Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

Thệ giả như tư phù

...
Mắt em còn mỏi không 8 tiếng nhìn màn hình
Những tối đi về đơn độc, em thấy lòng mình lặng thinh?
Và đừng để đời chỉ là những chuỗi ngày được chấm công
Miệng cười như nắng hạ, nhưng trong lòng thì chớm đông
Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau
Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau
(Đen Vâu)

Mọi người thường nhủ thầm sẽ cố gắng vài năm nữa, rồi sẽ thu xếp cuộc sống theo ý mình, ý nghĩa hay ho hơn. Và sẽ dành thêm thời gian đọc sách. Nhưng có thật thế không, hay điều đó chỉ là một cách hợp lí hóa tình huống hiện trạng, giúp bản thân qua được mỗi từng ngày từng ngày qua?

Đọc để biết thì nói chung biết nhiều cũng có điểm tốt, nhưng nhiều quá thì cũng chưa chắc tốt. Nên hồi trẻ thì đọc càng nhiều càng tốt, đọc cách đọc nữa. Lớn dần lên thì chọn lọc dần hơn. Chọn lọc thế nào thì nên học thông hiểu truyền thông ^^ Vì có thể chọn lọc nên cơ bản có thời gian thì đọc, ít đọc cũng mấy ai nói gì mình, nhất là trong thời đại google này.

Đọc để làm, phục vụ công việc thì không bao giờ thừa. Nhất là góc độ có thể lấy hiệu quả thực tiễn để kiểm nghiệm cái mình đã đọc. Trải nghiệm được từ cái chung đến cái riêng biệt đa dạng của cuộc sống và thế giới. Nhưng không phải công việc nào cũng luôn luôn đòi hỏi quá thường xuyên sự tăng bổ kiến thức nên khi đạt một chuẩn rồi chỉ cần có thời gian thì đọc là được. Chưa đọc chưa chết ai.

Đọc để có thể hiểu người khác, thông cảm và cộng tác được với nhau, và hơn thế, để có thể lịch luyện những tình huống nhân sinh lạ lùng nhất - đọc văn chương là gần với chuyện này nhất. Nhưng con người đến một mức độ nhất định cũng kh
ông dễ mà nhận ra những gì mới mẻ hơn nữa. Cuộc sống phong phú cũng nhiều điều để trực tiếp trải nghiệm nên đọc kiểu này cũng có thời gian đọc là được rồi.

Cả ba kiểu đọc trên đều có điểm chung là hướng ra ngoài, có manh mối cụ thể để nắm bắt và đo đếm. Nhưng còn một kiểu đọc khác không thuộc về phân loại này, đó là đọc như là một hình thức của suy tư.

Đọc để trở thành, để khai phát trong dò dẫm cái khả thể toàn vẹn của nhân tính mình trước/trong Tồn tại. Điệu lối đọc như thể suy tư này có nguồn cơn từ mối bận tâm thường trực của nội tâm - một sự ưu tư vào trong, không liên hệ với những giá trị thực dụng của ngoại giới. Khi diễn giải Luận ngữ, Francoise Jullien có một ghi chú rất hay về sự phân biệt giữa "Ưu" và ''Hoạn". Ưu là nỗi lo lắng nội tâm. Hoạn là nỗi lo xoay xở đến từ cuộc đời, chỉ liên quan đến phúc lợi bên ngoài. Vì như vậy nên suy tư chỉ có và chỉ khởi lên từ mối ưu tư thường trực nội tâm.

Bạn thấy mình không ổn? Chính mối ưu tư đang thúc giục bạn đấy. Bạn có suy tư vậy thì bạn ổn. Bạn bỏ lơ, lấp liếm, tự lừa dối mình trước mối ưu tư thì mới không ổn. Đọc theo điệu lối này không bao giờ là đủ, không thể ngừng nghỉ được. Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ. Đạo không ngưng nghỉ, tồn tại vẫn ở đó nhưng từng bước dò dẫm tìm về, tiến gần hơn đến với tồn tại thì cần sự suy tư không mỏi mệt. Đọc như thế sao chờ nhàn rỗi được? Suy tư sao để vài năm nữa mới suy tư được? Ở đầu kia của sự thiếu vắng suy tư là vô tri. Thoát được vô tri đối với đa số là một may mắn. Nhưng đi ra vô tri là thuyền ngược dòng nước xiết: không tiến được tức là lùi đấy.





Không có nhận xét nào: