Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Huyễn giới

Đặt cái tít này là để nối theo bài giấc mộng TIÊN GIỚI năm xưa.
----------------

Một giấc mơ lạ. Mình nằm mơ và biết mình đang mơ. Mơ thấy có giao cảm với một linh hồn nhập nhằng. Sợ quá nên cố gắng tự trấn tĩnh để tỉnh dậy. Thế là tự nhiên hiện ra cảm giác và hình ảnh mình tách ra thành 2 người: một người thoát ra và lay gọi thân xác đang mê mệt và run rẩy tê liệt kia (với khóe miệng vương máu). Cuối cùng thì vụt tỉnh.

Hay thật, lần đầu tiên mơ được theo kiểu thoát ra chính mình rồi nhìn thấy chính mình. Sống động và rõ nét. Dạo này mệt mỏi không muốn chiêm nghiệm giấc mơ nữa. Nhưng có vẻ có ảnh hưởng của việc ngủ nửa nằm trên sofa và nội dung cuốn "Nuôi dưỡng đời mình" vừa đọc lúc tối.

Không biết mọi người có hay mơ thấy chính mình nhìn rõ mặt thế không nhỉ?

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

Ầu ơ

Những bài hát ru sẽ đi suốt cuộc đời chúng ta.

Tôi có một ấn tượng rất cụ thể về những bài hát ru của mẹ. Vì chúng ta thường quên mất những ký ức trước 3 tuổi nên chắc những ký ức đó là do nghe từ hồi mẹ ru em tôi ngủ. Cũng có thể là những đêm đông hay trưa hè nào đó mẹ ru cả hai anh em chúng tôi mà bây giờ tôi không thể nào nhớ rõ lại được. Nhưng tôi luôn cảm thấy rõ ràng âm hưởng của những đoạn hát ru ngày xưa của mẹ:

"Bầm ơi có rét không bầm
Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non..."

Hẳn đã là những tối mùa đông có gió bấc, cuộn mình trong chiếc chăn bông và trong ánh đèn dầu chập chờn mờ mờ qua lớp màn vải bông. Mỗi lần rong xe trong mưa phùn lất phất ngày đông là tôi lại nhớ đến đoạn hát ru này.

"À ơi,
Con cò bay lả bay la
Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng..."

Một trưa hè nào đó, ba mẹ con bên cửa sổ của gian nhà cấp 4 tập thể, bầu trời xanh trong và tóc mẹ ướt thơm mùi bồ kết mới gội.

"À ơi,
Con tôi buồn ngủ buồn nghê
Buồn ăn cơm tấm cháo kê thịt gà
À ời... "

Mỗi lần được ru, con nằm yên ả, tin cậy, mi mắt rung rung vì chưa ngủ hẳn. Thấy mình như cùng đang trong một không gian khác, thời gian khác. Mỗi lời ru sẽ có một giọng trữ tình riêng duy nhất theo con đến suốt cuộc đời. 

Vô thức, ta cũng nao nao nghiêng nghiêng trong nhịp điệu ru hời. Những câu lục bát sống dậy, êm đềm lan toả mênh mang. Những gì ta đã từng yêu mến, những gì đã lẫn vào thịt xương tóc da ta nay lại ấm áp xông hương. Ta không tự phán xét nữa, ta chỉ xuôi theo lòng ta vậy.

"À ơi,
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
À ời... "

Những đêm hè oi bức, bà ngoại nằm bên cạnh, chân vắt chữ ngũ, ve vẩy quạt nan và kể câu chuyện đời mình từ xa lắc" "Hồi ấy, khoảng viền tháng chạp tháng giêng...". Bà kể những người không biết chữ nhưng thuộc Kiều, lảy Kiều làu làu trong làng trong xã. Bà cũng thế, cũng thuộc cả hơn ba ngàn câu Kiều có lẻ. Để đứa trẻ lên chín lên mười lén lấy Truyện Kiều của bà ra học thuộc.

"À ơi,
Em đừng khóc nữa em ơi
Dù sao thì sự đã rồi nghe em

À ời...
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa..."

Dẫu là cả khinh bạc chao chát "Chị ơi em cưới mùa xuân nhé/ Em uống cho say đến não nề" cũng mềm dịu đi trong điệu ru hời. Ru đấy mà nhớ đấy. Mà không, là mơ thôi.

Bao đời bao kiếp rồi, giọng hát ru cũng được truyền riêng trong từng gia tộc như vậy. Quyện vào nhau, là Kinh Bắc hay Long Thành, là Quỳnh Côi hay Tiên Điền cố quận?

Cũng là quê hương mỗi kiếp người một miền vô định xứ.

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

Để dành

Trích: "Công ty anh có một đứa chuyên ném đá giấu tay. Anh báo cáo GĐ đề nghị đuổi việc nó, GĐ bảo - để dành lúc nào cần ném đá thì nhờ nó"

-----------------

Chuyển từ facebook về lấp chỗ trống.

Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

Ma nhập


"Hồi đó (mấy chục năm rồi ), tao đang làm công trình. Trong đội có một thằng, trước đi lính bên Campuchia miết mới về. Thằng này bình thường cũng bạo tợn lắm, nhưng mà hay bị ma nhập. Mỗi lần nó bị là mặt mũi đỏ sung lên, lông tóc dựng đứng, mắt trợn trừng, lay cách mấy cũng không được. Tao phải dặn tụi nó canh chừng, chỉ sợ hắn đang leo giàn dáo mà dính thì tội.

Có một lần nó bị mà tao sợ, nhớ đến giờ. Hôm đó nghỉ trưa xong, tầm 1 giờ, thằng thầy cai sai nó trèo lên xem trước cái mái chuẩn bị lợp. Nó leo lên đến đầu tường thì tự nhiên đứng im luôn. Mắt nó trố ra. Mình đứng ở dưới mà cũng nhìn rõ lông tóc nó dựng đứng. Gọi cách mấy nó cũng không thưa.

Tao bảo thằng thầy cai trèo lên đỡ nó xuống. Thằng này leo lên đến đầu tường, được một khúc tự nhiên cũng đứng chết ngắc, mặt dại tái. Bọn tao đứng dưới sợ đơ người, không dám gọi nữa chỉ đứng nhìn. Suốt phải đến 15-20 phút, hai thằng nó cứ đứng chết dại giữa trời nắng vậy. Báo hại bên dưới mọi người cũng phải đứng canh. Cũng không đứa nào dám leo lên nữa.

Rồi mãi sau một lúc, cả hai thằng mới từ từ rùn người, lom khom im lặng trèo xuống. Cả đám xúm vào hỏi thăm. Trời đất, chúng nó kể nhà bên có đứa con gái trẻ, trời nóng quá nó cởi truồng, hai thằng đứng xem trộm, không dám ho he. Cha nó chứ, biết thế tao cũng trèo lên sớm."
-----------

Chuyện này nghe kể trong lúc nhậu. Cái giọng Sài Gòn chất chưởng với lại ngắt ngứ lên xuống giọng không bắt chước lại được.

Tập làm văn cuối năm

Tổng kết năm 2010, tôi không cảm thấy hài lòng với mình: tính thủ tiêu bản ngã ai dè lại đánh mất nó.
 

Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010

Sách sạch sành sanh 2010

Mưỡu

Chủ đề là sách các kiểu.
Thể loại là phát biểu cảm tưởng.
Bản chất là đua đòi.
Toan tính là câu pageview và comment.
Sự thực là có lên gân vì trong lòng trống trải quá :))

Sách mua gần đây nhưng chưa biết bao giờ đọc: hầu như toàn sách của Nhã Nam, do ảnh hướng xấu của internet :P

- Dưới bóng những cô gái tuổi hoa. M.Proust.
- Sa mạc. Le Clézid.
- Bay trên tổ chim cúc cu. Ken Kesey: mua vì bộ phim đã xem. Thực lòng muốn giữ nguyên cảm xúc của phim nên không muốn xem mới ngược đời chứ!
- Những mối tình nực cười. M. Kundera
- Bốn mùa, trời và đất. Márai Sandor: lướt qua hứa hẹn dễ đọc. Có điều chắc không biết được bao lâu và có kết thúc được không với kiểu từng đoạn lụn vụn này.
- Đầu óc người Ý. Beppe Severgnini: do ấn tượng quá tốt với Nam tước trên cây và mong muốn biết thêm về người Ý :)
- ...Khoảng vài ngần ấy nữa sách văn học thời trang Nhã Nam và các người bạn.

Sách đọc dang dở và sách đã đọc lại.

- Những huyền thoại. Roland Barthes. Một mẫu hay. Cuốn này đọc xuyên táo từ 2009 và thỉnh thoảng vẫn muốn đọc lại. Có cảm tưởng nếu từ bỏ lập trường chính trị phê phán thiên tả của R.B thì sẽ giảm nửa tính hấp dẫn báo chí :P
- Istanbul. O.P. Đã nhắc đến, đã đọc lượt nhưng không thấy ngấm ngáp gì. Chắc là vì sai điểm rơi cuộc đời :D
- Lại chơi với lửa. L.L. Đọc rành mạch được 02 truyện ngắn đầu tiên. Tôi thấy ảnh hưởng của Kafka.
- Vô tri. M.K. Đọc loáng thoáng cả quyển. Không (muốn) bắt được sóng.
- Nam tước trên cây. Hay. Một phần vì đúng thời điểm. Muốn tìm thêm về tác giả này.
- S.E cuộc đời và tác phẩm. Đã nhắc đến, nhớ 2 câu.
- Cuốn sách và tôi. Vương Hồng Sển. Đọc 1 lèo như đọc truyện chưởng. Giống cuốn gì về Biệt động Sài gòn.
- Giáo trình lịch sử nghệ thuật. Đọc 2 lèo 2 tập. Thỉnh thoảng cần học lại :)
- Loài tinh tinh thứ 3. Đã đọc 2 lần và hứa review mà chưa làm.Đặc trưng của các nhà sinh học tiến hoá là họ lý luận theo kiểu quy nạp với loại suy nhiều. Hấp dẫn nhưng nên cảnh giác!
- Phong thuỷ cổ đại TQ - Lý luận và thực tiễn. Cuốn sách khác biệt nhất so với các loại cẩm nang bí truyền còn lại. Nên đọc dù ít cái mới.
- Lịch sử Trung Đông 2000 năm trở lại đây. Đọc vèo, nhưng mình không hạp tạng nền văn hoá này lắm.
- Ngôn ngữ cơ thể. Có mấy phân tích rất hay về đọc ngôn ngữ hình thể để đoán định tâm lý người đối diện.
- 400 năm lịch sử thiên văn học và mấy cuốn thiên văn học, vật lý của Trịnh Xuân Thuận: kết luận là không nên mua nếu muốn tìm điều gì mới. Cùng kiểu này là cuốn gì về vật lý lượng tử của 1 em trẻ măng người Đức, cuốn về Einstein...
- Vật lý và triết học. Heisenberg. Nếu đọc đối chiếu với cuốn "Vật lý tiến hoá luận" của Einstein và L.Infeld (sách An Tiêm năm 1974) về việc đảo ngược những định kiến ngôn ngữ có nhiều diễn giải rất minh bạch.
- Mấy cuốn của Eckhart Tolle không hiểu sao chỉ đọc được 1 phần là dừng lại. Có thể vì tâm lý không muốn đọc suông mà cũng chẳng thực hành một nỗ lực nào :(

Trong list trên có đến 4-5 cuốn được giải quyết gọn ghẽ trong mấy ngày ốm nằm dưỡng già :D

Sách muốn đọc nhưng chưa bao giờ bắt đầu tử tế :(

- Thế mà là nghệ thuật ư?
- Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật.
- A.R.G: Sự thật và diễn giải.
- Vượn trần trụi.

Sách luôn muốn đọc lại mà chưa đọc được vì thiếu cái bàn viết (@aka Adít nê din)

- Các cuốn của F.Jullien và E.Fromme.
- Cuốn Cách viết kịch bản phim ngắn của Jean-Marc RUDNICKI. Không phải tôi muốn chuyển nghề nhưng đặc biệt muốn rút ra từ đặc trưng thể loại này cái cơ chế thao túng tâm lý chúng ta khi đọc sách xem phim: tôi coi đó không phải là fact mà là một vấn đề cần giải quyết.

Sách mua được và thấy thích vì mua được

- Sách ảnh Bùi Xuân Phái. Cứ nhìn thấy mấy cuốn sách này là lại chỉ muốn tậu lại ngay 1 cái giá vẽ nhưng nhà chật quá :P


Mưỡu hậu

Ngoài ra tôi còn đọc nhiều sách GIÁ TRỊ và mua NHIỀU sách khác lắm cơ các bác ạ. Cuối năm rồi chúng mình có nên phát động phong trào giao lưu trao đổi và thanh lọc danh mục không nhỉ???

P/s: tô đỏ là high recommend, có bảo chứng.
 

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Sênh phách

Cuối năm rét ngọt, ngồi trong phòng kín lướt web, nhâm nhi cafe ngon, lại nhớ sênh phách.

Tự cổ sầu chung kiếp xướng ca
Mênh mang trời đất vẫn không nhà
        Người ơi ! Mưa đấy hay sênh phách
Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa.

(Sầu Chung - Trần Huyền Trân)


Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Yên ba thâm xứ hữu hư châu
Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu
Đem mộng sự đọ với chân thân thì cũng mệt
Duy giang thượng chi thanh phong, dữ sơn gian chi minh nguyệt
Kho trời chung và vô tận của mình riêng
Cuộc vuông tròn phó mặc khuôn thiêng
Ai thành thị mặc ai miền lâm tẩu
Gõ dịp lấy đọc câu Tương Tiến Tửu
Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai
Làm chi cho mệt một đời.


(Cao Bá Quát)

Nghệ thuật sắp đặt

Bạn Auco Gallery đang triển lãm "Light-Phan Phuong Dong" (nguyên bản tiếng Tây nó thế). Trong bài giới thiệu của trang có vẻ còn sót một ý: người xem sẽ góp thêm những bóng đổ của chính mình vào triển lãm.

Ảnh bác được đưa lên ban thờ gia đình trên gác thượng. Tôi lên thắp hương rồi đứng vơ vẩn. Tình cờ chiếc hương án vừa dọn cũng được xếp ở một góc, ngẫu nhiên ngay bên trên là chiếc gương cũ, loại trong phòng tắm. Tôi đứng đó, ngó trân trân vào trong gương với một ý nghĩ: không thể nào có một ý tưởng sắp đặt khác hay hơn điều này nữa.

Mẹ quá hiển nhiên

14/12 là sinh nhật Gấu, nhưng vì bố đi công tác nên đã tổ chức giao lưu với các bạn gái trước rồi. Có điều đáng tiếc là việc này việc kia lỡ mất không có bài diễn văn long trọng nào được đăng cả. Bây giờ muốn viết thì chỉ còn mỗi điều này: có con làm tôi hay nghĩ về quan hệ của mình với bố mẹ. Mỗi lần nằm ốm nghĩ ngợi lung tung, chợt nghĩ mình ít viết trực tiếp về tình cảm gia đình. Một mặt thì e ngại lời nói vượt quá việc làm. Mặt kia thì lại nghĩ cần phải dành nhiều hơn những việc cụ thể, những lời tốt đẹp cho người thân mỗi khi có thể. Người đầu tiên tôi nghĩ đến thường là mẹ. Nhưng rồi lại loay hoay chẳng viết được gì ngoài một điều: mẹ quá hiển nhiên.

Nói chuyện khác, con gái quý cha con giai quý mẹ là đúc kết dân gian. Giờ mình làm bố mình càng thấy đúng là chỉ dám ăn bòn tý tình yêu ban phát của anh Gấu. Anh í thiên vị ra mặt. Haizz...

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

những mảnh tâm thái

1.
Những khi được lựa chọn, không bao giờ tôi muốn ngồi ở một nhà hàng có "nhạc sống", kể cả dẫu chỉ là một nhạc cụ độc tấu. Một cách chủ quan tôi muốn mọi thứ hãy đơn thuần là chính nó, trong chính nó. Ăn thì hãy ăn, nghe thì hãy nghe nhưng phải toàn vẹn. Do vậy, trình diễn là trong chính mình và vì chính mình trước hết.

Nhưng rồi tôi nhận ra nếu cuộc đời là những mảnh vụn thì điều đó không đúng lắm. Hay sát nghĩa hơn là không có đúng sai ở đây. Hoàn cảnh bây giờ là vậy, không còn niềm tin lớn và ý nghĩa lớn, chúng ta tìm cách hài hòa với những mảnh vụn; trong từng mảnh và trong chính sự vụn vặt chồng lớp ngổn ngang này. Trong khoảnh khắc, người hát lãng quên mình và người nghe lãng quên mình. Lãng quên mà vẫn biết chuyện trước chuyện sau. Trước là ăn uống. Sau là thưởng tiền. Khác biệt bây giờ có lẽ là ta ít còn nhìn vào mắt nhau.

2.
Luc Estang, tôi cũng chẳng biết ông này là ai, nhưng hẳn là một fan của Saint-Exupéry vì đã viết cuốn sách "S.E cuộc đời và tác phẩm". Đó chỉ là những ghi chép với nhiều mảnh vụn. Một bản dịch không tốt lắm thì phải. Nhưng tôi kịp nhớ một hai nhận xét quan trọng: "Tôi có cảm tưởng ông ta muốn mời gọi sự tin cậy nhưng đồng thời tự hỏi chính mình có thể tin cậy được hay không"; và " (về sức quyến dụ do "khả năng chi phối con người" và nhờ vào "tài chiêm đoán" từ trực giác tâm lý) Nó cho phép ta sống chân thực với từng người theo sự thật của người đó". Tôi nghĩ là mình biết về điều mà L.E đã nói đến là như thế nào.

3.
A.Camus, Carnets: "Gã không ngủ với cô gái giang hồ nọ đã tới bên gã mà gùn ghè, và làm cho gã thèm muốn, ấy bởi vì trong túi gã chỉ có độc nhất một tấm giấy bạc một ngàn phật lăng, và gã biết rằng mình sẽ không dám và không nỡ bảo cô gái giang hồ thối lại bạc nhỏ cho mình" (B.G dịch).

4.
Bùi Giáng có một diễn đạt rất hay rằng đọc Truyện Kiều là đọc giọng kể lể chuyện nhân gian của Nguyễn Du chứ không phải chuyện cô Kiều đúng hay sai ra sao. Không phải lời văn mà là giọng nói của một tấm lòng. Đọc "Long thành cầm giả ca" cũng là nên đọc bằng tấm lòng ấy. Chuyện cô Cầm chẳng có gì hay. Chuyện đời Tố Như cũng vầy vậy. Chỉ có tâm thái ấy là thật. Cứ ở trong sách mà tư lường mà chiêm nghiệm. Đời rốt ra chỉ như những mảnh vụn mà thôi.

5.
Cháu biết những chén rượu không hạn kỳ của bác. Cũng biết chuyện khôn dại ở đời. Biết chuyện ngậm ngùi khôn nỗi thưa thốt. Biết có bản nhạc sẽ mãi mãi là dang dở. Thôi, chẳng thà cứ say như thế, chẳng cần gì thì sẽ chẳng mất gì. Cái tình của Cầm nương, nếu có thì cũng đành khi phụ mà thôi. Phong vận kỳ oan ngã tự cư. Cũng là một nòi, một giọng. Chuyện khắc cây đặt cỏ đâu chỉ là chuyện ngày xưa.

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

Dạo khúc 73 - Nguyễn Quang Tấn

Im tiếng quân reo - dưới cờ rách rưới
Cờ bay
Trận đánh tàn rồi

Khi mẹ gầy gò - ôm con xanh xao - đi tìm nấm mộ
Tìm một linh hồn
Dưới cờ rách rưới
Con cóc lặng thầm nhảy xuống hoàng hôn.