Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2009

Đêm tháng sáu uống bia tươi với bạn Deep nói chuyện nghệ thuật và tình zục*

1. Uống bia và tám với bạn Deep cả buổi tối. Chủ đề chuyển liên tục từ bia ngon sang nghệ thuật ẩm tửu đến làm chủ nội thể và cảm nhận ngoại giới trong thể thao, ca múa nhạc...etc. Biết thêm được 1 bí quyết hay của dân đánh golf: làm sao cú quất phải tựa như đấm vào mặt thằng bỏ mẹ đáng ghét nào đó thì ngon!

Hình như có bàn cả về Kinh Dịch-bia tươi 26K 1 vại 300ml chứ có đùa đâu. Bạn bảo tóm lược, ta nói cả cuốn là nói về cái đạo xử thế cho đắc 2 chữ: Thời, Vị (thế). Mỗi quẻ 1 thời, mỗi quái cũng là 1 thời, mỗi hào cũng là 1 thời. Cũng vậy, mỗi quẻ, mỗi quái, hào cũng là 1 vị (thế). Người xưa chiêm nghiệm từng thời vị mà hành xử cho đắc Trung đắc Chính. Chính là ngay thẳng, hợp đạo. Trung là không thiên lệch.

2. Không thiên lệch nên câu chuyện sau đó nhân bộ phim La belle mà bàn về tình zục. Bèn nhắc lại chuyện có bạn bên Tinh Vân đề nghị phong cô giáo Thảo làm điển hình Phụ nữ Việt Nam vì có công khai dân trí cho bao nhiêu thế hệ trai tráng (là phỏng chừng thế) nước nhà. Nghĩ cũng có lý. Chính vì lối giáo dục lệch lạc lờ mờ của nhà trường chúng ta mà nếu như không có sự uốn nắn của Cô và các đồng nghiệp thì không biết bao nhiêu gia đình còn sống đời buồn tênh. Nhưng vì không thiên lệch nên cũng phải nhận rằng việc gọi cô là Cô cũng chưa coi được. Bản thân cô thì cũng không ra gì nhưng nhờ cô mà chúng trai tráng nhận ra tình thế éo le của sinh tồn tồn liên (@Bùi Báng Giùi tiên sinh). Cô trỏ cho ta biết rằng cuộc gùn ghè hằm hè của chúng ta có nhiều lối xưa ngõ hạnh phơi mở mở phơi thấp thoáng sau sa mù. Kết cục cả 2 chúng tôi đều kết luận một cách hết sức đắc Trung (đắc Trung tất đắc Chính) rằng: phim Nhật thì thật nhưng mà thô, còn phim Hàn thì đẹp nhưng lại zởm. Và theo luật Phản Phục, nói chung phim xem 1-2 lần thì chán. Cái gì quá cũng không hay.

3. Cũng vì vui bia vui chuyện quá nên mới không hay là anh LCD đã "thành khẩn thú nhận và xin hưởng khoan hồng". Tình huống này quả có éo le cho anh và nhiều người. Bèn nhủ nếu cứ như tinh thần của Dịch thì đã tự thảnh thơi. Lúc bạn hỏi về phép bói, ta nói cổ nhân không lập thuyết để giải thích hay dự báo mà chỉ quan sát, chiêm nghiệm để điều tiết. Không nên gán cho tương lai sự mầu nhiệm từ những mong muốn hay lo lắng của mình. Xét việc là để xét mình trước. Tuỳ thời tuỳ thế mà hành xử cho đắc Trung đắc Chính. Nếu bạn hỏi mình anh í đúng hay sai, tốt xấu, hay dở thế nào thì thực tình là mình không biết chắc. Mình thấy đời rất éo le...

Đây, còn như quẻ Trạch Thuỷ Khốn nói về lúc nguy khốn thì:

- Khốn: Hanh, Trinh, đại nhân cát, vô cữu. Hữu ngôn bất thân. Dịch : Khốn: Hanh thông. Chính đính như bậc đại nhân (có đức) thì tốt, không lỗi. Dù nói gì cũng không bày tỏ được lòng mình (không ai nghe mình).

Cụ Nguyễn Hiến Lê bình giảng:

- Tuy nhiên, Khảm là hiểm, đoài là hoà duyệt, vậy tuy gặp hiểm mà vẫn vui vẻ hanh thông. Hanh thông chỉ là đối với bậc đại nhân, có đức cương, trung, giữ đạo chính thôi; vì hạng người đó càng gặp cảnh khốn, tài càng được luyện; đức càng được trau, chí càng vững dù có phải hy sinh tính mệnh để thỏa chí nguyện cũng không ngại, thân tuy khốn mà vẫn vui vẻ, đạo của họ vẫn hanh thông, cho nên Hào từ cho là tốt, không có lỗi.

Ở vào thời Khốn, chỉ có cường quyền, không có công lý, nên đừng nói gì cả, càng nói chỉ càng thêm vạ miệng, không biện bạch được gì đâu. Đây là lời khuyên chung, còn bậc quân tử có thể “sát thân dĩ thành nhân” thì lại khác.

Cụ nói nước đôi thế thì hiểu kiểu gì cũng có lý của nó. Thành ra mình nghĩ, như hào lục nói, với ta nên bắt đầu bằng tinh thần thế này:

- Thượng lục: Khốn vu cát lũy, vu niết ngột. Viết động hối, hữu hối, chinh cát. Dịch: Hào trên cùng, âm: Bị khốn vì dây sắn dây leo, khập khễnh, gập ghềnh; tự hỏi rằng; hoạt động thì ân hận chăng? Biết suy nghĩ như vậy thì hành động sẽ tốt.
------------------

(*): Lúc đầu định chỉ tập trung vào vấn đề tình zục, thế quái nào tình zục lại ẩn vào vô thức, lạc sang cả triết với chính trị. Chả hoá ra...

Nhưng mà cái tên entry này nó hiện lên ngay lúc bắt đầu nghĩ. Thế lại hay, mới nghĩ ra vì sao Lưu Quang Vũ lại có 1 bài thơ đặt tên loằng ngoằng như thế "Đêm đông chí...bala...". Chính là ở chỗ không muốn lạc đi đâu cao siêu quá mà khắc in lại cái ram ráp, dấp dáp éo le của thực tại-thực tại là ta đã uống bia uống rượu nói chuyện vĩ mô thành thực và ta nhỏ bé thôi. Nhưng ta thấy ta thế là ta cũng không phải là ta đó nữa rồi. Èo ôi, lại triết.

Lênh đênh ai hát ngoài song cửa
Bài ca thanh bình đêm cũ
“Hoa lá quên giờ tàn
Mây trắng bay tìm đàn”
Ngày xưa yên ấm quá
Trẻ hát đồng dao trên phố
Con trai xách điếu đi cày
Con gái quang liềm gặt lúa
Bao giờ hết loạn người ơi
Cạn cùng nhau chén nữa
Tàn canh là xa xôi
Lòng như vầng trăng nhọn
Chém giữa trời không nguôi

Mình thích đoạn cuối của bài thơ này, đoạn trên chính luận quá. Mà hình như đa số chúng ta đều thích thế: một giấc mơ, một bài đồng dao. Nhưng có thực thế giới tưởng như đồng dao đấy là không tưởng? Hay "sự không tưởng" tiên nghiệm này trong nhận thức chúng ta mới chính là định kiến của một sự giáo dục lệch lạc mù mờ mà sự hiểu biết phải trông chờ đầy may rủi và thậm thụt vào những Cô giáo Thảo???

Không có nhận xét nào: