Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Sổ tay. 1 - Bản thảo

1.
Khoảng 13 tuổi, tôi có cuốn sổ tay đầu tiên (bố cho). Bìa có hình Diễm Hương (thinh thích). Bìa trong có một bức tranh khỏa thân Phục Hưng (thích). Sổ dành để chép mấy câu ưa thích, kiểu như "Giang hà tịch mịch", "Thiên mã hành không", vài ký họa (tập tành) và thơ Nguyễn Bính, Hoa Học Trò các loại. Đôi chỗ ghi lại suy tư (tha thiết) hay tập ký (khá loằng ngoằng). Hết phổ thông thì cũng đóng sổ, cất vào hộc kín (Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianh/Tôi đi dan díu với kinh thành).

2.
Bọn học trò hay có kiểu lâu lâu muốn lấy lại khí thế học hành thì làm một quyển vở mới (đóng bìa thật đẹp), viết nắn nót trang đầu - để mở kỷ nguyên mới. Mười lần thì y như rằng kỷ nguyên đều kết thúc vào trang thứ ba cả.

Tôi hay dùng một cách đi vòng tránh các kỷ nguyên: trên lớp thì ghi vào tập giấy nháp, về nhà sắp xếp lại vào vở. Cách này cũng được nhưng lại hơi mất thời gian. Nếu kỷ luật không nghiêm thì dễ chữ bay theo giấy - quá tội xấu xí lem nhem của vở.

Sau này lên đại học, thấy cách ghi chép của thằng em cũng hay: nó coi cuốn sách chính là vở, cần gì thì ghi thẳng vào, lấy giấy note dán thêm lên. Nhưng đấy là sách giáo trình, nhiều khoảng trống nên dễ viết. Tôi vẫn thấy việc viết vào sách có cái gì đó bất nhẫn. Lại có gì đó giống những người hay viết vài chữ lên trang đầu cuốn truyện mới mua. Lâu ngày nhìn lại thấy phần nhiều chỉ cho cảm giác ấm ớ, yếm thế.

Thay vào đó tôi hay ghi chép trên những tập A4 giấy xấu - viết một mặt, nhiều lúc là một vụn giấy bất kỳ, một bì thư...rồi gom lại vào thành một tập. Cách ấy làm mình thấy thoải mái, cho mình một tư thế an toàn của bản thảo; lại dễ theo dõi những gì đã viết. Tôi cũng thích vẽ bột màu lên những mẩu bìa hay giấy báo (thế chất nghệ nó cao hơn). Tuy vậy, nếu cái nào coi được thì đi mua cái khung lịch sự đóng vào rồi mang tặng các bạn gái.

3.
Năm 20 tuổi, tôi đem những cuốn truyện hồi nhỏ cho hết thằng bé hàng xóm cũ (thanh lý tuổi thơ); đốt hết những gì không cho được và những ghi chép vụn. Thấy vừa thương hại vừa thù ghét những người tỏ ra say mê và tự hào đặc biệt với việc có/đọc nhiều truyện-sách. Yêu thích đặc biệt cái gì thường cho thấy anh không tự tin, không biết tự thương mình.

Nhưng cũng không thể đốt hết tất cả được. Dần dần tôi lại vẫn thích viết lên những mẩu giấy A4 xỉn màu những dòng nguệch ngoạc. Tôi thích viết bằng bút máy, mực đen. Kể ra thì bút máy có cái phiền là hay dây mực ra áo/túi.
----------

Carnets

Phương thức tư duy của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào những gì mà chúng ta làm và những cái mà chúng ta cảm thấy hứng thú...> Không có nghĩa là suy nghĩ bị bóp méo mà chỉ có nghĩa: có rất nhiều khả năng lựa chọn cho phương thức tư duy của chúng ta - nếu có hứng thú khác thì suy nghĩ khác. (Erich Fromm)




Không có nhận xét nào: