Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

Lược ghi từ Phân tâm học và tình yêu

- Yêu thương là một kinh nghiệm riêng tư mà mỗi người chỉ có thể có bởi và cho chính mình.
- Sự thực hành của bất cứ một nghệ thuật nào đều có một vài nhu yếu tổng quát, bất kể dù là chúng ta bàn đến nghệ thuật đồ gỗ, y dược, hay nghệ thuật về tình yêu.
- Trước hết, sự thực hành của nghệ thuật đòi hỏi KỶ LUẬT. Tôi sẽ không bao giờ giỏi về một thứ gì cả nếu tôi không thực hiện điều đó trong một đường lối có quy củ; bất cứ điều gì mà tôi chỉ làm vì cái ý dục của tôi có thể là một sự đắc ý thích thú hay thưởng ngoạn, nhưng tôi sẽ không bao giờ trở thành một tay lão luyện về nghệ thuật ấy. Nhưng vấn đề không phải là vấn đề kỷ luật trong sự thực hành nghệ thuật chuyên biệt mà là vấn đề kỷ luật trong sự sống toàn diện của mình.
Sự thực là con người ngày nay, bên ngoài lĩnh vực làm việc, thì việc ghép mình vào quy củ quá ít. Khi người ta không làm việc, người ta cần được ''ngồi lê ở rỗi'' một cách biếng nhác, nói cho dễ nghe hơn là muốn buông trôi.
- SỰ TẬP TRUNG là một điều kiện tất yếu để tinh thông một nghệ thuật.
Trái lại nền văn hóa chúng ta dẫn đến một cách sống phân tâm và li tán. Bạn làm nhiều việc ngay một lúc; bạn đọc sách, nghe truyền thanh, nói chuyện, hút thuốc, ăn uống. Bạn là kẻ tiêu thụ với lỗ miệng há rộng, hăng hái và sẵn sàng nuốt chửng mọi thứ - tranh ảnh, rượu trà, kiến thức. Sự thiếu sót về tập trung này được thấy rõ trong khó khăn của chúng ta khi chúng ta ở một mình. Ngồi yên lặng, không nói chuyện, hút thuốc, đọc, uống rượu, là điều không thể được đối với hầu hết mọi người. Họ trở thành bứt rứt khó chịu, và chắc chắn phải làm một việc gì với lỗ miệng hay đôi tay của họ. (Hút thuốc là một trong những triệu chứng thiếu tập trung ấy; nó làm bận đến tay, miệng, mắt và mũi).
- Yếu tố thứ ba là KIÊN NHẪN. Nếu người ta vội vã với những kết quả, người ta không bao giờ học hỏi một nghệ thuật. Đối với con người hiện đại, kiên nhẫn cũng khó thực hành như kỷ luật và tập trung. Toàn thể hệ thống kỹ nghệ của chúng ta dung dưỡng điều ngược lại: sự nhanh chóng. Dĩ nhiên có những lý do kinh tế quan trọng đối với điều này. Nhưng như trong rất nhiều khía cạnh khác, những giá trị nhân bản đã trở nên hạn định bởi những giá trị kinh tế. Điều gì tốt đối với máy móc chắc chắn là tốt đối với con người - luận lý cứ thế mà diễn tiến. Con người hiện đại nghĩ là mình đánh mất điều gì đó - thời gian - khi nó không làm các sự việc mau chóng; nhưng nó không biết phải làm gì với thời gian.
- Sau hết, điều kiện để học hỏi một nghệ thuật là mối QUAN TÂM RẤT MỰC với việc tinh thông về một nghệ thuật. Nếu nghệ thuật là cái gì không có tầm quan trọng rất mực, người học sẽ không bao giờ học nó. Cùng lắm người ta sẽ là một tài tử giỏi nhưng sẽ không bao giờ là một bậc thầy.
- Ta phải kể thêm một điểm nữa đối với những điều kiện tổng quát để học hỏi một nghệ thuật. Người ta KHÔNG bắt đầu học hỏi trực tiếp một nghệ thuật, mà GẦN NHƯ LÀ GIÁN TIẾP. Người ta phải học hỏi một số lớn những cái khác - và hình như những cái không thích ý - trước khi khởi sự với chính nghệ thuật ấy. Một người học về thợ gỗ bắt đầu bằng cách bào chuốt gỗ; người học nghệ thuật chơi dương cầm bắt đầu bằng thực hành những âm giai; một người học về nghệ thuật bắn cung trong thiền tông bắt đầu bằng những thực tập hơi thở. Nếu người ta muốn trở thành một tay lão luyện trong bất cứ một nghệ thuật nào, toàn bộ đời sống của mình phải được cống hiến cho nó, hay ít ra có liên hệ với nó. Nhân cách riêng của chính mình trở thành một trang bị trong sự thực hành về nghệ thuật, và phải được giữ cho thích ứng, phù hợp với những nhiệm vụ đặc biệt mà nó phải làm tròn.
- Để trở thành một tay lão luyện trong nghệ thuật đều phải bắt đầu bằng cách THỰC HÀNH kỷ luật, tập trung và kiên nhẫn suốt trong mọi giai đoạn của đời sống mình.
Người ta thực hành kỷ luật như thế nào?
- Thức giấc vào một giờ khắc đều đặn, để dành một số giờ đều đặn suốt ngày cho những hoạt động như suy tư, đọc sách, nghe nhạc, đi dạo; không phóng túng, ít ra không vượt ngoài một mức độ tối thiểu nào đó, trong những hoạt động lẩn tránh như những mẩu chuyện huyền bí và điện ảnh, không ăn uống quá độ là một vài quy luật hiển nhiên và sơ đẳng.
Tuy nhiên, điều chính yếu là không nên thực hành kỷ luật giống như một quy luật đều đặn trên chính mình từ bên ngoài, mà là, nó trở thành một biểu lộ của ý chí riêng mình: nó được cảm thức như là xứng ý, và dần dần người ta làm quen với một lối cư xử mà cuối cùng người ta sẽ đánh mất nếu không thực hành nó nữa. Đông Phương từ lâu đã nhận ra rằng cái tốt đối với con người - đối với thân xác và thể phách của nó - cũng phải dễ chịu, ngay dù từ khởi đầu người ta phải vượt qua một vài đề kháng nào đó.
Sự tập trung lại càng rất khó thực hành hơn trong nền văn hóa chúng ta.
- Bước quan trọng nhất trong việc học hỏi sự tập trung là PHẢI HỌC SỐNG ĐƠN ĐỘC VỚI CHÍNH MÌNH mà không đọc sách, không nghe truyền thanh, hút thuốc hay uống rượu. Thực vậy, có thể tập trung có nghĩa là có thể sống đơn độc với chính mình - và năng tính này rõ ràng là một điều kiện cho năng tính yêu thương. Nếu tôi quyến luyến một người khác bởi vì tôi không thể đứng bằng đôi chân của chính tôi, người ấy có thể là một cứu tinh sự sống, nhưng mối quan hệ không phải là một quan hệ của tình yêu.
Nói ngược lại, năng tính sống một mình là điều kiện cho năng tính yêu thương. Ai cố gắng sống đơn độc với chính mình sẽ thấy rõ là khó khăn như thế nào. Người ấy sẽ bắt đầu cảm thấy xốn xang không yên, hay cảm giác cả đến mối ưu tư quan trọng. Người ấy sẽ hay cố tình biện lý việc mình không thích tiếp tục sự thực hành này bằng cách nghĩ rằng nó không có giá trị, nó thực là hồ đồ, rằng nó chiếm quá nhiều thì giờ...Người ấy cũng sẽ nhận định rằng mọi thứ tư tưởng xảy ra trong tâm trí mình đều thuộc sở hữu của mình. Người ấy sẽ tự tìm cách suy nghĩ về những kế hoạch cho ngày sắp tới, hay về khó khăn nào đó trong công việc mà mình phải làm, hay ngày mai sẽ đi đâu, hay về một số sự việc nào đó sẽ làm đầy tâm trí mình - hơn là để cho nó tự trống không. (lược 1 đoạn về thiền định)
Ngoài những thực tập như thế, người ta phải học tập trung trong mọi sự việc mà mình làm, khi nghe nhạc, khi đọc một quyển sách, khi nói chuyện với một người, khi nhìn một phong cảnh. Hoạt động ngay lúc này phải là một sự việc duy nhất có quan hệ mà người ta hoàn toàn để tâm vào. Nếu người ta được tập trung, nó ít hệ trọng đến cái gì mà người ta đang làm; những sự thể quan trọng, cũng như những sự thể không quan trọng, đều giả định một chiều kích mới của thực tại, bởi vì chúng có sự chuyên nhất toàn vẹn của người ta.
Học hỏi về sự tập trung đòi hỏi xa lánh, nếu như có thể, những luận đàm phù phiếm, nghĩa là sự luận đàm không thực chất. Nếu hai người nói chuyện về sự sinh trưởng của một cái cây mà cả hai đều hiểu biết, hoặc về mùi vị của bánh mì, mà họ đã cùng ăn, hoặc về một kinh nghiệm chung trong công việc của họ, luận đàm như thế có thể là hào hứng, nếu như họ kinh nghiệm về cái mà họ đang đàm luận, và không đề cập đến nó trong một đường lối trừu tượng hóa; đằng khác, một luận đàm có thể đề cập đến những chủ đề chính trị hay tôn giáo, nhưng lại là phù phiếm; điều này xảy ra khi hai người nói theo sáo ngữ, khi trái tim họ không ở trong điều mà họ đang nói.
Tôi phải nói thêm ở đây rằng, cũng như điều quan trọng là xa lánh sự luận đàm phù phiếm, điều quan trọng là xa lánh bạn xấu. Với bạn xấu, tôi không chỉ nói đến những người có thói xấu hay tác hại; người ta phải xa lánh bạn bè của họ vì ở con mắt của họ có chất độc và hay áp chế.
Tôi cũng nói đến bằng hữu sống dở, những người mà tâm hồn họ đã chết, mặc dù thể xác của họ đang sống; những người mà những tư tưởng và luận đàm của họ đều phù phiếm; những người bàn suông thay vì thảo luận, và những người thừa nhận những ý kiến nhai lại thay vì suy tư.

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2020

Hình thức phim

Bình giải là một trong các thao tác thưởng thức nghệ thuật cơ bản. Thực ra thưởng ngoạn thì vừa có phép vừa vô chừng. Tuy nhiên khi nghiệm lại, mình thấy mình bị ảnh hưởng của cách tiếp cận khuôn mẫu và cấu trúc. Lược ghi lại mấy ý chính hồi đọc về Nghệ thuật điện ảnh (David Bordwell&Kristin Thompson):
 
- Trong kinh nghiệm của ta một tác phẩm nghệ thuật luôn có khuôn mẫu và cấu trúc. Trí tuệ con người luôn khao khát hình thức.
- Hình thức là một hệ thống.
- Nhận thức, trong mọi giai đoạn của cuộc sống, là một hoạt động. Dường như tác phẩm nghệ thuật gợi cho ta thực hiện những hoạt động đặc thù. Thiếu sự gợi cảm hứng của tác phẩm nghệ thuật, chúng ta không thể bắt đầu hay tiếp tục hoạt động đó. Nói chung, bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào cũng đều trình diễn những gợi ý có thể khơi dậy một hoạt động đặc thù từ người nhận thức. Mỗi tác phẩm có một hình thức. Qua hình thức trong cách hiểu rộng nhất của nó, nghĩa là một hệ thống tổng thể các mối quan hệ mà ta nhận thức được giữa các yếu tố thành phần, ta có thể hiểu được tác phẩm.
- Mọi người thường cho rằng "hình thức" là một khái niệm đối nghĩa  với "nội dung". Giả thiết này ám chỉ rằng tác phẩm như là một cái bình. Bên trong nó chứa những thứ mà có thể dễ dàng nắm giữ theo lượng như một chiếc ly hay chiếc cốc. Chúng tôi không chấp nhận giả thiết này. Nếu hình thức là một hệ thống tổng thể mà khán giả tham gia vào bộ phim thì không có cái bên trong hay bên ngoài. Mọi yếu tố đều có chức năng như là một phần của toàn bộ khuôn mẫu mà người xem nhận thức.
Đề xuất những tiêu chí để đánh giá phim như một chỉnh thể nghệ thuật:
- Tính chặt chẽ
- Cảm xúc mạnh mẽ
- Sự phức hợp
- Tính độc đáo: độc đáo cho chính mục đích của riêng mình thì tất nhiên là chẳng có nghĩa gì. Không phải điều gì khác biệt cũng có nghĩa là tốt. Nhưng nếu một nghệ sỹ nhập vai theo quy ước quen thuộc và sử dụng chúng theo cách sáng tạo, làm cho nó sinh động hơn hay tạo ra những khả năng hình thức mới, như có thể được xem là rất tốt từ quan điểm thẩm mỹ.
Các nguyên tắc của hình thức phim:
- Chức năng: Nếu hình thức là một tổng thể mối tương quan giữa các hệ thống những yếu tố khác nhau, mỗi một yếu tố trong toàn bộ tổng thể này có một hay nhiều chức năng. Cân nhắc động cơ thúc đẩy của yếu tố.
- Tương đồng và lặp lại - mô típ: tạo ra và thỏa mãn những mong đợi hình thức.
- Khác biệt và biến dị
- Sự phát triển: nguyên tắc tiến trình
- Sự thống nhất và không thống nhất: Sự không đồng nhất nhất thời góp phần vào việc mở rộng các nguyên mẫu và ý nghĩa chủ đề.
(Nghệ thuật điện ảnh, Ý nghĩa của hình thức)

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2020

Ghi chép nhân đọc Mật ngữ Thủy Hử

- Thủy Hử và Trung Nguyên là cặp đối lập. Thủy Hử là cái bến nước, theo nghĩa đen là địa thế của Lương Sơn Bạc. Nhưng theo tính biểu trưng của tâm tính Trung Nguyên, nơi rìa xa nhất của đất liền cũng là nơi biên lề của vương pháp. Phàm ở ngoài vương pháp thì là theo một luân lý khác, trật tự khác mà cách nhìn từ phía vương quyền thì là loại trật tự vô pháp vô thiên. Nhưng không, dưới bề ngoài đạo tặc vô pháp lại là những chuyện tranh giành quyền lực rất tinh vi. Ở đây nên thấy Thủy Hử là một loại hình chiếu ảnh của cơ cấu Trung Nguyên - như mặt phải với mặt trái. Tuy hai mà một, tuy rất xa mà rất gần. Chính Kim Thánh Thán chỉ ra ý này nhưng lại không nhận ra mô tuýp cung đấu, quan trường của Thủy Hử mới là sợi dây chính của tiểu thuyết. Bề ngoài, truyện Thủy Hử là truyện ở rất xa địa giới vương pháp. Bề sâu, chính là cái bóng của cung đấu rọi xuống đấy thôi. Tô Như tử trỏ ra rằng ngay phần Tiết tử của Thủy hử truyện đã dùng bài thơ "Họa Giả xá nhân Tảo triều Đại Minh cung" của Vương Duy đời Đường, dẫn vào cảnh lên triều sớm đầu truyện, để ám chỉ câu truyện này lấy cung đấu Đại Minh làm bối cảnh, chủ đề sâu xa ẩn giấu.

- Theo Tô Như dẫn trong sách mà không chỉ rõ nguồn (*), Thi Nại Am thân với bộ tướng của Trương Sĩ Thành, sau theo làm quân sư cho Trần Hữu Lượng cho đến khi Lượng giết chủ tướng Từ Thọ Huy xưng vương mới thất vọng bỏ đi. Theo nguồn khác thì thậm chí Thi Nại Am đỗ đạt và từng làm quan trong triều Nguyên. Vậy có thể đặt sự quan tâm vào việc tâm chí, thái độ của Thi Nại Am về TRUNG NGHĨA trong cuộc đời ông? Ông từng trung với nhà Nguyên rồi bỏ đi. Ông đi tìm minh chủ đề thờ nhưng không đặt được lòng trung vào bất cứ ông vua nào từ Trương Sĩ Thành, Trần Hữu Lượng hay Chu Nguyên Chương. Thủy hử truyện mở đầu đến cuối đều có ý Trung Nghĩa là một ý tứ rất hay để tìm tòi thêm. Nhưng Tô Như tử chỉ thấy mới bàn Trung Nghĩa Đường là ám chỉ Trung Nghĩa Sảnh của triều đình mà thôi.

- Ngay từ khởi đầu, Kim Thánh Thán cũng đặt ra câu hỏi về mục đích nghệ thuật chủ yếu của Thi Nại Am khi viết Thủy Hử. Ông cũng dùng cái ý "Thủy Hử, tức là ghét bỏ một cách quá quẫn và không cho là cùng ở với Trung Quốc vậy". Ghét là ghét chung cả bọn Thủy Hử, nhưng chỉ nói chí của Thi Nại Am đến chỗ thấy bọn Thủy Hử sao mà sống sót được nổi với búa rìu triều nhà Tống mà "lấy thế làm lo, trong ý hình như cho là 108 người đó, tuy tránh được cái họa chém giết lúc sinh thời, nhưng cũng không thể nào tránh được cái tội phóng trục sau khi đã chết."(1). Ông cố tìm cách biện minh cho thể loại và chủ đề của truyện bằng cái lý phân biệt giữa hình tích và thần lý, cố đi tìm cái thần lý của tác phẩm mà ở đó nó phù hợp với đạo lý Nho gia cũng như tài hoa của văn chương Thi Nại Am. Như vậy Kim vẫn trong khuôn khổ truyền thống nhận rằng Thi Nại Am biên soạn cấu tứ lại các truyện giang hồ dân gian mà ra 108 nhân vật sinh động đặc sắc. Tô Như cho rằng, việc lựa chọn và xây dựng lớp lang 108 nhân vật là các thành phần chặt chẽ phục vụ tết dệt bức tranh chung một tiểu triều đình mà trong đó ẩn chứa các ám chỉ lịch sử cụ thể, qua đó minh định lập trường "mắng Chu Nguyên Chương và để chửi nhà Minh". Tôi cho rằng có thể mở rộng logic của Tô Như đến chỗ Thủy hử truyện không chỉ là thái độ của Thi Nại Am về Minh triều mà còn là tâm sự chán ghét chính trị cung đình nói chung; không hẳn vì cảm tình với Trần Hữu Lượng mà ghét Chu Nguyên Chương như Tô Như nhận định.

Câu hỏi lớn của Thi Nại Am chính là câu hỏi về Trung Nghĩa với ai. Cả Thủy hử truyện là thách đố lớn về thiên mệnh, cụ thể hơn là về mệnh và nghĩa. Thoạt nhìn thì là chủ đề chung "quan bức dân phản", "hoàng thượng bị gian thần che lấp" và tuy làm thảo khấu nhưng lòng vẫn còn trung nghĩa. Như ngay từ Kim Thánh Thán đã chỉ ra, truyện nào có đơn giản như thế. Phần lớn câu chuyện, nhân vật cũng không phải như thế. Câu hỏi lớn nhất với bất cứ ai dù ở trình độ nào khi đọc Thủy hử truyện luôn là cái thắc mắc sao không phải làm điều thiện thì được phúc, làm điều ác thì gặp họa? Truyện đầy rẫy cái ngẫu nhiên của cái tao mạng-kẻ ác sống lâu. Mạng người vô tội thì như cỏ rác. Chính vì không nhận ra được lẽ nhất quán sâu xa nên suốt 500 năm của Thủy hử truyện luôn tồn tại sự tranh cãi về giá trị giáo dục, giá trị phản kháng thực sự của tác phẩm - nó không thuyết phục. Vậy mới có câu răn "già không đọc Tam quốc, trẻ chẳng xem Thủy hử" - đều là ngừa mầm loạn cả.

-----
(1): Nếu đã có ý này không tránh khỏi phải xem xét khung tư tưởng của Kim Thánh Thán và thời đại của ông về mệnh/mạng, thiên mệnh. (Lược ghi theo Đại cương triết học Trung Quốc, Giản Chi&Nguyễn Hiến Lê, q2).
Trước Hán nho phân biệt thọ mạng, tùy mạng và tao mạng: người ta sinh ra, thọ yểu đã định, nên gọi thọ mạng; nếu làm việc thiện thì trời cho sống lâu, sung sướng, ngược lại thì chết yểu, khổ sở, như vậy là tùy mạng; còn như gặp thời tao loạn mà bị nạn, chết yểu, khổ sở thì là tao mạng.
Qua đời Tống, Trương Hoành Cừ phân biệt mạng và ngộ rồi hợp nhất nghĩa và mạng. Ông cho việc ngẫu nhiên xảy ra thì gọi là ngộ, cái lẽ tự nhiên thì gọi là mạng, còn cái lẽ đương nhiên thì gọi là nghĩa. Làm điều thiện thì được phúc, làm điều ác thì gặp họa; làm điều ác mà gặp phúc là điều ngẫu nhiên, là ngộ chứ không phải là mạng. (ngộ của ông giống tao mạng của Hán nho).
Sau Trình Minh Đạo trở lại ý của Khổng tử không bàn tới ngộ, cho nghĩa là chính, mạng là phụ, cứ tận lực hành đạo nếu không thành mới có thể nói là tại mạng được. Trình Y Xuyên nói "hiền giả chỉ nói đến nghĩa mà thôi, trong nghĩa có mạng rồi (...) cứ theo đạo mà cầu, dùng nghĩa mà được, bất tất phải nói tới mạng.". "Người ta gặp hoàn cảnh hoạn nạn, mà chỉ có một lối xử trí, là tận nhân lực rồi cứ vui vẻ mà nhận cảnh ngộ. Có kẻ gặp một việc chẳng may, thì lòng đau đớn không thể quên được, như vậy ích gì?". Tống nho phân biệt rõ ràng cho công lợi là nghĩa, tư lợi là lợi.
Triết gia Vương Phu Chi sống cùng thời với Kim Thánh Thán cũng chủ trương giống Vương Tâm Trai tuy tin có mạng nhưng lại cho rằng chỉ hạng thường nhân mới bị số mạng chi phối còn hàng thánh nhân tạo được mạng. Ông nói rõ thêm rằng bậc anh tuấn có thể tạo mạng cho thiên hạ chứ không tạo được mạng cho mình.
-----

- Khi bàn về phép đọc sách, họ Kim có phần hơi tự mâu thuẫn khi xem tâm địa người viết Thủy Hử lại nói "Nhưng Thủy Hử thì lại không thế (không uất hận như Sử ký), Thi Nại Am nguyên không có bụng oán giận mà phát huy ra, chẳng qua chỉ no ấm không việc, gặp lúc trong lòng rỗi rãi, ừ thì vuốt giấy cầm bút, tìm một đề mục tả ra, bao nhiêu tú khẩu cẩm tâm của mình...". Chính vì thế nên Kim Thánh Thán xem nhẹ các chi tiết tượng số, diễn tiến "thành-trụ-hoại-không" của tiểu triều đình nơi bến nước. Nên chỉ còn tán về văn, về nhân vật này nhân vật nọ, phân chia xếp loại thứ...nhưng không có một cấu trúc ổn định lớn thật chặt chẽ. Mới thành ra cần san định, bỏ cái này, thêm cái kia...cho hợp ý mình, theo kiểu đẽo chân cho vừa giày. Thật đáng tiếc!

Trái lại Tô Như có lý khi chỉ ra rằng sách là bức tranh một tiểu triều đình nơi bến nước mà ở đó 108 nhân vật là những bộ phận thiết yếu cấu trúc lên bức tranh này, không ai là thừa thãi cả.

- Giang hồ giảng nghĩa khí, lấy nghĩa khí làm trọng. Triều đình giảng trung nghĩa. Cả hai đều có một chữ "Nghĩa" nhưng hàm ý thì khác nhau đến thế nào? Cái nghĩa khí của giang hồ nằm ở nghĩa hẹp của nó là "làm theo sự đòi hỏi của tình thế", mà chủ yếu là cái tình thế biến báo gắn với tư lợi của nhân vật thảo khấu. Nghĩa của Nho gia là ở chỗ tận nhân lực tri thiên mệnh; là cái thái độ vui nhận cảnh ngộ, tận tâm cầu đạo, không màng lợi hại bản thân.

- Thi Nại Am gom nhặt truyện trong dân gian biên soạn tu chỉnh thành kỳ thư. Vậy độc giả trung tâm của Thi Nại Am hẳn là giới sĩ phu nho lâm. Nhưng Thủy hử truyện lại lưu truyền mạnh mẽ trong đại chúng vì tính đa nghĩa và đặc điểm văn chương của nó. Gắn với một lịch sử cụ thể của các giai đoạn phát triển của tầng lớp thị dân, tâm lí thị dân từ Minh, Thanh đến cận đại. Nó người hơn, gần gũi bạch thoại hơn. Nhưng ngoài ra phải tính đến thời điểm lịch sử của tác phẩm trong bối cảnh giao thời thay triều đổi đại, nên mỗi pha thay đổi như từ Minh sang Thanh, từ Thanh sang hiện đại, đều lại chiếm vị trí trung tâm chú ý, bàn luận, giảng thuyết của các diễn ngôn chủ lưu.
--------
(*): các tác giả mới ngày nay có điều kiện học thức, tư liệu và môi trường giao lưu hơn hẳn ngày xưa. Ra được rất nhiều sách hay, góc nhìn mới mẻ, sắc nét, bóc vị nhiều lỗi mù mờ của thế hệ trước. Tuy nhiên tôi thấy rất tiếc khi họ thường không theo phép biên khảo cũ, chịu khó nói rõ các nguồn tư liệu, lịch sử biên khảo của chủ đề qua các tác giả, tác phẩm khác trên thế giới, so sánh, đối chiếu cũ mới...để làm rõ luận điểm nghiên cứu của mình. Ví dụ đọc xong Mật ngữ Thủy hử, tôi luôn muốn biết đại thể về truyền thống giải mật, lý luận của nó nói chung và đối với riêng Thủy hử truyện nói chung. Tuy nói là ghi chép, nhưng đã thấy lấp ló cái tung tích thì nên lôi phéng nó ra mới phải. Nên đọc thấy hay mà cũng vẫn tiêng tiếc.