Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

10.3.2018

Lần đầu xem trọn "Vua hài kịch". Một bộ phim về tuổi trẻ. Tự nhiên bật ra câu hỏi nếu những phim của Châu Tinh Trì không có kết dạng happy ending thì tổng thể bộ phim sẽ thành ra như thế nào?

Vẫn đọc "Đế Bá" dù càng ngày nó càng dở như hạch. Vì nó có cái tứ về sơ tâm chạm đến cái day dứt của tuổi trẻ. Chúng ta theo đuổi sự mạnh mẽ nhưng khi mạnh mẽ chỉ vì mạnh mẽ thì sẽ thất lạc mất sơ tâm của chính mình. Rồi một ngày ta liệu còn dám tự hỏi sơ tâm của mình là gì. Mình còn những gì mình từng khát vọng không?

Có những bài hát rồi mình sẽ không nghe được nữa. Tuổi trẻ hầu như chỉ có bạn bè làm vốn liếng nhưng tuổi trẻ luôn thấy cô đơn một cách mơ hồ. Tuổi trẻ đi qua là lúc ta thấy cô độc một cách cụ thể dù ta có thể có nhiều hơn tuổi trẻ rất nhiều. Ta còn theo đuổi điều khiến ta là nữa không. Hay ta chỉ có cái này cái kia.


Thứ Ba, 13 tháng 2, 2018

Xã hội diễn cảnh

"60.
Diễn viên ngôi sao (vedette) thể hiện con người sống động thông qua diễn cảnh; khi tập trung nơi mình hình ảnh của một vai trò nào đó, diễn viên ngôi sao thể hiện điều tầm thường vừa nói. Thân phận ngôi sao là sự chuyên môn hóa cái có vẻ như được trải nghiệm (le vécu apparent), đối tượng của sự đồng nhất hóa với cuộc sống bề ngoài và không có chiều sâu; cuộc sống đó phải bù cho sự chia nhỏ các chuyên môn hóa thực sự được trải nghiệm trong sản xuất. Sở dĩ các ngôi sao tồn tại là để thể hiện nhiều loại phong cách sống và phong cách hiểu xã hội, nhờ được tự do hoạt động một cách toàn bộ. Họ là hiện thân của kết quả không thể đạt tới được của lao động xã hội, bằng cách nhại những phụ phẩm (sous-produit) của sự lao động đó; các phụ phẩm này được chuyển, như bằng ma thuật, lên bên trên lao động xã hội như là mục đích của nó: quyền lực nghỉ dưỡng (vacances), quyết định và tiêu dùng, những điều đó đều nằm ở điểm bắt đầu và điểm kết thúc của một tiến trình không được bàn cãi. Ở nơi kia, đó là quyền lực chính phủ tự nhân cách hóa thành ngôi sao giả (pseudo-vedette); ở nơi này, đó là ngôi sao của sự tiêu dùng bắt mọi người phải ủng hộ mình với tư cách là quyền lực giả (pseudo-pouvoir) trên cái được trải nghiệm (le vécu). Nhưng, các sinh hoạt này của các ngôi sao không thực sự có tính toàn bộ và cũng không đa dạng.".

Guy Debord, Xã hội diễn cảnh.

- Trích một đoạn có vẻ dễ hiểu. Từ các góc độ khác nhau - nhất là góc độ thế giới của thị giác và biểu tượng, Roland Bathes (cả Erich Fromm) đều từng phê phán triệt để xã hội và con người đương đại. Nhưng nếu phải mô tả một hình mẫu mới - chí ít của con người cá nhân mới - thì còn quá nhạt nhòa. Con người nghệ sỹ lý tưởng của E.F quá sơ lược. Nói chung lại quay lại với mệnh đề tự phê phán triệt sẽ quyết định đường hướng cá nhân cho mỗi cá thể.

- Không phải ngẫu nhiên mà Thiền học lại trở lên hấp dẫn trong giai đoạn đó ở xã hội phương Tây. Về hình thức, nó phủ nhận các hình thức cụ thể và hứa hẹn sự tái hòa nhập với hoàn cảnh cụ thể của mỗi thân phận - núi lại là núi.

- Có 1 sơ đồ, đúng hơn là vài từ khóa lặp lại: diễn cảnh, trải nghiệm, quyền lực, nghỉ dưỡng, tính toàn bộ, đa dạng (tính)...