Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Ký họa


1.
Hôm trước khi viết những cảm nhận về tập thơ của Quang Dũng, thực ra cũng là một loại phác thảo - những ghi chép dạng blog bao giờ chả là như vậy - nên đôi khi để bảo toàn một tổng thể khả dĩ nào đó mà phải lướt qua/nhập nhòa với các khả năng khác. Bây giờ thử lại theo cách ngắn gọn:

- Ký họa là ghi chép lại bằng hình ảnh một khoảnh khắc của cuộc sống. Trong truyền thống hội họa kinh điển châu Âu thì ký họa có vai trò mờ nhạt (*), điều này khác với sự ưa thích (thậm chí sùng mộ trong một giới nhỏ) ở VN trong giai đoạn từ 1945 đến gần đây (hoặc tính đến hết chiến tranh 1975). Ngoài lý do đặc thù câu chuyện lịch sử chiến tranh khốc liệt mà riêng việc là nhân chứng đã đem lại tính hấp dẫn đặc biệt thì diễn trình lịch sử hội họa VN bán khai cũng vừa vặn phù hợp với thị hiếu công chúng giai đoạn đó - ký họa chứng tỏ tài năng vẽ giống, nắm bắt thần tình, cũng chứng tỏ xuất xứ đào tạo hàn lâm, hứa hẹn những tác phẩm kinh điển...


Quang Dũng ưa ký họa, thích khắc họa khoảnh khắc. Đặc trưng thơ QD có dấu ấn ký họa rất nổi bật. Thơ ông có nhiều câu rời sống cuộc đời thơ rất riêng trong lòng công chúng. Tự nhiên nó cũng rất vừa vặn với những cảm xúc bâng khuâng, tha thiết nhưng mơ hồ của tiền chiến (kéo dài).

2.
Tuy nhiên có hai điểm quan trọng mấu chốt có thể triển khai ở chủ đề trên thì tôi lại chưa điểm đến. Điểm đầu tiên đó là sự khác biệt trong nhìn nhận vai trò của ký họa ở châu Âu và ở VN có thể liên quan đến một gốc rễ sâu xa hơn từ hệ hình tư duy. Riêng chuyện từ đâu tôi nhận ra điểm này cũng là một câu chuyện khúc khuỷu để kể: khởi từ việc đọc tập "Những cách thấy" của John Berger tôi nhận thấy lờ mờ có nhiều luận điểm thoạt đầu nghe rất hợp lý nhưng suôn sẻ quá nên gờn gợn khả năng khác mà có thể việc đọc lại cuốn "Cái Nu không thể có" của Francois Jullien sẽ cho thấy độ chênh. Cả hai cuốn tôi đều đang đọc dở nên chưa nói được gì nhiều nhưng có một điểm quan trọng có thể kể ở đây: nếu trong truyền thống hội họa kinh viện châu Âu thì cái bất động là điều quan trọng (ít nhất với cái Nu) thì ở phương Đông - Trung Hoa - chính cái bất động là kẻ thù của họa pháp truyền thống. Phương Đông tôn vinh tiến trình - cái đang biến đổi - mà ký họa thì vừa vặn là phương thức của hội họa châu Âu để mô tả khoảnh khắc - cái đang biến đổi. Từ Tây sang Đông, đến VN nó trở thành khách quý mặc dù dưới danh phận của cái-có-thể-trở-thành.

Điểm thứ hai thực ra rất khó bàn ngắn gọn nhưng đã tư duy kiểu song thoại đối chiếu thì không thể không nhìn từ phía đặc trưng cốt yếu của thơ - từ cổ điển đến hiện đại/từ Tây sang Đông/đến Quang Dũng - để gợi sự tương đồng ở tầng sâu hơn. Chuyện này có thể nương tựa một lần nữa bác F.J với cuốn "Đường vòng và lối vào"; để xem lại những bàn luận về khoảnh khắc/vĩnh viễn, di âm, khoảng cách...

Có điều kể cả tìm tòi thêm được gì nữa thì tôi vẫn lựa chọn cách phát biểu rằng đó chỉ là một khả năng mà từ chỗ tôi thì tôi thấy thế.

Ngoài ra là người học vẽ, tôi có thể kể ra một sự kiện có tính chất bằng chứng: việc ký họa với tôi có một niềm vui rất trực tiếp và hứng khởi, trước khi mọi sức ép và ý nghĩ khác vụt đến.

3.
Nhân tiện giới thiệu mọi người một tác phẩm kết hợp tuyệt vời giữa ký họa - vũ điệu - âm nhạc - đồ họa 2D mà có lẽ chính là minh chứng hoàn hảo cho điểm chung nổi bật khắc họa cái khoảnh khắc.

http://www.youtube.com/watch?v=OBk3ynRbtsw&feature=share

Các hình họa đẹp có thể tìm thấy tại:

http://conteanimated.com/the-book/


Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Đời sống thường ngày bình dân Hà Nội 2012




Thiếu phụ lướt web: Làm cha mẹ chấm com


Nhi đồng xem Ti vi: Cartoon Network


Ấu nhi: Ngủ và ọ ẹ

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Xem tập Mắt người Sơn Tây - Quang Dũng



Sắp xong chưa ông Vân ơi!


1.
Tôi mua tập thơ Quang Dũng trước hết vì tình cảm với những bài thơ thời hoa niên như Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây. Hồi đó lớp 11-12, vẫn còn nhớ rất rõ liên tưởng đến góc camera thay đổi những khung hình trong bài Tây Tiến, nhưng khi thử nghĩ kỹ thì không làm rõ ra được tại sao lại như vậy.

Tập Mắt người Sơn Tây do Nhã Nam làm lần này (Trác Phong tuyển chọn) có cả thơ, ký họa và ký sự của Quang Dũng. Một cách trực quan, những ký họa khiến tôi thấy có thể hiểu hơn về lối làm thơ (dùng chữ thi pháp thì to quá ^^ ) và những thiên hướng của ông: một tâm thế phù hợp nhất với những đặc trưng của thể loại ký.

Các ký họa của Quang Dũng đều là ký họa phong cảnh (màu nước). Chắc thời gian đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của chúng: chất màu đã bị khê nhiều. Nếu xét trên phương diện hội họa thì thấy không quá ấn tượng. Nhưng có một đặc điểm của những ký họa phong cảnh bằng mầu nước này làm tôi quan tâm: trên bình diện tổng thể thì một bức vẽ có cách thể hiện rất nhiều chi tiết, nhưng nhìn vào từng chi tiết thì nét ký họa lại không sắc sảo lắm. Hay nói theo kiểu dân học vẽ là chỗ nào cũng vẽ nên hơi tham chi tiết.

Tất nhiên đối với một bức ký họa thì tính chất tư liệu của nó được đặt lên hàng đầu. Nhưng cũng tại một bức phác họa màu nước thì đã gần tương đương một bức tranh hoàn chỉnh rồi nên đặc điểm trên nó có tính dấu ấn cá nhân. Ở đây, có gì đó tương đồng với phong cách thơ của QD mà trong bài giới thiệu Vũ Quần Phương có một nhận xét liên quan: càng về sau QD càng thiếu đi những bài thơ hay hoàn chỉnh, nhưng vẫn có những câu thơ, tứ thơ hay rải rác. Cái tương đồng là ở xu hướng nắm bắt khoảnh khắc, chi tiết.

Thơ QD có điểm giống thơ Lưu Quang Vũ sau này mà tôi nghĩ là do đặc điểm chung của những người học vẽ: giàu chất liệu hình ảnh và trong những khung hình rất gần với hội họa. Nhưng tâm thế tình cảm thì hai người khác nhau: LQV gần chúng ta  hơn, mê đắm rõ rệt; trong khi QD vẫn là của tiền chiến - hào hoa, nhiều ước lệ và chừng mực trong man mác. Có thể liệt kê được một loạt những "ơi/xa cách/nhớ mong..." với tần suất khá cao từ tập thơ. Nhưng cũng chỉ trong tâm tiền chiến mới có thể tự nhiên gọi những câu rất thiết tha như "Buồn lắm Hồ Nam ơi!". Tha thiết, bâng khuâng, tiết chế, chừng mực trong cảm xúc nhưng rộng rãi thoáng đạt, linh động trong không gian và thời gian - đó cũng là những đặc điểm của thể loại ký họa.


2.
Ký họa ở Việt Nam, nhất là trong giai đoạn 1945-1975 có vị thế đặc biệt về thể loại, khác với ở các nước khác nhiều khi chỉ nhạt nhòa trong vai trò tư liệu của hội họa giá vẽ kinh điển. Tính chất thâm nhập thực tế sinh động, lưu giữ chi tiết (mặt kia là điển hình hóa) trong phong cách lưu loát thoáng đạt của thể loại ký họa đặc biệt phù hợp với điều kiện chiến tranh ở VN. Ngoài ra cũng phải kể đến tiến trình phát triển từ ảnh hưởng của thời Mỹ thuật Đông Dương:  Hội họa thời kỳ này ở VN hầu như chỉ mới ở thời kỳ đầu của lịch sử hội họa hiện đại mà ảnh hưởng của hội họa kinh điển với đặc trưng "Hình họa là danh dự của họa sỹ" - Salvador Dalis - trừ một số ngoại lệ (Trần Trung Tín là ví dụ) - nên tâm lý coi trọng ký họa như là một cái gì có tính hương xưa, được huyền thoại hóa cũng là dễ hiểu.

Trong tư cách là tài liệu nguồn do thâm nhập thực tế, ký họa có tính chất đối diện với đối tượng: có một khoảng cách tinh thần giữa người vẽ với khung cảnh hay câu chuyện. Một mặt anh ta là chứng nhân của sự kiện, mặt kia ngay tức thì anh ta không để cảm xúc chủ quan của mình chi phối tính chất ghi chép dữ liệu. Vẽ  bằng đường nét là phương tiện vừa vặn với ký họa - bằng một sự nhạy cảm tuyệt đỉnh vốn đã như thế ngay từ nguyên thủy. Người vẽ ở đây đóng vai khách lạ với khung cảnh/câu chuyện. Trong chiều kia, câu chuyện được kể lại (bằng hình ảnh) của một người trở về từ những chuyến du hành luôn có tính hấp dẫn đặc biệt của chốn chưa biết với người thưởng lãm.

Thể loại ký - văn xuôi tự sự, những ghi chép trong văn chương có một phổ khá dài từ nhật ký, ký sự, bút ký đến tùy bút. Chúng có đặc điểm chung là sự di chuyển - trong không gian và thời gian. Rõi theo, mô tả, dẫn dắt. Trải nghiệm, chuyển động, giản lược trong sự kiện và những tự sự trữ tình của người viết/đi được gia giảm liều lượng theo từng đặc trưng thể loại. Với ký, người ta không thể tách ra khỏi câu chuyện cái phong cách lữ khách riêng có và do vậy bản thân sinh động của con người tác giả cũng dự-phần bàng bạc trong suốt các câu chuyện. Ai bình thơ Quang Dũng mà chả nhắc đến nét đẹp trai, hào hoa người Hà nội của ông. Phải chăng đó là cách những câu thơ tuyệt diệu mênh mông rời rạc trong thơ Quang Dũng sống cuộc đời thơ của riêng mình.


Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?


3.
Nhưng điều đọng lại nhiều nhất sau tập thơ với tôi là câu chuyện của Phan Lạc Tiếp (11,1971) về tình cảm mẹ con nhà thơ. "Lời mà cụ Tổng nói với chúng tôi là "Hôm anh Diệm về có hai người đi kèm. Anh chỉ nói với mẹ một câu rằng mẹ đi đi. Thế thôi.". Bài thơ "Nhớ về mẹ" được viết sau đó vài năm.



(Entry này tặng riêng bác Gỗ Mun)


^^



Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Vô sư vô sách

Câu chuyện dịch thuật đang có mấy tầng, mấy nhánh để nghĩ:

- Dịch là bất khả: http://lythuyetvanhoc.wordpress.com/2012/02/23/boris-buden-d%E1%BB%8Bch-la-b%E1%BA%A5t-kh%E1%BA%A3-hay-lam-vi%E1%BB%87c-do/

- Xét lại để đối chiếu: Nguyễn Hiến Lê là điển hình, Bùi Giáng thì vô đối.

- Dịch giả/dịch thật: lỗi và quy kết - hay là phân biệt luận cứ với luận chứng của làn sóng ném đá kịch liệt hiện nay.


Tôi thì lại quan tâm đến phía bên kia của câu chuyện: Liệu có một hệ quy chiếu nào cho những người đọc không am tường ngoại ngữ, để họ có một cơ hội thoát khỏi thân phận xách mé vô sư vô sách không? 

Tôi sẽ từ từ thử xem có cách gì không ^^




Nhị thập cửu chương, tử viết

Quá nhi bất cải, thị vị quá hĩ.

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Sổ tay. 1 - Bản thảo

1.
Khoảng 13 tuổi, tôi có cuốn sổ tay đầu tiên (bố cho). Bìa có hình Diễm Hương (thinh thích). Bìa trong có một bức tranh khỏa thân Phục Hưng (thích). Sổ dành để chép mấy câu ưa thích, kiểu như "Giang hà tịch mịch", "Thiên mã hành không", vài ký họa (tập tành) và thơ Nguyễn Bính, Hoa Học Trò các loại. Đôi chỗ ghi lại suy tư (tha thiết) hay tập ký (khá loằng ngoằng). Hết phổ thông thì cũng đóng sổ, cất vào hộc kín (Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianh/Tôi đi dan díu với kinh thành).

2.
Bọn học trò hay có kiểu lâu lâu muốn lấy lại khí thế học hành thì làm một quyển vở mới (đóng bìa thật đẹp), viết nắn nót trang đầu - để mở kỷ nguyên mới. Mười lần thì y như rằng kỷ nguyên đều kết thúc vào trang thứ ba cả.

Tôi hay dùng một cách đi vòng tránh các kỷ nguyên: trên lớp thì ghi vào tập giấy nháp, về nhà sắp xếp lại vào vở. Cách này cũng được nhưng lại hơi mất thời gian. Nếu kỷ luật không nghiêm thì dễ chữ bay theo giấy - quá tội xấu xí lem nhem của vở.

Sau này lên đại học, thấy cách ghi chép của thằng em cũng hay: nó coi cuốn sách chính là vở, cần gì thì ghi thẳng vào, lấy giấy note dán thêm lên. Nhưng đấy là sách giáo trình, nhiều khoảng trống nên dễ viết. Tôi vẫn thấy việc viết vào sách có cái gì đó bất nhẫn. Lại có gì đó giống những người hay viết vài chữ lên trang đầu cuốn truyện mới mua. Lâu ngày nhìn lại thấy phần nhiều chỉ cho cảm giác ấm ớ, yếm thế.

Thay vào đó tôi hay ghi chép trên những tập A4 giấy xấu - viết một mặt, nhiều lúc là một vụn giấy bất kỳ, một bì thư...rồi gom lại vào thành một tập. Cách ấy làm mình thấy thoải mái, cho mình một tư thế an toàn của bản thảo; lại dễ theo dõi những gì đã viết. Tôi cũng thích vẽ bột màu lên những mẩu bìa hay giấy báo (thế chất nghệ nó cao hơn). Tuy vậy, nếu cái nào coi được thì đi mua cái khung lịch sự đóng vào rồi mang tặng các bạn gái.

3.
Năm 20 tuổi, tôi đem những cuốn truyện hồi nhỏ cho hết thằng bé hàng xóm cũ (thanh lý tuổi thơ); đốt hết những gì không cho được và những ghi chép vụn. Thấy vừa thương hại vừa thù ghét những người tỏ ra say mê và tự hào đặc biệt với việc có/đọc nhiều truyện-sách. Yêu thích đặc biệt cái gì thường cho thấy anh không tự tin, không biết tự thương mình.

Nhưng cũng không thể đốt hết tất cả được. Dần dần tôi lại vẫn thích viết lên những mẩu giấy A4 xỉn màu những dòng nguệch ngoạc. Tôi thích viết bằng bút máy, mực đen. Kể ra thì bút máy có cái phiền là hay dây mực ra áo/túi.
----------

Carnets

Phương thức tư duy của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào những gì mà chúng ta làm và những cái mà chúng ta cảm thấy hứng thú...> Không có nghĩa là suy nghĩ bị bóp méo mà chỉ có nghĩa: có rất nhiều khả năng lựa chọn cho phương thức tư duy của chúng ta - nếu có hứng thú khác thì suy nghĩ khác. (Erich Fromm)




Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Đọc xong thì nên viết?

Gạch ra vài ý về việc điểm sách

- Rõ ràng mình là người hay đọc sách. Mình đọc vì muốn tìm kiếm cái gì đó - có ích.
- Nhận thức không tuyến tính. Mỗi khi mỗi lần thường là một dấu hiệu, khơi gợi và soi rọi vào nhau.
- Viết ra là để thu xếp một phen. Cho nó một chiều hướng. Sẽ có tổn thất nhưng cần phải viết ra đã.
- Sẽ như thế này: tôi đó, tôi đọc và tôi đang thấy. Nhưng giữa hai dòng chữ còn đó nhiều lựa chọn.
- Không bao giờ có tính-chất-sở-hữu.
- Mỗi lần đưa ra một lần mới.

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

No country for old man ^^ - Tráng niên tự bạch

1.
Tự xét mình, tôi thấy điều đáng giá nhất mình có là đã từng biết đến trải nghiệm "nhận ra điều hiển nhiên". Từ đó cuộc sống một mặt dường như vô cùng vô tận, một mặt lại vô cùng trơ lì cằn cỗi. Nhưng tôi đã đặt ra được mục đích cho mình.

2.
Nhận mình là người tự học, tôi đã tìm ra một cách để trình diện với cuộc sống: Từ chỗ tôi thấy, tôi biết, thì sự vụ nó thế này-thế kia.

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Đọc "Những cách thấy" - John Berger. 1

Tiếp tục loạt bài tập viết ngắn. Lấy từ blogspot của anh Như Huy ^^
Phần 1 này là từ các post Những cách thấy (1-5). Phần tiểu luận này đáng ra đọc ngược từ dưới lên sẽ dễ nắm bắt hơn.

Tóm tắt:

-------------

"Nghệ thuật của quá khứ không còn hiện hữu như trước kia. Thẩm quyền của nó đã bị mất. Giờ đây tất cả chỉ là ngôn ngữ hình ảnh". Bài luận nói đến sự thay đổi về thẩm quyền của mỹ thuật cổ điển châu Âu (từ Phục Hưng) cho tới khi xuất hiện máy ảnh (sự tái sản) dưới tiếp cận về cách_thấy (ways of seeing - có vẻ còn hàm chứa cái ý "khởi từ sự_thấy").

Đặc trưng cổ điển của mỹ thuật quá khứ: sơn dầu, độc bản, gắn với 1 điểm nhìn theo luật viễn cận, gắn với 1 kiến trúc và theo đặt hàng, gắn với 1 hệ thống giá trị do giáo dục thẩm mỹ và lòng tin phục vụ tầng lớp thiểu số thống trị đương thời.

Xét tương quan "Họa sỹ - Bức tranh - Người xem" thì sự_thấy bị quy định bởi nhiều yếu tố: (1) trong sự định vị với bản thân người nhìn, (2) ý thức có thể bị thấy, (3) thấy đã là lựa chọn bị chi phối bởi nhiều tiên kiến, xu thế giáo dục, cá nhân tính...(4) hình ảnh là sự tái sản (cả với họa sỹ lẫn người xem).

Đặc trưng của thời kỳ xuất hiện camera (tái sản): có thể tái sản hàng loạt dưới nhiều dạng thức, đa điểm nhìn, đa ngữ cảnh...có tính chất của thông tin (ngôn ngữ hình ảnh). Tức là có thể áp dụng nó trong đời sống của mỗi cá nhân, nghĩa có thể bị biến cải hay xuyên tạc. "Nghĩa của 1 hình ảnh bị thay đổi theo những gì người ta nhìn thấy đồng thời bên cạnh hỉnh ảnh đó, hay những liên tưởng mà hình ảnh đó tạo ra". Do vậy nó từ chối thẩm quyền truyền thống, mở ra nhiều cách_thấy.
-------------

Hết tóm tắt.




carnets:

- Hoàn toàn châu Âu.

- Việc cô lập ý niệm sự_thấy ra khỏi tri giác toàn thể về đối tượng (bức tranh) có tính kỹ thuật. Một bức tranh không đơn thuần mang chứa một hình ảnh được tái sản nếu xét đến các yếu tố chi tiết vật thể (kích thước, vật liệu, bố cục) trong tương quan với tri giác của người xem tại thời điểm nhìn. Ít ra còn liên quan đến những yếu tố có tính tâm lý thị giác (tỷ xích, chất cảm vật liệu, khoảng cách thụ cảm).

- Một bức tranh chân dung cổ điển nhất cũng không đơn thuần là tái sản hình ảnh - sao chép thực tại. Nó vẫn hàm chứa các lựa chọn và sắp đặt, qua đó tổ chức 1 nhóm biểu tượng cho 1 thông điệp trải nghiệm nhất định. Do đó có 1 tương quan khá ổn định theo tiêu chí trải nghiệm giữa họa sỹ - người xem đối với 1 bức tranh - nguyên bản hoặc bản sao y cùng các đặc trưng như kích thước, vật liệu, nội dung hình thức... (Tất nhiên những yếu tố tiên kiến chủ quan vẫn tồn tại đồng thời, thậm chí lấn át).

- Nên chủ đề mấu chốt phải hiểu là về "thẩm quyền của nghệ thuật quá khứ khi hình ảnh trở thành ngôn ngữ thông tin đại chúng nhờ khả năng tái sản hàng loạt trên nhiều dạng thức ấn phẩm". Hình ảnh không đồng nhất với bức tranh.