một chút là con người phải tập chấp nhận sự thực về những điều khó chịu trong cuộc sống để vượt qua. Con sẽ ốm nhiều lần, sẽ vấp ngã, sẽ bị đói, bị đau mà không phải lúc nào cũng được chăm sóc vì không ai hiểu con. Con sẽ phải nhìn ra bên ngoài gia đình để học hỏi và lớn lên.

Bố mẹ muốn con lớn lên trong sự cảm nhận về tình thương yêu và thái độ trân trọng sự sống độc lập của con. Nên những ngày này mỗi khi con khóc hờn quá lâu bố mẹ thấy thật phân vân và day dứt khi phải quát nạt đánh đòn con. Chỉ là tỏ thái độ cho con biết cái gì là "được phép" và "không được phép". Và con bắt đầu biết có cái nhìn vừa hờn vừa tủi với bố mẹ. Như hôm nay con đang ốm mà bố mẹ vẫn phải nạt con để con dứt cơn hờn đến hơn một giờ. Và trong giấc ngủ con vẫn nấc lên hờn tủi.

Hỡi ôi, nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Cha mẹ sinh con trời sinh tính, đã làm hết sức hết lòng rồi thì nhiên hậu sau này có lẽ phận làm cha làm mẹ đau lòng nhất là ở chỗ con cái không hiểu tấm lòng của mình.

Cổ nhân nói: Cùng lo thì dễ thân, cùng thương thì dễ giận. Nhận rõ sự thực về cuộc nhân sinh, gắng hết sức hết lòng cốt cũng chỉ là để khỏi phải ân hận chứ làm sao tránh được không đau lòng trong cõi nhân gian này?

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2009

Thấy đời là không

Nhân dịp dọn dẹp blog này, post lại một vài entry từ blog private.
---------------
Monday March 2, 2009 - 02:35am

Hai hôm nay uống nhiều rượu. Uống đến gần say, nói năng hành động phóng túng bạt mạng, hát hò ầm ĩ. Cũng vì là đi chơi với bạn bè thân quen. Cũng vì trả lại những căng thẳng công việc thời gian vừa rồi. Cũng vì vừa ốm dậy, "thấy đời là hư ảo", muốn gì thì cứ làm đại đi.

Xem phim "Bình minh Đại Đường" đến đoạn Đường Thái Tông khóc Lý Tịnh chết. Hồng Phất múa điệu múa người Hồ cho tướng quân xem lần cuối. Ông lão lẩm bẩm "Ngày xưa cưỡi ngựa chém giết người ta chứ có hiểu họ nghĩ gì đâu. Bây giờ nghe nhạc mới thấy thật nhiều điều.". Khen nàng múa đẹp rồi lăn ra chết. Xem phim đọc sách nhiều dễ có ảo tưởng về cái chết được bố cục như vậy. Rồi thấy cuộc đời có ý nghĩa. Chỉ cần nhìn ra xung quanh hay nhớ lại 1 chút sẽ khác: đa số mọi người đều lăn ra chết theo những cách rất vớ vẩn và lãng xẹt. Ngày trước còn trẻ, chính ra lại hay suy nghĩ nhiều về cái chết. Có lẽ vì lúc trẻ người ta thấy cái chết nó ở xa quá nên không có kinh nghiệm gì cả. Thậm chí mình đã từng 2 lần đêm rằm tháng 7 đi ra nghĩa địa để thử tìm ma! Nhưng sau này càng ngày càng ngại nghĩ và nói về chủ đề này. Sợ sái, sợ gở, điềm báo vớ vẩn...etc. Nói chung là bắt đầu thấy sợ-cái nỗi sợ cổ xưa và tăm tối đầy bản năng chứ chẳng màu mè triết lý gì ở đây. Ngồi mà nghĩ thì sẽ có thể nói ngay ra được vấn đề trực diện với bản tâm thế nào. Nhưng nỗi sợ là một kinh nghiệm chứ không phải 1 lập luận.

Từ rất lâu rồi mình đã đôi lần tưởng tượng về những giây phút cuối cùng của cuộc đời sẽ như thế nào. Thầm nghĩ giá như có thể ngồi kiết già kiên cố và tự chủ mà ra đi. Nhưng những lúc ốm đau thì chỉ đơn giản là bệt ra và hỗn loạn. Tri kiến không có chút giá trị gì cả! Rồi những ngày ở cái tuổi 30 này, hốt nhiên có lúc suy nghĩ lẩn thẩn: nếu như ta chỉ sống được dăm năm nữa thay vì vài chục năm. Ta sẽ làm gì? Nghĩ đến ai? Cũng chẳng xa xôi gì, bác ruột mình mất năm 36 tuổi vì ung thư. Hay như câu chuyện của bạn mình cũng cứ làm ám ảnh mãi. Chồng bạn mất vì bệnh gan, cái chết ập 1 nhát, chỉ trong vòng 10 ngày. Lúc bạn hỏi chồng có dặn lại gì không thì anh chỉ biết khóc. Nước mắt ngập ngụa. Mình cứ thắc mắc tại sao lúc sinh tử quan đầu như vậy mà anh lại không dặn lại điều gì-dù chỉ là hình thức để vợ con có điều mà nương tựa. Chỉ có thể giải thích bằng sự bối rối không hề được chuẩn bị để đối mặt với cái gọi là số phận. Định mệnh bắt đầu sau cái chết.

Khi nghĩ thoát ra khỏi cái ám ảnh sống mãi thì cuộc đời nhìn lại cũng chẳng đáng là bao. Nhớ lại cái chết của 1 bloger năm trước. Một cái chết được tường thuật. Một nỗ lực khôn cùng để chống lại sự vô nghĩa, phi lí của số phận. Hoá ra mình nghĩ nhiều nhất đến con. Thật là nước mắt chảy xuôi. Đứa con làm cho chúng ta cảm giác về sự kéo dài của cuộc sống. Nhưng từ khi hài nhi đầy tuổi tôi thì đã xuất hiện nhu cầu được cho chơi với bạn để phát triển rồi. Vậy là cái phần của cha mẹ thực tế cũng ít ỏi. Cái khó là làm sao đừng để đứa con lớn lên với gánh nặng số phận đầy áp đặt. Cha mẹ để lại nhiều dấu vết quá chưa hẳn đã tốt. Mỗi 1 sinh mệnh phải tự gánh lấy cuộc đời của chính mình. Cái ý tưởng là viết trước cho con những bức thư của mấy chục năm vào mỗi sinh nhật. Đấy là 1 sự phóng chiếu cái nhu cầu hồi cố cuộc đời của bản thân. Vậy là 1 cái bẫy có thể hình thành: ám ảnh và thao túng cuộc đời người khác để chỉ vì nỗ lực kéo dài sự phi lí của tồn tại.

Câu nói cửa miệng của mình dạo này là "làm sao sống cho nó HAY". Tự nhìn lại thấy mình có đủ nhiều may mắn để sống cuộc đời "cho nó hay". Bây giờ đã thoát ra khỏi cơn mê sảng tự ngã ta là trung tâm, ta tài giỏi...nhưng cũng đủ chín chắn để biết rằng mình cũng có chút Tài và 1 chút Tình-để tô điểm càn khôn, như cổ nhân nói. Đã bớt đi rất nhiều những điều "không thể, không được phép..." trong tâm trí rồi. Tâm trí vốn hỗn độn và điên loạn lúc nào cũng chực chờ đánh mất sự thăng bằng có ý thức. Sau 1 cơn say thường sẽ có cảm giác hối tiếc. Có thể giải thích bằng vài chất trong máu. Nó cũng là sự hối tiếc khi cảm giác đánh mất sự tự chủ. Nhưng cơn mê có sức hấp dẫn của cơn mê. Trong cơn mê, ta sống miên man bằng cảm xúc. Ta va chạm với thực tại bằng cảm xúc. Ta hốt nhiên không còn là ta nữa. Ta là Mình. Một cái mình vừa ngập ngừng va chạm với thực tại-vừa liếc mắt về phía ý thức.