Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

Karl Jasper, Triết học nhập môn

50. Triết lí không đem lại một kết quả hiển nhiên hay kiến thức chính xác nào. Không bao giờ thiết lập được một số kiến thức chính xác khách quan trong triết lí, vì khi đó đã thuộc lĩnh vực của khoa học.

51. Khoa học chỉ liên hệ đến những đối tượng đặc thù. Triết lí liên hệ toàn diện đến sự hữu là những gì liên hệ đến con người vì là con người.

51. Những đặc điểm thông thường của triết lí:

- Ai cũng cảm thấy mình có đủ khả năng suy tư.

- Ở thời nào, bất cứ suy tư bào đều bắt đầu từ tự ngã và ai cũng phải dấn thân vào đấy.

- Nền triết lí từ nguyên ủy còn xuất hiện nơi những bệnh nhân tinh thần.

- Là người, không ai bỏ qua triết lí được.

56. Triết lí là truy tầm chân lý chứ không phải chiếm đoạt chân lý. Triết lí là một cuộc hành trình nên tra vấn thắc mắc thường quan trọng hơn giải đáp.

56. Toại nguyện là khi trong trần thế này con người thấy thực hiện được ý nghĩa của một con người đã nhận được ánh sáng sự Hữu soi cho.

56. Triết lí chỉ là triết lí bằng thực hiện. Triết lí là cái gì có thể qua kinh nghiệm mới hiểu được.

 

(Karl Jasper, Triết học nhập môn. Lê Tôn Nghiêm dịch, NXB Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2004)


Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

Hạnh ngộ

20.10.2018

Nhờ tám năm được quen biết bác nên tuổi trẻ của tôi đã thật may mắn và giàu có. Đấy là một hạnh ngộ. Lại một vòng tám năm nữa đã qua từ ngày bác vắng mặt. Những ký ức sẽ ngày một mơ hồ, nhạt vị nhân gian. Tâm trí trưởng thành hơn là khi nhận ra nỗi tiếc nuối cũng đã trưởng thành trong vẻ thong dong trên từng nhịp bước tiếp nối của nhân sinh. Theo cách đó, bác vẫn hiện hữu sinh động.


Thứ Tư, 21 tháng 9, 2022

Danh mục này không hòa hợp lắm

 Giả sử cần ngồi nói chuyện với con mình ở lứa tuổi bước vào đại học về bài nói chuyện của 3H thì tôi sẽ phác thảo ra những ý như thế này:

 

1- Đây là 1 thông điệp truyền thông của bản thân diễn giả nhưng cũng truyền tải chủ đề truyền thông của ĐH Fulbright đặt hàng: "Phá vỡ những khuôn mẫu và kiến tạo thế giới theo cách của bạn". Cấu trúc xây dựng là đăng lại trên fb cá nhân bài nói chuyện ở ĐH. Tức là kể lại cho bất kì ai có thể muốn đọc. Vậy ít nhất chúng ta cần xem xét cả 2 tương quan: nói với tân sinh viên và kể với chúng ta - người đọc phiếm chỉ.

- Đại học mời diễn giả cũng đồng nghĩa với thừa nhận thẩm quyền là nhân vật ít nhiều đã "phá vỡ những khuôn mẫu và kiến tạo thế giới theo cách riêng". Về điều này, bằng quan sát riêng của tôi thì ít nhiều 3H có những việc đã làm được theo tiêu chí này.

- Quan điểm diễn giả không nhất thiết đồng nhất với quan điểm ĐH. Thông điệp của ĐH nằm ngay ở mục tiêu tổ chức sự kiện theo chủ đề và sẽ là củng cố cho thông điệp Fulbright là đại học theo đuổi giáo dục khai phóng (đầu tiên ở VN). Sinh viên đi "học cách để học" (website trường). Ở Đh thực hành giáo dục khai phóng, sinh viên có 1 năm để học những tri thức chung rồi mới chọn chuyên ngành. Qua tìm hiểu, phần lớn các nội dung truyền thông của nhà trường là về giáo dục khai phóng của nhà trường trong tương quan với mối bận tâm về chuyên môn và công việc trong tương lai của sinh viên và gia đình họ. Để tuyển sinh và phát triển tốt, ĐH Fulbright cần xây dựng càng nhiều luận chứng về con đường thành công của những cá nhân thực hành giáo dục khai phóng, là sản phẩm của giáo dục khai phóng.

- Diễn giả 3H chính là một minh chứng cho quan điểm khả năng tự học mới quyết định con đường sự nghiệp và có dấu ấn cá nhân rõ ràng. (Học kiến trúc rẽ sang làm báo rồi truyền thông rồi các dự án xã hội...). Diễn giả lựa chọn nói về những suy nghĩ của bản thân với câu hỏi "điều gì là quan trọng nhất mình học được trong đời?". Đó là "(...) tri thức thực sự chỉ hình thành thông qua quá trình chiêm nghiệm, trải nghiệm, hấp thụ, tự phản biện, tự luận.". Tri thức như vậy, theo diễn giả, là tri thức nguyên bản. Nó có 2 đặc điểm: bền vững - hợp nhất với tâm hồn, suy nghĩ của người có nó, là căn tính độc đáo của riêng họ; và là di sản của bạn để lại cho thế giới (vì nó có giá trị và do bạn tự nhận thức và đưa ra - tức là bạn thêm vào 1 chút tốt đẹp cho thế giới). Đâu đó ở đây chúng ta thấy ý ngầm trỏ rằng chính sự tự học (của diễn giả) đã giúp diễn giả thoát khỏi khuôn sáo của tri thức, có đươc cá tính nhất quán và độc đáo của mình trong sự hợp nhất với các hành động trong cuộc sống (tất nhiên là vì điều tốt đẹp hơn).

2- Kỹ thuật được sử dụng trong truyền thông:

- Cần tách thành 02 lớp phân tích: kĩ thuật trực tiếp sử dụng khi nói với sinh viên và kĩ thuật truyền thông lại cuộc nói chuyện này trên fb.

- Trong tương quan nói chuyện với sinh viên: đầu tiên là một nghịch lí của tri thức luận để gây chú ý (nói về kinh nghiệm chống kinh nghiệm chủ nghĩa). Nghịch lí này tồn tại trong hiện thực và thách đố người nghe việc giải quyết được nó về nhận thức luận cá nhân của mình. (Sau này chúng ta sẽ biết là diễn giả đề xuất dùng trải nghiệm tự thân, phản biện, tự luận...để tự tìm ra cơ sở xác lập tính chính đáng cho diễn ngôn này của diễn giả: Nếu anh chấp nhận mà không xử lí nó, nó là nghịch lí với anh và gây cảm giác khó chịu đấy. Nếu anh đưa được trải nghiệm từ hiện sinh của anh vào trong quá trình xử lí đưa ra cái tin cái biết thậm thâm của anh thì anh sẽ đi qua được nghịch lí này và do đó bài nói chuyện thành có ý nghĩa.). 

Tiếp theo là giọng kể chuyện tuổi trẻ, trải nghiệm cá nhân, quá trình nhận ra sự khác biệt giữa thực sự thấy biết hiểu với việc hiểu trên bề mặt là như thế nào. Chủ đề là chuyện quen thuộc của tuổi trẻ: hoàn cảnh, công việc, sự học hỏi mò mẫm, tình yêu tình bạn...Nhưng quá trình tăng trưởng nhận thức được cảnh báo không đồng nhất với các thành công cụ thể trong cuộc sống như công việc, tiền bạc. Tri thức chân chính, "nguyên bản" chỉ đảm bảo cho bạn đường hướng trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình và nhờ đó đảm bảo sự bền vững trong sự nghiệp của bạn. (kiểu "to be not to have"). Những ví dụ ở đoạn này dùng hình ảnh điển hình của các giai tầng xã hội trong 1 số tình huống thời sự (xe xịn, học vị, tiếng Anh, lạm phát, kiến trúc...) là những thứ bạn trẻ liên hệ ngay được.

Xâu chuỗi song song mạch nói chuyện là kinh Phật (truyền thống không cũ kĩ như bạn nghĩ) và tình yêu của tuổi trẻ. Nó hơi khó hiểu nhưng nhắc lại như 1 điệu rap. Làm người nghe vừa quen vừa hồ nghi, bâng khuâng bởi ý nghĩa nhưng ru đều vào nhịp điệu câu văn. Phải nói là ở đây giọng kể khá thích hợp với đối tượng nghe là người trẻ tuổi.

- Trong tương quan với người xem fb: Ảnh minh họa nhìn nghiêng, chúng ta (độc giả) buộc phải chấp nhận là người bên lề. Quan tâm thì chắt lọc chứ đối thoại này không quy chiếu vào chúng ta. Chúng ta có 02 lựa chọn liên hệ: đặt mình vào vị trí có thẩm quyền diễn thuyết để xem xét giá trị của lập luận - nó đã tương đối tự hạn chế phạm vi lại trong khuôn khổ nói chuyện với bạn trẻ - để khơi gợi dẫn dắt sự suy tư hơn là 1 tuyên bố đầy đủ; hoặc đặt mình vào vị trí sinh viên để tìm kiếm sự đồng cảm với điều gì đó vương vất trong tâm trí mình khi liên hệ đến chủ đề và cảnh ngộ.

