Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Ông mày còn giữ những việc gì?



Viết blog là viết theo cơn hứng. Có những thứ nằm rõ ràng mười mươi trong đầu mình rồi nhưng mà chưa gặp cơn thì có cố cũng rời như cơm nguội. Như vụ Trùm chăn luận kiếm khởi đi từ tết năm ngoái năm kia mà có khi chưa biết đến tết năm nào mới xong ^^

Hoặc là mình có một kế hoạch rõ ràng, làm việc quy củ; hoặc là mình đi lan man trên mạng đọc linh tinh, cả hai lối đấy đều có thể giúp mình tìm ra cái gì đó để bắt đầu - đôi khi chẳng ăn nhằm gì với ý định lúc trước đó. Thực ra còn có một cách khác tôi thấy khá hiệu nghiệm, đó là đi bách bộ. Đi bách bộ làm cho đầu óc dịu đi, thả lỏng nên có khả năng triệu hồi vô số ý tưởng tiềm tàng (vụ này để khi nào review cuốn Những thành tựu lừng lẫy của Tâm lý học hiện đại - sẽ nói lại). Thứ đầu tiên mà tôi hay kiếm để tìm hứng là các bài Tống Từ. Tối này tìm được một bài của Tân Khí Tật, rất hợp cảnh hợp tình thời suy thoái!

Tây giang nguyệt

Vạn sự vân yên hốt quá,
Bách niên bồ liễu tiên suy.

Nhi kim hà sự tối tương nghi?
Nghi tuý, 
Nghi du, 
Nghi thuỵ.
Tảo sấn thôi khoa liễu nạp,
Cánh lường xuất nhập thu chi.

Nãi ông y cựu quản ta nhi:
Quản trúc,

Quản sơn,
Quản thuỷ.


Tây giang nguyệt

Vạn sự như mây khói,

Trăm năm bồ liễu sớm suy.

Mà nay nên nhất là việc gì?
Nên say khước,
Nên ngao du,
Nên ngủ khì.
Sớm chạy đóng cho xong thuế,
Để tính xuất nhập thu chi.
Ông mày còn giữ những việc gì?
Giữ trúc,
Giữ sơn,
Giữ thuỷ.


(Nguyễn Hiến Lê dịch)

Nôm na thì cái món Từ này là thể loại lẩy Kiều ở trình độ cao mà thôi. Tức là kiểu điền chữ theo khuôn mẫu bằng trắc, thanh điệu, ngắt câu. Tài nghệ của Từ gia là ở chỗ lời hay hợp với nhạc điệu. Cứ y như khuôn mẫu, rất vừa tầm với công chúng vì ai cũng ngân nga được theo nhạc điệu quen thuộc.Tình cảm phóng túng lãng mạn đa dạng theo thể ngắn dài có phần tự do cũng chiều lòng người ta vốn dĩ tản mạn vụn vặt. Như trong bài từ trên, cái điệu ngắn dài thất thường đọc lên rất thích, nhất là khi lại có mấy câu bất cần phóng túng kiểu nghi túy/nghi du/nghi thụy mà NHL phải thêm vào mỗi câu 1 từ cho tả được cái nghĩa cô đọng của nó (say khước(t), ngao du, ngủ khì).

Còn có một công thức nữa cho việc mua lòng công chúng (nay còn hay gọi là PR): trong bài nên có một đôi câu thật thích hợp để tiềm thức người đọc chộp lấy, bắt dính. Câu đấy sẽ đi vào văn nói cửa miệng của đời sống, nói cách khác, người ta sở hữu chúng. Tôi có đọc đâu đó phân tích về việc này nhưng chưa nhớ ra được là ở chỗ nào. Nhưng ví dụ thì đầy: xin chào nhau giữa con đường - đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt - cám ơn con cò...Đấy đại loại nó có nguyên tắc của slogan quảng cáo ngày nay. Như trong bài Tây Giang Nguyệt thì tôi bắt dính 2 câu: Vạn sự vân yên hốt quá - Ông mày còn giữ những việc gì. Một đàng thì thảng thốt vô thường dễ dùng cho những lúc bâng khuâng, một đàng thì bất cần yếm thế những khi buồn lui cui. Cảm xúc đến, dù là cảm xúc gì thì nó cũng sẽ rõ ràng hơn, có chiều hướng hơn một tâm trạng vụt chạc, thắc thỏm. Rõ là một loại não thần đan.

Theo tiêu chuẩn của Adorno (ở đây) thì đây thực sự là vấn đề của văn hóa đại chúng thời mạt thế. Đó là "sự trốn chạy không đòi hỏi nỗ lực gì trơn trọi (bán kèm sự thụ động)" với chức năng tâm lý là "sự điều chỉnh tâm lý (để chấp nhận) đối với cái nguyên trạng" và dẫn đến "khước từ và đàn áp mọi khả năng phê phán". Có lẽ ông Adorno và cả ông dịch giả kia (^^) đã đúng mà chưa biết mà phê phán Tống Từ. Băng đóng ba tấc đâu phải cái lạnh một ngày! Cái điềm nhà Tống suy vi đã hiển hiện ngay trong Tống Từ, bất kể những nỗ lực chấn hưng phong khí của Tô Đông Pha.

Cho nên câu "Thật nguy hiểm! Nền công nghiệp văn hóa đồng hóa, giải chính trị hóa và hút cạn cái khả năng cách mạng của văn hóa đỉnh cao bằng việc hòa tan chính bản thân nó..." chính là vận vào triều Tống bên Tàu kia. Thời đó, phong khí Thiền Tông vẫn còn đương thịnh, nhưng e rằng hóa ra Thiền Tông thời đó có thịnh là thịnh cái tư tưởng được chế biến cho phù hợp với não trạng "mang tính bảo thủ và đặt trọng tâm tư duy vào cái hiện tại tức thì hơn là hướng tâm trí vào tương lai và những khả năng cải thiện hoặc thay đổi" mà ông Adorno đã chẩn đoán.

Thế là từ nay có cái thú ngâm vịnh "tín nhi hiếu cổ" với mấy chữ Nho lỏng (@Hồi ký Phạm Cao Củng) sẽ không còn được hồn nhiên thưởng thức nữa. Đành chơi bài giễu nhại cho hợp thời và qua ngày đoạn tháng ^^

Chứ không thì ông mày còn giữ những việc gì?


Minh họa

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Đọc lại - Bằng hữu. Tản mạn về chữ "Chí"



- Khi nào một người coi một người khác là bạn? Điều tối thiểu là họ phải "biết" nhau. Như vậy chưa đủ, họ còn phải có thể "thông - cảm" được với nhau ở một phương diện nào đấy. Do đó họ chia sẻ một sự tín nhiệm về "đồng cảm". Và "tín nhiệm" thường được coi làm tiêu chuẩn của tình bạn - tin cậy lẫn nhau, chúng ta thường nói như vậy. Điều kiện của tín nhiệm như vậy chính là một môi trường chung để có thể "cảm - thông" với nhau. Họ có thể không hiểu nhau ở chỗ bất đồng chính kiến, nhưng họ không "hại" nhau. Tức là họ chia sẻ với nhau niềm tin vào một sự liên đới nhân bản giữa các cá nhân với nhau. Chính điều này sẽ phát động hành vi giúp đỡ nhau lúc khó khăn một cách vô vụ lợi. "Làm cho bạn được như mình được". Mà vẫn duy trì, tôn trọng sự độc lập trong khai triển nhân tính của mỗi người. Tình bạn chia sẻ cảm nghiệm chúng ta chung một bản thể và hơn thế tất thảy đều gắn chặt trong bản thể của tự tính sự sống.

- Có bạn tốt là một điều hay. Có nhiều bạn tốt càng đáng mừng. Nhưng khai triển những năng tính của tình bạn hữu ra đến vô tận mới chính là điều tốt đáng hâm mộ. "Tứ hải giai huynh đệ".
Tình bạn thường được so sánh rất tự nhiên với tình anh em. Có thể nói tình anh em là mẫu hình lý tưởng cho tình bạn tốt? Ta thử tìm kiếm một vài ví dụ ngẫu nhiên xem sao.

Tình anh em. (Erich Fromm)

Tình anh em là tình yêu căn bản nhất, nền tảng cho mọi kiểu mẫu tình yêu.
- Với tình anh em, tôi chỉ cho ý nghĩa về trách nhiệm, quan tâm, trọng thị, nhận thức về một con người khác nào đó, ước muốn giúp đỡ sự sống của nó.
- Tình anh em là tình yêu đối với tất cả loài người: nó có đặc điểm là không cực đoan.
- Tình anh em dựa trên cảm nghiệm rằng tất cả chúng ta đều là một.
+ Những sai biệt trong tài năng, trí năng, tri thức đều có thể bỏ qua so với đồng nhất tính của tâm điểm con người chung cho tất cả mọi người. (Xem “Sự hình thành con người” và “Lý luận không có con người” của Trần Đức Thảo).
+ Mối thân thuộc từ trung tâm tới trung tâm: Simone Weil: “Cùng lời nói ấy (thí dụ, một người nói với vợ mình: tôi yêu mình) có thể là tầm thường hay phi thường tùy theo cách nói lên của chúng. Và cung cách này dựa trên miền sâu của vùng, trong thể tính của con người mà chúng diễn tiến từ đó; không cần đến ý chí với khả năng làm một việc gì đó. Và bằng một thỏa thuận kỳ lạ chúng tiến vào vùng ấy trong kẻ đang nghe chúng” (Điều này thật ý nghĩa khi so với thế giới lý tưởng của Plato).
- Tình anh em là tình yêu giữa hai kẻ ngang hàng: nhưng sự thựcchúng ta không bình đẳng như là những kẻ ngang hàng; vì chúng ta là người nên chúng ta cần có sự giúp đỡ. (Bản chất xã hội của loài người – xem các thảo luận liên quan của K.Marx).
+ Nhưng nhu cầu giúp đỡ này không có nghĩa rằng người này thiếu sức người kia dư sức.
Bất hạnh là một điều kiện tạm thời; khả năng đi và đứng bằng đôi chân của chính mình là một khả năng thường trực và chung. (Liệu có liên quan gì đến những phê phán xung quanh vấn đề “luật pháp và đạo dức là khế ước của xã hội những kẻ có bản chất xấu xa” của các nhà ngụy biện Hy Lạp?)
- Tuy nhiên, tình yêu một kẻ yếu ớt; tình yêu một người nghèo, một kẻ lạ, là khởi đầu của tình anh em.
+ Chỉ trong tình yêu của kẻ nào không phục vụ cho một chủ đích, tình yêu mới bắt đầu thổ lộ.
> Cựu Ước: đối tượng trung tâm tình yêu của con người là kẻ nghèo, kẻ lạ, quả phụ và cô nhi, và cuối cùng là kẻ thù quốc gia, người Ai Cập và người Edomite.
+ Bằng lòng lân tuất với kẻ yếu ớt, con người bắt đầu phát triển tình yêu với huynh đệ mình, và trong tình yêu của nó với chính nó, nó cũng yêu kẻ đang cần giúp đỡ, kẻ bạc nhược và bất an.
Lòng lân tuất bao hàm yếu tố nhận thức và đồng nhất hóa: Cựu Ước: “…vì bạn là những khách lạ trong lãnh thổ Ai Cập; vậy nên bạn hãy yêu khách lạ” (Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm/Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân)
- E.F đã phát biểu với tinh thần và cung cách diễn đạt của Phương Đông. Nó đòi hỏi một sự "cảm-thông" và hướng tới "sự suy tư vô tận" về cái vô hạn, cái vô điều kiện.
Luận ngữ V.25 bản dịch NHL.
Nhan Uyên, Quý Lộ thị. Tử viết: "Hạp các ngôn nhĩ chí?".
Tử Lộ viết: "Nguyện xa mã, ý khinh cừu, dữ bằng hữu cộng, tệ chi nhi vô hám"
Nhan Uyên viết: "Nguyện vô phạt thiện, vô thi lao"
Tử Lộ viết: "Nguyện văn tử chi chí"
Tử viết: "Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi".
Dịch:
Nhan Uyên và Quí Lộ theo hầu.
Khổng Tử bảo "Sao không kể chí hướng của các anh cho ta nghe?".
Tử Lộ thưa: "Con mong có xe, ngựa, có áo lông cừu nhẹ để các bạn cùng hưởng, dù có hư nát, con cũng không hận".
Nhan Uyên thưa: "Con không muốn khoe điều hay, kể công lao con".
Tử Lộ thưa: "Xin thầy cho chúng con biết chí thầy?"
Khổng tử đáp: "(Ta muốn) các người già được an vui, các bạn bè tin lẫn nhau, các trẻ em được săn sóc vỗ về".

- Tại sao tôi lại chọn đoạn văn trên trong khi Luận Ngữ có rất nhiều đoạn nói trực tiếp về bằng hữu? Thứ nhất là bởi vì do ngẫu nhiên, nói đúng hơn là do đoạn văn này mà tôi nảy ra ý thú viết đoạn luận này. Thứ hai, qua nó, tôi muốn gợi ra phương thức suy tư vô tận để có thể thực sự "cảm - thông" được ý niệm "thông - cảm" của tình bạn làm cơ sở suy tư sâu xa hơn về tình bạn - cũng là làm cho tình bạn thực sự được khai triển, lân mẫn.

Tản mạn về chí. Người xưa nói về chí hướng với một sự thận trọng, trân trọng và đầy chú tâm. Vì sao vậy? Vì sao người ta thường nói về chí như là chí hướng? Là bởi vì chí không hoàn toàn là một mục đích cụ thể như người ta dễ lược quy nó như vậy. Trong truyền thống của triết lý điều tiết, triết lý "Trung thứ" (vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã) thì chí hướng có tính cách phát khởi, khích lệ con người ta phấn phát hơn là một đích đến. Nội dung cụ thể có thể được điều chỉnh, nhưng cái tinh thần, ý hướng hàm ngụ trong đó mới thực sự quan trọng. Nhất là trong truyền thống của lời nói gián tiếp, hàm ngụ, ẩn ý. (Phải nói thêm rằng lối đi vòng này là một lựa chọn có tính nguyên tắc chứ không phải một trào lưu thời trang diêm dúa). Ngày nay người ta chua chát nhận ra rằng: bây giờ những gì nghiêm trang quá, đúng đắn quá lại bị chuyển sang sắc thái hài hước thậm chí là hơi "sến" - như cách nói của người hiện đại. "Đời là bể khổ, tình là dây oan" - Ai hay đó là lời từ cửa Phật từ bi lân mẫn nữa? Chỉ còn lại một kiểu tán thán có phần giễu cợt! 

Bây giờ, trong ngôn ngữ của người VN hiện đại, người ta có phần ngượng ngập khi nói về chí và chẳng còn hỏi nhau "Chí của anh là gì?" nữa. Nó suy biến thành những câu hỏi về mục tiêu - mục tiêu luôn luôn nông cạn; và về mong muốn - mong muốn luôn luôn yếm thế. Không thể nào nói được cái sắc thái phấn phát, hướng thượng của một hoài bão khởi lên từ bên trong nữa. Thời đại của hoài nghi là như vậy - người ta chỉ biết đến hoài nghi và chờ đợi.

Chu Hy nói rằng người ta phải nghiền ngẫm những lời nói của cổ nhân. Nghiền ngẫm, chứ không chỉ đọc, người ta mới cảm nhận được cái dư vị của lời nói, cái phần không hiển ngôn của lời nói Thánh Hiền. (Từ khi con người đã quen thói lý sự, sự khích động kín đáo của một Danh sư không đủ nữa và những trường phái lao vào một cuộc tranh luận vô tận. Trong sự loạn đả tranh cãi, những điều tế vi của Đạo của cổ nhân thánh hiền bị đe doạ…(F.J). 

Hãy thử bắt đầu một cách chậm rãi: Nhan Hồi và Tử Lộ theo hầu Thầy". Họ noi theo và chờ đợi những chỉ dẫn, những tín hiệu từ thầy. Khổng Tử khơi nguồn từ trong chính họ "hãy nói_với_ta về chí của các anh". Tử Lộ nói trước. Ở trong văn bản, đây là một điều tinh tế. Có thể là vì Tử Lộ nhiều tuổi hơn nên Tử Lộ nói trước. Có thể vì Tử Lộ hấp tấp nên nói trước. Bề nào cũng có ngữ nghĩa của nó cả. Thời xưa, người ta không viết tuỳ tiện bao giờ. (Hãy nhớ lại câu chuyện Khổng Tử viết Xuân Thu). Cái gì quan trọng, cái gì xảy ra trước thì trình bày trước. (Vậy tại sao ngay từ đầu lại đặt tên Nhan Uyên lên trước Quí Lộ? Phải chăng trong trạng huống "theo hầu Thầy" trên con đường "Đạo" thì Nhan Uyên đang ở phía trước Quí Lộ?). 

Người học trò cương trực nhưng có phần kém nhạy bén kia đã thưa với thầy về những tiện nghi tượng trưng cho sự thành đạt trên quan lộ (người Trung Hoa luôn quan niệm triết lý là triết lý chính trị - tu thân là để trị nước cứu đời, con người luôn gắn chặt trong xã hội, ngay cả dù ở những trường phái cực đoan nhất cũng khởi đi từ điểm này). Điều quan trọng là Tử Lộ bày tỏ trong sự chia sẻ cụ thể với các bằng hữu - những người cùng trên con đường đạo lý của anh ta. 

Chúng ta giữ lời nói này trong tương quan giữa trò và thầy - người thầy chỉ dạy vê Nhân - về làm người thế nào cho phải lẽ. Từ đó có thể nhận thấy quan niệm của Tử Lộ về viễn cảnh đạt Đạo trong chiều hướng tin tưởng vào khả năng đạt tới một thái độ sống (dữ bằng hữu cộng, tệ chi nhi vô hám) nhưng trong đó còn vương vấn sự phân ly với thực tại khi dựa vào những tiêu chuẩn của thành tựu chất lượng sống (không phải mức sống). Sự phân ly này được dội lại ngay trong lời nói của Nhan Uyên "nguyện vô phạt thiện, vô thi lao". 

Nhan Uyên chăm chú vào thực tại nội tâm nhưng ý hướng vẫn có thể gợi ra một viễn cảnh mà đồng thời không chia tách với thực tại bởi khoe điều hay thì chưa thực hay, kể công lao thì chưa thực có công lao. Hãy đối chiếu ý kiện này với nhận định của E.F "chỉ tình yêu của một kẻ nào không phục vụ cho một chủ đích, tình yêu mới bắt đầu thổ lộ". Đây chính là điểm mà Nhan Uyên hằng dõi theo Thầy mình: "Tử tuyệt tứ: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã". Tất cả đều khơi gợi đến viễn cảnh hoà nhịp với thực tại. (Phải ghi chú thêm rằng cũng theo Luận ngữ, Tử Lộ là người khi chưa thi hành được lời thầy dạy thì luôn sợ nghe thêm điều mới. Chúng ta so sánh, nhưng so sánh trong sự chú tâm cao độ vào không gian vang vọng lời tán thán của Bậc Hiền "Vi nhân nan - làm người khó lắm thay!"). Trong sự đạt nhân của Tử Lộ có sự phân lớp "xa mã, ý khinh cừu" là thành quả của người quân tử (người đạt nhân - tôi muốn thay bằng từ này cho nó sát với cổ nghĩa) đã trị nước, cứu dân, giúp đời. "dữ cộng bằng hữu" là một lớp nữa, "tệ chi nhi vô hám" lại là một lớp nữa - lớp cao nhất của một thái độ. 

Đến đây tôi chợt nhớ đến mẩu chuyện trong phần đầu của tiểu thuyết "Anh em nhà Karamazop" của F.M. Dotoiepxki. Về lời than thở của nhân vật đạo mạo với trưởng lão rằng y ta mặc dầu rất tin vào tình thương yêu con người (nói chung) của mình, nhưng càng chìm đắm trong tình thương đó, thì y ta lại càng không thể yêu thương được những con người cụ thể thường nhật. Mặc dù khập khiễng, nhưng ý niệm của Tử Lộ còn có cái gì đó như là một khuôn mẫu, một nguyên lý…là cái mà Khổng Tử không xiển dương.

Lời nói của Thánh Hiền có giá trị chỉ hiệu (valeur indicielle), mở ra sự suy tư vô tận - một "lối nói tinh tế". Ở giữa khoảng lời đáp của Nhan Uyên và câu hỏi lại của Tử Lộ với Khổng Tử có lẽ đã có một khoảng lặng. Thầy Khổng đã im lặng vì như thế là đủ. Tự sự cọ xát giữa hai lời đáp của Nhan Uyên và Tử Lộ đã đầy đủ. Chính độ chênh ấy đủ tạo ra thế năng cho sự vận hành tâm trí của các học trò trên con đường "Đạo", mà thầy Khổng đã gián tiếp tạo ra. Nhưng có lẽ hoặc là Tử Lộ không nhận ra, hoặc Tử Lộ không có chỗ bấu víu để chuyển đổi nên Tử Lộ muốn hỏi "Nguyện văn Tử chi chí?".

- "Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi". Người già an vui, bằng hữu tin cậy lẫn nhau, trẻ em được quan tâm săn sóc. Bối cảnh đã xô đẩy và chúng ta chờ đợi một hình ảnh toàn thể - bao gồm cả cái xã hội lý tưởng đáng hâm mộ của những con người đạt nhân và chính con người đạt nhân là Khổng tử. Cái điều mà chính Nhan Uyên cũng chưa rõ được. Trong lời đáp cô đọng này có quá ít chi tiết để đáp ứng yêu cầu ấy. Có thực là như vậy không. Thoạt đầu ta dễ hiểu cơ cấu ba thành phần này theo lứa tuổi: người già, người trưởng thành, và trẻ em. Nghĩa đen có vẻ như vậy. Nhưng có điều gì đó không ổn ở đây. "bằng hữu" tự nó không giới hạn ở độ tuổi nào cả. Hơn nữa, nếu triển khai theo các lát cắt, đáng lẽ ít ra chúng ta phải tìm thấy dấu vết của nhân luân, tam cương…Đó là những đặc điểm của một thiết chế xã hội mà Khổng tử muốn duy trì. Hơn nữa lại vắng bóng "ta" ở đây - thậm chí như cách dịch thì ta ở trên (ban phát) và chia tách với mọi người. Mặc dầu có vẻ hợp với vị thế của một "sư biểu" thừa mệnh trời kế chí Chu Công đi nữa thì nó vẫn thiếu sắc thái qui hướng về chính ta - người đạt nhân.

Lật sang một phía khác. "An chi", "tín chi", "hoài chi" - "được an vui", "tin cậy lẫn nhau", "được quan tâm săn sóc" từ mặt trái của các tiêu chuẩn này là những vấn đề gì? Chúng có thiết thân và phổ cập ở mức độ xã hội như là những đặc điểm vốn có của "Đạo lớn" không? Tất nhiên, ta có thể vượt qua những vấn đề của xã hội đương thời Khổng Tử và đẩy chúng đến vị trí của một khuôn mẫu xã hội lý tưởng mà ngài theo đuổi. Nhưng xem xét chúng theo những mẫu hình cũ như nhân luân, cương thường…ta thấy có cái gì đó không sát lắm. Đành rằng nó có thể diễn đạt được những điều ấy nhưng nó có phần xa rời khuynh hướng tự nội do vậy thiếu tính chất phát khởi như một nguồn sinh động của sự sống trong dòng vận hành của Tự nhiên - của Đạo.

Cơ may đến với chúng ta khi ghép hai phía khiếm khuyết này lại. Mọi sự sẽ nhất quán và có sức lan toả hơn rất nhiều khi nhìn nhận cơ cấu 3 thành phần này như 3 giai đoạn của một đời người trên con đường học Đạo tiêu biểu: thuở chưa định hướng được chí hướng của mình. Người ta chỉ mới ý thức về sự thôi thúc vươn tới Đạo lớn, nhưng còn thiếu mọi bề. (Đối chiếu với lời tự thuật của Khổng Tử: "Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học; tam thập nhi lập; tứ thập nhi bất hoặc; ngũ thập nhi tri thiên mệnh; lục thập nhi nhĩ thuận; thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất dụ củ" - "Ta mười lăm tuổi để chí vào việc học (đạo); ba mươi tuổi biết tự lập (tức khắc kỷ phục lễ, cứ theo lễ mà làm); bốn mươi tuổi không nghi hoặc nữa (tức là có trí đức, nên hiểu rõ ba đức nhân, nghĩa, lễ); năm mươi tuổi biết mệnh trời (biết được việc sức người làm được, việc nào không làm được); sáu mươi tuổi đã biết theo mệnh trời; bảy mươi tuổi theo lòng ham muốn của mình mà không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý (không phải suy nghĩ hay gắng sức mà hành động tự nhiên, hợp đạo lý).

Vậy là theo mạch đấy có thể thấy khi còn non trẻ ("thiếu" không nhất thiết là trẻ nhỏ) để đến được với Đạo lớn, điều cần thiết nhất là có được sự khuyến khích định hướng dẫn dắt. Vào Đạo rồi (nhưng chưa đạt Đạo), con người ta còn thấy mặt này bỏ mất mặt kia…người ta cần "bằng hữu tín chi". Nó đảm bảo cho hai vế của một phương trình, một bên là tự thân người học Đạo (làm người), phần còn lại là tương quan của anh ta với xung quanh. Cuối cùng đạt Đạo rồi, người ta đạt đến sự chín muồi (lão) - sự chín muồi của tinh tấn xuyên qua thời gian sống. Phần thưởng là cái "an chi". Khỏi phải nói trong triết lý "Trung thứ" thì "an chi" chính là dấu hiệu của sự hoà nhịp và đồng điệu với Tự Nhiên - với Trời. Tựu trung lại, tự phẩm giá của 3 giai đoạn này đã gợi ra mối liên hệ theo chiều dọc, sự lưu chuyển của Đạo lớn. "Mặc nhi chí chi, học nhi bất yếm, hối nhi bất quyện, hà hữu ư ngã tai!" - Trầm mặc suy nghĩ rồi ghi vào lòng, học không chán, dạy người không mỏi, ngoài ra ta có cái gì khác đâu!

Trên cái phông nền của bạn hữu, chúng ta thấy được điều gì? Phải chăng đó là sự lân mẫn, liên thông và đồng đẳng của những nhân vị với khả năng khai triển nhân tính đến vô hạn, vô điều kiện của nó. Và trên con đường lớn chung đó người ta mới thực sự có bạn hữu, và sự tương thông làm lên phẩm giá của tín nhiệm? Nếu không thế, người ta rơi xuống bình diện của bè nhóm ("giấu cô đơn trong cảm xúc bầy đàn" @HY). Và đặc điểm nổi bật là sự đồng loã khi các xung đột chưa thực sự xảy ra. Xung đột theo hai chiều hướng: xung đột tiêu cực mù quáng ngộ nhận, sai lầm; và xung đột nội tâm xô vỡ tấm màn che mắt ta!

Cuối cùng, câu hỏi suýt trượt mất khỏi viễn tượng "lão giả an chi" vốn quá hiển nhiên và thậm chí là mờ nhạt (mờ nhạt là một phẩm giá - phẩm giá của nước, của không khí, của bao dung thể). Câu hỏi đó là "tín nhiệm" và các quan hệ bằng hữu đã chuyển hoá đi đâu trong bức tranh này? Bức tranh vốn được đưa ra đầu tiên trong dãy liệt kê chí hướng của Thầy Khổng!

Tôi thích hình ảnh thâm viễn mà Bùi Giáng sử dụng từ M. Heidegger: "Thi nhân và triết nhân đứng trong ngôn ngữ là đứng trên hai chóp núi xa biệt nhau vô cùng nhưng vòi vọi như nhau nên cùng đón nhận như nhau mọi sương tuyết phiêu bồng hiu hiu về với Chị - Chị Kiều là thiên thu Hồn Logos.." Người - điên này khích liệt quá nhưng một vẻ nào nhận thức của ông có phần đồng vọng với những điều Thầy Khổng nhận xét "Quân tử chi giao đạm nhược thuỷ - người đạt nhân giao tiếp với nhau đơn sơ như nước lã".


Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Trùm chăn luận kiếm. Tiếu ngạo giang hồ (b)

4.
Lại nói chuyện về nghệ thuật phúng dụ chính trị của Kim Dung, cảnh giáo chúng Nhật Nguyệt Thần Giáo rõ ràng là ám chỉ chuyện ngoài xã hội đương thời, ai cũng chán ghét cả nên mới dễ bị cuốn hút vào mạch truyện, ngõ hầu được cùng Lệnh Hồ lãng tử cười ngạo giang hồ một phen. Nhưng sự ấy sự thường, có lần khác, rõ ràng là Tra Lương Dung tiên sinh chế truyện tiếu lâm vào trong kiếm hiệp mà hầu như không ai để ý cho đến lúc có người nói ra - văn chương như thế mới gọi là đỉnh cao:

Có thanh niên nọ yêu mấy cô trong xóm về nhà xin cưới đều bị bố gạt đi bảo là em con đấy. Chàng kia buồn đời muốn chết thời may bà mẹ kéo lại rỉ tai bảo "Thích đứa nào cứ chén đi, lão ấy không phải bố mày đâu!".

Đấy nếu chỉ như thế thì đúng là hài thật, hài nhảm, dung tục bình thường. Kể phát chọc cười xong quên ngay. Nhưng đến đây hẳn mọi người cũng nhớ đấy lại chính là đại khái chuyện đời chàng Đoàn Dự trong Thiên Long Bát Bộ. Con người đẹp đẽ, con người si tình loạng quạng, ai cũng hảo cảm là nhờ cả ở tài dựng chuyện của Kim Dung.

5.
Tháng giêng ngồi quán quán thu phong
Gió Nhạn Môn quan thổi chạnh lòng
Chuyện cũ nghe đau hồn tứ xứ
Thương Kiều Phong, nhớ tiếc Kiều Phong.


(Thơ Nguyễn Bắc Sơn)

Cũng trong Thiên Long Bát Bộ, có nhiều tình tiết hay ho rải rác về sau được liên kết lại trong các bộ truyện khác thành một thế giới kỳ vỹ của kiếm hiệp Kim Dung. Ví dụ như Tiêu Dao phái thời Bắc Tống của Hư Trúc về sau hóa ra lại là cội nguồn có liên quan chặt chẽ đến Ma Giáo - Minh Giáo - Nhật Nguyệt Thần Giáo. Nếu như trong bộ Ỷ Thiên Đồ Long Ký hai nhân vật Quang Minh Tả Hữu Sứ của Minh Giáo có hiệu chung là Tiêu Dao Nhị Tiên (Dương Tiêu & Phạm Dao) cùng với bộ nhận dạng phong lưu tiêu sái anh tuấn...chỉ thoáng qua chút liên hệ thì trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ lại có lai lịch hẳn hoi.

Công phu Hấp Tinh Đại Pháp của Nhậm Ngã Hành là một trong bốn môn công phu tối cao trong bộ truyện (ba môn kia là Độc Cô Cửu Kiếm, Quỳ Hoa Bảo Điển và Dịch Cân Kinh). Theo lời Nhậm Ngã Hành giới thiệu thì môn võ công kỳ đặc này được truyền thừa từ phái Tiêu Dao thời Bắc Tống. Tuy nhiên việc truyền thừa có điểm bất toàn, công phu bị thất thoát yếu lĩnh nên mới thành đầu mối bao nhiêu vấn đề cho người luyện công về sau. Đặc trưng võ công của Tiêu Dao phái là vẻ đẹp hình thức tiêu diêu thoát tục của nó, nhưng đồng thời lại vô cùng độc địa kỳ quái. Đến khi Kim Dung xây dựng nhân vật Nhậm Ngã Hành thì vẫn nhất quán về điểm độc địa kỳ quái này.

Việc so sánh liên hệ mấy món võ công tối cao trong bộ TNGH là có ý tứ của nó. Nếu giả thuyết về thủ pháp sáng tác dựa trên nguyên lý nội kết thống nhất của Kim Dung về các bộ nhân vật thì rõ ràng sẽ phải tìm ra được mối liên hệ giữa đặc trưng nhân vật và võ công, từ đó lý giải tại sao chỉ Quỳ Hoa Bảo Điển mới là chân chính vô địch thiên hạ! Ví dụ như nhân vật Nhậm Ngã Hành của Ma Giáo thì nhận dạng nôm na khái quát là trường phái bá đạo "ông thích là ông làm" dựa vào món nghề cướp công (phu) người khác. Trường phái này có đặc điểm là cậy mạnh làm càn, bất chấp lý lẽ nên đương nhiên là một phương nguy hiểm cao cường.

Nhưng cậy mạnh cướp công chỉ hữu dụng khi tranh đấu với kẻ có nhiều sở dục, thích tranh giành đối kháng. Công phu này đối kháng với môn Độc Cô Cửu Kiếm vô chiêu thắng hữu chiêu của Lệnh Hồ Xung thì coi như huề vốn. Là bởi tinh yếu kiếm thuật của phái này lại là dựa vào việc thấu hiểu lòng người mà đi trước một bước, là một phép nghịch đảo của câu "kỷ sở bất dục vật thi ư nhân". Hành động theo tình, theo lòng mình - là tấm lòng cho người khác, vì người khác - thấy trước cái dục vọng của đối phương mà đón đầu khắc chế, võ công như vậy thì không tranh với người khác nên môn cướp công làm càn không có chỗ thi triển sở trường. Nhậm Ngã Hành chỉ thắng Lệnh Hồ Xung khi dùng nội lực thâm hậu chấn động chàng trong hầm sắt dưới đáy Tây Hồ. Đấy, hiểu người vì người là một chuyện, nhưng còn phải có sức mà làm nữa. Nên môn công phu của Lệnh Hồ Xung còn quan trọng ở chỗ nội lực tới đâu thì khả dụng tới đó. Yếu ớt mà tốt thì cũng được nhưng chưa ăn thua (lol).

Dịch Cân Kinh là vương đạo công pháp, chú trọng chuyển hóa bản thân nên đương nhiên cũng cao cường. Nhưng muốn chuyển hóa kẻ khác thì phải trông vào thiện chí của họ nên thành ra cũng có chỗ bất tiện khi tranh cường. Thủ hòa thì được nhưng chế thắng thì còn phải xem. Làm theo chánh đạo nó có cái khổ như vậy, nên Khổng Tử mới phải khuyên người ta nên "cư kính hành giản" - chiến đấu với mình thôi. Vậy nên trong chuyện mới có cảnh Phương Chứng đại sư dỗ dành bao lần mà Lệnh Hồ công tử có chịu luyện cho đâu! Cũng là vì chỗ vi tế này mà ra cả.

Như vậy rõ ràng là ba phương võ công kể trên đều có chỗ mạnh chỗ nhược nên tầm tầm ngang hàng nhau. Thực tế cốt truyện cũng xây dựng theo logic này. Phương Chứng đại sư khi bị thua Nhậm Ngã Hành cũng là thua theo logic: nguyên lý chỉ dùng cho mình đã bị vi phạm, Nhậm Ngã Hành dùng mưu đánh vào lòng từ bi làm ông san xẻ năng lực ra cho kẻ khác nên bị bại.

Vậy Quỳ Hoa Bảo Điển dựa trên những nguyên lý nào mà thành vô địch thiên hạ, khắc chế được cả võ công của mấy phương võ bá kia? Nếu Kim Dung đã có ý vị sâu xa như vậy đến từng chi tiết cho mỗi nhân vật thì cái lý thú của logic này hẳn sẽ còn nhiều chỗ hay ho.

(còn tiếp)

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Trùm chăn luận kiếm. Tiếu ngạo giang hồ (a)

(Phần 1)
------------
1.
Như đã nói, truyện Kim Dung nhiều lớp lang tình điệu, ẩn ký vốn liếng văn hóa truyền thống Trung Hoa thâm hậu của họ Tra nên đọc rất hấp dẫn và có thể đọc lại nhiều lần. Các tình tiết, ý tứ rất tinh tế như thể là một bộ toàn bích chứ không phải viết gấp gáp theo kỳ đăng báo nữa - thực không phải giống phàm chúng mình! Về sau nhờ đọc thêm một số tác giả bình Kim Dung thì tôi cũng lỗ mỗ hiểu ra phương pháp sáng tác của ông.

Trong cuốn "Vô Kỵ giữa chúng ta hay là Hiện tượng Kim Dung" của Đỗ Long Vân có phân tích đặc trưng chia tuyến nhân vật theo bộ (Ngũ Bá, Nhị Tiên, Tứ Vương...) kiểu cơ cấu luận tạo ra sự nội kết giữa các tuyến nhân vật. Tác giả cũng điểm đến những điểm mới trong thủ pháp của Kim Dung như sáng tạo về nội lực, tinh thần duy tự nhiên, từ bỏ kết cấu tất thắng cổ điển chuyển sang thời kỳ sụp đổ của các đại tự sự...

Thực ra một số thủ pháp là có kế thừa truyền thống võ hiệp chương hồi TQ, ví dụ như kết cấu các bộ nhân vật thường được xác định trước, xây dựng theo luật ngũ hành tương sinh tương khắc. Nếu một viên tướng mặc áo bào trắng (Kim) thì thế nào cũng tất bại nếu gặp tay nào mặc áo bào đỏ (Hỏa khắc Kim). Ngũ Bá của Kim Dung cũng là một điển hình: Tây Độc áo trắng (Kim) thì sợ món Nhất Dương Chỉ của Nam Đế (Hỏa - khắc Kim), thỉnh thoảng xơi được Đông Tà áo xanh (Mộc - bị Kim khắc), hay bị Bắc Cái (Thủy) chơi khăm (vì Kim sinh Thủy)...Vậy mới có chuyện Hồng Thất Công làm sư phụ cho con gái Đông Tà. Cái vòng tương sinh tương khắc mà châm chước ra đã biến hóa thành bao nhiêu tình tiết hấp dẫn. (Còn một nhóm bộ nhân vật khác cũng sẽ rất thú vị để bàn vào dịp khác là Giang Nam Tứ Hữu).

Tất nhiên cái luật ẩn tàng kia không phải là tuyệt đối hóa nhưng trên đại thể cấu trúc lớn các tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung đều có thể nhận ra ảnh hưởng của nguyên tắc này. Nhưng luật Ngũ Hành chế hóa thì là một vòng quanh nên để xây dựng cao thủ đệ nhất thì cần phải bổ sung yếu tố giá trị gia tăng khác; thường thì cũng lấy từ vốn triết lý phương đông kiểu như vô chiêu thắng hữu chiêu (hoặc là để khuyết như trường hợp Vương Trùng Dương).

Có điều mọi người ít khi để ý: trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, tuy vô chiêu thắng hữu chiêu của Lệnh Hồ Xung là  cảnh giới tối cao của kiếm thuật/võ thuật nhưng đâu đã ăn được Quỳ Hoa Bảo Điển? Chân chính vô địch phải là nó nhưng vì sao lại là nó? Huống hồ truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ còn được coi là có ẩn ý chính trị rõ ràng, liên quan đến nhiều nhân vật chính trị đương thời. Cái gì được ẩn ký trong Quỳ Hoa Bảo Điển mà bằng thủ pháp vẽ mây nẩy trăng Kim Dung đã cho nó vượt cả Ngũ Hành cả Hữu Vô? Nương theo nguyên tắc lý giải nội kết ta có thể dò ra vài ba manh mối thú vị, nhiều ý tứ.

2.
Về bối cảnh chính trị, TNGH bắt đầu được viết từ năm 1967 trên Minh Báo; lúc này ở TQ đang là giai đoạn Đại nhảy vọt (1966-1976). Tôi cũng chưa đọc được ở đâu nói gì chi tiết về mối liên hệ hay những ẩn ý chính trị cụ thể của Kim Dung. Nhưng ngoài những nét khoa trương mông muội đồng dạng dễ thấy trong Nhật Nguyệt Thần Giáo thời kỳ của Đông Phương Bất Bại thì tôi chú ý đến một sự kiện quan trọng khác của thời kỳ này: nạn đói. Các tài liệu khác nhau nói khác nhau về con số người đã chết đói (30 triệu), nhưng chuyện người TQ đói phải ăn hạt hướng dương thì đã có Ngải Vị Vị làm chứng (http://soi.com.vn/?p=16929).


Vấn đề bắt đầu trở lên thú vị nếu chúng ta để ý rằng trong tiếng Hán, Quỳ Hoa chính là hoa Hướng Dương! Nhưng nếu chỉ có như vậy thì đã không phải là Kim Dung. Với chút manh mối, thử rà lại một loạt các chi tiết mới thấy nhiều cái hay.

3.
Đệ nhất cao thủ luyện Quỳ Hoa Bảo Điển là Đông Phương Bất Bại, giáo chủ Nhật Nguyệt Thần Giáo. Ngay tên của giáo phái này đã có một lai lịch dày dặn. Khởi đầu vốn Kim Dung đặt tên cũ cho nó là Triêu Dương Thần Giáo. Chữ Triêu Dương có nghĩa là ánh sáng mặt trời buổi sớm - một thứ Đông Phương Hồng (xem thêm về Đại học Phương Đông ). Nên giáo chủ là Đông Phương Bất Bại thì cũng dễ hiểu. Dù đổi thành Nhật Nguyệt Thần Giáo thì cũng không khó để nhận ra phiên bản của Minh Giáo (chữ Minh bao gồm 2 chữ Nhật Nguyệt cạnh nhau). Kim Dung không giải thích nhưng cũng không phủ nhận ám chỉ này (ví dụ như khi ông cho Nhậm Ngã Hành kể về lai lịch của môn võ công Hấp Tinh Đại Pháp có nguồn gốc truyền từ phái Tiêu Dao đời Bắc Tống - vốn là chi tiết trong truyện Thiên Long Bát Bộ).

Minh Giáo vốn là Ma Giáo, được truyền từ nước ngoài của mấy ông Ba Tư rậm râu vào, tuy đứng chân trong giang hồ một mình một thế ở trên Quang Minh đỉnh thuộc Hoàng Sơn (Ngũ nhạc quy lai bất khán sơn, Hoàng sơn quy lai bất khán Nhạc” - Từ Hà Khách), đối chọi uy quyền với Ngũ Nhạc kiếm phái nhưng riêng nó là vẫn khác biệt vì nó là một giáo phái sinh hoạt theo thể thức của một tổ chức tôn giáo! (Thiếu Lâm Tự hay Võ Đang ở đây thật mờ nhạt và khác biệt đầy dụng ý). Người khác có thể không thừa nhận nó nhưng nó vốn dĩ không coi người khác ra gì, mục hạ vô nhân, như cỏ rác. Nhận thức bình nhật của chúng ta thực tế rất dễ thao túng, coi nhiều chuyện là hiển nhiên cho đến khi được dịch sang một bình diện khác thì sẽ thấy những chuyện đó hóa ra rất lố bịch, rất buồn cười. Lệnh Hồ Xung năm xưa coi cảnh giáo chúng Ma Giáo đỏ choe choét, xếp hàng hùng vĩ mấy ngàn người thi nhau tung hô "anh minh thần vũ","muôn năm trường trị" thấy rất tức cười, ngán ngẩm nhưng mấy trăm năm sau có đến hơn một tỷ người cho là bình thường hiển nhiên.

(còn tiếp)

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Khoảnh khắc


Hồi lâu, có lần chợt nghe thấy bài "Khoảnh khắc" thời Làn Sóng Xanh tự nhiên nổi cơn nhớ ghê gớm thời sinh viên những năm đầu đi học đại học. Mùa thu mù mù, cái làng ven đô, cánh đồng chiều, vườn cây rậm lá. Những tập bài hát LSX có sẵn gam để tập guitar, những tờ tranh bột màu trên giấy báo. Những ngày tháng đạp xe lang thang khắp chốn. Bờ sông Hồng một chiều mùa đông, quán rượu cóc ven sông mùa đông, cuộc rượu cuối năm trong làng với những người thợ xây ở Kẻ Gỗ. Một khúc ca xưa nhiều khi giống lớp bụi trên giá sách, vô tình dính vào là hắt xì ầm ĩ, kỷ niệm văng tóe loe, gai góc sởn dựng từng lỗ chân lông.

Tối. Tôi tìm dọc phố, tìm một chỗ ngồi vỉa hè có thể đốt vài điếu thuốc. Một chỗ nhập nhoạng không quá sáng. Một chỗ không đông người nhưng đừng vắng thảm. Tốt nhất chủ quán có vẻ dửng dưng đơn giản chờ ngày qua. Bàn ghế thấp và những dáng ngồi chùng gập. Mùa thu đấy, ông LQV ạ.

Muộn. Trong quán chuyển mấy bài nhạc vàng xưa lắc. Thế là nhớ lại về tóe loe như hắt xì hơi. Tôi nhớ những ngày học lớp 9 đi trọ học xa nhà. Một ngõ nhỏ, khuất khúc, nép mình bên kiến trúc nhà thờ cũ đã được chuyển thành chỗ cho mấy trường học. Thành phố nhỏ những năm đầu 90s. Nhà đối diện suốt ngày mở nhạc vàng, chính là mấy bản đang nghe. Tiếng cassette đều đều văng vẳng cả ngày trùm lấy một góc không gian, họ đánh bạc cả ngày trong đấy nên ít nói chuyện, tiếng người khẽ, thảng hoặc. Điệu nhạc như một thứ mùi hương len lỏi từng ngóc ngách, dù tận gác xép buồng trong thì vẫn nghe rõ. Giờ thì nó đã trở thành một biểu trưng của một đoạn ký ức.

Chếch ở góc bên, một nhà hàng xóm khác suốt ngày mở video, phim chưởng Hồng Kông các thể loại. Một gia đình đông người dễ mến. Bà cụ già bán dưa chua và những thứ tạp hóa lặt vặt ngay hiên nhà. Bác gái nhận dệt len tại nhà, cái máy dệt nhỏ cá nhân chạy cả ngày; thỉnh thoảng cả bác trai cũng làm. Vừa làm vừa xem băng video. Mấy người con đều lành và dễ mến. Cả người anh lớn đi học xa nhà nữa là năm. Quý nhất là thằng bé út lúc ấy chừng lớp 3 lớp 4 gì đấy: trắng trẻo, bầu bĩnh và lanh lẹ. Nhiều năm sau thỉnh thoảng tôi lại ghé thăm gia đình họ, cho đến khi tự thấy đã quá lâu để vẫn thấy tự nhiên như những ngày trước. Những người hàng xóm cũ cũng dần chuyển nhà đi hết.

Tôi vẫn nhớ rõ hầu như từng người từng nhà một: nhà ông bác sỹ thấp người béo ị có hai cô con gái, tuy kỹ tính nhưng thỉnh thoảng vẫn có thể sang vay ít mỡ hay nước mắm (cho món cơm trộn những ngày cuối tháng hết nhẵn tiền); một nhà khác giàu nhất vì có cửa hàng đồng hồ ngoài phố lớn; một anh cựu võ sỹ quyền anh không nghề nghiệp ổn định, một bác hưu thích đi bộ việt dã và hay bình luận thế sự có thằng con cùng tuổi hay đứng nói chuyện với tôi ngoài cửa...

Tôi ở trọ (thực ra là ở nhờ và góp tiền ăn chung) cùng mấy người anh lớn đang học tại chức. Nhịp sống trộn lộn đời học sinh mới lớn với đời sinh viên nghiệp dư. Quãng thời gian nửa năm đó chừng như đã dài hơn, dày dặn hơn bằng những trải nghiệm xê dịch của tuổi thiếu niên. Đá cầu buổi chiều, đánh bài, chạy bộ trong công viên, đi (theo) cưa gái ở KTX...Những lúc hết tiền đến bữa, đứng một mình đầu ngõ, cay đắng không biết phải làm gì. Những lần khẩn trương leo lên gác xép cho anh tiếp bạn gái nửa đêm. Chiều mưa ngồi tán dóc và tranh luận kịch liệt về chuyện liệu có thể sống một cuộc đời với những chuyến đi bất định liên miên được không? Một buổi chiều tự nhiên xách ba lô lên và đi luôn một mạch. Cái thằng hay đứng ngoài cửa nói chuyện phiếm với tôi chở tôi ra bến xe. Hình như là tôi có sang chia tay với nhà bác hay chiếu video - tôi đã bỏ dở một bộ về Võ Đang Thất Hiệp.

Khi đã quá lâu mình không quay lại thăm mọi người, rồi mình và mọi người cũng khác xưa, thì việc đi vào một ngõ cụt hóa ra có gì bất tiện như kẻ không được mời - trong ngõ nhỏ anh phải là khách của một nhà ai đó. Dù không vào nhưng vẫn biết là đang đi qua ngõ cũ năm nào mỗi bất chợt ghé thăm thành phố. Trong khoảnh khắc, sẩy ra lại tòe loe tèm nhem ký ức ở đầu mũi.

Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Chùm đọc. (I)

1.
Tôi là ai và nếu vậy thì bao nhiêu? - Richard David Precht
Trò chuyện triết học - BVNS
(Triết học nhập môn - Karl Jaspers)

Tuy có vẻ cùng thể loại Nhập môn nhưng việc đọc nhanh cùng lúc cả 3 cuốn này sẽ có thể giúp ta nhận ra nhiều điểm thú vị quanh co gấp nếp. (Thực ra cuốn của KJ thì tôi đọc từ mấy năm trước rồi, nhưng ấn tượng rõ ràng nên có thể lôi ngay ra để liên tưởng). Đầu tiên là về tác giả: trong 3 người có lẽ chỉ KJ có thể được coi là triết gia - tuy hình như bị coi là thứ yếu - còn như RDP và BVNS thì chỉ có thể gọi là nhà nghiên cứu triết học. Oái oăm và đáng chú ý là ông triết gia thì có nghề bác sỹ còn hai ông kia thì có nghề triết hẳn hoi!

Sách nhập môn là viết cho người sơ học, coi như chưa có vốn liếng gì, nhưng cũng có nhiều kiểu khác nhau - khác nhau theo mục đích, thể loại và theo cả sở học của người viết. (Nhân tiện, những bộ sách nhập môn như Tủ sách Nhập môn (truyện tranh) của NXB Trẻ hay Tủ sách Que sais Je? (sách bỏ túi) của NXB Thế giới đều là những bộ sách rất quan trọng dành cho những người tự học).

Ba cuốn sách mà tôi kể ở trên cũng là ba trường hợp khác nhau: RDP viết cuốn sách đầu kiểu dựa vào những thành tựu của ngành nghiên cứu não để phê phán triết học truyền thống. Trong khi đó BVNS thì cố gắng dựa vào hình thức đối thoại theo chủ đề nhỏ để giới thiệu lịch sử triết học - theo cách hơi giống kiểu giáo trình. KJ thì đơn giản và rõ  ràng là dẫn nhập người đọc từ thẩm quyền của một triết gia - ông nói về triết lý của ông.

Cuốn sách (thực ra là một tập bài viết) của BVNS là kém hấp dẫn nhất về nội dung so với 2 cuốn kia. Một phần vì nó có vẻ bị khó xử trong cách xác lập thẩm quyền phát ngôn trước đám thị dân mới trong khuôn khổ một mục báo. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng hơn là vì nó khó có thể nhấn mạnh vào điều gì mới mẻ đột phá vì như vậy sẽ mâu thuẫn với lựa chọn từ đầu về hình thức của nó: đưa người đọc đến những câu hỏi mở căn bản trong vòng xoáy trôn ốc của lịch sử triết lý. Với tôi điểm thú vị của cuốn sách cũng oái oăm: đó là câu hỏi về việc phê phán BVNS thì dễ nhưng nếu đặt vào tình huống vị thế của tác giả thì ta sẽ tiến thoái thế nào?  Những người đọc nếu đã có chút vốn liếng triết học sẽ dễ phê phán chỉ trích tập sách, nhưng nếu phê phán có thiện chí thì chỉ nội việc nhìn chăm chú vào tình thế tiến thoái đó cũng sẽ gợi ra vô số con đường để thử nghiệm.

Trong tình thế ngược lại, cũng là viết cho đại chúng, nhưng là đại chúng Đức nên RDP dễ dàng lướt qua các trách nhiệm điểm danh lịch sử tư tưởng mà đi thẳng vào mạch phê phán, nhân tiện giới thiệu những lập trường mới nhất của ngành nghiên cứu não. Cũng vì là một dạng triết học khoa học nên cách trình bày của nó dễ nắm bắt, có thể đọc một lèo như thể những cách diễn đạt nhì nhằng xưa nay là một sự thất bại kém cỏi không đáng nhớ. Có điều, do suôn sẻ quá thành ra gấp cuốn sách lại thì người đọc dễ bâng khuâng chịu không hiểu thế tại làm sao mà cái cảm giác hiện sinh vẫn không nhúc nhích được là bao? Cảm giác của tôi là có quá nhiều điểm cụ thể đã được khái quát hóa quá nhanh, thành ra đơn giản hóa những tình huống tế nhị của suy tư. Việc đẩy các giới hạn của cách nhìn cơ giới luận vào sâu trong não người thì cũng sẽ vẫn chịu giới hạn của phương pháp ngay từ đầu.

Cuối cùng, đọc lại KJ ta sẽ cảm nhận được điểm khác biệt tinh tế. Do có một cái lõi, một điểm nhất dĩ quán chi của triết gia nên cuốn sách tập trung vào một vài điểm trọng yếu - cốt với mục tiêu chuyển đổi điểm nhìn của người đọc, những việc khác sẽ đến dần. Dẫu rằng KJ cũng không hẳn là một triết gia "hạng nặng" trong lịch sử triết học hiện đại, nhưng điểm mà chúng ta đang bàn (một cách triết lý ^^) là về cái cách mà tư tưởng dọ dẫm thì hoàn toàn không bị ảnh hưởng của bảng xếp hạng kia!

2.
Hồi ký Phạm Cao Củng
Quê hương tôi - Tràng Thiên/Võ Phiến
(Hồi ký Nguyễn Hiến Lê)
Viết về bạn bè - Bùi Ngọc Tấn

Mấy cuốn ký/hồi ký này đọc hấp dẫn, đọc một mạch. Nhất là cuốn của VP, đúng là khác và hay so với những tác giả thường đọc. Võ Phiến/Tràng Thiên viết tùy bút nhẹ nhàng miên man, nhiều quan sát tinh tế. Viết tản văn được cái hay là lập luận không quan trọng lắm, nó chỉ khơi gợi là chính. Phần quan trọng là nhịp điệu, giọng văn - qua đó chuyên chở cái nhìn, cái khí chất, tình cảm của người đi/người viết* Những đoạn như đoạn tả cảnh nếm nước mắm chèm chẹp, có vị hậu, thiếu nắng...là những chi tiết sẽ không còn thấy ở ngày nay nữa. Không phải các nhà văn không biết đến mà tại cuộc sống đã thay đổi quá nhiều, những mô tả bắt chước dễ dãi, giả bộ cầu kỳ tràn lan trên các tạp chí ẩm thực, du lịch chẳng thể nào có được sự tinh tế hay chân thực như vậy bởi xung quanh chúng ta còn có ai tiếp tục sống trải như vậy nữa. Phải một nhịp sống rất chậm, thư thả, chưa hề gián đoạn qua các thế hệ mới có thể cung cấp được những từ vựng phong phú, riêng có làm bằng chứng cho những sống trải.

Nếu cuốn của VP đọc chậm rãi, liên tục nhưng thong thả thì cuốn hồi ký của PCC chỉ cần đọc lóc chóc, lỗ chỗ tùy hứng vì quả tình là văn cụ Phạm Cao Củng hơi lủng củng. Cũng giống mấy cuốn cuối đời của Vương Hổng Sển, cuốn này đọc thấy ngay là văn của mấy cụ đã sang tuổi đại lão. Các cụ sống lâu, cuộc đời nhiều thăng trầm nên văn nhiều chi tiết. Cứ tưng tửng kể ra cũng đủ lũ hậu sinh há miệng thèm nghe. Kiểu viết tràn đi, kể tràn đi, kệ cụ chúng mày có theo kịp các bối cảnh xưa hay không này cung cấp thêm bằng chứng cho khả năng tốn gái của cụ thời trai trẻ.

Nhưng nếu lạm dụng quá đi kiểu hành văn này thì chỉ một thời gian sau nữa sẽ khó kiếm được độc giả. Nó khác với cách viết hồi ký của Nguyễn Hiến Lê: ông có ý thức rất rõ về việc làm cho hậu sinh đồng cảm được những hậu cảnh của những sự kiện cuộc đời mình. Có thể vì ông là người biên khảo nhiều cuốn sách sử, lại từng dịch W.Durant nên có cái óc tỉnh táo và tầm nhìn rộng để biết lưu giữ lại những bối cảnh, những câu chuyện. Hồi tưởng lại cuộc đời mình cũng là diễn giải lại cái thế giới mình đã từng sống trải - ngõ hầu trăm năm sau kẻ tương tri có chỗ mà nương tựa.

NHL có thể diễn giải lại xã hội mà ông đã sống nhưng Bùi Ngọc Tấn thì chưa được làm như vậy. Mà chính hồi ký của NHL vẫn còn 02 chương chưa được xuất bản. Từ NHL đến BNT là khoảng 20 năm nhưng vẫn chung một nguyên nhân: chưa nói được - hay là chưa được nói.

Tuy là Viết về bè bạn nhưng có thể thấy rõ cuốn sách gồm 2 phần được ghép lại với nhau: về Nguyên Hồng và về một số người khác.Ngày xưa tôi không thấy văn Nguyên Hồng hấp dẫn lắm, nhưng đọc BNT viết về Nguyên Hồng lại khiến tôi muốn tìm đọc văn của ông. Dẫu vậy điều tôi nhớ nhất về Nguyên Hồng là câu nói nổi tiếng của ông "Tao về Nhã Nam...Ông đéo chơi với chúng mày nữa". Tư cách Nguyên Hồng, uy của Nguyên Hồng, khí tiết của Nguyên Hồng.

Phần về các bạn bè khác nhiều chi tiết, viết tình cảm, chân thành. Nhưng đọc gần xong hóa ra tôi lại ấn tượng nhất mấy câu về Nguyên Bình, con người cuối đời chuyển hẳn sang tu chân luyện khí. Bỗng dưng thân thiết là thế, đồng điệu là thế mà giờ thành chúng tôi không thể nói chuyện với nhau được nữa...Vì là không biết nói gì với nhau nữa. Đã là 02 thế giới, không đó là 02 bình diện sống khác nhau mà ở phía bên kia  Nguyên Bình không biết làm thế nào để diễn tả cho BNT được. Tôi cũng đành trải qua những lần như vậy, những người bạn ngày xưa thân thiết là thế, cùng nhau trải qua bao nhiêu dại khờ tuổi trẻ là thế, bỗng dưng không còn gì chung để nói tiếp với nhau. Tình cảm xưa vẫn còn, thân ái vẫn có nhưng từ rày đi tiếp thì chẳng còn gì chung nữa ngoài quá khứ. Bây giờ em nhớ ngày xưa/Bây giờ tôi nhớ ngày xưa...

Đọc hồi ký của lớp người trước cũng còn là cách tôi luôn luôn tìm những manh mối cho câu trả lời về một giai đoạn lịch sử của đất nước. Thử nghĩ xem, dù đã gác sang một bên, nhưng chính họ là những người từ hai phía chiến tuyến đều đã rất tha thiết với quê hương, với thân phận con người. Gần nhau, giống nhau đến độ chỉ cần che đi một tý thì Tràng Thiên gặp ngay độc giả hậu chiến; mà mở ra một tẹo thì ủm lên ngay những tranh luận vô lối về Võ Phiến chống/phản, về lập trường chính trị, khí tiết...

Mẹ kiếp, phải có cái gì đó sai ở đây chứ hả ông Nguyễn Bắc Sơn? Hay chỉ lại là tai trời ách nước?

Xem chiến cuộc như tai trời ách nước 
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước 
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi...
----------



(*) Tôi có lần viết về thể ký trong mục Ký họa.