Thứ Năm, 29 tháng 4, 2010

Bài hát người Tạng

1.
Con phải thành danh
Rượu uống phải say
Say rồi nói chuyện
Nói lời hay.

2.
Chưởng Cổ Long.

Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

Thuốc diệt chuột Hoàng Tiến

1.
Anh HT này nổi tiếng không phải vì tôi đã có hân hạnh sử dụng sản phẩm của anh (tất nhiên càng không phải cho tôi, lol) mà vì tiếng rao trứ danh về nó trên các gác-ba-ga những chiếc xe đạp cũ. Không rõ là ở đây bao nhiêu trong mấy chục bác theo rõi blog này cũng đồng ý với tôi về anh HT? Vì đa phần các bác xa nước xa non cũng khí lâu :)

2.
Việc tự nhiên mình nhảy bổ đi mua một gói thuốc diệt chuột chỉ vì một tiếng rao thì rất buồn cười. Chứ mình nghe một tiếng rao rồi mình đi mua ngay một cuốn truyện thì mình cũng không ngại bị cười lắm. Nói gì thì nói sách truyện nó giết ta không nhanh như thuốc diệt chuột (xịn).

3.
Chuyến này đã phá mấy cái lệ:
- Vượt cô-ta mua hàng tháng.
- Hạn chế văn chương tăng cường suy luận.
- Chưa xem hàng tị nào đã kết luận.

Lý do sâu xa (trực tiếp là tại giọng rao hàng) thì thế này:
- Đang muốn xả hơi vào cái gì đó không phải nhậu. Một cái gì làm ta chìm lỉm đi và lãng quên. Giống như đọc chuyện chưởng. (Rất tiếc là thời nay chuyện chưởng đã mất gốc đến mức bóng láng và đắt vật, không còn được xuất bản trên tinh thần ba xu nữa!)
- Muốn làm việc gì đó có í nghĩa cho ngày tháng - thứ í nghĩa chỉ phải chi tiền và lên mạng kể lể. (Haizz, câu này viết theo thể tự trào).

Tuy nhiên lướt qua 1 tí tị thì có vẻ tình huống này là hay ho:
- Thích giọng văn (người dịch là chính). (Không liên quan nhưng nhớ vụ mua cuốn "Cô đơn trên mạng" chỉ là vì thấy cái cách mình hay đặt câu ngày trước. Kết quả là đọc được non nửa cuốn).
- Hình như có một anh SV KT muốn bỏ nghề đi làm họa sỹ. Thề với các bác hồi năm thứ nhất tôi đã tính bỏ học thi sang trường kia. Hoặc là đi viết báo (may quá là may). Cũng nhân tiện cảm thấy một cách đọc thành phố mà ở ta đang thiếu. Nhiều lần muốn viết về điều này nhưng chưa ra ngô khoai. Hoặc phê phán hoặc tán tụng, nói về các thành phố của ta hiện nay đều trượt lướt khỏi cái quan trọng. Tinh thần của nơi chốn, ký ức đám đông - trong nghiệm sinh cá nhân/với chiều kích cá nhân. (Ý là như vậy-một thằng bạn tôi hay nói câu này).

Nếu là như vậy, chuyện này sẽ thêm vào cùng những lần ăn may trước: Homo Faber chẳng hạn, hàng nhặt được và tôi rất thích.

P/s: Là đang nói về cuốn thủ đô nước Thổ các bác ạ. Thôi mình đi ngủ sớm và mơ về việc thức khuya đây :P

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

Cốc vũ

Hết Thanh minh.
------
Mưa mùa này gọi là mưa mai.

Một đêm mưa gió lòng mai lạnh
Mai trổ tình hoa để dành hương
Kinh vũ bất tuỳ sơn điểu tán
Ỷ phong như cộng lộ nhân ngôn.
------

Tôi muốn ngủ sớm và thức khuya vì những sớm mai man mát mùi hoa dâu da dọc phố.

Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Chưa ngủ được

1.
Uống nhiều rượu nên khó ngủ các bác ạ. Nàng Bân may áo thì dở nhưng được cái nhiệt tình. Ông trời kia già cả nên lú lẫn, thương nhau gì mà cả vạn năm vẫn ban lạnh thế chứ? Nó chả đang hú hí với nhau từ nghìn năm nay rồi chứ chả. Hà Nội 15 độ. Không biết Bân và chồng chị đang làm gì nữa???

2.
Tôi có cái tệ là mọi thứ hay quy chiếu vào mình. Như khi blogging chẳng hạn, tôi hầu như không bao giờ tưởng tượng xem các bác thế nào, vuông tròn méo mó ra sao...Tôi chỉ quan tâm điều các bác biểu hiện vọng vào tôi ra sao. Vì thú thực từ tôi mà suy, chúng ta lổn nhổn lam nham lắm. Lên blog là cơ hội để dọn dẹp tinh thần, nhiếp dẫn mình chút chút. Rồi ra ta lại sống đời ngổn ngang rứa rứa. Tôi ích kỷ và thiển nghĩ, tôi nghĩ rằng thành anh hùng là tại thằng đằng sau nó ủn mình thôi :P

3.
Vậy nên chẳng có gì lạ nếu một ngày ta lơ ngơ ta hỏi mình: chết mẹ, chả có nhẽ lại cứ thế mà hết đời sao? Cuộc sống cứ veo veo thế nào.

Vậy nên, nếu mà đã bắt đầu nghĩ thì tôi cũng sẽ nghĩ các bác nom dư lào? Vuông hay là tròn. Thon thon hay bèn bẹt...

Do đó, các bác có thể vui lòng mô tả giúp tôi xem tôi bèn bẹt thế nào không ^_^

Mua vui cũng được một vài trống canh :)

Cái nhìn thẳng thắn và trung thực

Nói gì thì nói, những cuốn sách thời thơ ấu đã góp phần đặt dấu ấn đáng kể lên nhân cách chúng ta. Có những câu văn, những ý kiến ảnh hưởng sâu xa lên tâm lý mình. "Cái nhìn thẳng thắn và trung thực" là một trong những vết hằn tâm lý đó với tôi.

Từ lúc đọc cái ý đó, tôi luôn bị ám ảnh bởi quan niệm rằng nếu là người thẳng thắn và trung thực thì anh phải luôn nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Nhưng thực tế thì tôi thường không làm như vậy. Tôi hay nhìn người đối diện theo kiểu bao quát và cảm nhận bằng trực giác. Rồi thì tôi cũng sẽ nhìn vào mắt họ nhưng sẽ căn để họ không nghĩ là mình khiếm nhã. Thành ra luôn thường nghĩ mình có phải thay đổi, có nên cố không? Vì rõ ràng mình có dấu hiệu cảm tính nặng :)

Mặc dù đọc những sách về ngôn ngữ cơ thể, tôi vẫn biết quan niệm đó phụ thuộc vào nền văn hoá. Ví dụ như người Nhật sẽ hay nhìn vào cằm của đối tác vì họ nghĩ nhìn thẳng vào mặt là khiếm nhã. Nhưng thực tế ngay cả ở những nền văn hoá mà mọi người nhìn thẳng vào mắt nhau để chứng tỏ sự thẳng thắn thì họ cũng chỉ giới hạn trong 1-2 giây.

Tất nhiên là vì hồi nhỏ tôi rất muốn làm người trung thực nên mới bị ám ảnh thế :P Việc dùng trực giác để "cảm" nhau tuy có cái dở là dễ chủ quan, nhưng có cái hay là khi cùng một bối cảnh, một không gian văn hoá, không khí giữa hai người đối thoại nó trù mật hơn, vi tế hơn rất nhiều việc nhìn rõ và ngó thẳng.

Có điều trong tôi vẫn thường văng vẳng câu "cái nhìn thẳng thắn và trung thực".
Các bạn bảo tôi có nên thường xuyên nhìn thẳng, nhìn lâu vào mắt người đối thoại không?
Ngay lập tức, tiềm thức của tôi bảo nó hơi kịch. Haizz...

Thứ Tư, 14 tháng 4, 2010

Sa mạc và viễn tượng

1.
Khi bàn về tôn giáo hay triết lý, ngôn từ thể hiện tính hai mặt rất rõ rệt. Bây giờ tôi sẽ thử nói lại, nói ngắn gọn một_cái_ý xem nó có lặp lại được cái gì đó không. (Nhì nhằng, u uẩn, quanh quẩn và nghiệt ngã, oái oăm - chúng ta còn gặp nó còn nhiều).

- Tiền đề của cảm thức tôn giáo là kinh nghiệm. Kinh nghiệm vượt ra khỏi cái ngã mạn nhỏ bé cá nhân. Nhưng ngay sau đó sẽ là thăm thẳm chông gai của lựa chọn thái độ và điều tiết. Không biết tới, không hiểu gì về cái kinh nghiệm đó thì đừng vội bàn về tôn giáo. Nó chệch hướng và không thiết cốt. Nếu định lấy đạo đức để biện minh cho tôn giáo, đó là 1 ý tưởng tốt nhưng cũ rích. Trò chơi chữ này khởi đi tự lâu rồi. Một cuốn sách gần đây nhất, có bản dịch tiếng Việt nói về điều này là "Xác lập cơ sở cho đạo đức-F.Jullien".

- Triết lý tự khởi nguồn từ một nỗi thúc bách tinh thần. Nó không phải sở thích hay ý muốn. Nó PHẢI được thu xếp-một cuộc tàn phá và gầy dựng lại sơn hà đại địa. Mỗi người đều có triết lý nhưng để trở thành triết gia-người suy tưởng-thì cần nhiều hơn là những ý tưởng sơ khởi. Đó cũng là chỗ phân biệt kẻ điên và triết gia. Mỗi tư tưởng có một hệ sinh thái ngôn từ riêng của nó. (Về điều này Phan Huy Đường có một bài đề tựa rất hay cho cuốn "Tư-duy tự_do" của mình). Bàn nghiêm túc về bất cứ chủ đề triết lý nào không khỏi phải tái tạo lại ngôn ngữ, kết quả là phải viết thành 1 cuốn sách! Nên trao đổi chỉ có thể là bàn tán loạn.

2.
Một người điên trong mắt nhà tâm phân học thường khi lại "bình thường" hơn rất nhiều người bình thường chúng ta. Ông BG là một người điên, thường rất nỗ lực diễn giải Albert Camus trên bình diện một người nỗ lực vượt qua cả hư vô chủ nghĩa và nhân bản thuyết.

"Nhân-bản-thuyết không làm phiền bực tôi: trái lại tôi khoan khoái. Nhưng có điều là tôi thấy nó nông cạn-A.C: Carnets".

BG trích M.H (M.H&Vấn đề Hữu Thể):

- Nhưng đâu là chốn hoành hoành của hư vô chủ nghĩa? - Quên lãng Hữu-Thể-Tồn-Lưu và ru rú ở mép rìa hiện sinh động náo - vâng, chính đó là hư vô chủ nghĩa.

- Ngược lại, quyết tâm hướng về Hữu Thể, dấn mình đi cho đến giới hạn của Hư Vô, và tóm thâu luôn cả Hư Vô vào trong vấn đề của Hữu Thể, đó là cái dấn bước đầu tiên, cái bước duy nhất rạt rào, để vượt thoát hư vô thuyết.

- Nhưng cái gì tồn lưu liễu tại, thì thi nhân thiết lập nó ở giữa dòng...

3.
“Tôi muốn thiên hạ phải coi trọng những hoạn nạn của tôi”.

Luôn luôn là như vậy, con người ít khi biết mình là như thế nào lắm. Rớt từ trên trời xuống với một cái máy bay thì chẳng xa xôi gì so với từ một tinh cầu. Phải, hẳn là từ một lần nọ rơi máy bay xuống hoang mạc kia anh mới nhận ra tình trạng của mình, mới ý thức về tinh cầu nội tâm của anh.Sự vụ kia đã thay đổi nhãn giới của anh, khiến anh cao lên một tầng nữa, xa thêm một tầm nữa. Phải, có phải từ đó, anh đã biết, đã gặp một “Hoàng tử bé” - một nhân vị mong manh mà duy nhất không? Cái vụ rớt máy bay trong hoang mạc thì anh đã trở về rồi. Nhưng còn tinh cầu của anh, bây giờ đây, làm sao anh trở lại? Giờ đây anh đã mang đã biết tới một nỗi buồn thật da diết, thật riêng tư-Bây giờ riêng đối diện tôi, còn hai con mắt khóc người một con.


(Sa mạc và viễn tượng - trong một bài viết cũ)


"Bệnh tật là một tu viện có luật tắc riêng, tâm thuật khổ hạnh riêng, những im vắng và những cảm hứng riêng-A.C: Carnets".

Thứ Hai, 12 tháng 4, 2010

Một ngày đẹp trời


1.
Tin hay trong ngày là đã sửa được chế độ Recent Comments để không bỏ lỡ comment muộn của một vài bạn. Cũng ngẫu nhiên trước đó lục lại bài "Nỗi buồn quan họ" mà đọc được comment của 1 bạn ẩn danh để lại. Coi như là có duyên, mong bạn đọc được những dòng này. Ngoài ra không rõ tôi có bỏ lỡ ai không, vì bản thân tôi cũng thường thích viết những comment muộn.



2.
Mới học được mấy chiêu sửa ảnh nhanh.


3.

^^

Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2010

Tôn giáo. Triết lý.

1.
Mở rộng từ comment của bác Kd, tôi lục lại 1 đoạn viết trên blog 360 cũ về những ý niệm của tôi đối với những thứ hết sức đao to búa lớn kia (lol). Sống là đi trên những con đường rừng (lâm đạo - M.H) tìm thuốc chữa bệnh cho chính mình. Không định kiến nhưng có mục đích. Cứu cánh là trải nghiệm. Biểu hiện là sự bình an có thể lan truyền.

2.
Tôn giáo là gì? Bản thân việc sa vào định nghĩa nó sẽ chắc chắn làm tiêu tan đi rất nhiều những giả vấn đề mà ta dự định đưa ra trước đó. Hình như có 1 điểm này mà ngay cả những người tự nhận là đứng trong kinh nghiệm tôn giáo cũng dè dặt khi nói về nó - đó là một dạng kinh nghiệm về cái gì đó toàn thể. Một khát vọng, bức bách, xao xuyến nào đó...Nếu chú mục vào đây thì mọi thứ lại bắt đầu tiêu tán đi đâu hết trọi luôn. Nhưng nó vẫn là thứ dễ dàng nhất để phân biệt người có tôn giáo thực sự với những tình cảm đại trà khác. Chỉ dẫn 1 truyện nhỏ trong Thiền tông - người ta phải 1 mình đối diện với CÁI ĐÓ, vừa đồng thời ở trong 1 dòng chảy vừa đồng thời phủ nhận tất cả những bấu víu đồng đảng. Vậy chớ việc gom họ vào 1 rọ có đem lại ích lợi gì cho họ không??? Huống hồ, một khái niệm hay định nghĩa luôn xuất phát từ một ngầm định có tính mục đích.

Cách chia có ích lợi nhất mà tôi biết là cách chia tôn giáo thành 2 loại của Erich Fromm trong "Phân tâm học và tôn giáo". Một đàng, là sự chia cắt giữa con người và những phẩm tính cao quý; đàng kia, con người theo đuổi kỳ cùng cái tiềm tàng nhân tính của chính mình, có trong chính mình.

3.
Triết lý. Đọc cuốn "Triết học nhập môn" của Karl Jasper lượm được điều này: có lẽ cũng như các triết gia hiện sinh khác nhưng ông đã nói khá giản dị (cho 1 cuốn nhập môn) về cái gọi là "suy tư từ khởi nguồn/nguồn suối". Triết lý không phải là 1 thứ học công truyền, càng không có cái gọi là thần đồng triết học-cho dù quả nhiên người ta phải chịu 1 tư lự có thiên hướng. Tách rời cái nguồn suối đó thì người ta chỉ còn là chơi chữ, lặn ngụp trong tứ cú mà thôi!

Nietzsche là 1 triết gia hấp dẫn và tiện dụng mặc dù hơi lỗi mốt cho nhiều người Việt nam. Vì ông viết như thơ mà thơ thì vietnam ta thành thần. Hơn nữa ông lại viết theo điệu cách ngôn-như từ một thẩm quyền. Được đóng bảo hiểm bằng sự điên loạn kỳ vĩ nên những tăm tối u uẩn thành ra rất mực sang trọng. Cho dù hậu hiện đại chưa lên ngôi thì bản thân cái cảm giác ta, chỉ ta hiêu hiểu ông và ông, chỉ ông hiêu hiểu ta, biện minh cho những dúm dó bợt bạt phóng túng của ta. Bây giờ tình thế có vài thay đổi nhỏ theo chiều hướng tiện dụng hơn - chỉ cần vài nhà văn đương đại u uẩn là đủ.

Đọc cuốn "Schopenhauer-nhà giáo dục" của Nietzsche xong thấy 2 điều.

1. Buồn nản. Sự học thăm thẳm, nếu như những gì mình thấy được từ đây (sẽ nói 1 chút ở mục 2) giúp mình sáng tỏ được đôi điều về cách đọc ông thì nó cũng chỉ ra khối lượng khổng lồ bắt buộc của cái học công truyền, nếu muốn thực sự biết được điều ông nói là nói với ai, lúc nào, ở đâu... Và với triết gia nào cũng vậy cả. Trừ phi là thiên tài, mọi huênh hoang từ dăm ba đoạn sách này nọ đều khiến chúng ta thành kẻ phét lác mà thôi :(

2. Ba nỗi hiểm nguy của nhà triết học/người triết lý:
- Sự hiểm nguy cô độc. "Đó là một kẻ cô đơn về mọi mặt, họ không có đến một người bạn thân thực sự hiểu họ, an ủi họ, và giữa chỉ một kẻ không thôi và không ai cả, cũng như giữa một cái gì với không có gì cả có một vực thẳm hun hút, khi ta có những người bạn đích thực, ta không hiểu được thế nào là thực sự cô đơn, thế nào là toàn thể cuộc đời chống lại mình"

- Cái thứ hai là đã toan tuyệt vọng về chân lý. "Việc khảo sát về những triết gia một nửa hay triết gia một phần ba không có cái thích thú nào hơn là chứng tỏ rằng họ là những kẻ mà, trong dinh thự đồ sộ của triết học, điểm quan trọng là được do dự theo lối mô phạm rởm giữa cái theo và cái chống, cái lý luận phù phiếm, cái hoài nghi, cái mâu thuẫn, tức là những cái ban cho họ quyền lẩn tránh sự đòi hỏi chính đáng của mọi nền triết học lớn lao, mà ý nghĩa của nó là thế này: "Này đây là hình ảnh mọi cuộc đời, hãy suy ra từ đó ý nghĩa cuộc sống riêng tư của anh. Và đổi lại, hãy phá giải ý nghĩa đời anh, anh sẽ khám phá ở đó những chữ mật của cuộc đời toàn thể"

- Cái nguy hiểm thứ ba-cái nguy hiểm lạ lùng nhất: sự kết hợp vô đạo giữa sự chống đối kiên cường (phú bẩm của những kẻ cảm thấy thoả mãn và đầy đủ, chắc chắn về sức mạnh của mình, không ao ước gì hơn nữa...) với nỗi niềm tiếc thương hoài vọng (tái sinh trong con người 1 vị thánh hay 1 thiên tài)


Thích nhất câu này của nhà bác Mai Sơn kia:

Tự do



Là thoát khỏi mọi sự trói buộc

Nhưng tự do còn là thoát khỏi sự phóng đãng của lý trí


Nó hợp với tôi lúc này-thoát khỏi sự phóng đãng không bằng cách: cảm và tóm tắt sự đời theo ý mình :D

Tôi kính mộ những tâm cảnh giản phác thế này:

Tiếng chuông lòng

Tiếng chuông lòng dội buổi tan sương.

Đính lễ quy y trước Phật đường…

Soi tỏ tâm linh nhờ đuốc tuệ

Rưới tan tục luỵ, sẵn cành dương

Giữ niềm bác ái không sai chậy

Thời bệnh sân si khỏi vấn vương

Tôi cũng như ai phường đạo hữu

Mong vào cửa Phật đến Tây Phương.

(Bài thơ cuối cùng của Ưng Bình Thúc Giạ thị).

Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2010

Bức tường lạnh ngắt

1.
Ngày trước có lần vào một forum tâm lý, tôi định tham gia một chủ đề bàn về chứng trầm cảm và ý định tự tử nhưng lại thôi. Cảm giác khi logout ra khỏi diễn đàn rất khó tả. Những người đang bàn luận là những người đã từng trải qua hoặc đang trải qua trầm cảm. Tôi cũng đã từng trải qua điều đó nên hiểu rất rõ sự bất lực của ngôn từ. Nhưng tôi cũng hiểu rất rõ cảm giác bất lực đau đáu mù mờ của những tâm bệnh kia. Mà thực ra đó cũng là thân bệnh: cảm tưởng như ngọn lửa khí lực trong mình cứ lụi dần đi rã rời. Một cảm giác vừa mong muốn được giúp đỡ lại vừa mất hết niềm tin tự chính mình. Hầu như vô nguyên cớ. Có thể nói đó là cảm giác về sự kiêu hãnh của bản ngã bị tổn thương mục ruỗng. Tôi rơi vào những cơn mộng mị triền miên cả năm trời.

2.
Có thể vì vậy mà sau này tôi thường chú ý và dễ nhận ra những týp người có xu hướng tâm trí dễ bị hôn trầm như thế. Ngay từ lúc chỉ mới là những biểu hiện mong manh. Đó là một sự thành thực muốn chia sẻ, muốn hô to lên gọi người phía xa trong khu rừng mù mịt. Không vì cái gì cả. Nếu có thì đó là từ lòng thương với chính mình.

Tôi thấy bóng dáng của mình trong đó. Tôi thương tuổi trẻ của tôi bơ vơ không người chỉ dẫn. Hay chính nghĩa của trưởng thành là phải trải qua những ngày tháng như vậy? Như D.T.Suzuki đã miêu tả - "(...)bắt đầu trịnh trọng quan sát quanh mình, và tra hỏi về ý nghĩa của cuộc sống. Tất cả nguồn năng lực siêu hình, bấy lâu vùi kín trong tiềm thức, bỗng dưng như cùng một lúc trào vọt ra. Nếu chúng bùng ra dồn dập và bạo quá, tâm trí có thể mất thăng bằng một thời gian, lâu hoặc mau; trên thực tế, nhiều trường hợp kiệt quệ thần kinh như vậy đã được ghi nhận trong tuổi trẻ, mà nguyên do chánh không ngoài sự đổ vỡ thế quân bình nội tại. Thường thì hậu quả không vết tích gì sâu đậm; nhưng ở đôi căn tạng thì khác hẳn; hoặc vì những khuynh hướng nội tại, hoặc vì sức tác động mạnh của những luồng ảnh hưởng xung quanh vào bản chất dễ cảm kích, cơn thức tỉnh tâm linh ấy chấn động họ đến tận cùng cá thể. Đó là lúc phải dứt khoát chọn giữa cái “vĩnh viễn có” và “vĩnh viễn không(...)"

Nhưng cũng có thể vẻ bề ngoài của nó chẳng mấy cao sang được đến thế. Chỉ là khởi đi từ những sang chấn tâm lý mà tinh thần mình không tài nào điều chỉnh được.

3.
Những người trong cơn trầm cảm kia, họ có biết thương mình thương người không? Tôi nghĩ là có. Họ có thể viết rất hay về tình trạng của mình. Như tôi cũng đã từng viết đâu đó. Nhưng họ thương mình một cách sai nhầm.
...
Còn rất nhiều nữa những khả năng, nhưng tất cả đó chỉ là lời NÓI. Tự sâu xa tôi hiểu cái bạn thiếu là 1 cái gì đó thuộc về miền sâu TÂM LÝ. Cái cần chữa trị nằm thăm thẳm trong đó chứ không ở lời nói. Cách tôi thường làm là giữ với bạn 1 khoảng cách vừa đủ để bạn nhận thấy sự trống trải, cũng vừa đủ để nuôi dưỡng 1 hy vọng, 1 sự tín nhiệm vào hiện hữu con người.
...

4.
Tôi thật may mắn vì cuối cùng cũng thoát ra được những cơn mộng mị. Và mãi sau này tôi mới ý thức đầy đủ mình đã thoát ra khỏi điều gì.

Mỗi người/thăm thẳm/một chiêm bao. (Trần Dần).

Tôi không có tham vọng khái quát kinh nghiệm của mình cho mọi người. Nhưng tôi vốn nghĩ vì chúng ta là người nên chúng ta khác nhau theo một lối giống nhau. Bây giờ nghĩ lại những nguyên nhân sâu xa gián tiếp gây ra tình trạng hôn trầm của tâm trí chính là sự dễ dãi với cảm xúc và trí tưởng tượng. Một phần nguyên nhân lớn là đọc quá nhiều sách truyện hồi nhỏ. Một phần khác chính là cái ảo tưởng về giá trị của bản thân sau khi ôm một mớ lộn xộn đó trong tâm trí. Cái ảo tưởng này hầu hết những người đọc nhiều sách (vô tội vạ) đều bị. Câu chuyện dang dở về một gia đình mà tôi viết trong blog này cũng có ý dẫn về điều đó và những hậu quả thảm hại của nó.

5.
Vậy cơ may nào đã giúp tôi thoát ra khỏi ngày tháng đen tối đó?
- Tôi tình cờ bắt gặp cuốn thơ của Lưu Quang Vũ. Điều đồng cảm sâu sắc và động viên tôi lớn lao nhất chính là cái tâm thế nhất định không cam chịu, bế tắc nhưng trong sáng và quyết liệt. Và có thể cũng một nòi nuông chiều cảm xúc khoác màu tự vấn.

- Tôi trải qua một kinh nghiệm nội tâm mà nhờ đó tôi nhận ra được là ngôn từ chỉ là phương tiện và hời hợt vô cùng. Hiểu rất khác và không là gì với Biết. Thấy và Biết.

- Tôi có một ý tưởng đến rất tình cờ nhưng là một quyết định quan trọng: Nếu cuộc đời rơi vào chỗ bế tắc đến tuyệt đối vô nghĩa, tuyệt vô hy vọng-thì hãy coi chính việc NHẤT QUYẾT VƯỢT QUA nó làm mục đích. Đời có thể vô nghĩa, nhưng vẫn có thể có 1 MỤC ĐÍCH.

- Tôi chuyển chỗ ở. Gạch đầu dòng những công việc phải làm của từng ngày: đánh răng, rửa mặt, giặt quần áo...Tôi làm từng việc một theo thứ tự. Hết một ngày thì sẽ gạch hết bấy nhiêu dòng.

Hôm nay là tất cả những gì đã gạch xóa, vo tròn và ném vào sọt rác

Ngày mai lại cong cớn, vội vàng trên cánh cửa...

- Tôi đọc được và học theo cụ Nguyễn Hiến Lê: đọc sách với một cây bút và tập giấy. Muốn học về cái gì thì tập viết về vấn đề đó. Tôi chọn những loại sách nói về vấn đề của tôi. Tôi không đọc mà là HỌC. Dùng trải nghiệm để kiểm chứng và cảnh tỉnh tri thức. Dùng lý trí và logic để xử lý mỗi trang mỗi dòng. Làm cái gì cũng phải học phải suy luận. Tại sao học làm người lại chỉ cứ ang áng cảm tính với mấy anh Nhật bán quán thích rượu tây thế được hả các bạn gái trẻ???

Và theo đó tôi lấy ngay những cơn mộng mị của mình làm đối tượng nghiên cứu. Tôi may mắn tìm thấy những cuốn sách của Erich Fromm làm điểm tựa.

Nhưng 2 cuốn sách mà tôi thấy muốn nói đến nay lại là 2 cuốn sách mỏng nhất: Thiền trong nghệ thuật bắn cung (Nguyễn Tường Bách dịch), Cái dũng của Thánh Nhân (Nguyễn Duy Cần).

6.
Thành thực và khiêm tốn trước chính mình.
Nhẫn nại. Tường minh. Và xác tín.

7.
Trước bức tường lạnh ngắt ta vẫn còn "một cái gì trắng xoá tựa mây bay..."

Đó không chừng cũng là một cơ may.
Chỉ khi chúng ta trực diện với sự khốn khổ của chúng ta. Chỉ khi ta trực nhận Khổ Đế trong tuyệt vô HY VỌNG. Khi bốn phía đều là tường vách. Nhưng ta còn tinh thần quyết vượt của Bạch Ẩn Huệ Hạc thì có khi lại là cơ may hội kiến "Tổ sư tây lai ý"...

Đừng hỏi tôi đang như thế nào. Giữ câu hỏi đó cho chính bạn. Ngày hôm nay.

Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

Ghi chép dọc đường - Xuân Hương đi vắng

1.
Tôi đi Thung lũng tình yêu.

2.
Xuân Hương đi vắng.
Phục Sinh mù sương.

3.
Cháu bé cao nguyên bốn tuổi chân trần dẫn tôi men dọc lối đi của bò.
Tìm một con đường dân sinh mới.
Thẳng từ nghĩa địa ngã ba Thánh Mẫu đến tận chân núi thẳm Langbiang.
Mộ xây sát mép đường và rau sạch bón bằng xác cá mắm là điều mới lạ của tôi lần này.

Đến vườn cây dưới chân núi từ mai sẽ khác
Không cần qua Thung lũng Tình yêu.