Thứ Ba, 9 tháng 6, 2009

Phẩm giá một dân tộc không thể được phát ra bằng những ngôn từ lí nhí. (Blog Osin)


“Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm.

Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm.

Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai.

Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận.

Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích, phỏng có được chăng?”


Trích "Hịch Tướng Sỹ"-Hưng Đạo Vương TQT (Dụ chư tỳ tướng hịch văn)
-----------

Còn nhớ có người đã so sánh đại ý "So với Nam Quốc Sơn Hà thì Hịch Tướng Sỹ vắng bóng thần. So với Bình Ngô Đại Cáo thì HTS vắng bóng dân". Hồi đó tôi cho câu nói đó là độc đáo vì nó thể hiện được biện chứng phát triển nhận thức về quốc gia, dân tộc trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta. Nhưng nay nghĩ lại thì thấy cũng có điểm phải bàn.

Đại Cáo Bình Ngô là một diễn ngôn chính thức của một triều đại mới có vai trò kế tục lịch sử lâu dài của đất nước và nhấn mạnh đến tính chính thống của nó; do vậy khác với tính chất chức năng của NQSH hay HTS nên nội dung đề cập và tinh thần chủ đạo của chúng là không thể so sánh đối chiếu đơn thuần được. Xét về vai trò thì Hịch Tướng Sỹ với Nam Quốc Sơn Hà có chức năng và mục tiêu giống nhau. Đối tượng của nó đều là nhắm tới tướng sỹ của mình (LTK, TQT). Cùng là để khích lệ tướng sỹ nhưng như cách làm của LTK với NQSH là từ chữ Thuật còn như TQT viết HTS là từ chữ Thế. Một bên Kỳ một bên Chính. Ta chưa biết được liệu LTK hay nhà Lý* có những chiếu, hịch như thế nào để so sánh nên cũng khó mà so sánh được một văn bản trong 1 trận chiến với một văn bản trước một cuộc chiến. Nhưng từ những gì còn ghi chép lại thì rõ ràng trong kháng chiến Nguyên Mông ít thấy có những tình tiết liên quan đến sự thần bí để cầu thắng hay mưu thắng.

--------------
(*): về giả thuyết bài thơ này có từ thời Lê Hoàn đánh Tống tôi cho cũng không sáng sủa gì; vì dựa vào văn bản của Lĩnh Nam Trích Quái vốn có từ cuối đời Trần: dẫu truy đến thời LTK hay LH đánh Tống đều quá xa xôi và không khỏi có khả năng pha tạp. Vả lại đây có thể coi như 1 ca phân tích một biểu tượng lịch sử hơn là 1 sự kiện lịch sử.
--------------

Nếu như trong NQSH viện đến ý thức quốc gia (nhưng là Nam quốc sơn hà Nam đế cư), ý thức Nam-Bắc** thì có vẻ như HTS chỉ chủ yếu viện đến quyền lợi, danh dự cá nhân của kẻ làm tướng thì cũng không phải. Nên biết bối cảnh của HTS là vừa sau khi quân của Hưng Đạo Vương thất thế ở Chi Lăng phải lui về Vạn Kiếp nên Vương soạn bài hịch này để khích lệ dũng khí của tướng sỹ. Trước đó chính HĐV đã trả lời câu hỏi của vua Trần "hay là trẫm chịu hàng để cứu muôn dân" là "Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng Tôn-Miếu Xã-Tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng!". Tôn-Miếu Xã-Tắc chính là quốc gia vậy. Chỉ là với chư tỳ tướng là những kẻ dũng phu trong thời loạn lạc lòng người chưa cố kết thì đem chuyện phù hợp mà khích lệ mà thôi.
-------------

(**): Nếu thực tế bối cảnh bài thơ được sử dụng là trong 1 cuộc chiến (hay nó được gán cho là như vậy) thì cái công dụng khích lệ xuất phát từ ý niệm tất thắng do Thiên Mệnh-tại Thiên Thư- chứ không phải chỉ như là ý thức Nam-Bắc.
-------------

Bài này viết nhân chuyện Biển Đông nhiều người nhắc Hịch Tướng Sỹ, nhưng thiết nghĩ, thời thế thay đổi, chuyện quốc gia đại sự phải để nhân dân tự lập Hội nghị Diên Hồng gom góp ý kiến thì lấy ai đủ tư cách để "dụ chư tỳ tướng" đây? Cái "Thế" của nước Nam độ rày là cái Thế nào?

-------------

Không có nhận xét nào: