Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

ngôn ngữ của con người không phải lúc nào cũng hoạt động hoàn toàn theo formal logic

"
    Tòa KHÔNG dựa trên [formal] logic khi diễn giải điều này vì theo Tòa, ngôn ngữ của con người, ngay cả của người chuyên viết luật, không phải lúc nào cũng hoạt động HOÀN TOÀN theo formal logic. Tòa còn dựa theo ngữ cảnh, tập tục ngôn ngữ, cách hiểu tự nhiên (natural reading), cách viết đặc thù trong toàn đoạn, và tựu trung là "plausibility". Đây quả là 1 đoạn rất thích thú và cho thấy tầm cỡ của các quan tòa quốc tế vượt xa lối suy nghĩ chuyên môn hẹp của những đầu óc thông thường. Đối với họ, formal logic chỉ là 1 trong nhiều tools để diễn giải ngôn ngữ của con người.

    "495. The Tribunal is conscious, however, that formal logic accords IMPERFECTLY WITH LINGUISTIC USAGE at the best of times, even among legal drafters, and is hesitant to accord decisive weight to logical construction alone. Here, it could well be argued that a NATURAL READING of the phrase would include an IMPLIED second negation, omitted only to reduce the length of an already somewhat cumbersome clause”...
"

(trích 01 comment từ PQT trong 1 stt trên Fb Giang Le)

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Trùm chăn luận kiếm. Tiếu ngạo giang hồ (c)

1.
Bây giờ khoảng 3 giờ chiều cuối mùa hè. Mùa hè của tôi thôi chứ đúng ra thì phải gọi là đầu thu. Ký ức thường ám nắng mùa này. Bây giờ dựa gió xiêu xiêu/Thoảng xanh nhạt trắng ven chiều bước đi. Tôi đi bộ, đổi 3 quán cafe quen để tìm chỗ thích hợp. Để viết. Cần viết ra, ghi chép lại, mô tả ra vài điều gì đó của những ngày đang trôi.

Cuốn sổ cũ còn sót vài ghi chép phác thảo cho loạt bài về truyện Kim Dung ngày trước phải tìm mãi mới thấy. Càng nên viết nốt ra trước khi cuốn số sẽ thực sự bị phủi bụi, lãng quên trên nóc giá sách theo đúng nghĩa đen. Có thể sẽ không hoàn chỉnh

Nhân mới đọc mấy bài cùng chủ đề trên soi: http://soi.today/?p=216427

2.
Tiếu ngạo giang hồ (c)


6.
Những lần trước là vòng quanh 1 câu hỏi chính "Làm thế nào mà Quỳ Hoa Bảo Điển lại thành võ công vô địch?". Từ đó dò dẫm tìm kiếm xem Kim Dung, theo mạch thủ pháp của mình, đã vẽ mây nẩy trăng, tả ra, củng cố những nét gì cho Quỳ Hoa Bảo Điển thành ra võ công vô địch. Bây giờ thử đi thẳng vào hệ thống của công phu này xem sao.

Theo thứ tự các phiên bản/tàn bản lưu lạc ngoài giang hồ thì có "Tử Hà thần công" - gắn với Nhạc Bất Quần và "Tịch Tà kiếm phổ" - gắn với Lâm Viễn Đồ, sau đó còn có Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần, Lâm Bình Chi. Theo thứ tự thì THTC là đầu manh mối, sơ khai nhất; sau đó đến TTKP thì gần như chính là QHBĐ được phổ sang kiếm pháp. Vậy ta sẽ xem lần lượt từng chi tiết truyện liên quan để dựng lại các ẩn ý của Kim Dung xem sẽ đi đến đâu.

Tử Hà thần công chỉ là nhập môn công pháp so với QHBĐ mà đã làm cho Nhạc Bất Quần vang danh thiên hạ, nên NBQ ham hố tìm tòi là chuyện đương nhiên. Trong chuyện đại khái mô tả khi vận dụng THTC thì khuôn mặt chuyển sang màu đỏ tía (tử hà là cái ráng trời chiều màu tím), có tác dụng tăng khí lực, bồi bổ nội thương. Nhưng nhìn rộng ra quanh nhân vật Nhạc Bất Quần này thì cũng có những manh mối nhất định. NBQ dùng kiếm, THTC thì hỗ trợ cho kiếm pháp của y. Sau này TTKP cũng là kiếm, dù lúc đánh nhau với Tả Lãnh Thiền thì đã lòi ra ẩn chiêu dùng kim thêu - cái mà sẽ thành vũ khí chính tông của QHBĐ do ĐPBB dùng. Ta sẽ quay lại chủ đề về vũ khí sau đây, nhưng trước đó là cái món THTC này đã.

Trên quan điểm không có chi tiết nào Kim Dung không có dụng ý, tôi bắt đầu xét cái tên của môn công phu "Tử Hà thần công". Nếu nó không có liên hệ gì với mạch QHBĐ thì chắc chúng ta hẳn đều nghĩ tên quái gì chẳng được. Nhưng hãy xem: ít nhất về mặt trường nghĩa thì "Tử Hà" với "Triêu Dương" - ráng chiều tím với nắng sớm mai là một cặp đối ý nghĩa trong truyện - vì giáo chủ của Triêu Dương thần giáo là ĐPBB với môn QHBĐ. Mà bản thân Quỳ hoa - loài hoa hướng dương, hướng về mặt trời - cũng nằm trong phổ biểu tượng này; cùng với Đông Phương - phương của mặt trời. Hay có thể nói từ Tử Hà thần công đã là dấu chỉ cho con đường đi đến Quỳ hoa bảo điển của nhân vật Nhạc Bất Quần rồi. (Sau này có thể mở rộng ra trong Tịch Tà kiếm phổ cũng đã ẩn chứa cái ý Tà Dương, đối lại với Triêu Dương mà có thể ta sẽ xét thêm sau).

Nhưng từ NBQ đến ĐPBB thì có mối liên hệ gì nữa không? Nếu đúng theo nguyên lý nội kết của Kim Dung thì võ công và tính cách, hành động của nhân vật sẽ tương liên với nhau. Ở đây ta thấy ít nhất là ở phương diện hành động cả hai đều vì bản thân mà phản bội, tàn hại đến cả những người thân thiết của mình - bất chấp tất cả. Theo dấu đến điểm mấu chốt này, cộng với cái tính năng gia tăng nội lực, bồi bổ chữa thương của môn công phu này thì ta có thể nhận ra một dấu hiệu, ám chỉ bổ sung để làm cơ sở đặt tên môn công phu: trong đông y, có một phương thuốc gọi là Tử Hà Sa, lấy nhau thai (nhân bào) làm thuốc, có tác dụng chữa trị các chứng nam nữ hư lao tổn. Mặc dù mối liên hệ là mờ nhạt võ đoán đến đâu, riêng tôi vẫn thấy việc NBQ, kẻ luyện Tử Hà thần công, dùng con gái làm mồi nhử trong các âm mưu tranh đoạt - cái hành động ăn thịt con ấy - là hoàn toàn tương đương với cái vị thuốc thịt người Tử Hà Sa kia. Tất nhiên Kim Dung không cần người đọc mở rộng ra đến như vậy khi theo mạch tác phẩm. Nhưng đọc đi đọc lại thì càng thấy thêm ý vị này cũng không tồi.

Tịch Tà Kiếm Phổ được Lâm Chấn Viễn dùng như thế nào thì không được mô tả, nhưng có thể nhận thấy gián tiếp qua Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần sử dụng. Đặc biệt khi NBQ hạ TLT. Có thể hiểu TTKP chỉ còn khác QHBĐ ở vũ khí mà thôi. Về nội công tâm pháp thì đều phải tự cung nếu không sẽ bị hỏa dục tâm công mà chết. Từ môn bồi bổ dưỡng thương đến môn làm tăng khí lực con người đến độ nếu không tự cung (triệt sản, nhưng vẫn không hẳn triệt được dục như trong trường hợp ĐPBB) thì sẽ mất kiểm soát được dục vọng của mình, là con đường tiến triển nhất quán của tâm pháp QHBĐ. Cũng như từ chỗ phản trắc, tàn hại người thân đến tự tàn hại bản thân cũng là một con đường nhất quán trong hành động của những nhân vật chính luyện môn công phu này. (Lâm Viễn Đồ là ngoại lệ để so sánh vì đây không phải nhân vật chính, nhưng chẳng phải sâu xa cũng chính từ môn võ này với những hành động gian dối, phản bội sư môn của LVĐ mà sau 03 đời thì họ Lâm cũng tuyệt tự?). Ở đây cũng phải làm rõ lại là tôi đang quan tâm phân tích đến một khía cạnh trong thủ pháp sáng tác của Kim Dung để thưởng thức chứ không phải có tham vọng đặt ra vài quy luật cứng nhắc để mổ xẻ tác phẩm theo một lối hiểu duy nhất đúng.

Kiếm là vũ khí của hầu hết các nhân vật chính, nó cũng là vũ khí của Tịch Tà Kiếm Phổ. Nói võ công mà không gắn với vũ khí đặc thù thì rất hãn hữu và phi lý, chỉ dành cho một vài trường hợp đặc biệt được mô tả về sau trong trường phái kiếm hiệp. Lúc đó đại khái lấy tâm làm kiếm, cái gì hoa lá cỏ cây đều là vũ khí...Tất nhiên triết lý này không tồi, nhưng trong mạch truyện này của Kim Dung thì không có ý đấy ở đây. Vậy kiếm có ý vị gì trong tương quan với tính cách và hành động nhân vật của Kim Dung?

Kiếm hay được coi là vương giả chi binh ngay trong văn hóa truyền thống Trung Hoa chứ không nói gì đến riêng trong thế giới kiếm hiệp. Có lẽ rất đơn giản vì nó là vũ khí hiệu quả mà lại vừa tay, có thể đeo theo bên người mà không bất tiện, quá khổ, nặng nề như thương, giáo hay đao...cũng không quá nhỏ như các loại vũ khí ám sát khác mà mất tính biểu tượng cũng như thực chiến. Nhưng bất kể vì lý do gì, từ khi đã có tính chất biểu tượng trong văn hóa quyền lực thì trong thế giới kiếm hiệp, hầu hết các võ phái, các nhân vật chính đều dùng kiếm như là võ đạo tối cao, biểu tượng cho chính khí...Thực ra trong thế giới này thì lý luận về sự tiện dụng vẫn đúng, các nhân vật biểu tượng cho cá nhân độc lập, tự do, lang bạt trên giang hồ trong kiếm hiệp, thử tưởng tượng dựng thành phim thì y chỉ có thể mang kiếm mới đỡ chướng mắt bất tiện nhất so với các loại vũ khí khác. Nhất là khi thế giới giang hồ chưa thoát ly hoàn toàn thế giới xã hội cổ trang truyền thống như trong truyện Kim Dung.

Xét kỹ ra, còn có một số điểm đáng phân tích về kiếm, kiếm có kích thước tương đồng với cánh tay con người: gập lại thì dấu sau cánh tay, mở ra thì bằng thêm 1 tầm tay nữa. Trong tâm lý học, không gian 1 tầm tay với là có liên quan đến cảm nhận không gian của con người. Đây là tầm không gian giao tiếp. Hai người đối thoại với nhau thường đứng trong tầm kích thước này. Bằng hữu cũng là trong tầm kích thước không gian này.

(còn tiếp)

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

một buổi trưa trên đời

Trong khoảnh khắc chập chờn của trưa hè, thứ ánh sáng mới lên sau bão lan vào giấc mộng. Lọt qua kiểm duyệt của ý thức, cảm xúc vỡ loang những gì vốn tưởng rất hiển nhiên. Dang dở, bàng hoàng...hay là kiểu gì đó như thể xót xa.

Tất cả đã biến đổi. Triệt để hoang tàn và dang dở. Sau đó chỉ còn là xa lạ. Lối vào vẫn nhỏ, những khu dự án quây rào tôn, cỏ mọc ngang người như ngày xưa. Nhưng cả con ngõ nhỏ giờ đã thành hoang phế. Hầu hết đã bị phá bỏ, dở dang - vết người cư ngụ hãy còn hiển hiện. Một hai người già của những hộ cuối cùng dẫn cháu ngồi chơi vơ vẩn dưới gốc cây trứng cá già. Căn nhà cũ đã bỏ không. Căn nhà mới xây ngoài khu tái định cư cũng khóa cửa bỏ không. Hiểu vô thường là một chuyện, tràn ngập trong cảm thức đó lại là một chiều sâu hoàn toàn khác - không phải ở bình diện này nữa.

Không, tuyệt đối không phải vấn đề cá nhân. Chỉ là nó ở mối tương liên sát sao quá.

Cuộc rượu ngà ngà, Ben lẩm bẩm kể về những thứ tuyệt vời như vợ đây, cô con gái 4 tuổi xinh đẹp đây...hẳn là món quà từ trên kia gửi cho đấy. Nhưng sao tao vẫn luôn có cảm giác cuộc đời nó sao sao ấy. Muốn như nhảy mẹ xuống sông kia mà phó mặc. Có cái gì đó không đúng lắm...

Chuyện của mày ấy mà, tao nghĩ nó là midlife crisis mà thôi. Ngay từ khi còn rất trẻ, tức là gần hai mươi năm trước ấy Ben ạ, bọn tao cũng đã từng rất thường nói chuyện với nhau về những thứ như thế. Nhưng giờ thì vẫn thế, có gì mới mẻ đâu - chúng ta như thể sống ở 2 thế giới. Một rất ổn, và một kia thì như thế ta đã để quên, đánh mất, phản bội cái khỉ gì đó.