Thứ Tư, 29 tháng 7, 2009

Lỡ

1.
Nếu tuổi 20 người ta nghĩ về cái chết như 1 biểu tượng thì ở tuổi 30 nó là một nguy cơ.

2.
"Tôi là ai?"/"Quê hương?". Hồi 17 tuổi tôi nghĩ "cái tôi" là trỏ cái cá biệt tính của một cá nhân-cái làm mình khác biệt (và tự ý thức). Nhưng khi truy vấn thực sự thì mọi thứ tan biến. Quê hương-nơi tôi thuộc về/từ đó đến-có thực dễ dàng tìm thấy vậy sao?

Lỡ từ lạc bước bước ra
Bước đi đi mãi đi là đi luôn

(BG)

3.
Ưu khác với Hoạn.
------------------

P/s: chư vị bạn hữu kính mến, không dè hôm trước thò cái biếm hoạ ra lại kiếm được nhiều comment đến vậy nên có phần choáng váng. Xin hẹn pót sau vừa ăn nhời vừa thò ra cái nữa :D

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2009

youth


Hào hoa phong độ ^^

Hạn chế di dân?

Thành phố bên sông Hồng: “Hạn chế di dân đến mức có thể”

Dự án thành phố bên sông Hồng vốn chủ yếu dựa vào lý do điều chỉnh dòng chảy để gạn những phần đất vô giá đối với giới BĐS hiện nay. Nhưng muốn điều chỉnh dòng chảy* như phương án này đưa ra thì một trong các việc cần làm là phải di dân. Bây giờ nói hạn chế di dân thì khác gì hợp lý hoá cái quy hoạch để khởi động mấy dự án BĐS ở chỗ vốn là hành lang thoát lũ cũ?
------------

(*) - Việc quy hoạch chỉnh trị dòng chảy sông Hồng này còn rất nhiều vấn đề kỹ thuật phải bàn. Ví dụ như bên ngành Thuỷ lợi cho rằng cần phải đợi hoàn chỉnh quy hoạch thoát lũ trên toàn tuyến, không thể tính toán cục bộ một đoạn.

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2009

none

Lúc tối xem thời sự thấy người quen cũ trong 1 vụ điều tra. Có lẽ sẽ là sự rắc rối cuối cùng vì có vẻ anh sẽ chẳng còn gì để mất. Trực tiếp thì có thể nói tại bỏ sở trường theo sở đoản, không tập trung vào một mũi nhọn nào cả. Nhưng chịu không thể hiểu điều gì khiến một người có trình độ, điềm đạm, thân thiện và hiền lành như vậy lại cứ mê muội đeo đuổi những dự án càng ngày càng hoang tưởng.

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2009

Trăng sáng

Trăng Hà nội hôm nay sáng kinh dị. Sáng bệch bạc, phếch phác. Cái thứ ánh sáng đến hào sảng. Giời xanh như cái đĩa ngọc biếc mà mây trắng lại li ti vân vi bám riết lấy nền trời. Gió lộng thênh thang.

1.
Bác Goldmund hồi trước khoẻ thật, làm dững mấy trăm bài thơ. Hôm nay nhân đọc một phần mấy trăm ấy mà nhận ra đặc điểm của thơ tuổi đôi mươi. Những bài thơ rất nhiều hình ảnh. Rộng rãi, hoang phí. Mỗi hình ảnh như là một góc ký ức và một biểu tượng đáng nhớ của một kho liên tưởng. Giá chưa có LQV thì có phải LVT đã hoành tráng riêng một góc trời chứ chẳng chơi. Chép ngay một bài làm chứng:

Ký Ức

Rồi một chiều không thấy mây bay
Cô bé xanh làm rơi kẹp tóc
Từ một nơi những vì sao không mọc
Đàn kiến bò qua phần còn lại của ngày

Rồi một người không rõ tỉnh hay say
Hát vu vơ nhìn sông bảo biển
Trôi xa mãi những cánh chuồn màu tím
Đợi đêm về buông nắng để hong tay

Rồi một ngày…một ngày…một ngày
Lối đi cũ lơ ngơ cuội trắng
Giọt cà phê và dòng sông hoang nắng
Đã hóa thành ký ức…không hay!

21/04/94-LVT


2.
Nhưng những buồn vui thếch thoác của tuổi hai mươi bây giờ nhìn lại thấy thì quý thì thương nhưng chỉ còn biết cười nhẹ. Đời nhẹ khôn kham....

3.

Tao với mày-thân phiêu bạt

Hai bến trời rượu uống cả cho nhau

Từ độ ấy, mày Nam tao Bắc

Chung mùa trăng và chung một ngày mưa

Ngày mưa cũ, vuốt mặt cười mày kể đã mê say

Hơi rượu ấm bừng sáng ở trên đầu

Tao gật gù, rồi sẽ đến phiên tao

Mà nói thế ai ngờ lại nhanh thế

Tao ngập ngừng..tao sợ tao sai


Ngày trước khi viết những dòng này cũng là liên tưởng đến cái cảm giác ngửa mặt lên trời nhìn trăng bạc thếch thoác năm nao. Ai hay mười năm lòng người đã tựa bể dâu.

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2009

Người xa lạ - A.Camus

1.
Bây giờ mà nhắc tới A.Camus thì đã là rất cũ và cổ (lỗ not điển). Để cưỡng lại cơn lũ của mới khác thì có một cách an toàn là nhận béng rằng mình chậm, cổ và sến là xong. Hơi đỏng đảnh mình tự xếp mình vào một góc riêng: người xa lạ. Vừa may A.C có viết một cuốn "Người xa lạ".

2.
Tôi có một ảo tưởng kiên quyết rằng vẫn còn những tác giả lấy bản thân cuộc sống của mình để thân chứng cho những điều mình viết. Tuy nhiên để phù hợp với thực tế hữu hạn thì vẫn phải dựa vào niềm tin cảm tính mà lựa chọn là chính. Và cũng phải làm nhoè dần những ranh giới quá sắc nét đi. A.Camus là một tác giả mà tôi cảm thấy nằm trong vùng nhoè đấy - một cảm nhận thuần tuý qua các tác phẩm. Thực ra trong những tác phẩm của ông mà tôi đã đọc (Dịch hạch, Người xa lạ, Ngộ nhận, Giao cảm, Bề mặt bề trái, Huyền thoại Syphus, Carnets) thì tôi chỉ thực sự bị cuốn hút với các ghi chép và các tiểu luận của ông là chính. Với những tác phẩm văn học hay kịch khác, tôi có thể gạch ra những điều quan trọng nhưng nó không thể khiến tôi đọc một mạch như những tác phẩm kia. Có lẽ một phần do các bản dịch chưa hợp tạng với tôi. Cũng có thể là tôi chưa quen với cách đọc các tiểu thuyết có tính luận đề thời đó? Thành ra đọc chúng ta có cảm giác thân thiết nhưng mệt mỏi, chán chường. Người xa lạ là một cuốn như vậy.

3.
Nhưng chính vì vậy mà tôi thường xuyên muốn đọc lại Người xa lạ. Bởi tôi cũng biết cái cảm giác lạ lẫm, dưng không. Tôi không biết phải làm sao để đi tiếp nó. Và tôi cũng không cảm nhận hết mạch của cuốn tiểu thuyết mỏng này. Chỉ biết rằng cái hoang tàn trơ lì chỉ là bề mặt của dư dục vô ngôn. Không phải là không muốn nói. Chính là không thể nói khơi khơi. Nhưng lại cũng không thể không nói. Đôi lúc vì tha thiết quá nên lời trịnh trọng thì lập tức ngộ nhận và đập phá tơi bời xảy đến. Cũng phải, ngôn ngữ sống trải đâu phải là thứ để gạch đầu dòng vặn vẹo. Thành thực, độ lượng, phản tỉnh và xác tín. Bấy nhiêu chắc đủ.

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2009

"Đề Lý sai do máy in không đọc được dấu trừ dài"

Báo Vietnamnet đăng bài về vụ sai đề thi ĐH ở cụm Quy Nhơn. Bài viết có vẻ muốn làm nhẹ câu chuyện, ông Chủ tịch HĐ coi thi cũng có ý vớt vát. Sai là sai, đúng là đúng chứ sao lại đổi lỗi của người cho máy? Máy làm sao rút kinh nghiệm được?

Lỗi là lỗi của người có trách nhiệm kiểm tra đề sau khi in.
0,4 điểm/10 mà không phải là lớn?

Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2009

Vòng đời

Tối muộn.
Người bán sách uể oải thu hàng vừa bâng quơ sao tối nay buồn thế, hay tại thời tiết?
Cuộc sống nhiều khi là như thế, buồn vu vơ.

Hình như chính man mác vu vơ là đặc tính của nỗi buồn. Một người đang buồn mà mình hỏi tại sao buồn thì không bằng lặng yên bên cạnh.

Nương tựa vào yên lặng có thể chịu được nỗi mang mang.

Quê nhà


Gấu đang về quê với ông bà.
Mỗi lần điện thoại Gấu lại biết bảo "Nhớ".
Me too.

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2009

Bác bán sách vào đây, bảo ^^

Trung bình 1 tháng tôi mua hình như khoảng 500K tiền sách. Có thể nhiều hơn nếu có sách mới và hay. (Vụ hay ho này để lúc khác bàn). Có nhiều cuốn bây giờ nhìn thấy cũng muốn sưu tầm về để biết đâu sau này...trẻ con đọc, chứ giờ chỉ biết là nếu còn nhỏ mình sẽ thích nó. Nhưng như thế thì tốn lắm nên lần nào cũng khất bảo thôi để sau. Cũng có những cuốn hàng khủng, không biết bao giờ đọc nổi nhưng vẫn muốn: cho sang, cho đủ bộ, doạ trẻ con. Ví dụ như mấy cuốn trong bộ "Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới" chẳng hạn. Phần nhiều dầy cộp, đắt lòi (trên dưới 200K là đắt rồi). Có vẻ hơi mâu thuẫn: những độc giả thích hợp và say mê nhất nên hướng tới của chúng là những người ở tuổi đôi mươi lại thường hơi hẻo. Nhưng họ sẽ chịu khó đọc hết cả nghìn trang. Làm sao cho nó rẻ chút nữa thì hiệu quả hơn. Tầm tuổi tôi trở đi phần nhiều mua sách cho oai, đọc cho có, tuy khá khẩm về tài chính hơn tí thì lại bắt đầu lãng ra. Bảo sao ế ẩm :P

"Tiếp sức mùa thi"

1.
Đang trong vụ tiếp sức mùa thi nên cũng thấy có chuyện để phiếm.

Mấy câu đề Toán đâu có quá khó nhưng cũng nhiều bạn trẻ không làm được. Trừ vài trường hợp đặc biệt xuất sắc còn ra chúng ta ai đi học chả có lúc bí. Kinh nghiệm của tôi ngày trước là: không quan trọng việc giải được hay không giải được mà là suy nghĩ về vấn đề phương pháp và chiến lược làm bài. Khi buộc phải tham khảo lời giải nào đó thì điều quan trọng là sau khi hiểu lời giải rồi thì dừng lại suy nghĩ xem tại sao người ta làm được mà mình lại mắc. Từ điểm nào trong lộ trình suy luận có sự khác biệt. Sự khác biệt đấy có tổng kết lại được không? Sau đó sẽ bỏ bài toán đó lại cho quên bớt đi; một khoảng thời gian sau mới lôi ra kiểm tra lại phương hướng tư duy của mình. Như 3 câu khó hôm nay thì có thể nhận thấy mấy hướng để giải:

- Câu giải phương trình đặc biệt: đơn giản là chuyển dạng hàm có căn thức về dạng mũ quen thuộc bằng phương pháp đặt ẩn phụ. Tối đa là bậc 3 mà các bạn đã có máy tính thì nhẩm nghiệm còn dễ hơn hồi tôi học nhiều :)
- Câu hình: không hề khó, chỉ cần vẽ và tập trung vào các điều kiện đã cho là có thể làm được. Cái cần để ý trong hình học khi đi thi là thường các điểm cần tìm sẽ nằm ở các vị trí đặc biệt, hợp lý chứ không tuỳ tiện (không thì mấy trăm nghìn em làm thế quái nào được (lol)
- Câu bất đẳng thức: mấu chốt là hướng chuyển điều kiện đã cho thành dạng tích và đối xứng. Nên để ý tính đối xứng như nhau về vai trò của thành phần mà biến đổi theo cho phù hợp.

2.
Nên biết tích luỹ tinh thần trước khi thi, tránh các hoạt động vô thức dễ làm tán tâm trước khi vào phòng: nói chuyện, nhớn nhác, vận động thiếu chủ ý. Ổn định nếp sinh hoạt. Giữ cho đầu óc thăng bằng và chỉ suy nghĩ những vấn đề phương hướng. Tránh quá chú ý một chủ đề sẽ dễ bị quên đột ngột một số thứ lúc vào phòng thi. Nhưng nếu làm thử một bài nào thì phải làm như thật về mặt phong thái, cách trình bày.

3.
Nhưng thực ra muốn có lối tư duy chủ động trong học hành thì ngay từ đầu phải luôn chủ động tích cực và thảnh thơi. Chứ học hành lu bù cho đủ giờ bằng bạn bè các kiểu thì lấy đâu ra sự quan sát mà suy nghĩ. Cứ nhìn cảnh đứa cháu tôi chuẩn bị vào lớp 1 mà bố mẹ bắt ngày 2 lớp học thêm thì thật không biết rồi chúng nó sẽ học được cái gì nữa? Tâm thế chủ động và thảnh thơi là rất quan trọng. Thực tế qua rồi nhìn lại thì kiến thức ở phổ thông cũng chỉ là một dúm nhỏ về mặt hướng lớn. Còn ra chỉ là biến tấu.

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2009

Tình yêu của tình yêu Gấu




Lạy giời, con mình sẽ bị thất tình lần đầu vì em Xuân Mai mất thôi. Em không phải là giả mà là già-già quá bà cố :(

Già, coi như giả, giả về địa phương Gấu nhề :D

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2009

Công nhi vong tư

Mấy hôm liền không thơ ca hò vè cũng bắt đầu thấy nhàm. Tính kiếm một bài thơ ngắn post lên cốt thay đổi cảm xúc nhưng hiềm nỗi cũng lâu không cập nhật nên những tác giả cũ thì đã nguội mà tác giả mới thì chưa gặp cái ngẫu nhĩ nào. Bèn vào lục cuốn "Hương sắc trong vườn văn" của NHL xem hú hoạ có bài nào thích thì post lên. Nhưng trông thấy thì lại nhớ đến ý định trích đoạn cụ Phan Bội Châu khóc vợ từ ngày trước bèn chuyển sang đăng bài này. Có hai bài văn về tình cảm gia đình mà tôi thấy xúc cảm thực sự mỗi lần đọc lại thì đều liên quan đến cụ Nguyễn Hiến Lê: một là bài viết "Làm con phải nhớ" của chính cụ viết và bài còn lại thì là bài văn của cụ Phan khóc vợ mà NHL trích trong cuốn HSTVV. Hôm nay tìm được nguyên đoạn trên mạng nên post lại ở đây chia sẻ cùng mọi người.

Nói chuyện này thì liên tưởng ngay đến chuyện làm chính trị. Chưa đến trăm năm nhưng nghĩ chuyện chính trị thời xưa với thời nay thật là khác nhau. Dư luận vụ LCD độ này cũng đã đến hồi vãn và phần lớn đang chuyển sang đả kích nhau. Trước sau tôi vẫn cho rằng tranh luận là để nói đúng sai chứ mạt sát thì không thuộc lĩnh vực của tri thức.
-------------

“Nầy con,

“Các con ơi! Cha mầy e chết rày mai, có lẽ với mẹ mày không được một phen gặp nhau nữa! Nhưng nếu trời thương ta, cho hai ta đồng thời gặp nhau ở suối vàng cũng vui thú biết chừng nào.

“Nhưng đau đớn quá! Mẹ mầy e chết trước ta. Ta hiện giờ nếu không chép sơ những việc đời Mẹ mầy cho các con nghe, thời các con rồi đây không biết rõ Mẹ mầy là người thế nào, có lẽ bảo Mẹ ta cũng như người thường thả cả.

“Than ôi! Ta với Mẹ mầy, vợ chồng “thật” gần năm mươi năm, mà quan quả “giả” gần bốn mươi năm [quan: vợ chết, quả: chồng chết]. Khi sống chẳng mấy hồi tương tụ; mà đến khi chết lại chỉ tin tức nghe hơi! Chúng mầy làm con người, đã biết nỗi đau đớn của Cha mầy với Mẹ mầy, chắc lòng mấy con thế nào cũng an thích được.

“Bây giờ ta nhơn lúc sắp sửa chết, mà chưa chết, đem lịch sử Mẹ mầy nói với mầy.

“Mầy nên biết, nếu không có Mẹ mầy, thời chí của Cha mầy đã hư hỏng những bao giờ kia.

“Cha ta với Tiên nghiêm [cha] của Mẹ mầy xưa, đều là nho cũ rất nghiêm giữ đạo đức xưa. Mẹ mầy lớn hơn ta một tuổi. Hai ông đính thông gia với nhau từ khi con còn nên một. Tới năm Mẹ mầy hai mươi ba tuổi [tuổi ta, tức 1888], về làm dâu nhà ta. Lúc ấy, Mẹ ta bỏ ta đã tám năm, trong nhà duy có cha già với em gái bé. Ta vì sinh nhai bằng nghề dạy trẻ, luôn năm ngồi ở quán phương xa, cái gánh sớm chiều gạo nước gởi vào trên vai Mẹ mầy. Cha ta đối với con dâu rất nghiêm thiết, nhưng chẳng bao giờ có sắc giận với Mẹ mầy. Cha ta hưởng thọ được bảy mươi tuổi, nhưng bệnh nặng từ ngày sáu mươi. Liên miên trong khoảng mười năm, những công việc thuốc thang hầu hạ bên giường bệnh, cho đến các việc khó nhọc nặng nề mà người ta không thể làm, thảy thảy một tay Mẹ mầy gánh cả. Kể việc hiếu về thờ ông gia, như Mẹ mầy là một việc hiếm có vậy.

“Trước lúc cha ta lâm chung [1900], ước một phút đồng hồ, gọi Mẹ mầy bồng mầy tới cạnh giường nằm, chúc ta rằng: “Ta chết rồi, mầy phải hết sức dạy cháu ta, và hết sức thương vợ mầy. Vợ mầy thờ ta rất hiếu, chắc trời cũng làm phúc cho nó.” Xem lời nói lâm chung của Cha ta như thế, cũng đủ biết nhân cách Mẹ mầy rồi.

“Năm Cha ta sáu mươi sáu tuổi [1896], còn hiếm cháu trai, vì ta là con độc đinh [con trai duy nhất], nên cha ta cũng khát cháu lắm. Mẹ mầy muốn được chóng sinh trai cho vừa lòng Cha, nên gấp vì ta cưới thứ mẫu mầy, chẳng bao lâu mà em mầy sinh. Trong lúc thằng Cu mới ra đời, Mẹ mầy gánh vác việc ôm ấp đùm bọc hơn một tháng. Cha ta được thấy cháu đầu hoan hỉ quá chừng. Thường nói với ta rằng: “Ta chỉ còn một việc chết chưa nhắm mắt, là mầy chưa trả cái nợ khoa danh mà thôi”.[5] Mẹ mầy nhân đó càng ân đức thứ mẫu mầy, thân yêu nhau hơn chị em ruột.

“Kể đức nhân về ân ái với người phận em như Mẹ mầy cũng ít có.

“Cứ hai chuyện như trên, bảo Mẹ mầy là Mẹ hiền về thời cựu chắc không quá đáng. Nhưng mà bắt buộc cho ta phải trọn đời nhớ luôn, thời lại vì có một việc: Nguyên lai nhà ta chỉ có bốn tấm phên tre suông, chẳng bao giờ chứa gạo tới hai ngày. Nhưng vì trời cho tính quái đặc: thích khoản khuếch [khoản đãi rộng rãi], hay làm ân. Hễ trong túi đựng được đồng tiền, thấy khách hỏi tức khắc cho ngay. Thường tới khi từ trường quán về, ta tất mang luôn khách về nhà, khách hoặc năm, sáu người, có khi mười người chẳng hạn, nhưng chiều hôm sớm mai, thiếu những gì tất hỏi Mẹ mầy. Mẹ mầy có gì đâu! Chỉ dựa vào một triêng [gánh] hai thúng, từ mai tới hôm [từ sáng tới tối] mà hễ nghe chồng đòi gì thời có nấy. Bổng dạy học của ta tuy có nhiều, nhưng chưa một đồng xu nào là tay Mẹ mầy được xài phí. Khổ cực mấy nhưng không sắc buồn; khó nhọc mấy nhưng không tiếng giận. Từ năm ta ba mươi sáu tuổi [1902], cho tới ngày xuất dương, những công cuộc kinh dinh việc nước, Mẹ mầy ngầm biết thảy, nhưng chưa từng hé răng một lời. Duy có một ngày kia, ta tình cờ ngồi một mình, Mẹ mầy ngồi dựa cột, kế một bên ta nói: “Thầy chắc toan bắt cọp đó mà? Cọp chưa thấy bắt mà người ta đã biết nhiều sao thế?” Mẹ mầy tuy có nói câu ấy, mà lúc đó ta làm ngơ, ta thiệt dở quá!

“Bây giờ nhắc lại trước khi ta xuất dương, khoảng hơn mười năm. Nghèo đói mà bạn bè nhiều; cùng khốn mà chí khí vững, thiệt một phần nửa là nhờ ân Mẹ mầy.

“Tới ngày ta bị bắt về nước, Mẹ mầy được gặp ta một lần ở thành tỉnh Nghệ, hơn nửa tiếng đồng hồ chỉ có một câu nói rằng: “Vợ chồng ly biệt nhau hơn hai mươi năm, nay được một lần giáp mặt Thầy, trong lòng tôi đã mãn túc rồi, từ đây trở về sau, chỉ trông mong Thầy giữ được lòng Thầy như xưa, Thầy làm những việc gì mặc Thầy, Thầy không phiền nghĩ tới vợ con.”

“Hỡi ôi! Câu nói ấy ấy bây giờ còn phảng phất bên tai ta, mà té ra ủ dài năm tháng, chẳng một việc gì làm, chốc chẵn mười năm.

“Phỏng khiến Mẹ mầy mà chết trước ta, thời trách nhiệm của ta e còn nặng mãi mãi. Suối vàng quạnh cách, biết lối nào thăm; đầu bạc trăm năm, còn lời thề cũ. Mẹ mầy thật chẳng phụ ta, ta phụ Mẹ mầy!

“Công nhi vong tư” chắc Mẹ mầy cũng lượng thứ cho ta chứ “. (1936) (6)

-----------------

1. Theo tục lệ ngày xưa, vợ cả (chánh thất) cưới vợ nhỏ (thứ thất) cho chồng.
2. Tôn Quang Phiệt, “Một vài kỷ niệm về Phan Bội Châu”, đăng trong Ông già Bến Ngự, hồi ký của một nhóm tác giả, Nxb. Thuận Hóa, Huế 1982, tr. 53.
3. Các câu Phan Bội Châu an ủi và khóc vợ, trích từ Chương Thâu, Phan Bội Châu toàn tập, tập 6, Nxb. Thuận Hóa, 1990, tt. 442-444.
4. Tôn Quang Phiệt, bài đã dẫn, tt. 53-55.
5. Lúc nầy Phan Bội Châu chưa đậu cử nhân. Năm 1900 (canh tý), ông đậu giải nguyên (đậu đầu) kỳ thi Hương trường thi Nghệ An vào tháng 7 thì tháng 9 cụ Phan Văn Phổ từ trần.
6. “Công nhi vong tư” nghĩa là lo việc chung mà quên việc riêng.