Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

Dạo khúc 27 - Nguyễn Quang Tấn

Ở chỗ mà chúng ta buông tay rơi vỡ chiếc bình
Long lanh giọt nước tình duyên
...Nơi đó sau này thành sông thành biển
Ai đã chèo thuyền vào cõi vô biên.

Ở chỗ mà hương thơm của làn hơi thở
Làm nở bừng tất cả những bông hoa
Chiều nay là mây viễn xứ
Một mai là gió giang hà.

Ở chỗ mà chiếc chìa khóa vàng
Rơi từ đỉnh tháp xuống mù tăm
Tôi một mình cúi xuống
Từ vực sâu lời gọi âm thầm.

Ở chỗ mà chúng ta buông tay rơi vỡ chiếc bình
Long lanh giọt nước tình duyên
Nơi này thành sông thành biển ...

Nơi này anh đã yêu em.


---------------
Lang thang facebook nhặt từ blog bạn Khương Hà.

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

Nửa bài "Bán bán ca" của Lý Mật Am (Nguyễn Hiến Lê dịch)

...

Tôi đã thấy già nửa kiếp phù sinh này rồi

Chữ "nửa" đó có công dụng vô biên

Có hưởng nửa tuổi trời rồi mới cảm được hết cái vui nhàn nhã

Có vườn tược ở nửa đường lên núi, nửa đường xuống sông

Nửa đọc sách, nửa làm ruộng, nửa buôn bán

Nửa là kẻ sỹ nửa bình dân

Đồ dùng nửa nhã nửa thô

Nhà nửa đẹp nửa xấu

Quần áo nửa mới nửa cũ

Thức ăn nửa phong nửa kiệm

Vợ nửa chất phác nửa khôn lanh

Tên tuổi nửa vinh hiển nửa tối tăm

Uống rượu nửa say mới ngon

Ngắm hoa bán khai mới đẹp

Thuyền giương nửa buồm mới khỏi lật

Cuộc đời trăm năm nửa vui nửa khổ

Thì hưởng một nửa là thích đáng hơn cả...
...


Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Không buồn không vui, sống lui cui

Tối qua nhảm trên facebook. Gặp chị HY nên đâm ra chuyển sang chủ đề viết có vần :P Lúc đầu làm theo kiểu Yết hậu, nó ra thế này:

Không buồn không vui
Sống cứ lui cui
Tiến tiến lui lui
Cùi!

Lúc viết từ "lui cui" là viết tràn, còn tưởng mình bịa ra nữa. Nhưng check lại thì đúng là lúi húi lui cui thật. Xong mình cứ tới tới lui lui đến lúc đi ngủ, ngủ gần say thì trong mơ nghĩ ra bài này:

Không buồn không vui
Lúi húi lui cui
Sống xong thì chết
Hết sạch như chùi.


Kết thế này mới cứng cáp sạch sẽ chứ các bác nhẩy.

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Những mũi kim khâu

Tôi thường hay đi công tác xa theo kiểu tận dụng, tức là cả đi và về sẽ thường vào buổi tối, đôi khi là sáng sớm. Cảm giác đi xuyên qua thành phố buổi đêm là một cảm giác rất cá biệt. Cảm giác rất rõ giới hạn của thành phố. Cảm giác rất rõ một thành phố mình vừa đi qua. Mình như thấy hiểu hơn về nơi thực ra mình chỉ vừa mới rời đi.

Do công việc, hai năm trở lại đây tôi thường đi Sài Gòn hằng tháng. Nhưng chưa thể coi là đã đến thành phố này bất kể những ảnh hưởng của sách SG đã cho tôi cả một ký ức ảo. Tôi thích đến một nơi khác bằng điệu bộ la cà trong những ngày tháng vô tích sự chứ không phải kiểu tất bật tranh thủ đo đếm nơi này chốn nọ để cho có chuyện kể. Trong tâm thế khách lạ, ta vẫn có thể nói đôi điều gì đó rất chi là chủ quan về thành phố: cảm giác mọi thứ đều chuyển động, đều cố gắng, nhưng ít bận tâm.

Chưa kịp nhận ra thì đã rời đi. Trong khi rời đi lại nhận ra một điều gì đó. Tự nhiên thích nghĩ đến hình ảnh so sánh của Nguyễn Bình Phương trong Trí Nhớ Suy Tàn: đoàn tàu chạy qua khỏi thành phố như những mũi kim khâu đi khâu lại những mảnh không gian.

Nếu đi đủ thường xuyên sẽ nhận ra bầu trời của những chuyến bay giữa SG-HN hóa ra chật hẹp rất buồn cười: chừng đó con người, đại khái chừng đó câu chuyện. Nếu những chuyến tàu là những mũi kim khâu thì có lẽ những chuyến bay chỉ vừa đủ giống như những vệt hồ dán để dán những thành phố ý niệm của mỗi chúng ta.

Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

Tra từ điển

Từ lâu đã phát hiện ra việc có từ điển Tiếng Việt là một việc hay ho. Thỉnh thoảng có thể tra một từ để bắt đầu một suy nghĩ. Ví dụ như mãi hôm qua mới phát hiện ra từ "ghét" nó là cảm giác khó chịu khi thấy mặt đối tượng và thường thấy hài lòng khi đối tượng gặp điều không hay! Èo, nên hạn chế dùng từ này nếu nó lại nhỏ nhen thế.

Hoặc như mục từ "bạn" có cái ý hay là bạn thì coi nhau ngang hàng và có quan hệ. Lại tra "quan hệ" thì ra cái ý là có mối liên hệ, kiểu cùng bị tác động...Haizz, mai về quê họp lớp cấp 3, các bạn giai thì mình vẫn giữ được mối quan hệ bằng bia và rượu cùng chém gió; chứ các bạn nữ thì đã lâu rồi không quan hệ gì. Giờ làm sao giữ được tình bạn đây ta?

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

Tri kỷ. Tri âm.

1.
Trẻ kể bạn bây giờ hết buổi đi làm, ăn tối xong thì về phòng đọc sách. Thỉnh thoảng có ra ngoài thì cũng chỉ dẫn cháu đi chơi. Làm mình không khỏi nghĩ đến cái câu gì mà ngày xưa chị bán sách có in kèm trên danh thiếp cửa hàng. Đại khái là đọc sách có liên quan đến khí chất.

Thật là khí chất cũng thay đổi dần ư?

2.
Người xưa có câu "Tri âm dễ kiếm, tri kỷ khó tìm". Tôi thấy không hẳn vậy. Dễ hay khó là do cách định nghĩa.

Tri kỷ, nếu hiểu là người biết mình theo kiểu mình nghĩ gì, muốn gì, sẽ nói gì, làm gì...trong từng tình huống hằng ngày thì thực ra cũng không phải là hiếm. Bố mẹ, anh chị em thường thì cũng biết. Bạn bè học với nhau từ bé lâu ngày cũng thường là biết. Vợ chồng cả yêu cả cưới mà cứ tầm gần chục năm thì đến hắt hơi cũng có thể đoán trước được.

Tri âm thì là do tích Bá Nha-Tử Kỳ. Thường được hiểu theo lối giao tình đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu (trong một bộ môn nghệ thuật nào đó). Nghệ thuật là bộ môn của đào luyện và trải nghiệm. Có được người chia sẻ từ trong trải nghiệm và tâm tình thì bảo sao không quý. Tức là có thể không cần biết nhau chân tơ kẽ tóc hốc mũi, chỉ cần tương hợp ở một tiếng đàn, một câu vọng cổ...là có thể lập giao tình, bày chiếu nhậu được rồi.

Nhưng đã dẫn tích mà không xét đến bối cảnh của cách hành văn cổ thì e là oan cho 2 chữ tri kỷ. Kiểu như bây giờ tra trong Sử Ký thể nào chẳng có những câu "Y thực biết ta". Tri kỷ không chỉ là nghĩa đen, tuy không có một điển tích nào cụ thể nhưng hàm ý của nó trong văn xưa là rất rộng, cơ hồ bao hàm cả tri âm. Ở đây chỉ là giả vờ biện bác để làm mới câu chữ một phen. Trí Bá biết Dự Nhượng, Khánh Kỵ biết Yêu Ly: biết như vậy còn khốc liệt hơn vạn lần cái biết tri âm ấy chứ!


Từ chỗ nhìn của tôi thì tự biết mình là một vấn đề hầu như từ vạn cổ đã là không thể nào minh định nổi: tự biết mình cũng như kiến tính thành Phật. Chư Tổ mà hỏi cái bản lai diện mục của mình thì nhân gian nói trúng thế quái nào được. Biết mình đã bấp bênh đến vậy thì mỗi lần nhận một ai đó "biết ta" chỉ e rằng đó lại là đạo cao một thước ma cao một trượng mà thôi. Tri kỷ rốt cục là một đôi ngạ quỷ thất thểu dưới chân cầu Nại Hà vạn năm.

Chữ "Chí"  có chữ Tâm và chữ Sĩ: nơi để tâm vào đấy gọi là chí. Sĩ là người có học, có nghiên cứu học vấn hoặc là có tư cách như người có học. Vậy phải coi cái nơi để tâm ấy là của cái tâm đã đào luyện và trải nghiệm theo một chiều hướng xác định từ lâu - một đạo lý, một con đường. Đạo chính là dưới bước chân ta.

Tư Mã Thiên khi chép về Khổng Tử có dẫn Kinh Thi (*):

Núi cao ta trông, đường rộng ta đi.
Tuy chưa đến đích, nhưng lòng hướng về.

Hai câu này thực ra chính là ý bàn của Khổng Tử trong Kinh Thi. "Đích" thực ra không tách khỏi mối tương liên "lòng hướng về" - tức là nơi kẻ sĩ để tâm. Quy trở lại một lần nữa với "tri âm", nếu nhìn từ góc độ này thì tâm thế của tri âm không đơn thuần chỉ là chuyện "úy, bản này em cũng thik, thường nghe suốt..." mà là cách tâm chí mượn chỗ, phương tiện mà tương ngộ.

Nguy nguy hồ, chí tại cao sơn
Dương dương hồ, chí tại lưu thủy

Bá Nha kia chắc cũng chỉ biết kể lại đến thế thôi. Nhưng hẳn bọn người đời bàn loạn quá nên tức đập đàn cho hết chuyện. Chứ kẻ sĩ coi chết như về, miễn nghe được đạo, lẽ đâu chỉ vì mất ông bạn rượu mà phụ cây đàn, coi đời thế là xong? Ông Bá Nha phải biết lời Thầy Khổng.

Núi cao ta trông, đường rộng ta đi.
Tuy chưa đến đích, nhưng lòng hướng về.


Cái "Lý đương nhiên" nó phải vậy. Ông Tô Đông Pha bảo thế.

-----------------------
(*)- Nhờ bác Đông A mà tôi biết. Nhưng xin bổ sung cái ý câu sau chính là lời bàn của Khổng Tử trong Kinh Thi chứ không phải lời của Tư Mã Thiên.
-----------------------