Thứ Ba, 30 tháng 6, 2009

Sự lựa chọn của cảm xúc

1.
Hành động thì theo đòi hỏi của tình huống và bao hàm cả sự lựa chọn và sự chấp nhận. Trong khi đó viết được lựa chọn và theo ý thích. Vì vậy, dẫu được đánh giá cao thì với người viết nó vẫn thực sự là vấn đề. Tồn tại dưới điều kiện hào phóng của sở thích, nó sẽ trở lên "một mặt vị kỷ một mặt tự ti" khi đối diện cuộc sống.

2.
Blog. Sự lựa chọn của cảm xúc. Phần đa giao tiếp bằng cảm xúc, những biểu tượng chứ không nhiều logic. Bao nhiêu bài viết được đọc lại và trích dẫn, phân tích? Hầu như là sự liên tưởng và đồng cảm.

3.
(...) bi kịch không phải là sự mô phỏng con người, mà là sự mô phỏng hành động và cuộc sống, niềm hạnh phúc và điều bất hạnh, mà hạnh phúc hay bất hạnh đều nằm trong hành động; và mục đích [của bi kịch là miêu tả] một hành động nào đó, chứ không phải miêu tả phẩm chất (của con người).

(...) cái đáng cười là một bộ phận của cái xấu: nó chỉ là một sự sai lầm và xấu xí nào đó không gây thống khổ và nguy hại cho ai cả...

(...) cái đẹp-kể cả động vật hay bất kỳ đồ vật gì-gồm những phần nhất định hợp thành, nó không những cần có một sự sắp xếp (hoàn mỹ) mà còn phải có một kích thước nhất định: cái đẹp là ở trong kích thước nhất định: cái đẹp là ở kích thước và trật tự; do đó, một vật quá bé không thể trở thành đẹp, vì thoắt nhìn đã qua, không kịp thu nhận; một vật quá lớn cũng không thành trở thành đẹp, vì một lúc không thể bao quát vật đó ngay được, tính thống nhất và tính hoàn chỉnh bị mất đi đối với người nhìn nó...

trích Nghệ thuật thơ ca-Aristotle.

Một bản dịch thường, một cuốn sách quá nhiều lỗi. Bất chấp những điều này thì đây là một tài liệu quý*; vô tình lại là dẫn luận đầu tiên về kịch mà tôi có (nghĩa là hôm trước mới đọc mỗi tờ bìa thôi :)
Nhân tiện, ngôn phong của các triết gia cổ đại tự do thật!
------------

(*)-Nhưng để hiểu được thấu đáo thì cần phải có một Bùi Văn Nam Sơn nữa trong lĩnh vực về Hy lạp cổ này. Có quá nhiều sự khác biệt mà nếu không am tường văn hoá Hy Lạp cổ thì khó lòng tránh khỏi suy diễn sai về tư tưởng. Đơn cử, như trong tác phẩm này, thơ ca vào thời Aristotle bao hàm tất cả các thứ như văn, kịch, thơ...etc...Các giá trị đạo đức thời đó cũng có nhiều điểm khác biệt. Haizz, bể học mênh mông, quay đầu lại là bờ.

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2009

con người định nghĩa mình qua hành động

1.
Thỉnh thoảng tôi cũng mua sách qua mạng. Những cuốn sách đặt mua thường là do đã xuất bản từ 1 vài năm trước và khó tìm ngoài các hàng sách ở HN. Hôm nay vừa nhận được 2 cuốn: Nghệ thuật thy ca - Aristotle và Hài kịch Hy lạp - Aristophane. Cái việc nghèo nó thỉnh thoảng cũng bất tiện: phần nhiều cuốn sách kiểu ấy là mình đã xem lướt qua trước đây rồi, nhưng lúc đấy không rủng rỉnh, cân nhắc rồi tự bảo sẽ mua sau. Đến lúc mình định mua thì nó lại không thấy bán nữa. Nhưng như cuốn Hài kịch Hy lạp này thì hơi khác. Quả là có xem lướt qua 1 lần nhưng không nhớ, lúc đặt mua vốn đoán nó có một vài khảo luận của bác nào đó nổi tiếng xem thế nào (Kiểu như Heidegger với Nietzsche bàn về thần thoại Hy lạp í) nhưng hoá ra lại là thuần tuý 1 tập kịch. Thôi cũng được, coi như làm tài liệu nguồn, mặc dầu chắc lại giống tập kịch của Shakespear nằm yên 1 xó. Nói thực tôi đang nghi nghi hình như cuốn Nghệ thuật thy ca cũng đã mua rồi mà không biết có chắc không; việc lục tìm sơ bộ thì chưa thấy. Chẳng lẽ lại là chứng Déjà vu. Bác nào có kinh nghiệm xin mách giúp có nên làm một cái thư mục quản lý sách? Và làm thế nào cho nó đỡ ngại ấy vì bây giờ mà động đến thì hơi nản :(

Từ lâu, tôi rất muốn tìm hiểu bài bản về chủ đề kịch do từ nhận xét về việc một vài triết gia ưa dùng thể loại kịch để chuyển tải chủ đề triết học (như J.P.Sartre hay A. Camus-ông này chưa tính là triết gia), nhưng vẫn chưa tìm được một dẫn luận nào đủ hay để có khả năng bao quát chủ động về nó. Tôi mới nghĩ được là do một đặc trưng căn bản của kịch là nó cấu thành từ những tình huống cô đọng, có tính biểu tượng cao. Việc rút gọn yếu tố sống trải trong thời gian của cá nhân thành những tình huống tiêu biểu liệu nó có hàm chứa nếp gấp định kiến nào của hệ hình tư tưởng không?

Thực tế, trong các tình huống đời thường, bản thân chúng ta thường cảm thấy rằng tôi chưa biểu hiện được đúng cái tôi muốn biểu hiện - không phải do thiếu cơ hội mà do sự khiếm khuyết tự bản chất của lối giao tiếp. Blog là một bằng chứng hùng hồn cho nhận xét này. Bao lần chúng ta ồ à về một thằng cha mà nếu gặp ngày thường chẳng bao giờ nghĩ ra nó lại có những nét ấy. Nhưng rồi gặp lại thì vẫn thế. Vậy nếu văn học và thy ca có cái đặc điểm tự sự là ưu thế thì trong kịch có vẻ ở phía ngược lại. Ở cái phía ngược lại này, kịch có ưu thế gì đáng được khuếch trương? Có phải bắt nguồn từ con người hành động-con người định nghĩa mình qua hành động-của truyền thống phương Tây?

2.
Bản danh sách ký tên kiến nghị về dự án bô-xít đã cập nhật lần 6. Tôi nghĩ có ai làm một vài phân tích thống kê trên số liệu từ bản danh sách này sẽ có nhiều đặc điểm thú vị: ví dụ như có thể thống kê theo khu vực ngành nghề, nơi sống, giới tính. Thử lướt qua thì tôi có mấy nhận xét:

- Ở lần 1 nếu tính riêng trong nước thì các trí thức ở HN chiếm ưu thế. Nhưng những lần sau khi danh sách mở rộng ra thì số người ở khu vực phía Nam nhiều hơn hẳn.

- Trong danh sách thấy sự chênh lệch tuyệt đối giữa các thành phần chức sắc tôn giáo. Hình như chỉ có 1 đại diện cho PG có tên trong danh sách (tôi xem lướt).

- Ở bản danh sách lần trước những người chủ trương thông báo không ghi danh những người chưa đủ 18 tuổi (quyền công dân?) nhưng ở bản cập nhật mới nhất lại có rất nhiều tên học sinh và thầy giáo cùng 1 trường THPT. Cho thấy đội ngũ của diễn đàn này chưa chặt chẽ lắm trong quản lý thông tin. Hẳn cũng có mối liên hệ ảnh hưởng giữa việc thầy và trò cùng ký tên. Không biết liệu có dẫn đến một vụ giống như trong Quảng Nam (sa thải cô giáo vì tuyên truyền nội dung không chính thống)?

- Tôi nghĩ đến một tình huống: nếu những người chủ trương diễn đàn vận động được chữ ký của những đại diện có uy tín khác như của cụ Giáp*, các cựu chính khách, tướng lĩnh...vốn đã phát biểu ý kiến...vv...thì bối cảnh sẽ như thế nào? Lợi hay hại cho toàn cục?


Rõ ràng việc lựa chọn tham gia hay không tham gia (khi có thể lựa chọn) vào danh sách này đặt mỗi người vào một tình thế chính trị. "...Đối với 1 vấn đề xã hội, một khi vấn đề đã được xác định thì không có hành động gì cũng đã là một hành động. Mưu toan che giấu nó bằng những tranh biện giả triết học hay những vấn đề thực tế đều là sự đánh lừa mà thôi." (Các phương pháp QHĐT, Que sais je?, Jean-Paul Lacaze)**.
------------

(*)-Chuyện này mà thử đặt trong viễn cảnh 1, 2 năm nữa cụ đi theo cụ Hồ thì hẳn là một sự kiện chấn động đại cục!
(**)-Một bài liên quan.

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2009

Chuyện một gia đình - p2: Đứng ở đằng sau

Minh hoạ phục vụ tưởng tượng của bác NL
Nguồn: http://www.writers-free-reference.com/selfpublishing.htm

2.
Tôi đã đọc quá một nửa số sách thời trẻ con bằng tư thế đấy: đứng ở đằng sau, hơi khom lưng và nhìn qua vai người lớn để đọc ké. Phần lớn các cuốn truyện tôi được đọc thời đó là từ nhà bác T mà có. Ở khu tập thể cũng có một vài người lớn nữa hay đọc sách nhưng bác T là người thường xuyên có sách mới để đọc nhất. Hầu hết tất cả đều là sách mượn ở đâu đó về, có vẻ những người lớn họ trao đổi sách với nhau, nên nếu như mình không theo dõi kịp thì có nguy cơ sẽ không đọc hết được cuốn truyện. Vì với một đứa trẻ 7, 8 tuổi thì chẳng mấy ai thèm cho mượn sách nên tôi chỉ có một lựa chọn duy nhất là đọc ké sau vai người lớn. Nói chuyện cái vụ đọc ké này, hẳn ai mà đã trải qua cảnh mình ngồi đọc mà có đứa nó cứ thập thò đằng sau, khụt khịt rình rập thì nó khó chịu đến mức nào. Tôi cũng biết thừa điều đó nhưng cứ trơ mặt ra đánh bài lì kết hợp với những bày tỏ khá nhún nhường nhằm tìm kiếm sự đồng ý của người lớn.

Đọc ké là một nghệ thuật và với những nỗ lực lớn lao, phải nói tôi cũng dần trở nên thành thục bộ môn này. Cần phải tối thiểu hoá thời gian đứng gần người lớn nên phải đọc thật nhanh, nhanh hơn họ để họ có lúc không thấy mình bên cạnh. Không được đứng sát quá. Cũng không được gây ra nhiều tiếng động làm phân tán sự chú ý của họ. Không được tỏ thái độ sốt ruột khi chờ họ giở trang. Thế đấy, phần thưởng là bây giờ tôi không chiến tự nhiên thành, luyện được phép đọc chụp ảnh* với tốc độ đọc nhanh gấp khoảng từ 3 đến 5 lần người đọc bình thường. [Tự kiểm duyệt: Phong cách lịch duyệt tinh tế rộng lượng phi phàm ngày nay có khi cũng từ đó mà có được. Chưa kể óc tưởng tượng suy luận ngang ngửa lung tung cũng nhờ những lúc tận dụng thời gian chờ giở trang mà phát triển lạ thường ^^]. Tất nhiên phương pháp này chỉ nên áp dụng để đọc những thứ như báo chí, văn chương các loại chứ không nên áp dụng trong việc đọc sách thuốc chẳng hạn.

Có một khoảng thời gian hiếm hoi cũng có thể cầm được cuốn sách tự đọc, đó là khi người lớn họ đi đâu có việc hoặc đơn giản là đến giờ ăn cơm. Tôi thường ăn cơm nhà rất nhanh để chầu chực những khoảng thời gian đó. Không phải lúc nào họ cũng để lại cuốn sách đang đọc dở ở chỗ cho mình tuỳ tiện cầm lấy, nhưng dần dà phải nói mọi người cũng nể tình lì lợm của mình mà ý nhị vứt lại đấy cho. Cũng vì vậy mà mình luyện được cái tính dịu dàng ý nhị với sách. Phải cầm cuốn sách nhẹ nhàng, không bẻ gập, đọc thật nhanh để tiết kiệm thời gian và cũng để tý nữa cho họ nghỉ ngơi một lúc mà không có mình đứng kè kè ở bên. Lúc đó thì mình sẽ rình rập từ xa, căn xem khi nào đến trang mình đọc dở thì lại rón rén tiến đến. Mọi việc lại lặp lại chu trình trên và chuyện này kéo dài độ 2-3 năm cho đến khi tôi tạo được tín nhiệm để có thể đàng hoàng hỏi mượn mang về nhà.

Nhà bác T đông lượt người đọc nên thường tôi không mượn được mà phải tận dụng tối đa việc xem ké. Bù lại bác là người dễ tính nhất trong việc cho phép tôi thập thò ở bên cạnh mà không bày tỏ thái độ khó chịu. Nhà bác cũng thường là chỗ tụ tập của bọn trẻ con cả khu tập thể nên việc lân la chơi để chờ đọc sách cũng không có gì là khó khăn lắm. Cái lợi của trẻ con tập thể là do nhiều lứa tuổi tập trung chơi với nhau nên chúng tôi biết được nhiều trò chơi từ rất sớm so với các bạn đồng lứa. Từ năm lớp 5 là tôi đã biết chơi cờ vua, cờ tướng và đánh bóng bàn. Tất nhiên những môn đại trà khác như đá bóng, đá cầu, chơi bi, đánh gấc, câu tôm, câu cá...thì không thèm tính. Tất cả những trò đấy tôi đều học từ những lần lân la chơi chung bên nhà bác T. Không hẳn vì chỉ từ những người trong nhà mà thực ra vì mọi người hay tụ tập chơi ở đó. Nơi duy nhất có thể chơi bài đến 12 g đêm-một thời gian biểu xa xỉ với bọn trẻ con. Cũng là hiên nhà duy nhất đêm sáng trăng có thể ngồi hóng những câu chuyện chiến trường của mấy người đã từng đi bộ đội. Đôi khi là những chuyện ma quái, chuyện cười, chuyện bốc phét của mọi người. Cứ như vậy, bọn trẻ con chúng tôi bỏ ngoài tai những càm ràm của người lớn về chất lượng vệ sinh của cái sân chơi kỳ thú này.

Căn hộ bẩn thỉu và rách rưới một cách vô phương cứu chữa. Bằng những kiểu khác nhau nhưng cạnh bàn, nền nhà, mép chăn hay mặt chiếu đều đen bóng đến chai lì. Mùi thuốc lào lẫn với mùi mồ hôi lâu ngày quyện lại thành một thứ không khí khai khai khen khét ở bất cứ đồ vật nào nếu ghé sát mũi. Nhưng vì chỉ đến chơi ở đây nên với chúng tôi mọi thứ chẳng có vấn đề gì nếu như không chui đầu vào đống chăn chiếu nhà họ. Một cách cố ý, mấy bố con kẻ sỹ cũng thường tỏ ra rằng khi bẩn một cách kỷ lục thì nó cũng là bản sắc dẫu điều này hơi có hại cho bản sắc thầy lang của bác T - một chủ đề để giễu cợt (dù không ác ý lắm) của những người xung quanh.
...
Cứ như vậy, gia đình bác tồn tại trong lòng khu tập thể một cách cân bằng khéo léo giữa sự khác biệt có phần thua thiệt (dẫu rằng cái thời bao cấp nghèo khó đấy thì hầu như ai cũng như ai) về gia cảnh với sự hoà hợp và thu hút với lũ trẻ con chúng tôi. Nhiều năm qua đi nhưng cái thiện cảm trong tôi vẫn dành cho những ngày tháng được vui chơi và khích lệ một cách độ lượng trong căn hộ gia đình bác hàng xóm. Một tâm thế rộng rãi, hài hước, hơi lãng mạn và nhiều khi hoang đường phóng túng có lẽ đã bắt rễ từ những ngày xưa thân ái ấy...
---------------


(*) - Đọc chụp ảnh là đọc cả đoạn chứ không đọc từng từ. Khi đọc mỗi mắt nhìn một góc đường chép khung nhìn, đảo đi đảo lại như rang lạc (dành cho bạn nào chưa biết phương pháp này)

từ khởi thuỷ là sự bận tâm

[ Từ giờ thỉnh thoảng sẽ tập viết những entry ngắn dần. Thật chứ, viết ngắn mới khó :P ]

1.
Nhưng liệu có thể viết ngắn về một vấn đề như ý niệm thời gian không? Cuốn "Bàn về chữ Thời" của Francois Jullien không ngắn không dài (ngót 300 trang) nhưng mãi vẫn chưa đọc xong thì có gì mà nói? Nhưng vì chợt nhớ đến một ý trích dẫn Heidegger đại để "vì nó được hình thành về mặt thời gian, tồn tại con người là sự "bận tâm" (Sorge) xét về cấu trúc". Tồn tại ở đời với đặc điểm là sự lo nghĩ (Besorgen) về thực chất, nghĩa là từ khởi thuỷ, là sự bận tâm (Sorge)-(sdd).

Đi tiếp 1 đoạn nữa là bàn về cái chết, sự vô lo...etc.

2.
Tôi nhận thấy bác NL rất nhạy cảm với chủ đề "già khú cú dỉn" (lol). Thật dù mình già thì mình cũng nên nín 1 tý, bao giờ những người sinh năm 1981 chịu nhận là già rồi thì mới đến lượt mình chứ.

Có điều dạo này mấy em ở hàng cafe chúng nó gọi mình bằng chú một cách không ngượng mồm. Sau một thời gian ấm ức, đến nay mình đã có thể gọi là chấp nhận rồi. Lạ là đã chấp nhận nhưng tịnh không thanh thản tẹo nào.

Khi ở tuổi 30 người ta không chấp nhận cuộc sống là sự viết nháp nữa. Người ta vừa tính ra oai với tuổi 20 một tý thì đã bị chúng nó nhập kho cùng với "các bác, các chú". Thiếu điều nó cho mình lên nóc tủ buôn hoa quả.

3.
Hẹn tới bạc đầu. Tưng tửng vậy nhưng rõ ràng có ý tuổi già là một cái gì đó thừa thãi. Tôi nghĩ già khác với lão. Sự chín muồi và an nhiên là phần thưởng của thời gian cho những tinh tấn nghiêm mật.

Nhưng già lão cũng có cái buồn, như bà ngoại tôi ngoài 80, lúc gần mất ngó đi ngó lại anh em bạn bè đồng lứa chẳng còn ai quen biết; cho tới lúc mất, bà chỉ gọi mẹ là nhiều. Tám mươi tuổi mà còn gọi mẹ thì lẫn thật.

Lời cuối cùng có ý thức bà nói với mình là "Khổ lắm con ạ. Giá có cái chỗ nước sâu mà vùi xuống cho chết luôn đi.". Những ngày cuối đời mê mê tỉnh tỉnh, chỉ còn biết đòi ăn, hỏi sáng tối với lại gọi mẹ. Mẹ bà mất từ ngày bà còn nhỏ. Ngày bà mất, mẹ khóc "Sao mẹ chỉ gọi những người ở xa? Sao mẹ không gọi con?". Không phải bà không biết đâu mẹ ạ. Nhưng bà đã mê tự lâu rồi.

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009

cafe - báo chí - blog



Bên blog của bác Gauxauxi (tên gì mà kỳ nha, nhân danh thằng cu ở nhà, em xin tuyên bố không phải Gấu nào cũng xấu :) có bài "Sợ viết" đáng chú ý nên tranh thủ viết thêm đoạn ngắn, cóp vài đoạn dài hòng câu khách chút xíu - mình không phải dịch giả nên mình không cần giữ hình ảnh, mình thích là mình tám thôi :P

Bài viết như thường tình của các bác phong độ cao có khả năng trong một đoạn ngắn chất chứa rất nhiều ý tưởng và thuật ngữ. Không phải cái gì cũng hiểu được nhưng mà em mang máng đồ rằng bác đang rất băn khoăn với vấn đề "blogging or not blogging?" của bản thân. Nói luôn cho nó vuông, bác cứ yên lòng, em cá là blogger nào cũng rứa cả thôi, khác chăng là mật độ và âm mưu :) Ví như mình cần mò cua bắt ốc thì mình cứ blog thôi.

Nói vậy nhưng thực ra thì đã hì hục cả buổi để tìm lại 1 đoạn diễn đạt những suy nghĩ về tương quan của cơ chế viết và cơ chế đọc nhưng đành chịu không tìm ra. Đấy, thực tế viết cũng chính là suy nghĩ mà nhiều khi nghĩ ra rồi cũng có nhớ đâu, nên phát minh ra giấy và chữ viết là cực kỳ quan trọng các bác thấy không? Bây giờ em chỉ nhớ đại khái ý tưởng là "thực tế người ta đọc không giống như người ta tưởng-nên viết sai một thì đọc sai hai. Nhưng rốt ráo, nghĩ thoáng ra, tất cả đều là hiện sinh của ta cả nên làm quái gì có sai với đúng mãi đâu". Ghi chú nhỏ là em dùng từ "hiện sinh" cho nó sang chứ cả Hiện tượng học với Cấu trúc luận em đều không thông :)

Cũng nhân tiện tập hợp những ý tưởng rải rác lại thành một tagg về blog. Bài sau là từ lâu lắc bên Y360. Còn ngay đây là 1 ý nhỏ nữa:
Một tôi khác

Thế giới blog là thế giới ý niệm. Nó được chọn lựa và sắp xếp.

Có một sự nhập nhằng ở đây: phần nhiều các ý niệm được khơi lên trong lúc viết chứ không hẳn là sự toan tính từ đầu. Nhưng hiển nhiên blog không phải là tôi như tôi là lúc bạn tiếp xúc ngoài đời thực-nếu đủ lâu để không phải là 1 tình cờ. Diễn đạt một cách gần chính xác thì đó là những phương thức tồn tại khác nhau của một cái Tâm.

Vậy liệu blog có phải là một kiểu đạo đức giả? Không phải vậy trong bản chất. Mục đích thế nào thì nó là thế ấy. Nó là biểu hiện của 1 phương thức giao tiếp. Không hơn không kém. Miễn đừng đồng nhất nó với đời thực thì ổn. Điều này không đồng nghĩa với việc cự tuyệt những giao lưu trong đời thực. Nhưng phải tự giới hạn nó như khi chúng ta giải bài toán hộp đen trong vật lý-trước khi mở cái hộp bí ẩn ấy ra.

Không chờ đợi thì không hối tiếc. Không tưởng tượng thì không thất vọng.


--------------
Cafe - báo chí - blog

1. Cafe.




Một thời, "đi
cafe" là thú vui ồn ã của tớ. Lang thang tất cả các quán xá "có nét riêng". Ngày có thể đi đến 5-6 lượt là thường. Đen, không đường. Nhâm nhi cho tới khi biết đến vị ngòn ngọt the the ở đầu lưỡi. Còn nhớ Hà nội về đêm thủa đó hầu như chỉ có 1 quán "Cây bàng đổ" ở gần khách sạn Hà Nội là có thể ngồi đến tận 2-3 giờ sáng. Tiếc là quán đó đồ uống cái gì cũng dở, trừ...bia. Bạn bè có hợp nhau mới hay rủ nhau đi cafe. "Hợp nhau" có nghĩa là có thể ngồi lặng im đốt thuốc hoặc lan man tán nhảm rồi về. Dĩ nhiên mỗi người mỗi kiểu, mỗi quán nhưng tựu trung lại thì đa phần đi cafe là để thấy thời gian trôi đi theo cách nào đó. Các câu chuyện thoảng qua và ít khi là chuyện gì trầm trọng. Bây giờ vẫn vậy, ở HN hầu như giải trí chỉ là cafe, bia hơi, trà đá...là đã gần hết các thú vui rồi. Cái kiểu la cà quán xá của ta hình như cũng hiếm có. Hiếm bởi chỉ có nhịp sống chậm và uể oải mới dung thứ được văn hoá cafe này. Với nhiều người, đi cafe như là một thói nghiện, một kiểu "ngồi đồng". Khi internet chưa phát triển ở Vn thì hầu như quán cafe là chỗ để cho người ta trải nghiệm, gặm nhấm cảm giác "cô đơn giữa chốn đông người"...Một lần cuối, ngồi với bạn trên Hàng Hành, nhìn những người xung quanh ngồi đờ đẫn vô vị với tờ báo trên tay tớ bỗng nhiên thấy chán ghê gớm. Từ đó tớ hầu như bỏ hẳn thói quen đi uống cafe. Cũng 3-4 năm rồi. Bây giờ nhấp một ngụm là mất ngủ ngay. Nhiều lúc thấy cuộc sống trơn tuột, vô vị, muốn được như trước gặp bạn bè để vu vơ đôi chút mà cũng khó. Mỗi người mỗi lúc càng khác. Mình cũng khác. Chỉ có điều, vu vơ trong một ngày nhiều khi vẫn có giá trị của nó.


2. Báo chí.



Có một câu nói nổi tiếng về báo chí là "báo chí là viết ra để cho người ta đọc và quên đi trong một ngày". Có vẻ như nấp sau nhu cầu thông tin thực sự là một thói quen nghiện ngập muốn lấp đầy tâm trí bằng sự bận rộn của người hiện đại. Triệu chứng để chẩn đoán điều này là khi ta đọc rất nhiều nhưng không có gì phản hồi hay đọng lại trong suy nghĩ của ta cả. Mấy trăm người chết ở Iraq cũng không khác gì chuyện một cô ca sỹ nào đó không mặc quần lót ra đường. Khi nào có biểu hiện như thế thì nên biết là chính mình đang có vấn đề. Mội chuyện trở nên tầm phào, nghe đó để đó - đấy là cái bẫy nguy hiểm của báo chí, cho cả người viết và người đọc.


Ngày trước báo chí từng là mong muốn đầu tiên khi suy nghĩ về nghề nghiệp của tớ. Ngày đó suy nghĩ đơn giản: nghề nào có đủ các tiêu chuẩn như tự do, độc lập và phong phú và hay xê dịch là tốt nhất. Sau này đơn giản vì tớ không thể bỏ từ khối A sang khối khác để mạo hiểm được nên đi theo hướng khác. Cùng nguyên tắc nhưng vẫn không hết suy nghĩ và quan sát về nghề báo. Kể mình cũng vô duyên với các bạn báo nhiều. VTV3, HHT, Đẹp. Mọi câu chuyện đều dở dang vì mình không tài nào làm các bạn hiểu được là bản thân chấp nhận trả lời bảng hỏi của các bạn đã là chấp thuận một logic ẩn tàng rồi. Hơn nữa, những bạn báo mà mình biết dần dần gây cho mình một ác cảm ngày càng rõ rệt. Mình biết nghề báo là một nghề rất mệt...Chỉ cho đến khi đọc những bài viết của tác giả Nguyễn Hiến Lê mình mới thấy củng cố thêm chút tin tưởng với nghề báo. Cũng không định thêm chút phê phán làm gì vì mọi người nói quá nhiều rồi. Bản thân việc đọc báo chí ở VN cũng là 1 nghệ thuật mà muốn phân tích phải làm 1 bài dài. Điều mà gần đây mình quan tâm là dù sao báo chí vẫn là công cụ hữu hiệu trong nhiều trường hợp - và còn nhiều người có tâm huyết và tài năng trong báo giới. Nhưng nhiều lúc cũng nản. Những bài báo dù hay, xúc động đến mấy cũng thường khi là bị chìm vào cơn lũ của những rác thông tin ồ ạt sau 1 vài ngày và cũng bởi thói quen đọc cho vui của độc giả.


3. Blog.




Blog có thể được coi là có được cả hai thú vui của cafe và báo chí...Nó vốn là một hình thức "nhật chí" (từ của Trang Hạ), tức là ghi chép cá nhân nhưng dành cho nhiều người đọc. Viết blog trước hết là để cho người khác đọc. Ngay cả khi bạn không có một cái nick nào trong friends list thì thâm tâm bạn vẫn thừa nhận rằng viết là đẩy những suy nghĩ ra khỏi mình - như 1 sự trình hiện. Cập nhật theo ngày (thời sự của cá nhân) và trình bày trước 1 công chúng nhất định (bao gồm cả chính ta như một người khác) - cái đặc tính của thể loại "chí" này làm cho blog giống với báo chí. Nhưng hơn cả như thế, blog còn có sự tương tác mở giữa cá nhân với cộng đồng, kiểu tương tác chính phụ rất rõ nét. Nhưng đồng thời trên bình diện chung thì các blogger lại là đẳng lập với nhau. Blog mang trong mình cái thú vị được thu mình trong một thế giới "theo ý thích" với một đám đông nhất định cùng với cái thú vui gần giống như là kiểu nhàn đàm giữa bè bạn - mà Lâm Ngữ Đường đã đặc biệt ca ngợi trong "Sống đẹp" - những điều này trước đây vốn chỉ thường thấy trong nét văn hoá cafe của chúng ta. Tớ không có ý phân tích tâm lý hiện tượng blog ở đây mà chỉ khu biệt nó lại trong việc so sánh những cảm giác có thể có được khi blogging với thú vui đi cafe và đọc báo mà thôi. Cũng khoan nói rằng hiện tượng này rốt ráo là tốt hay xấu. Hiển nhiên nó bao hàm cả hai và tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Điều này cũng giống như cái cơ chế ngầm ẩn phía sau của tất cả quá trình trên: tính hai mặt biện chứng của nhu cầu giao tiếp cộng đồng hay bản năng bầy đàn của con người. Cùng một cơ chế tâm lý nhưng khi ta nói về bản năng bầy đàn là có hàm ý phê phán cũng như ngược lại khi ta nói nhu cầu giao tiếp là hàm ý tán thành. Giao tiếp cộng đồng là khái niệm được rút ra từ bản năng bầy đàn nhưng trong chiều kích của con người. Có điều, trong đời sống thực của mỗi cá nhân, cái ranh giới này thật mong manh nhoè nhoẹt. Cũng may là hình như tâm lý cá nhân nó cũng có cơ chế tự điều chỉnh: khi mọi việc đã đi quá đà thì tự nhiên sẽ có xu hướng dừng lại. Sân khấu kịch cần đổi vở khi nó đã trở lên nhàm chán với công chúng (trước hết từ mình)! Ở giữa 2 vở là một khoảng lặng. Màn hạ.




Ý tưởng về blog của tớ là: về căn bản, bởi vì chúng ta là những con người bình thường nên chúng ta cần những thú vui thường nhật
. Chúng ta đi cafe với bạn bè, đọc báo, xem thời sự và bàn tán. Ý kiến của chúng ta nhiều khi vô thưởng vô phạt nhưng nó không ảnh hưởng gì vì nó là câu chuyện giữa bè bạn với sự thông hiểu lẫn nhau. NHƯNG. Nhưng chúng ta còn muốn trở lên "giống như một CON NGƯỜI" nên chúng ta cần thêm vào những cố gắng để ngày càng làm rõ thêm cái ranh giới nhoè nhoẹt giữa bầy đàn và cộng đồng kia. Đây cũng là câu chuyện dài bất tận nhưng chúng ta có thể khởi đầu bằng những bước ngắn, những việc cụ thể. Tập cho mình thói quen quan tâm thực sự đến các vấn đề xã hội, có chính kiến để hướng tới hành động đúng đắn. Một bài viết về các vấn đề xã hội có ích cho cộng đồng dù hay đến mấy cũng sẽ chìm lãng đi sau 1 vài ngày. Nếu mỗi blog thêm vào thói quen điểm báo, giới thiệu những bài viết tốt trên những entry của mình thì hiệu quả sẽ lan rộng hơn rất nhiều. Nó tích luỹ trong ta cái cơ sở nền tảng làm người mà nền GD còn chưa giúp gì nhiều nhặn cho chúng ta. Tự giáo dục mình là việc làm chông chênh khó khăn bội phần. Phải cố thôi :-)

Chuyện một gia đình - p1: Thánh, Thiện, thằng Bé

1.
Không biết tại sao sáng nay lại tỉnh dậy với giấc mơ về gia đình nọ. Tôi không biết diễn tả bằng từ nào để trỏ chính xác một cách ngắn gọn mối quan hệ của tôi với họ. Đó là một gia đình đã cùng ở trong một dãy nhà khu tập thể cấp 4 đến hơn chục năm tuổi nhỏ của tôi. Vậy trước hết họ là hàng xóm cũ. Lại có quan hệ cùng làm việc giữa những người lớn với nhau - mặc dù nó rất lỏng lẻo, tôi sẽ kể sau - nhưng tôi thấy hơi là lạ khi dùng từ hàng xóm cho những gia đình sống cùng một khu tập thể, cộng đồng này mới hơn bản thân từ "hàng xóm" và trong cuộc sống chúng ta cũng vẫn thường gọi đơn giản họ là "những người sống cùng khu tập thể". Tôi bằng tuổi thằng út-thằng Bé, chúng tôi chơi với nhau thứ tình bạn của trẻ nhỏ như bao đứa bạn khác nên cũng có thể coi nó là bạn cũ của tôi. Nhưng thậm chí ngay từ ngày đó việc tôi chơi với nó cũng không khác gì chơi với các thành viên khác trong gia đình họ nên cố định mọi người theo cách "gia đình người bạn cũ" lại thấy thiên lệch. Đây đâu phải trò chơi chữ, nhưng sự loay hoay này chính là cái cách để tôi bắt đầu những ký ức về họ, một gia đình mà tôi có mối quan tâm thật khác biệt.

Để rành mạch có lẽ phải kể đôi điều về khu tập thể, cái ốc đảo giữa nông thôn của chúng tôi ngày đó. Ký ức gia đình của tôi về nơi đó thường đọng lại bằng mấy hình ảnh "Căn nhà, Vườn điền thanh và Ô cửa sổ" nhưng với những người hàng xóm cũ sẽ thiếu sót rất nhiều nếu không nhắc đến hàng hiên và khoảng sân trước dãy nhà. Cũng như cho lũ trẻ sẽ là hàng xoan ở bờ mương đầu hồi. Tôi chép lại đây một đoạn ký ức cũ.

Khu tập thể 1 tầng 10 căn nhưng căn đầu vốn là nhà trẻ sau đó để hoang. Còn lại là 9 gia đình. Mỗi gia đình ở trong 1 gian nhà rộng khoảng 3,5m sâu độ 10m. Bếp nằm phía sau, ở giữa có 1 giếng trời khoảng 2m. Đằng trước chỉ có 1 cái cửa 2 cánh ở chính giữa. Phía sau có cái cửa sổ mở ra giếng trời. Góc giếng trời có 1 cái bể nước có nắp khoảng 1m3. Hàng ngày phải gánh nước đổ vào bể. Cạnh bể nước, bên dưới cửa sổ để 2 cái xô. Trong bếp gần 1 nửa bên tay trái là chuồng lợn, phần còn lại gồm 1 chỗ để trấu và củi, 1 phần là bếp củi. Cũng có thời gian nhà đắp bếp lò nhưng ít thôi. Trước mỗi nhà là 1 khoảng sân có chiều rộng khoảng hơn 3m. Thường là làm giàn mướp ở bên trên. Mỗi nhà thường trồng 1 cây gì đó, phần nhiều là xoan để có thể kết hợp bắc giàn mướp. Tiếp theo nữa là 1 mảnh vườn dài, chia làm nhiều phần, gần nhà trồng rau, tiếp theo có thể trồng khoai lang. Tiếp nữa là mảnh đất trũng ngập nước thường để hoang hay trồng điền thanh. Khu tập thể nằm giữa vùng đất trống. Một phía là cánh đồng, 1 phía là phía sau bệnh viện, gần nhà xác. Hồi bé lũ trẻ con chúng tôi thường ra rình ở đấy để được xem người chết hay mổ pháp y.

Khu tập thể ngày đó là như vậy, nó là một cộng đồng khá khép kín với vùng nông thôn xung quanh nhưng những sự kiện bên trong bản thân nó thì lại liên thông đến toang hoác. Nhưng gia đình mà tôi đang nhắc đến đây lại gần như khu biệt với mọi người do hoàn cảnh khá khác biệt của họ. Họ hầu như chỉ là một thứ họ hàng xa của cộng đồng (với người lớn, còn bọn trẻ con chúng tôi thì không có vấn đề ấy). Vì họ có hoàn cảnh khác biệt.

Hồi xa lắc, nhà họ chưa ở trong khu tập thể từ đầu mà còn ở biệt lập ngoài phía bờ sông, cạnh đường cái. Căn nhà mái ngói cũ rích mà tôi còn nhớ rất rõ những viên gạch đỏ loét gần như mủn ra trên những bức tường của nó sau khi lớp vữa đã bong tróc hầu như toàn bộ. Nhưng hồi đó khuôn viên của nó lớn hơn điều kiện căn hộ của chúng tôi nên nó thật đáng chú ý. Bác gái vốn là nhân viên sơ cấp của Hiệu thuốc (hình như còn gọi là Cửa hàng Dược) nhưng đã nghỉ mất sức từ rất lâu vì bị tâm thần nhẹ. Suốt ngày ngồi thơ thẩn và cười vu vơ. Chỉ luôn luôn như vậy và cũng vẫn hơi biết làm việc nhà cũng như vẫn nhận được mọi người quen xung quanh nhưng hình như không còn khả năng phán đoán về họ nữa. Nhà có đến bốn người con, một gái thứ nhì và ba trai; anh lớn nhất hơn tôi 7 tuổi đến đứa út thì cùng tuổi tôi. Khi tôi biết nhớ thì họ đã ở đấy rồi, trong căn nhà bờ sông, và còn có bà nội của thằng Bé. Lúc đó bà đã quá già và mất sau đó không lâu nên những điều tôi nhớ về bà thật ít ỏi: một cụ già răng nhuộm ăn trầu chống gậy tre với cái lưng còng sát đất, khá nhanh nhẹn mặc cho khuôn mặt đã móm mém và nhăn nheo hết sức. Bà hiền lành, cư xử hiểu biết thân thiện với mọi người; hàng ngày tất bật đôn đáo việc nhà thay cho con dâu ở cái tuổi đã ngoài 80. Nhưng tất cả những điều đó chỉ làm nổi bật sự tương phản buồn rầu trong một bức tranh tối mầu có bối cảnh ngổn ngang mà bà chỉ như một vệt sáng mờ phía hậu cảnh. Bác T là con trai duy nhất của bà, một người con rơi đối với ông bố hình như làm đến tận hàm tướng ở trong miền Nam. Thậm chí hình như bà là vợ cả nhưng điều đó đã không có ý nghĩa gì từ rất lâu và không còn tồn tại bất cứ mối liên hệ nào giữa họ nữa.

Không hưởng chút lợi ích nào từ ông bố tướng quân, bác T đi hết cuộc chiến tranh và giải ngũ với chân lính trơn và một nghề tay ngang là làm thầy lang-nhưng hầu như chúng tôi không thể biết bác cắt thuốc cho ai. Trong mắt những người cùng khu tập thể Dược bác đơn giản chỉ là một ông lang băm, không hơn. Có thể hoàn cảnh đã tạo ra tính cách của bác, một tính cách rất khó chịu với những người xung quanh: một kẻ tự cao không phải lối, rách bươm nhưng luôn tỏ vẻ kẻ sỹ bất cần, không lánh nghèo. Nhưng hình ảnh một kẻ sỹ mặc áo bộ đội cũ xách cái cần câu cá chuối với đàn con lộc ngộc lang thang ven sông bờ ao khuyến mại thêm bà vợ thất thần bên hiên nhà thật thảm hại và quá lố với mọi người xung quanh, bất kể những thiện cảm mà bà cụ đã cố gắng giữ được với họ. Tên thằng Bé là do bà đặt cho nó, một nỗ lực ngăn cản tính khí ngạo ngược của ông con trai khi khai sinh cho thằng út cái tên Trần Thế Thần Thánh! Một hồi bà gọi nó là thằng Thiện nhưng rồi mọi người quen hơn với cái tên hèm là thằng Bé. Thằng Bé lớn lên cùng chúng tôi và đương nhiên tất cả lũ chúng tôi tuyệt không bao giờ thèm để ý đến việc thực ra nó là Thần Thánh. Bà cụ mất trước khi chúng tôi đi học nên có lẽ cũng như mọi người bà lúc đó cũng đã không phải phiền lòng nghĩ đến việc có lúc thằng Bé sẽ gặp trở lại vấn đề của Thần Thánh.

Thật lạ, có những con người bằng lối sống chân thành tận tâm của mình, dù chỉ phớt qua trong cuộc đời một đứa nhỏ bốn năm tuổi, cũng có thể để lại những thiện cảm sâu xa và lâu dài trong tâm trí người khác đến vậy.

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009

Phỏng dựng hay tạo mới?


Báo Vietnamnet có bài về việc phỏng dựng tháp Tường Long theo kiểu thời Lý.

Những dự án văn hoá lịch sử như thế này gần đây xuất hiện khá phổ biến. Mục tiêu chung của các dự án thường đều là "bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá lịch sử của di tích". Đặc thù của những dự án loại này thường có mấy cái khó:

Văn hoá là thứ trừu tượng mơ hồ nên rất khó ra quyết định: Ai cũng cảm thấy có thể nói về nó một ít trong khi công trình kiến trúc là một thực thể vật chất nằm chình ình trong không gian ba chiều. Nhà văn hoá học có thể tuyên bố "văn hoá là cái còn lại" với viễn kiến hàng trăm năm nhưng công trình lại là "cái xây mới" và nó có một tiến độ thực hiện phụ thuộc khá sít sao vào tiến độ giải ngân của vốn ngân sách (thường là chạy mãi mới được ghi vốn trong năm kế hoạch). Hậu quả là rất khó để thống nhất các ý kiến để ra được quyết định thấu đáo đối với các vấn đề của dự án xây dựng. Một quyết định mà như ông Phan Huy Lê đã nhận định "Không thể dùng kết quả biểu quyết trong trường hợp này, đa số không thể quyết định chân lý".

Ở một khía cạnh khác, nói "tiếp cận văn hoá trong sự vận động và phát triển biện chứng của nó" thì dễ nhưng phương án đưa ra là gì, làm thế nào...thì lại là một thách đố chung cho mọi dự án xây dựng có liên quan về văn hoá lịch sử. Nôm na hơn, luôn có sự đấu tranh khá căng thẳng của 2 trường phái chủ đạo: phục dựng hay tạo mới? Giả thiết rằng người ta luôn tuân thủ các vấn đề về bảo vệ giá trị khảo cổ của di tích thì những dự án công trình được triển khai trên bối cảnh chủ đề liên quan thì vấn đề "phục dựng hay tạo mới" vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi. (Dẫu sao cũng phải nhận rằng tranh cãi là biểu hiện cho sự vận động :)

Xu hướng phổ biến nhất hiện nay là phục dựng. Có nghĩa là người ta sẽ cố gắng khai thác tối đa các bố cục, kiểu thức, vật liệu, phong cách kiến trúc của các thời kỳ lịch sử có liên quan để "xây dựng lại" các quy mô kiến trúc kiểu truyền thống. Sau mấy chục năm bị tàn phá bởi nhiều tác nhân, dấu vết của các danh lam không còn nhiều trên đất nước này; nếu còn thì cũng đã bị lèn cứng bởi sự phát triển quá mức và bị ràng buộc chằng chịt bởi các yếu tố kinh tế, pháp lý. Vô tình, một cách dễ hiểu những dự án về văn hoá lịch sử là cơ hội để tái tạo lại trong không gian những giấc mơ về những khung cảnh từ lâu chỉ còn trong hoài niệm "mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên". Những di sản về kiến trúc hay phong cảnh của đất nước đã trở lên xơ xác và manh mún đến nỗi chỉ cần tái tạo lại được quy mô cổ xưa của quá khứ huyền thoại (vầng, quá khứ và truyền thống luôn có tính cách huyền thoại hoá-dự án dựng phim 3D về phố cổ HN là 1 ví dụ) đã là một kỳ công thực sự.

Nhưng do những điều kiện đặc thù mà dấu vết vật chất của quá khứ còn lại quá ít ỏi để ngày nay có thể dựng lại hình bóng cũ. Chúng ta chỉ có thể chắc chắn về thời Nguyễn, tức là khoảng 200 năm đổ lại đây là tối đa. Những người theo chủ trương phục dựng thực sự gặp phải vấn đề nan giải: sự tầm thường hoá, phi bản sắc của một loạt các dự án tương tự nhau (oái oăm thay, vốn lấy mục tiêu phát huy bản sắc làm đầu). Những nỗ lực vô căn cứ còn lại (*) chỉ khiến cho công trình trở thành một mớ hổ lốn-một kiểu hỗn dung văn hoá (@TQV) một lần nữa chẳng lẽ vẫn là bản sắc Việt? Về điều này, một đại diện của chủ trương tạo mới đã đả kích "3000 năm nữa người ta đào lên chỉ thấy Đinh Lê Lý Trần Lê Nguyễn mà chẳng biết CHXHCNVN là cái gì?" Câu nói khơi khơi giữa hội nghị một Ban thường vụ tỉnh uỷ đủ khiến các bác chính quyền thay đổi chính kiến nhanh đến bất ngờ!

Về chủ trương "tạo mới", phải hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này: ngoại trừ việc không làm gì và việc phục dựng (giả cổ?) thì những cách làm còn lại đều có thể coi là tạo mới (**). Tạo mới trên cơ sở có giữ mối liên hệ với quá khứ. Nhưng tạo mới có vấn đề riêng của nó. Ít ra trong trường hợp giả cổ kia người ta còn có một chuẩn mực, cơ sở để đánh giá giá trị công trình, nhưng để đánh giá những công trình tạo mới thì hầu như mọi chuẩn mực đều mong manh cả. Huống hồ, ít ra công trình giả cổ có thể đáp ứng tức thời nhu cầu không gian văn hoá của đại đa số đám đông trong thời gian ngắn trong khi công trình mới cần có nhiều thời gian hơn để kiểm nghiệm-và không phải mọi thứ đều có thể dễ dàng làm lại. Hơn nữa, bối cảnh hiện nay là khi xã hội đang tìm kiếm lại những điểm tựa trong những giá trị truyền thống càng khiến việc "tạo mới" là một cái gì đó bấp bênh không đáng thử.

Vậy liệu có thể thử đưa ra vài tiêu chí có tính chất xây dựng trong việc ứng xử với di sản của quá khứ? Tạm nghĩ có 2 ý lớn: Một là yêu cầu về tầm nhìn toàn thể và một nữa là về cái tinh thần hướng đến của công việc.

Khi chúng ta nói về 1 công trình thời Lý chẳng hạn, chúng ta cần đặt nó trong bối cảnh "núi lở sông bồi cảnh biến thiên" hàng nghìn năm. Những nguyên tắc về toàn cảnh, điều kiện địa lý thuỷ văn, tỷ xích không gian, bản sắc phong cảnh, địa văn hoá khu vực là những điều cần ưu tiên trước nhất. Toàn thể còn bao hàm một nguyên tắc là: lịch sử cũng như văn hoá là một tiến trình liên tục và không thể tôn tạo một giai đoạn đặc thù bằng cách cô lập nó và xoá bỏ những giai đoạn lịch sử liên tiếp khác. Bảo tồn và phát huy là gì nếu như không phải là để có thể lần giở về đến cội rễ?

Nhưng xuyên suốt những chi tiết rời rạc cần phải có một sự thấu đáo: văn hoá không phải là một thứ nhất thành bất biến. Cái tinh thần lớn nhất của một dự án văn hoá chính là ở chỗ ý thức rằng "Văn hoá đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân mình" và "Chính nhờ văn hoá mà con người tự thể hiện, tự ý thức, tự biết mình; luôn tìm tòi những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt trội lên trên bản thân". (***).

Có vẻ mâu thuẫn nhưng quả thực, một công trình văn hoá phải đảm trách một lúc hai vai trò: làm điểm tựa truyền thống bền bỉ và khiến con người suy xét trở lại về bản thân mình-để đổi mới và vượt lên. Trong một tương quan cụ thể, điều đó sẽ quyết định hình thức biểu hiện của công trình: phục dựng hay tạo mới. Suy cho cùng chả phải tạo mới một cách nào đó sẽ trừu tượng hoá thêm một lần nữa những đặc điểm cụ thể của di sản văn hoá? Và đôi khi, phục dựng làm tái sinh sức sống của tâm thức văn hoá truyền thống đã khô cạn từ lâu. Chính ra bản thân kinh nghiệm của quá trình tranh luận phản biện mới là cái bản sắc đáng kể của một công trình như tháp Tường Long. Tôi nghĩ thay vì bày tượng Phật ở khắp mọi tầng ta nên đưa vào đó các nội dung tranh luận của các nhà nghiên cứu trong quá trình làm việc. Chỉ cần thờ một ông ba phải (****) ở trên cùng thôi!

--------------
(*) - "đặt làm tượng ngọc bên Myanmar...đặc biệt nhất", "tham khảo Đường, Chăm..."
(**) - Chủ đề Di sản và Phát triển là quá rộng để đề cập trong bài này.
(***) - Định nghĩa về văn hoá của UNESCO.
(****) - Ba đại đệ tử của Phật tranh luận về chân lý không dứt, bèn nhờ ngài phân xử. Lần lượt ba vị trình bày Thày đều bảo "phải". Chúng đệ tử tức quá mắng "Thày là đồ ba phải"!

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2009

Thiên nhai vô tửu đối Thanh minh

1. Nghe được câu thơ hay cũng có thể cứu được một ngày vô vị.

Câu thơ dịch "Người cứ buồn thương cỏ cứ xanh" của bác Đông A dịch câu "Nhân tự bi thê thảo tự thanh" trong bài "Thanh minh ngẫu hứng" của Nguyễn Du là một câu thơ hay, nó có thể đứng một mình. Từ chữ "tự" sang chữ "cứ" đã thêm nhiều sắc thái tâm tình. Nhưng sẽ không cảm hết được câu dịch nếu không hiểu câu nguyên bản một chút. "Tự bi", "tự thanh" là từ chính mình mà tự nảy nở ra. Không phụ thuộc vào ngoại giới. Như vậy rồi mới thấy chữ "cứ" kia nó mới càng ngậm ngùi. Lúc trước thăm thẳm hồi sau mang mang.

Lại nghĩ, đã tự chính mình rồi thì can cớ gì còn "thương cỏ cứ xanh"? Câu trả lời về cõi_người_ta không thể là một tri thức thuần tuý được - mỗi người phải tự mình chứng nghiệm thôi.

2. "Nhân tự bi thê thảo tự thanh".

Tôi nhớ lại những tâm tình tuổi trẻ của mình ngày trước. Một nỗi đồng vọng thê thiết, ngậm ngùi.

"Tôi tự buồn rồi tôi sẽ tự vui"

Sự ngộ nhận về chính mình và sự ngộ nhận của những cái mình ngộ nhận. Khi nhận ra đôi chút về nó, tâm cảnh thật khác lạ: Đó là khi người ta đã ngậm cười mà lựa chọn mà nuôi dưỡng cái màu mắt môi Mùa Xuân ở phía trước như là cái cũng đang ngang qua-ngang qua chứ không phải là cái ảo ảnh mơ hồ giả dối của Hy Vọng...

Bây giờ, em nhớ ngày xưa
Bây giờ, tôi nhớ ngày xưa


3.
Trời đất cứ thế, kiếp nhân sinh bất quá chỉ như để lại một vệt trên cánh đồng cỏ xanh. Mùa xuân sang năm lại tươi tốt.

Bài thơ này ngày đó tôi viết để tặng chính tôi
...

Dòng sông trắng và bờ sông cũng trắng
Một vệt người
vô vọng
ngó thời gian.
Và họ chết.
Không còn lạnh nữa.


Lửa bồi hồi trong tim nến
Đêm nghẹn lời nhắc lại một ngày xưa
Rất mơ hồ tôi bắt gặp tứ thơ
Câu chuyện cũ tưởng như không hẳn thế
Tự luân hồi ta đã hẹn mai sau
Em sẽ khóc và sương và giá lạnh
Tôi sẽ đàn và lại hát vu vơ
Bài thơ buồn sẽ tan loãng theo sương
Trăng nhắc nhở bằng màu trăng dịu mát
Tôi tự buồn rồi tôi sẽ tự vui

Ừ -thì sương thì trăng thì chiều hôm nắng nhạt
Ừ -loang chiều là một mái chèo xuôi
Ừ -kỷ niệm, ngày xưa là kỷ niệm

Bây giờ, em nhớ ngày xưa
Bây giờ, tôi nhớ ngày xưa

Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa
Vịn câu thơ

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2009

Đêm tháng sáu uống bia tươi với bạn Deep nói chuyện nghệ thuật và tình zục*

1. Uống bia và tám với bạn Deep cả buổi tối. Chủ đề chuyển liên tục từ bia ngon sang nghệ thuật ẩm tửu đến làm chủ nội thể và cảm nhận ngoại giới trong thể thao, ca múa nhạc...etc. Biết thêm được 1 bí quyết hay của dân đánh golf: làm sao cú quất phải tựa như đấm vào mặt thằng bỏ mẹ đáng ghét nào đó thì ngon!

Hình như có bàn cả về Kinh Dịch-bia tươi 26K 1 vại 300ml chứ có đùa đâu. Bạn bảo tóm lược, ta nói cả cuốn là nói về cái đạo xử thế cho đắc 2 chữ: Thời, Vị (thế). Mỗi quẻ 1 thời, mỗi quái cũng là 1 thời, mỗi hào cũng là 1 thời. Cũng vậy, mỗi quẻ, mỗi quái, hào cũng là 1 vị (thế). Người xưa chiêm nghiệm từng thời vị mà hành xử cho đắc Trung đắc Chính. Chính là ngay thẳng, hợp đạo. Trung là không thiên lệch.

2. Không thiên lệch nên câu chuyện sau đó nhân bộ phim La belle mà bàn về tình zục. Bèn nhắc lại chuyện có bạn bên Tinh Vân đề nghị phong cô giáo Thảo làm điển hình Phụ nữ Việt Nam vì có công khai dân trí cho bao nhiêu thế hệ trai tráng (là phỏng chừng thế) nước nhà. Nghĩ cũng có lý. Chính vì lối giáo dục lệch lạc lờ mờ của nhà trường chúng ta mà nếu như không có sự uốn nắn của Cô và các đồng nghiệp thì không biết bao nhiêu gia đình còn sống đời buồn tênh. Nhưng vì không thiên lệch nên cũng phải nhận rằng việc gọi cô là Cô cũng chưa coi được. Bản thân cô thì cũng không ra gì nhưng nhờ cô mà chúng trai tráng nhận ra tình thế éo le của sinh tồn tồn liên (@Bùi Báng Giùi tiên sinh). Cô trỏ cho ta biết rằng cuộc gùn ghè hằm hè của chúng ta có nhiều lối xưa ngõ hạnh phơi mở mở phơi thấp thoáng sau sa mù. Kết cục cả 2 chúng tôi đều kết luận một cách hết sức đắc Trung (đắc Trung tất đắc Chính) rằng: phim Nhật thì thật nhưng mà thô, còn phim Hàn thì đẹp nhưng lại zởm. Và theo luật Phản Phục, nói chung phim xem 1-2 lần thì chán. Cái gì quá cũng không hay.

3. Cũng vì vui bia vui chuyện quá nên mới không hay là anh LCD đã "thành khẩn thú nhận và xin hưởng khoan hồng". Tình huống này quả có éo le cho anh và nhiều người. Bèn nhủ nếu cứ như tinh thần của Dịch thì đã tự thảnh thơi. Lúc bạn hỏi về phép bói, ta nói cổ nhân không lập thuyết để giải thích hay dự báo mà chỉ quan sát, chiêm nghiệm để điều tiết. Không nên gán cho tương lai sự mầu nhiệm từ những mong muốn hay lo lắng của mình. Xét việc là để xét mình trước. Tuỳ thời tuỳ thế mà hành xử cho đắc Trung đắc Chính. Nếu bạn hỏi mình anh í đúng hay sai, tốt xấu, hay dở thế nào thì thực tình là mình không biết chắc. Mình thấy đời rất éo le...

Đây, còn như quẻ Trạch Thuỷ Khốn nói về lúc nguy khốn thì:

- Khốn: Hanh, Trinh, đại nhân cát, vô cữu. Hữu ngôn bất thân. Dịch : Khốn: Hanh thông. Chính đính như bậc đại nhân (có đức) thì tốt, không lỗi. Dù nói gì cũng không bày tỏ được lòng mình (không ai nghe mình).

Cụ Nguyễn Hiến Lê bình giảng:

- Tuy nhiên, Khảm là hiểm, đoài là hoà duyệt, vậy tuy gặp hiểm mà vẫn vui vẻ hanh thông. Hanh thông chỉ là đối với bậc đại nhân, có đức cương, trung, giữ đạo chính thôi; vì hạng người đó càng gặp cảnh khốn, tài càng được luyện; đức càng được trau, chí càng vững dù có phải hy sinh tính mệnh để thỏa chí nguyện cũng không ngại, thân tuy khốn mà vẫn vui vẻ, đạo của họ vẫn hanh thông, cho nên Hào từ cho là tốt, không có lỗi.

Ở vào thời Khốn, chỉ có cường quyền, không có công lý, nên đừng nói gì cả, càng nói chỉ càng thêm vạ miệng, không biện bạch được gì đâu. Đây là lời khuyên chung, còn bậc quân tử có thể “sát thân dĩ thành nhân” thì lại khác.

Cụ nói nước đôi thế thì hiểu kiểu gì cũng có lý của nó. Thành ra mình nghĩ, như hào lục nói, với ta nên bắt đầu bằng tinh thần thế này:

- Thượng lục: Khốn vu cát lũy, vu niết ngột. Viết động hối, hữu hối, chinh cát. Dịch: Hào trên cùng, âm: Bị khốn vì dây sắn dây leo, khập khễnh, gập ghềnh; tự hỏi rằng; hoạt động thì ân hận chăng? Biết suy nghĩ như vậy thì hành động sẽ tốt.
------------------

(*): Lúc đầu định chỉ tập trung vào vấn đề tình zục, thế quái nào tình zục lại ẩn vào vô thức, lạc sang cả triết với chính trị. Chả hoá ra...

Nhưng mà cái tên entry này nó hiện lên ngay lúc bắt đầu nghĩ. Thế lại hay, mới nghĩ ra vì sao Lưu Quang Vũ lại có 1 bài thơ đặt tên loằng ngoằng như thế "Đêm đông chí...bala...". Chính là ở chỗ không muốn lạc đi đâu cao siêu quá mà khắc in lại cái ram ráp, dấp dáp éo le của thực tại-thực tại là ta đã uống bia uống rượu nói chuyện vĩ mô thành thực và ta nhỏ bé thôi. Nhưng ta thấy ta thế là ta cũng không phải là ta đó nữa rồi. Èo ôi, lại triết.

Lênh đênh ai hát ngoài song cửa
Bài ca thanh bình đêm cũ
“Hoa lá quên giờ tàn
Mây trắng bay tìm đàn”
Ngày xưa yên ấm quá
Trẻ hát đồng dao trên phố
Con trai xách điếu đi cày
Con gái quang liềm gặt lúa
Bao giờ hết loạn người ơi
Cạn cùng nhau chén nữa
Tàn canh là xa xôi
Lòng như vầng trăng nhọn
Chém giữa trời không nguôi

Mình thích đoạn cuối của bài thơ này, đoạn trên chính luận quá. Mà hình như đa số chúng ta đều thích thế: một giấc mơ, một bài đồng dao. Nhưng có thực thế giới tưởng như đồng dao đấy là không tưởng? Hay "sự không tưởng" tiên nghiệm này trong nhận thức chúng ta mới chính là định kiến của một sự giáo dục lệch lạc mù mờ mà sự hiểu biết phải trông chờ đầy may rủi và thậm thụt vào những Cô giáo Thảo???

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2009

Tia sáng cũng có chuyện rút bài?

Trên talawas.org có bài giới thiệu về những bài viết của luật sư Lê Công Định-vừa bị bắt mới đây với tội danh "“có các hành vi cấu kết với bọn cầm đầu phản động nước ngoài chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” và làkẻ phản dân, hại nước“. Việc đâu còn có đó nhưng 1 chi tiết đáng chú ý là thông tin về bài viết "Khai dân trí" của LCĐ trên tạp chí Tia Sáng (báo mạng) đã bị rút xuống. Tôi có thử kiểm tra thì đúng là có bài viết này và đúng là link cũ không còn tồn tại. Không lẽ một tờ như Tia Sáng cũng làm cái việc bôi xoá?

"Một góc nhìn của trí thức"-không lẽ một số trí thức đã đổi chỗ rồi nên góc nhìn thay đổi???

Một bài thơ. Siêu thực.

Federico Garcia Lorca (1898-1936)

Trăng lên

Khi trăng lên
những tiếng chuông tan ra
và những lối mòn
bỗng không xuyên qua nổi

Khi trăng lên
biển lấn sâu vào đất
và trái tim ta cảm giác
một hòn đảo trôi trong cõi vô cùng

Không ai dám ăn những trái cam
dưới một vầng trăng tròn đầy như thế
chỉ trái cây xanh tươi và buốt lạnh
mới có thể chạm hờ lên những viền môi.

Khi trăng lên,
với hàng trăm mặt tựa như nhau,
tận sâu trong góc túi
đồng xu bạc thở dài.


Hải Ngọc dịch.
---------------

Comment: Khổ thứ 3 diễn đạt rất rõ cảm giác bồng bềnh mộng mị của tâm trí. Đặc biệt là sự đối chọi của hình ảnh và cảm giác "xanh tươi và buốt lạnh" với bối cảnh bềnh bồng. Nó diễn đạt cảm giác như là sự khắc khoải dưới đáy của những cảm xúc mơ hồ khác.
---------------

Không hẳn là quá thích nhưng bài thơ này tôi thấy dễ cảm. Gọi nó là thơ siêu thực cũng được nhưng tôi thích nghĩ đơn giản về những bài thơ hay và không hay hơn là những phân chia khác. Ý kiến này hàm chứa mấy ý về thơ mà bản thân tôi vẫn chưa thể triển khai:

- Tính thơ: có 1 cái gì đó phổ quát, như là nhạc điệu của ngôn từ và sâu hơn là nhạc điệu của cảm xúc.
- Một thứ logic đi kèm của cảm xúc, như là trật tự ẩn dụ, sự liên tưởng tự do, quy tắc của những ẩn ức mạnh mẽ...
- Hệ hình tư tưởng, mô thức văn hoá...etc...
--------------

Này em có nhớ

Giấc mơ xưa hoang hoải rồ dại. Khao khát và liều lĩnh. Dè dặt mà phóng túng. Đi không nhìn lại mình và bóng chính mình chỉ trở về trong những giấc mơ u u mang mang hoài vọng. Lạnh rỗng và mệt mỏi. Muốn nức nở giữa màu đen hỗn mang nhưng chính trong mơ vẫn không thể khóc trước ánh lam xanh lay láy trêu người.


Trăng ào ạt tạt rừng cây đổ bóng đen trời. Muốn yên lặng, vĩnh viễn lặn xuống đám lầy trước mặt. Cái gì ngăn ta lại?- Ngay cả khi mơ?


Buổi chiều nhạt nhẽo nổi đoá với chính mình những điều vô vị loãng toẹt. Cười với mình 1 lần soi bóng lạ. Những ám ảnh lập thể tuỳ tiện dễ dãi dán lên báo tường-cũng những thằng xuẩn dục tơ tưởng thiên tài ngẫu nhĩ. Kết quả xổ số chiều nay của thời gian báo tên em trên bảng điện tử ba chiều. Mất cả đêm để chọn áo hợp màu. Đểu thật. Ta nhỉ? - Hờ hờ ta.

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2009

Nhân trường hợp anh Yeon Ha Nam

Phù, tra mãi mới ra tên anh này. Thấy bảo trên mạng chị em ngưỡng mộ chàng nhất. (Quên, một số bác ở nước ngoài thân mến, đây là đang nói về bộ phim "Những nàng công chúa nổi tiếng" của HQ trên VTV3). Nôm na là một anh lính con nhà giàu giấu tông tích đem lòng yêu đại uý già xinh đẹp và gặp 1 số trắc trở. Những gì anh í thể hiện có thể kết luận là:

- Trẻ, có sức khoẻ (hay thức trắng đêm ở đầu ngõ, thỉnh thoảng dầm mưa), lại có điều kiện (em đi Iraq-nghĩa vụ, anh đi I dắc-tự túc).
- Chung tình, hy sinh cao, biết chia sẻ (luôn luôn lắng nghe luôn luôn thấu hiểu), lãng mạn, bất cần-một chút (lăn ra đường vì đau khổ)...etc...

Bỏ qua những tình tiết hình thức túm lại mình cũng đồng ý với chị em phụ nữ là một người đàn ông trẻ, khoẻ, giàu, dẻo dai, hiểu ý đối tác, nhiều động tác phong phú...là rất đáng yêu và ngưỡng mộ. Nhưng mà thực lòng mình cứ tiêng tiếc cho thần tượng của mình: Đại uý Bang. Lại chú thích với các bác chưa biết-anh là một nhân vật phụ, sỹ quan hải quân hơi già (36) đối tượng cạnh tranh của anh Dôn Ha Nam kia (theo diện phụ huynh giới thiệu rồi đi xem mặt). Anh bị đạo diễn và đại uý Na đuổi ra hơi sớm nên mình càng tiếc! Tại sao mình ngưỡng mộ anh-lý do thoạt đầu có vẻ rất đơn giản: mình thích cảnh chàng trai quá lứa gặp cô gái và nói về kế hoạch khi nào chúng mình hôn nhau (thực ra anh ấy bảo sau khi đã ngồi nhìn nhau 1 lần, qua giai đoạn bắt tay/nắm tay ở lần sau thì sẽ tiến xa hơn nữa). Bạn trẻ đừng cười vội-vào cái tuổi của mình bây giờ mình cho đấy là một biểu hiện chín chắn rất cao :D mà chỉ khi nào các bạn đến thời điểm đó sẽ hiểu ra sự vụ đó.

Nhưng lý do nói thật là cũng còn một tí ti. Là thế này... (Từ đây trở đi vận dụng bút pháp phiếm chỉ). Lần nọ, có 1 đại uý Báng cũng bên hải quân đã cũng đi gặp mặt một cô em. Đại uý đến, đại uý uống, đại uý ăn và nói chuyện bâng quơ với đội chân gỗ (ở đời có 4 cái ngu: làm mai, lãnh nợ, nuôi cu, cầm chầu). Rồi khi mọi người đứng dậy chào nhau ra về thì đại uý mất tích một cách đột ngột.


Thật. Dù mình già và có mót đái đến mấy thì cũng không nên như thế chứ. Nhanh không thể tả!!!

Thứ Ba, 9 tháng 6, 2009

Phẩm giá một dân tộc không thể được phát ra bằng những ngôn từ lí nhí. (Blog Osin)


“Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm.

Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm.

Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai.

Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận.

Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích, phỏng có được chăng?”


Trích "Hịch Tướng Sỹ"-Hưng Đạo Vương TQT (Dụ chư tỳ tướng hịch văn)
-----------

Còn nhớ có người đã so sánh đại ý "So với Nam Quốc Sơn Hà thì Hịch Tướng Sỹ vắng bóng thần. So với Bình Ngô Đại Cáo thì HTS vắng bóng dân". Hồi đó tôi cho câu nói đó là độc đáo vì nó thể hiện được biện chứng phát triển nhận thức về quốc gia, dân tộc trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta. Nhưng nay nghĩ lại thì thấy cũng có điểm phải bàn.

Đại Cáo Bình Ngô là một diễn ngôn chính thức của một triều đại mới có vai trò kế tục lịch sử lâu dài của đất nước và nhấn mạnh đến tính chính thống của nó; do vậy khác với tính chất chức năng của NQSH hay HTS nên nội dung đề cập và tinh thần chủ đạo của chúng là không thể so sánh đối chiếu đơn thuần được. Xét về vai trò thì Hịch Tướng Sỹ với Nam Quốc Sơn Hà có chức năng và mục tiêu giống nhau. Đối tượng của nó đều là nhắm tới tướng sỹ của mình (LTK, TQT). Cùng là để khích lệ tướng sỹ nhưng như cách làm của LTK với NQSH là từ chữ Thuật còn như TQT viết HTS là từ chữ Thế. Một bên Kỳ một bên Chính. Ta chưa biết được liệu LTK hay nhà Lý* có những chiếu, hịch như thế nào để so sánh nên cũng khó mà so sánh được một văn bản trong 1 trận chiến với một văn bản trước một cuộc chiến. Nhưng từ những gì còn ghi chép lại thì rõ ràng trong kháng chiến Nguyên Mông ít thấy có những tình tiết liên quan đến sự thần bí để cầu thắng hay mưu thắng.

--------------
(*): về giả thuyết bài thơ này có từ thời Lê Hoàn đánh Tống tôi cho cũng không sáng sủa gì; vì dựa vào văn bản của Lĩnh Nam Trích Quái vốn có từ cuối đời Trần: dẫu truy đến thời LTK hay LH đánh Tống đều quá xa xôi và không khỏi có khả năng pha tạp. Vả lại đây có thể coi như 1 ca phân tích một biểu tượng lịch sử hơn là 1 sự kiện lịch sử.
--------------

Nếu như trong NQSH viện đến ý thức quốc gia (nhưng là Nam quốc sơn hà Nam đế cư), ý thức Nam-Bắc** thì có vẻ như HTS chỉ chủ yếu viện đến quyền lợi, danh dự cá nhân của kẻ làm tướng thì cũng không phải. Nên biết bối cảnh của HTS là vừa sau khi quân của Hưng Đạo Vương thất thế ở Chi Lăng phải lui về Vạn Kiếp nên Vương soạn bài hịch này để khích lệ dũng khí của tướng sỹ. Trước đó chính HĐV đã trả lời câu hỏi của vua Trần "hay là trẫm chịu hàng để cứu muôn dân" là "Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng Tôn-Miếu Xã-Tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng!". Tôn-Miếu Xã-Tắc chính là quốc gia vậy. Chỉ là với chư tỳ tướng là những kẻ dũng phu trong thời loạn lạc lòng người chưa cố kết thì đem chuyện phù hợp mà khích lệ mà thôi.
-------------

(**): Nếu thực tế bối cảnh bài thơ được sử dụng là trong 1 cuộc chiến (hay nó được gán cho là như vậy) thì cái công dụng khích lệ xuất phát từ ý niệm tất thắng do Thiên Mệnh-tại Thiên Thư- chứ không phải chỉ như là ý thức Nam-Bắc.
-------------

Bài này viết nhân chuyện Biển Đông nhiều người nhắc Hịch Tướng Sỹ, nhưng thiết nghĩ, thời thế thay đổi, chuyện quốc gia đại sự phải để nhân dân tự lập Hội nghị Diên Hồng gom góp ý kiến thì lấy ai đủ tư cách để "dụ chư tỳ tướng" đây? Cái "Thế" của nước Nam độ rày là cái Thế nào?

-------------

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2009

Lăn tăn li ti...

Tôi vẫn chưa quen được hoàn toàn với blogspot. Nó vẫn hơi xa lạ và không dễ khiến ta viết lách ba vạ như Y360. Chỉ là vấn đề thói quen mặc dù đã gần như không còn sign in vào Y360. Những ngày đầu lại sẽ bỡ ngỡ và hơi trang trọng. Lần này trên blogspot hầu như không còn friends nào quen biết thực ngoài đời (một cách chính thức thì như vậy). Cũng tại độ này bận hơn nên như thế chăng? Hay đúng ra là lại một lần nữa cái cảm giác "chẳng là ai/chẳng là gì" tái hiện?

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2009

Rú Mọi-Henri Maitre-N'Trang Lơng



Một điều thật tình cờ và oái oăm của thời gian và lịch sử là khi những người làm dự án khu di tích N'Trang Lơng về chiến công của ông đã tìm thấy những tài liệu chi tiết nhất về người M'nong là từ cuốn "Rú Mọi" hay "Rừng người Thượng" của...Henri Maitre!

Cuốn sách là khảo cứu công phu về vùng Tây Nguyên do H.M thực hiện. Hình như ông ta chết cũng chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này! Bản dịch tiếng Việt chỉ có phần thứ 3 (dày cộp), mà chưa có phần đầu-vốn theo kiểu hồi ký, ly kỳ rùng rợn mê li. Đấy là nghe Tây nó đồn thế chứ Ta thì chưa có dịch. Tài liệu này của Viễn Đông Bác Cổ.

Nguyên cái tên của nó là "Rú Mọi" nhưng mà lịch sự với đồng bào nên Ta dịch trang bìa thành "Rừng người Thượng"-bên trong để nguyên.

P/s: có điều đã mua cuốn này mà định đọc thì bà con nên chịu khó mua thêm cái bản đồ Tây Nguyên: Tên địa danh lạ hoắc chi chít như rú mọi, được 1 lúc có mà lạc tiệt.

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2009

Gấu 18 tháng


"tô tô"
Bạn Gấu đi dự soutenance

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2009

ngày trước

Hồi Tưởng

Mưa làm ướt áo em không
Gió se se lạnh có hồng má em?
Thỏi son ngày trước bỏ quên
Hôm nay chắc lại làm ghen hoa đào!
Em còn bên ấy hay sao
Mà sao hương tóc, lúc nào cũng say
Hôm qua anh trót lỡ tay
Bóc nhầm tờ lịch của ngày hôm xưa
Trời mưa,vâng! cũng trời mưa
Chồng em khi ấy... còn chưa là chồng…
NB