Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Đọc NHT - Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn

Làm loạt bài tập viết ngắn - tóm tắt. Khả năng nói ngắn gọn, rõ ràng và đơn giản cho thấy anh hiểu vấn đề đến đâu.
--------------

Tôi đã nảy ra ý thú viết - tập thể dục - về bài tiểu luận của NHT là do hôm đó bên facebook bác GM có dẫn link. Tiểu luận này đọc xong có cảm giác rất rõ về văn mạch, khí chất và gợi ra nhiều ý tưởng nhưng đồng thời cũng là sự mơ hồ khó nắm bắt: cảm giác không yên tâm khi tính hấp dẫn của một tiểu luận lại đến từ tính văn chương của nó.

Bây giờ tôi thử viết thật ngắn lại nội dung của bài tiểu luận này theo chỗ hiểu của tôi:

Nhà văn cần sáng tác không chỉ bằng trực giác mà phải sáng tạo với lý luận phê bình văn học của riêng mình. Lý luận phê bình văn học phải là/chính là sự tự ý thức (nội tâm) của nhà văn, của con người anh ta - con người chính trị, sống toàn thể (như mẫu hình của Khổng Tử). (Chính trị là một điều kiện của tồn tại, không phải là một vấn đề). Theo đó giá trị cao nhất của con người theo mẫu này là: tính bản thiện, điều tiết với xã hội (nền chính trị) theo lẽ hài hòa của tự nhiên (phân biệt nghĩa và lợi). Trong thời nay, chính trị tốt là có Dân chủ và Kinh tế lành mạnh. Con người chủ toàn này sẽ có tâm linh hướng thượng (không mê tín) và cảm thức về cái Đẹp như là biểu hiện của sự hài hòa. Đối với đất nước, dân tộc thì nhà văn là người có sứ mệnh thức tỉnh ý thức về chân lý của mọi người - ở vị thế ở giữa hiểu được con người tự nhiên (bản năng) và con người xã hội (chính trị đương thời).
-----------------

Xong.

Đối chiếu với những liệt kê trên thì về cơ bản theo NHT đa số là bọn cuồng giản, con ranh hoặc mục đồng. Phần còn lại thì đau đớn, vất vả, vật vã, thất bại, hoang mang :P

carnets

- NHT không thực sự triển khai theo lối luận đề mà là một khai triển liên tục theo mạch và có phần tản mạn. Nhưng vì vậy sẽ không thể đơn thuần phân tích/phản biện theo kiểu một tiểu luận mà cần xem xét khía cạnh ám chỉ, khơi gợi của nó.

- Ngay từ đầu đã ngầm định về một xã hội, thể chế ổn định (kéo dài) do đó hệ quả tất yếu sẽ là triết lý điều tiết, tư tưởng chủ toàn. (đọc thấy dấu vết Francoise Jullien, Cao Xuân Huy).

- Liệt kê vài cái tên ngay mở đầu. Lựa chọn như vậy có tiêu biểu? (lịch đại: TK19 Phương Tây, cổ đại Phương Đông) (đôi khi nó cho thấy học vấn người viết).

- Khởi đi bằng nhận thức về vị trí, tư thế cá nhân:
(+) Dẫn Khổng Tử với "chính danh" - nhưng lại nói về cơ sở lý luận - rồi lại dẫn Lê nin, cách mạng -> sự rút gọn nhãn quan hợp nhất chủ toàn: con người-tự nhiên-xã hội -> không chia tách các lĩnh vực, trong truyền thống con người quân tử. (có thể nhận ra những cố gắng vượt qua lối phân chia đối nghịch giữa văn nghệ - chính trị).

(+) Mệnh đề về con người: làm người là trở về toàn diện với tính bản thiện (hàm ý vượt quá tính nhân văn thông thường). - làm việc nghĩa (vô thượng mệnh lệnh). Những ý niệm (nghĩa, mệnh. lòng không nỡ) là những nhận thức được làm mới (F.J) trong chiều kích với toàn thể. -> Hậu quả là để móc nối trở lại với mỹ cảm nghệ thuật thì phải mượn mô hình Chân-Thiện-Mỹ. (trong này câu dẫn Đạo Đức Kinh hình như sai "Đạo hữu đạo...").

- Theo mạch "chủ toàn - điều tiết" này: người - đấy là con vật chính trị - diễn giải Tự nhiên/Xã hội -> văn học giải quyết tương quan này. (thực ra bước chuyển khái niệm này không tự nhiên đến thế vì ranh giới chính trị và tự nhiên là quá hàm hồ). 

- Bổ sung: hợp nhất chính trị - lẽ sống: tức là có vẻ giữa chiều kích xã hội và cá nhân. -> Chính trị - vương đạo = dân chủ + kinh tế lành mạnh. (đơn giản hóa đến mức không có nội hàm để thảo luận). - Thậm chí hợp nhất với vũ trụ.

- Tất yếu sẽ dẫn đến mệnh đề về tư cách con người của nhà văn:

(+) Nhà văn chính hiệu thì trước hết là con người chân chính.
(+) Sáng tác là phương cách hiện sinh của nhà văn "khi các nhà văn coi sáng tác nằm trong mệnh của họ"

- Một lần nữa, những cái tên: Nietzsche và JPS (hợp thời VN quá lâu - hiện sinh, người thật là người), Nguyễn Trãi, Nguyễn Du (thương hiệu) Ngô Thì Nhậm (thiền).

- Như đã suy luận: Chân-Thiện-Mỹ phải đến. Lần này tăng thêm cường độ hợp nhất bằng vẻ đẹp chính trị mà hầu như hiển nhiên nằm ở sự hài hòa - một đại tự sự. Vì không nói ra nên tiếp theo sẽ phải là về sự thất bại của nhà văn trong thế giới quan chủ toàn này. - Hệ quả là phải thêm vào vai trò của bên thứ ba trong sự phân chia "tự nhiên - xã hội" (từ Không sang Có đã thành ba).

- Liên tưởng về vấn đề thân phận chính trị của nhà văn (nhất là bối cảnh những năm 90s).

- Đáng ra là một bằng chứng về lẽ sống hợp nhất - nhà văn chỉ còn là một người thất bại (biết không làm được vẫn làm) - giá trị còn lại gì? - ở kẻ khác (độc giả) - nhưng như thế nào thì diễn đạt không rõ lắm.

- Như sự sụp đổ Đại tự sự đã dự báo, rồi NHT phải rút gọn quy mô chân lý xuống cấp độ tự ý thức.

- Nhưng vì tư tưởng về 1 đoàn người nên câu hỏi vai trò nhà văn bật ra: vì là một nhà văn "tức là một người thất bại chủ nghĩa" nên ông (NHT) nhận ngay chân cuối đoàn và bắt đầu nói về người khác, vị trí khác:

(+) Sự thấp kém của văn sỹ phương Đông? (Nhưng Nho sỹ thì khác).
(+) Tất yếu chỉ còn ở khả năng tự thức tỉnh (mà sau này hình như chỉ còn lại là sự trải nghiệm. Trải nghiệm và đào luyện có sắc thái rất khác nhau).

- Nhân dân yêu chuộng nhà văn vì chân lý? (xu hướng đồng nhất hóa mọi thứ vào 1).

Bài tiểu luận về sự đòi hỏi trong tư tưởng nhà văn của NHT cho thấy xu hướng triết lý Phương Đông được làm mới và gợi cảm hứng từ những tác giả F.J, E.F về tính toàn thể trong lẽ sống của con người mà văn chương có vẻ là phương cách biểu hiện. Có điều chẳng có chút tương tác nào với phần còn lại của lịch sử lý luận phê bình văn học cả ^^




Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Người thơ ăn vận như trăng

Bài viết từ hồi 4-5 năm trước.
-----------------------------

Mỗi ngày tôi chọn 1 niềm vui...


Có nên viết lại (và liệu có thể?) những cảm nghĩ đang lan man lăn tăn trong tâm trí mình này không? 

Vì mình vừa chạm nhẹ vào khoảnh khắc mà thốt nhiên mọi điều đều sáng tỏ minh bạch. Về cuộc đời. Về những gì mình đã/đang cảm nhận-như về những nét nhạc của TCS, những vần thơ BG. Về việc diễn giải để trả lời cho câu hỏi (băn khoăn) của chị HY-rằng ta có hiểu giống nhau không từ một sự vụ nọ.

Thường khi là lúc nửa đêm hay tàn canh bất chợt tỉnh giấc, trong tâm trí mình ngân nga 1 đoạn dài tự sự, như 1 bài luận văn đang trầm bổng bên trong. Về một điều gì rất hay, lạ và thoáng qua. Mình tỉnh dậy, tái hiện lại trong mơ màng. Biết rõ nếu tỉnh ra sẽ quên hay bất lực để níu kéo. Dù là viết ra hay nói thành lời.

Vừa rồi mình lại tỉnh giấc khi trong tâm trí ngân nga giai điệu "mỗi ngày tôi chọn một niềm vui" (của TCS) từ 1 đoạn quảng cáo của ACB Bank trên TV. Hồi trước mình đã chú ý nó vì khung hình sạch, đẹp, gọn gàng, khoẻ khoắn. Đi kèm là cách hát mới mẻ, trẻ, khoẻ khoắn, thoát ra như dòng suối đổ vậy. Nó hợp và mới. Cả về âm sắc cũng như nội dung. Dù xa lạ với ngữ cảnh gốc của bài hát đến nhường nào.

Mình nằm miên man và tưởng tượng đến giọng TCS hát mấy câu này. Giọng hát nhẹ và hơi yếu nên thường xử lí cao độ bằng cả âm sắc và lấy hơi bằng kỹ thuật rất tự nhiên. Câu hát sẽ nhẹ nhõm, thong thả và giàu âm sắc. Run rẩy, thoảng qua, phân vân, vô định như tơ mây...là 1 điều gì đó vân vi bất hoặc của 1 dòng xúc cảm không giới hạn. Miên viễn, thảng hoặc và lồng lộng. Con người nhỏ bé và yếu đuối. Rung rinh chạm nhẹ vào điều đó. Cũng nhẹ nhàng như mây. Con người phân vân và hoang mang. Rụt rè, khẽ khàng chạm vào nó. Chút tình như gió thoảng. Nghẹn ngào nhỏ lệ giữa buổi chiều lồng lộng. Giữa thinh không vô cơn cớ.

Rồi mình nghĩ đến giọng hát của KL. Nếu cô hát sẽ thế này: giống trong đoạn quảng cáo kia về sự liền lạc của giai điệu, nhác giống màu phân vân trong sắc thái nhả âm từ cách hát TCS. Nhưng nó chỉ nhàu nhĩ, mê muội, đáng thương cảm mà không tự thức. Phải, điều khác biệt lớn nhất chính là sắc thái tự thức, tự nội, run rẩy mà dạn dĩ, phân vân lại quả quyết, hoang mang và khoáng đãng-không đầu không cuối, vô thường mà thường, vô cớ mà lại tự nguồn căn rất xa xôi đâu đó muôn thuở gió. Vì thế cả 2 cách kia đều thiếu sự khiêm nhường vô ngã vô tỉ li ti thơ thẩn đây đó nọ kia giữa dòng đời oàm oạp tứ bề.

Tất cả là vì trải nghiệm, nguồn cơn, thời khắc không đồng tuy cùng khởi ra từ 1 nét giai điệu "tén tèn ten tẻn tẹn tèn ten". Nếu đường ký âm đầu của giai điệu trơn tru liền lạc và thanh thoát khoẻ khoắn thì đường ký âm của cách hát KL sẽ tiêu tao run rẩy hao hao 1 đường. Nhưng cách hát TCS có lẽ sẽ khác. Từng chỗ 1 đang lên sẽ có bề đi xuống, đang ngang bỗng ngửa, đang đứng bỗng ngồi. Thoảng hoặc, đậm nhạt vô hồi. Mỗi lát cắt đều tiêu tao thanh thoát. Nhưng chẳng có 1 tổng thể nào cả.


