Thứ Tư, 21 tháng 9, 2022

Danh mục này không hòa hợp lắm

 Giả sử cần ngồi nói chuyện với con mình ở lứa tuổi bước vào đại học về bài nói chuyện của 3H thì tôi sẽ phác thảo ra những ý như thế này:

 

1- Đây là 1 thông điệp truyền thông của bản thân diễn giả nhưng cũng truyền tải chủ đề truyền thông của ĐH Fulbright đặt hàng: "Phá vỡ những khuôn mẫu và kiến tạo thế giới theo cách của bạn". Cấu trúc xây dựng là đăng lại trên fb cá nhân bài nói chuyện ở ĐH. Tức là kể lại cho bất kì ai có thể muốn đọc. Vậy ít nhất chúng ta cần xem xét cả 2 tương quan: nói với tân sinh viên và kể với chúng ta - người đọc phiếm chỉ.

- Đại học mời diễn giả cũng đồng nghĩa với thừa nhận thẩm quyền là nhân vật ít nhiều đã "phá vỡ những khuôn mẫu và kiến tạo thế giới theo cách riêng". Về điều này, bằng quan sát riêng của tôi thì ít nhiều 3H có những việc đã làm được theo tiêu chí này.

- Quan điểm diễn giả không nhất thiết đồng nhất với quan điểm ĐH. Thông điệp của ĐH nằm ngay ở mục tiêu tổ chức sự kiện theo chủ đề và sẽ là củng cố cho thông điệp Fulbright là đại học theo đuổi giáo dục khai phóng (đầu tiên ở VN). Sinh viên đi "học cách để học" (website trường). Ở Đh thực hành giáo dục khai phóng, sinh viên có 1 năm để học những tri thức chung rồi mới chọn chuyên ngành. Qua tìm hiểu, phần lớn các nội dung truyền thông của nhà trường là về giáo dục khai phóng của nhà trường trong tương quan với mối bận tâm về chuyên môn và công việc trong tương lai của sinh viên và gia đình họ. Để tuyển sinh và phát triển tốt, ĐH Fulbright cần xây dựng càng nhiều luận chứng về con đường thành công của những cá nhân thực hành giáo dục khai phóng, là sản phẩm của giáo dục khai phóng.

- Diễn giả 3H chính là một minh chứng cho quan điểm khả năng tự học mới quyết định con đường sự nghiệp và có dấu ấn cá nhân rõ ràng. (Học kiến trúc rẽ sang làm báo rồi truyền thông rồi các dự án xã hội...). Diễn giả lựa chọn nói về những suy nghĩ của bản thân với câu hỏi "điều gì là quan trọng nhất mình học được trong đời?". Đó là "(...) tri thức thực sự chỉ hình thành thông qua quá trình chiêm nghiệm, trải nghiệm, hấp thụ, tự phản biện, tự luận.". Tri thức như vậy, theo diễn giả, là tri thức nguyên bản. Nó có 2 đặc điểm: bền vững - hợp nhất với tâm hồn, suy nghĩ của người có nó, là căn tính độc đáo của riêng họ; và là di sản của bạn để lại cho thế giới (vì nó có giá trị và do bạn tự nhận thức và đưa ra - tức là bạn thêm vào 1 chút tốt đẹp cho thế giới). Đâu đó ở đây chúng ta thấy ý ngầm trỏ rằng chính sự tự học (của diễn giả) đã giúp diễn giả thoát khỏi khuôn sáo của tri thức, có đươc cá tính nhất quán và độc đáo của mình trong sự hợp nhất với các hành động trong cuộc sống (tất nhiên là vì điều tốt đẹp hơn).

2- Kỹ thuật được sử dụng trong truyền thông:

- Cần tách thành 02 lớp phân tích: kĩ thuật trực tiếp sử dụng khi nói với sinh viên và kĩ thuật truyền thông lại cuộc nói chuyện này trên fb.

- Trong tương quan nói chuyện với sinh viên: đầu tiên là một nghịch lí của tri thức luận để gây chú ý (nói về kinh nghiệm chống kinh nghiệm chủ nghĩa). Nghịch lí này tồn tại trong hiện thực và thách đố người nghe việc giải quyết được nó về nhận thức luận cá nhân của mình. (Sau này chúng ta sẽ biết là diễn giả đề xuất dùng trải nghiệm tự thân, phản biện, tự luận...để tự tìm ra cơ sở xác lập tính chính đáng cho diễn ngôn này của diễn giả: Nếu anh chấp nhận mà không xử lí nó, nó là nghịch lí với anh và gây cảm giác khó chịu đấy. Nếu anh đưa được trải nghiệm từ hiện sinh của anh vào trong quá trình xử lí đưa ra cái tin cái biết thậm thâm của anh thì anh sẽ đi qua được nghịch lí này và do đó bài nói chuyện thành có ý nghĩa.). 

