Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2020

Ghi chép nhân đọc Mật ngữ Thủy Hử

- Thủy Hử và Trung Nguyên là cặp đối lập. Thủy Hử là cái bến nước, theo nghĩa đen là địa thế của Lương Sơn Bạc. Nhưng theo tính biểu trưng của tâm tính Trung Nguyên, nơi rìa xa nhất của đất liền cũng là nơi biên lề của vương pháp. Phàm ở ngoài vương pháp thì là theo một luân lý khác, trật tự khác mà cách nhìn từ phía vương quyền thì là loại trật tự vô pháp vô thiên. Nhưng không, dưới bề ngoài đạo tặc vô pháp lại là những chuyện tranh giành quyền lực rất tinh vi. Ở đây nên thấy Thủy Hử là một loại hình chiếu ảnh của cơ cấu Trung Nguyên - như mặt phải với mặt trái. Tuy hai mà một, tuy rất xa mà rất gần. Chính Kim Thánh Thán chỉ ra ý này nhưng lại không nhận ra mô tuýp cung đấu, quan trường của Thủy Hử mới là sợi dây chính của tiểu thuyết. Bề ngoài, truyện Thủy Hử là truyện ở rất xa địa giới vương pháp. Bề sâu, chính là cái bóng của cung đấu rọi xuống đấy thôi. Tô Như tử trỏ ra rằng ngay phần Tiết tử của Thủy hử truyện đã dùng bài thơ "Họa Giả xá nhân Tảo triều Đại Minh cung" của Vương Duy đời Đường, dẫn vào cảnh lên triều sớm đầu truyện, để ám chỉ câu truyện này lấy cung đấu Đại Minh làm bối cảnh, chủ đề sâu xa ẩn giấu.

- Theo Tô Như dẫn trong sách mà không chỉ rõ nguồn (*), Thi Nại Am thân với bộ tướng của Trương Sĩ Thành, sau theo làm quân sư cho Trần Hữu Lượng cho đến khi Lượng giết chủ tướng Từ Thọ Huy xưng vương mới thất vọng bỏ đi. Theo nguồn khác thì thậm chí Thi Nại Am đỗ đạt và từng làm quan trong triều Nguyên. Vậy có thể đặt sự quan tâm vào việc tâm chí, thái độ của Thi Nại Am về TRUNG NGHĨA trong cuộc đời ông? Ông từng trung với nhà Nguyên rồi bỏ đi. Ông đi tìm minh chủ đề thờ nhưng không đặt được lòng trung vào bất cứ ông vua nào từ Trương Sĩ Thành, Trần Hữu Lượng hay Chu Nguyên Chương. Thủy hử truyện mở đầu đến cuối đều có ý Trung Nghĩa là một ý tứ rất hay để tìm tòi thêm. Nhưng Tô Như tử chỉ thấy mới bàn Trung Nghĩa Đường là ám chỉ Trung Nghĩa Sảnh của triều đình mà thôi.

- Ngay từ khởi đầu, Kim Thánh Thán cũng đặt ra câu hỏi về mục đích nghệ thuật chủ yếu của Thi Nại Am khi viết Thủy Hử. Ông cũng dùng cái ý "Thủy Hử, tức là ghét bỏ một cách quá quẫn và không cho là cùng ở với Trung Quốc vậy". Ghét là ghét chung cả bọn Thủy Hử, nhưng chỉ nói chí của Thi Nại Am đến chỗ thấy bọn Thủy Hử sao mà sống sót được nổi với búa rìu triều nhà Tống mà "lấy thế làm lo, trong ý hình như cho là 108 người đó, tuy tránh được cái họa chém giết lúc sinh thời, nhưng cũng không thể nào tránh được cái tội phóng trục sau khi đã chết."(1). Ông cố tìm cách biện minh cho thể loại và chủ đề của truyện bằng cái lý phân biệt giữa hình tích và thần lý, cố đi tìm cái thần lý của tác phẩm mà ở đó nó phù hợp với đạo lý Nho gia cũng như tài hoa của văn chương Thi Nại Am. Như vậy Kim vẫn trong khuôn khổ truyền thống nhận rằng Thi Nại Am biên soạn cấu tứ lại các truyện giang hồ dân gian mà ra 108 nhân vật sinh động đặc sắc. Tô Như cho rằng, việc lựa chọn và xây dựng lớp lang 108 nhân vật là các thành phần chặt chẽ phục vụ tết dệt bức tranh chung một tiểu triều đình mà trong đó ẩn chứa các ám chỉ lịch sử cụ thể, qua đó minh định lập trường "mắng Chu Nguyên Chương và để chửi nhà Minh". Tôi cho rằng có thể mở rộng logic của Tô Như đến chỗ Thủy hử truyện không chỉ là thái độ của Thi Nại Am về Minh triều mà còn là tâm sự chán ghét chính trị cung đình nói chung; không hẳn vì cảm tình với Trần Hữu Lượng mà ghét Chu Nguyên Chương như Tô Như nhận định.

Câu hỏi lớn của Thi Nại Am chính là câu hỏi về Trung Nghĩa với ai. Cả Thủy hử truyện là thách đố lớn về thiên mệnh, cụ thể hơn là về mệnh và nghĩa. Thoạt nhìn thì là chủ đề chung "quan bức dân phản", "hoàng thượng bị gian thần che lấp" và tuy làm thảo khấu nhưng lòng vẫn còn trung nghĩa. Như ngay từ Kim Thánh Thán đã chỉ ra, truyện nào có đơn giản như thế. Phần lớn câu chuyện, nhân vật cũng không phải như thế. Câu hỏi lớn nhất với bất cứ ai dù ở trình độ nào khi đọc Thủy hử truyện luôn là cái thắc mắc sao không phải làm điều thiện thì được phúc, làm điều ác thì gặp họa? Truyện đầy rẫy cái ngẫu nhiên của cái tao mạng-kẻ ác sống lâu. Mạng người vô tội thì như cỏ rác. Chính vì không nhận ra được lẽ nhất quán sâu xa nên suốt 500 năm của Thủy hử truyện luôn tồn tại sự tranh cãi về giá trị giáo dục, giá trị phản kháng thực sự của tác phẩm - nó không thuyết phục. Vậy mới có câu răn "già không đọc Tam quốc, trẻ chẳng xem Thủy hử" - đều là ngừa mầm loạn cả.

-----
(1): Nếu đã có ý này không tránh khỏi phải xem xét khung tư tưởng của Kim Thánh Thán và thời đại của ông về mệnh/mạng, thiên mệnh. (Lược ghi theo Đại cương triết học Trung Quốc, Giản Chi&Nguyễn Hiến Lê, q2).
Trước Hán nho phân biệt thọ mạng, tùy mạng và tao mạng: người ta sinh ra, thọ yểu đã định, nên gọi thọ mạng; nếu làm việc thiện thì trời cho sống lâu, sung sướng, ngược lại thì chết yểu, khổ sở, như vậy là tùy mạng; còn như gặp thời tao loạn mà bị nạn, chết yểu, khổ sở thì là tao mạng.
Qua đời Tống, Trương Hoành Cừ phân biệt mạng và ngộ rồi hợp nhất nghĩa và mạng. Ông cho việc ngẫu nhiên xảy ra thì gọi là ngộ, cái lẽ tự nhiên thì gọi là mạng, còn cái lẽ đương nhiên thì gọi là nghĩa. Làm điều thiện thì được phúc, làm điều ác thì gặp họa; làm điều ác mà gặp phúc là điều ngẫu nhiên, là ngộ chứ không phải là mạng. (ngộ của ông giống tao mạng của Hán nho).
Sau Trình Minh Đạo trở lại ý của Khổng tử không bàn tới ngộ, cho nghĩa là chính, mạng là phụ, cứ tận lực hành đạo nếu không thành mới có thể nói là tại mạng được. Trình Y Xuyên nói "hiền giả chỉ nói đến nghĩa mà thôi, trong nghĩa có mạng rồi (...) cứ theo đạo mà cầu, dùng nghĩa mà được, bất tất phải nói tới mạng.". "Người ta gặp hoàn cảnh hoạn nạn, mà chỉ có một lối xử trí, là tận nhân lực rồi cứ vui vẻ mà nhận cảnh ngộ. Có kẻ gặp một việc chẳng may, thì lòng đau đớn không thể quên được, như vậy ích gì?". Tống nho phân biệt rõ ràng cho công lợi là nghĩa, tư lợi là lợi.
Triết gia Vương Phu Chi sống cùng thời với Kim Thánh Thán cũng chủ trương giống Vương Tâm Trai tuy tin có mạng nhưng lại cho rằng chỉ hạng thường nhân mới bị số mạng chi phối còn hàng thánh nhân tạo được mạng. Ông nói rõ thêm rằng bậc anh tuấn có thể tạo mạng cho thiên hạ chứ không tạo được mạng cho mình.
-----

- Khi bàn về phép đọc sách, họ Kim có phần hơi tự mâu thuẫn khi xem tâm địa người viết Thủy Hử lại nói "Nhưng Thủy Hử thì lại không thế (không uất hận như Sử ký), Thi Nại Am nguyên không có bụng oán giận mà phát huy ra, chẳng qua chỉ no ấm không việc, gặp lúc trong lòng rỗi rãi, ừ thì vuốt giấy cầm bút, tìm một đề mục tả ra, bao nhiêu tú khẩu cẩm tâm của mình...". Chính vì thế nên Kim Thánh Thán xem nhẹ các chi tiết tượng số, diễn tiến "thành-trụ-hoại-không" của tiểu triều đình nơi bến nước. Nên chỉ còn tán về văn, về nhân vật này nhân vật nọ, phân chia xếp loại thứ...nhưng không có một cấu trúc ổn định lớn thật chặt chẽ. Mới thành ra cần san định, bỏ cái này, thêm cái kia...cho hợp ý mình, theo kiểu đẽo chân cho vừa giày. Thật đáng tiếc!

Trái lại Tô Như có lý khi chỉ ra rằng sách là bức tranh một tiểu triều đình nơi bến nước mà ở đó 108 nhân vật là những bộ phận thiết yếu cấu trúc lên bức tranh này, không ai là thừa thãi cả.

- Giang hồ giảng nghĩa khí, lấy nghĩa khí làm trọng. Triều đình giảng trung nghĩa. Cả hai đều có một chữ "Nghĩa" nhưng hàm ý thì khác nhau đến thế nào? Cái nghĩa khí của giang hồ nằm ở nghĩa hẹp của nó là "làm theo sự đòi hỏi của tình thế", mà chủ yếu là cái tình thế biến báo gắn với tư lợi của nhân vật thảo khấu. Nghĩa của Nho gia là ở chỗ tận nhân lực tri thiên mệnh; là cái thái độ vui nhận cảnh ngộ, tận tâm cầu đạo, không màng lợi hại bản thân.

- Thi Nại Am gom nhặt truyện trong dân gian biên soạn tu chỉnh thành kỳ thư. Vậy độc giả trung tâm của Thi Nại Am hẳn là giới sĩ phu nho lâm. Nhưng Thủy hử truyện lại lưu truyền mạnh mẽ trong đại chúng vì tính đa nghĩa và đặc điểm văn chương của nó. Gắn với một lịch sử cụ thể của các giai đoạn phát triển của tầng lớp thị dân, tâm lí thị dân từ Minh, Thanh đến cận đại. Nó người hơn, gần gũi bạch thoại hơn. Nhưng ngoài ra phải tính đến thời điểm lịch sử của tác phẩm trong bối cảnh giao thời thay triều đổi đại, nên mỗi pha thay đổi như từ Minh sang Thanh, từ Thanh sang hiện đại, đều lại chiếm vị trí trung tâm chú ý, bàn luận, giảng thuyết của các diễn ngôn chủ lưu.
--------
(*): các tác giả mới ngày nay có điều kiện học thức, tư liệu và môi trường giao lưu hơn hẳn ngày xưa. Ra được rất nhiều sách hay, góc nhìn mới mẻ, sắc nét, bóc vị nhiều lỗi mù mờ của thế hệ trước. Tuy nhiên tôi thấy rất tiếc khi họ thường không theo phép biên khảo cũ, chịu khó nói rõ các nguồn tư liệu, lịch sử biên khảo của chủ đề qua các tác giả, tác phẩm khác trên thế giới, so sánh, đối chiếu cũ mới...để làm rõ luận điểm nghiên cứu của mình. Ví dụ đọc xong Mật ngữ Thủy hử, tôi luôn muốn biết đại thể về truyền thống giải mật, lý luận của nó nói chung và đối với riêng Thủy hử truyện nói chung. Tuy nói là ghi chép, nhưng đã thấy lấp ló cái tung tích thì nên lôi phéng nó ra mới phải. Nên đọc thấy hay mà cũng vẫn tiêng tiếc.

Không có nhận xét nào: