Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

Mình chúc nhau câu gì

1.
Chúc nhau bình an nhé :)

2.
Những lúc thế này mình muốn tỏ ra vô sự, nói những chuyện bâng quơ, như thể ngày xưa làm dáng với gái í. Cho có cảm giác thật là thú vị.

3.
Nên mình lại post lại bài thơ này của NBP. Tiện tay thôi. Nhưng mình thích :P



Ban mai - Nguyễn Bình Phương


Trong thời khắc cuối cùng của mùa đông
Anh giã từ chính mình thật khẽ khàng
Và anh là núi đồi mơ màng
Chưa lìa xa bóng tối

Ở bên kia lá từ từ rơi
Trên những nóc nhà nghiêng nghiêng trên cánh tay buông hờ sau rèm vải
Một người ngước nhìn quá khứ bằng cái nhìn thân ái
Người ấy chính là anh
Anh là núi đồi mơ màng

Những ánh sáng lặng im soi một phần quên lãng
Như lặng im chiếc cần câu chờ bí mật diệu kỳ vung lên từ nước
Như hình hài một con đường và anh, con đường đi ngược
Vang xa cùng dải ngân hà

Em thân yêu người làm anh nghiêng ngả
Sao bỗng nhiên em chẳng nói câu gì
Biển đã chết sau rất nhiều lo nghĩ
Biển trả cho đêm một ảo ảnh chòng chành
Trong sương sớm ban mai còn lại mình anh
Hình bóng cũ của trái tim bé nhỏ
Đập bâng quơ trên những dải mây mờ .

Thấy đời là không. Thật là quý hóa.

1.
Hai hôm nay uống nhiều rượu. Uống đến gần say, nói năng hành động phóng túng bạt mạng, hát hò ầm ĩ. Cũng vì là đi chơi với bạn bè thân quen. Cũng vì trả lại những căng thẳng công việc thời gian vừa rồi. Cũng vì vừa ốm dậy, "thấy đời là hư ảo", muốn gì thì cứ làm đại đi.

Xem phim "Bình minh Đại Đường" đến đoạn Đường Thái Tông khóc Lý Tịnh chết. Hồng Phất múa điệu múa người Hồ cho tướng quân xem lần cuối. Ông lão lẩm bẩm "Ngày xưa cưỡi ngựa chém giết người ta chứ có hiểu họ nghĩ gì đâu. Bây giờ nghe nhạc mới thấy thật nhiều điều.". Khen nàng múa đẹp rồi lăn ra chết. Xem phim đọc sách nhiều dễ có ảo tưởng về cái chết được bố cục như vậy. Rồi thấy cuộc đời có ý nghĩa. Chỉ cần nhìn ra xung quanh hay nhớ lại 1 chút sẽ khác: đa số mọi người đều lăn ra chết theo những cách rất vớ vẩn và lãng xẹt. Ngày trước còn trẻ, chính ra lại hay suy nghĩ nhiều về cái chết. Có lẽ vì lúc trẻ người ta thấy cái chết nó ở xa quá nên không có kinh nghiệm gì cả. Thậm chí mình đã từng 2 lần đêm rằm tháng 7 đi ra nghĩa địa để thử tìm ma! Nhưng sau này càng ngày càng ngại nghĩ và nói về chủ đề này. Sợ sái, sợ gở, điềm báo vớ vẩn...etc. Nói chung là bắt đầu thấy sợ-cái nỗi sợ cổ xưa và tăm tối đầy bản năng chứ chẳng màu mè triết lý gì ở đây. Ngồi mà nghĩ thì sẽ có thể nói ngay ra được vấn đề trực diện với bản tâm thế nào. Nhưng nỗi sợ là một kinh nghiệm chứ không phải 1 lập luận.

Từ rất lâu rồi mình đã đôi lần tưởng tượng về những giây phút cuối cùng của cuộc đời sẽ như thế nào. Thầm nghĩ giá như có thể ngồi kiết già kiên cố và tự chủ mà ra đi. Nhưng những lúc ốm đau thì chỉ đơn giản là bệt ra và hỗn loạn. Tri kiến không có chút giá trị gì cả! Rồi những ngày ở cái tuổi 30 này, hốt nhiên có lúc suy nghĩ lẩn thẩn: nếu như ta chỉ sống được dăm năm nữa thay vì vài chục năm. Ta sẽ làm gì? Nghĩ đến ai? Cũng chẳng xa xôi gì, bác ruột mình mất năm 36 tuổi vì ung thư. Hay như câu chuyện của bạn mình cũng cứ làm ám ảnh mãi. Chồng bạn mất vì bệnh gan, cái chết ập 1 nhát, chỉ trong vòng 10 ngày. Lúc bạn hỏi chồng có dặn lại gì không thì anh chỉ biết khóc. Nước mắt ngập ngụa. Mình cứ thắc mắc tại sao lúc sinh tử quan đầu như vậy mà anh lại không dặn lại điều gì-dù chỉ là hình thức để vợ con có điều mà nương tựa. Chỉ có thể giải thích bằng sự bối rối không hề được chuẩn bị để đối mặt với cái gọi là số phận. Định mệnh bắt đầu sau cái chết.

Khi nghĩ thoát ra khỏi cái ám ảnh sống mãi thì cuộc đời nhìn lại cũng chẳng đáng là bao. Nhớ lại cái chết của 1 bloger năm trước. Một cái chết được tường thuật. Một nỗ lực khôn cùng để chống lại sự vô nghĩa, phi lí của số phận. Hoá ra mình nghĩ nhiều nhất đến con. Thật là nước mắt chảy xuôi. Đứa con làm cho chúng ta cảm giác về sự kéo dài của cuộc sống. Nhưng từ khi hài nhi đầy tuổi tôi thì đã xuất hiện nhu cầu được cho chơi với bạn để phát triển rồi. Vậy là cái phần của cha mẹ thực tế cũng ít ỏi. Cái khó là làm sao đừng để đứa con lớn lên với gánh nặng số phận đầy áp đặt. Cha mẹ để lại nhiều dấu vết quá chưa hẳn đã tốt. Mỗi 1 sinh mệnh phải tự gánh lấy cuộc đời của chính mình. Cái ý tưởng là viết trước cho con những bức thư của mấy chục năm vào mỗi sinh nhật. Đấy là 1 sự phóng chiếu cái nhu cầu hồi cố cuộc đời của bản thân. Vậy là 1 cái bẫy có thể hình thành: ám ảnh và thao túng cuộc đời người khác để chỉ vì nỗ lực kéo dài sự phi lí của tồn tại.

Câu nói cửa miệng của mình dạo này là "làm sao sống cho nó HAY". Tự nhìn lại thấy mình có đủ nhiều may mắn để phấn đấu sống cuộc đời "cho nó hay". Bây giờ đã thoát ra khỏi cơn mê sảng tự ngã ta là trung tâm, ta tài giỏi...nhưng cũng đủ chín chắn để biết rằng mình cũng có chút Tài và 1 chút Tình-để tô điểm càn khôn, như cổ nhân nói. Đã bớt đi rất nhiều những điều "không thể, không được phép..." trong tâm trí rồi. Tâm trí vốn hỗn độn và điên loạn lúc nào cũng chực chờ đánh mất sự thăng bằng có ý thức. Sau 1 cơn say thường sẽ có cảm giác hối tiếc. Có thể giải thích bằng vài chất trong máu. Nó cũng là sự hối tiếc khi cảm giác đánh mất sự tự chủ. Nhưng cơn mê có sức hấp dẫn của cơn mê. Trong cơn mê, ta sống miên man bằng cảm xúc. Ta va chạm với thực tại bằng cảm xúc. Ta hốt nhiên không còn là ta nữa. Ta là Mình. Một cái mình vừa ngập ngừng va chạm với thực tại-vừa liếc mắt về phía ý thức.


2.
Cũng từ thời Y360 ạ. Nhiều khi cách đặt câu hỏi quan trọng hơn cả câu trả lời. Mấy năm rồi thì vẫn chỉ loay hoay vài câu hỏi thôi chứ chả hơn gì :)

3.
Tất một cái niên.

Chất lượng sống

1.
Thực ra các bác ạ, dạo này tôi bận tối mũi. Nhiều lúc nghĩ tủi thân tính lên mạng huyên thuyên nhưng chẳng đủ cảm xúc để nặn ra cái gì. Nhưng vẫn mong có ai đó trao đổi cái chân giò chai rượu nên hầu hết mấy bài gần đây là lục lại trong 1 blog private từ hồi Y360. Tức là 3 năm òi ^^


2.
Nghĩ về chất lượng sống. Mình từng nói đâu đó rằng có 3 khái niệm quan trọng về cuộc sống: mức sống, chất lượng sống và thái độ sống. "Mức sống" thì qúa vật chất nên khỏi bàn. Ai chả muốn 1 mức sống cao hơn, nhưng cao đến đâu thì phải nói sang chuyện "chất lượng sống". "Thái độ sống" là khái niệm thuần tinh thần. Có màu duy tâm chủ quan này nọ, khó tả khó đạt nên cũng để đấy mà thôi. Nhưng về khía cạnh phi vật chất thì "thái độ sống" có quan hệ với "chất lượng sống". Vậy thế nào là "chất lượng sống"?

Chất lượng sống là khái niệm để chỉ sống 1 cách có chất lượng. Có chất và có lượng. Nhiều lúc mình cứ suy nghĩ về cuộc sống của mình, về những điều đang diễn ra hàng ngày. Điều gì làm cho mình hài lòng và tạm tin tưởng rằng ngày đang qua là ngày đáng sống? Những ngày đã qua, những ngày nào khiến mình tạm cho là đã đáng kể? Thật khó trả lời. Thật bối rối.

Bối rối thì thực ra cũng phải thôi. Chả ai nói được hạnh phúc là gì. Hoặc là nói lung tung linh tinh loạn cào cào cả lên. Cũng vậy cả.

Nghĩ lại từ ngày 18 tuổi, có 3 giai đoạn mà mình phân biệt ra được trong ký ức. Những ngày ở 1 mình trong 1 căn nhà nhỏ cạnh bãi đất trống. Mờ mờ trong rượu và lang thang trong đêm. Hoang phí sức lực và gần như đày đoạ bản thân. Có những ngày đóng cửa 3 ngày đọc 1 cuốn sách triết lý nọ. Không biết giờ giấc, không ngày tháng và cả không cần biết đến ngoại giới. Tuổi trẻ thật đáng thương dù đáng yêu. Khi phải tự gánh vác cuộc sống của mình với 1 sự giáo dục không đầy đủ thì những nỗ lực thật là vô vọng. Điều đáng kể nhất còn lại là cái thái độ khao khát với tuyệt đối, tinh thần dấn thân của tuổi trẻ. Ngày đó, 1 vài cuốn sách, 1 vài chuyến đi xa làm mình cảm giác thỉnh thoảng đã sống có chất lượng 1 chút. Nhưng nghĩ lại thấy tự thương mình đã loay hoay ngờ nghệch biết bao nhiêu. Cũng vì vậy mà mình rất nhiệt tình và rộng lòng muốn giúp đỡ chia sẻ với những bạn trẻ tuổi đôi mươi đi tìm 1 lẽ sống tuyệt đối chân thực với chính mình. Tiếc là ít gặp những người như thế. Thiên hạ có lẽ cười hoặc nghi ngờ những nhiệt tình thái quá như vậy. Không bao giờ nói chữ "nếu" vì không bao giờ rời mắt khỏi thực tại hiện tiền, nhưng quả tình cũng khó mà nói những ngày đó là đã sống cuộc sống chất lượng tốt.

Nghề nghiệp ảnh hưởng đến tính cách có khi còn nhiều hơn việc tính cách hướng đến nghề nghiệp như thế nào. Nghề nghiệp của mình khiến mình luôn làm những công việc duy nhất với những ám ảnh về mối liên hệ với cái thoả đáng, cái đẹp, cái cá tính, bản sắc. Nên cuộc sống sẽ khó mà chấp nhận được những đều đều máy móc. Khi nào cuộc sống đi vào đều đều buông xuôi nền nếp là khi đó mình cảm thấy bản thân vô dụng. Nhưng thò đầu ra ngoài đối diện với thực tại chênh vênh bất hoặc thì lại cũng thấy thật đơn độc, yếu đuối. Điều mình hàm ơn bác D nhất chính là đã truyền cho mình niềm tin vào sự tự tín nhiệm bản thân. 1 thái độ sống bất uý nhiều lúc cứu vớt cảm giác về những ngày tháng đã qua.

Những ngày 2 vc sống trong căn phòng 10m2 nép trong khoảng sân trong sau nhà, sát với bếp của HTX Đông y cũng đáng nhớ 1 chút. Chối bỏ hoàn toàn thế giới bên ngoài, xin được mấy triệu đủ ngồi không mấy tháng, 2 đứa đều không đi làm, ngày ngày lên thư viện QG ngồi. Chở em đi rải hồ sơ dự thi vào các công ty lớn-để được làm việc chuyên nghiệp-cứ thi, bao giờ đỗ thì thôi. 3 hay 4 tháng liền như vậy. Không thèm làm trò đứng núi này trông núi nọ, không thèm ăn cắp của cty 1 phút hay 1 xu. Cũng đáng để coi là đáng nhớ, có chất lượng. Những ngày đó mình hoàn toàn chìm đắm vào những điều lý tưởng. Mình tìm thấy ở Nguyễn Hiến Lê sự đồng cảm về thái độ tự lập thân, tinh thần nâng đỡ chia sẻ với người trẻ tuổi tự học. Tìm thấy những phân tích sắc sảo, xác đáng của Erich Fromm về con người hiện đại, bằng sự tự vấn và đòi hỏi sự tuyệt đối chân thực và tự lập nơi con người. Tìm thấy tấm tình bát ngát, mơ màng của Bùi Giáng, sự thấu hiểu và sự oái oăm của tinh thần. Tìm thấy vẻ điềm đạm và lòng yêu thương khôn nguôi của tuổi trẻ từ Albert Camus. Sự mịt mù phiêu lãng của Saint Exupery. Nương tựa và tìm thấy lối vào giữa những hàng chữ giản phác thăm thẳm của Thầy Khổng. Và kính mộ tầm vóc triết gia của Francois Jullien trong lối trình bày tinh tế về những nếp gấp uẩn khuất của tư tưởng. Bạn bè tìm đến mình. Để kể 1 câu chuyện. Hay để hỏi 1 đôi điều về cuộc sống. Hay để được lắng nghe. Hoặc cùng nhau uống vài ly rượu trong im lặng. Đấy cũng là những ngày đáng nhớ và có chất lượng chứ nhỉ?

Nhưng rồi con đường độc đạo này càng ngày càng thăm thẳm. Bây giờ hình như mình không có bạn như trước nữa. Hoặc giả là không còn cảm thấy cần có bạn cho dù vẫn thấy yếu đuối và đơn độc nhiều khi. Bây giờ chất lượng cuộc sống là gì? Phải là gì? Nhiều lúc cố gắng gạch đầu dòng ra: đi du lịch, đi thăm bạn bè, đi xem phim, đi uống cafe, đi mua sách và đọc sách. Hay là đi thả diều ở ngoài Mỹ Đình? Hay là đi học Yoga hay Thái Cực quyền? Hay là rủ nhau đi học chơi piano cho nó sành điệu :) Có thầy ngay đấy rồi còn gì? Hay là dẫn vợ đi học vẽ màu cho vui? Hay là lên mạng lê la luyên thuyên? Vậy mà cuộc sống cứ chuồi đi như cát khô qua kẽ tay.

Những ngày này chất lượng cuộc sống là gì? Hay là phải chăm chú vào và đừng nghĩ đến nó?

Xã hội đang trong cơn rùng mình nhè nhẹ, chuẩn bị cho những ngày tháng ăn sống nuốt tươi con người hiện đại. Ngồi cafe vỉa hè bây giờ người ta bàn chuyện chứng khoán râm ran. Chịu, mình không thể tham gia cái trò ngày đêm tính toán hóng hớt để kiếm tiền ấy được. Quán cafe gần 1 ngân hàng, 1 cty chứng khoán, 1cty thiết kế. Tất cả đều râm ran rì rầm những câu chuyện làm ăn, kiếm tiền. Có hôm nhìn 1 bàn gần chục người đàn ông trung tuổi. Tất cả đều ngoài 40 trở lên và bàn tán về chứng khoán. Mình tự hỏi ngày mình sang cái tuổi đấy thì chất lượng cuộc sống của mình sẽ là gì?

Bây giờ làm 1 việc rất yếm thế và nước đôi là lựa theo dòng, đi học lấy vài cái chứng chỉ, update chuyên môn để tránh thành lạc hậu sau 10 năm nữa. Bây giờ chất lượng cuộc sống của mình là gì nhỉ???

Nghe nói cảm giác làm cha làm mẹ rất tuyệt vời-mệt, vất vả nhưng mà vui. Vậy đó là chất lượng cuộc sống? Hay là người ta đã tìm thấy lý do để cúi gằm mặt xuống và mơ màng về 1 ngày mai xa lắc huyễn hoặc?

Nhìn chăm chú vào thực tại và chính mình là như thế nào???

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

ACF

1.
Những ngày đầu lên HN ở trong cái làng nhỏ ven đô nên có nhiều không gian lặng lẽ để đi dạo. Vườn cây ăn quả rộng mênh mông trước nhà mỗi sáng. Vườn chùa những buổi trưa. Cánh đồng chiều muộn. Và đêm ở bể nước trong sân, dưới tán cau. 5 năm ở trong phố cũng còn có 1 công viên nhỏ và 1 ngôi chùa vắng. Nhưng con phố thì trơ trọi vô nhân tính. Những lúc muốn đi 1 mình trong đêm phải đi tận 1 quãng dài để ngang qua 1 trong 2 cái hồ vắng. Bây giờ lại càng trơ trọi đi về phía nào cũng xa thăm thẳm. Bước chân xuống là phố xá, hàng quán. Tĩnh lặng thành xa xỉ. Không còn như ngày nào để có thể xách xe rủ bạn nửa đêm lang thang tìm 1 quán nước chè nhâm nhi nữa. Nhớ lại 1 quãng đời với những người bạn.

Ngày ấy tập tễnh chen chân vào xã hội. Mấy anh em rủ nhau vào phố thuê nhà làm xưởng. Mình cùng với Người Điên đi mãi mà chẳng tìm được cái nào ưng ý. Lúc định quay về đi ngang phố lớn thấy có cái ngõ liền tạt qua hỏi vu vơ, không ngờ lại được. Vậy là đã từng ở đấy đến 5 năm. Mình là người cuối cùng rời đi. Người Điên không thể thích nghi được. Thật đáng tiếc và đáng thương. Hơn 1 năm với Lưu Manh cũng là những ngày bập bõm vớ vẩn. Bạn bè với mình là ACF. Cái tên là do mình đưa ra. Không cần ý nghĩa, chọn lấy 1 cái tên cho ấn tượng, mỗi người hãy tự tìm lấy cho mình 1 ý nghĩa. Logo cũng do mình vẽ.

Bây giờ có lẽ cái tên ACF chỉ còn quan trọng với Giám Đốc Buôn Thúng Bán Mẹt và Lãng Tử Chủ Nhiệm. Không hiểu sao chúng nó lại nghĩ Chủ Nhiệm là lãng tử. Chủ Nhiệm rất nông dân, chân thật, bản lĩnh, lắm mẹo...và chỉ giống lãng tử ở cái số lận đận long đong lang thang mà thôi. Nhưng lang thang trầy da trật vẩy chứ không phải cái kiểu lang thang vô định.


Có những con người với bề ngoài hết sức bình thường, tính cách ổn định trung bình lại vốn có thể rất quan trọng với 1 ê kíp. Chủ Nhiệm là 1 người như vậy. Người to đậm, kềnh càng nhưng tác phong lại chậm rãi rón rén như gái tuy có lẽ chính Chủ Nhiệm mới đáng gọi là người đàn ông chân chính của ACF. Hồi nhỏ nhà Chủ Nhiệm buôn bán giàu có nhưng mới chớm lớn 1 chút thì sa sút thảm hại nên Chủ Nhiệm rất hiểu cái gọi là không tiến có nghĩa là lùi. Những ngày đầu ngô nghê chính Chủ nhiệm là thằng lẩn mẩn mày mò bổ từng chi tiết kỹ thuật và tập tễnh vẽ CAD. Vẽ mà không biết sửa. Mỗi lần sửa mình lại đạp xe mang đi nhờ 1 thằng nào đấy giúp. Rồi cũng qua nhanh. Chính Củ Chuối cũng không thể ngờ được chính những thằng ngây ngô đấy sau 1 năm lại có thể chuyên nghiệp và chiến đến như vậy. Củ Chuối bây giờ là Phó Tổng rồi, đi BMW như ai và lại là sếp của Chủ Nhiệm. Củ Chuối không biết là trong 1 năm ít gặp nhau đó chính nhờ những ngày quần nhau với Thằng Viva mà anh em đã thành ra sắt đá. Ít khi lại có thằng nào bị khinh đến thế. May nhờ sự nhẫn nại vô song của Chủ Nhiệm mà mọi việc vẫn được níu kéo. Có lần Chủ Nhiệm hì hục làm đến 10 rưỡi đêm, công việc gần xong mới ngửa mặt ruỗi chân thế quái nào đạp vào ổ cắm điện mất hết khối lượng vừa làm chưa kịp save. Rầm rĩ 1 lúc rồi lại lẩn mẩn làm lại cái công việc tẻ nhạt ngấy đến tận cổ 1 lần nữa. Gần 2giờ sáng, sắp xong thì lại mất điện. Chờ 1 lúc có điện lại lại ngồi đến tận 6giờ sáng hôm sau để kết thúc cho đúng hẹn. Nó là sự phẫn khích thách thức từ chính bản thân. Sắt đá. Đó là những gì đã rèn lên khí chất những ngày ấy.

Rồi cũng chính Chủ Nhiệm lẵng nhẵng gần 1 năm trời theo đuổi đòi nợ thằng Viva. Thằng này bây giờ nghĩ lại cũng thật đáng thương hại. Cái tội ngu dốt nhưng tinh tướng huênh hoang và xiên xẹo. Việc phải xử theo kiểu xã hội thật là 1 điều ân hận với mình về sau. Tuy với nó thì vẫn chả lăn tăn gì mấy nhưng nghĩ đến cảnh gia đình nó thì cũng thương hại. Mấy năm sau có người gặp thấy bảo nó vẫn dặt dẹo và khoác lác ở 1 tỉnh lẻ nào đấy. Hết chuyện.

Những đen đủi còn lẵng nhẵng theo Chủ Nhiệm nhưng cuộc sống giờ cũng phẳng lặng hơn và kể ra về tiền bạc thì Chủ Nhiệm vẫn giữ được là trụ cột của gia đình và có khi phải nói là đi trước anh em nhiều. Lang thang mãi, mỗi lần về HN cảm giác thanh bình nhất của Chủ Nhiệm là gọi ĐT rủ anh em ACF về chỗ cũ uống cafe tán chuyện với nhau.


Người thứ 2 cũng nặng tình với cái ACF ấy là Giám Đốc Buôn Thúng Bán Mẹt. Cùng với Bon Chen thì phải nói là BTBM là một tuýp người kỳ lạ. Ai ưa được thì thích không thì rất khó chơi. To con, kềnh càng. Lưng gù, đi dúi về phía trước và ăn nói băm bổ. Ai mà tưởng tượng được đến tận lớp 12 BTBM vẫn còn là 1 thằng nhóc loắt choắt hay bị bạn bắt nạt. 1 thời tóc dài quần bò xé áo phông đạp xe quốc đeo cái guitar sau lưng lang thang khắp nơi. Luôn thích ở 1 mình. Từng buộc phanh xe cuốc lại đạp 1 mạch từ nhà lên HN 120km để cho "khoẻ chân". Luôn cực đoan và ảo tưởng. Nhưng cũng luôn chứng tỏ 1 bản lĩnh đáng nể khi biến 1 số ảo tưởng thành cái cụ thể. Chơi cổ điển nhưng mê Rock. Thử đủ các loại xe và đàn. Đã từng mở quán cafe-tự tay cưa đục đóng toàn bộ nội thất từ 1 đống tre luồng. Đã từng đi thông cống móc cứt. Là người đầu tiên lập công ty riêng và tồn tại được với những ảo tưởng hung hăng ngây ngô của mình. Luôn cầm lái và sẵn sàng chạy 1 mạch lên Sơn Tây lúc nửa đêm để vào chân núi ôm em yêu tám chuyện cho vắng. Có lẽ phải học bí quyết của Giám Đốc BTBM: cưa đứt đục suốt, tiền chao cháo múc. Thẳng thắn đến thô lỗ nhưng cũng nhờ thế mà tiết kiệm được rất nhiều thời gian với những thằng dẹo lừa đảo. Luôn mơ tưởng 1 ngày dư giả thuê 1 mặt bằng yên tĩnh như khu Trúc Bạch mở lại ACF với những anh em cũ dù bây giờ may ra chỉ còn có mình là available. Những người khác đều hoành cbn tráng rồi còn đâu. 2 giám đốc khác và 1 Đội Trưởng. Có lẽ cũng là người cuối cùng còn giữ thói quen uống nhiều cafe và luôn là đen nóng không đường như ngày trước. Vẫn phung phí và chơi sang, theo đuổi những thú vui lập dị. Đã mua cào cào, chơi đầu đĩa than và vẫn giữ những cây đàn điện xịn. Dự định sắm con bọ cho vợ đi chợ. Vừa dẹp vụ buôn giày vải từ Trung Quốc về thuê bọn Mỹ thuật vẽ màu mang ra chợ Đồng Xuân bán sau vố bị Hà Nội gốc phố cổ lừa vụ chung nhau mở Pub trên Hàng Đào. Một thời gian dài vào Nam ra Bắc buôn từ đá quý đến gốc cây. Cái tình giang hồ với hội Nhà Thổ cũng thật lạ. Cái chết của Lão Mai cũng đẹp. 1 đời rong chơi mê mải và nhàu nhĩ. Nằm mãi sau 1 cơn say và liu tiu trong nhạc. Chính GĐ cũng nhiều lần suýt toi. Lần đi xe khách qua Quảng Bình bị lật lúc nửa đêm chính BTBM là người đầu tiên đạp vỡ kính chui ra trong khi các khoai Tây còn đang khóc lóc um sùm.


Gọi nó là Bon Chen là gọi theo những đứa không hiểu nó mà thôi. Chính nó đã dẫn mình đi từng ngóc ngách của Hà nội. Chia sẻ với nhau những chỗ vắng, ngách khuất của phố. Từng quán cafe hay. Cùng lên kế hoạch chơi máy ảnh đen trắng. Cùng xách xe chạy lên đê sông Hồng lúc 2 giờ sáng để đón gió mùa đông bắc quất vào mặt làm lạng cả xe. Chính ra sau khi làm việc với rất nhiều người mới thấy được 1 thằng như nó cũng hiếm. Đủ tinh tế để hiểu và hợp tác hiệu quả với mình. Chỉ tiếc cái tính chút xíu vụ lợi khiến nó không bao giờ có thể sẵn sàng vứt bỏ tất cả. Nó là người đầu tiên lẳng lặng bỏ ACF lúc thoái trào. Anh em vẫn chơi với nhau bình thường nhưng từ đó có 1 vết rạn không bao giờ có thể coi như chưa có được. Bây giờ 1 mình 1 công ty, 1 xe hơi và chỉ làm việc với bọn sinh viên cho rẻ và lành. Chuyện tan vỡ của mối tình 10 năm của chúng nó khiến mọi người thấy tiếc nuối. Nghĩ lại những lần nửa đêm thấy nó mò sang xưởng ngồi nói chuyện lan man nấn ná không về là biết ngay 2 đứa lại cãi nhau. Có lần em kia ĐT lan man 2g đồng hồ lúc nửa đêm với mình để chỉ kết luận "nhưng mà N vẫn yêu anh ấy". Lần khác giận nhau thế nào em ấy xách chục cái nem chua với 1 chai nếp cẩm sang tìm mình tâm sự nhưng không gặp. Thế là ngồi 1 mình uống tì tì rồi say lăn lóc. Trèo lên bàn ngủ làm mấy thằng khác về không biết làm thế nào bèn khép cửa ra ngoài canh chờ khổ chủ đến giải quyết. Vậy mà không thành. Chắc tại giống nhau quá. 1 nhà làm sao chứa nổi 2 GĐ đi mây về gió buôn ngang bán dọc vẫy vùng? Nghe đâu mới lấy chồng.


Thằng Đội Trưởng thì chán chả muốn nói nhiều. Nó với mình có nhiều điểm giống nhau nên chuyện rất nhạt. Nói chuyện phần nhiều là nhắm thịt nhau. Kể ra mới chỉ có nó tung hứng hợp với mình. Học với nhau đến 10 năm. 5 năm ở chung phòng kể ra chả còn gì để phải màu mè nữa. Điều giống nhau cuối cùng là ngày ra trường cả 2 đều cùng nhau nhận ra 1 sự thực "cuộc sống là do chính mình lựa chọn". Nhưng nó chọn khác mình. Mình thường giễu cợt nó rằng "mày tự đâm đầu vào bãi rác xong rồi chửi um lên là thối". Nó giễu cợt mình bằng cái kiểu cười cười không thèm chấp. Hết thuốc chữa. Vẫn chưa yêu ai. Ông tiên cuối cùng-chủ đề tranh cãi 1 thuở "ăn được, ngủ được, không vướng bận gì-vậy chúng ta là tiên hay là những con lợn???"

Bây giờ lâu lắm gặp nhau 1 bận. Cũng có lúc làm với nhau việc này việc kia. Nhưng chủ yếu là ngồi tán nhảm. Không có gì để nói cả.

2.
Những điều muốn viết cứ nghẹn lại đâu đó. Hôm nọ nghe thấy bài "Tình thôi xót xa" thấy nhớ thời sinh viên đến cồn cào. Những ngày tháng ngông cuồng hoang mang.

Cái 1 viết cách đây phải chừng 3 năm rồi. Hồi đó thường là sẽ để trong 1 blog private. Bây giờ nhiều khi chua chát nhận ra đã rất lâu không còn ngồi bình thường với những người bạn cũ. Chúng ta đã vùi tuổi trẻ của chúng ta sâu đến thế thật ư? Mà đã già quái đâu. Chỉ là chút tui tủi khi phải đứng vững. Đứng một mình.

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009

Thực ra mà nói

1.
...là chẳng có gì để nói.

2.
Lại đến hồi các SV KT năm cuối rục rịch đi xin tài liệu và đăng ký đề tài tốt nghiệp. Việc viện cớ đã có người năm trước làm rồi để gạt đề tài của SV đi là rất vớ vẩn. Ít nhất phải cho họ cơ hội chứng minh là họ có thể làm hay hơn người trước chứ? Mà các SV cũng làm gì phải rón rén xin xỏ như thế. Cái đồ án tốt nghiệp sẽ là cái đồ án dễ dàng nhất mà các bạn còn được làm nếu sau này các bạn vẫn làm nghề. Mỗi việc đứng thẳng lưng, nói (và làm được) là tôi thích và tôi có khả năng, bây giờ không thử thì sau này còn khó vạn bội. Nghề tư vấn nếu không tự biết coi trọng mình thì chẳng mong ai coi trọng được cả.

3.
Ta trở thành con người mà ta muốn trở thành.

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Một quãng đường trường


1.

Tản mạn về những chuyến đi.


Một lần tôi có việc đột xuất phải đi vào TP Vinh. Lúc ấy không kịp lựa chọn bất cứ một loại phương tiện nào ngoài việc sẽ đi xe máy. Đi cùng với một bác, mà không, phải kể là một ông già gân vì suốt chặng đường bác (đã ngoài 60) nhất định không để tôi cầm lái! Hai bác cháu đi từ 4g sáng để kịp 10g30 thì tới nơi. Lúc ấy tầm đầu tháng 10, trời còn khá ấm vào ban ngày nên lúc đi chủ quan không mặc áo khoác, ra khỏi Hà nội vài cây số thì trời lạnh không chịu được, thế là đành phải trời không mưa đi mặc áo mưa chạy vào tận Thanh Hoá mới thôi.


Từ Thanh Hoá trở vào đi đường mình cứ lo bác ấy mệt, buồn ngủ thì nguy to nên cứ gợi hết chuyện này chuyện kia để hỏi. Thế là được nghe rất nhiều câu chuyện liên quan đến những địa danh hai bên đường. Cái kênh nhà Lê khi xưa làm giao thông Nam Bắc bây giờ nhìn bé tí, rộng nhất chỉ được khoảng chưa đến 10m. Qua đến Bà Triệu, qua quê Hồ Xuân Hương, rồi đền Cuông thờ An Dương Vương và Mỵ Châu, vùng núi hai vai (bây giờ làm xi măng cụt mất một vai), nghe chuyện con bò đen con bò vàng...Lượt đi vì vội nên không có gì kể ngoài rất nhiều chuyện vụn như vừa kể, nhưng buồn cười nhất là vào gần đến nơi mới hay rằng: hoá ra bác ấy cũng sợ tôi ngủ gật nên cố nghĩ ra chuyện để nói!

Sáng hôm sau quay trở ra thì đi rất thong thả vì khởi hành muộn mà hôm ấy trời đẹp, nắng nhẹ, không khí trong lành nên cứ đi dọc đường đến điểm nào hay thì chúng tôi lại dừng lại nghỉ ngơi thăm viếng. Về nhà điểm lại thì toàn vào thăm các bà! Đầu tiên là Đền Cuông. Đền nằm bên quốc lộ 1, quay hướng Tây, kiến trúc đẹp, có phần độc đáo so với những ngôi đền có quy mô tương tự. Từ mấy trụ biểu vào đến hậu cung chia làm 2 phần cốt thấp và cốt cao một cách rất rõ rệt, thế dựa vào sườn núi. Vì vậy mặc dù ngôi đền không to lắm nhưng có một dáng vẻ rất trang nghiêm. Nhớ lại quãng đường đã qua trên một chiếc xe cũ kĩ khiến tôi liên tưởng đến chặng đường rong ruổi của 2 cha con Mỵ Châu trong truyền thuyết. Quãng đi qua núi gì (Cuông?) mà nơi có ngôi đền cổ nhỏ bé nằm trên đình, truyền rằng mới chính là nơi đầu tiên thờ cúng An Dương Vương, và chân núi là nơi có bờ biển xảy ra câu chuyện ngọc trai...Con đường đi ngang qua một cánh đồng rộng rãi, ngôi đền nhỏ bé nằm trơ trọi bơ vơ trên đỉnh dãy núi quay mặt ra biển quay lưng lại phía con đường-lần nào đi qua đây tôi cũng cảm thấy bồi hồi.


Quay lại lúc vào đền Cuông, tôi vẫn còn tâm trạng ấy. Trèo lên mấy bậc cao để vào hậu cung, không hiểu sao cứ liên tưởng đến hình ảnh An Dương Vương có phần hơi nghiêm khắc cứng nhắc, có nỗi khổ tâm đối với hình ảnh Mỵ Châu ngơ ngác, bơ vơ. (Đền thờ công chúa nhỏ bé, đơn sơ nằm bên cạnh bên tay trái đền vua-bên trong tiêu điều sơ sài. Một không gian lạnh lẽo tui tủi). Truyền thuyết chả nhắc đến mẹ nàng bao giờ. Cha già con dại, một quãng đường trường, nghìn năm gió bụi. Bâng khuâng lúc thắp hương cho nàng, tôi nhủ thầm chắc hẳn họ đã ở một nơi nào đó gần gũi hơn - để nàng có thể chăm sóc cha già, một cuộc đời đơn sơ không vướng bận. (Đền xây thời Tự Đức thì phải. Rốt cuộc đó là nơi thờ một ông vua và một công chúa, không phải là nơi cư ngụ của hai cha con. Hay họ còn ở trên đỉnh ngọn núi kia?

Đền Bà Triệu cũng ở bên đường quốc lộ, phải đi qua đường tàu. Cũng cổ kính, có mấy cây cổ thụ phủ bóng. Nhưng ở đây có phần ấm áp hơn vì bối cảnh xung quanh có nhiều dân cư và hình như cũng có nhiều hoạt động kiểu cầu tài cầu lộc. Đối diện bên kia đường ở giữa cánh đồng có ngọn núi tương truyền là mộ của bà ở đó. Cũng có một ngôi đền, từ xa nhìn thấy màu trắng thấp thoáng. Ngày trước học sử, cứ tưởng tức lên là cầm kiếm đánh nhau rồi thành ra khởi nghĩa ngay. Thực ra, ở trong vùng vẫn còn những mẩu chuyện, vết tích về thời kỳ chuẩn bị lực lượng của hai anh em bà. Bản thân bà Triệu hình như cũng có vết tích khắp mấy tỉnh trong vùng. Bây giờ giao thông thuận tiện, thông tin đầy đủ mà giật mình nhìn lại, chưa bao giờ có được cái nhìn bao quát trải ra một vùng rộng, như thế đủ thấy những con người của lịch sử luôn luôn có một bản lĩnh và tầm nhìn lớn rộng và những hành động thiết thực, đích đáng. Ông Mai Thúc Loan cũng vậy, tôi đọc đâu đấy rằng ông là một hào phú có tới 4 bà vợ ở 4 vùng miền trọng điểm thời đó. Đủ biết cụ gây cơ sở cách mạng kỹ lưỡng như thế nào! Ngày xưa nghe chuyện rút đòn gánh đánh lính nghe giống như truyện Trần Thiệp, Ngô Quảng bên Tàu vậy. (Ai đó còn có giả thuyết về gốc tích Chiêm Thành của Vua Đen nữa. Sự tích, khảo cứu vùng này, tôi đọc được cuốn An - Tĩnh cổ lục của ông gì người Pháp dạy học từ thời đầu thế kỷ mới tái bản (xuất bản?) thấy là rất có giá trị về khảo cứu.


Chính trong đấy có câu chuyện về một bài luận của học sinh An nam của ông làm sau khi được đi điền dã khảo sát họ Nguyễn Tiên Điền. Mộ Nguyễn Du khi ấy còn sè sè một nấm bên đường chứ chưa bị ồn ào như ngày nay. Có ảnh chụp, hoang sơ giữa đám cỏ, một vùng cỏ áy bóng tà. Người học trò (sau rất có tiếng, là thày dạy của một vài trí thức nổi danh) đã bất bình cảm thán nhắc lại câu thơ "bất tri tam bách dư niên hậu" mà mong có được sự quan tâm của chính quyền. Chính ông thày người Pháp đã có một lời nhận xét là ND mong có người nhớ đến mà nay Truyện Kiều đã đi vào hồn dân tộc thì còn tượng đài nào hơn nữa, chắc gì tôn vinh mà đã hơn, lại khéo sa vòng tục luỵ như những câu chuyện về điện vinh danh của Pháp? Cứ như vậy lại có khi vừa lòng ông. Chuyện thăm mộ Nguyễn Du, thăm nhà và mộ Nguyên Công Trứ tôi sẽ kể sau, nhưng thật là một nhận định của người trí thức chân chính và hết lòng yêu vùng đất con người bản xứ-nhất là khi bạn đến thăm khu di tích Nguyễn Du sẽ cảm nhận thấy điều nhận xét ấy xác đáng thế nào.

Kỷ niệm về ngôi đền cuối là một kỷ niệm ngọt ngào mà lâu lắm tôi chưa gặp lại được như thế. Ở giữa Thanh Hoá và Ninh Bình, có một đoạn đường một chiều là dốc, một chiều là hầm (tự nhiên quên mất địa danh). Bên đường có đền Rồng, tương truyền là nơi thờ vua Quang Trung do sự tích họp quân trước khi ra Thăng Long năm Kỷ Dậu. Nhìn từ ngoài thấy sặc sỡ, lại nhiều bà nhiều cô cậu lúc đi đã chả muốn vào. Lúc về tự nhiên ngó thấy có bảng đề có đền Mẫu Thoải ở sâu bên trong, thế là hai bác cháu bảo vào thăm cho đủ ba bà!


Đi một quãng ngắn thì đến nơi. Ở đây chả có ai để ý đến. Nói thế nào nhỉ, lúc ấy là gần 11g trưa. Trời nắng đẹp, ấm áp. Trời xanh cao rộng rãi, mây trắng vụn phiêu dạt. Thế mà len qua một quãng đường đất có hàng cây bụi hai bên, ven theo dòng suối rộng đến chân một vách núi dựng lại có một ngôi đền nhỏ bé, nép mình. Có cây đại già cổ kính rải đầy hoa trắng. Yên tĩnh. Mát lành. Quay ra bờ suối nhìn thấy dòng nước trong vắt, êm đềm từ trong hang nhỏ lan ra cả một vùng. Đáy suối là cả một tảng đá nguyên khối phẳng lỳ rộng dễ có đến hàng trăm mét vuông. Ngọt ngào nhất là mấy bông thuỷ tiên trắng phớt vàng đương độ lơ lửng trên mặt nước trong trẻo. Tất cả rất yên lặng. Bất ngờ một con rắn nước từ bờ thấy động trườn vào suối làm mặt nước rung rinh xao động. (Tôi đùa là mẫu ra hỏi thăm hai bác cháu!)


Một lúc sau ông từ đến-gọi thế thực ra chỉ là một người trông coi vì ở đây ít người đến cúng kiếng, tất cả ở ngoài kia). Ông mở cửa cho chúng tôi vào thắp hương. Nội điện quá nhỏ và cũ kỹ chứ không cổ xưa. Nhưng thật bất ngờ, ba bức tượng thờ thì lại đích thực là tượng cổ. Phong cách điêu khắc khuôn mặt rất đặc trưng, hơi thiên về tả thực và phúc hậu. Màu sơn thiếp cũng đặc trưng, dịu và có màu nâu nhạt, sâu, bóng. Tự nhiên tôi thấy được an ủi cho cái vẻ ngoài quá cũ kỹ của ngôi đền.


Quay trở ra nói chuyện với người coi đền. Hoá ra ông chỉ bằng tuổi bác đi cùng mình mà hai người trông như hai thế hệ! Thực quả là con người ta có mấy loại tuổi: tuổi trời giao cho mẹ cho mình thì bằng nhau, nhưng cái tuổi sinh dưỡng đã khác nhau rồi cái tuổi xã hội lại càng khác nữa. Tôi đã thấy cả một hậu cảnh cho cái buổi trưa hôm ấy, nhưng nói làm gì nhiều, đời người còn do duyên nghiệp.


Có thể rồi ai đó sẽ đến hay đã qua và thấy khác tôi. Nhưng tôi cũng biết vậy và cũng chưa hề có ý định quay lại. Cái trong tôi còn vang vọng, ảnh không kể hết được, chỉ có thể khơi gợi ra. Một buổi trưa rộng rãi, trời xanh, mây trắng, nắng hanh hao. Một quãng đường trường, một hàng cây bờ suối.


Cả cái câu chuyện có phần rời rạc, se sẽ trong một bầu không khí khác, xa xa văng vẳng lại tiếng xe cộ thảng hoặc...


2.

Bài viết cũ. Hôm nay muốn đọc lại. Nó là bài viết hầu như đầu tiên của tôi trên thế giới mạng. Kể chuyện hầu như đầu đời về công việc lúc ra trường. Định hình nên một cách sống, cách làm và một lối nhìn đời.


Có những câu văn hầu như lặp lại. Có những tâm tình vừa viết ra đã thấy giống như là chứng déjà vu. Một quãng đường trường, một quãng đời, hay chuyện nhân gian cứ đến rồi đi thao thức mãi vẫn chỉ là bấy nhiêu?


Thiết kế cảnh quan


Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu...

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Cả ba bức đều đẹp


Sáng trăng - Tạ Đình Khiêm


Say - Đinh Quốc Vũ
1.
Các họa sỹ sướng thật. Ông cứ vẽ ra đấy thích thì mua không có chuyện sửa 1 tý. Chẳng bù cho các KTS (lol). Mồm nói đẹp, tay tính tiền, chân đá thằng nhà thầu dưới gầm bàn.

2.
Mình thích cả 2 bức trên. Chú trọng vào cảm nghiệm và biểu đạt. Không bị cuốn vào trò cách tân bằng lời.

Mới nhìn thích bức "Say" của ĐQV. Nó không mới nhưng lạ và rất có cách gói ghém. Rất nén, rất chặt. Nhưng vẫn hài hòa. Thích cái màu nền phía sau và cách tả bàn tay người đàn ông. Nhưng không hiểu sao nhìn khu vực mặt của người này thấy thủ pháp quen quen.

Nhìn lâu thì thích bức "Sáng trăng". Không cần đọc tên mình cũng sẽ nghĩ về những đêm sáng trăng và những gì liên quan. Nhưng không nên dừng lâu quá vì sẽ lạnh và buồn đến chán. Nếu bức "Say" để treo phòng khách thì bức này nên treo ở hành lang chỗ ra ban công.

3.
Bức thứ ba cũng có không khí của nó nhưng mà có vẻ cảm xúc không liền lạc. Nó tỉnh táo nhất nhưng cũng thiếu liền lạc nhất.

Bói Kiều

1.
Chẳng viết được gì. Lấy cái BK từ Facebook sang.

2.
Nghĩ người thôi lại nghĩ mình,
Cám lòng chua xót, nhạt tình chơ vơ .
Những là lần lữa nắng mưa,
Kiếp phong trần biết bao giờ mới thôi ?
Đánh liều nhắn một hai lời...

3.
Vừa vặn đang nghĩ về đời một con người. Vẫn biết vạn vật vô thường vạn pháp vô ngã mà sao buồn vậy.

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2009

Sấp ngửa - Võ Thanh An

1.
Mở mắt ra gặp toàn những người khôn!

Nhắm mắt lại, chao ôi, bao người dại!
Ngửa bàn tay lên lật bàn tay lại
Mặt trắng, mặt đen...hai phía cũng tay mình.

2.
Bài thơ này không có gì khó hiểu. Nó chỉ thấm thía.

3.
Đọc được từ blog bạn Lana. Cảm ơn bạn.

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2009

Ba mươi năm dân chủ cộng hoà



Ba mươi năm kháng chiến đã thành công :P
(Theo sự chỉ đạo của bác ĐHP)

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2009

Let's go to the garden


Sao mãi không có ai đi ngang qua khen cái áo mới của mình vậy ta???

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009

"Thật là quý hoá"

1.
Mai ông bà nội sẽ lên thủ đô mừng sinh nhật sớm của bạn Gấu. Sẽ phải có bài diễn văn thật long trọng nhưng mà hẵng để đến đúng ngày đã. Độ này anh phát triển vượt bậc về nhận thức, đã đạt đến trình độ nếu không ai để ý đến là lẳng lặng quay ra 1 góc ngồi...dỗi. Dỗi rất dai và rất tinh tế. Không thèm nói, không thèm khóc. Mà đã khóc thì khóc rất lâu. May mà bố có sẵn cuốn tâm lý trẻ con tra ra thì đúng là bọn 2 tuổi nó dở hơi thế chứ không chắc đã phát khùng lên rồi.

2.
Từ ngày có con, điều chuyển biến quan trọng nhất với tôi là thường xuyên suy nghĩ nhiều hơn về bố mẹ mình, về việc sống thực tế thế nào cho một cuộc đời hình như không ngắn không dài. Bác 5xu có nói một ý hay, phải có con để nghiệm sinh được về việc được sinh ra. Nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ, than ôi cuối cùng vẫn là chuyện nước mắt chảy xuôi, trải đời là gì nếu không phải đầu tiên là cảm giác thấm thía mà không ngôn từ nào diễn tả được.

3.
Một chuyển biến quan trọng nữa là trở lên dễ nhạy cảm mủi lòng khi đọc những tin liên quan đến trẻ nhỏ. Phải đấy bác ĐHP ạ, bây giờ mình biết sợ, thấy sợ những thứ vu vơ vì có lẽ nó là nỗi sợ khởi nguồn từ tình thương, lòng quyến luyến và tinh thần trách nhiệm đã thành một sự thực. Lo lắng, nghĩ ngợi lẩn thẩn quá người già :) Như cháu bé kia, không biết gia đình có biết một việc rất cần thiết phải làm ngay là đưa cháu đi khám chụp tổng thể không nữa.

4.

- Tình mẹ, như tôi đã nói, là khẳng định vô điều kiện về sự sống của con trẻ và những nhu cầu của nó.

> Nhưng còn một quan trọng nữa thêm vào mô tả này:

- Sự khẳng nhận về sự sống của con trẻ có hai khía cạnh; một là quan tâm và trách nhiệm tuyệt đối cần thiết để duy trì sự sống của con trẻ và sự khôn lớn của nó.

- Khía cạnh khác tiến xa hơn việc chỉ duy trì. Đó là thái độ tiêm nhiễm trong con trẻ một tình yêu hướng đến sự sống và mang lại cho nó cảm giác ấy: sống còn thật là quý hóa, làm bé trai hay bé gái thật là quý hóa, ở trên trần gian thật là quý hóa! (Tự nhiên liên hệ đến những câu chuyện về tự tử chủ yếu xảy ra ở trẻ vị thành niên hiện nay).

+ Hai sắc thái của tình mẹ này được diễn tả rất gọn gàng trong câu chuyện về Sáng Tạo của Thánh Kinh: Chúa tạo ra thế giới, và loài người – điều này tương xứng với sự quan tâm và khẳng nhận giản dị về Hiện Hữu/ Nhưng Chúa vượt quá sự cần yếu tối thiểu này – mỗi ngày sau khi thiên nhiên - và loài người - được tạo ra, Chúa phán: “Thật là quý hóa”.

+ Tình mẹ trong bước thứ hai này khiến cho đứa con cảm thấy: sinh ra là điều quý hóa, nó tiêm nhiễm cho con trẻ “tình yêu đối với sự sống”, và không chỉ ước vọng sống còn.

+ Một ý tưởng nữa: diễn tả trong Thánh Kinh: Đất Hứa (Đất luôn luôn là biểu tượng về Mẹ) được mô tả như là “chảy tràn sữa và mật”.

+ Sữa là biểu tượng cho sắc thái thứ nhất của tình yêu: sắc thái quan tâm và khẳng quyết.

+ Mật tượng trưng cho sự êm dịu của sự sống, tình yêu đối với nó là hạnh phúc sống còn.

> Hầu hết các bà mẹ có thể cho “sữa”, nhưng chỉ số ít mới có thể cho cả “mật”.

+ Để có thể cho “mật”, một bà mẹ không những chỉ duy trì là một “mẹ hiền”, mà còn phải là một người sung sướng–và mục tiêu này không được hòan thành nhiều cho lắm!

+ Hậu quả gây trên con trẻ có thể cực kỳ quá độ - tình yêu của mẹ đối với sự sống cũng di truyền như mối ưu tư của bà.

> Cả hai thái độ đều có một hậu quả sâu xa trên toàn thể nhân cách của con trẻ, thực vậy, người ta có thể phân biệt ở những đứa trẻ - và người lớn – những đứa chỉ nhận được “sữa”, và những đứa nhận cả “sữa và mật”.

(Tình mẹ - Phân tâm học và tình yêu, Erich Fromm).

5.
Ta trở thành con người mà ta muốn trở thành.

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2009

Linh tinh, bố của linh tinh

1.
Nếu không phải là báo Time bình bầu thì chắc mình chẳng biết gì về thành tích xuất chúng của nhà toán học NBC. Mà biết thì biết vậy chứ có hiểu quái gì đâu :)

2.
Vụ Bộ GD ra cái quy chế gì định quản lý anh em đi du học mình vốn không liên quan nhưng từ vụ bác GS toán nên đọc ra cái link của diễn đàn phdvn.org có bài viết phản đối. Không đọc kỹ nhưng mình tưởng điều đầu tiên cần nói đến là cái quy chế đó đúng hay sai so với hiến pháp, pháp luật chứ nhỉ?

3.
Có điều cái diễn đàn đó vừa bị hack gòi :)

4.
Vụ City Palace ở Đức cũng hơi buồn cười. Bác KTS Đức được giải Ba tức mình đi tố bác KTS Ý chưa đủ điều kiện dự thi dù phương án đã đủ điều kiện trúng giải (@ Ban tổ chức cuộc thi). Mình tưởng đã là KTS "yêu cái đẹp-ham cái giàu-thích hoành tráng" thì không chơi chiếu hậu chứ nhỉ. Sáng tạo ra mới khó chứ bổ thì thằng nào chả bổ được :P

5.
Nhân đó thấy ý tưởng bình cũ rượu mới của dự án đấy cũng hay. Giữ cái vỏ phảng phất như cũ nhưng bên trong thay đổi nội dung sử dụng. Nó giữ ý nghĩa biểu tượng của công trình nhưng thay đổi dần nội dung công năng của nó cuối cùng tiếp biến thành ý nghĩa của một biểu tượng khác: nơi quá khứ được nhớ đến và đối thoại cởi mở-đồng thời hiện đại và tương lai cãi nhau một cách hoà hoãn :D

6.
Tóm lại là cứ hiệp hội Di sản, Trường ĐH, Thư viện mà phang. Thôi, hay là chúng mình dựng lại cái thành cổ Thăng long thời Lý-Trần bằng đá, chồng lên trên cái thành thời Lê-Trịnh bằng gạch, ngoắc lên nữa cái thành bằng gỗ kính của thời Nguyễn, đặt cái tượng bác gì bằng thạch cao lên chốc cùng, rồi cho anh em nghệ sỹ vào biểu diễn nghệ thuật đương đại, đọc thơ Hậu Hiện Đại...thì có khi là chẳng cần phải ra quy chế bắt anh em du học sinh cũng lũ lượt tìm về Tổ quốc.

7.
Đề nghị coppy ý tưởng này cần ghi rõ nguồn :))

8.
Và không được hack.

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2009

Quân tử tam lạc - Mạnh Tử

1.
Phụ mẫu câu tồn, huynh đệ vô cố, nhất lạc dã.
Ngưỡng bất quý ư thiên, phủ bất tạc ư nhân, nhị lạc dã.
Đắc thiên hạ anh tài nhi giáo dục chi, tam lạc dã.


Mạnh Tử - "Tận Tâm - Thượng".

Cha mẹ đều còn, anh em không bị gì, ấy là cái vui thứ nhất.
Ngửa mặt lên trời mà không hổ, cúi đầu với người mà không thẹn, ấy là vui thứ hai.
Được và dạy anh tài trong thiên hạ, ấy là vui thứ ba. (vi.wikipedia).

2.
Mạnh Tử thật khác so với Khổng Tử. Có người giảng là do thời thế của hai vị ấy khác nhau nên xuất xử phải khác nhau. Nếu đọc Luận Ngữ thấy sự hài hoà thích đáng và không thể nào kể rõ, không thể nào theo kịp thì đọc Mạnh Tử cái cảm giác thường xuyên là sự bức bách (dẫu rằng) của Trung Chính. Đời nay đọc đoạn "Quân tử tam lạc" kia mà ngẫm ra thì có gì mà không đúng, nhưng rõ ràng là cao quá, cứng quá, không dám nghĩ người thường có thể có hết nổi. Đừng vội nói cứng quá tất gãy, như Mạnh Tử tuy có thể nói là cuối cùng cũng chẳng gây dựng nổi vương nghiệp cho ai nhưng một đời lẫm lẫm toàn làm thầy thiên hạ, được vua chúa các nước cung phụng, thì chẳng phải là không làm suy suyển chút tâm thế nào đấy sao.

3.
Nếu lướt qua có thể nghĩ đạo Nho chỉ là những tư tưởng đạo đức chính trị để làm theo thì thực chưa kể là biết. Trên phương diện tu thân, luyện tâm, Nho gia cũng có những phương pháp để rèn luyện, thực hành hàng ngày như...tập thể dục và cũng có những ghi chép mô tả về những cảnh giới tinh thần nghe cứ phảng phất như của tôn giáo nào đó. Mạnh Tử có bàn về cách rèn luyện Bất Động Tâm và thành tựu của nó. Những môn đệ của học phái Vương Dương Minh thực hành thiền định (Nho gia cũng có phép thiền định như nhiều nhà khác chứ món này không phải độc quyền Phật gia) và một số đạt đến Bất Động Tâm và để lại những mô tả rất giống với thành tựu của PG.

Liệu có lẽ nào bí mật của cuộc sống Tận Tâm lại chỉ là triệt để thực hành những điều căn bản nhất? Như là "làm điều thiện, ngăn điều ác", những điều mà từ đứa trẻ đến người gia lão đều biết nhưng chẳng mấy ai thực hiện triệt để được?

Bố mẹ tin tưởng yên tâm về mình, vợ chồng đồng điệu trong cư xử, anh em thân thiện, bạn bè tín nhiệm, làm việc gặp người hiểu ý, luôn tự xét mình - những việc này nghe có dễ làm, dễ đạt hơn đạo lý thánh hiền không nhỉ. Thời mạt pháp nói ra những điều chân chính nhiều lúc vẫn ngượng mồm. Thật.

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Ghi chép dọc đường - Quảng Nam. NDHCTCM.2.

3.
Những bận nào Trà Linh qua Đá Dừng Hòn Dựng
Dùi Chiêng về Phường Rạnh ngược Khe Rinh
Bao lần anh cùng chúng em lận đận
Bôn ba qua rú rậm luống rùng mình


Hoá ra Tam Kỳ là một thị xã nhỏ đang phấn đấu thăng cấp lên thành phố. Thành phố thì mọi thứ cần to hơn và điều dễ nhận thấy đầu tiên là tất cả các trụ sở của Tỉnh ở đây đều được đặt trong các khuôn viên rộng rãi đến loãng cả không gian. Cả thị xã là những lô lớn rộng thênh thang với những con đường trồng toàn cây trứng cá. Loại cây này là một sai lầm sơ đẳng về nguyên tắc trồng cây xanh đô thị: những quả trứng cá chín rụng be bét trên vỉa hè loang lổ những vệt nám đen xạm cùng với lũ côn trùng khiến cho ta chỉ có thể nói về cảm giác đó bằng một hình dung từ "nhớp nháp".

Ở trong này vào quán thật khó để kiếm được món rau xanh như ngoài Bắc. Có thể trước hết là tại khí hậu, thổ nhưỡng, sau là tại đã thành văn hoá luôn rồi. Lạ là bia lấn át rượu một cách tuyệt đối. Lạ nữa là mọi người ở đây đều bảo làm quái gì có rượu Hồng Đào. Ừ cũng có thể rượu hồng đào chứ không phải rượu Hồng Đào mới là chưa uống đã say.

4.
Sở TM&DL QN lúc đó mới được thành lập, trụ sở còn chưa kịp hoành tráng như các sở khác. Hoá ra ông giám đốc Sở là một người dân dã và dễ mến. Ông hào hứng với việc sẽ xếp được lịch để cùng đoàn đi khảo sát toàn bộ cung đường HCM mới mở đi xuyên qua tỉnh QN. Như vậy là sẽ đi khoảng đâu chừng bốn năm trăm cây số đường miền núi. Sẽ qua một vài cung đường còn chưa chắc chắn là có đi được không, nhưng tất cả xác định là cứ đi đi đã.

Chuyến xe chính thức khởi hành từ 5 g sáng và người cuối cùng được đón là một vị khách đặc biệt mà ông GĐ rất quý mến muốn mời đi cùng. Một nhạc sỹ, nhà báo, nhà phê bình chuyện chưởng, nhà nghiên cứu...nói chung là một giáo sư biết tuốt. Suốt chặng đường dài nhờ giáo sư mà chuyến xe luôn đầy bộn những câu chuyện trên trời dưới bể. Ông nói nhiều và nhanh, như thể sợ rằng người ta sẽ không kịp nhận thấy hết tất cả những vốn liếng kết giao giang hồ chốn văn nghệ sỹ, những sưu tập ngóc ngách giai thoại anh nọ bác kia của trí thức miền Nam. Thực lòng tôi cũng chẳng thành kiến gì những chuyện này, nhưng ta sẽ thấy ngao ngán khi nhận ra rằng hoá ra lại cũng có cả những mô tuýp phong cách cho những nghệ sỹ phủi, trí thức bụi. Tình cảnh chẳng khác gì việc phải đi ăn hai cái đám cưới cùng một ngày cùng một lúc tại hội trường kia và lại cùng một anh MC nọ. GS Biết Tuốt thực ra cũng chỉ tám những chuyện vô thưởng vô phạt kiểu trích dẫn "cộ xe nhiều cũng cửng như hươu" nhưng ông bị tâm trí tôi đề kháng vì vô tình ông là ví dụ điển hình cho cái tâm thế du hý văn hoá dễ dãi mà tôi đang muốn vượt qua ngay từ lúc khởi hành. Từ đây ông sẽ đứng bên lề câu chuyện của tôi, nhưng dẫu sao ông cũng đã góp phần tạo nhân duyên cho một không khí, một cuộc du hành của tâm trí.

5.
Em nhớ hay không? hồn hoa dại cỏ
Những ngậm ngùi đầu núi canh khuya
Vàng cao gót nai đầu truông hãi sợ
Gió cây rung trút lá mộng tan lìa

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2009

Ghi chép dọc đường - Quảng Nam. Nghĩa địa hoang cháy trong chiều muộn. 1.

Không thích kiểu đặt gạch này nhưng muốn ép mình viết đôi điều về Quảng Nam-một vùng đất khởi đi từ BG, lòng tôi vương vấn nhiều tình cảm. Mỗi lần muốn viết, lại thấy trong mình còn thiếu vắng hụt hẫng điều gì đó không làm rõ ra được.
-------------
1.
Quãng năm 2003 tôi ghé Quảng Nam chừng 01 tuần trong khuôn khổ chuyến đi công việc một loạt các tỉnh phía Nam. Nội dung làm việc ở QN là khảo sát thực địa để lập QH du lịch toàn tỉnh. Vậy là tha hồ đi dọc ngang một vùng đất, hàng nghìn km trong vài ngày. Nơi nào đẹp, còn hoang sơ có tiềm năng (nhưng chưa) khai thác ta tới xem chơi. Món gì ngon lạ (thiên hạ chưa biết) ta nếm thử :) Tiền có nhà nước trả, đường có người trong ngành dẫn đi - hỏi còn tiện nghi nào hơn. Riêng những đặc điểm này có thể coi là xứng đáng để trừ vào 8 tháng mài mòn con người trong môi trường quốc doanh được lắm thay.

Từ trước chuyến đi, chúng tôi đã hồ hởi tìm kiếm tài liệu, tra cứu bản đồ để lên một lịch trình, những chỗ phải đến, những thứ chắc là phải xem...Những thao tác không khỏi hình thành trong tôi một mường tượng sơ khởi về vùng đất này. Ngày đó tôi mới đọc một tác phẩm duy nhất của BG là cuốn "M.H và Tư tưởng hiện đại". Tôi có cảm tình với ổng và biết ổng là người QN nên không khỏi hồi hộp về việc mình sẽ ghé qua Duy Xuyên xem đàn bò trên đồi sim chín ra sao.

Nhưng tôi cũng giữ cho mình một khoảng hờ hững để khỏi thất vọng: không có gì là nhất thiết cả, hãy để cho mọi khả năng đều có thể đến. Hơn nữa chuyện quê hương xứ sở tôi vốn coi chỉ là câu chuyện một dòng sông, chúng ta chỉ cần coi trọng một căn cước chung là thân phận con người-những con người luôn hoài hướng về một quê hương không biết ở đâu. Gói ghém một nhân cách như BG vào một địa phương là chuyện có cũng được, không biết lại càng hay; tôi nghĩ vậy và tôi đã khởi đầu chuyến đi bằng tâm thế của một người dưng lang thang.

Đã hơn 6 năm nhưng trong tôi, sau tất cả những gì đã trải qua, vẫn cảm thấy mình đã lạc lại đâu đó ở vùng đất ấy. Có lẽ chính vì vậy mà chưa bao giờ tôi thực sự cảm thấy có thể kể liền lạc về Quảng Nam, về một buổi chiều hoang tàn đến thê lương trên đập Vĩnh Trinh năm xưa. Thực ra mà nói, cũng chẳng có gì để nói. Chỉ là tôi nghĩ sẽ không tái hiện được chính xác những gì tôi đã trải qua. Và trong chuyến đi miên viễn của tinh thần, chưa bao giờ tôi muốn kể lại nó chỉ như là một câu chuyện mua vui. Vậy đây có lẽ cũng lại là một chuyện có thể dài mãi mãi nào đó đôi phen ta kể lể như là chỉ để chính ta nghe.

2.
Tần hô Tiểu Ngọc nguyên vô sự
Chỉ yếu Đàn lang nhận đắc thanh.

Nguyệt cầm - Xuân Diệu

1.
Em về mấy thế kỷ sau

Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Ta đi còn gửi đôi giòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù?

2.
Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh

Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.

Mây vắng trời trong đêm thủy tinh

Lung linh bóng sáng bỗng run mình
Vì nghe nương tử trong câu hát
Đã chết đêm rằm theo nước xanh.

Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời,

Đàn ghê như nước, lạnh trời ơi …
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người …

Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê

Chiếc đảo hồn tôi rộn bốn bề …
Sương bạc làm thinh, khuya nín thở
Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê.

3.
Thơ XD tôi thích và nhớ mỗi bài này. Nhiều người xếp nó vào các thể loại khác nhau như khẩu vị, phân tích theo lý thuyết này kia tuỳ sở trường. Với tôi bài thơ này đơn giản là một chuỗi các hình ảnh và liên tưởng đa nghĩa, gợi suy tưởng được lồng ghép trong chuỗi âm sắc, vần luật, bằng trắc rất thành công và tương đồng giữa nhạc điệu của chúng với chuỗi liên tưởng. Nó gợi ra không gian, thời gian, phông văn hoá xưa rồi nay. Ngôn từ chỉ là cái cớ, hình ảnh nhiều phen sáo nhưng chuỗi ấn tượng, cảm xúc thì độc đáo và liền lạc, rền vang trong tâm trí như một lượt dồn rải của tiếng đàn tỳ bà giữa đêm.

4.
Có điều, thơ XD ấn tượng cảm xúc thì mãnh liệt mà di âm lại chẳng được bao lăm. Đọc xong là hết. Lại phải đi tìm kiếm một cảm xúc khác, một bài thơ khác. Không tự đầy đủ được.

Nhưng mỗi lần nghĩ đến bài Nguyệt Cầm, tôi lại nhớ đến cảm giác đứng giữa đêm sương bạc ngửa cổ rõi miết trăng xưa trong veo như đĩa bạc khảm giữa nền trời men ngọc biếc với những tơ mây li ti vân vi dăng mãi đến mấy ngàn dặm phía chân trời. Trong khoảnh khắc, cả hào khí lẫn lòng cảm khái đều thấm đẫm toàn thân như sương cuối thu năm nọ. Việc ngửa cổ ngó chơi hẳn ai trong đời cũng từng có lần trải qua; cũng từng có lúc nghĩ lại mà cười nhẹ. Nghìn năm nay vẫn thế mà thôi ư?

5.
Em sẽ khóc khi nhìn trong khóe mắt
Có một người đi lại lang thang
Còn ghi giữ ân tình trong cỏ nhặt
Mưa vi vu vì hẹn với truông ngàn...
(BG)

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Cái đuôi chó và một nghìn rưỡi

1.
Phải nói trình độ câu pageview của bác ĐHP tăng nhanh chóng mặt :P Mình mãi mới lẽo đẽo được 13000 mà bác í đã kịp đến 10000 rồi. Nhờ Google analystic làm mình biết được mỗi ngày có khoảng vài chục người ghé thăm (nguyên tắc là vậy, giảm trừ chế độ tự động của web có khi còn ít hơn). Nói cho nó long trọng mấy chục anh chị em cô bác là nguồn an ủi động viên lớn cho tui những ngày tháng lan man này :)

2.
Ăn theo chuyện mười nghìn của bác ĐHP, tôi có chuyện một nghìn rưỡi, vắn tắt thế này: hồi sinh viên có lần có thằng kiếm đâu được cái đuôi chó luộc mang về nhà trọ gầy độ nhậu. 7 thằng sinh viên vét túi mua được nồi nước phở, một cân bún thì...hết tiền. Bỗng dưng móc túi khác thì chính xác là còn một nghìn rưỡi. Anh em quyết định mua dưa chua về ăn cho có rau :P Thằng bạn dân sinh viên maketting đi 1 lúc mang về khá nhiều dưa và một ví dụ kinh điển về kinh nghiệm đi chợ. Nó mua lần đầu 700 đồng tiền dưa chua, đi một đoạn rồi quay lại mua thêm 800 đồng. Thông thường các bà bán dưa bán theo cữ tiền khoảng 1000 đồng, nên nhờ sáng kiến này mà số dưa chua mua được đã tương đương mua bằng khoảng 3000 đồng! Một kinh nghiệm siêu kinh điển :D

3.
(Hy vọng mình lại bứt lên được 1 đoạn pageview :)

Biên giới lãnh thổ

Sáng ngày 2/12/2009, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã bấm nút khai trương Trang thông tin điện tử về Biên giới lãnh thổ do Uỷ ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao thiết lập.

http://biengioilanhtho.gov.vn/bbg-vie/home.aspx


----------
Kể ra nên có bản tiếng Anh nữa thì hơn.

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009

Những người ta biết từ xưa

1.
Lâu lắm lại có lần tỉnh giấc lúc rạng sáng. Bên ngoài lạnh và trăng vẫn còn bàng bạc trên mọi bề mặt. Những lúc thế này, ngồi im một chỗ cũng thấy thú vị. Nhớ những gì không đâu.

Anh vẫn bận à? Chán thế chứ, cả hai chúng mình đều bận. Ừa mà chán thật dẫu nghe hơi kỳ. Ít nhất phải có ai đó thảnh thơi lêu bêu để thấy cuộc đời không phải là những rập khuôn tăm tắp chứ nhỉ.

2.
Thấy trăng sáng lại nhớ những đêm trăng sáng ở quê và thói quen đi dạo hàng đêm. Nghĩ luyên thuyên nhớ đến một thằng cùng xóm đã chết từ xưa. Nó cùng độ tuổi mình, học đến lớp 9 thì bỏ ở nhà phụ bố mẹ. Năm sau nó chết vì tai nạn giao thông không đâu. Mình với nó coi như không chơi nhưng biết nhau vì cùng tập Đội hồi bé. Những lần đi dạo đều khoảng 9-10 giờ tối và hay gặp nó ngồi chơi trên thành cầu. Một lần nó nhận xét "thằng T hay đi đâu đấy vào những đêm trăng", vậy rồi nhớ riết cái việc có đứa ất ơ nó để ý thói quen của mình. Rồi nó chết vào một chập tối khi đạp xe đi đưa hàng; bị ô tô tông phải dù đi sát lề đường. Tối mình đi ngang qua đó, nhìn cát dưới chân thấy hơi thắc mắc cho đến khi biết chuyện. Nó làm mình thấy cuộc đời cứ kỳ khôi vớ vẩn ngang xương không đâu-chẳng có lý luận gì hết. Thế thôi chứ chắc nó cũng chẳng tưởng tượng ra là đến tận bao nhiêu năm sau vẫn có thằng nhắc chuyện ngày đó.

3.
Ông Trịnh Mai mất. 76 tuổi là chẳng sớm chẳng muộn. Có điều có những người, những thứ ta biết từ rất lâu, ta vẫn thấy bình thường bỗng nhiên một ngày chuyện hết bình thường. Và ta biết cuộc đời là những không đâu.

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

Đinh Ý Nhi. Cũ kỹ vừa phải để không quá ảm đạm.


1.
Rõ ràng là đang đứng trước hiên nhà mình. Mọi người đã ngủ và ngoài kia thì trăng sáng bạc. Không khí lạnh, hanh hao. Vậy mà điều gì khiến mình quay vào? Điều gì khiến tiếng bước chân gõ lơ đãng trong đêm thành ký ức?

Mình đã từng ở một căn nhà trọ khác.

2.
Giờ thì anh đang ngồi đây - một mình trong căn phòng của mình – căn phòng mà anh đã kỳ công lựa chọn cho ưng ý mình. Đúng như anh hằng mong muốn. Nó cũ kỹ vừa phải để không quá ảm đạm. Đơn côi vừa đủ để anh thấy tự do. Có hai cửa cho anh. Căn nhà nhỏ lợp ngói và nằm tận góc miếng đất của chủ nhà. Trước là một khoảng đất rộng bỏ trống. Một cây ổi nhỏ nhỏ, một bụi chuối xa xa và một đống gạch cũ kỹ lên rêu –chúng có mặt để chiều ý anh. Anh lựa chọn tối thiểu những vật dụng trong nhà. Anh muốn tự thân chúng phải có một ý nghĩa gì, gợi lên một cảm giác cụ thể. Không bao giờ nói ra nhưng anh thường thích thú khi có người nào so sánh đúng như anh nghĩ - mọi thứ giống như trong những bức hoạ cận đại hay Phục Hưng – cũ kỹ uể oải. Anh có một cái giỏ đựng những cuộn giấy và vài thứ linh tinh. Một cái ghế để bày đồ uống nước: một ca nhựa đỏ, một con dao nhỏ và một chiếc cốc bằng gốm, tráng men một màu, hoa văn giản dị...Chiếc cốc ấy trong một chiều cao hứng, cùng với vài người bạn, anh đã sang tận Bát Tràng để chọn mua. Những hoa văn của nó gợi cho anh những ký ức. Không rõ rệt được. Nó phảng phất như những câu đồng dao vậy. Góc phòng là một cái hũ sành chỉ cắm một màu hoa cúc – vàng da diết nhưng âm thầm. Quần áo và sách vở, anh để bừa bộn trên giường. Giường là một chiếc giường đôi, nửa trong anh mắc một cái màn đơn và luôn để như vậy, nửa ngoài là sách vở và quần áo. Một sự bừa bộn vừa phải và cố ý để đổi lấy sự ấm cúng. Anh tự lừa dối mình như vậy và riêng với điều bịa đặt này anh tạm hài lòng và chấp nhận như chấp nhận một phí lí. Anh nhớ đến ông Nam Cao và tặc lưỡi tiếc rẻ. Ông trẻ này dường như đã chặn mất của anh một cảm giác rồi. Thật tiếc cho những ai cả đời chưa một lần say rượu. Họ sẽ chẳng bao giờ biết được cái cảm giác của Chí Phèo lúc tỉnh rượu. Anh chưa hẳn là Chí nhưng anh cũng đang trong cảm giác ấy. Anh đã trong một buổi sáng trời trở lạnh. Tiết Đại Hàn vào ngày rằm cuối năm và mưa phùn. Trong phòng kín nhưng anh vẫn mường tượng rõ cái ánh sáng nhàn nhạt trắng và hơi xam xám của ngày đông. Bây giờ đang là buổi chiều. Anh đang ở trong phòng, đóng kín cửa và để điện. Ngay cả loại bóng điện tròn có thứ ánh sáng vàng đục này cũng là sự lựa chọn của anh. Bất chợt anh lắng nghe được những tiếng động khe khẽ của ngày. Chúng rời rạc và lác đác. Thảng thốt. Một cái gì đó mơ hồ đã được gọi tên: Thảng thốt. Anh biết chắc mình đang như vậy. Cả cái tiếng xe máy đâu đó cũng làm anh động lòng. Ngoài cửa, ở phía sân nhà chủ đang có tiếng nói chuyện. Những câu nói dường như cũng trở lên cố ý tham gia vào buổi chiều này. Nó thảng hoặc và đột ngột. Vu vơ. Rồi đột nhiên tắt hẳn. Một câu chuyện không thành chuyện. Se sẽ trong một ngày dường như sẽ không bao giờ là một ngày hoàn thiện.


3.
Em như sông êm ả một dòng
Có yêu giông trời chớp bể
Có hiểu lòng anh như đứa trẻ
Trong sạch và khát khao.
(LQV)

Muốn tìm một vài bức tranh của Đinh Ý Nhi giai đoạn vẽ đen trắng trên giấy báo nhưng trên mạng không thấy mấy. Chắc tại đã lâu rồi và chắc tại tranh đã bán hết. Thực ra tôi không theo dõi và hiểu biết gì lắm về hội hoạ VN cũng như thế giới giai đoạn gần đây. Cái gì va đập vào cuộc sống của mình thì mình tìm hiểu chứ chẳng thể đeo đuổi mọi điều như thể phải thế được. Giống như nhiều người, kiến thức của chúng ta thường chẳng khá hơn các bác hồi 30-45 là bao :D Cổ điển, quá cổ điển. Nhưng theo tôi thì cũng chẳng nên cố-cứ sống đúng và hết cái điều kiện xã hội của mình đi rồi mọi sự sẽ đến bằng con đường của trải nghiệm. (Đoạn vặn vẹo ngôn từ tiếp sau xin để lại).

Tôi nghĩ đến ĐYN vì đó là một trong những hoạ sỹ gần đây nhất mà tôi có để ý. Hình như là qua một trang báo TTVH từ hồi sinh viên năm nhất năm hai. Tôi thấy ấn tượng và nhớ cái ấn tượng đó. So với ngày xưa tranh của ĐYN bây giờ có sự chuyển biến: ngày xưa thấy có gì đó, bây giờ thấy phải có gì đó. Tôi thích ngày xưa hơn. Nhưng bây giờ mà nhắc đến nữa thì lại theo trào lưu mất rồi :P

Thôi vậy. Có điều nghĩ đến câu thơ của LQV không khỏi bật cười - nếu em không yên ả một dòng, em cứ tung toé toe toét sục ngầu phù sa thì anh chàng giông trời chớp bể kia phải làm sao cho hài hoà được đây. Haizz...

P/s: chào mừng danh sách friends đã lên hơn 50 người :) Có điều mấy bạn gần đây ko có hoặc ko public blog nên chẳng biết đâu mà lần :( Anybody here?