Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Dấu hiệu, biểu trưng và thần thoại.

Một cuốn trong bộ sách rất hay của Pháp đã dịch ở VN. Giới thiệu mọi người chương cuối.
-----------------------------------------------

Que sais _ je?
Luc Benoist
Signes, symboles et mythes.
Dấu hiệu, biểu trưng và thần thoại.

(Kết luận)
Cách Tư Duy Thủ Công.

Khoa học bắt nguồn từ phương pháp loại suy, tức là đưa vào thiên nhiên những mối quan hệ trong lao động của con người.
(S.Wei).



Bằng kinh nghiệm, chúng ta biết rằng ý nghĩ và tình cảm của con người chỉ có thể được truyền trực tiếp và bằng trực giác trong những hoàn cảnh đặc biệt. Thông thường chúng ta bị buộc phải vay mượn các phương thức diễn đạt mà chúng ta đã phân tích nhiều trong cuốn sách này, và nếu như chúng ta tìm cách rút gọn các phương thức biểu trưng thành một yếu tố, chúng sẽ trở thành một tổ hợp các cử chỉ. Nhưng các phương thức và cử chỉ ấy lại thường trái ngược nhau.


Trên thực tế, người ta thường nghe thấy có hai kiểu người đối lập nhau: con người của hành động là những người làm việc chân tay, họ ôm lấy chất liệu vô sinh hay chất sống, cải tạo hay biến đổi nó, và con người của lời nói là những người biến lời nói thành công việc của mình và chỉ đạo người khác, sống bằng từ ngữ và biểu trưng. Bài nghiên cứu của chúng tôi muốn chứng minh rằng hiện tượng lưỡng phân này mang tính giả tạo. Mọi suy nghĩ đều mang tính thủ công chẳng khác gì bàn tay. Chỉ riêng tay là hoạt động trước vật thụ động. Các nhà điêu khắc tạc tượng đá cho nhà thờ không hề “suy nghĩ” kém sâu sắc hơn những nhà logic học kinh viện. Đó là những hình thức khác nhau của cùng một công việc phải hoàn thành. Bởi vì mọi cách thể hiện đều chỉ ở bên ngoài, ngay cả khi cách thể hiện đó có tham vọng cho thấy cốt lõi bên trong. Siêu hình học trừu tượng nhất cũng được rút gọn lại trong môn hình học ẩn nhằm cụ thể hóa tư duy, hay đúng hơn là thích ứng với tư duy không gian từ khi nó xuất hiện.


Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn phương tiện với mục đích. Khi Decscartes rút gọn thế giới lại thành một tổ hợp các vận động trong không gian bằng phương pháp loại suy, và muốn đồng nhất hóa mọi hiện tượng với cái chỉ là biểu trưng của nó, sai lầm mà trong tôn giáo gọi là sự tôn sùng, thì cách thể hiện thực tế bằng đại số mà ông đưa ra chỉ là cách ghi mới và tiện lợi hơn, cũng như những nhà trọ mà ở đó khách nghỉ chỉ có thể dùng những gì anh ta mang theo, cũng ít thông tin như những bức chân dung người máy nơi mọi người đều nhận ra những nét của mình.


Biểu tượng tạo nên một ảo ảnh giữa sự vật và ý nghĩ, giống như người phụ trách phục trang trên sân khấu khóac cho ý nghĩ mới nhất của chúng ta bộ quần áo cũ của các chú hề, sau khi đã sửa chữa theo yêu cầu của các nhân vật mà chúng thể hiện. Thực tế ẩn dưới bộ quần áo giả trang đó là không diễn đạt được. Giữa thuyết duy danh dựa vào kinh nghiệm theo đó chỉ có từ ngữ, tức là phục trang giống với sự vật, và chủ nghĩa hiện thực của Platon dựa trên mật độ không thay đổi của bản chất, biểu tượng đóng vai trò cầu nối làm sống động mọi hình thức bề ngoài, giống như diễn xuất của diễn viên biến lời thoại của họ thành cảm xúc, thành những cảnh đời xúc động.


Sự biến hóa này diễn ra trên tất cả các bình diện. Eldington đã nói:”Cái mà người ta gọi là sự việc chính là cách diễn giải một quan sát...Vật lý học không nghiên cứu tính chất không thể dò xét được của vật chất, mà chỉ nghiên cứu những gì máy móc ghi nhận được, ghi nhận này lại không liên quan đến tính chất ấy như liên hệ giữa một số điện thoại và người chủ thuê bao.” Theo Hilbert, khẳng định này có thể áp dụng vào tóan học, vì trong đại số, bản chất riêng của các sinh vật không được tính đến. Chỉ quan hệ giữa chúng mới đóng vai trò quan trọng, tức là cái mà logic hình học topo xét đến.


Chúng ta làm biến dạng hiện tượng khi truyền đạt nó và khi muốn thể hiện nó. Chúng ta không thể khách quan mà không từ bỏ ý kiến của chính mình và chúng ta chỉ giữ lại từ sự vật được nói tới cái mà chúng ta tự đo bằng những đơn vị quan sát, nếu như có thể nói như vậy. Nhưng có bao nhiêu đơn vị thì có bấy nhiêu ý thức. Mọi cách thể hiện đều mang tính cá nhân và không loại trừ những khả năng khác.


Khi rút gọn mọi thứ lại thành vận động, người ta đã loại bỏ thế giới, giống như Descartes, đối với chúng ta điều này làm nên giá trị của thế giới, giúp ta thưởng thức được màu sắc, hương thơm, âm thanh, mùi vị của hoa quả trên thế giới, tóm lại là tất cả sự phong phú của thế giới mà ta cảm nhận được, nếu không có thế giới thì chính không gian cũng không tồn tại, bởi vì Einstein đã cho chúng ta biết rằng không gian chỉ tồn tại vì có những sự vật nằm trong đó.


Nhưng nếu biểu trưng, giống như vật có phép thần thông, làm tái hiện lại được thời gian hay một tình cảm nào đó đã qua, nhờ hình ảnh còn nhớ được của một nhân chứng vắng mặt hay đi xa từ lâu, thì những hình ảnh bằng từ ngữ hay có hình dạng chưa bao giờ được hiểu toàn bộ, như tác giả của chúng đã suy nghĩ hay trải qua, nhất là nếu tác giả sống cách chúng ta hàng thế kỷ. Mỗi người đều là tù binh của thời đại mình, và bản thân tóan học cũng mang tính lịch sử. Con người chìm đắm hoàn toàn trong đại dương lịch sử. Trí óc con người bị hạn chế vì ngôn ngữ mẹ đẻ. Con người sống và tư duy trong phần được bọc kín của thế giới mà nền văn hóa của anh ta tìm hiểu được và cho phép anh ta đặt tên. Sự hiện thân luôn luôn mới phải làm sống lại được mọi cách thể hiện thường được chấp nhận để người nhận hiểu được. Giữa khái niệm logic cho rằng mỗi con người đều sẽ phải chết và cái chết đột ngột của mẹ mình là một cú sốc, lúc đó chúng ta phát hiện ra điều khủng khiếp dường như làm ta biến đổi bằng phép thuật. Kierkegaard đã diễn đạt điều này một cách tuyệt vời khi nói: “Tôi chỉ hiểu chân lý khi nó trở nên sống động trong tôi”


Trực giác không rõ ràng của ý nghĩ về mẹ không bao giờ có thể trở thành logic đơn thuần. Bao giờ cũng vẫn còn một cái gì đó mang tính truyền thống, quá khứ đã có được. Gonseth nói:”Trong công trình xây dựng trừu tượng nào cũng có tàn dự trực giác, không thể loại bỏ được, nhờ đó mà nó trở nên có giá trị và có ý nghĩa”. Giống như đối với tảng băng, phần biểu hiện ra và thấy rõ là dấu hiệu báo động của một thực tế không đo đếm được và không nhìn thấy được.


Như vậy, bản thân các biểu trưng cũng có giới hạn. Nhưng trước khi được cố định, các hình ảnh trong tâm trí ấy đã là chỉ dẫn bên trong của chúng ta, là vật chất của cuộc sống. Điệu bộ gây xúc động, bộ phim liên tục, sân khấu rối bóng âm thầm làm sống động ý thức của chúng ta ấy chỉ có thể được sinh ra và tồn tại nếu trước đó chúng ta đã thiết lập được hệ dấu hiệu có thể hiểu được và nếu chúng ta có khả năng giải phóng lời hát của mình giống như Orphée. Một nền văn minh được xác định chính bằng sự chuẩn hóa các dấu hiệu đó, bằng bảng ngôn ngữ biểu trưng và nghi lễ đó.


Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Những câu chuyện kể

Một người sau khi mất đi thì di âm là những gì? Là những câu chuyện kể giữa những người thân quen. Có những câu chuyện thảng hoặc như nắng vãn. Có khi âm ỉ như những ngày mưa dầm. Nhưng phần lớn thì sẽ chìm vào quên lãng. Thỉnh thoảng trở lại trong những mộng mị, điềm triệu. Phần lớn thì trong dạng thức phải làm người sống e sợ. Đấy là trong phần tâm thức của người đã lớn. Còn một phần khác kiên cố hơn, như đá tảng mờ xám, là trong phần ký ức thơ ấu. Ký ức về ông bà mình phần nhiều là như vậy.

Tôi nhớ hồi nhỏ bà ngoại hay kể chuyện cho tôi nghe. Có câu chuyện về bà nội của bà. Một cụ già ngoài chín mươi tuổi vùng bán sơn địa nghèo mạt ăn trầu bằng cối. Bà nội thương cháu gái duy nhất mồ côi mẹ từ bé đùm bọc nhau. Rồi một ngày bà nội ra đi nhẹ nhàng ngay trong vòng tay của cháu nhỏ giữa giấc ngủ say...Tôi không biết gì hơn ngoài màn sương mờ ấy. Cũng không thấy mẹ tôi kể thêm gì. Nhưng trong thế giới thơ ấu của tôi, trong những chuyện kể lầm rầm đêm hè đã có một người bà xa xưa - bà của bà ngoại.

Bây giờ tôi cũng không hay kể về bà ngoại nữa. Vì không biết kể thế nào, kể với ai. Lũ nhỏ thì lại gắn bó với những ông bà của chúng nó. Bà ngoại tôi mất đã 5 năm. Chừng đó thời gian đủ để những ký ức về bà lắng xuống như lớp trầm tích dưới đáy sông cả. Bạn bè anh em của bà ngoại cũng hầu như đã mất hết. Lũ cháu chúng tôi đã là những người lớn, ít gặp nhau và hầu như không biết kể chuyện.

Những âm thanh rầm rì đêm hè ngày xưa vì vậy cứ vang vang, vảng vất trong tâm trí đứa cháu

"...Bà ngoại mồ côi mẹ từ nhỏ. Không có anh em. Thân thiết với 2 người em con dì. Bây giờ các ông mất cả rồi. Bà Bật cũng mất. Bà giờ chả còn ai thân thiết cùng trang lứa. Nằm thiêm thiếp cả ngày trong buồng nhỏ. Nhiều lúc không phân biệt được sáng chiều. Đã ăn chưa cũng không nhớ. Mong mỏi duy nhất là được đem về trong xã chôn cùng ông. "Ở ngoài này toàn ma lạ sợ lắm, chả biết lối nào mà đi".
Chục năm trước bà về quê xây mộ cho bố mẹ. Bây giờ cũng chả còn họ hàng gần. Các con bà không về nữa. Mình chưa bao giờ về quê bà. Hồi trước bà bảo khi nào cháu đi học ĐH rồi chở bà về quê chơi. Quê bà là cả 1 xứ sở trong mình với những câu chuyện ăm ắp ngày nhỏ. Bà thường bắt đầu bằng câu "Dạo đấy vào viền tháng chạp..."-chữ viền là tiếng địa phương. Bây giờ thì bà chả đi đâu được. Mình vẫn chưa về quê bà bao giờ. Lại sắp đến viền tháng chạp..."

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Dòng máu xanh thuần chủng

1.
Từ một điểm nhìn rất xa châu Âu và thế giới lấy nó làm trung tâm, việc truyền thông tràn ngập tin về sự hân hoan đón chào "hoàng tử bé" (chữ của BBC Vietnam) là một điều hơi buồn cười với tôi. Mấy chục năm sau khi R.Barthes viết về "dòng máu xanh" trong cuộc du ngoạn trên biển của giới quý tộc châu Âu thì mọi chuyện vẫn thế. Người ta hồ hởi với một cái gì đó biểu trưng của nòi-thuần-chủng. Hoàng tử bé của S.Exupéry là một hoài vọng về mất mát, về sự tha-hóa. Trong thế giới mất mát và đổ vỡ niềm tin thì cuộc trình diễn truyền thông về "dòng máu xanh" có thể hiểu được và rốt cuộc chỉ là phiên bản mới của một gameshow - nơi người ta đặt cược, tán nhảm và hồ hởi tụ tập mà thôi!

2.
Một số ý kiến cho rằng khi lên mạng xu hướng "tốt khoe xấu che" là có vấn đề, theo ý tiêu cực. Thực ra việc gì cũng có thể nhìn theo nhiều góc độ khác nhau. Mà tốt nhất hãy nói từ góc độ của chính mình thì tôi thấy việc tự-biểu-hiện trên mạng là một hành vi có thể diễn ra trong một tâm thế phản tư rốt ráo. Trong chiều hướng đó, việc lựa chọn thông tin để biểu hiện là phụ thuộc mục đích khởi thủy (cho dù đặt được nó ra từ đầu là một việc hiếm).

Nói, luôn luôn là nói với ai, về cái gì, ở đâu và trong lúc nào. Nếu lập ngôn theo phương thế đó thì việc lựa chọn "trao nhau một điều gì đó có ích, lợi lạc" là quan trọng. Hoặc giả ít nhất không lây nhiễm phiền não thêm cho bạn bè. Tự-mình giải quyết vấn đề của mình. Hơn nữa, ngay từ đầu phải ý thức được bản chất cũng như khiếm khuyết của hình thức tương tác trên mạng. Nó KHÁC với những hình thức tương tác truyền thống. Nó không thay thế được những liên kết thực của con người mà bổ sung vào đó (ngay lập tức cũng gây vấn đề ở đó). [Noam Chomsky: Internet: từ quan điểm quyền lực nó quá dân chủ. Mặt khác: nó làm người dân chệch hướng và phân tán: các bạn ngồi trước màn hình máy tính một mình/đẩy tình cảm con người ra khỏi con người. Họ gửi cho các bạn bất kỳ ý tưởng nào mà họ thậm chí chưa nghĩ kỹ, bất kỳ lúc nào họ bị thôi thúc. (Nhận diện quyền lực, tr401)]

Nếu không phải như vậy thì mọi chuyện chỉ còn là kiểu rông càn nói vu vơ giữa chợ. Khổng Tử nói đại ý nghe (bàn tán) chuyện đầu đường xó chợ là tự bỏ cái Đức của mình đi.

Việc rạch chia đôi hai bờ này cũng chỉ có tính giả lập. Thực tế chúng ta sẽ luôn xoay xở giữa những vòng xoáy của phản tư. Đó là điều không thể tránh khỏi được vào lúc này.