Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Còn ai đến bên đời

 Hồi xưa, tức là khoảng từ hơn mười năm trước trở lên, thỉnh thoảng sẽ có một người bạn tìm đến với mình để chia sẻ về những điều thật riêng tư, những loay hoay nghi ngờ của họ. Không hẳn họ tìm thấy điều gì đó sâu xa hơn ở mình mà chỉ đơn giản họ thấy mình luôn giữ được ứng xử chuyên chú với những mối bận tâm kiểu đó của cá nhân mình. Theo thời gian chúng ta trải nghiệm nhiều hơn, già đi và nhận ra rằng việc tìm kiếm lời khuyên bảo từ ai đó phần lớn là tuyệt đối vô ích. Đời thường trải rộng ra hơn nhưng thiếu dần đi bề sâu mông lung của tự vấn. Mấy ai còn giữ được sơ tâm vấn đạo, dò hỏi về sự hiện hữu của cuộc đời mình nữa. Thay vào đó là sự hợp lí hóa. Người ta tìm đến nhau chỉ còn vì cần có ai đó chuẩn thuận cho lựa chọn hay trạng thái tâm lí của mình. Ai đó ngồi yên bên cạnh lắng nghe (hoặc tỏ vẻ lắng nghe) và không bày tỏ phán xét, đã là một điều xa xỉ.

Khi loại trừ những kết nối trên mạng xã hội, liệu chúng ta còn quay trở về với tâm thế "bình thường" như trước kia nữa không? E là không. Chúng ta nhận rõ hơn tình trạng thiếu kết nối, mất kết nối liên cá nhân của xã hội hiện đại. Nhưng đồng thời chúng ta cũng nhận rõ hơn dòng thác thông tin rác rưởi của truyền thông làm nhiễu tâm ta đến như thế nào. Góc độ hữu ích đối với chính mình đó là nhận thức rõ ràng về tính công cụ mới mà thời đại mang đến cho chúng ta qua internet nói chung và mạng xã hội nói riêng.

Chúng ta theo đuổi thành công nhưng đó là cuộc đua kiểu kỉ lục Guinness: người ta cứ tìm đại một cái nhất trong bất cứ cái gì có thể quy đồng. Tôi đã gặp được hầu hết những mẫu đại diện của xã hội được coi là thành công: tiền bạc, địa vị xã hội, chính trị hay kinh doanh, nhà tu hành hay nghệ sĩ và triết gia học giả...Tất cả đều chỉ là một sự gắng gượng và hợp lí hóa. Ai cũng có vấn đề của mình, có kiến giải của mình và định kiến của mình. Lâu rồi đời mình cũng qua. Marcus Aurelius đáng trọng vì những suy tư của ông là một phần thì phần còn lại quan trọng hơn là thẩm quyền phán xét những hư ảo của thành tựu xã hội đời thường từ vai trò hoàng đế của Đế quốc. Một người bình phàm như mình khi nói tiền bạc phù du, chính trường bạc bẽo, thương trường nhạt nhẽo...thì chẳng có sức nặng gì mấy và điều đó là có thể hiểu được.

Khi con cái chúng ta đến lứa tuổi vị thành niên thì chúng ta lại càng cảm khái về cuộc đời mình nhiều biết mấy: Tôi vẫn nhớ như in những mường tượng, háo hức và băn khoăn về tương lai cuộc đời sau này của mình. Những phê phán kín đáo nhưng hùng hồn về thế hệ bố mẹ mình. Và bây giờ, khi quan sát lũ trẻ lớn lên, những vòng quay của nhân sinh đang lặp lại, tôi cảm nhận rõ ràng sự bất lực của ngôn từ khi đối diện tham vọng chia sẻ kinh nghiệm sống. Và điều quan trọng hơn là chúng ta đã làm gì với những hoạch định làm người to tát nhưng chân thành ngày xưa của chúng ta? Con cái chúng ta có được bao nhiêu hứng thú với hiện sinh của chúng ta - hay vẫn chỉ là những phê phán và phủ nhận hùng hồn? Tứ thập nhi bất hoặc. Chúng ta không còn hồ nghi nữa nhưng chúng ta hãy còn có thể định nghĩa đời mình. Con người định nghĩa mình qua hành động.

Không có nhận xét nào: