1.
Hôm trước nói chuyện phiếm với bạn có nhắc đến các nhà thơ và do vậy, dù vô tình, phải bình luận về họ. Cũng là trả nợ comment của bác GM nên muốn viết gì đó về một vài tác giả, tác phẩm đã để lại dấu ấn trong ký ức và vốn sống của tôi cũng như là để minh giải những mối liên hệ mơ hồ. Vậy sẽ có màu kể lể :P
2.
Câu thơ đầu tiên mà tôi cảm được là từ cuốn Tập đọc lớp 1 "Sáo ai như tiếng quê hương/Êm như lời mẹ yêu thương dặn dò" trong 1 lần đọc lại. Không còn nhớ chắc là ngay từ lớp 1 hay phải đến lớp 2, 3 tôi mới cảm thấy điều gì đó vấn vít lơ mơ trong tâm trí. Niềm hoài cảm còn gắn liền với cả trang giấy ngả màu có in hình minh hoạ nét màu đỏ nhạt. Cuốn sách cũ thuê của nhà trường và được bọc lại bằng giấy dầu.
Chừng đâu năm lớp 7, một người bạn hẳn thấy tôi thích đọc ba vạ nên tự cho mượn cuốn "Thơ Nguyễn Bính". Tập thơ mỏng, in giấy thường và bị mất trang bìa. Lập tức cái tâm thế tiền chiến u hoài mộng mị, tha thiết mà ngây thơ, vơ vẩn lãng đãng...đã loang thấm tâm trí tôi tuổi mới lớn ngày đó. Bây giờ nhìn lại, chính là cái tâm thế chân thành tuy kiểu cách, vẻ bạt mạng lãng đãng đã đồng điệu với giấc mộng thoát ly và khẳng định mình của tuổi vị thành niên. Những câu thơ đã nâng đỡ những hoài vọng, khích lệ tính khoát đạt và an ủi sự chân thành; rồi tuổi nhỏ đã lướt qua dịu nhẹ và thoáng đãng không ngờ.
Nhưng cũng chính từ khởi sự đó, trong những bước lấp vấp tuổi đôi mươi, lòng chân thành trở nên ngượng nghịu và những tình cảm u hoài bắt đầu nhuốm màu rời rã. Tuổi trẻ tôi thấy mình như bị vứt ra xã hội - một khung cảnh bơ thờ, lủng củng và hầu như chẳng còn gì để tha thiết. Lòng kiêu hãnh không ngăn được cảm giác gần giống như sự tủi hổ với những hoài vọng mơ hồ nhưng mãnh liệt còn đó. Nó chỉ còn vừa vặn để phung phí tinh thành cho những di chuyển hoang mang. Một lần ngẫu nhĩ trong hiệu sách nhỏ, lật giở tập thơ của Lưu Quang Vũ, thoảng qua những dòng chữ cô độc đen tối nhưng giọng thơ vẫn tha thiết đến đau đớn là một cảm giác an lòng.
Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ
Thằng bé lẻ loi giữa lớp học đông người
Bàn chân hồ nghi trên đường phố xôn xao
Vứt sách xuống gầm bàn đi ra mặt trận
Tôi là người lính cô đơn ở giữa trung đoàn
Nỗi cô đơn hoàn toàn nỗi cô đơn khủng khiếp
Trước và sau, trong và ngoài cuộc đời và trang sách.
Chính ở giọng thơ chân thành tự sự độc thoại đó mà tuổi trẻ tôi tìm thấy chốn nương tựa cho lòng tự trọng của tinh thần. Nỗi cô đơn không đến từ chỗ không ai hiểu mà đến từ tâm thế xa lạ dưng không đi trong cuộc đời. Dẫu hồ nghi tất cả thì ta vẫn còn chính ta làm chứng cứ cho một lẽ sống cần phải được thiết lập-cho chính mình.
Lần đầu đọc Bùi Giáng với tôi là cuốn "M.H và Tư tưởng hiện đại". Ngang qua sự bối rối loang lổ là một cảm hứng rộng rãi ngậm ngùi. Giống như với thơ của LQV, tôi không thuộc và không chủ ý thuộc hay nhớ được bao nhiêu tác phẩm viết lách của BG. Nhưng tôi nhớ và thấy đồng điệu với khí chất và tâm tính của những giọng thơ này. Nó có gì đó giống tâm tình bạn bầy hàn huyên hơn là cảm giác say mê hào hứng. Cũng không một mảy quyến luyến.
Tần hô tiểu ngọc nguyên vô sự
Chỉ yêu đàn lang nhận đắc thanh
"Y không biết lời nhưng nhận ra tiếng". Có lẽ là như vậy được chăng?
3.
Bỗng nhiên một lúc, tôi nhận thấy là mình nghe được và thích những giai điệu jazz. Luôn liên tưởng đến tâm thế của những người bạn tựa lưng vào nhau và tung hứng. Mỗi người một thế giới. Nhưng tất cả là một tổng thể hài hoà thanh thản. Không chờ đợi. Không tưởng tượng thiên kiến. Tâm trí gần như mặt nước hồ thản thản đãng đãng hứng những giọt âm thanh rơi rắc.
Tôi bắt đầu tìm thấy sức nặng và chiều sâu cũng như lòng thanh thản ở những bức vẽ của Điềm Phùng Thị. Trong sự tiết chế của ngôn ngữ tạo hình vẫn còn đó phong thái rộng rãi tiêu sái mà đa đoan của chất liệu. Tôi thấy tôi, thấy trăng sao thuở trước, trời đất sương bụi trong mấy hình khối giản phác đang cuộn mình trên khung hình bức hoạ "Nội tâm". Tôi thấy cả sự trở về và ra đi của tinh thần. Trong vết loang tàng đâu đó của những mảnh giấy xé gián, những vệt bột màu còn hằn xơ bút là một nỗi mang mang tịch tĩnh. Tôi thấy thế và nhớ như thế.
Nhưng tất cả cứ đi ngang qua nhau với niềm hoài vọng và thương mến. Một nỗi ngậm ngùi. Một vẻ thản nhiên. Một màu day dứt. Như gió cát lùa qua kẽ tay, như thời gian không khốc trong lòng giếng cạn, chỉ có chút tình hoài trăng gió ghi phẩm giá, còn cái khí cốt giang hồ làm vẻ phong lưu. Buồn hay vui, đến rồi đi, còn rồi mất, đời người cứ thế mà thôi, như vệt cỏ trên cánh đồng hoang, mùa xuân sang năm lại tươi tốt.
Một khi anh có sáng tác viết lách được ra cái gì đó - với anh rất có thể nó là ngẫu phát - ra với cộng đồng nó sẽ vang vọng xô dạt như là những ngẫu phát khác, sai biệt vô chừng. Sợ tơ, làn khói mỏng manh của tượng trưng phổ biến, cái vốn chung của cộng đồng 100tỷ vượn-người này nhập nhằng, nhòe nhoẹt gạch xóa đâu đó ở anh ở tôi. Có một điều an ủi: tượng trưng ngẫu phát giúp ta giải thích được vì sao đôi khi giá trị của tác phẩm lại không phụ thuộc vào tác giả của nó. Nếu không thế giới hiện thực nhân văn thật đáng buồn nản vô cùng...
Người cứ buồn thương cỏ cứ xanh.
Chiến lược cân bằng của Việt Nam và triển vọng hợp tác Việt – Trung – Phần I
-
Việt Nam coi Trung Quốc và Mỹ là 2 mục tiêu ưu tiên lớn trong chiến lược
đối ngoại của mình. Cùng với việc Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, Việt Nam cho
rằng T...
10 giờ trước
6 nhận xét:
Bác may mắn nhỉ. Tuổi cấp 1 của em chỉ có thơ Trần Đăng Khoa, Tố Hữu và Giang Nam:) Lên cấp 3 mới đọc được Thi nhân Việt Nam và các nhà tiền chiến khác. Bùi Giáng và LQV mãi ra tốt nghiệp đại học mới đọc được. Thời cấp 3 nhà thơ để lại nhiều dấu ấn trong em nhất là Huy Cận. Em thích những cảm xúc tinh tế mà cô đọng trong thơ ông.
Đúng là em có một cái may mắn: tất cả những tác giả đã nhắc ở blog này hầu hết em đều đọc tác phẩm của họ một cách tình cờ rất lâu trước khi biết, nghe thiên hạ nói họ là ai, khủng cỡ nào.
Em từng lục được cuốn Buồn nôn trong đống truyện chưởng :D
Đọc hay lắm. Đôi chỗ giống như viết về mình. Mình chỉ lăn tăn cái "phông văn hóa", có nên gọi là phông "nghệ thuật, "phông thi ca" hay "phông cảm xúc" gì đấy cho nó nhẹ nhàng hơn chăng. Thân
Thanks bác. Em quan niệm chữ văn hoá rất nhẹ nhàng (cách thái ứng xử với đời, với xung-quanh) :) Vả lại cũng có chút chơi chữ với từ "fond" cùng "cái còn lại" và thế "từ đằng xa" - một tiếng vọng.
"Như gió cát lùa qua kẽ tay, như thời gian không khốc trong lòng giếng cạn, chỉ có chút tình hoài trăng gió ghi phẩm giá, còn cái khí cốt giang hồ làm vẻ phong lưu. Buồn hay vui, đến rồi đi, còn rồi mất, đời người cứ thế mà thôi, như vệt cỏ trên cánh đồng hoang, mùa xuân sang năm lại tươi tốt."
thích cái khu này nên trích lại và gởi, :D
@CCM: ý thì là của mình chứ tứ thì còn phải ngả mũ chào 3-4 người lận :P
Đăng nhận xét