Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Ông mày còn giữ những việc gì?



Viết blog là viết theo cơn hứng. Có những thứ nằm rõ ràng mười mươi trong đầu mình rồi nhưng mà chưa gặp cơn thì có cố cũng rời như cơm nguội. Như vụ Trùm chăn luận kiếm khởi đi từ tết năm ngoái năm kia mà có khi chưa biết đến tết năm nào mới xong ^^

Hoặc là mình có một kế hoạch rõ ràng, làm việc quy củ; hoặc là mình đi lan man trên mạng đọc linh tinh, cả hai lối đấy đều có thể giúp mình tìm ra cái gì đó để bắt đầu - đôi khi chẳng ăn nhằm gì với ý định lúc trước đó. Thực ra còn có một cách khác tôi thấy khá hiệu nghiệm, đó là đi bách bộ. Đi bách bộ làm cho đầu óc dịu đi, thả lỏng nên có khả năng triệu hồi vô số ý tưởng tiềm tàng (vụ này để khi nào review cuốn Những thành tựu lừng lẫy của Tâm lý học hiện đại - sẽ nói lại). Thứ đầu tiên mà tôi hay kiếm để tìm hứng là các bài Tống Từ. Tối này tìm được một bài của Tân Khí Tật, rất hợp cảnh hợp tình thời suy thoái!

Tây giang nguyệt

Vạn sự vân yên hốt quá,
Bách niên bồ liễu tiên suy.

Nhi kim hà sự tối tương nghi?
Nghi tuý, 
Nghi du, 
Nghi thuỵ.
Tảo sấn thôi khoa liễu nạp,
Cánh lường xuất nhập thu chi.

Nãi ông y cựu quản ta nhi:
Quản trúc,

Quản sơn,
Quản thuỷ.


Tây giang nguyệt

Vạn sự như mây khói,

Trăm năm bồ liễu sớm suy.

Mà nay nên nhất là việc gì?
Nên say khước,
Nên ngao du,
Nên ngủ khì.
Sớm chạy đóng cho xong thuế,
Để tính xuất nhập thu chi.
Ông mày còn giữ những việc gì?
Giữ trúc,
Giữ sơn,
Giữ thuỷ.


(Nguyễn Hiến Lê dịch)

Nôm na thì cái món Từ này là thể loại lẩy Kiều ở trình độ cao mà thôi. Tức là kiểu điền chữ theo khuôn mẫu bằng trắc, thanh điệu, ngắt câu. Tài nghệ của Từ gia là ở chỗ lời hay hợp với nhạc điệu. Cứ y như khuôn mẫu, rất vừa tầm với công chúng vì ai cũng ngân nga được theo nhạc điệu quen thuộc.Tình cảm phóng túng lãng mạn đa dạng theo thể ngắn dài có phần tự do cũng chiều lòng người ta vốn dĩ tản mạn vụn vặt. Như trong bài từ trên, cái điệu ngắn dài thất thường đọc lên rất thích, nhất là khi lại có mấy câu bất cần phóng túng kiểu nghi túy/nghi du/nghi thụy mà NHL phải thêm vào mỗi câu 1 từ cho tả được cái nghĩa cô đọng của nó (say khước(t), ngao du, ngủ khì).

Còn có một công thức nữa cho việc mua lòng công chúng (nay còn hay gọi là PR): trong bài nên có một đôi câu thật thích hợp để tiềm thức người đọc chộp lấy, bắt dính. Câu đấy sẽ đi vào văn nói cửa miệng của đời sống, nói cách khác, người ta sở hữu chúng. Tôi có đọc đâu đó phân tích về việc này nhưng chưa nhớ ra được là ở chỗ nào. Nhưng ví dụ thì đầy: xin chào nhau giữa con đường - đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt - cám ơn con cò...Đấy đại loại nó có nguyên tắc của slogan quảng cáo ngày nay. Như trong bài Tây Giang Nguyệt thì tôi bắt dính 2 câu: Vạn sự vân yên hốt quá - Ông mày còn giữ những việc gì. Một đàng thì thảng thốt vô thường dễ dùng cho những lúc bâng khuâng, một đàng thì bất cần yếm thế những khi buồn lui cui. Cảm xúc đến, dù là cảm xúc gì thì nó cũng sẽ rõ ràng hơn, có chiều hướng hơn một tâm trạng vụt chạc, thắc thỏm. Rõ là một loại não thần đan.

Theo tiêu chuẩn của Adorno (ở đây) thì đây thực sự là vấn đề của văn hóa đại chúng thời mạt thế. Đó là "sự trốn chạy không đòi hỏi nỗ lực gì trơn trọi (bán kèm sự thụ động)" với chức năng tâm lý là "sự điều chỉnh tâm lý (để chấp nhận) đối với cái nguyên trạng" và dẫn đến "khước từ và đàn áp mọi khả năng phê phán". Có lẽ ông Adorno và cả ông dịch giả kia (^^) đã đúng mà chưa biết mà phê phán Tống Từ. Băng đóng ba tấc đâu phải cái lạnh một ngày! Cái điềm nhà Tống suy vi đã hiển hiện ngay trong Tống Từ, bất kể những nỗ lực chấn hưng phong khí của Tô Đông Pha.

Cho nên câu "Thật nguy hiểm! Nền công nghiệp văn hóa đồng hóa, giải chính trị hóa và hút cạn cái khả năng cách mạng của văn hóa đỉnh cao bằng việc hòa tan chính bản thân nó..." chính là vận vào triều Tống bên Tàu kia. Thời đó, phong khí Thiền Tông vẫn còn đương thịnh, nhưng e rằng hóa ra Thiền Tông thời đó có thịnh là thịnh cái tư tưởng được chế biến cho phù hợp với não trạng "mang tính bảo thủ và đặt trọng tâm tư duy vào cái hiện tại tức thì hơn là hướng tâm trí vào tương lai và những khả năng cải thiện hoặc thay đổi" mà ông Adorno đã chẩn đoán.

Thế là từ nay có cái thú ngâm vịnh "tín nhi hiếu cổ" với mấy chữ Nho lỏng (@Hồi ký Phạm Cao Củng) sẽ không còn được hồn nhiên thưởng thức nữa. Đành chơi bài giễu nhại cho hợp thời và qua ngày đoạn tháng ^^

Chứ không thì ông mày còn giữ những việc gì?


Minh họa

2 nhận xét:

doanh nói...

hihihaha, bác kia đọc cái này hẳn sẽ ngậm cười :-P

Tung H nói...

Có một điểm, nói ra lại phải chứng minh hơi mệt, là nên để ý nếu dùng những luận cứ của phương Tây thì hầu hết trên mọi mặt trận xã hội Á Đông đều bị điểm thấp :D

Nếu từ chỗ Khác, thì phải kiểm chứng qua một loạt các phép đo khi đối chiếu trên một số phạm trù (Đạo đức, hiệu quả, Cái Nhạt, cái Nu...) :P