Rồi mình nghĩ về những vần thơ của BG. Cũng cùng 1 sự vụ phiêu bồng, sơ khởi miên viễn như nhau. Cũng vô cơn cớ và không hình hài. Cũng những tâm sự riêng tây rưng rưng thoắt nhiên chạm nhẹ vào hư vô. Cũng đương nhiên thấy riêng đời mình là không đáng kể. Cũng mịt mù trong ngộ nhận tả tơi. Ngộ nhận là đương nhiên phải thế. Và lật mặt kia là sương khói vô bề của vô ngã vô thuỷ vô chung.

Em không nghe mùa thu
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng rơi


Nên chi tương phùng ngẫu nhĩ gặp nhau thì xướng hoạ thản nhiên. Rồi lại miên man vô căn cớ. Trong nỗi tự nội đau đáu khôn cùng. "Xin chào nhau giữa con đường/Mùa xuân phía trước miên trường phía sau".

Người thơ ăn vận như trăng. Cái người thơ ân cần nâng niu là xướng hoạ thản nhiên chứ chẳng phải chỗ nguồn cơn này nọ, Và đầu kia của cán cân tinh thần không phải là một đối lập. Thực ra là bên kia. Bên kia là nguồn cơn đa đoan, phân vân, bộn bề giữa đời oàm oạp tứ bề. Đa đoan là duyên cớ mọi điều. Và nỗi đau là sợ mình hết đa đoan. Lại ghét mình đa đoan. Vì ngã mạn còn đầy. Mà xem trong sổ đoạn trường có tên.

Ô hay đất bằng mà có sóng. Vần vụ ba đào xoáy xiết tâm can. Mà cũng chỉ như vừa thoảng qua 1 giấc ngủ trưa hè. Đấy là sự vụ đa đoan ngang ngược ngửa ngang của một niềm an ủi thanh thản vô chừng.

Người thơ ăn vận như trăng
Chiều tàn nắng cũng quy y cuối trời

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Khởi động

Trong loạt sách mới mua (khoe khéo) có 2 quyển Ai&Ky. Có những lý do sau:

- Mua 2 cuốn để có thể tặng ai đó có trẻ con.

- Mua vì minh họa dễ thương.

- Để sau này dứ dứ cho bọn nhóc (khi nó đi học) bảo "Đấy ông NBC cũng được cho ăn đi học như bay đấy" :P  - Vụ này sẽ trở thành 1 cas rất thú vị để suy nghĩ: liên tưởng đến cảnh các bà đi chợ ngày xưa nhặt được mảnh giấy có chữ Nho thì mang về cất ban thờ (@Phan Khôi đại lão gia).

- Hy vọng nó cũng đem lại cho trẻ con cảm giác như khi mình học lớp 3 và đọc Tò mò đến xứ sở kỳ lạ.

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Mày đừng buồn khi cô ấy yêu tao
Làm sao được đời luôn là vậy
Một người yêu, yêu một người thôi
Tao cũng đã buồn nhiều như thế
Khi cái nhìn ba đứa gặp nhau

Tao với mày-thân phiêu bạt
Hai bến trời rượu uống cả cho nhau
Từ độ ấy, mày Nam tao Bắc
Chung mùa trăng và chung một ngày mưa
Ngày mưa cũ, vuốt mặt cười mày kể đã mê say
Hơi rượu ấm bừng sáng ở trên đầu
Tao gật gù, rồi sẽ đến phiên tao
Mà nói thế ai ngờ lại nhanh thế
Tao ngập ngừng..tao sợ tao sai
Đường tao chọn, mình tao còn thấy khổ
Có mày rồi, tao thấy đủ hai tay
Thêm ai nữa, thêm làm chi nữa
Thân lạc loài-tay trắng nỗi hoài nghi
Rồi
ba người
một lối đi
Ngỡ hạnh phúc đâu đây mà diệu vợi
Đã vui nhiều khi ba đứa bên nhau
Rồi quay đi ba khoảng trời cô độc
Nỗi buồn này trong sáng biết bao nhiêu
Giờ
mình tao
mải miết bên chiều
Xòe bàn tay đi mãi cùng khát vọng
Bến bờ nào vĩnh viễn có bình yên
Ở nơi đó có tình yêu không nhỉ
Sẽ đón mày và cô ấy cùng sang..

Nhìn cơn gió có còn thương mến cũ
Nắng ngang chiều trông nắng vãn bên sông..