Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

3 khả năng của định mệnh

Cậu bạn hỏi tôi nghĩ gì về định mệnh? Thời đại google thậm chí chỉ cần gõ câu hỏi này lên khung search sẽ có vô số câu trả lời khả dĩ. Nhưng tự mình trả lời ngay tức khắc là một việc khác. Nó cho biết bạn đã thực sự giải quyết được câu hỏi này chưa. Câu trả lời liền môi của tôi là đại khái có 3 khả năng của nhận thức về định mệnh:

- Coi Định mệnh như là một thứ quyền lực tuyệt đối siêu nhiên, một dạng Thượng đế quan phòng có năng lực thưởng thiện phạt ác cho mọi sinh linh. Nhận thức kiểu này có ưu điểm là giúp người ta dễ chấp nhận tình thế hiện sinh của mình. Một sự chấp nhận thực ra rất có tác dụng an thần nếu nó được suy xét thận trọng và thậm chí chẳng gây ra cảm giác mất mát gì. Nhược điểm dễ thấy là sự dày vò của trí tò mò. Xem bói, xem tử vi, xin quẻ...tất cả để làm gì khi mà mọi sự là sẽ xảy ra? Nỗi thắc thỏm về định mệnh trỏ ra rằng nó vốn có nguồn gốc từ sự mất tự chủ và không thể chấp nhận nổi ý nghĩa của định mệnh như trên kia. Hệ quả của sự nửa vời: Định mệnh luôn là một ảo ảnh ám ảnh - "Đời sống biến thành định mệnh vào lúc chết-một thứ định mệnh cho kẻ khác" (Carnets, A.Camus)

- Nhận rằng có những quy luật "khách quan" của vũ trụ/tự nhiên có tính chất nền tảng và do đó chi phối sự sinh tồn của con người theo quy luật của xác suất. Con người có thể lựa chọn và có thể tiệm cận đến những nhận thức sát thực với các định luật tự nhiên kia. Nhận thức này dẫn đến một thái độ sống hợp lý là "Tận nhân lực tri thiên mệnh" như Khổng Tử đã khuyên. Trong chiều hướng này con người đã có thể lựa chọn và cảm nghiệm giá trị nhân sinh của mình. Định mệnh mất đi vẻ đỏng đảnh của mình và trí tò mò đã thôi không còn thắc thỏm về việc "tôi sẽ bị/được thế nào?" để xoay hướng sang việc "tôi có thể làm được gì?" và do vậy phản tư về việc "tôi đã sống thế nào?"

- Khả năng nữa của định mệnh lại nằm ở chỗ có một đường lối sống trong đó "định mệnh" là một khái niệm thừa không cần biết đến. Mô tả điều này hơi phức tạp nhưng quả thực việc chấm dứt truy vấn theo hệ hình tư tưởng trên trục thời gian tuyến tính cổ điển có thể mượn câu nói của Khổng Tử để minh hoạ "(sao anh không nói) ta là người khi còn trẻ thì say mê học đến quên ăn, lúc học được đạo lý thì vui mừng đến quên cả tuổi già đang đến". Không có sự bận tâm mơ hồ về thời gian, không có sự bận tâm vô lí đến định mệnh. Đơn giản là sống chăm chú và tinh tiến.

Không có nhận xét nào: