Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Huyễn giới

Đặt cái tít này là để nối theo bài giấc mộng TIÊN GIỚI năm xưa.
----------------

Một giấc mơ lạ. Mình nằm mơ và biết mình đang mơ. Mơ thấy có giao cảm với một linh hồn nhập nhằng. Sợ quá nên cố gắng tự trấn tĩnh để tỉnh dậy. Thế là tự nhiên hiện ra cảm giác và hình ảnh mình tách ra thành 2 người: một người thoát ra và lay gọi thân xác đang mê mệt và run rẩy tê liệt kia (với khóe miệng vương máu). Cuối cùng thì vụt tỉnh.

Hay thật, lần đầu tiên mơ được theo kiểu thoát ra chính mình rồi nhìn thấy chính mình. Sống động và rõ nét. Dạo này mệt mỏi không muốn chiêm nghiệm giấc mơ nữa. Nhưng có vẻ có ảnh hưởng của việc ngủ nửa nằm trên sofa và nội dung cuốn "Nuôi dưỡng đời mình" vừa đọc lúc tối.

Không biết mọi người có hay mơ thấy chính mình nhìn rõ mặt thế không nhỉ?

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

Ầu ơ

Những bài hát ru sẽ đi suốt cuộc đời chúng ta.

Tôi có một ấn tượng rất cụ thể về những bài hát ru của mẹ. Vì chúng ta thường quên mất những ký ức trước 3 tuổi nên chắc những ký ức đó là do nghe từ hồi mẹ ru em tôi ngủ. Cũng có thể là những đêm đông hay trưa hè nào đó mẹ ru cả hai anh em chúng tôi mà bây giờ tôi không thể nào nhớ rõ lại được. Nhưng tôi luôn cảm thấy rõ ràng âm hưởng của những đoạn hát ru ngày xưa của mẹ:

"Bầm ơi có rét không bầm
Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non..."

Hẳn đã là những tối mùa đông có gió bấc, cuộn mình trong chiếc chăn bông và trong ánh đèn dầu chập chờn mờ mờ qua lớp màn vải bông. Mỗi lần rong xe trong mưa phùn lất phất ngày đông là tôi lại nhớ đến đoạn hát ru này.

"À ơi,
Con cò bay lả bay la
Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng..."

Một trưa hè nào đó, ba mẹ con bên cửa sổ của gian nhà cấp 4 tập thể, bầu trời xanh trong và tóc mẹ ướt thơm mùi bồ kết mới gội.

"À ơi,
Con tôi buồn ngủ buồn nghê
Buồn ăn cơm tấm cháo kê thịt gà
À ời... "

Mỗi lần được ru, con nằm yên ả, tin cậy, mi mắt rung rung vì chưa ngủ hẳn. Thấy mình như cùng đang trong một không gian khác, thời gian khác. Mỗi lời ru sẽ có một giọng trữ tình riêng duy nhất theo con đến suốt cuộc đời. 

Vô thức, ta cũng nao nao nghiêng nghiêng trong nhịp điệu ru hời. Những câu lục bát sống dậy, êm đềm lan toả mênh mang. Những gì ta đã từng yêu mến, những gì đã lẫn vào thịt xương tóc da ta nay lại ấm áp xông hương. Ta không tự phán xét nữa, ta chỉ xuôi theo lòng ta vậy.

"À ơi,
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
À ời... "

Những đêm hè oi bức, bà ngoại nằm bên cạnh, chân vắt chữ ngũ, ve vẩy quạt nan và kể câu chuyện đời mình từ xa lắc" "Hồi ấy, khoảng viền tháng chạp tháng giêng...". Bà kể những người không biết chữ nhưng thuộc Kiều, lảy Kiều làu làu trong làng trong xã. Bà cũng thế, cũng thuộc cả hơn ba ngàn câu Kiều có lẻ. Để đứa trẻ lên chín lên mười lén lấy Truyện Kiều của bà ra học thuộc.

"À ơi,
Em đừng khóc nữa em ơi
Dù sao thì sự đã rồi nghe em

À ời...
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa..."

Dẫu là cả khinh bạc chao chát "Chị ơi em cưới mùa xuân nhé/ Em uống cho say đến não nề" cũng mềm dịu đi trong điệu ru hời. Ru đấy mà nhớ đấy. Mà không, là mơ thôi.

Bao đời bao kiếp rồi, giọng hát ru cũng được truyền riêng trong từng gia tộc như vậy. Quyện vào nhau, là Kinh Bắc hay Long Thành, là Quỳnh Côi hay Tiên Điền cố quận?

Cũng là quê hương mỗi kiếp người một miền vô định xứ.

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

Để dành

Trích: "Công ty anh có một đứa chuyên ném đá giấu tay. Anh báo cáo GĐ đề nghị đuổi việc nó, GĐ bảo - để dành lúc nào cần ném đá thì nhờ nó"

-----------------

Chuyển từ facebook về lấp chỗ trống.

Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

Ma nhập


"Hồi đó (mấy chục năm rồi ), tao đang làm công trình. Trong đội có một thằng, trước đi lính bên Campuchia miết mới về. Thằng này bình thường cũng bạo tợn lắm, nhưng mà hay bị ma nhập. Mỗi lần nó bị là mặt mũi đỏ sung lên, lông tóc dựng đứng, mắt trợn trừng, lay cách mấy cũng không được. Tao phải dặn tụi nó canh chừng, chỉ sợ hắn đang leo giàn dáo mà dính thì tội.

Có một lần nó bị mà tao sợ, nhớ đến giờ. Hôm đó nghỉ trưa xong, tầm 1 giờ, thằng thầy cai sai nó trèo lên xem trước cái mái chuẩn bị lợp. Nó leo lên đến đầu tường thì tự nhiên đứng im luôn. Mắt nó trố ra. Mình đứng ở dưới mà cũng nhìn rõ lông tóc nó dựng đứng. Gọi cách mấy nó cũng không thưa.

Tao bảo thằng thầy cai trèo lên đỡ nó xuống. Thằng này leo lên đến đầu tường, được một khúc tự nhiên cũng đứng chết ngắc, mặt dại tái. Bọn tao đứng dưới sợ đơ người, không dám gọi nữa chỉ đứng nhìn. Suốt phải đến 15-20 phút, hai thằng nó cứ đứng chết dại giữa trời nắng vậy. Báo hại bên dưới mọi người cũng phải đứng canh. Cũng không đứa nào dám leo lên nữa.

Rồi mãi sau một lúc, cả hai thằng mới từ từ rùn người, lom khom im lặng trèo xuống. Cả đám xúm vào hỏi thăm. Trời đất, chúng nó kể nhà bên có đứa con gái trẻ, trời nóng quá nó cởi truồng, hai thằng đứng xem trộm, không dám ho he. Cha nó chứ, biết thế tao cũng trèo lên sớm."
-----------

Chuyện này nghe kể trong lúc nhậu. Cái giọng Sài Gòn chất chưởng với lại ngắt ngứ lên xuống giọng không bắt chước lại được.

Tập làm văn cuối năm

Tổng kết năm 2010, tôi không cảm thấy hài lòng với mình: tính thủ tiêu bản ngã ai dè lại đánh mất nó.
 

Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010

Sách sạch sành sanh 2010

Mưỡu

Chủ đề là sách các kiểu.
Thể loại là phát biểu cảm tưởng.
Bản chất là đua đòi.
Toan tính là câu pageview và comment.
Sự thực là có lên gân vì trong lòng trống trải quá :))

Sách mua gần đây nhưng chưa biết bao giờ đọc: hầu như toàn sách của Nhã Nam, do ảnh hướng xấu của internet :P

- Dưới bóng những cô gái tuổi hoa. M.Proust.
- Sa mạc. Le Clézid.
- Bay trên tổ chim cúc cu. Ken Kesey: mua vì bộ phim đã xem. Thực lòng muốn giữ nguyên cảm xúc của phim nên không muốn xem mới ngược đời chứ!
- Những mối tình nực cười. M. Kundera
- Bốn mùa, trời và đất. Márai Sandor: lướt qua hứa hẹn dễ đọc. Có điều chắc không biết được bao lâu và có kết thúc được không với kiểu từng đoạn lụn vụn này.
- Đầu óc người Ý. Beppe Severgnini: do ấn tượng quá tốt với Nam tước trên cây và mong muốn biết thêm về người Ý :)
- ...Khoảng vài ngần ấy nữa sách văn học thời trang Nhã Nam và các người bạn.

Sách đọc dang dở và sách đã đọc lại.

- Những huyền thoại. Roland Barthes. Một mẫu hay. Cuốn này đọc xuyên táo từ 2009 và thỉnh thoảng vẫn muốn đọc lại. Có cảm tưởng nếu từ bỏ lập trường chính trị phê phán thiên tả của R.B thì sẽ giảm nửa tính hấp dẫn báo chí :P
- Istanbul. O.P. Đã nhắc đến, đã đọc lượt nhưng không thấy ngấm ngáp gì. Chắc là vì sai điểm rơi cuộc đời :D
- Lại chơi với lửa. L.L. Đọc rành mạch được 02 truyện ngắn đầu tiên. Tôi thấy ảnh hưởng của Kafka.
- Vô tri. M.K. Đọc loáng thoáng cả quyển. Không (muốn) bắt được sóng.
- Nam tước trên cây. Hay. Một phần vì đúng thời điểm. Muốn tìm thêm về tác giả này.
- S.E cuộc đời và tác phẩm. Đã nhắc đến, nhớ 2 câu.
- Cuốn sách và tôi. Vương Hồng Sển. Đọc 1 lèo như đọc truyện chưởng. Giống cuốn gì về Biệt động Sài gòn.
- Giáo trình lịch sử nghệ thuật. Đọc 2 lèo 2 tập. Thỉnh thoảng cần học lại :)
- Loài tinh tinh thứ 3. Đã đọc 2 lần và hứa review mà chưa làm.Đặc trưng của các nhà sinh học tiến hoá là họ lý luận theo kiểu quy nạp với loại suy nhiều. Hấp dẫn nhưng nên cảnh giác!
- Phong thuỷ cổ đại TQ - Lý luận và thực tiễn. Cuốn sách khác biệt nhất so với các loại cẩm nang bí truyền còn lại. Nên đọc dù ít cái mới.
- Lịch sử Trung Đông 2000 năm trở lại đây. Đọc vèo, nhưng mình không hạp tạng nền văn hoá này lắm.
- Ngôn ngữ cơ thể. Có mấy phân tích rất hay về đọc ngôn ngữ hình thể để đoán định tâm lý người đối diện.
- 400 năm lịch sử thiên văn học và mấy cuốn thiên văn học, vật lý của Trịnh Xuân Thuận: kết luận là không nên mua nếu muốn tìm điều gì mới. Cùng kiểu này là cuốn gì về vật lý lượng tử của 1 em trẻ măng người Đức, cuốn về Einstein...
- Vật lý và triết học. Heisenberg. Nếu đọc đối chiếu với cuốn "Vật lý tiến hoá luận" của Einstein và L.Infeld (sách An Tiêm năm 1974) về việc đảo ngược những định kiến ngôn ngữ có nhiều diễn giải rất minh bạch.
- Mấy cuốn của Eckhart Tolle không hiểu sao chỉ đọc được 1 phần là dừng lại. Có thể vì tâm lý không muốn đọc suông mà cũng chẳng thực hành một nỗ lực nào :(

Trong list trên có đến 4-5 cuốn được giải quyết gọn ghẽ trong mấy ngày ốm nằm dưỡng già :D

Sách muốn đọc nhưng chưa bao giờ bắt đầu tử tế :(

- Thế mà là nghệ thuật ư?
- Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật.
- A.R.G: Sự thật và diễn giải.
- Vượn trần trụi.

Sách luôn muốn đọc lại mà chưa đọc được vì thiếu cái bàn viết (@aka Adít nê din)

- Các cuốn của F.Jullien và E.Fromme.
- Cuốn Cách viết kịch bản phim ngắn của Jean-Marc RUDNICKI. Không phải tôi muốn chuyển nghề nhưng đặc biệt muốn rút ra từ đặc trưng thể loại này cái cơ chế thao túng tâm lý chúng ta khi đọc sách xem phim: tôi coi đó không phải là fact mà là một vấn đề cần giải quyết.

Sách mua được và thấy thích vì mua được

- Sách ảnh Bùi Xuân Phái. Cứ nhìn thấy mấy cuốn sách này là lại chỉ muốn tậu lại ngay 1 cái giá vẽ nhưng nhà chật quá :P


Mưỡu hậu

Ngoài ra tôi còn đọc nhiều sách GIÁ TRỊ và mua NHIỀU sách khác lắm cơ các bác ạ. Cuối năm rồi chúng mình có nên phát động phong trào giao lưu trao đổi và thanh lọc danh mục không nhỉ???

P/s: tô đỏ là high recommend, có bảo chứng.
 

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Sênh phách

Cuối năm rét ngọt, ngồi trong phòng kín lướt web, nhâm nhi cafe ngon, lại nhớ sênh phách.

Tự cổ sầu chung kiếp xướng ca
Mênh mang trời đất vẫn không nhà
        Người ơi ! Mưa đấy hay sênh phách
Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa.

(Sầu Chung - Trần Huyền Trân)


Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Yên ba thâm xứ hữu hư châu
Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu
Đem mộng sự đọ với chân thân thì cũng mệt
Duy giang thượng chi thanh phong, dữ sơn gian chi minh nguyệt
Kho trời chung và vô tận của mình riêng
Cuộc vuông tròn phó mặc khuôn thiêng
Ai thành thị mặc ai miền lâm tẩu
Gõ dịp lấy đọc câu Tương Tiến Tửu
Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai
Làm chi cho mệt một đời.


(Cao Bá Quát)

Nghệ thuật sắp đặt

Bạn Auco Gallery đang triển lãm "Light-Phan Phuong Dong" (nguyên bản tiếng Tây nó thế). Trong bài giới thiệu của trang có vẻ còn sót một ý: người xem sẽ góp thêm những bóng đổ của chính mình vào triển lãm.

Ảnh bác được đưa lên ban thờ gia đình trên gác thượng. Tôi lên thắp hương rồi đứng vơ vẩn. Tình cờ chiếc hương án vừa dọn cũng được xếp ở một góc, ngẫu nhiên ngay bên trên là chiếc gương cũ, loại trong phòng tắm. Tôi đứng đó, ngó trân trân vào trong gương với một ý nghĩ: không thể nào có một ý tưởng sắp đặt khác hay hơn điều này nữa.

Mẹ quá hiển nhiên

14/12 là sinh nhật Gấu, nhưng vì bố đi công tác nên đã tổ chức giao lưu với các bạn gái trước rồi. Có điều đáng tiếc là việc này việc kia lỡ mất không có bài diễn văn long trọng nào được đăng cả. Bây giờ muốn viết thì chỉ còn mỗi điều này: có con làm tôi hay nghĩ về quan hệ của mình với bố mẹ. Mỗi lần nằm ốm nghĩ ngợi lung tung, chợt nghĩ mình ít viết trực tiếp về tình cảm gia đình. Một mặt thì e ngại lời nói vượt quá việc làm. Mặt kia thì lại nghĩ cần phải dành nhiều hơn những việc cụ thể, những lời tốt đẹp cho người thân mỗi khi có thể. Người đầu tiên tôi nghĩ đến thường là mẹ. Nhưng rồi lại loay hoay chẳng viết được gì ngoài một điều: mẹ quá hiển nhiên.

Nói chuyện khác, con gái quý cha con giai quý mẹ là đúc kết dân gian. Giờ mình làm bố mình càng thấy đúng là chỉ dám ăn bòn tý tình yêu ban phát của anh Gấu. Anh í thiên vị ra mặt. Haizz...

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

những mảnh tâm thái

1.
Những khi được lựa chọn, không bao giờ tôi muốn ngồi ở một nhà hàng có "nhạc sống", kể cả dẫu chỉ là một nhạc cụ độc tấu. Một cách chủ quan tôi muốn mọi thứ hãy đơn thuần là chính nó, trong chính nó. Ăn thì hãy ăn, nghe thì hãy nghe nhưng phải toàn vẹn. Do vậy, trình diễn là trong chính mình và vì chính mình trước hết.

Nhưng rồi tôi nhận ra nếu cuộc đời là những mảnh vụn thì điều đó không đúng lắm. Hay sát nghĩa hơn là không có đúng sai ở đây. Hoàn cảnh bây giờ là vậy, không còn niềm tin lớn và ý nghĩa lớn, chúng ta tìm cách hài hòa với những mảnh vụn; trong từng mảnh và trong chính sự vụn vặt chồng lớp ngổn ngang này. Trong khoảnh khắc, người hát lãng quên mình và người nghe lãng quên mình. Lãng quên mà vẫn biết chuyện trước chuyện sau. Trước là ăn uống. Sau là thưởng tiền. Khác biệt bây giờ có lẽ là ta ít còn nhìn vào mắt nhau.

2.
Luc Estang, tôi cũng chẳng biết ông này là ai, nhưng hẳn là một fan của Saint-Exupéry vì đã viết cuốn sách "S.E cuộc đời và tác phẩm". Đó chỉ là những ghi chép với nhiều mảnh vụn. Một bản dịch không tốt lắm thì phải. Nhưng tôi kịp nhớ một hai nhận xét quan trọng: "Tôi có cảm tưởng ông ta muốn mời gọi sự tin cậy nhưng đồng thời tự hỏi chính mình có thể tin cậy được hay không"; và " (về sức quyến dụ do "khả năng chi phối con người" và nhờ vào "tài chiêm đoán" từ trực giác tâm lý) Nó cho phép ta sống chân thực với từng người theo sự thật của người đó". Tôi nghĩ là mình biết về điều mà L.E đã nói đến là như thế nào.

3.
A.Camus, Carnets: "Gã không ngủ với cô gái giang hồ nọ đã tới bên gã mà gùn ghè, và làm cho gã thèm muốn, ấy bởi vì trong túi gã chỉ có độc nhất một tấm giấy bạc một ngàn phật lăng, và gã biết rằng mình sẽ không dám và không nỡ bảo cô gái giang hồ thối lại bạc nhỏ cho mình" (B.G dịch).

4.
Bùi Giáng có một diễn đạt rất hay rằng đọc Truyện Kiều là đọc giọng kể lể chuyện nhân gian của Nguyễn Du chứ không phải chuyện cô Kiều đúng hay sai ra sao. Không phải lời văn mà là giọng nói của một tấm lòng. Đọc "Long thành cầm giả ca" cũng là nên đọc bằng tấm lòng ấy. Chuyện cô Cầm chẳng có gì hay. Chuyện đời Tố Như cũng vầy vậy. Chỉ có tâm thái ấy là thật. Cứ ở trong sách mà tư lường mà chiêm nghiệm. Đời rốt ra chỉ như những mảnh vụn mà thôi.

5.
Cháu biết những chén rượu không hạn kỳ của bác. Cũng biết chuyện khôn dại ở đời. Biết chuyện ngậm ngùi khôn nỗi thưa thốt. Biết có bản nhạc sẽ mãi mãi là dang dở. Thôi, chẳng thà cứ say như thế, chẳng cần gì thì sẽ chẳng mất gì. Cái tình của Cầm nương, nếu có thì cũng đành khi phụ mà thôi. Phong vận kỳ oan ngã tự cư. Cũng là một nòi, một giọng. Chuyện khắc cây đặt cỏ đâu chỉ là chuyện ngày xưa.

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

Dạo khúc 73 - Nguyễn Quang Tấn

Im tiếng quân reo - dưới cờ rách rưới
Cờ bay
Trận đánh tàn rồi

Khi mẹ gầy gò - ôm con xanh xao - đi tìm nấm mộ
Tìm một linh hồn
Dưới cờ rách rưới
Con cóc lặng thầm nhảy xuống hoàng hôn.

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

Dạo khúc 27 - Nguyễn Quang Tấn

Ở chỗ mà chúng ta buông tay rơi vỡ chiếc bình
Long lanh giọt nước tình duyên
...Nơi đó sau này thành sông thành biển
Ai đã chèo thuyền vào cõi vô biên.

Ở chỗ mà hương thơm của làn hơi thở
Làm nở bừng tất cả những bông hoa
Chiều nay là mây viễn xứ
Một mai là gió giang hà.

Ở chỗ mà chiếc chìa khóa vàng
Rơi từ đỉnh tháp xuống mù tăm
Tôi một mình cúi xuống
Từ vực sâu lời gọi âm thầm.

Ở chỗ mà chúng ta buông tay rơi vỡ chiếc bình
Long lanh giọt nước tình duyên
Nơi này thành sông thành biển ...

Nơi này anh đã yêu em.


---------------
Lang thang facebook nhặt từ blog bạn Khương Hà.

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

Nửa bài "Bán bán ca" của Lý Mật Am (Nguyễn Hiến Lê dịch)

...

Tôi đã thấy già nửa kiếp phù sinh này rồi

Chữ "nửa" đó có công dụng vô biên

Có hưởng nửa tuổi trời rồi mới cảm được hết cái vui nhàn nhã

Có vườn tược ở nửa đường lên núi, nửa đường xuống sông

Nửa đọc sách, nửa làm ruộng, nửa buôn bán

Nửa là kẻ sỹ nửa bình dân

Đồ dùng nửa nhã nửa thô

Nhà nửa đẹp nửa xấu

Quần áo nửa mới nửa cũ

Thức ăn nửa phong nửa kiệm

Vợ nửa chất phác nửa khôn lanh

Tên tuổi nửa vinh hiển nửa tối tăm

Uống rượu nửa say mới ngon

Ngắm hoa bán khai mới đẹp

Thuyền giương nửa buồm mới khỏi lật

Cuộc đời trăm năm nửa vui nửa khổ

Thì hưởng một nửa là thích đáng hơn cả...
...


Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Không buồn không vui, sống lui cui

Tối qua nhảm trên facebook. Gặp chị HY nên đâm ra chuyển sang chủ đề viết có vần :P Lúc đầu làm theo kiểu Yết hậu, nó ra thế này:

Không buồn không vui
Sống cứ lui cui
Tiến tiến lui lui
Cùi!

Lúc viết từ "lui cui" là viết tràn, còn tưởng mình bịa ra nữa. Nhưng check lại thì đúng là lúi húi lui cui thật. Xong mình cứ tới tới lui lui đến lúc đi ngủ, ngủ gần say thì trong mơ nghĩ ra bài này:

Không buồn không vui
Lúi húi lui cui
Sống xong thì chết
Hết sạch như chùi.


Kết thế này mới cứng cáp sạch sẽ chứ các bác nhẩy.

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Những mũi kim khâu

Tôi thường hay đi công tác xa theo kiểu tận dụng, tức là cả đi và về sẽ thường vào buổi tối, đôi khi là sáng sớm. Cảm giác đi xuyên qua thành phố buổi đêm là một cảm giác rất cá biệt. Cảm giác rất rõ giới hạn của thành phố. Cảm giác rất rõ một thành phố mình vừa đi qua. Mình như thấy hiểu hơn về nơi thực ra mình chỉ vừa mới rời đi.

Do công việc, hai năm trở lại đây tôi thường đi Sài Gòn hằng tháng. Nhưng chưa thể coi là đã đến thành phố này bất kể những ảnh hưởng của sách SG đã cho tôi cả một ký ức ảo. Tôi thích đến một nơi khác bằng điệu bộ la cà trong những ngày tháng vô tích sự chứ không phải kiểu tất bật tranh thủ đo đếm nơi này chốn nọ để cho có chuyện kể. Trong tâm thế khách lạ, ta vẫn có thể nói đôi điều gì đó rất chi là chủ quan về thành phố: cảm giác mọi thứ đều chuyển động, đều cố gắng, nhưng ít bận tâm.

Chưa kịp nhận ra thì đã rời đi. Trong khi rời đi lại nhận ra một điều gì đó. Tự nhiên thích nghĩ đến hình ảnh so sánh của Nguyễn Bình Phương trong Trí Nhớ Suy Tàn: đoàn tàu chạy qua khỏi thành phố như những mũi kim khâu đi khâu lại những mảnh không gian.

Nếu đi đủ thường xuyên sẽ nhận ra bầu trời của những chuyến bay giữa SG-HN hóa ra chật hẹp rất buồn cười: chừng đó con người, đại khái chừng đó câu chuyện. Nếu những chuyến tàu là những mũi kim khâu thì có lẽ những chuyến bay chỉ vừa đủ giống như những vệt hồ dán để dán những thành phố ý niệm của mỗi chúng ta.

Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

Tra từ điển

Từ lâu đã phát hiện ra việc có từ điển Tiếng Việt là một việc hay ho. Thỉnh thoảng có thể tra một từ để bắt đầu một suy nghĩ. Ví dụ như mãi hôm qua mới phát hiện ra từ "ghét" nó là cảm giác khó chịu khi thấy mặt đối tượng và thường thấy hài lòng khi đối tượng gặp điều không hay! Èo, nên hạn chế dùng từ này nếu nó lại nhỏ nhen thế.

Hoặc như mục từ "bạn" có cái ý hay là bạn thì coi nhau ngang hàng và có quan hệ. Lại tra "quan hệ" thì ra cái ý là có mối liên hệ, kiểu cùng bị tác động...Haizz, mai về quê họp lớp cấp 3, các bạn giai thì mình vẫn giữ được mối quan hệ bằng bia và rượu cùng chém gió; chứ các bạn nữ thì đã lâu rồi không quan hệ gì. Giờ làm sao giữ được tình bạn đây ta?

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

Tri kỷ. Tri âm.

1.
Trẻ kể bạn bây giờ hết buổi đi làm, ăn tối xong thì về phòng đọc sách. Thỉnh thoảng có ra ngoài thì cũng chỉ dẫn cháu đi chơi. Làm mình không khỏi nghĩ đến cái câu gì mà ngày xưa chị bán sách có in kèm trên danh thiếp cửa hàng. Đại khái là đọc sách có liên quan đến khí chất.

Thật là khí chất cũng thay đổi dần ư?

2.
Người xưa có câu "Tri âm dễ kiếm, tri kỷ khó tìm". Tôi thấy không hẳn vậy. Dễ hay khó là do cách định nghĩa.

Tri kỷ, nếu hiểu là người biết mình theo kiểu mình nghĩ gì, muốn gì, sẽ nói gì, làm gì...trong từng tình huống hằng ngày thì thực ra cũng không phải là hiếm. Bố mẹ, anh chị em thường thì cũng biết. Bạn bè học với nhau từ bé lâu ngày cũng thường là biết. Vợ chồng cả yêu cả cưới mà cứ tầm gần chục năm thì đến hắt hơi cũng có thể đoán trước được.

Tri âm thì là do tích Bá Nha-Tử Kỳ. Thường được hiểu theo lối giao tình đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu (trong một bộ môn nghệ thuật nào đó). Nghệ thuật là bộ môn của đào luyện và trải nghiệm. Có được người chia sẻ từ trong trải nghiệm và tâm tình thì bảo sao không quý. Tức là có thể không cần biết nhau chân tơ kẽ tóc hốc mũi, chỉ cần tương hợp ở một tiếng đàn, một câu vọng cổ...là có thể lập giao tình, bày chiếu nhậu được rồi.

Nhưng đã dẫn tích mà không xét đến bối cảnh của cách hành văn cổ thì e là oan cho 2 chữ tri kỷ. Kiểu như bây giờ tra trong Sử Ký thể nào chẳng có những câu "Y thực biết ta". Tri kỷ không chỉ là nghĩa đen, tuy không có một điển tích nào cụ thể nhưng hàm ý của nó trong văn xưa là rất rộng, cơ hồ bao hàm cả tri âm. Ở đây chỉ là giả vờ biện bác để làm mới câu chữ một phen. Trí Bá biết Dự Nhượng, Khánh Kỵ biết Yêu Ly: biết như vậy còn khốc liệt hơn vạn lần cái biết tri âm ấy chứ!


Từ chỗ nhìn của tôi thì tự biết mình là một vấn đề hầu như từ vạn cổ đã là không thể nào minh định nổi: tự biết mình cũng như kiến tính thành Phật. Chư Tổ mà hỏi cái bản lai diện mục của mình thì nhân gian nói trúng thế quái nào được. Biết mình đã bấp bênh đến vậy thì mỗi lần nhận một ai đó "biết ta" chỉ e rằng đó lại là đạo cao một thước ma cao một trượng mà thôi. Tri kỷ rốt cục là một đôi ngạ quỷ thất thểu dưới chân cầu Nại Hà vạn năm.

Chữ "Chí"  có chữ Tâm và chữ Sĩ: nơi để tâm vào đấy gọi là chí. Sĩ là người có học, có nghiên cứu học vấn hoặc là có tư cách như người có học. Vậy phải coi cái nơi để tâm ấy là của cái tâm đã đào luyện và trải nghiệm theo một chiều hướng xác định từ lâu - một đạo lý, một con đường. Đạo chính là dưới bước chân ta.

Tư Mã Thiên khi chép về Khổng Tử có dẫn Kinh Thi (*):

Núi cao ta trông, đường rộng ta đi.
Tuy chưa đến đích, nhưng lòng hướng về.

Hai câu này thực ra chính là ý bàn của Khổng Tử trong Kinh Thi. "Đích" thực ra không tách khỏi mối tương liên "lòng hướng về" - tức là nơi kẻ sĩ để tâm. Quy trở lại một lần nữa với "tri âm", nếu nhìn từ góc độ này thì tâm thế của tri âm không đơn thuần chỉ là chuyện "úy, bản này em cũng thik, thường nghe suốt..." mà là cách tâm chí mượn chỗ, phương tiện mà tương ngộ.

Nguy nguy hồ, chí tại cao sơn
Dương dương hồ, chí tại lưu thủy

Bá Nha kia chắc cũng chỉ biết kể lại đến thế thôi. Nhưng hẳn bọn người đời bàn loạn quá nên tức đập đàn cho hết chuyện. Chứ kẻ sĩ coi chết như về, miễn nghe được đạo, lẽ đâu chỉ vì mất ông bạn rượu mà phụ cây đàn, coi đời thế là xong? Ông Bá Nha phải biết lời Thầy Khổng.

Núi cao ta trông, đường rộng ta đi.
Tuy chưa đến đích, nhưng lòng hướng về.


Cái "Lý đương nhiên" nó phải vậy. Ông Tô Đông Pha bảo thế.

-----------------------
(*)- Nhờ bác Đông A mà tôi biết. Nhưng xin bổ sung cái ý câu sau chính là lời bàn của Khổng Tử trong Kinh Thi chứ không phải lời của Tư Mã Thiên.
-----------------------

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Thân tình vong niên

Từ những gì xung quanh mình và cả trên mạng, tôi để ý thấy có một tuýp giao tình có thể gọi là thân tình vong niên ("Bạn vong niên" thì hơi quá và không hẳn là như vậy). Khoảng cách thường là khoảng gần 30 tuổi, tức là tương đương một thế hệ - một 9 giờ sáng một 3 giờ chiều của cuộc đời.

Cũng dễ hiểu tại sao 9-giờ-sáng thường nhanh chóng đặt trọn tin tưởng và thân thiết vào 3-giờ-chiều: đó là từ nhu cầu phóng chiếu vào tương lai ở chừng độ còn có thể hiểu được. Thường thì 3-giờ-chiều, một cách không cố ý, sẽ thân thiện, tương đối cởi mở và độ lượng trong tương quan này. Không còn trẻ nữa thường kín đáo nuôi một hy vọng sẽ được trao y bát mật nghĩa cuộc đời từ đã toan già. Quả tình, hy vọng kín đáo này cũng thường được nâng đỡ từ một khoảng cách uyển chuyển.

Vào lúc 3 giờ chiều tôi thường cảm thấy rất khó xử: làm việc thì sẽ rất hiệu quả cho đến khoảng 8 giờ tối; đi chơi sẽ rất thảnh thơi rộng rãi. Ở giữa hai lựa chọn thực tế đa số lần lại làm mình thấy cô độc. Thật hay nếu ngẫu nhiên được rủ đi uống cafe vào những lúc như vậy. Vừa đẹp.

Từ bên trong

Mỗi dòng ngắn ngủi đều tự tại trong thinh không
Yên tĩnh, khép kín như thể đã thản nhiên.

Nếu sự im lặng đã cũng được thưởng thức như một phẩm chất
Thì ai là người sẽ ra đi trong thế giới blog này?

Điều đó chỉ hé lộ trong khoảnh khắc
Cũng đủ để chúng ta nói mãi với nhau về những di âm bất tận.

Nếu thực ra chúng ta chưa hề nói với nhau về điều đó
Thì ai là người sẽ ra đi trong thế giới này?

viết cho 1 người bạn blog

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010

và không được đọc kỹ

Có những đêm khuya không muốn ngủ, tôi trở dậy, sục sạo trong chính ngôi nhà của mình như chó đói lục cơm nguội, tìm kiếm một cách tuyệt vọng một cuốn sách nào đó có khả năng đã bị quên lãng; thậm chí chỉ cần là một ghi chép vụn vặt từ những ngày trước kia-từ hồi còn chưa có thói quen lên internet-cầu may chạm được lại một điều gì thâm thiết giờ đã khô kiệt không khốc ngay cả trước một đêm không muốn ngủ.

Tập thơ mới của LQV được trình bày đẹp, nhưng những trang bản thảo đính kèm phản bội nó bằng những chữ không viết hoa, những chỗ bôi đen cho kiệt nét sai lầm; cả bằng cách viết nắn nót-cách của việc chép lại để dành in; và đáng tiếc nhất là lối minh họa chẳng còn để cho thơ một chút dư vị gì của một không gì hơn chỉ là những khuynh hướng mơ hồ và nhất thiết không nên rạch ròi đến thế.

Con chỉ hình bìa sách hỏi "Ông gì đây?" và "Bố đọc ông Lê đi!" - thằng bé gần 3 tuổi thì biết gì đến một câu dài quá chục từ mà mình thận trọng đọc cho nó nghe đoạn đám ma mẹ ông Lê thiếu mất ba gậy; để mà mình nghe nghèn nghẹn không đâu chuyện bốn mươi năm sau thì mất dấu mộ người thân trong lúc thằng bé gần 3 tuổi chỉ cốt được dựa vào lòng cùng chơi một trò chơi với_nhau trước lúc đi ngủ rồi thấy cuốn hồi ký ở đó vì lúc nãy mình đọc thấy trên mạng bài của ĐHN nhớ NHL - thành thực; và cảm động chuyện người già xa quê nhớ Hà Nội mấy mươi năm dâu bể đổi thay như mây khói-vạn sự vân yên hốt quá, đâu đâu chẳng là khói sương mê?

Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

Nhân duyên sinh



1. Tốt Khốc.
Cháu hơn hai mươi thì bác đà sáu mươi. Sự tự tại ở đời của bác dạy cháu làm người cứng cáp từ ngày ấy. Biết tự trọng, biết làm việc và đã rong chơi hào sảng.
Cháu sẽ nhớ những lần dọc ngang đất nước cùng bác. Những chuyến tàu đêm và những ván cờ trong các ga xép lúc chờ tàu năm nào.
Bọn cháu từng nói chuyện với nhau và đều nhận rõ qua cách cư xử, bác dạy chúng cháu biết tôn trọng, quan tâm và nâng đỡ từ những người bất kỳ xung quanh ta. Theo được tài năng của bác đã khó, theo được đức độ lượng của bác thì cũng đủ để suốt cuộc đời chúng cháu gian nan tự răn mình.
Cháu hiểu xuất xử của bác mà chưa làm được như bác. Nhờ bác cháu thấy xuất xử của mình không lơ láo trong đời.
Cháu ngày càng thấm thía những điều không thể nói, không thể sẻ chia trong những nghiệm sinh riêng tư. Tự mình mình biết tự mình mình hay. Mất đi một người mà mình tin là họ cũng cảm nhận được điều đó trong ta là gần như mất đi tất cả những gì mình coi trọng.
Cháu đã đọc cuốn sách ấy rồi. Niềm an ủi là bác đã thích cuốn sách cuối cùng cháu tặng bác. Cháu tin nó đã an ủi bác rất nhiều. Có lẽ không gì dành cho bác hợp hơn những dòng bi minh đó:

Sống trên cây
Luôn yêu thương quả đất
Bay về trời...

Một lần nữa bác lại khiến cháu thấy mình phải đối diện với câu hỏi về cuộc đời mình, nguyên vẹn như những năm tháng tuổi hai mươi kia.


2.

Nhờ có GA, tôi có thể biết được những entry nào hay được mọi người đọc lại. Với tôi khi tham gia blog, được đọc lại là điều quan trọng nhất. Vậy nên tôi cũng cảm thấy những hoang phí blogging của mình không phải là quá hoang đường ảo huyễn. Vì có những tiếng lòng dội lại trong nhau đâu đó. Cảm ơn các bạn đã ghé thăm và nhắc nhở. Tôi sẽ vẫn giữ blog-mối nhân duyên này, có lẽ sẽ hoang tàng dần, vì tôi cũng nghĩ "khi không thể nói về điều gì thì cần phải im lặng".

TungH

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2010

Tản Đà

1.
Tản Đà thuộc về 1 thời khác, tâm thế có vẻ cũng khác, nên tôi không thuộc nhiều thơ ông, ngoại trừ bản dịch bài Hoàng Hạc Lâu và vài câu thơ lẻ khác. Còn nhớ hình như (Thi nhân Việt Nam?) có người khen 2 câu thơ

"Tài cao phận thấp chí khí uất
Giang hồ mê chơi quên quê hương"

trong bài "Thăm mả cũ bên đường" hay quán cổ kim hoặc đại loại vậy. Chắc không ít người cũng khen như thế. Nhưng tôi hồi đó không thấy có cảm giác đặc biệt. Thâm tâm tôi không thích những bài thơ viết đều đều theo khổ như thế, lại thấy những phận người nêu lên ước lệ quá, thành ra chết thì thôi chứ có gì đâu - nhất là những kẻ chen hội công danh. Đương khi thiếu niên, tôi còn thích những tứ thơ về phận người như của Vũ Hoàng Chương hơn (dù lủng củng) :

Kiếp trước hoa là nàng thiếu nữ
Sống kiếp vạn người thương
Chết vô duyên vùi xác bên đường vắng
Một nấm đất vàng
lạnh lùng canh vắng
Lúc đêm trường
thoảng mùi hương.


Như 2 câu thơ của Tản Đà, có hay là hay ở kỹ thuật sử dụng bằng trắc, âm điệu mà thôi. Tôi lúc đó nghĩ vậy, thấy vậy.

2.
Nhưng trong một khắc, một tâm cảnh, khi đang đi trên đường, tôi hoát nhiên thấy gai người vì mấy chữ đó:

giang hồ mê chơi quên quê hương

Không cần gán ghép ý nghĩa, chỉ là cảm giác liên tưởng về hình ảnh và âm vận. Trong khoảnh khắc, đường biên của không gian cảm nghiệm trải rộng khắp, tràn ngập âm điệu trầm thản đãng của điệu đàn cổ. Hề vực sâu. Hề núi thẳm. Vọng sông hồ. Nhớ giang hà tịch mịch, một mảnh thuyền nan trên sông La nghe câu hò cổ. Là quê hương. Là hương quan hà xứ thị. Bây giờ đâu?

Những khúc khuỷu hùng vĩ, những gập ghềnh trác việt. Băng qua. Đã băng băng qua đầy hào khí.

Bây giờ tịch mịch mãn thái không. Như sương lên thăm thẳm, như gió lộng ngang chiều, như nắng mùa hè rộng rãi, một lưng trời mây trắng bay...Bây giờ đâu.

3.
Người đương thời có thể cho Tản Đà cũng nòi tài cao phận thấp chí khí uất, nhưng kẻ hậu sinh như tôi nhận rằng chỉ một câu thôi cũng đủ đạt cảnh rồi.

giang hồ mê chơi quên quê hương

Huống hồ:

Ấy thực quê hương con người ta
Dặn bảo trên đường những khách qua:
Có tiếng khóc oe thời có thế,
Trăm năm ai lại biết ai mà?

Chùa Một Cột

1.
Get this widget | Track details | eSnips Social DNA

2.

Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010

Có đường sen nở có lúa đương mùa và rặng nhãn xanh

Hóa ra những người phụ nữ thường còn hay chịu một thiệt thòi này nữa: nhìn người đàn ông của mình ra đi và sống tiếp.

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2010

Xích đạo

1.
Đây đang mùa mưa em ạ. Mưa nhiệt đới ràn rạt như thể những cơn mưa giã bão. Con đường đi lên cao nguyên chạy xuyên qua trong mưa và những vạt cây xanh ngăn ngắt. Những khe lũng len lỏi khuất khúc dưới bóng rừng sẫm tối làm anh nhớ Homo Faber.

2.
Quán cafe ở thành phố nhỏ mà anh đã rời đi, nó giống hệt những Quán cafe khác. Chủ quán lanh lợi và đã từng đi nhiều nơi. Căn phòng phải nhiều ngóc ngách và đồ đạc. Mỗi thứ gợi nhớ 1 vùng đất, 1 liên tưởng. Dường như không cố ý. Quả địa cầu cũ ở góc nhà, con thuyền gỗ lăn lóc trên kệ sách ám bụi. Còn Vespa thì để cạnh bàn cafe sáng. Phải là bàn gỗ mộc, chân cầu kỳ kiểu dân địa phương. Người ta đi cả nửa vòng trái đất, chui vào 1 xó xỉnh và hài lòng với những gì nhìn thấy. Bắt chân lên ghế và lôi 1 cuốn sách mang đi từ nhà ra đọc. Hẳn họ tính sống đến cuối đời với những câu chuyện kể. Những câu chuyện bắt nguồn từ những câu chuyện. Đại tự sự của những quạ biển còn hay hơn nếu buổi sáng bâng quơ có đủ yên tĩnh và mấy vại bia.

3.
Nếu muốn kinh doanh tốt, hãy đóng tròn vai một cá tính. Cũng cần đủ phổ quát để người lạ hiểu: là anh đó. Cậu bồi bàn nhanh nhẹn quá mức cần thiết. Gã chủ quán biết kể những câu chuyện ngày xưa. Người bán hàng đội mũ bê-rê và có chòm râu đẹp...

Anh thích ông lái taxi biết nhận dạng nhân chủng học hơn cả. Thứ căn cước võ đoán đó làm người ta thấy yên lòng.

Nếu ở hoang mạc, chắc chỉ cần là người thôi cũng đủ. Giờ còn phải giải quyết nốt điều này: đâu mới thực sự là ranh giới của hoang mạc?

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2010

Từ một cửa biển

1.
Nó cũng thường thôi em ạ. Nếu đi xa đây sẽ hóa chân trời. Nhưng điều bình thường này đem lại cho anh những trải nghiệm quan trọng. Anh thực sự thấy chính suy nghĩ của chúng ta mới có thể giới hạn bước chân của chúng ta. Những ngày này anh thường xuyên nghĩ về cuộc sống của chúng mình, rốt cuộc còn có thể có những trải nghiệm gì nữa? Chúng mình có bỏ lỡ điều gì không.

2.
Và niềm tin vào chính mình mới là quan trọng. Nó cho ta nghị lực để làm những việc cần làm, phải làm. Nhưng nếu có thể được, chúng mình hãy bắt đầu bằng cách nghĩ về việc refresh mọi chuyện.

Để vượt qua sóng dữ, người đi biển thường buộc thuyền mình vào một đối trọng bằng một sợi dây dài. Cả 2 cùng lênh đênh và luôn ở về 2 phía của con sóng. Nhờ vậy mà thuyền không bị lật. Đối diện thẳng với con sóng lớn và không bị lật trong phong ba. Anh muốn mình luôn là đối trọng của nhau. Sợi dây dài ta đã sắp sẵn rồi em nhỉ.

3.
Gần sáng rồi. Anh chúc em một bình minh tươi mới.

Ngày giản dị ngày vui độ lượng
Say đắm nhìn
Cuộc đời ghê gớm ta yêu

Thứ Năm, 6 tháng 5, 2010

Không có tựa

1.
Tôi thoáng muốn lục trong trí nhớ, tìm một câu thơ - phải, thơ là phương tiện để chạm đến cái Không có hình dạng - để cảm thấy mình vẫn ổn vào lúc này.

Vì chúng ta đã "tuần dưỡng" nhau nên chúng ta buồn. Ta không khóc con người đó thì ta khóc ai? Thầy Khổng đã từng khóc. Vì chúng ta là người nên chúng ta khóc.

2.
Một nhân cách đáng nhớ, một nhân vị sống_với_ta khiến ta có đủ bằng chứng để sống ở đời. Để đi con đường rốt ráo cũng chỉ mình ta sẽ đi.

3.
Nhưng có thực thế không khi nói đến một mình? (Anh hãy để tôi đến một mình và ra đi một mình./Để tôi nói cho anh nghe một bí mật: không có ai đến một mình và cũng không có ai ra đi một mình cả.).

4.
Tôi không viết về nhà thơ HC.

5.
Không có cái không có. Có cái Có.

Thứ Năm, 29 tháng 4, 2010

Bài hát người Tạng

1.
Con phải thành danh
Rượu uống phải say
Say rồi nói chuyện
Nói lời hay.

2.
Chưởng Cổ Long.

Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

Thuốc diệt chuột Hoàng Tiến

1.
Anh HT này nổi tiếng không phải vì tôi đã có hân hạnh sử dụng sản phẩm của anh (tất nhiên càng không phải cho tôi, lol) mà vì tiếng rao trứ danh về nó trên các gác-ba-ga những chiếc xe đạp cũ. Không rõ là ở đây bao nhiêu trong mấy chục bác theo rõi blog này cũng đồng ý với tôi về anh HT? Vì đa phần các bác xa nước xa non cũng khí lâu :)

2.
Việc tự nhiên mình nhảy bổ đi mua một gói thuốc diệt chuột chỉ vì một tiếng rao thì rất buồn cười. Chứ mình nghe một tiếng rao rồi mình đi mua ngay một cuốn truyện thì mình cũng không ngại bị cười lắm. Nói gì thì nói sách truyện nó giết ta không nhanh như thuốc diệt chuột (xịn).

3.
Chuyến này đã phá mấy cái lệ:
- Vượt cô-ta mua hàng tháng.
- Hạn chế văn chương tăng cường suy luận.
- Chưa xem hàng tị nào đã kết luận.

Lý do sâu xa (trực tiếp là tại giọng rao hàng) thì thế này:
- Đang muốn xả hơi vào cái gì đó không phải nhậu. Một cái gì làm ta chìm lỉm đi và lãng quên. Giống như đọc chuyện chưởng. (Rất tiếc là thời nay chuyện chưởng đã mất gốc đến mức bóng láng và đắt vật, không còn được xuất bản trên tinh thần ba xu nữa!)
- Muốn làm việc gì đó có í nghĩa cho ngày tháng - thứ í nghĩa chỉ phải chi tiền và lên mạng kể lể. (Haizz, câu này viết theo thể tự trào).

Tuy nhiên lướt qua 1 tí tị thì có vẻ tình huống này là hay ho:
- Thích giọng văn (người dịch là chính). (Không liên quan nhưng nhớ vụ mua cuốn "Cô đơn trên mạng" chỉ là vì thấy cái cách mình hay đặt câu ngày trước. Kết quả là đọc được non nửa cuốn).
- Hình như có một anh SV KT muốn bỏ nghề đi làm họa sỹ. Thề với các bác hồi năm thứ nhất tôi đã tính bỏ học thi sang trường kia. Hoặc là đi viết báo (may quá là may). Cũng nhân tiện cảm thấy một cách đọc thành phố mà ở ta đang thiếu. Nhiều lần muốn viết về điều này nhưng chưa ra ngô khoai. Hoặc phê phán hoặc tán tụng, nói về các thành phố của ta hiện nay đều trượt lướt khỏi cái quan trọng. Tinh thần của nơi chốn, ký ức đám đông - trong nghiệm sinh cá nhân/với chiều kích cá nhân. (Ý là như vậy-một thằng bạn tôi hay nói câu này).

Nếu là như vậy, chuyện này sẽ thêm vào cùng những lần ăn may trước: Homo Faber chẳng hạn, hàng nhặt được và tôi rất thích.

P/s: Là đang nói về cuốn thủ đô nước Thổ các bác ạ. Thôi mình đi ngủ sớm và mơ về việc thức khuya đây :P

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

Cốc vũ

Hết Thanh minh.
------
Mưa mùa này gọi là mưa mai.

Một đêm mưa gió lòng mai lạnh
Mai trổ tình hoa để dành hương
Kinh vũ bất tuỳ sơn điểu tán
Ỷ phong như cộng lộ nhân ngôn.
------

Tôi muốn ngủ sớm và thức khuya vì những sớm mai man mát mùi hoa dâu da dọc phố.

Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Chưa ngủ được

1.
Uống nhiều rượu nên khó ngủ các bác ạ. Nàng Bân may áo thì dở nhưng được cái nhiệt tình. Ông trời kia già cả nên lú lẫn, thương nhau gì mà cả vạn năm vẫn ban lạnh thế chứ? Nó chả đang hú hí với nhau từ nghìn năm nay rồi chứ chả. Hà Nội 15 độ. Không biết Bân và chồng chị đang làm gì nữa???

2.
Tôi có cái tệ là mọi thứ hay quy chiếu vào mình. Như khi blogging chẳng hạn, tôi hầu như không bao giờ tưởng tượng xem các bác thế nào, vuông tròn méo mó ra sao...Tôi chỉ quan tâm điều các bác biểu hiện vọng vào tôi ra sao. Vì thú thực từ tôi mà suy, chúng ta lổn nhổn lam nham lắm. Lên blog là cơ hội để dọn dẹp tinh thần, nhiếp dẫn mình chút chút. Rồi ra ta lại sống đời ngổn ngang rứa rứa. Tôi ích kỷ và thiển nghĩ, tôi nghĩ rằng thành anh hùng là tại thằng đằng sau nó ủn mình thôi :P

3.
Vậy nên chẳng có gì lạ nếu một ngày ta lơ ngơ ta hỏi mình: chết mẹ, chả có nhẽ lại cứ thế mà hết đời sao? Cuộc sống cứ veo veo thế nào.

Vậy nên, nếu mà đã bắt đầu nghĩ thì tôi cũng sẽ nghĩ các bác nom dư lào? Vuông hay là tròn. Thon thon hay bèn bẹt...

Do đó, các bác có thể vui lòng mô tả giúp tôi xem tôi bèn bẹt thế nào không ^_^

Mua vui cũng được một vài trống canh :)

Cái nhìn thẳng thắn và trung thực

Nói gì thì nói, những cuốn sách thời thơ ấu đã góp phần đặt dấu ấn đáng kể lên nhân cách chúng ta. Có những câu văn, những ý kiến ảnh hưởng sâu xa lên tâm lý mình. "Cái nhìn thẳng thắn và trung thực" là một trong những vết hằn tâm lý đó với tôi.

Từ lúc đọc cái ý đó, tôi luôn bị ám ảnh bởi quan niệm rằng nếu là người thẳng thắn và trung thực thì anh phải luôn nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Nhưng thực tế thì tôi thường không làm như vậy. Tôi hay nhìn người đối diện theo kiểu bao quát và cảm nhận bằng trực giác. Rồi thì tôi cũng sẽ nhìn vào mắt họ nhưng sẽ căn để họ không nghĩ là mình khiếm nhã. Thành ra luôn thường nghĩ mình có phải thay đổi, có nên cố không? Vì rõ ràng mình có dấu hiệu cảm tính nặng :)

Mặc dù đọc những sách về ngôn ngữ cơ thể, tôi vẫn biết quan niệm đó phụ thuộc vào nền văn hoá. Ví dụ như người Nhật sẽ hay nhìn vào cằm của đối tác vì họ nghĩ nhìn thẳng vào mặt là khiếm nhã. Nhưng thực tế ngay cả ở những nền văn hoá mà mọi người nhìn thẳng vào mắt nhau để chứng tỏ sự thẳng thắn thì họ cũng chỉ giới hạn trong 1-2 giây.

Tất nhiên là vì hồi nhỏ tôi rất muốn làm người trung thực nên mới bị ám ảnh thế :P Việc dùng trực giác để "cảm" nhau tuy có cái dở là dễ chủ quan, nhưng có cái hay là khi cùng một bối cảnh, một không gian văn hoá, không khí giữa hai người đối thoại nó trù mật hơn, vi tế hơn rất nhiều việc nhìn rõ và ngó thẳng.

Có điều trong tôi vẫn thường văng vẳng câu "cái nhìn thẳng thắn và trung thực".
Các bạn bảo tôi có nên thường xuyên nhìn thẳng, nhìn lâu vào mắt người đối thoại không?
Ngay lập tức, tiềm thức của tôi bảo nó hơi kịch. Haizz...

Thứ Tư, 14 tháng 4, 2010

Sa mạc và viễn tượng

1.
Khi bàn về tôn giáo hay triết lý, ngôn từ thể hiện tính hai mặt rất rõ rệt. Bây giờ tôi sẽ thử nói lại, nói ngắn gọn một_cái_ý xem nó có lặp lại được cái gì đó không. (Nhì nhằng, u uẩn, quanh quẩn và nghiệt ngã, oái oăm - chúng ta còn gặp nó còn nhiều).

- Tiền đề của cảm thức tôn giáo là kinh nghiệm. Kinh nghiệm vượt ra khỏi cái ngã mạn nhỏ bé cá nhân. Nhưng ngay sau đó sẽ là thăm thẳm chông gai của lựa chọn thái độ và điều tiết. Không biết tới, không hiểu gì về cái kinh nghiệm đó thì đừng vội bàn về tôn giáo. Nó chệch hướng và không thiết cốt. Nếu định lấy đạo đức để biện minh cho tôn giáo, đó là 1 ý tưởng tốt nhưng cũ rích. Trò chơi chữ này khởi đi tự lâu rồi. Một cuốn sách gần đây nhất, có bản dịch tiếng Việt nói về điều này là "Xác lập cơ sở cho đạo đức-F.Jullien".

- Triết lý tự khởi nguồn từ một nỗi thúc bách tinh thần. Nó không phải sở thích hay ý muốn. Nó PHẢI được thu xếp-một cuộc tàn phá và gầy dựng lại sơn hà đại địa. Mỗi người đều có triết lý nhưng để trở thành triết gia-người suy tưởng-thì cần nhiều hơn là những ý tưởng sơ khởi. Đó cũng là chỗ phân biệt kẻ điên và triết gia. Mỗi tư tưởng có một hệ sinh thái ngôn từ riêng của nó. (Về điều này Phan Huy Đường có một bài đề tựa rất hay cho cuốn "Tư-duy tự_do" của mình). Bàn nghiêm túc về bất cứ chủ đề triết lý nào không khỏi phải tái tạo lại ngôn ngữ, kết quả là phải viết thành 1 cuốn sách! Nên trao đổi chỉ có thể là bàn tán loạn.

2.
Một người điên trong mắt nhà tâm phân học thường khi lại "bình thường" hơn rất nhiều người bình thường chúng ta. Ông BG là một người điên, thường rất nỗ lực diễn giải Albert Camus trên bình diện một người nỗ lực vượt qua cả hư vô chủ nghĩa và nhân bản thuyết.

"Nhân-bản-thuyết không làm phiền bực tôi: trái lại tôi khoan khoái. Nhưng có điều là tôi thấy nó nông cạn-A.C: Carnets".

BG trích M.H (M.H&Vấn đề Hữu Thể):

- Nhưng đâu là chốn hoành hoành của hư vô chủ nghĩa? - Quên lãng Hữu-Thể-Tồn-Lưu và ru rú ở mép rìa hiện sinh động náo - vâng, chính đó là hư vô chủ nghĩa.

- Ngược lại, quyết tâm hướng về Hữu Thể, dấn mình đi cho đến giới hạn của Hư Vô, và tóm thâu luôn cả Hư Vô vào trong vấn đề của Hữu Thể, đó là cái dấn bước đầu tiên, cái bước duy nhất rạt rào, để vượt thoát hư vô thuyết.

- Nhưng cái gì tồn lưu liễu tại, thì thi nhân thiết lập nó ở giữa dòng...

3.
“Tôi muốn thiên hạ phải coi trọng những hoạn nạn của tôi”.

Luôn luôn là như vậy, con người ít khi biết mình là như thế nào lắm. Rớt từ trên trời xuống với một cái máy bay thì chẳng xa xôi gì so với từ một tinh cầu. Phải, hẳn là từ một lần nọ rơi máy bay xuống hoang mạc kia anh mới nhận ra tình trạng của mình, mới ý thức về tinh cầu nội tâm của anh.Sự vụ kia đã thay đổi nhãn giới của anh, khiến anh cao lên một tầng nữa, xa thêm một tầm nữa. Phải, có phải từ đó, anh đã biết, đã gặp một “Hoàng tử bé” - một nhân vị mong manh mà duy nhất không? Cái vụ rớt máy bay trong hoang mạc thì anh đã trở về rồi. Nhưng còn tinh cầu của anh, bây giờ đây, làm sao anh trở lại? Giờ đây anh đã mang đã biết tới một nỗi buồn thật da diết, thật riêng tư-Bây giờ riêng đối diện tôi, còn hai con mắt khóc người một con.


(Sa mạc và viễn tượng - trong một bài viết cũ)


"Bệnh tật là một tu viện có luật tắc riêng, tâm thuật khổ hạnh riêng, những im vắng và những cảm hứng riêng-A.C: Carnets".

Thứ Hai, 12 tháng 4, 2010

Một ngày đẹp trời


1.
Tin hay trong ngày là đã sửa được chế độ Recent Comments để không bỏ lỡ comment muộn của một vài bạn. Cũng ngẫu nhiên trước đó lục lại bài "Nỗi buồn quan họ" mà đọc được comment của 1 bạn ẩn danh để lại. Coi như là có duyên, mong bạn đọc được những dòng này. Ngoài ra không rõ tôi có bỏ lỡ ai không, vì bản thân tôi cũng thường thích viết những comment muộn.



2.
Mới học được mấy chiêu sửa ảnh nhanh.


3.

^^

Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2010

Tôn giáo. Triết lý.

1.
Mở rộng từ comment của bác Kd, tôi lục lại 1 đoạn viết trên blog 360 cũ về những ý niệm của tôi đối với những thứ hết sức đao to búa lớn kia (lol). Sống là đi trên những con đường rừng (lâm đạo - M.H) tìm thuốc chữa bệnh cho chính mình. Không định kiến nhưng có mục đích. Cứu cánh là trải nghiệm. Biểu hiện là sự bình an có thể lan truyền.

2.
Tôn giáo là gì? Bản thân việc sa vào định nghĩa nó sẽ chắc chắn làm tiêu tan đi rất nhiều những giả vấn đề mà ta dự định đưa ra trước đó. Hình như có 1 điểm này mà ngay cả những người tự nhận là đứng trong kinh nghiệm tôn giáo cũng dè dặt khi nói về nó - đó là một dạng kinh nghiệm về cái gì đó toàn thể. Một khát vọng, bức bách, xao xuyến nào đó...Nếu chú mục vào đây thì mọi thứ lại bắt đầu tiêu tán đi đâu hết trọi luôn. Nhưng nó vẫn là thứ dễ dàng nhất để phân biệt người có tôn giáo thực sự với những tình cảm đại trà khác. Chỉ dẫn 1 truyện nhỏ trong Thiền tông - người ta phải 1 mình đối diện với CÁI ĐÓ, vừa đồng thời ở trong 1 dòng chảy vừa đồng thời phủ nhận tất cả những bấu víu đồng đảng. Vậy chớ việc gom họ vào 1 rọ có đem lại ích lợi gì cho họ không??? Huống hồ, một khái niệm hay định nghĩa luôn xuất phát từ một ngầm định có tính mục đích.

Cách chia có ích lợi nhất mà tôi biết là cách chia tôn giáo thành 2 loại của Erich Fromm trong "Phân tâm học và tôn giáo". Một đàng, là sự chia cắt giữa con người và những phẩm tính cao quý; đàng kia, con người theo đuổi kỳ cùng cái tiềm tàng nhân tính của chính mình, có trong chính mình.

3.
Triết lý. Đọc cuốn "Triết học nhập môn" của Karl Jasper lượm được điều này: có lẽ cũng như các triết gia hiện sinh khác nhưng ông đã nói khá giản dị (cho 1 cuốn nhập môn) về cái gọi là "suy tư từ khởi nguồn/nguồn suối". Triết lý không phải là 1 thứ học công truyền, càng không có cái gọi là thần đồng triết học-cho dù quả nhiên người ta phải chịu 1 tư lự có thiên hướng. Tách rời cái nguồn suối đó thì người ta chỉ còn là chơi chữ, lặn ngụp trong tứ cú mà thôi!

Nietzsche là 1 triết gia hấp dẫn và tiện dụng mặc dù hơi lỗi mốt cho nhiều người Việt nam. Vì ông viết như thơ mà thơ thì vietnam ta thành thần. Hơn nữa ông lại viết theo điệu cách ngôn-như từ một thẩm quyền. Được đóng bảo hiểm bằng sự điên loạn kỳ vĩ nên những tăm tối u uẩn thành ra rất mực sang trọng. Cho dù hậu hiện đại chưa lên ngôi thì bản thân cái cảm giác ta, chỉ ta hiêu hiểu ông và ông, chỉ ông hiêu hiểu ta, biện minh cho những dúm dó bợt bạt phóng túng của ta. Bây giờ tình thế có vài thay đổi nhỏ theo chiều hướng tiện dụng hơn - chỉ cần vài nhà văn đương đại u uẩn là đủ.

Đọc cuốn "Schopenhauer-nhà giáo dục" của Nietzsche xong thấy 2 điều.

1. Buồn nản. Sự học thăm thẳm, nếu như những gì mình thấy được từ đây (sẽ nói 1 chút ở mục 2) giúp mình sáng tỏ được đôi điều về cách đọc ông thì nó cũng chỉ ra khối lượng khổng lồ bắt buộc của cái học công truyền, nếu muốn thực sự biết được điều ông nói là nói với ai, lúc nào, ở đâu... Và với triết gia nào cũng vậy cả. Trừ phi là thiên tài, mọi huênh hoang từ dăm ba đoạn sách này nọ đều khiến chúng ta thành kẻ phét lác mà thôi :(

2. Ba nỗi hiểm nguy của nhà triết học/người triết lý:
- Sự hiểm nguy cô độc. "Đó là một kẻ cô đơn về mọi mặt, họ không có đến một người bạn thân thực sự hiểu họ, an ủi họ, và giữa chỉ một kẻ không thôi và không ai cả, cũng như giữa một cái gì với không có gì cả có một vực thẳm hun hút, khi ta có những người bạn đích thực, ta không hiểu được thế nào là thực sự cô đơn, thế nào là toàn thể cuộc đời chống lại mình"

- Cái thứ hai là đã toan tuyệt vọng về chân lý. "Việc khảo sát về những triết gia một nửa hay triết gia một phần ba không có cái thích thú nào hơn là chứng tỏ rằng họ là những kẻ mà, trong dinh thự đồ sộ của triết học, điểm quan trọng là được do dự theo lối mô phạm rởm giữa cái theo và cái chống, cái lý luận phù phiếm, cái hoài nghi, cái mâu thuẫn, tức là những cái ban cho họ quyền lẩn tránh sự đòi hỏi chính đáng của mọi nền triết học lớn lao, mà ý nghĩa của nó là thế này: "Này đây là hình ảnh mọi cuộc đời, hãy suy ra từ đó ý nghĩa cuộc sống riêng tư của anh. Và đổi lại, hãy phá giải ý nghĩa đời anh, anh sẽ khám phá ở đó những chữ mật của cuộc đời toàn thể"

- Cái nguy hiểm thứ ba-cái nguy hiểm lạ lùng nhất: sự kết hợp vô đạo giữa sự chống đối kiên cường (phú bẩm của những kẻ cảm thấy thoả mãn và đầy đủ, chắc chắn về sức mạnh của mình, không ao ước gì hơn nữa...) với nỗi niềm tiếc thương hoài vọng (tái sinh trong con người 1 vị thánh hay 1 thiên tài)


Thích nhất câu này của nhà bác Mai Sơn kia:

Tự do



Là thoát khỏi mọi sự trói buộc

Nhưng tự do còn là thoát khỏi sự phóng đãng của lý trí


Nó hợp với tôi lúc này-thoát khỏi sự phóng đãng không bằng cách: cảm và tóm tắt sự đời theo ý mình :D

Tôi kính mộ những tâm cảnh giản phác thế này:

Tiếng chuông lòng

Tiếng chuông lòng dội buổi tan sương.

Đính lễ quy y trước Phật đường…

Soi tỏ tâm linh nhờ đuốc tuệ

Rưới tan tục luỵ, sẵn cành dương

Giữ niềm bác ái không sai chậy

Thời bệnh sân si khỏi vấn vương

Tôi cũng như ai phường đạo hữu

Mong vào cửa Phật đến Tây Phương.

(Bài thơ cuối cùng của Ưng Bình Thúc Giạ thị).

Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2010

Bức tường lạnh ngắt

1.
Ngày trước có lần vào một forum tâm lý, tôi định tham gia một chủ đề bàn về chứng trầm cảm và ý định tự tử nhưng lại thôi. Cảm giác khi logout ra khỏi diễn đàn rất khó tả. Những người đang bàn luận là những người đã từng trải qua hoặc đang trải qua trầm cảm. Tôi cũng đã từng trải qua điều đó nên hiểu rất rõ sự bất lực của ngôn từ. Nhưng tôi cũng hiểu rất rõ cảm giác bất lực đau đáu mù mờ của những tâm bệnh kia. Mà thực ra đó cũng là thân bệnh: cảm tưởng như ngọn lửa khí lực trong mình cứ lụi dần đi rã rời. Một cảm giác vừa mong muốn được giúp đỡ lại vừa mất hết niềm tin tự chính mình. Hầu như vô nguyên cớ. Có thể nói đó là cảm giác về sự kiêu hãnh của bản ngã bị tổn thương mục ruỗng. Tôi rơi vào những cơn mộng mị triền miên cả năm trời.

2.
Có thể vì vậy mà sau này tôi thường chú ý và dễ nhận ra những týp người có xu hướng tâm trí dễ bị hôn trầm như thế. Ngay từ lúc chỉ mới là những biểu hiện mong manh. Đó là một sự thành thực muốn chia sẻ, muốn hô to lên gọi người phía xa trong khu rừng mù mịt. Không vì cái gì cả. Nếu có thì đó là từ lòng thương với chính mình.

Tôi thấy bóng dáng của mình trong đó. Tôi thương tuổi trẻ của tôi bơ vơ không người chỉ dẫn. Hay chính nghĩa của trưởng thành là phải trải qua những ngày tháng như vậy? Như D.T.Suzuki đã miêu tả - "(...)bắt đầu trịnh trọng quan sát quanh mình, và tra hỏi về ý nghĩa của cuộc sống. Tất cả nguồn năng lực siêu hình, bấy lâu vùi kín trong tiềm thức, bỗng dưng như cùng một lúc trào vọt ra. Nếu chúng bùng ra dồn dập và bạo quá, tâm trí có thể mất thăng bằng một thời gian, lâu hoặc mau; trên thực tế, nhiều trường hợp kiệt quệ thần kinh như vậy đã được ghi nhận trong tuổi trẻ, mà nguyên do chánh không ngoài sự đổ vỡ thế quân bình nội tại. Thường thì hậu quả không vết tích gì sâu đậm; nhưng ở đôi căn tạng thì khác hẳn; hoặc vì những khuynh hướng nội tại, hoặc vì sức tác động mạnh của những luồng ảnh hưởng xung quanh vào bản chất dễ cảm kích, cơn thức tỉnh tâm linh ấy chấn động họ đến tận cùng cá thể. Đó là lúc phải dứt khoát chọn giữa cái “vĩnh viễn có” và “vĩnh viễn không(...)"

Nhưng cũng có thể vẻ bề ngoài của nó chẳng mấy cao sang được đến thế. Chỉ là khởi đi từ những sang chấn tâm lý mà tinh thần mình không tài nào điều chỉnh được.

3.
Những người trong cơn trầm cảm kia, họ có biết thương mình thương người không? Tôi nghĩ là có. Họ có thể viết rất hay về tình trạng của mình. Như tôi cũng đã từng viết đâu đó. Nhưng họ thương mình một cách sai nhầm.
...
Còn rất nhiều nữa những khả năng, nhưng tất cả đó chỉ là lời NÓI. Tự sâu xa tôi hiểu cái bạn thiếu là 1 cái gì đó thuộc về miền sâu TÂM LÝ. Cái cần chữa trị nằm thăm thẳm trong đó chứ không ở lời nói. Cách tôi thường làm là giữ với bạn 1 khoảng cách vừa đủ để bạn nhận thấy sự trống trải, cũng vừa đủ để nuôi dưỡng 1 hy vọng, 1 sự tín nhiệm vào hiện hữu con người.
...

4.
Tôi thật may mắn vì cuối cùng cũng thoát ra được những cơn mộng mị. Và mãi sau này tôi mới ý thức đầy đủ mình đã thoát ra khỏi điều gì.

Mỗi người/thăm thẳm/một chiêm bao. (Trần Dần).

Tôi không có tham vọng khái quát kinh nghiệm của mình cho mọi người. Nhưng tôi vốn nghĩ vì chúng ta là người nên chúng ta khác nhau theo một lối giống nhau. Bây giờ nghĩ lại những nguyên nhân sâu xa gián tiếp gây ra tình trạng hôn trầm của tâm trí chính là sự dễ dãi với cảm xúc và trí tưởng tượng. Một phần nguyên nhân lớn là đọc quá nhiều sách truyện hồi nhỏ. Một phần khác chính là cái ảo tưởng về giá trị của bản thân sau khi ôm một mớ lộn xộn đó trong tâm trí. Cái ảo tưởng này hầu hết những người đọc nhiều sách (vô tội vạ) đều bị. Câu chuyện dang dở về một gia đình mà tôi viết trong blog này cũng có ý dẫn về điều đó và những hậu quả thảm hại của nó.

5.
Vậy cơ may nào đã giúp tôi thoát ra khỏi ngày tháng đen tối đó?
- Tôi tình cờ bắt gặp cuốn thơ của Lưu Quang Vũ. Điều đồng cảm sâu sắc và động viên tôi lớn lao nhất chính là cái tâm thế nhất định không cam chịu, bế tắc nhưng trong sáng và quyết liệt. Và có thể cũng một nòi nuông chiều cảm xúc khoác màu tự vấn.

- Tôi trải qua một kinh nghiệm nội tâm mà nhờ đó tôi nhận ra được là ngôn từ chỉ là phương tiện và hời hợt vô cùng. Hiểu rất khác và không là gì với Biết. Thấy và Biết.

- Tôi có một ý tưởng đến rất tình cờ nhưng là một quyết định quan trọng: Nếu cuộc đời rơi vào chỗ bế tắc đến tuyệt đối vô nghĩa, tuyệt vô hy vọng-thì hãy coi chính việc NHẤT QUYẾT VƯỢT QUA nó làm mục đích. Đời có thể vô nghĩa, nhưng vẫn có thể có 1 MỤC ĐÍCH.

- Tôi chuyển chỗ ở. Gạch đầu dòng những công việc phải làm của từng ngày: đánh răng, rửa mặt, giặt quần áo...Tôi làm từng việc một theo thứ tự. Hết một ngày thì sẽ gạch hết bấy nhiêu dòng.

Hôm nay là tất cả những gì đã gạch xóa, vo tròn và ném vào sọt rác

Ngày mai lại cong cớn, vội vàng trên cánh cửa...

- Tôi đọc được và học theo cụ Nguyễn Hiến Lê: đọc sách với một cây bút và tập giấy. Muốn học về cái gì thì tập viết về vấn đề đó. Tôi chọn những loại sách nói về vấn đề của tôi. Tôi không đọc mà là HỌC. Dùng trải nghiệm để kiểm chứng và cảnh tỉnh tri thức. Dùng lý trí và logic để xử lý mỗi trang mỗi dòng. Làm cái gì cũng phải học phải suy luận. Tại sao học làm người lại chỉ cứ ang áng cảm tính với mấy anh Nhật bán quán thích rượu tây thế được hả các bạn gái trẻ???

Và theo đó tôi lấy ngay những cơn mộng mị của mình làm đối tượng nghiên cứu. Tôi may mắn tìm thấy những cuốn sách của Erich Fromm làm điểm tựa.

Nhưng 2 cuốn sách mà tôi thấy muốn nói đến nay lại là 2 cuốn sách mỏng nhất: Thiền trong nghệ thuật bắn cung (Nguyễn Tường Bách dịch), Cái dũng của Thánh Nhân (Nguyễn Duy Cần).

6.
Thành thực và khiêm tốn trước chính mình.
Nhẫn nại. Tường minh. Và xác tín.

7.
Trước bức tường lạnh ngắt ta vẫn còn "một cái gì trắng xoá tựa mây bay..."

Đó không chừng cũng là một cơ may.
Chỉ khi chúng ta trực diện với sự khốn khổ của chúng ta. Chỉ khi ta trực nhận Khổ Đế trong tuyệt vô HY VỌNG. Khi bốn phía đều là tường vách. Nhưng ta còn tinh thần quyết vượt của Bạch Ẩn Huệ Hạc thì có khi lại là cơ may hội kiến "Tổ sư tây lai ý"...

Đừng hỏi tôi đang như thế nào. Giữ câu hỏi đó cho chính bạn. Ngày hôm nay.

Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

Ghi chép dọc đường - Xuân Hương đi vắng

1.
Tôi đi Thung lũng tình yêu.

2.
Xuân Hương đi vắng.
Phục Sinh mù sương.

3.
Cháu bé cao nguyên bốn tuổi chân trần dẫn tôi men dọc lối đi của bò.
Tìm một con đường dân sinh mới.
Thẳng từ nghĩa địa ngã ba Thánh Mẫu đến tận chân núi thẳm Langbiang.
Mộ xây sát mép đường và rau sạch bón bằng xác cá mắm là điều mới lạ của tôi lần này.

Đến vườn cây dưới chân núi từ mai sẽ khác
Không cần qua Thung lũng Tình yêu.

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010

Thôn Vân có biếc có hồng...


Biếc trong nắng sớm hồng trong vườn chiều

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010

1

Mỗi cuộc đàm thoại giữa nhiều hơn 2 người tôi đều thấy nó chệch choạc, không đi đến đâu cả.
Uống rượu cũng chỉ nên uống đến 2 người là nhiều.

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

Mây Tần

1.
Ngày trước nghe bà kể chuyện người xưa thuộc Kiều cũng tấp tểnh học thuộc. Được chừng đâu vài trăm câu thì bỏ cuộc. Nhưng các chú giải về điển cố thì đọc bằng hết và nhớ nhiều. Còn nhớ điển tích về "mây Tần" kể xưa có người làm quan đi trấn ở xa đã 3 năm không về quê, lúc ngang chiều cùng mấy người ruổi ngựa lên đỉnh đèo, trỏ về xa mà kể "nhà mẹ ta ở dưới đám mây trắng kia...". Hồi đó còn nhỏ, chỉ biết cảm khái cái mang mang của kiếp người, cái vằng vặc của trời đất. Nhưng giấc mơ vẫn là được đi miết. Đi và mơ một lưng đèo.

2.
Thơ Nguyễn Bính cũng đọc hồi ấy và nhớ nhiều. Những câu thơ hay ngân nga trong tâm trí nhất lại cũng chính là về mây Tần.

Thôn Vân ơi hỡi thôn Vân
Phương nao kết dải mây Tần cho ta
Từ nay thương nhớ quê nhà
Thấy mây Tần biết đó là thôn Vân.

Lòng nao nao như sợi dây diều trong nắng chiều xuân nọ.

3.
Ngày cuối tuần về quê thăm con. Lấy xe đạp đi 1 vòng quanh thị trấn. Bây giờ nhìn đã nhận rõ dần những thứ thuộc về trải nghiệm của thời gian. Hóa ra cái ký ức mang mang nắng gió trời chiều là vào độ xuân vãn hè sang này đây. Nắng hây hây vầy nỗi nhớ, gió man mác như lòng không bận gì. Hóa ra, tiếng gà gáy vọng trong tĩnh lặng của buổi trưa nhàn là cốt để không gian không rộng quá, khỏi thuếch thoác.

Có chàng trai trẻ nọ ngửa cổ thổi kèn harmonica trong nhà vắng.
Chàng bảo "Mẹ hư quá. Mẹ đi vắng mang trứng* đi mất rồi..."
---------
(*)-trứng=ti=ti trứng

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2010

Loanh quanh

1. Ngày xưa 20s.
Wordle: LAHM

Wordle: Chapa

2. Mười năm gió bụi.
Wordle: Quantutamlac

Wordle: Linhtinh2

3. Tạ lỗi muộn comment của các bác các bạn hữu tình. Cho hay cái giống loanh quanh mười năm vẫn loanh quanh như thường.

Tôi là? Có? Không? Đi?

Ngày xưa viết:

"Chiều cũ đọc thơ kể chuyện lòng
Vịn say nghiêng ngả mắt em trong
Tơ xưa chưa dứt cho đành đoạn
Một thoáng yêu này - Có hay Không?"

Đã tự nghĩ Có-Không này là Sắc-Không kia.
Giờ thì sắc sắc không không một nồi thuốc bắc, một mẻ cao lòng :)

P/s: Ứng dụng này lần ra từ blog của bác NV Tuấn.

Thứ Tư, 3 tháng 2, 2010

Sapa. Chapa.

1.
Ngày hôm qua, trong vòng 30 giờ đã chạy qua chính xác là 1100km. Hơn 500km đường rừng (đường HCM) trong khuya làm tôi nhớ những chuyến tàu đi Sapa trong kí ức. Bài viết là những mẩu viết ngắn rải rác.

2.

Có một lần, tôi thất vọng ghê lắm. Không cái gì cụ thể đến mức là chính yếu, nhưng một giọt nước làm tràn ly...công việc, quan hệ xung quanh, tự soi bản thân...Chiều, gần tối rồi mà tôi thấy bần thần không yên. Không thể ngồi trong nhà được. Hai thằng em ở cùng lại chưa về. Không có gì níu kéo cả. Tôi nhớ chuyến tàu..thế là quyết định đi Sapa. Lấy một cái áo khoác ấm, tắt ĐT vứt vào tủ, nhắn lại mấy câu là đi vài ngày..rồi xuống đường đi bộ. Lúc ấy là 6g tối. Tôi lững thững đi bộ từ Nam Đồng đến tận ga B. Mua vé, rồi ngồi uống nước chè, đốt thuốc, chờ. Tàu đến. Thế là chắc chắn, không thay đổi nữa, kệ em yêu, kệ tất cả. Bắt đầu tôi thấy ý nghĩ của mình chuyển sang những điều khác.

Luôn luôn tôi nhớ những chuyến tàu đêm đi Yên Bái, Lào Cai..nhớ cái ấn tượng đến ám ảnh của lần đầu tiên. Con tàu cổ lỗ, còi hơi. Hành khách là những người bình dân-đủ mọi hạng người, nhếch nhác..Cái không khí chộn rộn, ngai ngái của sân ga về đêm, dưới ánh đèn điện vàng vọt. Cái giọng nhắc tàu rất đặc biệt, đặc biệt ngang với chương trình ngâm thơ trong mục Văn nghệ của đài tiếng nói VN lúc đêm khuya gần Tết âm lịch. Xe ôm, xich lô, khuân vác, chè chén..người đưa người tiễn, cái dáng vẻ láo nháo ngơ ngáo tìm nhau. .Sự vội vàng của người về, vẻ bồn chồn của người đi...

Con tàu sẽ rục rịch rồi đi qua phía lưng của những khu phố cũ. Tôi ngồi trong toa ghế cứng (đấy mới là nơi của đa số mọi người), nhìn qua khung cửa. Không bao giờ người ta chú ý đến phía sau ngôi nhà cả. Con tàu như đi qua một thế giới chưa hề thay đổi-một thế giới, cũ, nhếch nhác và không hề mảy may làm duyên làm dáng. Thảng hoặc có xuất hiện vài người thì cũng là những phút giây không hề duyên dáng, cũng chẳng buồn ngó con tàu..Tất cả là một thế giới không phải của hiện tại. Khi tàu đi qua đoạn Đường Thành, tự nhiên thấy khác lạ vô cùng. Phố cũ Hà Nội nhìn từ trên cao xuống thấp thoáng sau hàng bàng đã thưa lá ngày cuối đông thật yên tĩnh khác thường. Từ trên đây thấy phố chả khác ngày xưa chút gì.

Ngang qua sông Hồng, gió bắt đầu lộng thổi. Cây cầu Long Biên xa xa trong ánh đèn vàng mờ mờ một quầng..cầu chỉ riêng cho người đi bộ và đi xe đạp-chủ yếu là xe đạp thồ, nhiều nhất vào sáng tinh mơ, khi mọi người chở rau sang phố..Thành phố lãng quên nhiều thứ quá, nên mới còn đầu sông cuối bãi này để mà đôi khi ta ra ngó cho lòng dịu lại...Tôi luôn thấy chuyến tàu là một hình ảnh thật giống với hình ảnh cuộc đời. Đủ mọi hạng người trên cùng một hướng đến đại thể. Ngồi lên đây rồi là không ai nghĩ đến một hướng đi khác nữa-không chọn lựa. Ở trong xe lửa là yên tâm nhất. Mọi sự vẫn trôi đi mà khối sắt thép này là đảm bảo tuyệt đối cho sự an toàn trước mưa gió ngoài kia. Có thể gặp vô số cảnh đời nơi đây: một cụ già về quê, một gia đình chộn rộn có con nít, những người đi buôn, những người đi làm, những đôi lứa đi du lịch, những người không thể biết...Trên tàu cũng có sự phân biệt, có trật tự riêng..trật tự của những người cả cuộc đời ở trên dòng lắc lư này...

...Khi đêm đã hơi muộn rồi, trời se lạnh thì mọi người đa phần đều ngủ hay gà gật. Tàu đang đi qua những cung đường vắng. Một vài ngọn đèn vẫn bật đủ soi mờ tỏ những dáng hình con người. Mọi người cố xoay sở cho mình tư thế thoải mái nhất có thể: những cái áo đắp tạm, người thì nằm ngang, chân gác qua thành đối diện, có người mắc võng và không ít người nằm luôn xuống sàn tàu có hoặc không có tấm gì kê lưng. Tạm bợ, tất cả đều tạm bợ vì chuyến đi chỉ là tình cờ, mọi người đều chờ đợi sự sạch sẽ tại nơi đến của mình. Bất giác tôi liên tưởng đến một cái nhìn trong suốt-tôi luôn ao ước có ai vẽ ra bức tranh ấy:trong con tàu, loại trừ đi những vách ngăn, nơi này là những người nằm ngồi la liệt, khoang bên là sáu con người một gian..mỗi người một tư thế, một dáng vẻ trong một thế giới ba chiều. Ai cũng bàng quan nghĩ rằng mình đơn lẻ, riêng tư...Ai đó nói mê, một vài người trở mình, thỉnh thoảng có người quờ quạng đi về phía toa lét, băng qua những cái chân ngáng, len lách giữa những thân người. Mỗi lần ngồi trong một toa tàu tôi thường luôn tìm một hình dáng nổi bật nhất. Một cô nào đó sẽ được chọn làm hoa hậu và hễ cô còn ở đó và không bị thay thế thì cảm xúc của tôi vẫn còn trung thành với cô đấy...Bất chợt một vài người bừng tỉnh, lục sục đồ đạc. Giọng thông báo ngái ngủ, con tàu sắp dừng lại một ga lẻ nào đó. Khuya rồi. Sương lạnh xuống mờ mịt. Con tàu dừng lại giữa một quãng rừng vắng. Trong đêm tối, cái ga xép chả thấy đâu, quầng sáng vàng vọt chỉ đủ soi thấp thoáng cây cột điện, hình như có nếp nhà sàn..Vài ba người xuống tàu, rồi vội vã tan mất vào trong đêm tối. Không biết giữa rừng thế này họ đi về đâu? Cũng không ai để ý họ cả, mọi người chìm trong giấc mộng mị, thấp thỏm..

....Giờ thì chỉ toàn là đường rừng. Ngó mông lung trong đêm tối, thỉnh thoảng vang vọng tiếng còi tàu tôi tưởng rằng như đâu đây sau bóng tối kia là cả rừng già đang hồi hộp. (Những cánh rừng thơ ấu chắc chỉ tồn tại trong những phút giây này thôi)...

...Tàu sẽ đến ga vào sáng tinh sương. Lần nào tôi xuống tàu cũng gặp những cơn mưa lơi rơi. Nửa mưa nửa sương nặng hạt. Buổi sáng nhoè nhoẹt và đường thì ướt rượt. Mọi người đều vội vã nhanh chóng đi tìm một chuyến xe vì chỉ một lúc thì ga lại vắng hoe. Xe đi Chapa bây giờ rất tiện và khá lịch sự. Loại 16 chỗ, đủ người là chạy ngay nên không khó khăn gì để lại được ngồi trong xe ấm áp mà ngó con đường. Núi chẳng mấy khi đẹp như tranh ảnh cả, mà thường bình dị, hơi nao lòng. Thỉnh thoảng vài chiếc xe Mink hay Simson của người Mèo chạy vượt qua. Đường vòng vèo khó đi, thỉnh thoảng lại có tai nạn, có năm bị sạt đất, lở đường..Vài người đeo gùi lầm lụi đi, đôi khi gặp bọn trẻ con-trẻ con ở đâu cũng vẫn vậy, thật dễ làm lòng dịu xuống và bâng khuâng, trong trẻo..Tôi vẫn nhớ nhất lần đầu lên Chapa vì hồi đó xe đi còn rất đa dạng chưa đồng bộ hoá như bây giờ. Lần ấy, xuống tàu ở Cam Đường rồi đi xe lên thị xã Lào Cai rồi mới đổi xe đi Chapa. Lần đầu hỏi thăm, mọi người bảo dễ lắm, taxi đi Sapa thì lúc nào cũng có. Choáng, mình sinh viên, lên đây mà đi taxi thì chỉ có nước mua vé tàu về xuôi luôn! Hoá ra không phải, trên này đồng bào gọi xe khách, ô tô, xe đò..là taxi..(không biết bây giờ còn thế không?).

...Rồi chúng tôi cũng lên được chuyến taxi của mình. Một chiếc U oắt dã chiến, phía sau để hở. Trên xe có bốn anh em chúng tôi hồi ấy sinh viên, ba lô, túi, bảng vẽ, túi giấy lỉnh kỉnh..hai vợ chồng già đi chơi về, bình dị..giữa đường đón thêm hai vợ chồng người Hmông xách đôi gà trống nói giọng Kinh hơi ngọng..hai cậu bộ đội trẻ đi lấy củi dọc đường cũng ghé lên và được phân công đánh đu đằng sau cùng của xe! Sàn xe có một lỗ thủng to tướng, tí nữa thì tôi bị rơi cả giầy xuống đường. Đoạn đường mỗi lúc một khó đi hơn. Lần đầu nếm mùi đường đèo khúc khuỷu, chúng tôi phải mất đến 15 phút mới quen được với tâm trạng là mình đã ngồi trên xe rồi..thôi kệ sống chết có số. Lên đến độ cao nhất định thì hơi có cảm giác ù tai, se lạnh. Anh bạn đi cùng vì quá hào hứng với phong cảnh mới buột miệng khen "một bác tài miền núi bằng ba ông đồng bằng" thế là ôi thôi...chiếc xe tha hồ lượn lách, vượt, đánh võng cua gấp..Chỉ dịu lại khi đã xuýt xô phải một chiếc xe Mink từ ngõ chồm ra. Đi mấy nơi tôi thấy cứ nơi nào miền núi nhiều dốc đèo là người dân có thói quen phóng nhanh ào ào, mình không quen thấy rất nguy hiểm. Hay người ta sống giữa núi rừng thì dũng cảm hơn nhỉ? Thỉnh thoảng vượt một chiếc xe đạp-pó tay với pác lày luôn. Thỉnh thoảng có chiếc xe đạp đổ đèo thì có một cành cây rất to làm phanh kéo lê thê đằng sau..rất hiên ngang, phong trần phết. Dĩ nhiên là cả nhóm mấy bà mấy cô Hmong đi chợ, mấy con trâu con ngựa gầy, bẩn, lầm lũi...Từ đấy về sau chả mấy con đường nào còn khiến tôi hoảng sợ như thế nữa..nghe nói đường đá Hà Giang còn nguy hiểm hơn nhiều phải không bác Chít?

...Xe đổ khách ở bên hông nhà thờ chợ Sapa. Hơi hoang mang, chúng tôi chưa ngắm ngắm nghía nhiều mà còn lo tìm một chỗ trọ khả dĩ với túi tiền. Sự thực lúc đi bọn tôi rất liều, không dự tính, không đóng góp chung mà cứ người này suy diễn người kia..Đại ý chỉ dự tính đủ hai lượt vé đi về là đủ. Giờ mới lo đây. Cả bọn bàn phải tìm một quán nước nào dễ bắt chuyện để hỏi dò mọi sự. Tôi ngó quanh quất rồi chỉ "Kia, bà chị áo vàng!". Cả bọn đi một nửa vòng đến ngồi ở một quán nước dưới một gốc thông căng che bằng một tấm bạt, nằm phía đối diện nhà thờ qua sân chợ tình. Bấy giờ là mùa hè, nhưng chưa đông khách du lịch, chúng tôi đi vào giữa tuần nên không đông khách. Thị trấn Sapa đìu hiu thưa thớt...

...Cho đến tận giờ tôi vẫn còn giữ niềm tự hào rất chi chủ quan về khả năng dự đoán tính cách người khác qua dù chỉ một thoáng nhìn (Tôi vẫn huênh hoang bá láp vậy thôi với bạn bè mặc cho những cú vấp đau lòng. Kệ! Mình phải tin vào con người chứ nhỉ?). Chị Ánh-tên cô chủ quán-còn trẻ, dưới ba mươi, không ồn ào nhưng rất nhiệt tình và cởi mở. Sau vài tuần trà, điếu thuốc thì chị đã biết là chúng tôi không vội vã đi đâu là vì chúng tôi đang tìm một chỗ trọ rẻ tiền. Chị giới thiệu mấy chỗ...Chen giữa câu chuyện thong thả, chúng tôi đã kịp biết bà cụ mang nước nóng ra là mẹ chị Ánh, bà không hay chuyện nhưng có cảm tình với chúng tôi. Bà kể chuyến đi tàu dọc Nam Bắc thăm con và họ hàng đầu năm. Cả nhà là dân gốc Yên Bái, chị Ánh theo chồng lên đây làm việc trong trường dân tộc nội trú, rồi bà cụ chuyển nhà lên đây, còn cô gái út đang làm cô giáo bản, đang nghỉ hè...Biết chúng tôi chưa có chỗ trọ, bà bảo lên nhà tôi ngủ, có đủ chăn chiếu, cần gì đi đâu..Êm rồi, chiều Sapa đẹp quá đi...nhưng dù sao vẫn hơi ngài ngại...Chợt chị Ánh nghĩ ra-"để chị hỏi bọn ký túc xá trường" Tuyệt vời, cuối cùng chúng tôi sẽ nghỉ trong ký túc xá của trường dân tộc nội trú. Có một phích nước nóng và 5000đ một người một đêm. (Hồi đó giá của nhà nghỉ là 30-50nghìn). Cất đồ xong thì chúng tôi bắt đầu đi dạo loăng quăng, ngó nghiêng. Lúc từ trường học đi ra gặp cảnh một đám đông xúm xít xem một đôi Hmông đang co kéo. Một anh chàng dùng chiếc khăn thít chặt tay cô gái kéo đi. Cô gái đỏ mặt tía tai dằng lại quyết liệt. Họ nói tiếng dân tộc, chúng tôi không hiểu gì. Chỉ thấy anh trai có thoáng cười, còn cô gái thì có vẻ bực. định can thiệp lại nghe có người bảo đấy là người ta bắt dâu nên thôi..Không biết về sau thế nào, cũng không thấy ai can ngăn gì cả...Tôi mua một chiếc áo khoác thổ cẩm không có tay rồi diện suốt đến tận khi về Hà nội. Sau đấy còn đeo mang cả năm trời cho tới khi giã từ trào lưu quần bò xé gấu, bị cói, túi vải, tóc dài...Tôi lại ra quán chị Ánh ngồi. Luôn luôn tôi có thói quen dè dặt sử dụng thời gian của mình với cái mình đang tìm kiếm. Vào thư viện, tôi thường lang thang cả buổi từ góc xa nhất cho tới kệ sách cuối cùng mới là nơi có cuốn sách hay thể loại tôi ưa thích. Tôi thường lo mình đã bỏ qua điều gì vương vất...

...Quỳnh là tên em gái chị Ánh đã ra ngồi gần chỗ chị mình và bày thúng ngô bản bắt đầu chuẩn bị nướng. Hơn bốn giờ chiều và chẳng cần giải thích nhiều khi chúng tôi không còn hăng hái đi tham quan cái gì cả hơn là ngồi hơ tay trên bếp lửa ăn ngô nướng ngọt mềm và hỏi chuyện cô chủ...Câu chuyện cũng bâng quơ và nhẹ nhàng vì hơi tội là trong lũ tôi chả ai có được cái tính tán tỉnh lăng nhăng cả. Em dạy bọn học sinh ở cách ba quả đồi. Học sinh một lớp học mấy chương trình cùng lúc vì gộp cả các lớp vào mới đủ người. Học trò nói tiếng Kinh một lúc, cô giáo nói tiếng Mèo một lúc...Hết hè rồi thì phải đi tìm học sinh giục lên lớp. Quỳnh mới đi dạy một năm, không biết cô sẽ gắn bó với cái lớp học ấy được bao lâu?...

...Sương đã xuống mù mịt, người cũng đông hơn và nhiều hàng quán hơn. Trời tối đen kịt, đi vào chỗ nào không có bóng đèn thì chả nhìn thấy gì. Tôi cũng không còn nhớ nhiều mình đã đi lang thang thế nào..chỉ nhớ lúc phải rời bếp than hồng nướng ngô vì đã sắp buồn nôn vì ăn quá nhiều. Ôi ôi là cái sự ăn ngô vì cô chủ!..Lúc về ký túc xá thì đã khuya. Có tiếng cười rúc rích ở gần cổng, trời tối quá, ai đó định tiến về phía tôi rồi lại rụt lùi, tiếng mấy cô gái Mèo cười rộ..Hơ hơ, hình như họ nhầm mình với anh giai bản nào đó-tôi mặc áo thổ cẩm. May mà không bị lôi vào bụi cây nào rồi thì lại bị chài, bị bỏ bùa thì còn mong gì ngày về!...Tôi kịp nhìn trên thành giường tên chủ nhân của nó:hôm nay tôi là Vàng A Pao....

...Những lần sau này tôi toàn xỏ tay vào túi đi một mình, không hành lý, không gì cả, tiền chỉ vừa đủ dùng. Thấy mình nhẹ nhàng hẳn. Khi bước xuống tàu, hay xuống ô tô, dù là ga tàu hay bãi chợ Sapa, tôi luôn có một thoáng chạnh lòng. Những người cũ không gặp nữa, cũng không tìm. Nhưng trong tôi, luôn luôn thấy ấm lòng khi biết đâu đó sẽ có người nhận ra mình chăng...Cũng như luôn vang vọng cả buổi chiều cuối năm một câu reo hỏi "ô kìa ông khách kia, hôm nay mới ra à?" ở giữa dòng suối Yến. Tôi không thích đi Hương Sơn mùa lễ hội cũng vì vậy, phải là một ngày thường, trong lòng núi, trên dòng sông, đâu đó có người hỏi thăm "ông khách thăm ai?", những tấm lòng lại hồn hậu, dễ dãi, không còn hằn gắt như những ngày đua chen mù mịt...

...Sapa. Sáng hôm sau, chúng tôi tỉnh dậy từ sớm tinh mơ và trả phòng luôn. Hôm ấy là thứ bảy, mới là ngày vui nhen nhóm, nhưng chúng tôi phải về vì hết tiền đến nơi rồi. Với lại, tôi biết, tôi còn quay lại nơi đây. Từ 9g trở đi đã thêm nhiều người khách du lịch cuối tuần lên đến nơi làm không khí vui hẳn. Một gia đình, mấy đôi trai gái, mấy cô học trò..họ luôn nổi bật lên vì trông cách ăn mặc là đã biết là du khách, tha hồ cho các bà Mèo mang vòng túi đến chào đón. Không ai hỏi chúng tôi mấy vì bộ dạng. Chết cười, có lúc tôi bảo để em đi tách ra, thế nào cũng có người hỏi. Vì tôi hôm ấy mặc quần soóc, đi đôi dày da lộn rất xịn (nhưng đã há mõm vì là đồ se con hen), lấy cái mũ rộng vành đội vào, khoác balô bộ đội, mặc chiếc áo khoác ngoài thổ cẩm thì cũng giống Tây phết! (vì đã bỏ lại cái quần bò, mấy cái túi, mấy thứ lỉnh kỉnh cho anh em rồi. Y như rằng một thoáng, mấy bà mấy em Hmông xúm vào, mình cũng phùng má no, no..như thật. Sau họ biết, cười rũ rượi rồi thôi.

...Sau ấm trà của chị Ánh, chúng tôi đi bộ ra suối Cát Cát, khoảng 3km. Đường gập gềnh, nhưng hôm nay đông người đi. Đến nơi thấy cũng thường, định lôi bảng vẽ ra rồi lại thôi. Đi chơi cho nó nhớ, vẽ vời mà làm gì! Lang thang lên đầu suối, hỏi chuyện mấy người dân tộc biết là năm nào cũng có người chết đuối ở đây vì chủ quan. Chết thật, lúc nãy, tôi với thằng bạn lần mò tắm ở đoạn trên mãi, chả biết sợ là gì. Suối trong mà sâu lắm, lúc đánh rơi cái thắt lưng định mò vớt tôi mới thấy hoảng. Nó hiện rõ thế kia mà nhúng cái que đến 3m chả thấy đâu. Tự nhiên thấy đoạn về thật khó khăn.(chúng tôi men theo dòng suối đi mãi lên trên đầu nguồn, không có đường, cứ bám vào rễ cây mà đi). Hai năm trước, có người bạn của mấy cậu em, không quen nhưng mà biết, vừa ra trường xong đi sinh nhật một mình trên ấy, rồi sảy chân ngã cũng chết ở đây. Mấy hôm sau mới vớt được. Bạn bè lên đón về, còn ướt rười rượi…

...Lúc đi rẽ ngang lối vào bản xa, gặp nhà sàn, có người mẹ địu con đang dệt vải. Người ở đây con gái tay ai cũng lấm chàm đến ngang khuỷu. Phụ nữ Mông thấp người, mặt to, dáng đi gù gù như cái điệu đeo gùi quanh năm, không đẹp như đàn ông tộc mình. Chúng tôi chào..."Chúng mày vào chơi, không sợ chó cắn đâu.." Nhưng lần ấy chúng tôi không vào...Nhà họ nuôi gia súc dưới gầm nên hôi và nhiều ruồi muỗi, không như nhà người Thái. Ồ người Thái, tôi lại nhớ cái lần liêng liêng vỗ tay hát hò theo điệu đàn dây của ông thợ săn trong căn nhà thấp tối cũ kỹ cuối bản Mai Châu buổi đêm, lúc ngoảnh ra thấy ngoài cửa sổ có chục cặp mắt của lũ bạn cùng lớp ngó vào-họ cũng e ngại người dân tộc như chúng tôi hồi ấy.

...Buổi chiều, mỗi người lang thang một nẻo. Tôi men con đường nhỏ đi về phía mấy căn nhà hoang phế. Tình cờ gặp ông anh cũng đang lang thang. Hai anh em đi một đoạn thì gặp người quen. Bà cụ mẹ chị Ánh dáng người nhỏ nhắn nhanh nhẹn mang cái ấm không về (bà thường mang nước nóng ra cho con). Qua hàng rào cây ngang người, từ xa bà nhận ra chúng tôi, gọi vào nhà chơi. Lúc về, chúng tôi băng ngang vườn, hái mấy trái đào trái mùa mà thấy ngon tuyệt...

...Sapa. Lần này tôi không vội vàng gì, tôi quá quen thuộc rồi mà. Xe dừng, tôi lững thững lên phía nhà nghỉ công đoàn Lâm nghiệp(?) lấy một phòng. Lại là mấy người khác rồi, những người cũ không làm nữa. Bên ngoài trời lạnh, sương mù mịt. Tôi chẳng đi đâu, ngủ cả ngày, đến bữa đi ăn. Hôm sau, trả phòng sớm. Lại lên tàu về Hà nội. Lòng tôi vẫn nặng chĩu suốt nửa chuyến đường về....

Sapa. Lần đầu tiên đi tàu ban ngày trên tuyến đường này. Hơi nao nao, vì nhớ những chuyến tàu đêm. Thị trấn không làm yên lòng, cảnh vật lại nhắc nhở chuyện đời thực mộng. Tôi phiền muộn, lơ đãng ngồi vào ghế của mình. Có hai người giống như hai cha con bác nông dân miền núi ngồi cùng. Một đống quang gánh vứt dưới gầm ghế. Cậu con trai mang theo một cái lồng chim hoạ mi. Họ ăn mặc rất nhếch nhác:áo sơ mi không thể coi là màu gì, quần kaki trung quốc, ống thấp, ống cao..dép lê. Người cha khoảng sắp 60, người con trai khoảng giữa hai mươi. Câu chuyện rời rạc..Một lúc nào đó, một người lấy quyển sổ học sinh lem nhem ra tính toán, chữ nguệch ngoạc, không nhìn ra được là ghi chép gì. Một người nhẩm tính cả mỳ tôm...Hình như không phải hai cha con. Họ đi buôn thì phải. Có vẻ như phải mấy tháng rồi mới từ rừng về. Tôi vẫn không để ý nhiều câu chuyện của họ, liên quan gì đâu...Chỉ hơi buồn cười cho cái vẻ luộm thuộm và tẩn mẩn của cậu con trai khi giữ khư khư cái lồng chim hoạ mi mua được từ trong rừng ra ấy. Tôi vốn không ưa việc nhốt thiên nhiên lại trong một cái lồng nên tự nhiên sinh sự để ý. Hơi buồn cười khi anh chàng nhắc tôi cẩn thận không dẫm phải chim của em!

...Đã qua Yên Bái, tự nhiên câu chuyện của hai người nhắc đến những tuyến quốc lộ. Tôi góp một vài con đường, thế là bắt chuyện. Vài lời nữa thì ô hô, a ha, hơ hơ...không tả được là tâm trạng tôi như thế nào khi nhận ra đây là hai công nhân của đội trắc đạc nào đó vừa đi đạc tuyến điện trung thế trong rừng về. Cái đống quang gánh mà tôi hờ hững dẫm lên lúc nãy là mấy cái mia, máy thuỷ bình...Cuốn vở học sinh thì kiêm luôn sơ đồ hoạ mốc...(Mãi sau này tôi luôn nhớ lại ấn tượng này như một lời cảnh tỉnh nhẹ nhàng với bản thân về cái sự nhỏ hẹp của lòng mình, khi mải nhìn mình người ta chẳng nhận ra dù một sự vật giản đơn, mà sa đà ngay vào những phán xét ước lệ..). Câu chuyện sôi động hẳn lên vì nghề nghiệp khiến gần như tôi thường xuyên có liên quan với những người như họ. Đến một nơi hoang sơ, ngắm nghía tìm hiểu qua qua, ước lượng quy mô rồi khoát tay một vòng...tôi sẽ về và mơ màng những kỷ niệm, còn họ sẽ bắt đầu hạ đồ, dựng lều, tìm nguồn nước..chuẩn bị một vài tuần lặn lội với muỗi, vắt và hoang vu...

...Khi xuống ga Hà nội, lòng tôi an bình lạ. Tôi nhìn mọi sự đã qua thực không đáng một mảy may...Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ những câu chuyện rơi rơi của ông bác công nhân già ấy về một cuộc đời lang thang khắp đất nước. Về những chuyến đi vừa mới từ Nam về đã lên Bắc mấy tháng với cậu trai trẻ kia. Hôm ấy giáp Tết, ông tính về nhà kịp đám cưới cô con gái, ra Tết lại vào Bình Dương...Hình như người thanh niên có hỏi ông về kế hoạch nghỉ hưu...Giọng ông thực thà đơn sơ lắm "Đi cả đời rồi thấy quen. Ở nhà vài ngày lại không chịu được.." Từ đây, không bao giờ tôi nản lòng trước cuộc sống. Mỗi khi thấy mình bải hoải, bế tắc..tôi lại biết, tôi đang quẩn quanh quá..cuộc đời dài rộng lắm...

3.
Lúc đó bất giác muốn đọc mấy câu "Tôi đi mãi mãi vào sơn cước..."

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2010

Dada



1.
Viết theo phong cách "hậu hiện đại" tý cho nó hợp với hiện tình. Coi như cũng là điểm sách.

Lúc trưa xem một bộ phim trên HBO. Phim trung bình nhưng kịch bản có một ý tưởng hay: Một nhà báo trẻ, tài năng sau khi chụp được một tấm hình bằng chứng phạm tội nhận hối lộ của một thẩm phán; khi băng sang đường để gặp vợ trong ngày kỷ niệm hôn lễ (với một đứa con sắp chào đời) thì gặp tai nạn giao thông-"trên gọi đi"! Lên thiên đường do vài nhầm lẫn của các thiên thần nên đã quay xuống đầu thai mà chưa được xoá trí nhớ. Nghĩa là một lúc nào đó trong kiếp sau anh ta sẽ có thể nhớ ra kiếp trước của mình. Câu chuyện xoay quanh việc chàng trai gặp lại vợ và con gái của mình (ở kiếp trước) và bỗng nhiên anh ta nhớ lại mọi chuyện cũng như sự hiện diện của người bạn thân trước kia trong gia đình cũ của mình như một người bạn lớn thân thiết (với tình yêu thầm kín trước sự chung tình của người vợ bạn). Thắt nút của câu chuyện là khi người vợ vô cùng khó xử trước tình cảm của 2 người đàn ông cũng như sự lạc lõng của người tái sinh trong tình thế của 26 năm đã trôi qua với thân phận mới trẻ trung cũng như sự lúng túng với tình cảm của cô gái trẻ (con gái) với mình!!! Mở nút-không, cắt nút theo một phong cách có hơi hướng Hàn Quốc: người vợ nhận ra tình yêu hiện tại của mình dành cho người bạn lâu năm kia còn anh thanh niên sau một cú ngã và liều thuốc sửa sai của thiên thần đã quên hết mọi việc. Formated. Hai đôi đâu vào đấy!!!

Ngày trước khi đi làm việc ở Nga Sơn, Thanh Hóa đến khu động Từ Thức, được người dân chỉ cho bia đá trên sông Thần Phù, xem ngọn núi có hình ông già gần đó ngồi nhìn ra biển có con vượn già ở bên cạnh...Mình bất chợt nhận ra nỗi buồn của sự bất tử. Một tình huống không khác mấy với bộ phim trên.

Sổ tay: "Khổ ải của người bất tử: Tôi phải sống-sống mãi để nhìn những người yêu quý thân thiết tuần tự trôi băng ngang qua cuộc đời vô tận. Ký ức cũng vô tận - nó là nỗi kinh hoàng khổng lồ với tôi. Tuyệt vô hy vọng. Không có gì để lại hay sinh sôi cả từ bản thân này ngoại trừ sự trơ tráo của nó! Không còn sự háo hức của tuổi trẻ. Không còn sự tự tin của trung niên. Xa lạ với sự bình thản cam phận của tuổi già. Không có tuổi. Không gì cả. Quá mệt mỏi để sống và nhìn. Hoá đá cũng không được-tri giác cũng bất tử như số phận của tôi. Phải chăng sự xác quyết này mới chính thực là cái chết vĩ đại? Đây mới là bộ mặt khủng khiếp của tử thần?

Không thể dửng dưng như cây cỏ. Quá xa lạ với con người. Nguội lạnh còn có ấm nóng làm điểm tựa. Tôi tựa vào đâu? Vực sâu núi thẳm. Bể xanh nương dâu. Đại dương băng giá vạn năm... Chẳng gặp lại người xưa làm gì. Vô nghĩa đến bẽ bàng.

Trần gian này, trái đất này tôi đã đi đến tận cùng. Khủng khiếp! Khủng khiếp thay khi chỉ còn một thứ duy nhất phải vượt qua: sự tồn tại của chính mình.
(Phác hoạ về câu chuyện người không thể chết - hay cái chết tuyệt đối).


Hôm đó đứng trên đỉnh núi đá của động Từ Thức, nhìn ngọn núi ông già và con vượn quay lưng lại nhân gian ngó đăm đăm ra biển; tôi bất chợt liên tưởng câu chuyện của Từ Thức khi đã thành bất tử. Và nghĩ rằng không xa lắm ngoài biển khơi Giáng Hương cũng còn đó. Nhưng họ không có gì để gặp nhau. Không ai tìm ai. Câu hỏi dai dẳng của vượn trắng về chuyện làm người. Một nghìn năm. Trong lòng hai khối núi kia là hai sự đau đáu: về làm người và thôi làm người.

Nghìn năm trước dòng sông Hoạch đổ ra biển ở cửa Thần Phù bây giờ nằm giữa huyện Nga Sơn-cách biển mấy chục km. Cửa Thần Phù nổi tiếng hiểm trở. Hai bên là vách đá dựng đứng hút gió, sóng rất lớn. Đây là điểm trung chuyển cho các chuyến hành quân chinh phạt về Nam bằng đường thuỷ. Vua Lý phạt Chiêm, vua Trần lánh Mông Nguyên...đều phải qua đây. Nhiều câu chuyện về các cung phi được đem hiến tế cho thuỷ thần đã xảy ra tại đây.

"Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm"


Hôm đó trên thuyền theo thuyết minh của ông giáo trường huyện mê mải với những huyền thoại, mọi người đều chờ đợi được qua cửa Thần Phù. Thuyền đi ngang những đồng lúa và làng mạc. Bất chợt sốt ruột hỏi "đã đến Thần Phù chưa?" "Đã qua rồi!"

Núi đá ở Nga Sơn là núi đá tai mèo sắc nhọn lởm chởm, ít cây xanh. Chỉ hợp với dê núi. Rượu nếp Nga Sơn cũng ngon như rượu vùng Kim Sơn, Nghĩa Hưng, Hải Hậu...những xứ lấn biển. Đậm, sắc và ấm.

Theo Thần Tiên truyện, vào đời Đông Hán, tiên nhân Vương Phương Bình giáng cho mời tiên nữ Ma-cô đến. Ma-cô bảo Vương Phương Bình rằng: tiếp thị dĩ lai, dĩ kiến Đông-hải tam vi tang điền: từ khi được tiếp hầu ông đến nay tôi thấy bể Đông đã ba lần biến làm ruộng dâu.
----------

Chiều rằm Nguyên-Tiêu đi vãn cảnh chùa Láng. Cũng một nghìn năm rồi đấy. Lúc nào đến trước Phật điện tôi cũng thấy bối rối. Tôi muốn đến đấy, nhưng chẳng muốn xin gì cả. Bối rối đên tội nghiệp của kẻ chưa dám nhìn trực diện vào bản tâm. Ngồi bên thềm nhà giải vũ trong gió đông đang bốc xoáy tàn hương vàng mã cùng lá bụi nhìn lơ đãng những người đang khấn vái ngoài kia. Vẻ mặt trầm trọng như vào cửa công, hơi có vẻ bon chen, chỗ mô cũng vái vái, mắt lơ láo...Tâm con người lăng xăng thật. Tiếng mõ cũng gằn gằn gấp gáp. Cũng một nghìn năm rồi đấy.

---------

Sổ tay: Cách đọc sử ký và địa chí
: Đọc lịch sử mà không suy xét thì vô ích; không tưởng tượng thì suy xét nông cạn; không trải nghiệm thì tưởng tượng viển vông. Được như vậy mới coi là có cái học thức căn bản để bản thân tinh tiến; bản thân có thành tựu thì cũng giúp cho mọi người được ảnh hưởng mà tinh tiến lên. Vì vậy, phải có các bản đồ địa hình và địa dư để hiểu sự phân bố trong không gian, sự chuyển biến do thời gian và địa khí hậu tác động. Để cuối cùng xét xem nhân sự thành ra chiếm bao phần trong lịch sử.

Đọc một cố sự thì nên có thêm bản đồ ngày nay, ngày xưa; có địa lý, thuỷ văn, khí hậu; có trang phục ngôn ngữ, tập tục, luân lý, pháp luật, tôn giáo-vừa bằng tóm tắt, vừa bằng hình ảnh để liên tưởng cho tốt. Lại cần hiểu những con người thực cho cận nhân tình.

Cuối cùng, các nhân vật lịch sử cần phải có cá tính riêng, chiều kích riêng của họ mà xem xét. Lịch sử là lịch sử của tương quan chiều kích cá nhân và toàn thể. Không có khái niệm lịch sử đơn thuần nằm ngoài con người - Không thuộc về ai thì không là gì cả!

Sổ tay: Thác đao là mượn chuyện ông Lê Phụng Hiểu. Lúc vua Lý Thái Tổ mới mất, thái tử Phật Mã kế vị, 3 em làm phản dàn quân tranh ngôi. Vua mới bối rối, không nỡ để mất tình thân. Cùng các vị cận thần khác, LPH là người hiểu được lẽ cương thường, biến thông, thuyết vua việc nên việc không.

(Xét: một ông vua nếu hiểu được cái lẽ đất nước nên có ngôi vua thì nước ấy cường thịnh, văn minh. Khi ông vua hiểu lẽ đất nước phải có ngôi vua thì đã có sự chuyên chế. Còn nói gì đến khi vưa coi nước là của riêng - tất nhiên phải mất!).


Ông lại uy dũng, một đao triệt loạn-công ông vào bậc nhất. Vậy mà khi vua ban thưởng lúc trí sỹ về quê, ông chỉ xin nhận ruộng ấp bằng tầm ném đao. (Xét: truyện dân gian nói hàng nghìn mẫu ruộng hẳn là sự khuếch trương lân toả phụ theo đức của ông thôi).

Ý tứ thật ý vị, sâu xa! Võ quan về làng thì ném đao xuống đất mà làm dân cày ruộng. Công do sức ấy nên xin quả ấy. Bảo sao dân quanh vùng đều quy về nhận là ruộng thác đao.

Chuyện ấy đã từng xảy ra ở nước này. Nhưng thời ấy địa thế khác giờ; đất Bắc Bộ còn lũng trũng những gò nổi. Phong tục cũng khác. Ăn mặc khác. Giọng nói khác. Tầm vóc hình dáng con người cũng khác. Nhìn như vậy thấy lịch sử thật sống động.

Nhân chuyện này để nói rằng: việc giáo dục có khi hiểu là nên, có khi hiểu là phải. Bể xanh có thể thành nương dâu. Viêc học cốt ở chỗ tìm sâu vào lẽ nên/không ấy. Lại cho là người có chí hướng cao tuyệt thì hẳn đặt vào sự thông hiểu trời người. Như ông Lê Phụng Hiểu tuỳ vào đao mà dựng nghiệp. Biết vua nên làm vua. Tôi nên làm tôi. Việc cần đánh nên đánh. Việc cần tha nên tha. Biết công do nghiệp, chỉ nương vào giá trị của chính mình. Đấy là ý của thác đao trong câu chuyện này!

Lại tự hỏi: nếu là ông LPH thì ông có suy nghĩ gì? Sao lại phải và có nên ném hết sức mình ko?

Làm người ở đời phải có một lần chung cuộc ném cho hết tầm đao vậy.

Sau này xét lại mô tuýp chuyện này giống hệt chuyện Lý Thế Dân đời Đường. Sử viết hồi nhà Trần mới lập nhưng cũng đã cách hai trăm năm rôi. Có thể tin Lê Văn Hưu nhưng sao tin được sử liệu của ông dùng nhất là với triều đại gốc Mân ấy nhỉ? Kệ. Vấn đề là để ngỏ cho nhiều lối nghĩ. Hãy nghĩ tốt và biết phân biệt. Mình ghét cha TĐCT thích nói ngược vào chỗ đen tối của lòng người (người nào vậy cà?). Không chịu nhận rằng người là hỗn độn phân tranh. Và cốt là ở chỗ đọc lại bản thân.
---------------------

Quay lại với bộ phim. Chính ra đây rất gần với điều Phật giáo muốn điểm hoá. Sống là sống-với và cũng biết rằng vạn sự vô thường, vạn pháp vô ngã. Không chối bỏ cũng không luyến tiếc. Biết vô minh. Biết từ bi. Biết hỷ xả. Thấy như vậy. Biết như vậy.


2.
Vẫn là bổn cũ soạn lại thôi các bác ạ. Mấy hôm liền nghe mấy cái tin một vài người mình biết đã về giời nên lục lọi cái gì đó cho gọi là. Đọc lại thấy nhiều điều chệch choạc nhưng nó đã từng là như vậy.