Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Chủ nghĩa khuyển nho ở xã hội Trung Quốc đương đại

 

Từ Bôn / Hồ Như Ý dịch
(Từ Bôn là giáo sư ở Saint Mary's College of California, một trong những trí thức cấp tiến nổi tiếng ở Trung Quốc).
Bài viết này trích trong tuyển tập "Nghiên cứu chủ nghĩa toàn trị" viết chung với Lưu Hiểu Ba, Thôi Vệ Bình, , Lý Thận Chi, Từ Hữu Ngư, Phùng Sùng Nghĩa...
(Tất nhiên, bài rất dài nên cũng chỉ là trích đoạn heheeeee )
Nhà văn người Thâm Quyến Vương Tư Tư trong bài viết “Hiện tại chúng ta đang tin vào cái gì” có nói tới câu chuyện về hai người bạn của anh ta. Người bạn thứ nhất cảm thấy rằng hiện tại tay trái của anh ta đều không tin tưởng đối với tay phải, “tay trái gãi ngứa giúp tay phải, tay phải nghĩ, gãi ngứa dễ chịu như vầy, không biết là có dụng ý gì. Tay phải cọ xà phòng tắm giúp tay trái, tay trái nghĩ nghĩ, xoa mạnh như vậy, sau đó là muốn làm gì? Hai tay cùng bê một bát canh nóng, tay trái nghĩ, mình phải bê một mình, không nên dựa vào tay phải, bên tay phải cũng nghĩ y như thế. Kết quả là, làm hại bọn nó phải gồng sức lên gấp đôi”. Người bạn thứ hai “khi con trai anh ta đượ ba bốn tuổi, bèn dạy cho con một bài học vỡ lòng khai sáng: đưá con trai muốn uống nước, anh đưa cho nó một cái cốc. Thằng bé uống canh một ngụm to, bị nóng tới mức phát khóc. Anh ta nói, ai bảo con không thử xem canh có nóng không, cái gì bản thân cũng phải làm thử, ai cũng đừng tin, ngay cả bố ruột cũng đừng tin tưởng." Đây là đều là hai câu chuyện liên quan đến không tin tưởng, một cái là tự chế giễu, một chuyện khác là dạy cho con trai cần học tập để khỏi bị thiệt thân, nó khắc họa một cách sinh động thứ chủ nghĩa khuyển nho mang màu sắc rất Trung Quốc.(1)
Chủ nghĩa khuyển nho hiện đại là một loại hình thái văn hóa xã hội "dùng không tin tưởng để nhằm hợp lý hóa".(2) Biểu hiện triệt để của chủ nghĩa khuyển nho hiện đại là ở chỗ nó thậm chí không tin tưởng rằng có bất kỳ biện pháp nào có thể thay đổi thế giới mà nó không tin tưởng. Chủ nghĩa khuyển nho có một mặt là không cung kính, bất mãn với trật tự thế giới hiện tại, cũng có mặt tiếp nhận hiện thực, nó đem những bất mãn đối với trật tự hiện tại chuyển hóa thành một loại hiểu biết không chối từ, một loại tỉnh táo không phản kháng và một sự tiếp thu không tán đồng, không chấp nhận. Chủ nghĩa khuyển nho cũng tồn tại trong văn hóa đại chúng ở các xã hội hiện đại khác, nhưng tình trạng phổ biến tới mức mà những người bình thường cảm thấy rằng có một cuộc khủng hoảng niềm tin xuất hiện giữa hai bàn tay thì không hề dễ dàng được bắt gặp. Loại khủng hoảng này chỉ là một góc nhỏ núi băng trôi của toàn bộ đời sống chính trị và đạo đức xã hội. Chủ nghĩa khuyển nho trong xã hội Trung Quốc đương đại không chỉ là một loại thái độ nghi ngờ dè chừng đơn thuần, mà là một phương thức cuộc sống được hình thành trong mối quan hệ cụ thể giữa thống trị và kẻ bị thống trị. Chủ nghĩa khuyển nho gắn liền với mối quan hệ giữa kẻ thống trị và kẻ bị trị này, được thể hiện lần lược là quyền uy thứ tư của kẻ bề trên cùng với chủ nghĩa hiện thực của kẻ bề dưới. Sự hình thành và đặc trưng của chúng, là vấn đề được thảo luận trng bài viết này.
1 - Chủ nghĩa khuyển nho và xã hội hậu toàn trị
Ông tổ của chủ nghĩa khuyển nho là Diogenes, một người Hy Lạp sống vào thời kỳ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 4, triết học của ông ta - phản đối lại tác phong xã hội và triết học phô trương vào lúc đương thời, dùng hành động mà không phải là lý luận để cho cả thế giới thấy được triết học nghèo khổ của ông ta. Nhằm chứng minh rằng những nhu cầu của con người với vật chất trần thế càng ít thì càng tự do, ông ta sinh hoạt trong một chiếc thùng, dùng nhu cầu sinh tồn thấp nhất để sinh hoạt. Người Athens do vậy gọi ông ta là "khuyển". Dùng kiêng nhịn bản thân để lên án hành vi quyền lực quá độ của người đời, đưa chủ nghĩa khuyển nho trở thành một loại châm biếm xã hội và triết học phê phán. Chủ nghĩa khuyển nho cổ đại có ba khuynh hướng, một là lối sống tùy tiện thỏa mãn gặp đâu vui đó không dục vọng, hai là không tin tưởng bất kỳ giá trị hiện hữu nào, ba là châm biếm mỉa mai đầy kịch tính. Bắt đầu từ thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên trở đi, chủ nghĩa khuyển nho bắt đầu phân hóa thành chủ nghĩa khuyển nho của kẻ bề trên và kẻ bị trị. Đối với kẻ chiếu dưới tức những người bình thường mà nói, chủ nghĩa khuyển nho là một loại phương thức cuộc sống nỗ lực sinh tồn và phát tiết tức giận của bất cứ người nào. Giống như D. R. Dudley đã nói: "Chủ nghĩa khuyển nho là kẻ dọn đường, con đường mà bọn họ trải xuống, bất luận thế gian thay đổi ra sao, cuộc sống vẫn là luôn tiếp tục." (3) Những kẻ bị trị khi đối mặt với bất công của xã hội cũng như những kẻ mạnh có thế lực thì không có được sức mạnh và thủ đoạn phản kháng công khai, châm biếm và hoài nghi thế giới thực tại trở thành hình thức chủ yếu để họ phát tiết phẫn nộ.
Đối với những kẻ bề trên tức là tầng lớp quyền quý tinh anh, chủ nghĩa khuyển nho lại là một thủ đoạn nhằm đối phó với dân thường. Nhà triết học theo chủ nghĩa hưởng lạc ở thế kỷ 3 trước Công Nguyên Theodorus đã bắt đầu tinh anh hóa và quyền thế hóa chủ nghĩa khuyển nho. Theodorus là quý tộc của Cyrene, Libya ngày nay, là đại diện cho trường phái triết học chủ nghĩa hưởng lạc. Mặc dù chủ nghĩa hưởng lạc và chủ nghĩa khuyển nho đối đầu nhau về vấn đề hưởng lạc vật chất, nhưng lại đều khinh thường các giá trị hiện hữu (chủ nghĩa hưởng lạc cho rằng không hiểu rõ về hưởng lạc, chủ nghĩa khuyển nho cho rằng quá mức chìm đắm hưởng lạc), bởi vậy đã xuất hiện khả năng gắn kết. Giống với Diogenes thành Sinope, Theodorus nhấn mạnh sự khác biệt giữa trí giả và người thường, nhưng ông ta càng nhấn mạnh rằng trí giả có quyền lực sắp đặt quy tắc đặc biệt theo cá nhân họ về trò chơi. Trí giả là người khôn ngoan biết thỏa mãn, những tiêu chuẩn quy phạm của bọn ngu ngốc hoàn toàn không thích hợp với trí giả, cuộc sống hoàn toàn không có bất kỳ tài sản sở hữu là điều tốt với những kẻ ngu ngốc, nhưng đối với trí giả "chúng tôi" lại chưa chắc đã là như thế. Trí giả không hề tin rằng cuộc sống quá mức khắc khổ có chỗ tốt nào, nhưng lối suy nghĩ "sống một cuộc sống khắc khổ" lại có thể giúp cho những kẻ ngu ngốc an phận.(4) Bắt đầu từ Theodorus, chủ nghĩa khuyển nho của kẻ trí giả đã trở thành tiêu chuẩn kép cho giới tinh hoa quyền lực, nói một đàng làm một nẻo, trở thành chiêu bài chính trị đem người bình thường xem là kẻ ngu ngốc để kiểm soát.