3- Sự tiếp nhận thông điệp từ những người khác nhau:

- Xét từ góc độ học thuật về tri thức luận, nó không mới, khái niệm, luận cứ, luận chứng không đều thậm chí yếu hay sai. Những người có căn bản sẽ phản ứng rất mạnh về cách xây dựng này dù nó không nằm trên mạch chính của lập luận.

- Xét từ vị thế phát ngôn: dễ gây cảm giác chán ghét nếu không chú ý đủ kĩ đến cách tiếp cận "giáo dục khai phóng" và mục tiêu truyền thông của Fulbright.

- Nếu từ cách tiếp cận của người có mối bận tâm về sự hoàn thiện mình, tri hành hợp nhất, ưu tư với tuổi trẻ: ít nhiều có sự đồng cảm. Đồng cảm ngay cả trong sự khiếm khuyết nhưng thành thực của diễn ngôn.

4- Giá trị và vấn đề lựa chọn hệ giá trị:

- Đề cao thân chứng thực học nhưng lại tư biện và không lao động đủ nhiều trên lĩnh vực này. Vấn đề này, lĩnh vực này, ít nhất từ những gì mà diễn giả trích dẫn, cần phải suy tư cùng với các tư tưởng thành hệ thống . Học và tự học không thể qua vài tam đoạn luận đơn giản như vậy được. Tu dưỡng, tri hành hợp nhất chứ không thể quy giản về tư biện. Cũng như tri thức chỉ vừa vặn đẹp đẽ hài hòa trong tình huống cụ thể của cá nhân người thực hành chứ khó lòng lửng lơ giữa không khí như vậy.

- Phật Thích Ca, Nietzsche, Chomsky, Philip Kotler, David Ogilvy bị lôi vào nhưng không được phát biểu. Danh mục này không hòa hợp lắm. Nó bị lỏng, dễ gây liên tưởng đến thái độ qua loa, lớt phớt.

5- Vậy hãy quay lại mục đích của thông điệp:

- Mở đầu nó giải cấu trúc thẩm quyền phát ngôn của chính bản thân nó (diễn ngôn) nhưng rồi quay trở lại bảo vệ tính chính đáng của mình nhờ cấu trúc mà nó xây dựng lên đã ngầm ám chỉ đến ngón tay trỏ mặt trăng của Thiền sư hay Đức Phật: "Bạn hiểu được bao nhiêu và tin vào điều gì là tùy bạn". Nói cách khác là diễn giả đóng tròn vai thẩm quyền thân chứng của giáo dục khai phóng theo nghĩa "phá vỡ những khuôn mẫu và kiến tạo thế giới (quan) theo cách của mình". Ở trong sự kiện thì ổn. Bên ngoài khuôn khổ sự kiện thì thẩm quyền này bị thách thức và phản đối nghiêm trọng. Nhưng qua đó tập trung thu hút sự chú ý và tranh luận và tạo thành 1 sự kiện truyền thông mới. Vậy phải xem mấy ngày tới mọi sự sẽ được đóng gói lại như thế nào thì mới biết được lợi hay hại cho ai.


Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

Thế mà là nghệ thuật ư?

 

1.
"Tôi đồng ý với Dewey rằng nghệ thuật là một dấn thân về nhận thức. Có nghĩa là, các nghệ sỹ như Francis Bacon biểu hiện tư duy và ý tưởng theo cách có thể truyền thông được tới công chúng, giúp làm giàu có các trải nghiệm của chúng ta. Nghệ sỹ làm điều này trong một văn cảnh cụ thể và "tư duy" của họ phục vụ một số nhu cầu cụ thể trong phạm vi đó. Các nghệ sỹ giờ đây chỉ có ý nghĩa trong phạm vi văn cảnh của cái mà Danto gọi là "thế giới nghệ thuật", là nơi tập hợp các định chế gắn kết họ với công chúng trong phạm vi một môi trường xã hội, lịch sử và kinh tế. Họ sáng tạo hay truyền phát tri thức nhờ vào những địa điểm đã được định dạng: các triển lãm, các buổi trình diễn, các ấn phẩm. Nghệ sỹ sử dụng biểu tượng để tái trình hiện và biểu lộ cảm xúc, quan điểm, tư duy và ý tưởng. Họ truyền thông tới công chúng, rồi đến lượt mình, công chúng này sẽ phải diễn giải nghệ phẩm.
"Diễn giải" cũng là sự trình ra một phân tích duy lý (rationale construal) tường giải được ý nghĩa của một nghệ phẩm. Tôi hoàn toàn không tin việc có tồn tại một lý giải tối thượng cho sự đóng góp về nhận thức mà một nghệ phẩm đem lại. Song, một số diễn giải lại khởi hoạt tốt hơn những diễn giải khác. Những diễn giải cấp tiến nhất luôn bắt nguồn từ lý tính, chi tiết và tính xác tín; chúng phản ánh tri thức nền và các chuẩn mực cộng đồng phục vụ cho các cuộc tranh luận duy lý.
Diễn giải chuyên môn hóa chính là trung tâm cho sự thành công của việc truyền thông nghệ thuật, và nó cũng sắm vai trò quan trọng trong việc giáo dục và đào tạo những nghệ sỹ mới. Các diễn giải và phân tích có phê phán giúp tường giải nghệ thuật - không phải để hướng dẫn chúng ta, những công chúng, biết phải suy nghĩ như thế nào, mà để tạo khả năng cho chúng ta xem và hồi phản với tác phẩm tốt hơn là chỉ bằng tự thân chúng ta."
(Cynthia Freeland, Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật. Chương 6: Nhận thức, sáng tạo, thấu tỏ) (Nguyễn Như Huy dịch).
2.
Dù chưa dùng thử nhưng tôi có chú ý các tin tức về những phần mềm vẽ tranh bằng AI như Midjourney. Tất nhiên mọi người sẽ sớm hướng sự chú ý đến mối băn khoăn về tính nghệ thuật của những sản phẩm này. Thực tế là nếu chịu khó và cẩn trọng một chút, chúng ta sẽ nhận ra là mình sẽ phải xem xét lại tổng thể kiến thức nền của chúng ta về lý thuyết nghệ thuật.
Tình huống này cũng tương tự như đòi hỏi trong lập luận của Cynthia Freeland rằng mỗi nghệ sỹ cần định vị sáng tác nghệ thuật của mình trong văn cảnh thế giới nghệ thuật - tức là "nơi tập hợp các định chế gắn kết họ với công chúng trong phạm vi một môi trường xã hội, lịch sử và kinh tế".
Từ góc nhìn đó thì những sản phẩm do Midjourney tạo ra cho ta chưa phải là nghệ phẩm.
3.
Richard Anderson: "nghệ thuật là ý nghĩa quan trọng về mặt văn hóa, được mã hóa khéo léo trong một chất liệu gợi cảm và gây xúc động"
Robert Irwin: "nghệ thuật là một khảo sát liên tiếp vào nhận thức tri giác của chúng ta và là một nới rộng liên tiếp cho nhận thức của chúng ta về thế giới xung quanh"
(Cynthia, sdd)

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2022

Phàm phu văn hóa

 
Hannah Arendt quan niệm về phàm phu và văn hóa:
Kẻ phàm phu (philistine) và kẻ phàm phu văn hóa (educated philistine) khác nhau ở thái độ của hai kiểu người này với văn hóa. Nếu phàm phu coi khinh tất cả những gì không có lợi ích trực tiếp: tác phẩm nghệ thuật, tri thức, thì kẻ phàm phu văn hóa lại vồ vập với những vật phẩm như trang sức cho địa vị xã hội để tạo ra sự tách biệt tầng lớp.
Với người phàm phu thì thời gian dành cho văn hóa chỉ có thể cấu thành và hiểu qua hình thức giải trí. Điều này đến từ việc cân nhắc lợi ích của giải trí và nghỉ ngơi nhằm cân đối cuộc sống và công việc. Văn hóa cho số đông vì thế phục vụ nhu cầu giải trí, nhu cầu cần thiết cho tiến trình sinh học của mỗi người. Cũng bởi vậy mà văn hóa đại chúng không bao giờ là văn hóa chính vì mục đích sinh học của nó. Tục hóa và đơn giản hóa các tác phẩm, và thông qua đó là sự phá hủy cấu trúc của tác phẩm, với mục đích giáo dục cao đẹp nhằm rộng mở với công chúng thực chất không tạo ra văn hóa mà tạo ra sản phẩm giải trí, mà mục đích để lấp đầy thời gian nghỉ ngơi và hấp thụ văn hóa như thực phẩm trong việc tái tạo lại sức lao động.
Trái lại, kẻ phàm phu văn hóa (educated philistine) lại mượn văn hóa như cách họ sở hữu vật quý trưng diện trong sa lông. “tác phẩm được dùng một cách sai lệch nhằm mục đích giáo dục hay hoàn thiện cá nhân, với bất kì mục đích nào thì cũng lệch lạc hết cả. Có thể thì cũng hữu dụng, cũng chính đáng khi ta ngắm tranh để hoàn thiện cách hiểu về thời kì nào đó, và cũng hữu dụng và chính đáng y như khi ta đem tranh để che một lỗ thủng ở trên tường. Trong hai trường hợp, ta dùng tác phẩm vào các mục đích thứ cấp. Vẫn không sao nếu ta còn nhận thức rằng các cách sử dụng này, dù chính đáng hay không, đều không phải là quan hệ phù hợp với nghệ thuật. Điều chán ngán với những người phàm phu văn hóa không phải là vì họ đọc những tác gia kinh điển, mà họ làm điều đó vì động lực thứ cấp nhằm hoàn thiện cá nhân, họ không mảy may nhận thấy rằng Shakespeare hay Platon có thể nhắn nhủ những điều chả liên quan gì với việc làm thế nào để tự hoàn thiện mình.”
Nguyên do sâu xa trong việc hai thái độ vị lợi hay tiêu thụ này đều không phù hợp với quan hệ với nghệ thuật và văn hóa chính vì nghĩa gốc latin của từ văn hóa, cultura, đã bị quên mất. Trong cách dùng của Ciceron, văn hóa, cultura animi, có nghĩa bảo tồn và nuôi dưỡng những giá trị thừa kế. Hiểu trong cái cách của dân tộc nông nghiệp (agriculture) bám vào đất và lao động để vun xới cho cây trồng. Do đó có thể coi Văn nhân, cultura animi, là người chọn những người bạn đồng hành cho mình, ở trong số những người đương thời và đã mất, đối thoại và do đó gìn giữ di sản của thế giới.

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2022

cho đến tận cùng nhân sinh

Mỗi dòng ngắn ngủi đều tự tại trong thinh không
Yên tĩnh, khép kín như thể đã thản nhiên.

Nếu sự im lặng đã cũng được thưởng thức như một phẩm chất
Thì ai là người sẽ ra đi trong thế giới blog này?

Điều đó chỉ hé lộ trong khoảnh khắc
Cũng đủ để chúng ta nói mãi với nhau về những di âm bất tận.

Nếu thực ra chúng ta chưa hề nói với nhau về điều đó
Thì ai là người sẽ ra đi trong thế giới này?

(Từ bên trong)


Mạng xã hội như Fb cho ta thêm một khái niệm mới: là "friend" mà chưa hẳn là "bạn". Vì sau khi kết nối, chúng ta biết nhau nhưng đó mới dừng lại là cái biết do "friend" cho ta THẤY và ta chỉ có một phương diện ấy để hình dung và tương tác với họ. Nó khác với đời thường - dẫu "mỗi người thăm thẳm một chiêm bao" (Trần Dần).
Quá nửa đêm, bỗng dưng tôi nhớ đến một người bạn trên mạng. Cô gái ấy mất rồi, nhưng là bao lâu nhỉ? Một, hai hay ba năm...tôi không hình dung được. Tìm xem lại thì mới chỉ hơn 365 ngày vài bữa thôi. Chúng tôi có quá ít bạn chung - hầu như xa lạ và không biết gì nhau - nên newsfeed vòng bạn bè không thấy ai nhắc nhớ.
Chúng tôi kết nối trên blog có lẽ từ mươi năm trước, thời mọi người còn chưa dùng fb. Tôi có ấn tượng với văn phong và thẩm mĩ của bạn ấy. Trên không gian mạng chúng ta thỉnh thoảng sẽ gặp một kiểu căn tính như vậy - một nòi tình duy mĩ. Nhẹ nhàng, tha thiết và hướng tới sự trong suốt. Họ cảm nhận và chăm chú trong nỗi xao xuyến hiện sinh đời mình, nhất quán trong tâm thái ấy cho đến tận cùng nhân sinh.
Trưởng thành đến một độ rồi chúng ta sẽ quen và chấp nhận được vô thường của thế gian. Nhưng nỗi ngậm ngùi xao xuyến cứ văng vẳng trong thinh không, không phải vì cảnh ngộ riêng tư của ai đó, mà ở chỗ mình chứng kiến cách thế họ bấu riết vào hiện hữu có thấp thoáng những gì mình ưa những gì mình trọng. Nhưng thời gian vẫn như gió cát lùa kẽ tay chới với chơi vơi.
 
"Người cứ buồn thương cỏ cứ xanh" (ND)