Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

về một cuốn sách

- Khi chúng ta viết, hầu như là một quá trình dần dần định hình. Trước đó không hẳn nó - cái được viết ra - là như thế. Còn sau đó thì sao?

Cũng vậy, đừng hy vọng gì vào một sự "hiểu". Đấy là một ảo tưởng. Qua sự đọc, chúng ta mở rộng giới hạn bản ngã của chúng ta - hay đúng hơn là chúng ta trải qua sự trở thành cái gì đó khác đi. Chúng ta viết và chúng ta thay đổi. Chúng ta đọc, chúng ta cũng thay đổi.

- Nhìn chính là một hành vi lựa chọn (J.Berger, từ giờ sẽ in nghiêng). Cái tôi thấy là cái mà tôi bị quy định.

- Sự hiện diện của một phụ nữ luôn thể hiện thái độ của cô ta với bản thân (có tính nội chiếu), và cho thấy mong muốn của cô ta về việc người khác nên đối xử với cô ta thế nào...

- Một phụ nữ sẽ luôn phải hình dung về bản thân, cô ta sống mà luôn phải ý thức về hình ảnh của chính mình.

- Và như thế, cô tiến đến việc coi kẻ quan sát và kẻ bị quan sát tồn tại trong chính bản thân cô như thể hai yếu tố, tuy luôn trái nghịch về chức năng, song lại cùng nhau cấu thiết nên căn tính phụ nữ của cô.

- Chạy đi chạy lại (có ý thức về điều đó hoặc không) giữa hai vai nhưng cùng trong một mối bận tâm thiết thân: mình phải được trông thấy như thế nào?

Tài sản của cô là một vẻ đẹp. Nhiều người nói thế. Cô biết thế. Và cũng biết thế là không đủ. Nhưng mỗi khi tự nhìn nhận mình, cô chỉ thấy riêng điều đó có vẻ chắc chắn. Mọi thứ khác cô không rõ ràng nó là gì, và chúng thường thách thức sự bình an của cô.

- Viết ra là để an cái tâm của mình. Một sự thanh tẩy nhờ nỗ lực thăng hoa qua việc nghệ thuật hóa những mẩu vụn hiện sinh của mình. "Bình an" là vấn đề cảm giác. Khía cạnh chủ yếu được trình bày ra cũng là về phương diện cảm giác. Cái tên là những tính từ của cảm giác.

- Một trật tự của các mảnh ghép. Tuy được cấu tứ lại nhất định cho hợp với hình thức của một tập truyện ngắn, nó có logic trật tự thời gian rất rõ của hành trình trưởng thành của một cô gái. Cô gái ấy (tôi thấy) với mối bận tâm thường trực của mình, xoay xở bời các tình thế nhân sinh - theo hầu như cùng một lối: thấy và bị thấy.

- Khung cảnh chỉ là cái giá treo mối bận tâm. Khung cảnh luôn là các mã-văn hóa khá điển hình. Điển hình của sự đã từng độc đáo (và đã bị bỏ qua).

- Không những thế, với cô tổn thương là có thực. Nó đã xảy ra dẫu từ trước khi nó cụ thể ra là cái gì thì nó đã có hình hài riêng trong một sự e ngại vô cớ kiểu ấu thời.

- Ngược lại bản thân cô, thân thể cô lại rất cụ thể, thường trực tồn tại trong các mô tả trải nghiệm xúc giác.

- Cô vừa sống vừa tìm kiếm. Mỗi khả năng vừa hiện ra cho cô ướm thử thì lập tức cái con mắt của kẻ quan sát lại viện dẫn ra những khả thể khác một cách mỉa mai. Cô sợ sự mỉa mai - nó gây tổn thương ghê gớm vì nó đối lập triệt để với sự tinh khôi bản nguyên.

Dù không thừa nhận, quả thực phần lớn thời gian cô vô thức đẩy cái đẹp về phía bản chất. Tiếc thay, lý trí thông minh và mỉa mai của cô nó canh chừng điều đó.

- Thoạt đầu, có sự ám tả về trưởng thành. Truyện ngắn đầu tiên có cái tên là một mã kép: một đằng là về thái độ, một đằng là về sự thanh tẩy của trật tự hình thức. Con đường có thể là biểu trưng của sự trưởng thành, cũng có thể là của sự chạy trốn thực tại. May thay thực tại của cô gái ấy càng lúc càng đỡ có tính chất mã-văn hóa hơn. Cô từ từ lớn lên với những liên tưởng, chất vấn và xoay xở của mình. Tìm cách định vị mình trong nội tâm, qua người khác rồi dần dần cô đến được với thế gian của những người khác. Hành trình này ai biết nó thế nào.