Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2009

Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình

Tất nhiên là không giống như ai kia cứ nói đâu đâu, ở đây mình là mình nói chuyện tình dục. Have sex, không phải make love luôn! Do đó...

*Cảnh báo: Nội dung người lớn, độc giả cân nhắc khi đọc tiếp!

-----------

Còn nhớ có lần từ blog bác Goldmun mà lần đến vụ thi đua dịch câu "have more sex with her" bên blog bác 5xu. Đại ý ngữ cảnh là cô vợ yêu cầu anh chồng ngồi nói chuyện nghiêm túc về mấy điểm, ngoài chuyện cần chịu khó rửa bát quét nhà, cắt cỏ...thì yêu cầu cuối là cái câu trên kia. Vấn đề là làm sao chuyển ngữ sang tiếng Việt cho sát nghĩa nhất. Cho dù mang màu sắc tếu táo thì thực sự việc chuyển nghĩa cũng rất khó vì trong tiếng ta chưa quen kiểu vợ chồng đề cập đến sex mà không có love như thế. Theo mình thì tạm có phương án "sinh hoạt vợ chồng nhiều hơn nữa" là đang dẫn đầu. (Cũng lạ là chưa thấy các bác tinh dịch gia làm tổng kết cuộc thi này. Chẳng nhẽ vụ này các bác cũng đầu voi đuôi chuột :) (Đính chính: các bác tinh dịch gia có tổng kết rất hoành tráng-chỗ nào cũng to ^^)

Nhưng bây giờ thử chuyển câu kia sang dạng hội thoại thì nó sẽ vẫn còn rất khó. Tưởng tượng chị vợ một hôm làm mặt nghiêm trọng mời chồng ngồi trao đổi vài chuyện gia đình. Đoạn cuối có thể sẽ phải là thế này chăng "về chuyện sinh hoạt của vợ chồng mình, em muốn anh...." Đấy, đến đấy là tắc tị, không biết làm thế nào cho câu nói nó xuôi. Hiển nhiên không thể là "ân ái mặn nồng hơn nữa" (@5xu), hay là "anh cần chơi tới bến hơn nữa" (@aristotle). Nghe có vẻ xuôi nhất thì chắc phải chuyển câu trên không phải là "em muốn" mà là "em cảm thấy chúng ta cần cải thiện hơn"...Ôi giời đất cái tiếng ta nó hay vậy đấy: vấn đề bị kéo xuống thành chúng ta và tinh thần chỉ còn là "cải thiện"!

Cái câu văn nói mà mình đề xuất kia nó nghe có vẻ xuôi vì nó hợp với bối cảnh (công khai) của văn hoá Việt nam hiện nay. Còn thực tế thế nào thì mình không dám chắc. Tham khảo độ bậy của môi trường văn hoá công sở đương đại, hậu hiện đại thì chắc cũng không quá khó khăn. Mà quả vậy, lấy nhau từ 5 năm trở lên thì làm gì mà không thể huỵch toẹt ra ^^

Nói thì dễ nhưng trực tiếp nữa nó thế nào thì mình cũng chưa nghĩ ra cho xuôi. Tất nhiên cái khó là phải làm cho anh chồng hiểu là mình muốn ấy nhưng mà không phải mình chê anh ấy ấy nó không được ấy. Tức là mình muốn chuyện ấy nó ấy hơn nhưng mà mình không muốn tình cảm gia đình nó bị tan vỡ trực tiếp do mấy cái chuyện ấy ấy. Cái vụ 4'33'' (*) này nó rất dễ động chạm đến sĩ diện của anh ấy-làm sao cho khỏi ấy đây ta?

Nhưng cuộc sống cũng nhiều khi éo le như cây tre trăm đốt, nên thỉnh thoảng trên mục tâm sự của Vnexpress lại xuất hiện những trường hợp gần như là vô phương cứu chữa. Thế thì người nông dân phải làm gì? Một cuộc đời gần như sẽ lỡ dở bây giờ làm sao? Để tránh phải trả lời cho câu hỏi nan giải này Bồ Câu mình xin đề nghị cùng nhau suy nghĩ về một cực hạn khác của tình huống nghiên cứu: đó là câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời mỗi người hay cụ thể trong ngữ cảnh này là câu hỏi về sự lựa chọn.


Khi ra một quyết định lựa chọn, điều này đồng nghĩa với sự chấp nhận một hệ quả. Nhiều khi sẽ là hậu quả. Nhưng chủ đề sẽ tiếp tục nhanh chóng mở sang phía câu hỏi về tính mập mờ, bấp bênh của hiểu biết của con người về những giới hạn của đời người, theo những chiều rất khác nhau. Một cách bất cần, vấn đề được quy gọn thành "Vậy đã sao?". Trong tiểu luận về sự phi lý A. Camus từng lấy hình tượng Sysphe chịu hình phạt lăn đá vĩnh viễn lên đỉnh đồi dưới địa ngục làm tượng trưng cho câu hỏi về thái độ của con người khi đối diện với sự phi lí của cuộc sống. Một khi con người ta chấp nhận tuyệt đối về sự phi lí ở đời thì tâm thái sẽ rất khác. Khác đến độ nào? Thường thì sẽ là sự tan rã mọi thước đo, mở ra mọi khả năng sa ngã, huỷ hoại "cái gọi là nhân cách thông thường" (BG tả là sa mạc hư vô của chủ nghĩa phi lí). Một ví dụ gần đây là trào lưu văn học linglei ở Tàu. Đời là cái đinh, tình là cái que, đứa nào loe ngoe anh xiên chết.


Nhưng mặt khác, tâm thái này cũng đem lại nhiều khả năng chấp nhận thực tại khá lạ lùng, có phần còn giống với một dạng kinh nghiệm tâm linh nữa. Mình nghe một vài nhà truyền giáo nói rằng "chỉ cần anh chấp nhận đức tin, anh sẽ thấy sự màu nhiệm, anh sẽ được cứu chuộc khỏi thế giới này...". Không hề có ý phỉ báng, cảm giác của mình với câu này hoàn toàn giống với khi đọc được một đoạn trong một truyện gì cũng thuộc dòng linglei kia mà có cái tên hình như liên quan đến rắn. Đọc dở vài trang trong nhà sách, thấy ngay cái đoạn tả cảnh have sex của 1 đôi, có đoạn tả đang ăn chim, cô gái kia thấy thích cái mùi chua của mồ hôi lẫn mùi amoniac của 1 tay bạo dâm...Chắc còn nhiều đoạn ác liệt nữa nhưng mà mẩu trên kia là ví dụ rất ấn tượng về sự bình thản đến trơ trọi trước hiện thực. Chả còn gì để ẩn giấu. Một thông điệp rất quyết liệt rạch ròi: Vậy đã sao? Khi nhận thức tất cả là hoang tàn trơ trọi thì câu hỏi tu từ "Vậy đã sao?" là một thái độ rất cần thiết để tiếp tục tồn tại.


Sống vừa là lựa chọn hành động vừa là lựa chọn thái độ trước hậu quả. Đi tiếp mệnh đề này thì hơi nhọc cho 1 tiểu luận ngắn nhưng có vẻ chính trong hành động và lựa chọn thái độ, con người tự mình đối diện với Định mệnh và định mệnh không can dự tới được sự vụ đó. Tất nhiên không nên diễn nôm điều này thành phần thưởng có màu sắc triết lý cho lối sống buông thả vô lối. Nó trỏ ra rằng chỉ và chính bằng sự tự vấn phản tỉnh về tất cả mọi hệ giá trị, mọi phạm trù, mọi thiên kiến, về chính mình, cuộc đời mình, con người sẽ bước sang một chiều kích khác mà ở đó hình như thái độ sống là một thứ rất đáng kể.
---------

(*) - Về ý nghĩa của con số 4'33'' xin xem bài về âm nhạc của NKH trên talawas gần đây hehe...

(**) - Thực ra chả phải ghi chú nhưng mà xin chú thích thêm bài này là sự thay đổi chiến thuật về từ khoá tìm kiếm dựa trên phân tích của làn sóng thời thượng mới Google analytics. Một bí mật nho nhỏ: tên cúng cơm của bác GM không hiểu sao là top trong các top dẫn vào blog của mình. Gần bét là "truyện tình ngang trái của một gia đình". Ở giữa các bác tự đoán ^^

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

3 khả năng của định mệnh

Cậu bạn hỏi tôi nghĩ gì về định mệnh? Thời đại google thậm chí chỉ cần gõ câu hỏi này lên khung search sẽ có vô số câu trả lời khả dĩ. Nhưng tự mình trả lời ngay tức khắc là một việc khác. Nó cho biết bạn đã thực sự giải quyết được câu hỏi này chưa. Câu trả lời liền môi của tôi là đại khái có 3 khả năng của nhận thức về định mệnh:

- Coi Định mệnh như là một thứ quyền lực tuyệt đối siêu nhiên, một dạng Thượng đế quan phòng có năng lực thưởng thiện phạt ác cho mọi sinh linh. Nhận thức kiểu này có ưu điểm là giúp người ta dễ chấp nhận tình thế hiện sinh của mình. Một sự chấp nhận thực ra rất có tác dụng an thần nếu nó được suy xét thận trọng và thậm chí chẳng gây ra cảm giác mất mát gì. Nhược điểm dễ thấy là sự dày vò của trí tò mò. Xem bói, xem tử vi, xin quẻ...tất cả để làm gì khi mà mọi sự là sẽ xảy ra? Nỗi thắc thỏm về định mệnh trỏ ra rằng nó vốn có nguồn gốc từ sự mất tự chủ và không thể chấp nhận nổi ý nghĩa của định mệnh như trên kia. Hệ quả của sự nửa vời: Định mệnh luôn là một ảo ảnh ám ảnh - "Đời sống biến thành định mệnh vào lúc chết-một thứ định mệnh cho kẻ khác" (Carnets, A.Camus)

- Nhận rằng có những quy luật "khách quan" của vũ trụ/tự nhiên có tính chất nền tảng và do đó chi phối sự sinh tồn của con người theo quy luật của xác suất. Con người có thể lựa chọn và có thể tiệm cận đến những nhận thức sát thực với các định luật tự nhiên kia. Nhận thức này dẫn đến một thái độ sống hợp lý là "Tận nhân lực tri thiên mệnh" như Khổng Tử đã khuyên. Trong chiều hướng này con người đã có thể lựa chọn và cảm nghiệm giá trị nhân sinh của mình. Định mệnh mất đi vẻ đỏng đảnh của mình và trí tò mò đã thôi không còn thắc thỏm về việc "tôi sẽ bị/được thế nào?" để xoay hướng sang việc "tôi có thể làm được gì?" và do vậy phản tư về việc "tôi đã sống thế nào?"

- Khả năng nữa của định mệnh lại nằm ở chỗ có một đường lối sống trong đó "định mệnh" là một khái niệm thừa không cần biết đến. Mô tả điều này hơi phức tạp nhưng quả thực việc chấm dứt truy vấn theo hệ hình tư tưởng trên trục thời gian tuyến tính cổ điển có thể mượn câu nói của Khổng Tử để minh hoạ "(sao anh không nói) ta là người khi còn trẻ thì say mê học đến quên ăn, lúc học được đạo lý thì vui mừng đến quên cả tuổi già đang đến". Không có sự bận tâm mơ hồ về thời gian, không có sự bận tâm vô lí đến định mệnh. Đơn giản là sống chăm chú và tinh tiến.

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2009

và khiến cho việc đọc trở thành một công việc nhọc nhằn

1.
Hôm trước nhớ là có đọc 1 bài trên mạng về khủng hoảng tuổi 20 của một bạn MC nào đấy, định comment 1 tý mà giờ chẳng nhớ ở đâu nữa. Có 2 ý mình lưu tâm: một nói về việc "tôi thôi không nhìn mọi việc một cách tuyệt đối" và một trước đó kể về việc đọc loạn sách.

Nói cho cùng thực tế những khủng hoảng tâm lý đấy tuy không phải là đại trà nhưng cũng không quá hiếm hoi. Có lẽ nó chính là những gì D.T.Suzuki mô tả trong mấy trang đầu của tập "Thiền luận" về thoáng mở mắt lay động tận tâm can của tuổi trẻ khi đối diện cái tuyệt đối của lẽ sống:

"Thường thì hậu quả không vết tích gì sâu đậm; nhưng ở đôi căn tạng thì khác hẳn; hoặc vì những khuynh hướng nội tại, hoặc vì sức tác động mạnh của những luồng ảnh hưởng xung quanh vào bản chất dễ cảm kích, cơn thức tỉnh tâm linh ấy chấn động họ đến tận cùng cá thể. Đó là lúc phải dứt khoát chọn giữa cái “vĩnh viễn có” và “vĩnh viễn không”. Chính sự chọn lựa ấy mà Khổng Tử gọi là “học”. Học đây không phải là học kinh sách, mà chính là lặn sâu vào những bí mật của cuộc sống."

Nhưng cuộc khủng hoảng sẽ "qua đi" như thế nào?

Một mô tuýp sẽ đọc rất nhiều nhưng không trình bày được cái gì mạch lạc ra hồn. Thường đó là những người ưa sự tuyệt đối một cách chất phác. Tôi nghĩ đến nhân vật Autodidacte trong cuốn truyện thời danh "Buồn nôn" của J.P.S đọc sách trong thư viện theo thứ tự bảng chữ cái! Đây không phải chuyện nghiện ngập đọc cho lấp đầy sự trống rỗng tán tâm của bản thân mà là kiểu tâm lý sùng mộ kiến thức. Rốt cuộc đơn giản sẽ đánh mất đi khả năng suy nghĩ độc lập. Rồi mọi chuyện cũng sẽ qua đi khi anh ta tự nhủ rằng mình đã có một góc thương đau để gặm nhấm và chuyển di sang lĩnh vực của công việc, trách nhiệm...Anh sẽ gánh thật nhiều trách nhiệm, chấp nhận sự bỏ qua nhiều nguyên tắc sống vốn có để đổi lấy cảm giác hy sinh đi kèm áy náy thế chỗ cho sự bối rối dang dở kia.

Hồi lâu, anh nhận ra rằng nhìn mọi chuyện một cách tạm bợ cũng có bóng dáng của một triết lý thâm trầm. Nó cũng làm anh yên lòng hơn. Để tránh cái vòng luẩn quẩn của nguỵ biện về sự phi lý thường sẽ là vẻ uyên bác kể lể. Dấu hiệu rõ ràng nhất để nhận chân sự thực là sự thiếu vắng cảm giác thanh thản thực sự. Cái tốt thì dễ chịu. (Một phát ngôn dưới thẩm quyền kinh nghiệm-đương nhiên sẽ đi sóng đôi với sự vặn vẹo tức thì đầu chót lưỡi).

Ở đầu bên kia: bám lấy mãi cơn khủng hoảng sẽ rất dễ dẫn đến sự sụp đổ nhân cách.
Trường hợp này e là cần có một cái bạt tai ra trò.

2.
Nếu nhất quyết không chịu gánh một trách nhiệm? Nguy cơ trở thành một thứ quỹ tín thác cũng thật thảm hại.
Còn cuộc khủng hoảng thì sao?

Có lẽ là nhìn chằm chằm vào thực tại?
Ăn tát bây giờ thì hơi cú.

Đi dây thậm chí là một trò bẩn bựa hơn hết.

Người dẫn đường tốt nhất là tinh thần quyết vượt.

3.
Tái diễn

p/s: Nhưng cũng nên học hành bài bản. Lạ là làm việc gì cũng phải học hành bài bản mà có việc tối quan trọng lại ít ai làm thế.

Không phải là theo thứ tự abcxyz.

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2009

Đã nổi phong yên lộng bốn trời

...và một vài dị bản khác "đẩy, dấy...ở giữa trời". Bài này té nước theo mưa từ bài của bác NL (nói toàn chuyện cũ rích nhưng rất nhiều tên sách :)

1.
Đi.
Nhắc đến đúng là gãi vào chỗ ngứa của nhân gian. Ngày trước bên blog cũ có 2 tag mình quan tâm nhất là "đi" và "đọc" nhưng 360 hay trục trặc nên về sau tag ít được dùng. Vì hình như để nhiều bài trong 1 tag quá là nó mất tiêu luôn. Trong khi hầu như những điều mình nghĩ và viết đều có thể quy về đi và đọc. Chính vì thế nên rồi nó trở lên khó nắm bắt và rộng đến độ loãng ra không còn theo dõi được nữa. Hầu như cũng tính là một chủ ý của mình: đi vòng quanh chủ đề để một lúc nào đó tự nó hình thành một không khí, một giọng riêng của câu chuyện - vốn dĩ chẳng có gì để kể. Viết bài này để tạo lại tag "đi". Xong mới để ý có 1 tag về "những chuyến đi" nhưng nó cũng có hơi khác về sắc thái. Những chuyến đi là những chủ đề khá xác định và đủ nội dung. Còn đi như là một tâm thế thì vẫn nên tạo riêng ra.

2.
Chịu không tìm được đoạn phát triển cái ý tưởng về chuyển động và trải nghiệm là đã từng viết ở đâu. Đại ý mình thấy rằng chính khi chúng ta chuyển động trên một chiếc xe, chúng ta trải nghiệm cái cảm giác vừa phóng chiếu vào tương lai vừa tri nhận một khuôn khổ thực tại khá gọn ghẽ: ta gần như nhìn thấy tương lai trong 1 khoảnh khắc và ngay trước mắt. Nó tạo ra một ảo giác về sự hợp nhất do vậy nó thú vị và gây say mê. Nhưng như Erich Fromm từng phân tích, dấu hiệu của mọi chứng nghiện là luôn phải tăng cường độ đến khi suy sụp, đi - theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng - cũng chỉ là một giải pháp giả tạm. Sau cơn hưng phấn sẽ là cảm giác trống rỗng và mệt mỏi. "Về" chỉ là một phép đảo ngược dễ dãi của ngôn ngữ. Thoát khỏi là một câu chuyện khác.


Đừng chạm đến - hãy còn mùa thu ở đó
Giữa hai dòng là nỗi nhớ về em.

Sau dấu chấm anh thành người hay vội vàng tham việc
Gạch đầu dòng những gì của ngày mai
Mẩu giấy con con choán hết một ngày dài
Những câu ngắn, vội vàng, nhỏ mọn...
Hôm nay là tất cả những gì đã gạch xóa, vo tròn và ném vào sọt rác.
Ngày mai lại cong cớn, vội vàng trên cánh cửa...

Gió cũng nhẹ trong sân nhà chung cư
Mưa cũng khẽ chả bao giờ bị dột
Cửa sổ nhà này nhìn thấu nhà kia
Những giấc ngủ e dè khép chặt
Gió trở về trong những giấc mơ...
Những cơn gió nóng mùa hè, những cơn gió bấc mùa đông xoáy xiết không gian chập chờn khắc khoải
Giật tung những cánh cửa im lìm
Gió tạt vào mặt vào miệng vào những kẽ tay
Nước mắt dàn dụa lưỡi nghe vị mặn của biển, ẩm ướt của rừng lẫn trong mùi hăng thảo nguyên mùi khét sa mạc
Nghe tận cùng...vị ngái của mùa thu

Và kiệt sức, khốn cùng, quỵ giữa cánh đồng hoang
Anh bật cười, rao bán những giấc mơ.

Chỉ_khi_trắng_tay _hoàn_toàn Anh mới được trở_về.

Những dòng này viết hồi 20 tuổi. Bấy nhiêu đến giờ vẫn vậy. Loay hoay rao bán giấc mơ mà chửa xong.

3.
Này thì "đi" và "Huế" này em MT. (Nhặt 1 đoạn từ bài viết cũ bên 360)

Hồi trước đọc tập thơ đầu tiên là tập thơ Nguyễn Bính. Huế với mình là một xứ lạ, xa xôi. Biết là xứ Huế mưa dai dẳng trắng trời qua những câu thơ "Giời mưa ở Huế sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra đến mấy ngày..." Bắt đầu thích cái cảm giác lữ thứ, thú thương đau của phiêu bạt giang hồ. Thích những câu thơ trong bài "Hành phương Nam", tưởng tượng như đâu đó trong một quán nhỏ giữa chợ vắng trong buổi chiều mưa trắng trời

Ta đi nhưng biết về đâu chứ?
Đã dấy phong yên khắp bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi !

Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
Dằn chén hất cao đầu cỏ dại
Hát rằng phương Nam ta với ngươi
Ngươi ơi ! Ngươi ơi ! Hề ngươi ơi !
Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi...

Có lẽ vì vậy mà những năm tháng sau này đến Huế làm mình thấy có gì hẫng hụt, nao nao. Vài ngày xô bồ chả bao giờ cho mình cảm giác đấy cả. Không phải Huế của năm tháng kia, không cả như "Tuổi thơ dữ dội" nữa. Biết là phải trong những ngày dài nào đó, nhạt nhoà, đơn bạc nơi góc phố cuối thôn, phải nhạt nhoà nữa nữa..mới gặp được những hư hao 1 thuở. Thuở ngầm ngậm buồn với cái xóm nhỏ xa xôi nào đó ngoài kia, mai này...

(...) Năm tháng qua đi, nhớ lại câu chuyện hồi 15 tuổi, cũng trong một ngày mưa gió nằm bó gối trong căn nhà trọ tận ngõ hẻm của thành phố xa lạ cũ kỹ, đã cãi một cách cả quyết và tin tưởng về những dự định tương lai sau này. Mình đã kể ước mơ của mình là đi-suốt đời làm một chuyến đi vô định, phiêu bạt chân trời góc bể. Một thằng bạn, một ông anh ngoài 20, họ đã cười lăn cười lóc vì cho là mình viển vông mơ hồ. 'Mày ăn bằng gì? Đi bằng gì?" Thì sẽ đi bộ chứ sao. Thiên mã hành không, độc vãng độc lai. "Mày có thấy ai không có tiền mà sống được không?". Rất ấm ức. Ấm ức không phải vì chứng cớ hay lý luận - họ đã phải công nhận là có thể như thế được khi mình dẫn ra (1 cách yếu ớt) 1 anh chàng người Pháp đi khắp 5 châu, viết sách rồi lại đi - mà là họ đã không thể chia sẻ niềm tin quyết liệt trong mình là mình có thể dành toàn bộ cuộc sống để theo đuổi 1 điều gì đó xa xôi, sâu thẳm. Đi là biểu hiện của sự kiện hoán đổi rằng sống không phải để làm duyên làm dáng mà sống là tận lực máu xương, là lựa chọn và chấp nhận.

Chiều hôm ấy, trong ánh sáng lờ mờ của ô cửa sổ dưới gác xép kia mình cũng lờ mờ nhận ra 1 sự thực rằng đôi khi chúng ta sẽ rất lẻ loi trong cuộc sống này như một thứ dị dạng, chập chập...chỉ để pha trò cho cuộc chơi khác. 1 thoáng se mình khép lòng lại. Như đứng trước cơn mưa giã bão đang ràn rạt ngoài kia. Lạnh lặng lẽ thấm vào thăm thẳm.

4.
Một vài ghi chép khác cũng nhấc lên đây.

Người ta nói "trở về", "quê hương"-tức là người ta luôn cảm thấy sống-có cái gì đó giống với chuyến đi/hành động đi. Đặc điểm là gì?

+Phải bước tới
+Mọi cái thay đổi và mình cũng thay đổi
+Phải hướng đến đâu đó
+Chưa đạt đến
+Để lại phía sau
+Gắn với tiến trình
+Tương tác với tha nhân/người khác
+Mệt mỏi
+...
-------------

5.
Những chuyện thế này có bao giờ hết được?

(Đánh võng sang bài của bác GM về tiếng Việt): thực tế mình viết blog theo giọng đọc văn nói, chú ý đến lấy hơi và tiết điệu hơn là cấu trúc ngữ pháp. Kiểu viết này lợi ở chỗ dễ gợi ý nhưng dở ở chỗ rất khó sửa thành một cái gì rắn rỏi ra hồn.

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2009

Một cơ chế của văn hóa

1.
Chuẩn bị làm đám cưới cho cậu em, dì tôi đi hỏi 1 lượt bạn bè, người thân về thủ tục lễ lạt. Hóa ra mỗi lần có việc mọi người đều tham khảo như vậy. Kết quả sẽ là sự dung hòa các quan niệm khác biệt theo hướng phù hợp với hoàn cảnh thực tế của mỗi gia đình. Có thể đây chỉ là 1 cas riêng liên quan đến khu vực miền Bắc là nơi phong tục truyền thống có nhiều gián đoạn và thay đổi. Nhưng qua cuộc trao đổi tôi nhận thấy ngay cả như tôi có thể coi là dạng "tín nhi hiếu cổ" cũng không thực sự quá nệ vào một nghi thức chặt chẽ nào mà chỉ dùng những hiểu biết sẵn có để trao đổi. Tôi thấy cũng chẳng mấy ai tham khảo những sách về lễ chế ngày trước nữa. Sự gián đoạn văn hóa đã khiến chúng không tiến hóa được để thích hợp cho hoàn cảnh hiện tại.

Vấn đề tôi nhận thấy là đa số mọi người không chủ tâm tìm hiểu những chủ đề về lễ tục nhưng lại sẵn sàng thực hiện mọi nghi thức rườm rà nhất chỉ vì "mọi người bảo thế". Vai trò của "mọi người" liên tục xoay vòng và văn hóa trở thành rất tương đối trong 1 cơ chế có tính cách ứng biến như vậy.

2.
Văn phòng kiến trúc chuyển về chỗ mới ở tầng 7 của một tòa nhà. Ngoài Bắc đếm từ đất lên là 1 đến 7 chứ không tính trệt và lầu như trong Nam. Anh bạn giám đốc đang cố gắng thay đổi thói quen của mọi người để gọi địa chỉ của VP là tầng 6A bất chấp vấn đề "thất bát" vốn chỉ được du nhập từ mấy chú Khựa dân buôn ven biển miền Nam TQ trong khoàng vài trăm năm lại đây. Mê tín nó có tính chất vơ vào và biến báo một cách tự nhiên. Đáng ngạc nhiên là các KTS lại có thể chấp nhận sửa số tầng để cầu may cho bản thân trong khi thực tế nếu có bước quá khỏi ban công thì vận tốc tiếp đất vẫn phải tính đủ chiều cao cho 7 tầng!

3.
Một cách biến báo vơ vào khá phổ biến nữa là góp nhặt tập đại thành các tín điều thành một nội dung có dáng dấp học thuật. Phong thủy là một cas điển hình. Các nhà phong thủy đại sư đang xuất hiện với vai trò ngày càng quan trọng và chính thống*. Mới đây trên vietnamnet còn thấy cả bản đồ số của "đại địa mạch" thế giới có hình con rồng! Tư tưởng về "khí" hầu như đã có hình dạng cụ thể bất kể mọi tài liệu bản đồ cổ còn lại ngày nay của phương Đông đều được vẽ theo lối biểu tượng**. Cấu trúc phong thủy thành Đại La của Cao Vương quan trọng tới mức không ai quan tâm đến việc sử chép mấy tay phong thủy bị Tiết độ sứ Cao Biền chém vì rông càn. Chắc tại cạnh tranh nghề nghiệp.

Ngụy tác và phong thánh cho "các cụ"*** là một trong những mô tuýp điển hình của văn hóa phương Đông. Thời kỳ chuyên chế là thời kỳ có xu hướng tập đại thành cao nhất về các tư tưởng văn hóa****. Có thể hiểu vì nó nhấn mạnh tính chính thống, bài trừ dị biệt và những cá nhân trong xã hội cũng bị đồng nhất hóa tới độ có xu thế mất đi vị thế và khả năng tư duy phê phán độc lập. Một số khu vực tư tưởng thậm chí còn biến mất không tăm tích. Một hậu quả thoái lui về thời kỳ tôn thờ ngẫu tượng là có thể dự kiến được trong một xã hội nhiều khi phải sống như là cầu may thay vì dựa vào năng lực và nhân cách của mình.
--------------

(*) - Với đặc điểm nằm trong truyền thống chiêm nghiệm không lý giải của phương Đông tôi coi phong thủy là một mô hình quan trọng có thể tham khảo (dưới nhiều phương diện khác nhau và do đó ít nhất có thể tính như một yếu tố văn hóa) để tổ chức không gian nhưng phản đối lối tư duy thô sơ gom góp thành một tín điều có tính chất quyết định luận máy móc. Về diễn trình tư tưởng phương Đông tôi thấy mấy cuốn sách về Lịch sử tư tưởng triết học Tiên Tần và Trung Đại Trung Hoa của Hồ Thích do Cao Tự Thanh dịch là rất có ích để tóm lược được những hiểu biết có ích một cách bao quát.
(**) - Trong tập "Hà nội chu trình của những đổi thay" do IMV xuất bản có một khảo cứu công phu của 1 tác giả người Pháp về phân tích bản đồ của Hà Nội trong quá trình lịch sử: từ thời kỳ biểu tượng Á Đông sang mô tả chính xác phương Tây. Nguyên tắc chung vẫn không thay đổi: cái được thể hiện là cái quan trọng. Do vậy theo dõi 1 quá trình của các tập bản đồ sẽ cho thấy nhiều tiềm tàng về quan điểm văn hóa chính trị từng thời kỳ.

Một điểm cũng đáng lưu ý: rất nhiều bản vẽ QH của các Viện QH hiện nay thường lược phần hiện trạng đi trong 1 số mục đích ấn bản. Đây cũng là một cas văn hóa đáng chú ý.
(***) - Không liên quan đến nội dung bài viết - "Các cụ tính hết cả rồi" là một câu nói cửa miệng khá phổ biến hiện nay về Ban.
(****) - Một mốc quan trọng là từ thời Hán Vũ Đế bên Tàu. Những 2000 năm trước.

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2009

Ngôn lời

1.
Trong bài "Đọc sách triết học" trên blog của bác Kazenka có 1 comment cho rằng các triết gia (nhiều khi) trình bày những suy tư của họ một cách quá khó hiểu, phức tạp. Tôi nghĩ triết học (thực sự) nếu khó hiểu thì không phải do sự làm dáng lập dị của triết gia mà xuất phát từ một nguyên nhân căn bản hơn: mối tương quan phức hợp giữa nội hàm tư tưởng, phương thức tư duy với phương tiện tư duy (ngôn ngữ?) và với chính chủ thể tư duy nữa*. Triết lý khởi sự từ truy vấn nên "không cái gì là đương nhiên cả". Mỗi triết gia khi triết lý đều suy tư từ khởi nguyên nên dưới hình thức (và thông qua nó) ngôn ngữ, ngôn từ của mỗi triết gia một lần nữa** lại là một hệ sinh thái khép kín. Nỗ lực của người viết là tái tạo lại đường lối suy tư của triết lý chứ không đơn thuần có thể quy giản về những khái niệm khô cứng máy móc. Tất nhiên tầm vóc và ngữ cảnh của mỗi triết gia sẽ dẫn đến những hình thức và mức độ "khó hiểu lập dị" khác nhau. Điều này không có nghĩa nên đem sự u tối oái oăm của ngôn từ ra để đánh giá tư tưởng một triết gia :)
-------------
(*) - Chỉ cần điểm lại lịch sử các trường phái triết học thể kỷ 20 là đủ minh chứng cho điều này.
(**) - Bản thân ngôn ngữ một cách tương đối cũng là một hệ sinh thái khép kín (nhưng vẫn phát triển và thay đổi). Về điều này có thể xem lời tựa trong cuốn "Tư duy Tự-do" của Phan Huy Đường.
-------------

2.
Tôi viết về điều này nhân nghĩ đến việc một số bạn phản ánh cách diễn đạt phức tạp khó lược giản của tôi trong teamwork. Về mặt kỹ thuật quản lý nhóm có lẽ điều này đúng. Nhưng tự kiểm điểm tôi nhận ra rằng vấn đề chính là nằm ở chỗ tôi luôn muốn chia sẻ với mọi người một cách toàn diện, tổng thể để có thể cùng nhau suy nghĩ mà vẫn độc lập. Trên phương diện hợp tác thì điều này vẫn đúng. Nhưng ở phương diện lối sư phạm thì tôi sai. Khi đó phần lỗi còn ở phía các cộng sự từ chối vị thế đối tác tư duy để chấp nhận làm người thừa hành. Nguyên nhân có thể do không cùng sự hứng thú. Ngược lại sự hứng thú cũng thường đến do sự hiểu biết (về chủ đề liên quan).

3.
Trên Tuanvietnam đang có loạt bài về trí thức. Một lần nữa các "trí thức" xét lại vẫn làm việc theo một tác phong rất quen thuộc: không làm rõ mục tiêu và nội dung của khái niệm đem bàn nên bàn ở đây lại vẫn là bàn tán loạn.

Trên blog Minh Biện có bài của Dương Danh Huy nói (theo tôi) khá rõ ràng một tiêu chuẩn của trí thức:

Đòi hỏi từ trí thức

Trí thức phải có chiều sâu và bề rộng.

Chiều sâu là biết, nói và làm.

Không biết thì không phải trí thức. Biết mà không nói và không làm thì cũng như không. Biết và nói thì cũng được, nhưng giống như bàn về một trận đá banh mình xem trên TV. Không phải trí thức nào cũng có khả năng làm, nhưng nếu một nước có ít trí thức có khả năng làm quá thì trí thức nước đó sẽ phải cam chịu số phận suốt đời nói anh này làm sai, anh kia làm say, hay thậm chí bị hai anh kia cấm nói điều đó.

Bề rộng là tất cả các vấn đề của một đất nước: khoa học, kỹ thuật, công nghệ, thương mại, kinh tế, giáo dục, đạo đức, quản lý, luật pháp, công lý, chính sách, chính trị, quốc phòng, ngọai giao, vv.

Trí thức phải biết, nói và làm liên quan tới tất cả những vấn đề trện.

Nhưng không nhất thiết là mỗi cá nhân trí thức đều phải biết, nói và làm liên quan tới tất cả những vấn đề trên.

Thứ nhất, nếu ôm đồm quá nhiều thì khó mà đạt được trình độ cao trong bất cứ lãnh vực nào.

Thứ nhì, trong một số hoàn cảnh đặc biệt, nếu một trí thức bày tỏ quan điểm X trong lãnh vực Y thì người đó có thể bị mất cơ hội để nói gì hay làm gì trong lãnh vực Z.

Vì vậy, trí thức một nước có thể và có khi cần phải lựa chọn lãnh vực cho mình.

Nếu đánh giá một trí thức, theo tôi không nên đánh giá họ chọn lãnh vực nào mà đánh giá họ có làm gì có ích trong lãnh vực họ chọn hay không.

Nếu đồng ý với những điều trên thì có thể vận dụng nguyên tắc của Mạnh Tử khi bàn về tư cách vị vua để nói: không nên đem tiêu chuẩn của trí thức để bàn về "trí thức".

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2009

Tình hình

1.
Hình như mình có vấn đề về diễn đạt hay sao ấy :(
Nhiều bạn phản ánh quá.

2.
Cắt internet mấy hôm, buổi tối ở nhà thảnh thơi hẳn.
Cắt nốt TV nữa thì được như ngày xưa :)

3.
Bonus bài thơ của Quang Dũng.

Buồn Êm Ấm

Có những đêm trường buông gối chăn
Giận mình êm ấm chán tình nhân
Tủi hờn với cả lời săn sóc
Của những người lo tới phận mình

Vi vút nỗi mình ai thấu nhẽ
Chao ơi tri kỷ ở ngàn phương
Ðêm đêm gió cuốn từng cơn nhớ
Từng trận sầu tư lướt thướt đường

Giọt giọt mưa rơi ngoài mái lạnh
Trong này hơi gối với hơi chăn
Sầu xưa muôn dặm buồn êm ấm
Nghe từng giọt nước thấu năm canh

Nhỏ bé chao ơi lời dịu ngọt
Lòng buồn nghi cả đến tình yêu
Từ độ sa vào hồ nước mắt
Cánh bằng muôn dặm cũng chìm theo

Không biết ngày mai trời có xanh
Ðường xa xa nắng có mông mênh
Ðêm đêm mơ thấy làm khăn gói
Ðể sớm mai rồi vẫn quẩn quanh

Chưa chắc cây cao hồ dễ im
Sông sâu hồ dễ đủ im lìm
Cây cao chừng đợi giờ giông tố
Sông đợi mùa dâng sóng nước lên.

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2009

No country for old men

Vừa xem phim Wanted xong. Cảm giác giống hồi xem Hoàng Kim Giáp. Mình không thích xem phim, cũng không thích phê bình phim (theo dõi các bạn là đủ rồi lol) nên bỏ qua mấy vụ bố cục ánh sáng thủ pháp tiết tấu...etc...mà đi vào mấy vấn đề nội dung.

Những phim kiểu Wanted luôn được lồng vào mấy ẩn dụ được gợi hứng từ thần thoại Hy Lạp và Kinh Thánh. Khung cửi định mệnh của 3 chị em Atropos, định mệnh giết cha, cứu chuộc (cái tên Cross-thập tự-quá rõ)...Nếu có thời gian và vốn liếng văn hoá phương Tây còn có thể tìm ra vô số các ẩn dụ về xã hội hiện đại nữa.

Nhưng nói cho cùng thì phim (hay truyện) thì cũng chỉ là phim chứ không phải là triết thuyết nên các kết thúc bao giờ cũng đưa vào một cái bẫy mở: một kiểu nhạo "hậu hiện đại", trò chơi chữ mấy tầng. Người ta không dễ rút ra được một nhận định nào nhưng sẽ phải liên tưởng và suy nghĩ về rất nhiều vấn đề cội rễ của cuộc sống.

Rút ra xa hơn nhìn lại thì mô tuýp của W cũng giống như trong Ma trận khi nhân vật chính và câu chuyện luôn bắt đầu từ một đời thường vô vị nhàu nhĩ. Cuối cùng thì khán giả có lẽ bị cuốn hút chính là khởi đi từ cảm giác muốn thoát khỏi cuộc sống thường nhật để thả cho tâm trí phóng túng một phen mà thôi. Mọi liện hệ ẩn dụ nọ kia chỉ là làm trò của nền văn minh.

(Tỏ ra) biết tất cả, cười cợt tất cả để bao biện cho sự bế tắc lưu manh thì chính là phường hương nguyện.

Phim này cũng không tạo được không khí quẫn bách trớ trêu định mệnh như cái tên của nó. Còn phải gọi No country for old men bằng cụ.

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2009

Trong nhà nên có rượu


1.
Cuộc đời thỉnh thoảng có những ngày như thế này. Cảm giác đờ đẫn, trơ lì, dưng không. Cũng chẳng tưởng tượng nhưng thoáng nghĩ nếu có một khẩu súng thì thậm chí đã có thể dí vào đầu bóp thử một phát. Xin đừng hiểu nhầm. Vẫn yêu thương, vẫn hiểu biết. Và nhiều tò mò. Nhưng mà tự nhiên hết pin. That's all.

2.
Thực ra chỉ cần vài vại bia là ổn. (Rượu thì sẽ cần cầu kỳ hơn). Kính lão, đầu có chỏm hói ngồi uống bia lạc và đọc sách. "Chuyện một gia đình" còn phần 4 và một cái phụ lục nữa. Nhưng quả kính lão uống bia này cũng tiệt như cái phụ lục kia thôi.

3.
Làm sao để sống một cuộc đời? Câu hỏi này đang giết chết một "cuộc đời".
Mượn hơi bia, phải nói là mình ghét Nguyễn Việt Hà (amen bác NL và NCH). "Ghét" là một cách diễn tả mang nhiểu uyển ngữ. Đấy là đang nói về cuốn "Cơ hội của Chúa". Hoá ra là vậy. Những ngày này nếu không biết tự thức thì sẽ là như vậy: một loại thầy đời nhâm nhi mặc cảm thầm kín của thiên hạ.
Hôm nay vừa gỡ cái gương tủ xuống. Để nguyên sẽ có thể rơi. Dán lại thì sợ không chắc chắn. Vứt đi thì tiếc. Sửa thì ngại. Bèn vứt xuống gầm giường. Có bao tải để bọc lại.

4.
Thò ra một cái ảnh được dững 6 comment. Mình đánh giá sự kiện này ngang với những pót hơn trăm còm của em MT chân dài (lol). Có thể chia thành 2 loại: những người "mới" quen thì nhận xét trực tiếp (theo một cách nào đó). Những người "đã" biết thì theo một cách khác. Nói chung các bạn các bác làm mình cảm động và si nghĩ. Nhất là nghĩ về các danh nhân đã chết kia. Nhưng ám ảnh nhất hoá ra lại là cái vụ "tiên phong đạo cốt" của bác Linh nổi tiếng. Ôi chao, hoá ra bác cũng có đọc nên có tưởng. Làm em nghĩ mãi cái ngược nghĩa của cụm ẩn dụ kia. "Xôi vũ thịt bì" chăng :P

5.
Rồi, thò ra một cái nữa đây. Xin các bạn các bác chuẩn nhận.