Trong xã hội hiện đại, những liên hệ phân tầng lẫn nhau giữa tầng lớp trên và dưới của chủ nghĩa khuyển nho càng phức tạp. Sự phân hóa đối với các lĩnh vực trong xã hội hiện đại cũng như tự thiết lập tiêu chuẩn về lĩnh vực xã hội càng đưa tới sự xung đột về tiêu chuẩn, quy phạm đạo đức giữa chính trị quyền lực và cuộc sống hàng ngày của người dân. Khoảng cách giữa những lý tưởng chính trị đường hoàng cao siêu cùng với biểu hiện chính trị đáng thất vọng dẫn tới người dân bình thường kính sợ và rời xa đối với chính trị, thậm chí càng xem đó là nghề nghiệp không có đạo đức. Người dân trong xã hội hiện đại rất lạnh nhạt đối với chính trị, chủ nghĩa khuyển nho của họ luôn bao hàm một loại thái độ như T. Bewes đã nói là "cao quý, thăng hoa giá trị", nó luôn luôn là "đem tính trừu tượng của chân lý và giá trị thật sự nhìn một cách quan trọng hơn nhiều so với hành động và sức tưởng tượng vốn được đức tính tốt đẹp của chính trị nhấn mạnh". (5) Chủ nghĩa khuyển nho đại chúng được sản sinh từ ý thức đạo đức bị đè nén của bản thân người dân là một loại phản kháng và bất mãn của người dân trước sự bất lực của bản thân họ trước lý luận chính trị vị lợi hiện đại. Kể cả khi họ cảm thấy lực bất tòng tâm như thế nào, xét cho cùng chủ nghĩa khuyển nho đại chúng cũng cho thấy một loại ý thức độc lập của tự chính họ.
Không phải tất cả mọi xã hội hiện đại đều có sự tồn tại của chủ nghĩa khuyển nho đại chúng. Trong xã hội toàn trị hiện đại với sự kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả, chủ nghĩa khuyển nho về cơ bản là không thể tồn tại, bởi vì tuyệt đại đa số người dân sinh sống dưới trạng thái bắt buộc phải tin tưởng. Sự thống trị thật sự có hiệu quả của ý thức hệ chính thống, không chỉ là biểu hiện ở việc dập tắt tư tưởng dị đoan, mà còn biểu hiện ở chỗ nó diệt sát hết tất cả mọi không gian có thể sản sinh ra tư tưởng dị đoan. Lý thuyết xã hội đại chúng với dựa trên kinh nghiệm về chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa Stalin trong thế kỷ 20, chúng nhấn mạnh chính là tính hữu hiệu tuyệt đối của sự thống trị ý thức hệ toàn trị đối với tư tưởng đại chúng. "Đại chúng" trong xã hội toàn trị không chỉ là đại đa số người dân, mà còn là trạng thái quần chúng cách ly, cô lập lẫn nhau. Đại chúng người dân dưới thể chế toàn trị không nhừng gặp phải những khích lệ từ các phong trào chính trị, không ngừng nằm trong trạng thái được động viên, từ đó tập hợp thành "quần chúng", nói một cách chính xác hơn, là "quần chúng cách mạng". Dưới chế độ toàn trị, lực lượng có tầm quan trọng then chốt đối với quần chúng là một chính đảng đại chúng thực thi chính trị chuyên chế. Giống như nhà chính trị học người Pháp Clade Fort đã nói, "Chính đảng đại chúng là công cụ tuyệt vời của chủ nghĩa toàn trị, quốc gia và xã hội dư luận bởi vì nó mà trở thành nhất thể. Mỗi một dịp công khai ở địa điểm công cộng, đảng đều sẽ thể hiện ra nguyên tắc quyền lực; nó tuyên truyền ra một loại quy phạm phổ biến nào đó, làm cho quy phạm này có vẻ như xuất phát từ chính bản thân xã hội." (6) Xã hội đại chúng liên tục ở trong trạng thái "mệnh lệnh hành động tích cực", từ đó hình thành nên xã hội đại chúng một cách chỉnh thể tuyệt đối.

Meditations - Suy tưởng, M.A

 

"Tôi muốn chia sẻ với bạn một điều mang đến cho tôi niềm an ủi không nhỏ, hi vọng rằng nó cũng có hiệu quả như thế với bạn. Trên đường tôi từ châu Á trở về, khi đi từ Aegina đến Megara, tôi chăm chú nhìn vùng đất mà chúng tôi đi qua. Aegina ở sau lưng tôi, còn Megara thì ở trước mặt, Piraeus ở bên mạn phải, Corinth thì phía cửa tàu. Những thành phố ngày xưa phồn vinh là thế, mà nay tàn tạ trong hoang phế trước mắt tôi - và tôi tự nhủ, "Chao ôi!...và này, Servius, mi sẽ không kìm chế nỗi đau mà nhớ lại rằng mi sinh ra là người có sinh có tử chứ?". Tin tôi đi, ý nghĩ ấy là niềm an ủi không nhỏ cho tôi..."
(Thư của luật gia La Mã là Servius Sulpicius viết cho Cicero nhân cái chết của người con gái ông này. Trích Meditations - Suy tưởng, M.A).
Điều làm cho độc giả ngày nay thấy đồng cảm gần gũi với những ghi chép cá nhân từ hàng ngàn năm trước có thể còn đến từ giọng điệu thân cận với người đương thời qua văn phong có phần chủ quan của dịch giả? Nhưng như trong phần Lời giới thiệu về cuốn sách đã viết, "...có một giọng buồn buồn xuyên suốt tác phẩm và người ta chỉ có thể gọi tên nó là điệu buồn Vergil", chúng ta, những độc giả ngày nay có lẽ đang xao xuyến với điệu buồn của văn phong nhật kí cá nhân người cổ đại. Và còn phải tách rời ra những gì là ảnh hưởng của ánh hào quang lẫn trong sương mù quá khứ hương xa của ngôi vị hoàng đế đế quốc La Mã của M.A. Thật dễ chịu khi nghĩ rằng chúng ta đồng cảm với ngài ấy, chứ không phải ai khác, với cái tên có âm hưởng La tinh ấy - thật oách.
Những xao xuyến đồng cảm để khơi nguồn suy tư dù thật đẹp, nhưng không thể dễ dãi đắm chìm trong đó. Cũng giống như chính M.A đã viết "Trí tuệ là người cai quản linh hồn. Nó nên giữ yên không bị rung chuyển bởi những rung động của xác thịt - dù êm dịu hay mãnh liệt. Không bị trộn lẫn vào, mà rào ngăn riêng nó ra khỏi những cảm giác, giữ chúng ở nguyên chỗ của chúng. Đừng cố cưỡng lại những cảm giác khi chúng tìm cách len vào suy nghĩ của anh, thông qua mối quan hệ đồng tình giữa trí tuệ và thể xác. Cảm giác là tự nhiên. Nhưng đừng để trí óc bắt đầu dùng lí lẽ mà bảo nó "tốt"hay "xấu". (Suy tưởng, Q5.26; M.A; Tiết Thái Hùng dịch).
Chép lại đôi dòng ngẫu nhĩ của cổ nhân an ủi nhau hòng an ủi nhau trước mỗi khúc quanh đời người. Dù vẫn biết, khổ đau là một điều gì đó rất riêng tư không thể tùy tiện nghĩ bàn

George Lakoff và Mark Johnson; Chúng ta sống bằng ẩn dụ

 

Ẩn dụ định vị là cách tổ chức hệ thống các ý niệm tương liên với nhau và có liên quan đến việc định hướng không gian: lên-xuống, trong-ngoài, trước-sau...Ẩn dụ định vị đưa đến các ý niệm về cách định vị không gian. (Theo George Lakoff và Mark Johnson; Chúng ta sống bằng ẩn dụ). Thử dò vết trong diễn đạt ngôn ngữ ngày thường:
- Vui vẻ thì hướng lên: (Hôm nay tôi cảm thấy lâng lâng)
- Niềm vui thì hướng lên; nỗi buồn thì hướng xuống: (Điều này nâng tinh thần tôi lên), (Tôi bị ngã lòng)
- Ý thức thì hướng lên; vô thức thì hướng xuống: (Thức dậy, tỉnh dậy), (anh ta chìm vào giấc ngủ, chìm vào hôn mê)
- Niềm vui và sự sống thì hướng lên; bệnh tật và chết chóc thì hướng xuống: (anh ta đang ở đỉnh cao của sức khỏe), (anh ta gục chết, sức khỏe suy sụp)
- Nắm giữ quyền lực thì hướng lên; bị khống chế thì hướng xuống: (Tôi khống chế được tình huống), (anh ta giữ vị trí cao hơn), (quyền lực của hắn rơi xuống), (hắn là kẻ thấp kém trong xã hội)...
- Nhiều thì hướng lên; ít thì hướng xuống: (số lượng sách xb tăng lên), (tuổi của anh ấy dưới mức giới hạn)...
- Sự kiện tương lai tiên liệu được thì hướng lên (và hướng về phía trước): (Tôi quan ngại điều sắp xảy ra phía trước)
- Tốt thì hướng lên; xấu thì hướng xuống: (Mọi việc trông có vẻ đang lên), (mọi việc đang đi xuống)...
- Phẩm hạnh thì hướng lên; đồi bại thì hướng xuống: (anh ấy có tấm lòng cao quý); (Đó là việc thấp hèn)
- Lý trí thì hướng lên; cảm xúc thì hướng xuống: (Cuộc thảo luận rơi vào thang độ cảm xúc nhưng tôi đã kịp nâng nó quay lại mức độ lí trí), (Anh ấy không vượt lên được cảm xúc của mình)
Các ẩn dụ định vị có cơ sở trải nghiệm thực tế của thân thể, văn hóa xã hội...của nó. NHƯNG KHÔNG PHẢI LÚC NÀO Ý NIỆM CŨNG TƯƠNG HỢP VỚI TRẢI NGHIỆM CƠ SỞ VÀ DO VẬY NẾU KHÔNG XEM XÉT KĨ, CHÍNH CÁCH CHÚNG TA DÙNG ẨN DỤ SẼ CHI PHỐI PHƯƠNG THỨC TƯ DUY VÀ NỘI DUNG PHÁN ĐOÁN CỦA CHÚNG TA.
Ẩn dụ định vị là có cơ sở nhưng mối quan hệ của nó không phải là một song ánh. Các giá trị trừu tượng không neo vào hệ định vị không gian, chỉ là trong không gian, thường thì sẽ như thế. Nhưng nếu không nhìn rõ mối quan hệ, tư tưởng sẽ theo lối võ đoán ngoại suy lấy ẩn dụ định vị làm khuôn thước.
Ví dụ về ẩn dụ không tương hợp: KHÔNG BIẾT THÌ HƯỚNG LÊN; BIẾT THÌ HƯỚNG XUỐNG. Ví dụ:
- Việc đó vẫn còn lơ lửng
- Vấn đề này đã ổn
KHÔNG BIẾT THÌ HƯỚNG LÊN là không tương hợp với TỐT THÌ HƯỚNG LÊN và KẾT THÚC THÌ HƯỚNG LÊN (I'm finished UP).
Như vậy rõ ràng là ý thức và cả tiềm thức về hệ giá trị của các ý niệm gán với ẩn dụ định vị kiểu LÊN-XUỐNG, TRÊN-DƯỚI. Việc mặc nhiên xem bản đồ hướng Bắc là duy nhất, rồi thấy mối quan hệ vùng địa lý thành hệ quy ước TRÊN-DƯỚI sẽ ảnh hưởng đến phán đoán giá trị của ta lúc nào không hay.
Thêm một điểm đáng ngạc nhiên là hầu hết các ví dụ trong tiếng Anh đều dịch tương đương được sang tiếng Việt. Tức là các ví dụ ngôn ngữ sử dụng ẩn dụ đều có độ phổ quát cao (có lẽ gắn với trải nghiệm thân thể và xã hội của con người cơ bản cũng có tính phổ quát cao). Câu chuyện tương tự có trong cuốn Ngôn ngữ bị lãng quên, của Erich Fromm. Theo đó ngôn ngữ tượng trưng có 1 loại là tượng trưng phổ biến gắn với các kinh nghiệm thân thể phổ quát. Fromm dùng ngôn ngữ tượng trưng phổ biến làm cơ sở nghiên cứu đặc điểm của ngôn ngữ giấc mơ, thần thoại, đồng dao và kinh điển tôn giáo.

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Còn ai đến bên đời

 Hồi xưa, tức là khoảng từ hơn mười năm trước trở lên, thỉnh thoảng sẽ có một người bạn tìm đến với mình để chia sẻ về những điều thật riêng tư, những loay hoay nghi ngờ của họ. Không hẳn họ tìm thấy điều gì đó sâu xa hơn ở mình mà chỉ đơn giản họ thấy mình luôn giữ được ứng xử chuyên chú với những mối bận tâm kiểu đó của cá nhân mình. Theo thời gian chúng ta trải nghiệm nhiều hơn, già đi và nhận ra rằng việc tìm kiếm lời khuyên bảo từ ai đó phần lớn là tuyệt đối vô ích. Đời thường trải rộng ra hơn nhưng thiếu dần đi bề sâu mông lung của tự vấn. Mấy ai còn giữ được sơ tâm vấn đạo, dò hỏi về sự hiện hữu của cuộc đời mình nữa. Thay vào đó là sự hợp lí hóa. Người ta tìm đến nhau chỉ còn vì cần có ai đó chuẩn thuận cho lựa chọn hay trạng thái tâm lí của mình. Ai đó ngồi yên bên cạnh lắng nghe (hoặc tỏ vẻ lắng nghe) và không bày tỏ phán xét, đã là một điều xa xỉ.

Khi loại trừ những kết nối trên mạng xã hội, liệu chúng ta còn quay trở về với tâm thế "bình thường" như trước kia nữa không? E là không. Chúng ta nhận rõ hơn tình trạng thiếu kết nối, mất kết nối liên cá nhân của xã hội hiện đại. Nhưng đồng thời chúng ta cũng nhận rõ hơn dòng thác thông tin rác rưởi của truyền thông làm nhiễu tâm ta đến như thế nào. Góc độ hữu ích đối với chính mình đó là nhận thức rõ ràng về tính công cụ mới mà thời đại mang đến cho chúng ta qua internet nói chung và mạng xã hội nói riêng.

Chúng ta theo đuổi thành công nhưng đó là cuộc đua kiểu kỉ lục Guinness: người ta cứ tìm đại một cái nhất trong bất cứ cái gì có thể quy đồng. Tôi đã gặp được hầu hết những mẫu đại diện của xã hội được coi là thành công: tiền bạc, địa vị xã hội, chính trị hay kinh doanh, nhà tu hành hay nghệ sĩ và triết gia học giả...Tất cả đều chỉ là một sự gắng gượng và hợp lí hóa. Ai cũng có vấn đề của mình, có kiến giải của mình và định kiến của mình. Lâu rồi đời mình cũng qua. Marcus Aurelius đáng trọng vì những suy tư của ông là một phần thì phần còn lại quan trọng hơn là thẩm quyền phán xét những hư ảo của thành tựu xã hội đời thường từ vai trò hoàng đế của Đế quốc. Một người bình phàm như mình khi nói tiền bạc phù du, chính trường bạc bẽo, thương trường nhạt nhẽo...thì chẳng có sức nặng gì mấy và điều đó là có thể hiểu được.

Khi con cái chúng ta đến lứa tuổi vị thành niên thì chúng ta lại càng cảm khái về cuộc đời mình nhiều biết mấy: Tôi vẫn nhớ như in những mường tượng, háo hức và băn khoăn về tương lai cuộc đời sau này của mình. Những phê phán kín đáo nhưng hùng hồn về thế hệ bố mẹ mình. Và bây giờ, khi quan sát lũ trẻ lớn lên, những vòng quay của nhân sinh đang lặp lại, tôi cảm nhận rõ ràng sự bất lực của ngôn từ khi đối diện tham vọng chia sẻ kinh nghiệm sống. Và điều quan trọng hơn là chúng ta đã làm gì với những hoạch định làm người to tát nhưng chân thành ngày xưa của chúng ta? Con cái chúng ta có được bao nhiêu hứng thú với hiện sinh của chúng ta - hay vẫn chỉ là những phê phán và phủ nhận hùng hồn? Tứ thập nhi bất hoặc. Chúng ta không còn hồ nghi nữa nhưng chúng ta hãy còn có thể định nghĩa đời mình. Con người định nghĩa mình qua hành động.