Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

vài tưởng tượng về cộng đồng

(Xét tương quan "Họa sỹ - Bức tranh - Người xem" thì) Sự_thấy bị quy định bởi nhiều yếu tố: (1) trong sự định vị với bản thân người nhìn, (2) ý thức có thể bị thấy, (3) thấy đã là lựa chọn bị chi phối bởi nhiều tiên kiến, xu thế giáo dục, cá nhân tính...(4) hình ảnh là sự tái sản (cả với họa sỹ lẫn người xem). Đặc trưng của thời kỳ xuất hiện camera (tái sản): có thể tái sản hàng loạt dưới nhiều dạng thức, đa điểm nhìn, đa ngữ cảnh...có tính chất của thông tin (ngôn ngữ hình ảnh). Tức là có thể áp dụng nó trong đời sống của mỗi cá nhân, nghĩa có thể bị biến cải hay xuyên tạc. "Nghĩa của 1 hình ảnh bị thay đổi theo những gì người ta nhìn thấy đồng thời bên cạnh hỉnh ảnh đó, hay những liên tưởng mà hình ảnh đó tạo ra". Do vậy nó từ chối thẩm quyền truyền thống, mở ra nhiều cách_thấy. Hồi trước đọc cuốn "Những cách thấy" của John Berger thấy mình có tóm tắt lại mấy ý trên. Nay nhìn thử vào hiện tượng chụp mấy cái ảnh check-in đi ăn cuối tuần thấy có mấy liên hệ khá gắt nhân đang đọc lại cuốn "Cộng đồng tưởng tượng-nguồn gốc và sự lan truyền của chủ nghĩa dân tộc" (Benedict Anderson). - Check-in là một kiểu nghi thức quần chúng gắn với cảm thức về định vị: (1) trong một lịch biểu xuyên qua thời gian đồng_nhất, trống_rỗng; (2) trong một khung cảnh xã hội. Nó vừa riêng tư trên smartphone mỗi người lại vừa ngay lập tức (được coi là) đồng hiện trên dòng tin của mọi người (trong cộng đồng của họ - của người post). - Lớp thông tin đầu tiên thì nó ở ngay bề mặt đấy: ví dụ như cái ảnh đi ăn cuối tuần hôm trước. À thì đại khái kiểu nhà này khá bảnh, gia đình yên ấm, vợ đẹp con ngoan, yêu sách, biết ăn đồ tây...bala bala. Nhưng cũng giống như chụp ảnh cưới ở Bờ Hồ (tình cờ ăn cũng ở Bờ Hồ), thông điệp có thể thể đọc được thì không hẳn chỉ như thế. Ngay cả trong điểm nhìn và cách nhìn đầu tiên này nó cũng không hẳn đã hiển nhiên như thế. Đầu tiên là việc khoe mình đang ăn gì ở đâu ngay_lúc_này mới chỉ trở nên được xem là bình thường, không phải bàn trong thời kỳ mạng xã hội và trên giao diện mạng. Hãy thử hình dung như ngày xưa, kể cả thời ở trong các dãy nhà tập thể là nơi tính riêng tư bị xói mòn nhất thì cũng chỉ có bọn nhi đồng thối tai mới cả gan sang nhà hàng xóm khoe là nhà cháu hôm nay ăn gì. Tại sao lại khoe ăn, và làm sao mà nó lại có thể trông bình thường như thế được chứ? Chụp ảnh đăng facebook trước khi ăn còn hay được mọi người gọi là "cúng facebook". Thật tình cờ, nó - hành động có tính chất nghi thức này - rất dễ làm liên tưởng đến cách nói về hành vi đọc báo hàng ngày trong CĐTT: "Ý nghĩa của nghi thức quần chúng này - Hegel cho rằng báo chí phục vụ con người hiện đại thay cho lễ cầu nguyện buổi sáng - có tính hai mặt." Tính hai mặt này là ở chỗ nó được thực hiện trong sự riêng tư âm thầm nhưng mỗi người chịu lễ đều ý thức rất rõ rằng nghi thức này đang được sao nhân đồng thời bởi hàng nghìn triệu người khác, những người mà anh ta tin vào sự tồn tại của họ, dù không hề có ý niệm về căn cước họ mang. Hơn nữa nghi thức này cứ liên tục lặp lại một hoặc nửa ngày xuyên suốt thời gian lịch biểu. Tức là một minh họa sống động về một cộng đồng tưởng tượng thế tục. (đoạn này tóm lược). Đến đây có thể nói rõ là giả thiết của mình là việc check-in, cúng facebook có tính chất nghi thức, đáp ứng nhu cầu nghi thức trong hình hài mới để thấy mình thuộc về một cộng đồng (tưởng tượng), qua đó chống lại sự bất an và cả sự tự do ý chí. (cont)

carnet - về đọc sách

Làm sao để trẻ ham đọc sách, có thói quen đọc sách? Nhân mình được bạn hỏi đến vài lần. Không chắc lắm nhưng mình nghĩ đến những điều này đầu tiên:
- Đầu tiên đừng quá kỳ vọng vào việc đọc sách mà không suy nghĩ cặn kẽ về chủ đề này. Người ta nói quá nhiều về sách vở nhưng đó là một biểu tượng mà họ hướng tới - nhiều khi khô cằn, sáo rỗng - hơn là những trải nghiệm đáng giá cần chia sẻ.
- Nhìn nhận việc hình thành thói quen đọc sách như là một trong các phương pháp đa dạng, linh hoạt để tự học, suy tư và bộc lộ, biểu hiện bản thân trong đời sống. Học cách dùng từ điển, học cách bắt chước diễn đạt, làm giàu các tưởng tượng. Nuôi dưỡng những cuộc phiêu lưu tinh thần. Hình thành dần một gu về lối sống, một thiên hướng đạo đức...
- Trẻ thích cái gì thì tạo điều kiện cho nó tự tìm hiểu, để tự mình có được quan điểm và kiến thức cần thiết mà lựa chọn.
- Cuối cùng thì nên coi trọng tính hên xui vì đứa trẻ là một cá nhân độc lập. Mình sống đời mình cho vui, cho hay, truyền cảm hứng cho nó là vừa đẹp.

Bài trên fb lưu lại đây để nhớ. Mình có thói quen vừa viết vừa nghĩ. Chỉ lúc viết kiểu blog mới có động lực sắp xếp ý tưởng nên nhiều lộn xộn. Đôi lúc nói cho xong một mạch, một phía, chứ không cố kết đến cùng.

Còm của a NNH:
Về bản chất, đọc sách là 1 dạng suy tư. Song sự suy tư này có tính chất thoái ẩn khỏi thế giới, giống như khi làm thơ hay làm nghệ thuật. Có nghĩa là nó không tạo ra tri thức thực tế mà tạo ra năng lực phán đoán thẩm mỹ (đẹp xấu hay dở) và đạo đức (đúng sai) về chiều sâu--tức năng lực theo Heidegger, -gặp gỡ với Tồn tại. Hiện nay nhiều nhà xuất bản hoặc cha mẹ hiểu sai việc đọc sách-cho rằng đọc sách là để thu nhận tri thức đời sống trực tiếp theo mẫu ăn ngô ị ra phân vàng ăn cơm ị ra phân trắng, từ đó xuất bản sách hoặc mua sách về cho con cái theo tinh thần này. Đây là nguyên nhân chính làm trẻ chán đọc sách. Tệ hơn. Làm sự đọc sách bị băng hoại.

Stt: Suy tư/Đọc sách là gì (fb a NNH)


1.Vì mải suy tư, ngửa mặt lên giời, ông già Hy lạp tên là Thales đã ngã lộn cổ xuống giếng-làm nên tràng cười cho bà con cô bác đang đứng xung quanh đó. Nhưng có thật là ông này đáng cười không? Hay chính những kẻ đang cười khoái trá trước cú ngã lộn cổ của ông mới đáng cười? Điều này còn tuỳ vào quan điểm.
2.Suy tư là gì? Heidegger từng bảo "suy tư xét như một việc làm bằng tay"-có nghĩa rằng, suy tư, ở đây, được hiểu như một tiến trình dò dẫm tìm đường trong sương mù mờ ảo, chứ không phải là tiến trình khái niệm hoá-cắt nghĩa minh bạch. Ông bảo
Không giống khoa học, suy tư không mang lại tri thức
Suy tư không sản xuất ra các kiến thức thực dụng
Suy tư không giải quyết các nan đề của vũ trụ
Suy tư không ban tặng trực tiếp cho chúng ta năng lực hành động
3. Sao lại thế, và vì sao lại thế?
Đơn giản thôi-đó là vì, suy tư ở đây, y như nặn tượng, vẽ tranh hay đặc biệt làm thơ-là năng lực riêng có của loài người giúp họ đến gần với Tồn tại để tìm ý nghĩa cho sự hiện hữu. Có nghĩa rằng, suy tư là năng lực đặc biệt của hữu thể người khiến họ có thể phân biệt đúng sai, đẹp xấu, linh thiêng, phàm tục, nhục, vinh, vân vân. Suy tư là khả năng khiến con người trở nên một tâm hồn-theo nghĩa có năng lực phán đoán thẩm mỹ và đạo đức. Nói nôm na, suy tư giúp ta biết cuốn sách hay bộ phim nào đó là hay là dở, chứ không phải chỉ giúp ta hiểu cốt truyện của chúng. Suy tư giúp ta biết ai là tốt ai là xấu chứ không cho ta biết nên đứng về phía ai sẽ có lợi hơn
4. Suy tư, y như cách hiểu của Socrates, Plato, Đức Phật, Aristotle, Kant...đều là sự thoái ẩn khỏi thế giới thực dụng. Xenophon từng kể là Socrates, khi còn ở trong trại lính, đã có lúc, đang tập hành quân ngon trớn, bỗng đứng im bất động suy tư suốt 24 giờ.
5. Nhưng sự thoái ẩn này không phải là sự quy ẩn-theo nghĩa chìm trong cô độc bất động. Con người suy tư là con người hành động-bởi, xét như là một hành động (Hannah Adrent cho rằng suy tư đã chính là hành động chính trị)-khi suy tư- kẻ suy tư không cô độc vì vào lúc suy tư-hắn ta đang đối thoại, tức là vào lúc đó, trong hắn có hai người. Suy tư chính là hiện thể của tình trạng nhị tồn trong một tồn tại. Nó trái với cô đơn, vì cô đơn là sự quy ẩn biến bản thân thành nhất phiến.
6. Như vậy là, suy tư, vừa không phải là sự sản xuất ra tri thức thực hành, nhưng vẫn là hành động.
Như vậy là, suy tư, dù luôn là một sự thoái ẩn, lại không phải là sự quy ẩn-vì thoái ẩn thuộc về thể điệu tồn tại, còn quy ẩn, chính là ngưng tồn tại.
Thể điệu tồn tại của thoái ẩn, đó là sự tiến gần tới Tồn tại để hiểu ra ý nghĩa của hiện hữu, để sau đó trở nên minh bạch và nhạy bén về tốt dở đẹp xấu linh thiêng phàm tục-tức là, để sau đó sẽ nhận chân chính mình trong tồn tại
Thậm chí, như Nietzsche từng bảo
"Suy tư của chúng ta phải toả mùi hương nồng sực/ như cánh đồng lúa mì trong một đêm hè hừng hực"
7. Suy tư ở đây-không cần phải nói, chính là mô hình có tính mẫu thức của việc đọc. Rõ ràng là, người ta đọc sách nào có phải để tìm ra các chi tiết thực dụng, hay các kiến thức chết từ ngàn năm để sử dụng trong hiện tại? Dù không bác bỏ phần nào cách tiếp cận đó, kẻ hèn này cho rằng, cách tiếp cận ấy phải bị hạ xuống thứ yếu . Đọc sách cũng như suy tư, chính là năng lực đặc biệt của con người-giúp hắn tiến gần hơn tới Tồn tại, có nghĩa rằng, giúp hắn hiểu ra ý nghĩa của cuộc đời hắn. Đọc sách, chính vì thế, là một hình thức thoái ẩn, y như suy tư vậy. Đọc sách, chính vì thế, cũng như suy tư, không phải là một dạng hành vi thực dụng-mà là một thứ đức hạnh. Thành thử, cũng như suy tư, đọc sách tiềm ẩn các niềm vui đặc biệt lớn lao mà không một sự đắc thắng kiểu thực dụng nào có thể so được: Đó là niềm vui của sự vỡ lẽ, của sự đốn ngộ. Ví dụ: Jean Beaufret, một người Pháp hâm mộ Heidegger, và cũng là bạn của Heidegger, từng kể, vào đúng D-day, mùng 6 tháng 6, 1944, -khi quân đồng minh đổ bộ vào Normandy, ông giở sách của Heidegger ra đọc lại, và bỗng, lần đầu tiên, thấy mình hiểu được toàn bộ Heidegger. Ông bảo, niềm vui hiểu được Heidegger này của ông lớn tới mức, vào lúc đó, ông hoàn toàn không hề quan tâm gì tới việc nước Pháp quê hương ông vừa được giải phóng
8. À status này viết ra vì kẻ hèn này có đọc một status khác nói về việc làm sao khiến trẻ đọc sách. Như bà con cô bác thấy đó. Đơn giản thôi. Hãy hiều đúng về sách, về suy tư. Và rồi mọi chuyện sẽ tự đúng theo. Khi nào thấy ai ngã xuống giếng, mà ta tự thấy ta mới là kẻ đáng cười-thì khi đó, mọi chuyện sẽ tự động ổn. Còn trước khi đó, có bỏ tiền tỉ mua sách thì chỉ cũng chỉ giúp các ông chủ nhà xuất bản mua xe vinafst mà thôi