Thứ Ba, 29 tháng 8, 2023

Đọc lại "Vũ trung tùy bút" viết về tang tế dịp rằm tháng 7

Nhiều người hay mong đợi một khuôn mẫu chuẩn chỉnh, như thực của văn hóa cổ truyền hương xa làm thứ để mong ngóng tiếc nhớ. Trên mxh có rất nhiều group lập ra với chủ đề như vậy với hy vọng có được hình ảnh CHÍNH XÁC về quá khứ. Tiếc là chúng ta cần biết một điều căn bản là trong lịch sử nhân loại cơ bản văn hóa luôn tiệm biến, mâu thuẫn, nhì nhằng qua lại. Bởi vì nó phản ánh chính thực tế đa căn tính của xã hội. Khi nào mà nhất loạt hóa 1 kiểu hình thì xã hội đó thực là đáng sợ.


Nho gia chủ trương Lễ để thay đổi hành vi con người/ người sống chứ không như người ta hay tưởng tế lễ có thể cảm động đến thần linh mà thay đổi hành vi của thần linh đến số mệnh của mình. Có thể đọc được nhiều chỗ viện đến cái lẽ nương theo phong tục mà giáo hóa để thấy Lễ (là hình thức cô đọng nổi bật nhất của văn hóa) cùng luôn tùy thời và luôn bị tranh cãi từ thời có sử đến nay. Ít nhất trong Luận ngữ ta đã thấy Khổng tử san định lựa chọn, tranh luận về lễ nghi, trang phục như thế nào. Rồi cứ thế đời nào cũng có tranh luận thêm bớt đổi thay. Không phải tự nhiên Yuval Harari có cái ý muốn hiểu một tôn giáo (hay tư tưởng/văn hóa) nào thì phải hiểu nó ngay chỗ những mâu thuẫn trong lòng những tôn giáo/tư tưởng ấy chứ không phải chỉ ở Kinh sách.


Trong tập "Vũ trung tùy bút" của Phạm Đình Hổ, ở đoạn cuối có mấy bài về tang tế cũng phản ánh cách nhìn phê phán của Nho gia về phong tục lễ lạt đương thời (Lê mạt sang đầu Nguyễn). Qua đó cũng có thể thấy được bóng dáng ảnh hưởng hỗn tạp qua lại của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng trong đời sống thực tế. Từ Lê mạt  sang Nguyễn đã thay đổi một trời một vực rồi chứ có đâu như nhiều người cứ tưởng tượng thời xưa có nghĩa là thời Nguyễn muộn.


"Đời xưa có những lễ tế tiên tổ, như là lễ tế Đế tế Cáp, tế bốn mùa để hiến thời vật. Những lễ ấy thì từ thiên tử đến thường dân cứ theo thứ tự giảm bớt dần, chứ không phải ai cũng được làm đủ các lễ. Còn như lễ ngày giỗ là lễ truy viễn cảm thời*, phải nên hết lòng nhớ thương, không được bày ra lễ để hưởng tế. Sách Lễ ký bảo rằng: người quân tử không phải chỉ thương xót một buổi sớm, mà là mang tang đến suốt đời, ý muốn chỉ về ngày giỗ vậy." (Trích Tế Lễ, tập Vũ trung tùy bút).


Ý cụ là muốn đánh chén thì chọn lúc vui mà bày cớ, cứ mượn ông bà đã khuất ra mà bày biện đánh chén thì thực khó coi. Cho hay thực tế tranh luận về lễ trong một nền văn hóa là những diễn ngôn của các nhóm giai tầng xã hội khác nhau là chính, lễ của hoàng gia cũng lổn nhổn hợp lưu, lễ thường dân cũng tuế toái như vậy theo cách khác, trong khi tầng lớp sĩ đại phu thì lại muốn trong suốt hóa theo dòng tư tưởng của mình nữa. Có điều mỗi các bố ấy biết viết chữ, hay viết sách nên làm đời sau cứ đinh ninh cái gì cũng trong veo.

Thứ Hai, 14 tháng 8, 2023

Carnet: 3 phân cấp các hoạt động của con người

"Người Hy Lạp chia thang phân cấp các hoạt động của con người làm 3 mức: labour (lao động, hiểu như kiếm ăn), work (tạo tác, hiểu như sáng tác nghệ thuật), và action (hành động, hiểu như hoạt động chính trị), và trong thang phân cấp này, lao động kiếm ăn bị đặt ở mức thấp nhất (con thú cũng phải lao động kiếm ăn), còn tạo tác (làm nghệ thuật) ở mức cao hơn."