Tiếp theo là giọng kể chuyện tuổi trẻ, trải nghiệm cá nhân, quá trình nhận ra sự khác biệt giữa thực sự thấy biết hiểu với việc hiểu trên bề mặt là như thế nào. Chủ đề là chuyện quen thuộc của tuổi trẻ: hoàn cảnh, công việc, sự học hỏi mò mẫm, tình yêu tình bạn...Nhưng quá trình tăng trưởng nhận thức được cảnh báo không đồng nhất với các thành công cụ thể trong cuộc sống như công việc, tiền bạc. Tri thức chân chính, "nguyên bản" chỉ đảm bảo cho bạn đường hướng trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình và nhờ đó đảm bảo sự bền vững trong sự nghiệp của bạn. (kiểu "to be not to have"). Những ví dụ ở đoạn này dùng hình ảnh điển hình của các giai tầng xã hội trong 1 số tình huống thời sự (xe xịn, học vị, tiếng Anh, lạm phát, kiến trúc...) là những thứ bạn trẻ liên hệ ngay được.

Xâu chuỗi song song mạch nói chuyện là kinh Phật (truyền thống không cũ kĩ như bạn nghĩ) và tình yêu của tuổi trẻ. Nó hơi khó hiểu nhưng nhắc lại như 1 điệu rap. Làm người nghe vừa quen vừa hồ nghi, bâng khuâng bởi ý nghĩa nhưng ru đều vào nhịp điệu câu văn. Phải nói là ở đây giọng kể khá thích hợp với đối tượng nghe là người trẻ tuổi.

- Trong tương quan với người xem fb: Ảnh minh họa nhìn nghiêng, chúng ta (độc giả) buộc phải chấp nhận là người bên lề. Quan tâm thì chắt lọc chứ đối thoại này không quy chiếu vào chúng ta. Chúng ta có 02 lựa chọn liên hệ: đặt mình vào vị trí có thẩm quyền diễn thuyết để xem xét giá trị của lập luận - nó đã tương đối tự hạn chế phạm vi lại trong khuôn khổ nói chuyện với bạn trẻ - để khơi gợi dẫn dắt sự suy tư hơn là 1 tuyên bố đầy đủ; hoặc đặt mình vào vị trí sinh viên để tìm kiếm sự đồng cảm với điều gì đó vương vất trong tâm trí mình khi liên hệ đến chủ đề và cảnh ngộ.

3- Sự tiếp nhận thông điệp từ những người khác nhau:

- Xét từ góc độ học thuật về tri thức luận, nó không mới, khái niệm, luận cứ, luận chứng không đều thậm chí yếu hay sai. Những người có căn bản sẽ phản ứng rất mạnh về cách xây dựng này dù nó không nằm trên mạch chính của lập luận.

- Xét từ vị thế phát ngôn: dễ gây cảm giác chán ghét nếu không chú ý đủ kĩ đến cách tiếp cận "giáo dục khai phóng" và mục tiêu truyền thông của Fulbright.

- Nếu từ cách tiếp cận của người có mối bận tâm về sự hoàn thiện mình, tri hành hợp nhất, ưu tư với tuổi trẻ: ít nhiều có sự đồng cảm. Đồng cảm ngay cả trong sự khiếm khuyết nhưng thành thực của diễn ngôn.

4- Giá trị và vấn đề lựa chọn hệ giá trị:

- Đề cao thân chứng thực học nhưng lại tư biện và không lao động đủ nhiều trên lĩnh vực này. Vấn đề này, lĩnh vực này, ít nhất từ những gì mà diễn giả trích dẫn, cần phải suy tư cùng với các tư tưởng thành hệ thống . Học và tự học không thể qua vài tam đoạn luận đơn giản như vậy được. Tu dưỡng, tri hành hợp nhất chứ không thể quy giản về tư biện. Cũng như tri thức chỉ vừa vặn đẹp đẽ hài hòa trong tình huống cụ thể của cá nhân người thực hành chứ khó lòng lửng lơ giữa không khí như vậy.

- Phật Thích Ca, Nietzsche, Chomsky, Philip Kotler, David Ogilvy bị lôi vào nhưng không được phát biểu. Danh mục này không hòa hợp lắm. Nó bị lỏng, dễ gây liên tưởng đến thái độ qua loa, lớt phớt.

5- Vậy hãy quay lại mục đích của thông điệp:

- Mở đầu nó giải cấu trúc thẩm quyền phát ngôn của chính bản thân nó (diễn ngôn) nhưng rồi quay trở lại bảo vệ tính chính đáng của mình nhờ cấu trúc mà nó xây dựng lên đã ngầm ám chỉ đến ngón tay trỏ mặt trăng của Thiền sư hay Đức Phật: "Bạn hiểu được bao nhiêu và tin vào điều gì là tùy bạn". Nói cách khác là diễn giả đóng tròn vai thẩm quyền thân chứng của giáo dục khai phóng theo nghĩa "phá vỡ những khuôn mẫu và kiến tạo thế giới (quan) theo cách của mình". Ở trong sự kiện thì ổn. Bên ngoài khuôn khổ sự kiện thì thẩm quyền này bị thách thức và phản đối nghiêm trọng. Nhưng qua đó tập trung thu hút sự chú ý và tranh luận và tạo thành 1 sự kiện truyền thông mới. Vậy phải xem mấy ngày tới mọi sự sẽ được đóng gói lại như thế nào thì mới biết được lợi hay hại cho ai.


Không có nhận xét nào: