Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009

Phỏng dựng hay tạo mới?


Báo Vietnamnet có bài về việc phỏng dựng tháp Tường Long theo kiểu thời Lý.

Những dự án văn hoá lịch sử như thế này gần đây xuất hiện khá phổ biến. Mục tiêu chung của các dự án thường đều là "bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá lịch sử của di tích". Đặc thù của những dự án loại này thường có mấy cái khó:

Văn hoá là thứ trừu tượng mơ hồ nên rất khó ra quyết định: Ai cũng cảm thấy có thể nói về nó một ít trong khi công trình kiến trúc là một thực thể vật chất nằm chình ình trong không gian ba chiều. Nhà văn hoá học có thể tuyên bố "văn hoá là cái còn lại" với viễn kiến hàng trăm năm nhưng công trình lại là "cái xây mới" và nó có một tiến độ thực hiện phụ thuộc khá sít sao vào tiến độ giải ngân của vốn ngân sách (thường là chạy mãi mới được ghi vốn trong năm kế hoạch). Hậu quả là rất khó để thống nhất các ý kiến để ra được quyết định thấu đáo đối với các vấn đề của dự án xây dựng. Một quyết định mà như ông Phan Huy Lê đã nhận định "Không thể dùng kết quả biểu quyết trong trường hợp này, đa số không thể quyết định chân lý".

Ở một khía cạnh khác, nói "tiếp cận văn hoá trong sự vận động và phát triển biện chứng của nó" thì dễ nhưng phương án đưa ra là gì, làm thế nào...thì lại là một thách đố chung cho mọi dự án xây dựng có liên quan về văn hoá lịch sử. Nôm na hơn, luôn có sự đấu tranh khá căng thẳng của 2 trường phái chủ đạo: phục dựng hay tạo mới? Giả thiết rằng người ta luôn tuân thủ các vấn đề về bảo vệ giá trị khảo cổ của di tích thì những dự án công trình được triển khai trên bối cảnh chủ đề liên quan thì vấn đề "phục dựng hay tạo mới" vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi. (Dẫu sao cũng phải nhận rằng tranh cãi là biểu hiện cho sự vận động :)

Xu hướng phổ biến nhất hiện nay là phục dựng. Có nghĩa là người ta sẽ cố gắng khai thác tối đa các bố cục, kiểu thức, vật liệu, phong cách kiến trúc của các thời kỳ lịch sử có liên quan để "xây dựng lại" các quy mô kiến trúc kiểu truyền thống. Sau mấy chục năm bị tàn phá bởi nhiều tác nhân, dấu vết của các danh lam không còn nhiều trên đất nước này; nếu còn thì cũng đã bị lèn cứng bởi sự phát triển quá mức và bị ràng buộc chằng chịt bởi các yếu tố kinh tế, pháp lý. Vô tình, một cách dễ hiểu những dự án về văn hoá lịch sử là cơ hội để tái tạo lại trong không gian những giấc mơ về những khung cảnh từ lâu chỉ còn trong hoài niệm "mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên". Những di sản về kiến trúc hay phong cảnh của đất nước đã trở lên xơ xác và manh mún đến nỗi chỉ cần tái tạo lại được quy mô cổ xưa của quá khứ huyền thoại (vầng, quá khứ và truyền thống luôn có tính cách huyền thoại hoá-dự án dựng phim 3D về phố cổ HN là 1 ví dụ) đã là một kỳ công thực sự.

Nhưng do những điều kiện đặc thù mà dấu vết vật chất của quá khứ còn lại quá ít ỏi để ngày nay có thể dựng lại hình bóng cũ. Chúng ta chỉ có thể chắc chắn về thời Nguyễn, tức là khoảng 200 năm đổ lại đây là tối đa. Những người theo chủ trương phục dựng thực sự gặp phải vấn đề nan giải: sự tầm thường hoá, phi bản sắc của một loạt các dự án tương tự nhau (oái oăm thay, vốn lấy mục tiêu phát huy bản sắc làm đầu). Những nỗ lực vô căn cứ còn lại (*) chỉ khiến cho công trình trở thành một mớ hổ lốn-một kiểu hỗn dung văn hoá (@TQV) một lần nữa chẳng lẽ vẫn là bản sắc Việt? Về điều này, một đại diện của chủ trương tạo mới đã đả kích "3000 năm nữa người ta đào lên chỉ thấy Đinh Lê Lý Trần Lê Nguyễn mà chẳng biết CHXHCNVN là cái gì?" Câu nói khơi khơi giữa hội nghị một Ban thường vụ tỉnh uỷ đủ khiến các bác chính quyền thay đổi chính kiến nhanh đến bất ngờ!

Về chủ trương "tạo mới", phải hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này: ngoại trừ việc không làm gì và việc phục dựng (giả cổ?) thì những cách làm còn lại đều có thể coi là tạo mới (**). Tạo mới trên cơ sở có giữ mối liên hệ với quá khứ. Nhưng tạo mới có vấn đề riêng của nó. Ít ra trong trường hợp giả cổ kia người ta còn có một chuẩn mực, cơ sở để đánh giá giá trị công trình, nhưng để đánh giá những công trình tạo mới thì hầu như mọi chuẩn mực đều mong manh cả. Huống hồ, ít ra công trình giả cổ có thể đáp ứng tức thời nhu cầu không gian văn hoá của đại đa số đám đông trong thời gian ngắn trong khi công trình mới cần có nhiều thời gian hơn để kiểm nghiệm-và không phải mọi thứ đều có thể dễ dàng làm lại. Hơn nữa, bối cảnh hiện nay là khi xã hội đang tìm kiếm lại những điểm tựa trong những giá trị truyền thống càng khiến việc "tạo mới" là một cái gì đó bấp bênh không đáng thử.

Vậy liệu có thể thử đưa ra vài tiêu chí có tính chất xây dựng trong việc ứng xử với di sản của quá khứ? Tạm nghĩ có 2 ý lớn: Một là yêu cầu về tầm nhìn toàn thể và một nữa là về cái tinh thần hướng đến của công việc.

Khi chúng ta nói về 1 công trình thời Lý chẳng hạn, chúng ta cần đặt nó trong bối cảnh "núi lở sông bồi cảnh biến thiên" hàng nghìn năm. Những nguyên tắc về toàn cảnh, điều kiện địa lý thuỷ văn, tỷ xích không gian, bản sắc phong cảnh, địa văn hoá khu vực là những điều cần ưu tiên trước nhất. Toàn thể còn bao hàm một nguyên tắc là: lịch sử cũng như văn hoá là một tiến trình liên tục và không thể tôn tạo một giai đoạn đặc thù bằng cách cô lập nó và xoá bỏ những giai đoạn lịch sử liên tiếp khác. Bảo tồn và phát huy là gì nếu như không phải là để có thể lần giở về đến cội rễ?

Nhưng xuyên suốt những chi tiết rời rạc cần phải có một sự thấu đáo: văn hoá không phải là một thứ nhất thành bất biến. Cái tinh thần lớn nhất của một dự án văn hoá chính là ở chỗ ý thức rằng "Văn hoá đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân mình" và "Chính nhờ văn hoá mà con người tự thể hiện, tự ý thức, tự biết mình; luôn tìm tòi những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt trội lên trên bản thân". (***).

Có vẻ mâu thuẫn nhưng quả thực, một công trình văn hoá phải đảm trách một lúc hai vai trò: làm điểm tựa truyền thống bền bỉ và khiến con người suy xét trở lại về bản thân mình-để đổi mới và vượt lên. Trong một tương quan cụ thể, điều đó sẽ quyết định hình thức biểu hiện của công trình: phục dựng hay tạo mới. Suy cho cùng chả phải tạo mới một cách nào đó sẽ trừu tượng hoá thêm một lần nữa những đặc điểm cụ thể của di sản văn hoá? Và đôi khi, phục dựng làm tái sinh sức sống của tâm thức văn hoá truyền thống đã khô cạn từ lâu. Chính ra bản thân kinh nghiệm của quá trình tranh luận phản biện mới là cái bản sắc đáng kể của một công trình như tháp Tường Long. Tôi nghĩ thay vì bày tượng Phật ở khắp mọi tầng ta nên đưa vào đó các nội dung tranh luận của các nhà nghiên cứu trong quá trình làm việc. Chỉ cần thờ một ông ba phải (****) ở trên cùng thôi!

--------------
(*) - "đặt làm tượng ngọc bên Myanmar...đặc biệt nhất", "tham khảo Đường, Chăm..."
(**) - Chủ đề Di sản và Phát triển là quá rộng để đề cập trong bài này.
(***) - Định nghĩa về văn hoá của UNESCO.
(****) - Ba đại đệ tử của Phật tranh luận về chân lý không dứt, bèn nhờ ngài phân xử. Lần lượt ba vị trình bày Thày đều bảo "phải". Chúng đệ tử tức quá mắng "Thày là đồ ba phải"!

Không có nhận xét nào: