Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Ký họa


1.
Hôm trước khi viết những cảm nhận về tập thơ của Quang Dũng, thực ra cũng là một loại phác thảo - những ghi chép dạng blog bao giờ chả là như vậy - nên đôi khi để bảo toàn một tổng thể khả dĩ nào đó mà phải lướt qua/nhập nhòa với các khả năng khác. Bây giờ thử lại theo cách ngắn gọn:

- Ký họa là ghi chép lại bằng hình ảnh một khoảnh khắc của cuộc sống. Trong truyền thống hội họa kinh điển châu Âu thì ký họa có vai trò mờ nhạt (*), điều này khác với sự ưa thích (thậm chí sùng mộ trong một giới nhỏ) ở VN trong giai đoạn từ 1945 đến gần đây (hoặc tính đến hết chiến tranh 1975). Ngoài lý do đặc thù câu chuyện lịch sử chiến tranh khốc liệt mà riêng việc là nhân chứng đã đem lại tính hấp dẫn đặc biệt thì diễn trình lịch sử hội họa VN bán khai cũng vừa vặn phù hợp với thị hiếu công chúng giai đoạn đó - ký họa chứng tỏ tài năng vẽ giống, nắm bắt thần tình, cũng chứng tỏ xuất xứ đào tạo hàn lâm, hứa hẹn những tác phẩm kinh điển...


Quang Dũng ưa ký họa, thích khắc họa khoảnh khắc. Đặc trưng thơ QD có dấu ấn ký họa rất nổi bật. Thơ ông có nhiều câu rời sống cuộc đời thơ rất riêng trong lòng công chúng. Tự nhiên nó cũng rất vừa vặn với những cảm xúc bâng khuâng, tha thiết nhưng mơ hồ của tiền chiến (kéo dài).

2.
Tuy nhiên có hai điểm quan trọng mấu chốt có thể triển khai ở chủ đề trên thì tôi lại chưa điểm đến. Điểm đầu tiên đó là sự khác biệt trong nhìn nhận vai trò của ký họa ở châu Âu và ở VN có thể liên quan đến một gốc rễ sâu xa hơn từ hệ hình tư duy. Riêng chuyện từ đâu tôi nhận ra điểm này cũng là một câu chuyện khúc khuỷu để kể: khởi từ việc đọc tập "Những cách thấy" của John Berger tôi nhận thấy lờ mờ có nhiều luận điểm thoạt đầu nghe rất hợp lý nhưng suôn sẻ quá nên gờn gợn khả năng khác mà có thể việc đọc lại cuốn "Cái Nu không thể có" của Francois Jullien sẽ cho thấy độ chênh. Cả hai cuốn tôi đều đang đọc dở nên chưa nói được gì nhiều nhưng có một điểm quan trọng có thể kể ở đây: nếu trong truyền thống hội họa kinh viện châu Âu thì cái bất động là điều quan trọng (ít nhất với cái Nu) thì ở phương Đông - Trung Hoa - chính cái bất động là kẻ thù của họa pháp truyền thống. Phương Đông tôn vinh tiến trình - cái đang biến đổi - mà ký họa thì vừa vặn là phương thức của hội họa châu Âu để mô tả khoảnh khắc - cái đang biến đổi. Từ Tây sang Đông, đến VN nó trở thành khách quý mặc dù dưới danh phận của cái-có-thể-trở-thành.

Điểm thứ hai thực ra rất khó bàn ngắn gọn nhưng đã tư duy kiểu song thoại đối chiếu thì không thể không nhìn từ phía đặc trưng cốt yếu của thơ - từ cổ điển đến hiện đại/từ Tây sang Đông/đến Quang Dũng - để gợi sự tương đồng ở tầng sâu hơn. Chuyện này có thể nương tựa một lần nữa bác F.J với cuốn "Đường vòng và lối vào"; để xem lại những bàn luận về khoảnh khắc/vĩnh viễn, di âm, khoảng cách...

Có điều kể cả tìm tòi thêm được gì nữa thì tôi vẫn lựa chọn cách phát biểu rằng đó chỉ là một khả năng mà từ chỗ tôi thì tôi thấy thế.

Ngoài ra là người học vẽ, tôi có thể kể ra một sự kiện có tính chất bằng chứng: việc ký họa với tôi có một niềm vui rất trực tiếp và hứng khởi, trước khi mọi sức ép và ý nghĩ khác vụt đến.

3.
Nhân tiện giới thiệu mọi người một tác phẩm kết hợp tuyệt vời giữa ký họa - vũ điệu - âm nhạc - đồ họa 2D mà có lẽ chính là minh chứng hoàn hảo cho điểm chung nổi bật khắc họa cái khoảnh khắc.

http://www.youtube.com/watch?v=OBk3ynRbtsw&feature=share

Các hình họa đẹp có thể tìm thấy tại:

http://conteanimated.com/the-book/


2 nhận xét:

Titi nói...

Clip tren Youtube hay qua, ve bang may phai ko em, sao dep va goi cam the hihi...
cam on em da chia se :-)

Tung H nói...

Ve tay roi xu ly do hoa 2D ^^