Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

Thế mà là nghệ thuật ư?

 

1.
"Tôi đồng ý với Dewey rằng nghệ thuật là một dấn thân về nhận thức. Có nghĩa là, các nghệ sỹ như Francis Bacon biểu hiện tư duy và ý tưởng theo cách có thể truyền thông được tới công chúng, giúp làm giàu có các trải nghiệm của chúng ta. Nghệ sỹ làm điều này trong một văn cảnh cụ thể và "tư duy" của họ phục vụ một số nhu cầu cụ thể trong phạm vi đó. Các nghệ sỹ giờ đây chỉ có ý nghĩa trong phạm vi văn cảnh của cái mà Danto gọi là "thế giới nghệ thuật", là nơi tập hợp các định chế gắn kết họ với công chúng trong phạm vi một môi trường xã hội, lịch sử và kinh tế. Họ sáng tạo hay truyền phát tri thức nhờ vào những địa điểm đã được định dạng: các triển lãm, các buổi trình diễn, các ấn phẩm. Nghệ sỹ sử dụng biểu tượng để tái trình hiện và biểu lộ cảm xúc, quan điểm, tư duy và ý tưởng. Họ truyền thông tới công chúng, rồi đến lượt mình, công chúng này sẽ phải diễn giải nghệ phẩm.
"Diễn giải" cũng là sự trình ra một phân tích duy lý (rationale construal) tường giải được ý nghĩa của một nghệ phẩm. Tôi hoàn toàn không tin việc có tồn tại một lý giải tối thượng cho sự đóng góp về nhận thức mà một nghệ phẩm đem lại. Song, một số diễn giải lại khởi hoạt tốt hơn những diễn giải khác. Những diễn giải cấp tiến nhất luôn bắt nguồn từ lý tính, chi tiết và tính xác tín; chúng phản ánh tri thức nền và các chuẩn mực cộng đồng phục vụ cho các cuộc tranh luận duy lý.
Diễn giải chuyên môn hóa chính là trung tâm cho sự thành công của việc truyền thông nghệ thuật, và nó cũng sắm vai trò quan trọng trong việc giáo dục và đào tạo những nghệ sỹ mới. Các diễn giải và phân tích có phê phán giúp tường giải nghệ thuật - không phải để hướng dẫn chúng ta, những công chúng, biết phải suy nghĩ như thế nào, mà để tạo khả năng cho chúng ta xem và hồi phản với tác phẩm tốt hơn là chỉ bằng tự thân chúng ta."
(Cynthia Freeland, Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật. Chương 6: Nhận thức, sáng tạo, thấu tỏ) (Nguyễn Như Huy dịch).
2.
Dù chưa dùng thử nhưng tôi có chú ý các tin tức về những phần mềm vẽ tranh bằng AI như Midjourney. Tất nhiên mọi người sẽ sớm hướng sự chú ý đến mối băn khoăn về tính nghệ thuật của những sản phẩm này. Thực tế là nếu chịu khó và cẩn trọng một chút, chúng ta sẽ nhận ra là mình sẽ phải xem xét lại tổng thể kiến thức nền của chúng ta về lý thuyết nghệ thuật.
Tình huống này cũng tương tự như đòi hỏi trong lập luận của Cynthia Freeland rằng mỗi nghệ sỹ cần định vị sáng tác nghệ thuật của mình trong văn cảnh thế giới nghệ thuật - tức là "nơi tập hợp các định chế gắn kết họ với công chúng trong phạm vi một môi trường xã hội, lịch sử và kinh tế".
Từ góc nhìn đó thì những sản phẩm do Midjourney tạo ra cho ta chưa phải là nghệ phẩm.
3.
Richard Anderson: "nghệ thuật là ý nghĩa quan trọng về mặt văn hóa, được mã hóa khéo léo trong một chất liệu gợi cảm và gây xúc động"
Robert Irwin: "nghệ thuật là một khảo sát liên tiếp vào nhận thức tri giác của chúng ta và là một nới rộng liên tiếp cho nhận thức của chúng ta về thế giới xung quanh"
(Cynthia, sdd)

Không có nhận xét nào: