Thứ Tư, 28 tháng 10, 2009

Hà xứ thị.

Nửa đêm hôm qua tỉnh giấc. Nghĩ đến việc viết vài dòng. Muốn kể lại cho con nghe chuyện bói Kiều bà kể ngày xưa. "Một vùng cỏ mọc xanh rì/Nước ngân trong suốt thấy gì nữa đâu/Gió chiều như giục cơn sầu/Vi lô hiu hắt như màu khơi trêu...". Cũng chẳng ngờ lại là đêm Trùng Cửu. Buổi sáng ở quê hôm đó ra đồng thăm mộ bà. Đã cuối mùa gặt, đồng trơ gốc rạ, một vùng toàn những nấm đất cỏ lác xác xơ. Nhớ lại những ngày cuối đời bà thường lo lắng xuống đất đen không quen biết ai, không biết đường đi chốn tới. Đã chỉ là một cảm giác bần thần hoang vắng.

Tìm trên kệ sách tập Kiều cũ của bà để lại bất giác mở trang và thoáng đọc. "Thương tình con trẻ thơ ngây...Đau lòng tử biệt sinh ly...". Không khốc.

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2009

Cúc hoa khai xứ tức Trùng Dương

Cửu Nhật Ngũ Thủ, Tuyển Nhất - (Đỗ Phủ)
Trùng dương độc chước bôi trung tửu
Bảo bệnh khởi đăng giang thượng đài
Trúc diệp vu nhân kí vô phận
Cúc hoa tòng thử bất tu khai
Thù phương nhật lạc huyền viên khốc
Cố quốc sương tiền bạch nhạn lai
Đệ muội tiêu điều các hà tại
Can qua suy tạ lưỡng tương thôi.

Ngày Chín, Năm Bài Lựa Một - (Hải Đà dịch)
Trùng dương, rượu trút, một mình ta
Khổ bệnh, sông dài, dấn bước qua
Lá trúc cùng người than phận lỡ
Cúc vàng thuở đó chẳng đơm hoa
Tha phương vượn khóc tà dương xế
Quê cũ nhạn về sương sớm sa
Em gái phương nào thân tá túc ?
Bệnh căn, loạn lạc, nhiễu phiền ta


Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

KINH CHỮ TO

1.
Đáng lẽ sau mấy trích dẫn về tịch chiếu ở bài trước thì bài này kể chuyện Stillness Speaks của Eckhart Tolle mới phải. Nhân vì ngẫu nhĩ lấy ra đọc nhưng bản dịch lạo xạo khiến tâm tình nhộn nhạo nên bỏ đấy mà lan man sang chuyện khác: chuyện Kinh chữ to.

Mấy loạt sách của Trí Việt có kiểu thiết kế bìa (theo tôi) quê quê. Vẫn biết có kiểu thiết kế bìa theo mẫu chung cho 1 loạt sách nhưng tôi cho rằng mỗi quyển sách phải là một sản phẩm duy nhất. Bìa mỗi cuốn sách nên là một sự đồng điệu tương giao của nghệ thuật minh hoạ chứ lẽ nào chỉ là phép đánh số thứ tự? Đồng nhất hoá về hình thức những cuốn sách là vô hình chung xếp loại chúng vào các ngăn kéo định kiến nghèo nàn - một kiểu tự kiêu hơi vớ vẩn của nhà xuất bản; "hãy xem nội dung đã được ấn chứng (bằng sự lựa chọn của chúng tôi), chúng tôi không vẽ rắn thêm chân", là kiểu đó chăng? Cá nhân tôi thấy nó giống sự nguỵ biện của nghèo nàn và lười biếng hơn là thanh thế của một thương hiệu. Tất nhiên ý kiến cực đoan này áp dụng chung cho lối làm bìa sách hàng loạt của mọi nhà xuất bản chứ chẳng riêng bác nào. Và cũng không liên quan gì đến nội dung các cuốn sách của họ cả :)

Tôi không thích bản dịch Stillness Speaks của Nguyễn Văn Hạnh lắm. Vốn dĩ sự thu hút của nhân cách Eckhart Tolle bắt nguồn từ sự riêng biệt tự do của cá tính tâm linh, không lệ thuộc vào bất cứ một định kiến tôn giáo sẵn có nào. Chính thẩm quyền của kinh nghiệm chuyển hoá nội tâm tự mình của ông đã đem đến cảm hứng tâm linh mới mẻ cho thế giới hiện đại chứ không phải bất cứ viện dẫn nào khác. Đọc bản dịch "Sức mạnh của Tĩnh lặng" của NVH có cảm giác dịch giả đã chế biến những kiến giải của E.T cho vừa với mọi truyền thống tâm linh. Câu chữ mất đi vẻ giản dị và mới mẻ nhưng xác tín cần có. Cái cần thiết với người đọc là lối diễn đạt của E.T về những vấn đề muôn thuở nó ra sao chứ nếu bàn về nội dung câu chữ thì chẳng thà đọc 4 câu kệ của Tuệ Trung Thượng Sỹ cho ngắn gọn. Có vẻ lối dịch này còn có thể gặp khá nhiều ở một số dịch giả "miền Nam" trước đây (1975. Aka BG xin được coi là 1 cas riêng tuy có vẻ xứng đáng nêu tên đầu tiên). Kể cũng khó: không cho là mình hiểu thì ai dám dịch. Nhưng thiết nghĩ dịch ở đây là dịch chứ không phải là Dịch :P

2.
Mặc dù có thể nói leo lẻo về chuyện trực chỉ nhân tâm nhưng mỗi khi đi tìm mua hay đọc Kinh sách, tôi rất "dị ứng" với các bản Kinh in chữ to-vốn dùng cho việc nhật tụng của các cụ già. Tôi biết điều đó không ổn thoả nhưng tâm trí tôi ngấm ngầm mong muốn bản kinh đó phải "bình thường"-theo ý tôi. Nói thẳng ra là phải kiểu sách dành cho nghiên cứu cơ (lol). Hoá ra có thể căn cứ vào việc lựa hình thức sách mà biết được cái Biết của người khác chăng? Biết ở đây là biết, không phải là Biết.

3.
Khán tận Di-đà Kinh
Niệm triệt Đại Bi chú
Chủng qua hoàn đắc qua
Chủng đậu hoàn đắc đậu
Kinh chú bản từ bi
Oan kết như hà cứu.

(Minh Tâm Bảo Giám)

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009

Quan. Quán.

1.
Tịch (11n):
  • 1 : Lặng yên. Như tịch mịch 寂寞.
  • 2 : Im. Như tịch nhiên bất động 寂然不動 im phắc chẳng động. Nhà Phật cho tu hành sạch hết mê vọng, vào nơi rỗng lặng, hưởng thú chân thường là tịch diệt 寂滅 tâm thần lặng yên, tự nhiên soi tỏ, không sót tí gì gọi là tịch chiếu 寂照.

2.
Tự (6n)
  • 1 : Bởi, từ. Như sinh hữu tự lai 生有自來 sinh có từ đâu mà sinh ra.
  • 2 : Mình, chính mình. Như tự tu 自修 tự sửa lấy mình.
  • 3 : Tự nhiên, không phải miễn cưỡng.

3.
Thị (12n)
  • 1 : Nhìn kĩ, coi kĩ, trông kĩ. Như thị học 視學 coi học, thị sự 視事 trông coi công việc, v.v.
  • 2 : Coi nhau, đãi nhau. Như quân chi thị thần như thủ túc tắc thần thị quân như phúc tâm 君之視臣如手足,則臣視君如腹心 (Mạnh Tử 孟子) vua đãi bầy tôi như chân tay thì bầy tôi hết lòng đối với vua.
  • 3 : So sánh. Như thị thử vi giai 視此為佳 cái này coi tốt hơn cái ấy.
  • 4 : Bắt chước.
  • 5 : Sống.
  • 6 : Cùng nghĩa với chữ chỉ .

4.
Thị (16n)
  • 1 : Ðúng, phải, cùng nghĩa với chữ thị .
  • 2 : Xét rõ.

5.
quan, quán (25n)
  • 1 : Xem, xem xét, xem ở chỗ rộng lớn gọi là quan. Như quan hải 觀海 xem bể, xem xét thiên văn gọi là quan tượng 觀象, xem xét dân tục gọi là quan phong 觀風, ngần ngừ không quyết gọi là quan vọng 觀望.
  • 2 : Cái hình tượng đã xem, như trang quan 壯觀 xem ra lộng lẫy lắm, mĩ quan 美觀 xem ra xinh đẹp lắm.
  • 3 : Tỏ ra cho người ta biết cũng gọi là quan. Như dung quan 容觀 dáng điệu của mình đã tỏ ra.
  • 4 : Ý thức. Gặp sự thương vui không động đến tâm gọi là đạt quan 達觀, nay ta nói lạc quan 樂觀 coi là vui, bi quan 悲觀 coi là thương, chủ quan 主觀 coi là cốt, khách quan 客觀 coi là phụ, đều theo một ý ấy cả.
  • 5 : So sánh.
  • 6 : Soi làm gương.
  • 7 : Chơi.
  • 8 : Một âm là quán. Xét thấu, nghĩ kĩ thấu tới đạo chính gọi là quán. Như nhất tâm tam quán 一新三觀 một tâm mà mà xét thấu cả ba phép, chỉ quán 止觀 yên định rồi xét thấu chân tâm, như Dịch Kinh 易經 nói quán ngã sinh vô cữu 觀我生無咎 xét thấu cái nghĩa vụ của đời ta mới không mắc vào tội lỗi. Đạo Phật có phép tu dùng tai mà xem xét cõi lòng, trừ tiệt cái mầm ác trở nên bậc Vô thượng, nên gọi là phép quán . Như Quan âm bồ tát 觀音菩薩, vì ngài tu bằng phép này, sáu căn dùng lẫn với nhau được, mắt có thể nghe được, nên gọi là Quán thế âm 觀世音.
  • 9 : Làm nhà trên cái đài gọi là quán. Như trên núi Thái sơn có cái nhà để xem mặt trời gọi là nhật quán 日觀, trong nhà vua, trong vườn hoa làm cái nhà cao để chơi cũng gọi là quán.
  • 10 : Các nhà thờ của đạo sĩ cũng gọi là quán.

6.

Ngẫu Tác

Đường trung đoan tọa tịch vô ngôn

Nhàn khán Côn Luân nhất lũ yên

Tự thị quyện thời tâm tự tức

Bất quan nhiếp nhiệm bất quan Thiền.

(Tuệ Trung Ngữ Lục, Tu Thư Vạn Hạnh 1968)

7.

Chợt Hứng

Đoan trang ngồi tịnh lặng không lời

Nhìn ngắm non sông vệt khói trôi

Y lúc chân chồn tâm tự bặt

Cứ gì niệm xét với Thiền soi.

(Trúc Thiên dịch)


8.

Tôi không biết chữ Hán. Chỉ thỉnh thoảng dò từ điển Thiều Chửu để đoán ngữ nghĩa 1 số từ âm Hán Việt. Chữ Nho như vậy coi như chẳng biết gì. Từ điển Thiều Chửu là 1 ví dụ: từ được hiểu trong văn cảnh và điển cố là chính. Nhưng vì vậy nên khi đọc phiên âm các bài kệ, hay cổ thi thì thường là đoán sắc thái ngữ nghĩa bằng vốn "biên biết" của mình. Riết rồi cũng cảm nhận được cái khó khăn của chuyển dịch từ nguyên bản sang tiếng Việt*. Biết vậy nhưng thỉnh thoảng vẫn lôi Thiều Chửu ra dò, và biết lõm bõm thêm vài điều về vốn từ vựng trong Tiếng Việt.


(*)-Phải nhận rằng cái sắc thái trang trọng của âm Hán Việt là một dạng "mê tín" trong tiềm thức dân Việt rồi - Bạch Mã tất yếu sang hơn Ngựa Trắng bất kể cùng ỉa ra cứt ngựa :)


9.
Khi đọc bài kệ** "Ngẫu tác" của Tuệ Trung từ bên blog bác GM, tự nhiên tôi muốn đọc kỹ nó. Chắc tại ông Tuệ Trung này nhân thân tốt, hành tung bí ẩn nên được tín nhiệm nhiều hơn thành ra có tâm chú ý. Nhưng càng nhìn kỹ thì càng thấy mình chẳng hiểu gì cả ngoại trừ cảm giác nhất định phải biết. "Biên biết" thực tế là rất khó chịu! Vậy rồi sinh thắc mắc muốn suy xét.

(**)-Kệ là thơ của Phật. Sư làm thơ. Phật đọc kệ. Tại sao không biết, chắc có xuất xứ từ Ấn Độ từ thuở đọc vần vần cho dễ nhớ. Nhưng mà đã học thuộc thì còn soi xét tự mình thế nào??? Nhưng chẳng phải thơ là để tái tạo và dẫn dụ đến chỗ không có hình dạng sao?

Phải nói luôn cho vuông là tôi muốn tìm hiểu dưới góc độ một bài kệ. Và xác định trước là sẽ chẳng biết được gì thêm. Nhưng vẫn muốn đẩy suy nghĩ ra.

Lướt qua lần đầu thì nghĩ thầm "Từ đâu nảy ra nó?" "Chợt Hứng" - Nhớ tới giới thiệu về thể Hứng trong Kinh Thi của F.J (Đường vòng và lối vào) nên tự nhủ thôi khỏi hỏi. Có hỏi lại đụng phải câu ấm ớ liền môi "Chẳng từ đâu. Chẳng về đâu." thì thà khỏi hỏi.

Nhưng nếu không có dụng tâm thì dụng công có tính phương tiện không? Tái tạo cái gì? Tả hay là kể? Kể được không? Nói thật là không thấy manh mối gì.

Chữ nhàn hình như có tượng hình ngồi trong nhà ngắm trăng. Nhưng mà ngồi giữa nhà thì trăng còn có thể thấy chứ nhìn thấy Côn Luân thế quái nào được nhỉ? Huống hồ là vệt khói trên đỉnh Côn Luân? Vậy là vọng tưởng à? Thế còn "im phắc chẳng động" thì sao? Đã khuyến mại thêm "vô ngôn" rồi cơ mà. Thế có phải là vô niệm? Hay là mặc niệm khởi, chẳng theo? Dễ nhất là bảo đấy là ẩn dụ, ngón tay trỏ trăng, ăn nói liêu xiêu. Nhưng vậy thì còn ngẫu tác thế quái nào?

"Tự thị quyện thời" thì chắc là phải ngắt thành tự thị/quyện thời rồi. "Tự thị" thảy đều dịch là y lúc, không biết còn có khả năng cho vụ "tự mình" với lại "xét rõ" không? Hẳn các học giả thì phải biết rõ rồi. Nhưng cứ nghĩ thế thì đã mất gì. Tóm lại nếu nói theo lối vẹt thì ý bảo cứ kệ nó, biết, xem rộng rãi nhưng đừng theo à? Lặng vắng soi tỏ là dễ nói khó làm thôi ư? Có thể hiểu nhưng chưa biết, nên đọc tiếp câu cuối cho xong.

Nhưng nếu câu 3 đã thông thì câu 4 còn láy lại làm gì? Nếu chưa thông thì nói cũng bằng không. Không dính chấp thì đã nói từ trên. Vậy còn cái vắng lặng đoan tịch nhàn xem vô ngôn làm sao mà dây dưa mãi thế???

Hay tại vì ai cũng biết mà chẳng ai chịu làm cho miên mật tinh tấn?

Nói thật, đến đây thì ông ấy (Tuệ Trung) có ngồi đấy thì cũng chịu chẳng biết ăn nói thế nào

Đến cái dấu chấm câu cũng không biết đặt vào đâu nữa

Bởi vậy hầu hết thiên hạ đều lướt nhanh còn túm lấy câu 4 cho dễ kết.

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2009

Ngày không đâu

1.
Chúng ta sống một cách buồn tẻ nhàn nhạt. Nói vống những chuyện không đâu. Tưởng tượng về mình và người khác. Mỉa mai nhau cho đỡ buồn mồm. Tại sao vậy? Mỗi ngày lại nghĩ xem làm thế nào sống hay hơn 1 tý. Một tý cuối tuần bây giờ là đi nhậu. Bàn chuyện nuôi con cùng nói xấu osin.

2.
Ừa, mà ngoài đi mua sắm, cà phê cà pháo và ăn uống thì còn biết làm gì. Nghệ thuật? Nói thật, nó hơi rởm. Vậy rồi sao? Tận bây giờ chúng mình vẫn chẳng biết yêu nhau phải những gì. Những đứa trẻ chết già có khi từ tận lúc sinh ra.

3.
Nghiệt ngã với mình riết rồi thành tính xấu với những người xung quanh. Nghiệt ngã để chứng tỏ như động vật muốn phô bày ưu thế sinh học á? Gần như thế, thực ra bọn nó là những đứa vị kỷ rởm đời nhất hạng. Tốt nhất là kệ mẹ.

4.
Còn lại gì cho nhau mới là đáng kể. Cũng không nhiều: nếu đủ biết rằng chẳng có gì là vĩnh viễn. Nghĩ cảnh chúng mình cứ hì hục đòi cho nhau đến tội. Dẫu sao thì vẫn chẳng ai biết tại sao tình dục lại thú vị thế. Hầu hết giả vờ không có cảm giác bẽ bàng len lén lơ mơ. Bây giờ mà nói nữa là ngu mạt.

5.
Đến cả điên cũng lạc mốt rồi em ạ. Bài học là gì? Muốn biết thì hãy thử. Ra sao thì ra. Mười năm rồi chứ ít ỏi gì đâu. Cái nhà cũ hình như nó phá hôm qua. Xây lên thì hết chuyện. Chẳng còn gì kể lại cho nhau. Cái xó ấy có mỗi hơn chục mét vuông. Nước đái nhiều khi chảy thẳng xuống tầng 1.

Nghĩ mà may cho nó.

Chuyện có thể dài mãi mãi 2

1.
Chẳng nhớ được là cái title này đã có bài nào ở blog này chưa nhưng hồi bên Y360 thì nhớ là rồi.
Nhân sinh nhiều lúc tính ra cũng chỉ có bấy nhiêu cảnh, tình. Đoạn dưới vốn viết cho một người bạn từ hồi bên Y360, giờ lại thấy nó có thể đúng cho cả những người bạn khác nữa, nên post lại. Vì xét ra chúng ta vốn dĩ khác nhau theo một lối giống nhau trong chiều kích con người!

2.
Comment muộn

Gửi bạn. Mọi chuyện thường rất khác nhau trước, trong và sau khi đã xảy ra sự việc. Hy vọng hôm nay chúng ta cùng cười vui với những dòng như thế này nhỉ :-)
..........

Suy nghĩ lúc ốm. Bạn gửi tin cho tôi nói về nỗi buồn vấp váp ở đời. Việc này làm tôi xúc động và lo lắng. Xúc động vì trong cõi ảo hoá này giữa chúng ta có sự tín nhiệm nhau. Lo lắng vì việc này thật khó để trả lời, cho dù ngay cả là sự im lặng. Bạn sa lầy trong sự nhùng nhằng oái oăm của ngôn từ và những tình bạn "cùng nhau trông thế nhân cười". Những người bạn rất tốt, rất hiếm hoi trong cuộc sống này. Nhưng chúng ta thường phản ứng dễ dãi quá, và tình bạn thực chất là một liên minh thoả hiệp. Chính sự dễ dãi từ đầu này sẽ làm cho bạn trở lên xói mòn theo thời gian. Khi 1 nhóm cùng sử dụng chung 1 thứ ngôn ngữ thì ngôn từ sẽ trở thành ước lệ. Sự bất an khi gặp phải tính ước lệ sẽ thành 1 hố cát tham lam và tàn nhẫn.

Lo lắng còn là vì mình sẽ càng ngày phải trở lên tín nhiệm với lời nói của mình hơn. Nếu con người bắt đầu không còn trung thực với chính mình thì cuộc sống sẽ trở lên buồn thảm, trơ tráo.

Tôi đã có thể nói gì? Rằng hoặc là "Khi không thể yêu thương được nữa thì hãy tha thứ, im lặng và bước qua-(F.Nietzche)"; hoặc là "người ta vấp ngã nơi mặt đất thì cũng y nơi mặt đất mà đứng dậy-(Kinh Thánh)"; hoặc là "người ta vấp phải hòn đá thì người ta không cáu giận vì họ biết hòn đá vô tri. Nhưng người ta dễ dàng oán giận kẻ khác dẫu vẫn biết rằng họ lầm lỡ vì họ vô tri-(Osho)". Hoặc giả bạn hãy dễ dàng và tự nhiên ngay lúc đó phân biện đúng sai, mắng cho kẻ đó 1 trận rồi từ rày không dính chấp vào nữa. Dăm bữa nửa tháng thì kẻ gây ra lỗi lầm đã quên rồi trong khi chúng ta thậm chí đeo đẳng điều tệ hại đó đến 20 năm và tự gây đau khổ cho mình. Lời nói hay hành động, chúng xảy ra trong 1 tương quan-mà tương quan đấy thì như nước chảy qua cầu, 1 lần là vĩnh viễn không quay lại.

Còn rất nhiều nữa những khả năng, nhưng tất cả đó chỉ là lời NÓI. Tự sâu xa tôi hiểu cái bạn thiếu là 1 cái gì đó thuộc về miền sâu TÂM LÝ. Cái cần chữa trị nằm thăm thẳm trong đó chứ không ở lời nói. Cách tôi thường làm là giữ với bạn 1 khoảng cách vừa đủ để bạn nhận thấy sự trống trải, cũng vừa đủ để nuôi dưỡng 1 hy vọng, 1 sự tín nhiệm vào hiện hữu con người.

Tôi biết rằng: khi chúng ta diễn đạt bản thân bằng ngôn từ, đồng thời cái đó thoát ra khỏi chúng ta. Điều duy nhất có thực là sự bấp bênh của cả nội tâm và ngoại cảnh-"mà kẻ dẫn đường duy nhất là tinh thần quyết vượt-(Bạch Ẩn Huệ Hạc)".

Rất khó để diễn đạt với bạn về điều mà tôi đang kinh nghiệm về TINH THẦN QUYẾT VƯỢT. Có lẽ nó như thế này chăng: ta chỉ đau đáu quan sát và hành xử tức thì như trong trận đấu kiếm trên bờ ghềnh sinh tử. Mọi sai lầm sẽ không lặp lại và chỉ cứ chăm chú thế thôi.

Từ nhỏ tôi là người hay đau ốm vặt. Những trận ốm thật khó chịu và chúng ta chỉ có 1 cách là chịu đựng và chờ đợi. Nhưng chờ đợi thì dễ cáu bẳn và buồn nản. Tôi tự đúc kết kinh nghiệm cho mình là hãy làm tất cả những gì có thể làm và sau đó là tự quan sát bình thản tất cả những gì đang diễn ra. Dửng dưng như kẻ ngoài cuộc với chính mình. Thấy như vậy. Biết như vậy. Tôi cũng tự cho phép mình rên khe khẽ. Như thế tôi thấy mình tương tác với tình hình. Và cũng bởi tôi đọc đâu đó là rên khi ốm có tác dụng gấp 200 lần 1 liều thuốc :)

Hay là vì vậy mà tôi ít oán giận cuộc sống và dễ thông cảm với người khác?

Bạn đừng tin ai cả-ngay cả chính tôi hay chính bạn-như là 1 cái gì đó bị dính chấp. Đây là cuộc dạo chơi trong rừng hái lá tìm thuốc chữa bệnh của kẻ ốm. Mọi cái đều có thể và đều không thể. Tuỳ duyên tiếp vật. Miễn khỏi bệnh thì thôi.

Nhưng quan trọng là luôn kiểm soát chặt chẽ bệnh tình của mình. Không phó mặc. Không tự lừa dối.

3.
Và bạn phải biết tự yêu mình. Bằng một tình yêu đúng.

Mỗi lần đưa ra một lần mới. Tôi để bài viết trong tag bằng_hữu, nhưng cũng là trong tag maya - trong thế giới của những huyễn tượng này chúng ta buộc phải nhìn thế giới theo lối phán đoán phân đôi và đi tiếp trên con đường mà hội ngộ là ngẫu nhĩ còn ly biệt là quy luật. Nơi đó mùa xuân phía trước miên trường phía sau...tự bao lâu rồi.

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2009

Cáo. Hão. Xáo.

(Ảnh minh hoạ có thể không liên quan đến bài :)

1.
Cáo


Mặc dù với sự tận tình cứu chữa của bản thân và các hiệu thuốc nhưng tinh thần blogging của ecb vẫn chưa qua khỏi dịp lận đận này tuy thân thể đã ra khỏi nhà :)

Cái được là nhân thể nằm bệt đã luyện xong hơn nghìn trang giấy đặc chữ bao gồm: Einstein (NXS), Đại sử (PTA), Hành trình vào triết học (TVT), Loài tinh tinh thứ ba (JD).

Thiệt hại là không ăn nhời các còm của cbcb được nên càng lộ rõ bản chất câu kéo "trắng trợn và lộ liễu" :D Thiệt hại hơn nữa là một đống công việc dồn lại xếp hàng chờ giải quyết.

Xin trân trọng cảm ơn sự động viên thăm hỏi của các đoàn thể ban ngành và bạn bè gần xa trong thời gian vừa qua. Trong lúc đang xớ rớ tỉnh giấc, ăn nói lăng nhăng rất mong được sự lượng thứ của các bác các bạn :D

TungH

2.
Hão

Căn cứ vào sự thu vén im lặng của bác NL và điều kiện phân tích gắn với ngữ cảnh của cả lịch sử từ bác Gauxauxi (đã viết rõ) bài sau sẽ đề cập đến chủ đề gối bông có hoa văn lồng ghép cùng với tất cả các nội dung đã đọc trong lúc nằm chờ tàu (bác học, thuyết tương đối, đại sử, tiến hoá etc...) cho nó hoành và khách quan ^^

3.
Xáo

Thực ra thì xong rồi, nhưng muốn đền đáp cho phỉ cái công nhấp chuột của các bác, xin trích đăng mấy bài thơ của Nguyễn Bình Phương. (Thực tế là em chẳng nghĩ ra cái gì nên search cái ông này cho nó hợp khẩu vị chứ toàn những bài vừa đọc xong :)

Tiêu chí lựa chọn bao gồm: 1 bài liên quan đến cáo phó; 1 bài liên quan đến mộng mị; 1 bài liên quan đến sách; và 1 bài liên quan đến câu cá (tạ cái tình hỏi han của bác thợ câu mới quen :)
----------

Ca

Người đi ba bước gặp trăng
Bảy bước gặp gió năm năm gặp trời

Những ông vua cỏ chết rồi
Điếu văn đọc mãi toàn lời vu vơ

Sông này thoang thoảng sông mơ
Có con chim sẻ đánh cờ với mây

Ngày thôi gậy trúc cầm tay
Hồn lam chướng đã phất ngay về trời

Người đi xem xác của người
Hoàng hôn một bóng trắng vơi giữa đàng


Mắt

Qua con mắt khép hờ
Mặt trăng đi thẳng vào giấc ngủ
Cuối đường gặp một ban mai bàng bạc

ở đây có Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi bảo cuộc đời là dao và tre trúc
Sau đó im lặng dẫn ông đi xa mãi

ở đây Hồ Xuân Hương ngừng lại
Bà dựng nhà bằng những cơn mưa

Ngoài hiên
Mùa thu mơ chiếc quạt ngà
Hồ Dâm Đàm rẽ nước để trời xanh bay xuống
Nếu trời xanh bay trượt ra ngoài anh dám đỡ không

Người đeo kính hết mọi nhớ mong
Những quên lãng lại hồi về trí nhớ
Con mắt khép nửa vời là cạm bẫy thờ ơ

Trong giấc ngủ đầy mộng mị
Trăng không thể bay ra...

Vọng từ giá sách

-ánh sáng đều đều rơi ở trang bên
Ngổn ngang chữ làm sao em sang được
Ai đó nghĩ như một điều ước
Em ở dòng ba trăm mười lăm
Tối hơn đồng tử

-Và họ ru mắt cá chân của họ
Cái ngủ dịu dàng ôm ngang lưng cái chết
Những lưỡi cưa tán tỉnh những thân cây bằng nụ hôn mê mệt
Nụ hôn sinh ra một lối mòn
Họ vẫn ru mắt cá chân của họ...

-Gió
Chỉ gió
Chênh vênh đậu trên mào gà đỏ
Mình hồ nghi bao nhiêu tháng Bảy
Sét không đánh vào trán tuổi thơ
Cây cổ thụ ngạo nghễ cháy

-Vĩnh biệt vĩnh biệt niềm đam mê chân mây
Anh chỉ là chiếc áo ngủ điêu tàn

-Tôi ngắt vật gì rất trắng
Giếng nước một ánh nhìn đen...

Thơ viết khi ngồi câu

Anh vẽ em trên nước
Dưới bầu trời đầy giông
Ngón tay thon mờ mờ bãi sông Hồng
Sau lời hứa một chiếc nhẫn ánh bạc
Sau chiếc nhẫn ánh bạc là đám rước

Những chiếc cần câu vút cong những chớp mắt vàng
Dáng cá lượn giữa không trung dáng một người vượt cạn
Mong vệt sáng kia kịp về nơi ngơi nghỉ
Nét cười nửa miệng
Chữ nghĩa bơ phờ
Mong người mình yêu đừng yêu ai nữa

Thương anh mây xuống thành mưa
Nhập vào khuôn mặt cơn giông cuối mùa

---------------

P/s: Cá nhân em các bác thích bài sau hơn - trong lúc này:


Thật xa xôi

Mây đêm mây đêm kỳ dị
Bay chập chờn dưới những tầng sao
Người đi bộ nhìn cây không ngả mũ chào
Người ngồi ghế salông hoa ngồi mãi

Mây đêm mây đêm mặc áo dài
Nhạc ngựa thoang thoảng
Hương thơm từ trời
Gã đàn ông ba mươi tuổi là ta xa người yêu khó ngủ
Ngoài cửa có chiếc quạt nan cũ
Quạt mãi về ngọn gió xanh mơ

Đây những hàng rào dang dở
Lắng nghe lời bí mật tròn vành
Tóc xưa giờ đã lạnh
Với nỗi buồn tình yêu thuỷ tinh

Đây sóng thần chờ anh nơi góc bàn mênh mông thanh tĩnh
Chạy đi trốn mau đi con thạch sùng kia không anh nổi giận
Ngự trong bức ảnh màu nâu
Tuổi thanh xuân của mẹ
Thật xa xôi những lời ru

Và biển khuya mất ngủ
Vỗ ì ầm ì ầm bên gối
Mây đêm bay bay về chân trời
Chân trời run rẩy sáng...

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2009

Nhân trường hợp bạn gối bông


(Ảnh từ đây)

Bây giờ đang sang ngày thứ 2 của vụ viêm mũi dị ứng với thời tiết. Cũng biết là có nhiều cách chia sẻ với đồng bào bị bão lũ nhưng mà cái cách quan tâm đến cả bạn bè quốc tế ở ngoài mấy nghìn cây số của mình thì...thật là :(

Nằm bẹp một chỗ nên đọc xong cuốn về Einstein của Nguyễn Xuân Sanh và đang đọc dở cuốn Đại Sử (Từ vụ nổ lớn đến hiện tại) của Cynthia Stokes Brown (Phan Triều Anh dịch). Cả 2 xét ra về chủ đề là có liên quan đến nhau: cuốn về Einstein thì nói chuyện quá khứ nhưng vấn đề thì lại là tương lai của một lý thuyết lớn, về tất cả, về mãi sau. Trong lúc đó cuốn Đại sử thì có tham vọng dò lại toàn bộ lịch sử cho tới khởi thuỷ. Tôi thích cái vụ so sánh cơ thể con người với trái đất: vẫn còn khóc ra nước mặn/à từ biển lên, 65% là nước/cùng tỷ lệ với vỏ trái đất, 9 tháng ngụp lặn/vết tượng hình tiến hoá của toàn bộ sự sống, và hàng tỷ vi khuẩn chung sống trên da mỗi người. Hoá ra vụ hắt xì hơi vì bão ngoài xa hàng nghìn cây số này có liên quan đến hoạt động của viền vỏ não - không phải mấy anh viêm mũi dị ứng nhạy cảm hơn người thường mà là người thường nhanh nhẹn hơn các anh :( Niềm an ủi ít ỏi là dẫu sao cũng nhận ra con người nhỏ nhoi chúng ta có mối liên hệ sâu xa với vũ trụ đến không ngờ!

Đã viết blog là mong có comment nên xin các bạn các bác có ghé qua nhớ lưu tâm thả vài dòng ngay khi có thể. Em biết nhiều lúc cũng khó còm nhưng chẳng lẽ lại không còm bao giờ (cứ đọc không của người ta thế à :((

Nằm không nên nghĩ đến việc viết về 2 chủ đề nhưng chưa biết viết cái nào trước, các bác ghé qua xin cho ý kiến chỉ đạo, cũng là động viên tinh thần người ốm 1 tý.

Một là tính viết về chủ đề "Hoa văn trên gối ôm của bác Gxx hay là nhân câu hỏi e ấp của bạn NL về những giấc mộng có liên quan đến vật chất".

Hai là nhân phong trào viết thư các thể loại, mình ngồi viết một cái thư cho hậu thế khoảng 200 năm sau. Tạm nghĩ anh này là giai, cũng đang tuổi 30 vật vã gì đó. Tại vì vừa đọc mấy cuốn sách xuyên không gian thời gian, lại đọc tin nước biển dâng mấy mét sau 1, 2 thế kỷ mà thành ra hoài vọng nao nao.

Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả

Niệm thiên địa chi du du

Độc thương nhiên nhi lệ hạ

Haizz, không biết chút chít của mình nó sẽ nằm ôm láp tốp bên Lào hay lại lóp ngóp đánh dậm ngoài sông đây???

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2009

Ghi chép. Những giấc mơ đã mơ. Bảy. Bình 2 (ghi chép 1).


1.
Câu chuyện giấc mơ đã đến hồi vãn và ý nghĩa đích thực của những giấc mơ sẽ mãi mãi là câu chuyện "một mình mình biết một mình mình hay" mà thôi. Tôi chỉ muốn ghi lại chúng như là những biên bản của một vài năm tháng đã qua. Có nhiều thứ nhất thời có lúc ta muốn xoá bỏ đi, nhưng thực ra nên để đó và đi tiếp. Thời gian sẽ bình ổn, và đôi khi chính những thứ lủng củng linh tinh của quá khứ sẽ giúp ta đỡ ảo tưởng hơn, nhận thức đúng thực tại hơn. Để kết thúc loạt ghi chép này sẽ là vài dòng về giấc mơ đã dùng để khởi đầu. (Tôi vốn định trích 1, 2 giấc mơ của vài người bạn trên diễn đàn đã phân tích nhưng đó là ngữ cảnh một hội thoại khác, giờ nghĩ lại nên không muốn đưa ra nữa)

Rất ngạc nhiên là khi nối kết các ký ức lại tôi nhận thấy tâm trí đã lựa chọn nhiều biểu tượng rất hay. Hình ảnh cụ già chính là do ảnh hưởng của một bài báo đã đọc lúc trong ngày mà Châu Giang (hoạ sỹ) có nói về sự chín muồi của tuổi già trong những bức ảnh chụp các cụ già ở Hội An. Bộ 3 chính là tượng trưng của Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) mà lúc đó đang nằm trong tâm trí tôi từ câu chuyện trước đó trên Hương Sơn. Trong Tam bảo ta chỉ có thể biết chắc được Tăng, do vậy chỉ có 1 người đứng ra nói chuyện với tôi. Và cũng chỉ là người hướng dẫn và tôi phải tự giải quyết vấn đề của mình (lũ rắn và thỏ tượng trưng cho nhân quả chằng chịt - công án "bất lạc nhân quả và bất mị nhân quả"). Nhưng triết lý sống không phải là 1 trò chơi chữ nên giấc mơ không thể làm được điều thần kỳ và thường cái kết thúc cũng chính là cái đã khởi đầu mọi sự.

2.
(trích. nốt)

Ta thử so sánh giữa những gì hình ảnh và nhịp điệu cảm xúc đã thể hiện trong giấc mơ này với những gì được ý thức đến trong lúc tỉnh thức tại cùng một khoảng giai đoạn thời gian của người mơ.


"Những thúc đẩy nội tâm tạo ra một trạng thái mơ hồ - điều này làm tôi thực sự vừa lo sợ vừa ưa thích nó. Chẳng lẽ lại là thứ trạng thái rẻ tiền mà người ta vẫn gọi là “thú thương đau” đó sao. Và mặc dù nó được ngụy trang bằng hình thức gì, đắp điếm bằng ngôn từ hay triết thuyết hoặc tôn giáo nửa vời thì cái sự thực hiển nhiên vẫn là một tâm hồn tha hóa – sự yếu hèn của ý chí đi cùng sự thiển cận của lý trí. Tất cả điều đó phải chăng là biểu hiện của tính vị kỷ hẹp hòi? Vậy phải đặt vấn đề và giải quyết như thế nào đây?

- Thứ nhất, sớm hay muộn thì trong mọi nẻo của cuộc sống đều cũng phải đụng tới câu hỏi về ý nghĩa của đời người. Nếu không thực sự trả lời được thì suốt cuộc đời sẽ chỉ là sự dằn vặt và ám ảnh bởi sự hèn nhát. Sẽ không bao giờ tôi có thể coi như chưa từng có câu hỏi này. Nói cách khác thì không thể chấp nhận ý nghĩ thỏa hiệp nửa vời được. Mặc dù vấn đề là riêng tư nhưng nó đã là một vấn đề của ngàn đời nay rồi. Người ta chỉ sống một lần duy nhất trong sự vô cùng tận của không gian và thời gian. Những bản năng, những nhu cầu mà tự nhiên và xã hội tạo ra cho bản thân đã trở thành ràng buộc – như tơ rối vậy. Tôi vùng vẫy tuyệt vọng trong đó. Người ta nói nhiều tới giản dị - họ đánh đồng sự an phận với giản dị. Khốn kiếp! Tôi nguyền rủa thái độ đó. Họ thương hại nhìn tôi như nhìn một thực thể quái đản lầm lỡ. Tôi không tìm cách biện bác vì tôi cũng không thương gì cái bản thân đó. Vả lại tôi không cho mình cái quyền cười nhạo kẻ khác khi bản thân mình tồi tệ. Nếu anh hạnh phúc thì anh phải tôn trọng hạnh phúc của người khác và cảm thông với kẻ bất hạnh; nếu anh bất hạnh lí gì anh ghen tức hạnh phúc của người khác và không chia sẻ với kẻ đồng cảnh? Nhưng khi anh phải lựa chọn giữa quyền lợi và thua thiệt thì sao? Khi tôi chưa biết nơi nao là con đường phải đi mà tôi lại phải lựa chọn – lựa chọn khi hạnh phúc và quyền lợi (thứ quyền lợi được gán ghép bởi cái Tôi tự ngã đã và đang có trong mỗi bản thân) được đánh đồng một cách mù quáng. Làm gì có thứ hạnh phúc được xây dựng trên bất hạnh của kẻ khác? Nhưng nói như thế có khác gì mặc cả bằng chữ nghĩa đâu. Không hiểu ý nghĩa sống thì làm sao biết hạnh phúc là gì mà lựa chọn mà nói luận lí đây? Tôi biết rằng tôi muốn sống ngay trong cuộc đời này, với tất cả những gì tôi có – nếu như tôi hiểu ý nghĩa cuộc sống đích thực, thì đó chính là giản dị. Bằng không, đó là nhợt nhạt và hèn mọn. Bằng những kinh nghiệm tinh thần của bản thân, tôi bắt đầu nghi ngờ tri thức và những giá trị xã hội – khi mà trước kia tôi ra công để biết và hiểu nó, tôi luôn cảm thấy nuối tiếc điều này đồng thời tự chế giễu nó. Nghĩa là tôi đang phân vân và phải lựa chọn. Một đàng là con đường mà hầu hết mọi người đều đã chấp nhận, một đàng là những điều tôi chưa thấy rõ hẳn. Tôi biết khi nói như thế là tôi đang mắc phải tình trạng thụ động trông chờ một điều bên ngoài mình, một sự mong đợi siêu hình giải quyết hộ mình. Ông tăng hỏi Mục Châu: Làm sao khỏi mặc áo ăn cơm? – Mặc áo ăn cơm! Tôi cảm nhận dễ dàng hơn là giải thích thoại đầu Thiền này. Nhưng tôi chưa thóat, nghĩa là tôi vẫn chẳng hiểu quái gì cả. Nghĩa là cái biết chưa thành cái thấy – cái biết vẫn chỉ là một thứ trang sức mà thôi.

Thứ hai, là bằng cách nào tôi sẽ đi con đường phải đi này đây? Sự mềm yếu trong sâu thẳm đòi hỏi một người dẫn đường hay chí ít là một bạn đường; nhưng phải chăng đó là mầm mống vi tế của thái độ trông mong vào thế lực bên ngoài mình – cũng là phút căn bản nguyên thủy khiến kẻ đi đường mãi mãi lầm lỡ? Rồi nữa, mấy tháng vừa qua, chỉ là thử chầu rìa cuộc sống mà tôi định ẩn dật trong đó đã khiến tôi vỡ lẽ ra rằng tôi sẽ chẳng bao giờ có được khoảng lặng lí thuyết để mà giải quyết sứ mạng của chính mình. Cuộc sống chồng lớp những ràng buộc, nó vận động không ngừng và vô thường hằng; nếu không nắm bắt được là vì thế đối đãi chứ không vì tự thân nó thiếu điều gì cả. Nhưng tôi phải đặt toàn thể năng lực tinh thần của bản thân vào đâu? Tôi cần hành trang gì cho chuyến đi này? Tôi phân vân giữa lí trí và ý chí. Khi tôi có ý định đặt ý chí vào một chỗ nào đó thì lí trí lại cản trở bằng sự lưỡng lự phân vân; và hai thứ đó không còn là một thể thống nhất nữa. Nói cách khác chính là tôi đã đánh mất niềm tin. Triết học có những tiên đề tiên nghiệm và tôn giáo có những tín điều; tôi không máy móc phân biệt hay mặc cảm thành kiến gì về các khái niệm này mà chính là tôi thiên về thực chứng hơn là sa vào trùng vi của ngôn ngữ, luận thuyết. Có thể đây chính là mấu chốt của vấn đề, tôi muốn theo con đường của phương Đông đi thẳng vào con người hơn là phân chia nó thành các đối tượng riêng biệt của phương Tây. Giờ đây nếu phải thay đổi, dù là tạm thời, thì chính là thay đổi điều này: giữ cho mình không sa vào thiên kiến vô lý nào và gõ tất cả cánh cửa, dò mọi nẻo đường bằng toàn bộ năng lực sinh mạng sống của mình. Không phải tôi có lúc chưa nghĩ tới điều này mà chính là tôi thường bị sao lãng và hấp dẫn bằng cái vẻ hạnh phúc thường nhật của mọi người – Làm sao tôi không hiểu tôi đang có ý định phủ nhận cái tri thức mà chính nó giúp tôi nhận biết và tư duy đây, cho dù điều này nếu xét cho tận cùng thì không rốt ráo và cũng chỉ là vòng lặp mới của ngôn từ mà thôi. Không chừng sẽ nảy sinh lí luận luẩn quẩn về khái niệm và đối tượng phản ánh hay lời phàn nàn của tự nhiên khi bỗng một ngày cái ngôn ngữ được nuôi dưỡng và phát triển quay ra đòi quyền tạo tác thế giới...

Đến đây tôi ngờ ngợ nhận ra khiếm khuyết của mình: Tôi đã đi tới những câu hỏi, loay hoay tự tìm cho mình lời giải; những suy diễn ngây ngô đã có những lỗ hổng, tôi bổ khuyết nó bằng những mẩu nhỏ luận lý hay ý tưởng của người khác và rồi cái Tôi tự ngã luôn chờ chực sẵn để biến tạo thành những ngôn ngữ mới của nó mà không đếm xỉa đến cứu cánh. Anh ấy đã nói đúng. Tôi luôn đứng ngoài suy nghĩ của người khác và có chăng thì chỉ là đứng một chân thôi! Có một con vịt muốn cười nhạo thượng đế ở đây."


3.
Nhân bài viết nịnh vợ rất hay của bác ĐHP, em xin kính bác 1 ly bằng mấy dòng ngày trước :)

Tản mạn về rượu và say và tàn cơn say.


Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Phông văn hoá - cái còn lại từ đằng xa.

1.
Hôm trước nói chuyện phiếm với bạn có nhắc đến các nhà thơ và do vậy, dù vô tình, phải bình luận về họ. Cũng là trả nợ comment của bác GM nên muốn viết gì đó về một vài tác giả, tác phẩm đã để lại dấu ấn trong ký ức và vốn sống của tôi cũng như là để minh giải những mối liên hệ mơ hồ. Vậy sẽ có màu kể lể :P

2.
Câu thơ đầu tiên mà tôi cảm được là từ cuốn Tập đọc lớp 1 "Sáo ai như tiếng quê hương/Êm như lời mẹ yêu thương dặn dò" trong 1 lần đọc lại. Không còn nhớ chắc là ngay từ lớp 1 hay phải đến lớp 2, 3 tôi mới cảm thấy điều gì đó vấn vít lơ mơ trong tâm trí. Niềm hoài cảm còn gắn liền với cả trang giấy ngả màu có in hình minh hoạ nét màu đỏ nhạt. Cuốn sách cũ thuê của nhà trường và được bọc lại bằng giấy dầu.

Chừng đâu năm lớp 7, một người bạn hẳn thấy tôi thích đọc ba vạ nên tự cho mượn cuốn "Thơ Nguyễn Bính". Tập thơ mỏng, in giấy thường và bị mất trang bìa. Lập tức cái tâm thế tiền chiến u hoài mộng mị, tha thiết mà ngây thơ, vơ vẩn lãng đãng...đã loang thấm tâm trí tôi tuổi mới lớn ngày đó. Bây giờ nhìn lại, chính là cái tâm thế chân thành tuy kiểu cách, vẻ bạt mạng lãng đãng đã đồng điệu với giấc mộng thoát ly và khẳng định mình của tuổi vị thành niên. Những câu thơ đã nâng đỡ những hoài vọng, khích lệ tính khoát đạt và an ủi sự chân thành; rồi tuổi nhỏ đã lướt qua dịu nhẹ và thoáng đãng không ngờ.

Nhưng cũng chính từ khởi sự đó, trong những bước lấp vấp tuổi đôi mươi, lòng chân thành trở nên ngượng nghịu và những tình cảm u hoài bắt đầu nhuốm màu rời rã. Tuổi trẻ tôi thấy mình như bị vứt ra xã hội - một khung cảnh bơ thờ, lủng củng và hầu như chẳng còn gì để tha thiết. Lòng kiêu hãnh không ngăn được cảm giác gần giống như sự tủi hổ với những hoài vọng mơ hồ nhưng mãnh liệt còn đó. Nó chỉ còn vừa vặn để phung phí tinh thành cho những di chuyển hoang mang. Một lần ngẫu nhĩ trong hiệu sách nhỏ, lật giở tập thơ của Lưu Quang Vũ, thoảng qua những dòng chữ cô độc đen tối nhưng giọng thơ vẫn tha thiết đến đau đớn là một cảm giác an lòng.

Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ
Thằng bé lẻ loi giữa lớp học đông người
Bàn chân hồ nghi trên đường phố xôn xao
Vứt sách xuống gầm bàn đi ra mặt trận
Tôi là người lính cô đơn ở giữa trung đoàn
Nỗi cô đơn hoàn toàn nỗi cô đơn khủng khiếp
Trước và sau, trong và ngoài cuộc đời và trang sách.

Chính ở giọng thơ chân thành tự sự độc thoại đó mà tuổi trẻ tôi tìm thấy chốn nương tựa cho lòng tự trọng của tinh thần. Nỗi cô đơn không đến từ chỗ không ai hiểu mà đến từ tâm thế xa lạ dưng không đi trong cuộc đời. Dẫu hồ nghi tất cả thì ta vẫn còn chính ta làm chứng cứ cho một lẽ sống cần phải được thiết lập-cho chính mình.

Lần đầu đọc Bùi Giáng với tôi là cuốn "M.H và Tư tưởng hiện đại". Ngang qua sự bối rối loang lổ là một cảm hứng rộng rãi ngậm ngùi. Giống như với thơ của LQV, tôi không thuộc và không chủ ý thuộc hay nhớ được bao nhiêu tác phẩm viết lách của BG. Nhưng tôi nhớ và thấy đồng điệu với khí chất và tâm tính của những giọng thơ này. Nó có gì đó giống tâm tình bạn bầy hàn huyên hơn là cảm giác say mê hào hứng. Cũng không một mảy quyến luyến.

Tần hô tiểu ngọc nguyên vô sự
Chỉ yêu đàn lang nhận đắc thanh

"Y không biết lời nhưng nhận ra tiếng". Có lẽ là như vậy được chăng?

3.
Bỗng nhiên một lúc, tôi nhận thấy là mình nghe được và thích những giai điệu jazz. Luôn liên tưởng đến tâm thế của những người bạn tựa lưng vào nhau và tung hứng. Mỗi người một thế giới. Nhưng tất cả là một tổng thể hài hoà thanh thản. Không chờ đợi. Không tưởng tượng thiên kiến. Tâm trí gần như mặt nước hồ thản thản đãng đãng hứng những giọt âm thanh rơi rắc.

Tôi bắt đầu tìm thấy sức nặng và chiều sâu cũng như lòng thanh thản ở những bức vẽ của Điềm Phùng Thị. Trong sự tiết chế của ngôn ngữ tạo hình vẫn còn đó phong thái rộng rãi tiêu sái mà đa đoan của chất liệu. Tôi thấy tôi, thấy trăng sao thuở trước, trời đất sương bụi trong mấy hình khối giản phác đang cuộn mình trên khung hình bức hoạ "Nội tâm". Tôi thấy cả sự trở về và ra đi của tinh thần. Trong vết loang tàng đâu đó của những mảnh giấy xé gián, những vệt bột màu còn hằn xơ bút là một nỗi mang mang tịch tĩnh. Tôi thấy thế và nhớ như thế.

Nhưng tất cả cứ đi ngang qua nhau với niềm hoài vọng và thương mến. Một nỗi ngậm ngùi. Một vẻ thản nhiên. Một màu day dứt. Như gió cát lùa qua kẽ tay, như thời gian không khốc trong lòng giếng cạn, chỉ có chút tình hoài trăng gió ghi phẩm giá, còn cái khí cốt giang hồ làm vẻ phong lưu. Buồn hay vui, đến rồi đi, còn rồi mất, đời người cứ thế mà thôi, như vệt cỏ trên cánh đồng hoang, mùa xuân sang năm lại tươi tốt.

Một khi anh có sáng tác viết lách được ra cái gì đó - với anh rất có thể nó là ngẫu phát - ra với cộng đồng nó sẽ vang vọng xô dạt như là những ngẫu phát khác, sai biệt vô chừng. Sợ tơ, làn khói mỏng manh của tượng trưng phổ biến, cái vốn chung của cộng đồng 100tỷ vượn-người này nhập nhằng, nhòe nhoẹt gạch xóa đâu đó ở anh ở tôi. Có một điều an ủi: tượng trưng ngẫu phát giúp ta giải thích được vì sao đôi khi giá trị của tác phẩm lại không phụ thuộc vào tác giả của nó. Nếu không thế giới hiện thực nhân văn thật đáng buồn nản vô cùng...


Người cứ buồn thương cỏ cứ xanh.

Ghi chép. Những giấc mơ đã mơ. Sáu. Bình 1 (ghi chép 3).

(Tranh của bạn Beo)

Bắt đầu từ phần này có vài trích dẫn hoặc phân tích về các giấc mơ. Đôi khi là cả phân tích giấc mơ người khác.

1.
Những gì chúng ta đã đề cập đến có vẻ tương đối thuận lợi. Nhưng thử bất đầu trở lại với logic ban đầu: kinh nghiệm với hiện tại đem lại kinh nghiệm nội tâm, sau đó một sự kiện mới được lặp lại trong đường lối tương tự mà ta chưa nhận thức hết. Và giấc mơ dùng kinh nghiệm cũ để tái tạo - thông qua những hình ảnh kinh nghiệm cũ. Rồi, nhưng câu hỏi sẽ là: khi nào những ấn tượng sâu đậm được giải tỏa (nếu chúng xấu) và ngược lại. Hay động cơ của ký ức là gì? Cái đang xảy ra trong giấc mơ là hiện tại hay quá khứ - theo logic ngược lại - hay là cả hai cùng đồng thời tái diễn như một sự tổng hợp thậm chí là dự kiến? Và theo đường lối khép kín của logic này thì làm sao giải thích sự phong phú theo thời gian của trí tuệ (lúc thức) và nội tâm tình cảm (lúc ngủ) - vấn đề mà Freud đã tránh được bằng lý thuyết lược quy về tâm thức nguyên thủy của ông?

2.
Một giấc mơ buồn cười. Đi làm mãi rồi tự nhiên lại có chuyện vì bạn bè rủ rê mà đi thi văn ĐH. Lỡ một kỳ trong 3 kỳ mà thi vẫn đỗ, còn kịp nhẩm là điểm tb là 9 điểm. Bất chợt một cảm giác rất ngạc nhiên xuất hiện. Kỳ quái, văn chương là thứ đã cách xa mình đến mười mấy năm, lúc này mà theo học thì làm quái gì cơ chứ? Chả làm gì cả, chả liên quan gì đến cuộc sống của mình hết. Thoáng qua là ý nghĩ, đỗ rồi cứ học đi ít ra còn được ít Hán Nôm...Tỉnh dậy vẫn không hết ngạc nhiên.

Thân thể cũng chính là tượng trưng của tâm linh. Cơ thể chúng ta là biểu hiện của nội tâm. Nó tự nhiên và phổ biến. Đơn giản như khi buồn người ta sẽ khóc - không cần phải học. Nếu cứ dõi theo mãi, nhất định rồi chúng ta cũng nhận thấy, ngay cả khi tỉnh thức chúng ta vẫn phần lớn trong một cơn chiêm bao khác. Một chiêm bao thăm thẳm, miên man qua tỉnh qua mê, qua mỗi con người. Nếu tôi kể về giấc mơ là tôi mong muốn một sự đồng cảm trong sự quy hồi về bản thân mỗi người. Chả bao giờ tôi thích cái hình ảnh ông đồng bà cốt cho phép mình cái quyền phán xét về nội tâm người khác. Mỗi người đầy rẫy những tượng trưng ngẫu phát trong mình. Một khi anh có sáng tác viết lách được ra cái gì đó - với anh rất có thể nó là ngẫu phát - ra với cộng đồng nó sẽ vang vọng xô dạt như là những ngẫu phát khác, sai biệt vô chừng. Sợ tơ, làn khói mỏng manh của tượng trưng phổ biến, cái vốn chung của cộng đồng 100tỷ vượn-người này nhập nhằng, nhòe nhoẹt gạch xóa đâu đó ở anh ở tôi. Có một điều an ủi: tượng trưng ngẫu phát giúp ta giải thích được vì sao đôi khi giá trị của tác phẩm lại không phụ thuộc vào tác giả của nó. Nếu không thế giới hiện thực nhân văn thật đáng buồn nản vô cùng...

3.
Về giấc mơ trong ghi chép số 3: Đây chính là một ví dụ về cái gọi là sự tràn đầy của cảm xúc. Giấc mơ này đã phản ánh đúng những tâm tình của tôi lúc đó, hậu quả của thái độ bế tắc trước những vấn đề của xung đột chính trị, của chiến tranh mà đường lối triết lý đạo đức có sắc thái khắc kỷ tôi đang tìm hiểu chưa cho tôi thấy một đường lối ổn thỏa. Một cách tự nhiên chúng ta có những tình cảm thái độ nhất định trước một vấn đề, thậm chí ở đây là một nhu cầu giải phóng suy nghĩ bản thân. Khi chưa thỏa đáng thì có lẽ vấn đề đã bị xếp vào một chỗ, cho tới khi một nguyên cớ nào đó khơi dậy tất cả. Đây là một trong những giấc mơ có ấn tượng tình cảm xúc động mãnh liệt nhất của tôi. Nó cho thấy những gì ta cảm nhận sâu sắc luôn hiển hiện trong tâm trí ta cho dù ta không nghĩ đến chúng lúc tỉnh thức. Giấc mơ cho ta thấy cái gì là quan trọng với tâm trí ta.