Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

chuyện táo ngày tết

"Tất nhiên, phong cách hầu như bao giờ cũng là cái cớ nhằm né tránh những động cơ sâu xa của vở kịch: bảo một vở hài kịch của Goldoni có phong cách thuần túy "Italia" (những trò hề, những kịch điệu bộ, những cung cách khúm núm và cách ăn nói láu ta láu táu), đó là cách dễ dãi để được miễn trách nhiệm về nội dung xã hội hoặc lịch sử của tác phẩm, là cách để tháo ngòi nổ xung đột gay gắt của những quan hệ công dân, nói tóm lại đó là huyễn hoặc"

(Trích Hai huyền thoại về nền sân khấu trẻ, tập Những huyền thoại, Roland Barthes, bản dịch Phùng Văn Tửu, Nxb Tri Thức, 2008).


Một nghi thức trừ tà của xã hội

Khởi đầu là một vở hài kịch châm biếm nhỏ trên truyền hình cuối năm thành công đầy ấn tượng, từ nhiều năm nay chương trình Táo quân Tết đêm Giao thừa (Gặp nhau cuối năm) đã thành lệ, thành khuôn thước hình thức để mỗi năm công chúng phỏng đoán, chờ đợi xem năm nay các Táo sẽ đem những chuyện gì ra biếm giễu. Một cách vô tình, sự chờ đợi này tạo ra sức ép kép: một mặt chương trình truyền hình này phải bao quát phản ánh đại diện được những vấn đề thời sự của đất nước trong năm, mặt kia các nhà sản xuất phải nỗ lực tìm kiếm đem lại những thứ ấn tượng mới mẻ hấp dẫn cho công chúng - sức ép cho số mới đến ngay từ sau khi đóng lại số cũ và kéo dài cả năm, như chính những người trong cuộc thổ lộ. Sự cải biên đổi mới mỗi năm ấy không nhiều nhưng liên tục và dần dà vở hài kịch truyền hình nhỏ đã trở thành một cái gì đó quen thuộc nhưng không nghiễm nhiên và vẫn đang tự vấn về hình thức của mình, về khả năng tiếp tục duy trì hay đình bản của chính mình. Đều đặn trong những đêm 30 Tết với tính chất bản tổng kết kế toán được mất cuối năm, trong thời khắc mà người ta dù "feeling lost and feeling blue" nhưng chung cuộc sẽ là tâm lý kiêng việc kiêng sinh sự sự sinh và dành những hy vọng cho một chu kỳ mới, chương trình Táo quân Tết đã đóng vai trò một nghi thức trừ tà cuối năm của xã hội mang đầy tính chất huyễn hoặc; với những lá bùa của nó (những đĩa CD sao chép buổi ghi hình) sẽ còn hiệu nghiệm và len lỏi trong dân gian theo bước chân những người bán rong.(*)


Xét về cấu trúc và phong cách, Táo quân Tết mang nhiều dấu vết rõ ràng ảnh hưởng từ sân khấu chèo, một cảnh chèo toàn những vai hề (áo dài)! Từ cấu trúc cảnh trí sân khấu kịch nhiều tính ước lệ đến bảng phân vai của những tính cách bản chất đến kết cấu nội dung tốt nhiều hơn xấu, thiện thắng ác, đại đoàn viên... Kịch mô phỏng hành động chứ không mô phỏng con người (Aristotle). Nếu như ở vở hài kịch khởi đầu được xây dựng dựa trên các hành động tình huống xung đột gắn với những tình tiết có lịch sử riêng trong xã hội, trong hình thức mới mẻ của mình, nó đả kích, châm biếm hiện thực xã hội; thì cùng với việc kéo dài rập khuôn, trở thành một chương trình truyền hình, cấu trúc đã bị đóng khuôn và các nhân vật Táo đã được rút gọn thành các bản chất phi lịch sử, nổi bật lên trong cấu trúc tung hứng ứng biến, những tình huống được lựa chọn xoay xở cho khớp, Táo quân Tết đã trở thành một cấu trúc các khái niệm được sắp xếp theo mô dạng một huyền thoại như cách nói của Roland Barthes. 

Ở bên trên bình diện nghĩa đa tạp của tình huống, lặp đi lặp lại mỗi năm là cấu trúc hai lớp: một bộ ba kiểu quan năng (Cái nhìn quan phòng, Hành vi phản ứng, Xúc cảm trực thời) xao động vòng quanh các Bản chất, ở những tình huống kịch tính đa dạng giòn giã như pháo. Trong khoảng thời gian hầu như rảnh rỗi vô sự chờ Giao thừa, Buổi chầu là phần thời gian rỗi rãi của dân văn phòng mà Nam Tào (Xuân Bắc) là tay kế toán thạo việc, Bắc Đẩu (Công Lý) là cô thư ký đồng bóng và Ngọc Hoàng (Quốc Khánh) là anh trưởng phòng lõi đời cùng nhau chém gió, buôn dưa lê những chuyện trong nhà ngoài phố theo cái nhịp đời sống tiểu tư sản của họ: chuyện đi đường, chuyện con cái đi học, tiền điện, tiền xăng. Những chuyện ấy có cái kịch tính cá nhân chốc lát, nhiều bức xúc và lây lan bất chấp nhân quả logic nhưng chung cuộc là vô thưởng vô phạt, sao cũng được miễn là được nói ra, xả ra thật nhiều, thật chi tiết và cường điệu.

Quy cách bó buộc đơn điệu về tư tưởng sẽ cần được bù trừ bằng khối lượng hình thức, các tình tiết khoa trương đến bão hòa. Một tập đại thành dân ca hò vè đến nhạc phim sẽ được huy động. Phục trang, phụ kiện...danh mục các đồ vật liên tục được đưa vào sân khấu - không chỉ còn từ hai bên cánh gà mà từ trong phông tiến ra, từ trên cao đu dây xuống, trong khói trong mù và tiếng nhạc. Công chúng chờ đợi thưởng thức một đoạn ca thật dài thật mùi của Tự Long, cái hẩy tay hất tóc phát gớm của Công Lý hay điệu bộ oặt dẹo liến thoắng của Vân Dung. Các diễn viên sẽ thực sự rất vất vả, đổ mồi hôi và tận hiến những cao trào ngẫu hứng bột phát và công chúng cũng chỉ chờ đợi những tình tiết ấy, để hưởng ứng, sao nhại và truyền khẩu râm ran trong những câu chuyện trà thuốc mấy ngày Tết. Phản ứng xã hội sẽ được cô đặc lại trong những câu nói tâm đắc, trúng, độc kiểu "Thông và Dục, Táo đầu gấu hàng đầu thiên đình" (mô phỏng quảng cáo phản cảm bình lọc nước Kangaroo) và thế là những xung đột gay gắt của quan hệ công dân coi như đã được tháo ngòi nổ. Những bức xúc đã được đặt cho một cái tên và được biểu hiện theo kiểu hiển nhiên, tan loãng vào đám đông vô danh.

Mấy từ vựng

Xuân Bắc: Nam Tào, anh Tào, tay kế toán trẻ Thiên Đình thạo việc và ranh mãnh, chuyên gia tung hứng đưa đẩy. Bột phát nhưng ứng biến, điều chỉnh nhanh. Là biểu trưng kiểu hành vi phản ứng.

Công Lý: Bắc Đẩu, Đẩu, cô thư ký văn phòng đồng bóng, đa sự, bốp chát, dễ xoa dịu bằng phỉnh nịnh. Kiểu loại xúc cảm trực thời.

Quốc Khánh: Ngọc Hoàng, anh Hoàng, anh trưởng phòng tẩm ngẩm, ủ ê, vừa vừa phai phải. Nói lời cuối kiểu mô tả.

Chí Trung: Táo Giao thông, Thông, lĩnh vực của vận động, liên lạc, vận chuyển kết nối. Biến báo, được chăng hay chớ, thực dụng, chủ nghĩa kinh nghiệm, giọng em thiên hạ.

Vân Dung: Táo Y tế, cô Tế, một lĩnh vực không có gì thay đổi, không có gì nhiều để nói (nói không ăn thua). Trong hiệu ứng ngược của biểu trưng, phần bù hình thức là nói to, lánh lót, liến thoắng, loăng quăng, ngoằn nghoèo, dẹo.

Những vấn đề xã hội phức tạp đa chiều, nơi phải có ai đó chịu trách nhiệm, phải thay đổi hoặc bị thay đổi đã chuyển hóa thành các vai Táo vốn được mô tả trong chiều kích cá nhân, như những tính cách điển hình của những người làm công ăn lương có khổ, có công. Qua sự chiêu dụ của thủ pháp nhân cách hóa, dung tục hóa, đời thường hóa mọi sự, công chúng sẽ thấy mình trong những bung xung đó và chấp nhận nguyên trạng. Ở đâu đó, "người dân" luôn là một đám mờ nhạt, ý kiến vụt chạc.(**)

Comming out

Trong các vai diễn, Đẩu là nhân vật có sự chuyển đổi rõ nét nhất trong hành trạng, tính khí - một quá trình comming out theo đúng nghĩa đen. Là biểu trưng của cảm xúc trực thời, Đẩu đã có thể hoàn toàn thoải mái thể hiện cảm xúc của mình trong cách thức "khó coi". Cô hồn nữ tính đã thành đồng bóng thuần túy một cách thoải mái, nghiễm nhiên. Công chúng thân mến, những bức xúc của anh chị nó thực ra là khó coi lắm, và vì vậy nó đáng ngờ.

Câu chuyện của Đẩu là một biểu trưng kép: trong tiến trình comming out của giới thứ ba, thay vì những đấu tranh nỗ lực để đặt được chủ đề của mình vào chương trình nghị sự trong truyền thông của xã hội thì kết quả lại chỉ là những ám chỉ bông lơn, tục gớm trước cái cười mỉm của thiên hạ. Ở bình diện những câu chuyện chung của xã hội một năm cũng vậy, được nêu ra để bông lơn, chỉ lởn vởn, mù mờ như tà khí mà ánh sáng lấp lánh, ấm áp và những bè đồng ca chào xuân sau rốt sẽ thanh tẩy tất cả! Chiều tắm nước mùi già, tối xem tàn buổi chầu truyền hình, ai ai cũng đã cảm thấy nhẹ nhõm (cái nhẹ nhõm phải từng bị táo mới hiểu), có thể ra sân đêm ba mươi xem pháo hoa một lát rồi đi ngủ. Hết giao thừa, năm mới đến một lúc thì đi ngủ.
----------------




(*) Nghe kể có chuyện có ông bộ trưởng rất thân tình với CT, năm nọ đã mời cả đội Táo về nhà diễn và nhậu vui xuân. Nói chung tiết mục Táo quân là bán được.

(**) Một phép so sánh: thử tưởng tượng nếu Đoàn Văn Vươn nhận được một chỗ trong vở để tìm kiếm tên gọi chính xác cho tội danh của mình: giết người hay phòng vệ quá mức?

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Nhớ lại. Nothing

Nhớ lại thời Gấu tập nói.
---------------------

1.
Dạo này thường viết về đêm. Lý do cũng đơn giản: phải chẳng vì cái gì cả thì mới viết được. Giờ ban ngày có vì cái gì rồi nên đêm đến mới linh tinh được. Chẳng vì cái gì, chẳng có gì cũng đang an ủi bác Gauxx nhà bên kia. Mỗi lần xem phần Map overlay của Google Analytics tôi thích theo rõi xem ai ở đâu đã đọc blog của mình. Những chấm trên bản đồ địa cầu gợi liên tưởng đến cái nhìn những đốm sáng dưới mặt đất khi bay đêm của S.Éxupery trong Terre des homme. Tôi chú ý những thành phố chỉ có một người thường xuyên theo rõi blog mình và tưởng tượng về họ, trong những thành phố ước lệ-đâu đó ở VN, đâu đó ở các châu lục xa lạ. Tưởng tượng cứu rỗi cuộc sống nhiều ngang với những tác dụng phụ của nó. Chúng ta có thể hiểu được thế giới không là một câu hỏi khó và khá rắc rối. Nhưng chúng ta đang cảm nhận thế giới và cần nuôi dưỡng khả năng cảm nhận thế giới vì đó là cách chúng ta đi đến cuộc đời này. Hai bố con tôi chơi trò bắt chước tiếng chó sủa khi xem ảnh con chó trên xe ô tô thò đầu ra. Gấu đang tập nói và đó là hầu hết vốn liếng về chó của Gấu lúc này. Âu âu âu âu...Hehe, bố chợt nghĩ rằng những bài viết khuya của bố rất giống những tiếng tru đêm Gấu ạ. Auuuuuu...

2.
Ngẫu nhiên thế quái nào ô tô cũng đang là chủ đề của Hà Nội tối nay qua bài viết của 2 bác VMC (Khai giảng trường con nhà giàu) và TQ (Bốn bánh bay lên đỉnh). Bây giờ bạn bè gặp nhau chủ đề ô tô cũng thường là sôi nổi nhất. Các bác sĩ phu chơi hoa lan (không nói 2 bác trên :), mình nghĩ câu chuyện nhàn đàm tối nay nên hướng vấn đề về phía không phải là cái ô tô mà là ý nghĩa của việc đã sở hữu nó chứ nhỉ? Đó là câu hỏi về ý nghĩamột lúc nào đó chúng ta sẽ suy nghĩ về ý nghĩa. Việc câu hỏi đó buột ra trong lúc ngồi ô tô hẳn là một tình huống thiết thân hơn rất nhiều trường hợp đau đáu sau khi đọc một cuốn sách 1ooo trang? Tất nhiên ô tô chỉ là một ẩn dụ và có thể thay nó bằng bất cứ cái gì. Nói chuyện với bạn cũ, vấn đề ý nghĩa cứ lởn vởn khăm khẳm xung quanh. Sẽ tốt hơn nếu bạn nhìn nó một cách trực diện và chân thành. Khả năng cao là khá hẫng hụt. Hơi buồn cười khi được/bị nghĩ là "chuyên về văn hóa". Nếu văn hóa là cách thái ứng xử với xung-quanh và với chính mình thì không thể có chuyên gia văn hóa mà chỉ có con người - Người-thật-là-người như cách diễn dịch của Nhượng Tống - và văn hóa không phải là để làm dáng theo sở thích hay trào lưu. Do vậy theo mình văn hóa là thứ có thể mày mò tự học nhưng nhất định không nên chỉ là học lỏm. Một cái nhìn chăm chú, có thể nói như thế nếu không thích dùng chữ Học trong trường hợp này.

3.
Nhưng nếu không có ý nghĩa (tuyệt đối) thì sao? Thì cũng chỉ là không có ý nghĩa thôi mà! Câu hỏi về ý nghĩa sẽ trở thành câu hỏi về tính chính đáng của nhu cầu phải có một ý nghĩa. Trong phương pháp luận NCKH người ta có tiêu chuẩn về vấn đề nghiên cứu là: vấn đề nên phát biểu dạng câu hỏi và câu hỏi tốt thì không phải là dạng câu trả lời tiềm năng. Trong trường hợp này chúng ta sẽ cùng nhau chuyển thẳng sang vấn đề về sự bận tâm ("vì nó được hình thành về mặt thời gian, tồn tại con người là sự "bận tâm" (Sorge) xét về cấu trúc"-MH).

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

carnets. Phương tiện là tùy duyên tiếp vật


Nếu giao tiếp là trao đổi cho nhau một_điều_gì_có_nghĩa thì chúng ta giao tiếp thật nản. Và từ đó nhìn sang Silent Party thì điều đó rất rõ nghĩa.
Giống như khi triết học ngôn ngữ phân biệt diễn ngôn với lời nó ở chỗ nó trao đổi luận cứ chứ không chỉ thông tin. Đó là 1 phía của sự triệt để của lời.
Ở phía ngược lại, hãy tham khảo cuốn "Thiền trong nghệ thuật bắn cung" - nó mô tả tinh vi lĩnh vực những phạm trù, mệnh đề bất khả quy giản mà qua đó nó phải dựa vào những thứ tri thức sống, tri thức làm (Lyotard) như là nghệ thuật...những thực hành có tính đào luyện.
Con người cá nhân luận sẽ được vượt qua để thành chủ thể có đào luyện.

Hay quan sát một buổi offline, hay gặp bạn cũ chẳng hạn: chúng ta ko nói chuyện thực sự, chúng ta tìm những thứ tầm tầm (cái này rất hay để khai triển), tức là kiểu thăm dò nhau, tránh xung đột - nhưng vì sao? Là để duy trì kết nối thực tế của những chủ thể có thân xác. Có lẽ ngôn ngữ hình thể của chúng ta cũng đã có cuộc trao đổi nào đó.
Nếu ghi âm lại một cuộc tám chuyện bạn bè, sẽ nhận ra rất rõ họ có trao đổi không? Hầu hết là những khuôn mẫu. Và nếu nhìn từ góc độ tín hiệu học thì may ra: họ trao đổi những tín hiệu văn hóa nhất định, nhưng không chủ ý.
Do vậy, Silent Party mở ra một thách thức trải nghiệm hay để mở đầu. Tôi có đọc ở đâu đó về phép tu của Mật Tông (Kim Cang Thừa): họ có lần bịt mắt 3 tháng và có lần bịt tai 3 tháng để đào sâu trải nghiệm...

Tất nhiên ta hiểu rằng cũng như khi McLuhan coi phương tiện truyền thông nối dài khả năng tri giác của con người, ở đây là chuyện tắt bớt tri giác đi, ta sẽ thấy sự phiến diện của nhận thức và vai trò của cái Tâm nhận thức siêu hình. Tức là vẫn phải từ cái ý thức chủ định của chủ thể trước đã rồi những khả thể mới đến. Phép tu phải có hậu cảnh tín niệm, một event phải có 1 hậu cảnh lý thuyết nhất định thì cuộc chơi trình diễn tập thể (ko phân định nghệ sỹ - khán giả) mới có cơ hội trở thành 1 cái gì đó. Nhưng từ góc độ một trò chơi, miễn ngay từ đầu đã có một ấn tượng trực thời gây shock thì đã rất sáng tạo.

Các dự án trên Fb dựa căn bản vào tính lây truyền mạnh mẽ của nó qua các chủ thể (ảo). Nó cho ta 2 khả năng: hoặc bị lôi cuốn, biến mất, đánh mất mình trong khả năng phản tư (giữ khoảng cách với chính mình) do đó là nạn nhân của hiệu ứng PR. Nhìn từ góc độ này thì nó không có gì mới để đáng nói cả.
Trong góc độ thứ 2, tính lây lan của Fb tuy vậy vẫn không làm mất cái chủ quyền chủ thể có căn tính. Theo góc độ này thì quả thực mạng xã hội giúp ta thêm 1 không gian công để tụ hội và trao_đổi hay kết_nối. Điều này cần pha trộn với kết nối thực nữa.
Ta tìm kiếm dễ hơn và ta có thể phán đoán giá trị, nhưng ta cần kiểm nghiệm thực tế. Sau đó đánh giá chúng và không gian mạng lại giúp ta nối dài các trao đổi, và do vậy nó chuyên sâu hơn.
Thực tế các buổi sự kiện tôi tham dự gần đây cho thấy rất rõ sự khác biệt giữa hoàn cảnh nói lý tưởng và hoàn cảnh nói thực tế.
Nó bất cân xứng, do vậy việc tổ chức các dự án dựa vào mạng xã hội có ưu điểm đầu tiên là nó mở rộng công bằng, chủ động của các bên.
------------
(từ một trao đổi ngắn online về mạng xã hội với anh Gauxx)

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

C(q)uốc lủi tại dân gian


Một ngôn ngữ của cộng đồng

Khi đến một vùng đất lạ, nếu muốn tỏ ra thân thiện thì có thể nói chuyện với những người mới gặp lần đầu về một loại rượu ngon nổi tiếng của địa phương ấy. Nếu anh có thể kể ra cái quán đó, chỗ đó uống rượu hay lắm, hợp lắm thì sẽ gây ấn tượng rất tốt. Nhưng anh còn thuộc những lề lối của dân nhậu nơi ấy, như là uống xong phải bắt tay ở Tây Bắc, xoay tua ở miền Tây...thì anh hầu như sẽ được coi trọng trong lần sơ giao.

"Vô tửu bất thành lễ", hành vi xã giao phổ biến này ngầm biểu thị rằng anh thừa nhận, anh biết và đã từng tham dự vào những nghi thức giao tiếp của một cộng đồng ở trung tâm căn tính của nó. Và thứ rượu nấu trong dân có gắn tên riêng kia là một ký hiệu quan trọng để nhận thấy, mở ra những tương tác giao tình song phương.

Rượu quê mà có tên riêng nổi danh trên toàn quốc thì cũng không phải là nhiều, người lịch duyệt bình thường có thể kể được chừng trên dưới chục cái tên khác nhau là đã khá lắm - thường là gắn với các địa danh, các tên làng tên đất, những làng Vân, Bàu Đá, Gò Đen... Nhưng bộ căn cước của rượu quê còn có rất nhiều cấp độ, gắn đến từng chòm xóm, những cộng đồng nhỏ, nơi mọi người đều biết nhau và cùng đồng ý rượu nhà ông A hay bà B là ngon nhất! Thường thì trong làng xóm sẽ có một vài nhà tự nấu rượu và cung cấp cho một phạm vi hẹp bà con lối xóm. Một kiểu nghề thủ công lúc nông nhàn, nếu ai muốn mua nhiều thì phải đặt trước, thậm chí là mang đúng loại gạo nếp ngon mình muốn nấu đến đặt cũng được. Những loại rượu quê tự nấu này có một thị trường nhỏ, khu biệt trong một cộng đồng nơi mọi người đều quen biết, có mối liên hệ qua lại với nhau. Rượu không đơn giản chỉ là một loại thức uống mà hiển nhiên trong những tập tục, lễ tiết, gắn với mọi nhịp điệu đời sống văn hóa cộng đồng nông thôn những tiết lễ giỗ chạp, "đám cưới, đám ma, tân gia, nhập trạch".

Người ta uống rượu quê tự nấu không hẳn vì nó rẻ. Lý do hay được nêu ra nhất đấy là vì nguồn gốc có tính chất tự nhiên của nó khác với rượu nhà máy hạng trung bình khác "sốc", "nặng", "gắt", "hóa chất". Và để đối chứng thì còn thêm lý do "rượu này là rượu nếp nhà ông A nấu đấy!". Trong một lĩnh vực sản xuất mà chất lượng của sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào bí quyết thứ men gia truyền, kinh nghiệm của người làm và cả nguyên vật liệu quan trọng là nguồn nước được sử dụng thì một lần nữa, cái tiêu chuẩn biết được, tin được, đã được chiết xuất từ văn hóa cộng đồng tiền đô thị hóa rồi ngưng tụ trong tập quán uống rượu nhà quê. Cái chất cảm "trong vắt", "sủi tăm", "sánh", "êm", "đượm"...của rượu nấu biểu đạt tính tinh chất, nguồn cội từ trung tâm cái căn tính quan trọng nhất của làng quê: men, gạo (của đất) và nước nguồn thông qua sự trung giới của lửa và bởi năng lực của người làng mình.

Cùng nhau uống một chén rượu cũng tức là chuyển những tín hiệu xã giao sang bình diện cốt lõi, thực chứng bằng cảm nghiệm thân thể và từ đó Lời được thốt ra theo một kiểu xuất tiết ít chủ tâm(*) từ một trung tâm sâu thẳm hơn, thành thực hơn (trong quan niệm của đại chúng). "Rượu vào lời ra", những lời nói trong cuộc rượu phần nhiều là những khuôn mẫu có tính chất tiên kiến cá nhân - để nói ra, biểu thị ra hơn là để nghe. Nhìn từ ngoài, nó giống như một nghi thức kiểu nhập đồng mà ở đó các thành viên cùng hòa vào một nhịp chung ở một bình diện khác có tính chất cộng thông hơn là những trao đổi thông tin.


Giữa đám đông cô đơn và dưới ánh sáng của tiêu dùng

Rượu nhà quê có một lối lên thành phố, thâm nhập vào thành phố theo kiểu li hương: nó được mang theo hay được trao tặng, gửi gắm như một thứ quà quê cho những người con của gia tộc, quê xứ nơi thành thị. Đến chơi nhà một ai đó, khi gia chủ tự tay rót cốc rượu được giới thiệu là rượu ngon ở quê mình thì chính là cái hình ảnh biểu trưng sống động của một dòng chảy từ nguồn cội văn hóa đã liền lạc liên lỉ trong cả không gian lẫn thời gian đời người. Những quán "rượu dân tộc" cũng là một hình ảnh nối dài của con đường li hương này. Nhưng trong xã hội đô thị hiện đại, nó sớm lẫn lộn trong trạng thái bị nhại, bị phóng đại và đáng ngờ. Cộng đồng luôn là một khái niệm không quá rộng rãi về không gian.

Nhưng rượu quê còn có một đời sống tha hương khác, tiêu điều hơn, xơ xác, lạc lõng và lạt lẽo trong đô thị. Đó là thứ rượu không nhãn mác, vô danh, rẻ tiền len lỏi khắp các quán ăn, quán nhậu bình dân ở thành phố, chủ yếu ở vùng ngoại vi. Loại rượu này không được thị dân trung lưu ưa chuộng, ít đáng tin bằng rượu Vodka nhà máy. Nó không còn thuộc về một cộng đồng có căn cước nào cả, nhạt nhẽo và rẻ tiền đích thực trong xã hội đô thị của những cá nhân lạc lõng, những thành phần phi căn tính. Bị coi thường, bị làm giả từ chính những hóa chất công nghiệp, gây hại và là nguy cơ tiềm ẩn phải chấp nhận khi không được lựa chọn. Và từ bị nghi ngờ và coi thường đến bị cấm đoán chỉ còn là vấn đề thời điểm. Điều mỉa mai là ở chỗ thứ rượu hạ đẳng này được so sánh với chính những dòng rượu công nghiệp đại chúng khác - những thức uống "sốc", "nặng", "gắt", "hóa chất"...bây giờ dẫu sao còn có một căn cước tối thiểu để đặt lòng tin cho con người đô thị.


Lủi tại dân gian

Cùng với tiến trình đô thị hóa là quá trình phân rã của xã hội truyền thống mang tính cộng đồng chuyển sang xã hội tiêu thụ đại chúng. Có lẽ thứ rượu nhà quê tự nấu, cái biểu đạt cho văn hóa cộng đồng nhỏ thân quen lẫn nhau với nhịp điệu đời sống chậm rãi, bình ổn sẽ khó lòng mà minh định được là còn chiếm bao nhiêu trong con số 90% lượng rượu nấu thủ công của 350 triệu lít rượu được người Việt tiêu dùng mỗi năm (**). Việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn là trách nhiệm của chính quyền. Tự bản thân những cơ sở sản xuất thủ công lớn, sản xuất kinh doanh đại trà cũng phải nhận thức được việc đăng kiểm nhãn hàng của mình - nó đã đặt bước chân đầu tiên vào trình độ đô thị hóa rồi. Nhưng còn thứ rượu nấu của nhà quê, thứ "cao gạo" trong vắt, sủi tăm và sóng sánh, cốt cách nguồn cội của cộng đồng làng quê thì sẽ phải ứng xử ra sao? Rượu đã được cất hàng nghìn năm trong những làng xóm. Rượu cũng đã bị cấm ngặt nhiều lần. Nhưng nếu "văn hóa là cái còn lại" thì với tư cách là cái biểu đạt của văn hóa cộng đồng dân gian, có lẽ lại một lần nữa, rượu nhà quê sẽ chẳng mất đi đâu cả - Nó chỉ lủi tại dân gian như nó đã từng là như thế.
-----------------


(*) - Bắt chiếc chữ của R.Barthes, Những huyền thoại, Phùng Văn Tửu dịch, nxb Tri Thức. Cũng phải nhận rằng bài viết này lấy cảm hứng và chịu ảnh hưởng từ bài viết về rượu vang của ổng ^^ (Về ý uống rượu hay nói thật tôi cho là không phải: rượu chỉ làm người ta nói ra những điều bình thường không nói. Điều đó vẫn khác với nói Thật).

(**) - http://vi.wikipedia.org/wiki/R%C6%B0%E1%BB%A3u_tr%E1%BA%AFng#cite_note-docbao-9