Thứ Ba, 10 tháng 12, 2019

Về chợ (1)

- Theo tìm hiểu tại địa phương, chợ Hàng Tếch có lịch sử lâu đời. Tại khu vực gần chợ trước đây có một (01) công trình tâm linh - không xác định rõ được loại hình. Công trình này có thể nằm tại khu vực lòng đường trước chợ và cơ quan cs phòng cháy - khi làm đường đã mất dấu tích. Xem đoạn phim tư liệu lịch sử "Tỉnh lỵ Sơn La 1950" có thấy thấp thoáng nét mái đao của công trình cổ.


- Về mặt văn hóa, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra đời sống tâm linh ở chợ có lịch sử lâu đời với nhiều hình thức phong phú. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến trong cuốn biên khảo "Sống đời của chợ" NXB Hội Nhà Văn, 2017 - thuộc chương trình dự án Hiểu Việt Nam, Phần II, Chợ trong cấu trúc chức năng làng; Mục 7 - Chợ - Ma thuật thương mại của người dân quê, thì:

+ Đầu tiên là tục thờ thần chủ đất của chợ (Thổ Địa/Công, Thổ Kỳ);

+ Rõ nét hơn, vị thần được thờ ở chợ như thần bảo hộ chợ búa và hoạt động buôn bán đó chính là các nhân thần. Lớp tín ngưỡng này muộn hơn. Thông thường đấy là nhân vật lịch sử có công lập chợ cho dân bán buôn, nhà nước ghi công, hay dân nhớ tới ơn mà thờ ngài như thần bảo hộ.

+ Trong sự phát triển (nhất là sau thế kỷ XIV), chợ liên kết với các không gian thiêng liêng của làng để tạo thành các tổ hợp chợ-chùa; chợ-đình; hay chợ-đền. Ngược lại, đình và nhất là chùa lại nhờ sự tháp đôi với chợ mà có tiềm lực kinh tế để hoạt động tồn tại theo thời gian.


- Lịch sử phát triển hình thức Tổ hợp Chợ-Chùa: ra đời từ nhu cầu ghép đôi lợi ích của làng và của đạo Phật. Chùa duy trì được sự tự trị kinh tế và Chợ dựa vào chùa để hoạt động mua bán dễ dàng hơn, tránh sưu thuế và sự ức hiếp của kẻ có quyền lực muốn thâu tóm chợ.


Theo Đỗ Thị Bích Tuyển có tới 50 thác bản văn bia về chợ chùa hay còn gọi "Tam Bảo thị bi'' hoặc ''Tự thị bi ký'' còn lại đến nay chủ yếu được Trường Viễn Đông Bác Cổ sư tầm trước năm 1954.


Theo Trịnh Khắc Mạnh và cộng sự cho biết trong khoảng 100 thác bản văn bia ghi chép về chợ truyền thống lưu ở kho tư liệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì chủ yếu có hai loại hình chợ chính là: 1/Chợ do chính quyền địa phương quản lý để thu lợi phục vụ địa phương và 2/ chợ do nhà chùa quản lý để thu lợi phục vụ nhà chùa (chợ Tam Bảo).


- Xuất phát từ nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân địa phương tại khu vực chợ Hàng Tếch; phù hợp với truyền thống văn hóa lịch sử sẵn có; việc xây dựng điểm tâm linh tại khu vực chợ Hàng Tếch là cần thiết. Tuy nhiên cần lưu ý đảm bảo các yêu cầu sau: 1/ giữ quy mô chợ Hàng Tếch không bị thay đổi quá nhiều ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh của chợ (quan điểm tư vấn giữ tối thiểu 80% quy mô cũ) - cũng là nét đặc trưng của chợ; và 2/ đảm bảo quy mô công trình tâm linh nhỏ vừa phải, có thể kết hợp thờ Thổ Kỳ với thờ Phật và như vậy có thể giao cho Hội Phật giáo tỉnh quản lý về mặt tâm linh. Không gian của 02 chức năng có thể giao thoa với nhau.

Không có nhận xét nào: