Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019


Hết tác dụng của thuốc mê, tôi tỉnh dậy nhìn trần nhà màu trắng tinh tươm và nhận ra có lẽ rất lâu rồi tôi mới có một giấc ngủ sâu, nhẹ nhõm đến như vậy. Cần điều chỉnh nhịp sống sao cho mỗi lần thức giấc phải được an lành như thế mới phải.
Có một xác suất rất rất nhỏ là khi ai đó được gây mê chỉ với ý định cắt amidan chẳng hạn nhưng rất rất không may là họ sẽ chẳng bao giờ tỉnh lại nữa. Tai biến y khoa luôn là một khả năng để ngỏ, mà chẳng may là năm trước đã xảy ra liền 2 vụ ở HN nên bây giờ mỗi khi không thực sự quá cần thiết mà lựa chọn gây mê thì mọi người đều có chút chần chừ. Tôi thì lựa chọn cũng nhanh thôi nhưng không phải không thoáng nghĩ đến những khả năng tồi. Tất nhiên tôi không thể hiện điều đó với người thân nhưng tự nhủ khi nào tỉnh dậy sẽ viết mấy dòng về điều này (chứ viết trước sái bỏ mẹ, nhỡ đâu lại thành chủ đề cho cộng đồng mạng chiêm nghiệm với điệu gật gù là tôi thấy không chịu được).
Đến một thời điểm nào đó trong đời, chúng ta cơ bản sẽ bớt hồ nghi và chấp nhận được cuộc đời. Kiểu tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc. Nếu điều gì đó tồi tệ đến với ta, cơ bản là rồi thì cuộc đời cũng sẽ qua. Điều kinh dị và lớn lao của cuộc sống là ở đấy: khi mà dù khổ đau cỡ nào rồi cũng sẽ qua đi như bọt nước như bào ảnh. Nếu điều gì tốt đẹp đang đến thì ta nên hân hưởng chúng nhưng trong tâm thì cũng chỉ nên ghi nhận nó như đã ghi nhận những điều tồi tệ khác - một ghi chép buồn tẻ nhàn nhạt không dính chấp. Bằng tất cả những gì mình biết, tôi chỉ có thể nói năng với người thân về một thái độ bình thường tâm mà sống - rồi thì mới thấy được một thế gian khác. Phần tôi, từ lâu tôi thấy cơ bản cuộc sống là thế, một cuộc dạo chơi trong rừng xanh. Cơ bản là có mây trắng nắng vàng và cỏ xanh như trong sách. Ngủ thì ngủ, thức thì thức. Hoặc băm bổ như ông bố của Justin Halpern (Shit my dad says): Tập trung mà sống, chết là chuyện nhỏ. Nhưng vấn đề ở đây lại là: chúng ta có thể hiểu được nhau hay không? Chúng ta hiểu nhau bằng cách nào? Sẽ bỏ lỡ điều gì không? Trong cuốn sách kia, ông bố thú vị cũng từng nói với con giai là "Mày chả biết đếch gì về bố cả". Thực tế chúng ta biết rất ít về nhau, dù chúng ta là người thân trong một gia đình. Bởi biết mình đến đâu mới biết người khác đến đó được. Hiểu là thông hiểu. Sinh tồn là liên tồn như Bùi Giáng tiên sinh ưa nói lái hay chỉ trỏ. Vì vậy, chúng ta cần facebook, cần mạng xã hội để biên nhật chí, để chỉ trỏ ra dấu hiệu về cuộc tồn sinh của chúng ta. Nhưng đó chỉ nên coi là khởi đầu mà thôi.
Không gian mạng cho ta cơ hội để kết nối, nhưng những kết nối thực sự giúp khai triển các khả thể nhân sinh hay ho thì phải được hoàn thành bằng giao tiếp tương giao toàn vẹn, phần lớn cần cỏ xanh mây trắng làm nền. Quan tâm xã hội cũng thế, có thể bắt đầu nhờ internet nhưng phải như Noam Chomsky đề xuất, đại ý quan tâm xã hội là làm sao để thay đổi nó, thông qua người khác, cộng đồng và cam kết. (Internet: từ quan điểm quyền lực nó quá dân chủ. Mặt khác: nó làm người dân chệch hướng và phân tán: các bạn ngồi trước màn hình máy tính một mình/đẩy tình cảm con người ra khỏi con người. Họ gửi cho các bạn bất kỳ ý tưởng nào mà họ thậm chí chưa nghĩ kỹ, bất kỳ lúc nào họ bị thôi thúc). Vậy nên mình vẫn cần dùng mạng xã hội, mình lên facebook để chỉ trỏ cho nhau những dấu hiệu, những con đường, những cơ hội để thông giao trong đời. Nhưng đời là một toàn vẹn không lệch lạc, giàu sang hơn giao diện trên mạng rất nhiều.
P/s: vài dòng cảm khái về thông diễn, giao tiếp tương liên, thông giao với người khác nhân dịp vừa có một đóa hoa cúc đã bị con ong nó tỏ đường đi lối về. Bác sỹ Hiền xinh đẹp ạ, tôi nhớ tên cô rồi đấy ^^