Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

Cây xanh trong đô thị

Cây xanh trồng trong khuôn viên trường học là đối tượng cảnh quan cơ bản có đủ các quy chuẩn tiêu chuẩn pháp luật để quản lý. Nếu từ góc độ quản lý cây xanh đô thị, hoàn toàn có thể rà soát quy trình để quy trách nhiệm cũng như đề xuất bổ sung các chế tài cần thiết để đảm bảo an toàn.

Nhưng cây xanh cổ thụ còn có vai trò như một di sản của cộng đồng - nhà nước cũng có quy định về công nhận cây di sản. Những cây cổ thụ vừa là điểm nhấn nổi bật của cảnh quan, vừa là cột mốc neo giữ ký ức cộng đồng. Vì vậy khi nhìn chúng như là di sản cần gìn giữ, người ta sẽ tìm cách khắc phục, bảo tồn chúng để vừa đảm bảo an toàn vừa không đánh mất đi những giá trị văn hóa vật chất cũng như tinh thần của chúng.

Ứng xử vội vã của một số nơi vừa qua phản ánh tâm lí sợ trách nhiệm và ít nghĩ. Dẫu vậy, cũng nên hiểu một thực tế là không phải ở đâu cũng đủ điều kiện để đánh giá chăm sóc cây trồng đúng kĩ thuật. Trường học thường phần nhiều cũng chỉ xoay xở với các khoản kinh phí hạn hẹp; ưu tiên cho cây xanh theo tiêu chuẩn là một thứ xa xỉ.

Nhưng cây xanh đô thị còn có một câu chuyện khác buồn thảm hơn nhiều nếu xét từ điểm nhìn từ nguồn gốc đại ngàn của chúng. Trong cuốn sách ''Đời sống bí ẩn của cây'', Peter Wollerben có hẳn một chương sách nhan đề là ''Những đứa trẻ đường phố'' để ví von về cuộc đời của cây xanh đô thị. Tôi lược ghi lại vài ý hay nhất về loài gỗ đỏ:

Chúng là những đứa trẻ mồ côi khi đem trồng trong đô thị. Thứ quan trọng bị thiếu mất là rừng, hay chính là các họ hàng của chúng. Lớn lên xa gia đình và cha mẹ, không họ hàng, không có trường mẫu giáo đầy tiếng cười (tất nhiên của loài cây), không có gì hết, cả đời chúng sống trong nguy hiểm và cô độc.

Không có khu rừng nguyên sinh cung cấp cho bộ rễ mỏng manh của chúng loại đất mềm, bở, giàu mùn và luôn ẩm ướt. Ở công viên đô thị chỉ có mặt đất cứng, cạn kiệt chất dinh dưỡng và bị nén chặt vì đô thị hóa. Nước mưa sẽ rút đi nhanh quá mức, cây không thể tích tụ được lượng nước để sống qua mùa hè.

Kỹ thuật trồng cây cũng ám ảnh đám cây này suốt cuộc đời còn lại của chúng. Chúng bị giữ sống và quản lí ở vườn ươm trong nhiều năm trước khi được chuyển đến địa điểm cuối cùng. Mỗi mùa thu, rễ của chúng đều bị tỉa bớt để vẫn chen vừa trong giỏ ươm...Bầu rễ - thứ sẽ có đường kính khoảng 6m ở một cây cao khoảng 3m nếu cây ấy được sống theo ý mình, bị cắt chỉ còn khoảng 50cm, và để đảm bảo tán sẽ không héo rũ vì khát do rễ bị tỉa bớt, ngay cả tán cây cũng bị cắt bớt...Thật không may, khi rễ bị xén bớt, kết cấu tương tự như bộ não cũng sẽ cắt đi cùng với những đầu rễ nhạy cảm. Dường như việc can thiệp này khiến cây mất đi cảm giác phương hướng dưới lòng đất. Chúng không mọc rễ cắm xuống đất nữa, thay vào đó, chúng lại hình thành một chiếc đĩa rễ phẳng nằm gần mặt đất, và điều này hạn chế nghiêm trọng khả năng cây kiếm nước và thức ăn.

Mới đầu cây thoải mái với ánh sáng (vì trồng thưa đơn độc) và nước tưới, chúng nhồi nhét bản thân với những món quà vặt giàu đường, quang hợp bao nhiêu tùy thích. Mỗi năm chúng cố phát triển hết tốc lực cho đến lúc hết tuổi ấu thơ, việc chăm sóc trở nên tốn kém và đơn giản là dừng lại. Thân cây to mập như những chiếc bụng phệ vì lớn quá nhanh, tế bào thân cây quá lớn, chứa rất nhiều không khí, do đó dễ bị nhiễm nấm...

Cuối cùng thì cây sẽ có thân mập, lùn với tán lá bên trên. Rễ không cắm sâu hơn 50cm vào chỗ đất bị giẫm đạp nặng nề, hỗ trợ rất ít cho cây...Tán bị tỉa xén nghiêm trọng là cú đánh nặng nề vào bộ rễ - thứ phát triển lên kích thước tối ưu phù hợp cho việc phục vụ những phần nằm trên mặt đất của cây. Nếu có một tỷ lệ lớn các cành bị chặt bỏ khiến mức quang hợp giảm xuống, thì sẽ có một tỷ lệ tương ứng các phần dưới lòng đất của cây bị chết đói. Nấm sẽ thâm nhập vào phần gốc chết - nơi cành bị chặt bỏ và thân cây bị cưa đi. Phần gỗ chứa đầy các túi khí do cây lớn quá nhanh lúc còn non, và thế là nấm được dịp vui vẻ...Chỉ vài thập kỷ - quá nhanh với loài cây sống hàng nghìn năm - phần mục nát bên trong sẽ lộ ra phía ngoài của cây...

Những cây nơi thành thị chính là những đứa trẻ đường phố đối với rừng rậm. Đất cứng vỉa hè khiến chúng tìm đến phần đất xốp sau thi công đường ống - chỉ đường ống mới được sửa chữa - thế là tác động đến đường ống, trở thành vấn đề và bị trừng trị. Khí hậu đô thị có thứ không khí cực kì khô, tràn đầy khí thải...những thứ trong rừng có tác dụng chăm sóc sức khỏe của cây như nấm rễ cộng sinh thì vắng mặt. Những cây xanh nơi đô thị phải tự lo một mình trong điều kiện sống khắc nghiệt nhất. Cây yếu sức rồi sâu bệnh xuất hiện. Cuối cùng thì nỗi căng thẳng mà cây phải chịu đựng nhiều đến mức hầu hết chúng đều chết non (so với tuổi của chúng). Mặc dù cây trong đô thị có thể làm bất cứ điều gì chúng muốn khi còn trẻ, sự tự do này không đủ để bù đắp cho những bất lợi mà chúng phải đối mặt sau đó trong cuộc đời...


Thệ giả như tư phù

...
Mắt em còn mỏi không 8 tiếng nhìn màn hình
Những tối đi về đơn độc, em thấy lòng mình lặng thinh?
Và đừng để đời chỉ là những chuỗi ngày được chấm công
Miệng cười như nắng hạ, nhưng trong lòng thì chớm đông
Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau
Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau
(Đen Vâu)

Mọi người thường nhủ thầm sẽ cố gắng vài năm nữa, rồi sẽ thu xếp cuộc sống theo ý mình, ý nghĩa hay ho hơn. Và sẽ dành thêm thời gian đọc sách. Nhưng có thật thế không, hay điều đó chỉ là một cách hợp lí hóa tình huống hiện trạng, giúp bản thân qua được mỗi từng ngày từng ngày qua?

Đọc để biết thì nói chung biết nhiều cũng có điểm tốt, nhưng nhiều quá thì cũng chưa chắc tốt. Nên hồi trẻ thì đọc càng nhiều càng tốt, đọc cách đọc nữa. Lớn dần lên thì chọn lọc dần hơn. Chọn lọc thế nào thì nên học thông hiểu truyền thông ^^ Vì có thể chọn lọc nên cơ bản có thời gian thì đọc, ít đọc cũng mấy ai nói gì mình, nhất là trong thời đại google này.

Đọc để làm, phục vụ công việc thì không bao giờ thừa. Nhất là góc độ có thể lấy hiệu quả thực tiễn để kiểm nghiệm cái mình đã đọc. Trải nghiệm được từ cái chung đến cái riêng biệt đa dạng của cuộc sống và thế giới. Nhưng không phải công việc nào cũng luôn luôn đòi hỏi quá thường xuyên sự tăng bổ kiến thức nên khi đạt một chuẩn rồi chỉ cần có thời gian thì đọc là được. Chưa đọc chưa chết ai.

Đọc để có thể hiểu người khác, thông cảm và cộng tác được với nhau, và hơn thế, để có thể lịch luyện những tình huống nhân sinh lạ lùng nhất - đọc văn chương là gần với chuyện này nhất. Nhưng con người đến một mức độ nhất định cũng kh
ông dễ mà nhận ra những gì mới mẻ hơn nữa. Cuộc sống phong phú cũng nhiều điều để trực tiếp trải nghiệm nên đọc kiểu này cũng có thời gian đọc là được rồi.

Cả ba kiểu đọc trên đều có điểm chung là hướng ra ngoài, có manh mối cụ thể để nắm bắt và đo đếm. Nhưng còn một kiểu đọc khác không thuộc về phân loại này, đó là đọc như là một hình thức của suy tư.

Đọc để trở thành, để khai phát trong dò dẫm cái khả thể toàn vẹn của nhân tính mình trước/trong Tồn tại. Điệu lối đọc như thể suy tư này có nguồn cơn từ mối bận tâm thường trực của nội tâm - một sự ưu tư vào trong, không liên hệ với những giá trị thực dụng của ngoại giới. Khi diễn giải Luận ngữ, Francoise Jullien có một ghi chú rất hay về sự phân biệt giữa "Ưu" và ''Hoạn". Ưu là nỗi lo lắng nội tâm. Hoạn là nỗi lo xoay xở đến từ cuộc đời, chỉ liên quan đến phúc lợi bên ngoài. Vì như vậy nên suy tư chỉ có và chỉ khởi lên từ mối ưu tư thường trực nội tâm.

Bạn thấy mình không ổn? Chính mối ưu tư đang thúc giục bạn đấy. Bạn có suy tư vậy thì bạn ổn. Bạn bỏ lơ, lấp liếm, tự lừa dối mình trước mối ưu tư thì mới không ổn. Đọc theo điệu lối này không bao giờ là đủ, không thể ngừng nghỉ được. Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ. Đạo không ngưng nghỉ, tồn tại vẫn ở đó nhưng từng bước dò dẫm tìm về, tiến gần hơn đến với tồn tại thì cần sự suy tư không mỏi mệt. Đọc như thế sao chờ nhàn rỗi được? Suy tư sao để vài năm nữa mới suy tư được? Ở đầu kia của sự thiếu vắng suy tư là vô tri. Thoát được vô tri đối với đa số là một may mắn. Nhưng đi ra vô tri là thuyền ngược dòng nước xiết: không tiến được tức là lùi đấy.





Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

Phong cách mỹ thuật đồ họa của các bộ môn thiết kế: công trình, cảnh quan và quy hoạch

Trong triển lãm của sinh viên ĐH Kiến trúc Quốc gia Normandie “Vẽ ghi và gợi tả đặc trưng của một cảnh quan: thành phố Dieppe”, có một điểm vốn tưởng hiển nhiên mà đột nhiên tôi thấy chú ý là các nhà cảnh quan (hay kts) dùng thủ pháp đồ họa phong cách gì để gợi tả lại đặc trưng cảnh quan? Vì cái mà họ rút tỉa ra từ cảnh quan sẽ ảnh hưởng (thậm chí quy định) ngược trở lại giải pháp thiết kế mà họ đề xuất để can thiệp vào cảnh quan. Nhưng rồi chúng ta sẽ thấy vấn đề không đơn giản như thế.
Hầu hết các thủ pháp trình bày có dấu ấn của phong cách kiểu hội họa từ ấn tượng, lãng mạn đến biểu hiện. Tức là những phong cách tuy vẫn dựa vào hiện thực nhưng chú trọng biểu đạt cảm xúc và ý niệm chủ quan của người nhìn (tức là người vẽ lại). Điều này dễ hiểu vì cảnh quan là đối tượng không có ranh giới cũng như luôn biến đổi theo người nhìn: sự thay đổi góc độ, vị trí khi di chuyển trong không gian, thời gian; cũng như việc nhìn thấy cái gì lại là những lựa chọn đầy chủ quan "chịu tác động từ toàn bộ các tiền giả định về nghệ thuật mà họ đã từng được dạy dỗ" (như các tiền giả định về cái đẹp, sự thật, tài năng thiên bẩm, sự khai hóa văn minh, hình thức, địa vị xã hội, khiếu thẩm mỹ...) (John Berger, Những cách thấy, bản dịch của anh NNH, Nxb Thế giới, 2017). Nhưng một đồ án thiết kế cảnh quan lại sẽ có tham vọng tiến tới sự khách quan - một cảnh quan cho cộng đồng nào đó. Vậy làm thế nào để có được sự đồng thuận?
Trong khía cạnh này, có lẽ vấn đề của thiết kế cảnh quan nằm lưng chừng ở giữa 2 điểm mốc là thiết kế công trình và thiết kế quy hoạch.
Người KTS công trình khi hành nghề chuyên nghiệp sẽ sớm nhận ra và hiểu rằng một công trình hình thành trên thực địa là một kết quả hợp tác của ít nhất là những chủ thể chính như chủ nhà, người thiết kế, người thi công, bảo trì và người cấp phép. Một mặt người ta thường so sánh nó với "giấc mơ" đã thành hiện thực của chủ nhà, của kts...nhưng trên thực tế, để thuyết phục, thường nó được trình bày theo lối càng "giống thật" càng tốt (chủ nghĩa hiện thực).
Nhà quy hoạch thì đối diện với vấn đề "nảy sinh từ khi một người nào đó, với những lí lẽ có thể là đúng hoặc sai, cho là cần phải thực hiện hay khuyến khích một hoạt động nhằm biến đổi cách sử dụng mặt bằng để đạt tới "một tình thế được coi là tốt hơn"...Cho nên vấn đề là cách thức lựa chọn của một chủ ý hành động. Quy hoạch là một hành động của quyền lực, một công cụ để ra quyết định chính trị, do đó, "cách thức chọn quyết định, xét cho cùng, có tầm quan trọng lớn hơn nhiều so với bản chất của chính quyết định ấy" (Jean-Paul Lacaze, Các phương pháp QHĐT, Nxb Thế giới, 2002). Hình thức trình bày đồ họa của quy hoạch luôn tỏ ra có tính kỹ thuật hết mức (tuy nó có nhiều đặc điểm của 1 ngành khoa học nhưng nó chưa bao giờ là một khoa học thuần túy).
Trong tình cảnh ấy, có thể hình dung các nhà cảnh quan phải khó khăn thế nào để đạt được sự thừa nhận của xã hội theo nghĩa rộng nhất của nghề. Những khung cảnh luôn vừa hiển nhiên vừa phù du. Vừa của tất cả mọi người vừa chả phải của riêng ai. Những giá trị mà họ theo đuổi lại thất thường theo các giá trị chủ quan. Những ưu tiên mà cảnh quan đề xuất chỉ thỉnh thoảng được chính giới vay mượn ở những chỗ tiện dùng làm điểm nhấn cho chính tích trái ngược với những mong muốn đa cảm của nhà cảnh quan.
Mặc dù vậy, chính phương pháp luận mà bộ môn nghiên cứu cảnh quan đem lại là cái đang cần thiết nhất cho những xã hội như Việt Nam hiện nay. Cái cách người ta trải nghiệm, đo đạc, ghi lại những ấn tượng, giá trị có tính cá nhân...lại là thứ dễ thấu cảm được đến tinh thần của nơi chốn; là cách để một cộng đồng duy trì và lưu giữ ký ức cộng đồng. Những giá trị này hư vô, phiêu miểu, hiện rất khó thể hiện trong các đồ án quy hoạch vì nó không tiện dùng cho nhà quản lí đô thị.
Nhưng chính càng là như vậy, phân tích và am hiểu cảnh quan sẽ là phương cách tốt để khai minh cho xã hội đang trên đà đô thị hóa một cách man rợ. Việc học cảnh quan sẽ làm cầu nối và bổ trợ rất sâu sắc cho cả thiết kế công trình hay quy hoạch đô thị.
(Hình chụp từ một đồ án trong triển lãm)



Làng quê và thành phố

Thiên nhiên và con trẻ luôn là những hoài nhớ huyền hoặc, dai dẳng. Tự sự về một mối liên hệ miên mật với thế giới bằng thứ tinh thần thuần khiết.
Phần lớn thời gian của thị dân sống trong thế giới vật chất và tinh thần trái ngược với huyền thoại kia. Có hẳn những thế hệ từ đầu đến cuối lim dim trong thành phố. Thiên nhiên đồng nhất với những kì nghỉ phép và dịch vụ ướp từ đầu đến chân.
Làng quê thì tù đọng mênh mông, ấu trĩ mà chân thành trên nền bức tranh đầy những mảng màu ấn tượng và tỉ lệ không gian hòa hoãn; thành thị thì ngột ngạt xô bồ, trưởng giả điệu đà một cách ngây ngô thành thực như những khuôn ảnh trên instagram với những hiệu ứng ánh sáng của thủ pháp Kiểu cách (maniera). Thế gian là vào khoảng giữa của những thái cực. Tốt nhất là được không lựa chọn thái cực nào

Avatar

Mượn cái hình này để nói chuyện tâm linh, tín ngưỡng cá nhân. Trong một thảo luận, bạn tôi yêu cầu tôi nói ngắn gọn quan điểm về vấn đề niềm tin ở quỷ thần. Chả gì hợp hơn là mượn câu của thầy Khổng: KÍNH NHI VIỄN CHI. Tôn trọng niềm tin của người khác nhưng không có nhu cầu biết đến quỷ thần.
Những chuyện quái dị, thần bí...cơ bản không nằm trong mối bận tâm tinh thần của tôi. Nên hỏi có hay không với tôi thì trượt. Có thì đã làm sao? Không phải ông bà mình mà cúng tế thì là siểm nịnh. Ý này cũng thầy Khổng nói. Không cầu bên ngoài tự bạn sẽ có thể đạt dần tới tự do; lại có tôn nghiêm cho bản thân.
Nhưng trên khía cạnh đời sống tinh thần, tôi thấy mình vẫn gần với những hành giả. Dù không nghiêm cẩn lắm thì tôi vẫn thích hình tượng vị tu sĩ đang chơi bóng này: tu đấy, chơi trò chơi nhân gian đấy - hết mình. Trong cú ngã quăng rướn người hết sức hết tầm, vui vẻ đầm đìa, dẫu bóng đang vuột đi qua tay thì cũng kệ. Toàn bộ nằm trong sức căng của khoảnh khắc tràn đầy