Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Trùm chăn luận kiếm ^_^

1.
Vợ vắng nhà.
Con đã gửi ở quê.
Đêm đông lạnh, khoá chặt cửa phòng, ngồi trong giường mở máy tính nghe ngâm thơ và viết blog thì còn cái thú nào hơn!

Lúc chiều ghé hiệu sách cũ chơi, tình cờ thấy mấy cuốn Anh hùng xạ điêu thế là nổi hứng phi một mạch lên Nguyễn Xí mua cho đủ bộ về đọc. Vụ này thực ra đã toan tính từ lâu. Cứ mỗi lần ốm đau chán chường thì vấn đề lớn nhất là nhìn cả kệ sách to đùng mà không tìm nổi một cuốn muốn đọc. Những lúc ấy chỉ muốn có cuốn truyện chưởng trong nhà để đọc một mạch cho rỗng rang đầu óc. Nhưng mỗi lần đi mua sách lại tiếc tiền, còn bao nhiêu thứ muốn mang về nhà. Haizz mới hay dẫu biết nhân sinh nhược đại mộng mà cái gì là quan trọng cũng có rành mạch được đâu! Em thân yêu, anh quyết định rồi, cứ hết một chương anh lại quay sang viết blog rồi lại một chương nữa. Cho tan nát cái u sầu tương tư dằng dặc này mới thôi :)

2.
Mấy hôm trước cho Gấu về quê trước với ông bà xong tự nhiên hai vợ chồng thấy hoang mang kinh khủng. Ngày thường thì cứ đùn cho nhau chơi với Gấu để bố mẹ còn...chơi. Gấu đi vắng rồi mới thấy cuộc sống của mình ngổn ngang lổn nhổn chả đâu vào đâu. Chính Gấu làm cho cuộc sống của mình trở thành chấp nhận được mà mình còn không biết điều nữa. Con là cái dây, vợ là ống sáo cho lá diều đời ta vi vu lãng đãng là đây chứ còn gì nữa!

3.
Trên facebook có một bác hiệu là Thái Phong Quyền, võ lâm cao thủ lại kể chuyện rất duyên, thâm sâu mạc trắc. Hôm nay đọc thấy bác ấy bình về chuyện luyện quyền thuật trong võ thuật nên tôi cũng phát sinh tình cảm tự nhiên muốn mặc kệ bác ĐHP, thản nhiên tung ra vài chiêu luận kiếm cho thoả :D

4.
Giống như bộ phận khá đông đảo các thanh niên Việt Nam khác, tôi cũng có một thời trẻ (đẹp) trai, cũng từng thích đọc truyện chưởng. Tôi thấy những người không thích đọc truyện chưởng (ví dụ như cụ Nguyễn Hiến Lê chẳng hạn) có một điểm rất khác với những người thích đọc truyện chưởng: họ không chia sẻ được cái kiểu tâm thế "tin là thiêng". Đọc truyện chưởng là phải có cái tâm thế ấy - tin là thiêng - không so đo gì sất. Tức là mình thuộc cái nòi cảm tính, ưa làm theo ý thích, thường thì lười nhưng nhiều cao vọng nên mộng toàn chuyện viển vông thôi :P

Trong hàng tác gia cao thủ kiếm hiệp thì nổi bật là Kim Dung và Cổ Long. Hai người họ nổi lên theo hai thái cực khác hẳn nhau. Kim Dung viết theo thủ pháp biên kịch điện ảnh, giàu bố cục tình điệu lớp lang, dựng phim rất dễ. Nhân vật sung mãn, kiến văn dồi dào, phong cảnh hùng vĩ, võ thuật bác đại tinh thâm chiêu chiêu thức thức đều độc đáo li kỳ mà vẫn gắn liền với những triết lý thâm sâu của phương đông. Cổ Long bắt chước lối viết truyện trinh thám hiện đại, tránh sở đoản học thức của mình nên ưa đặc tả tâm lý, tình huống, suy luận. Có khi đọc cả chục trang giấy thì dễ nhưng bảo dựng thành phim thì đố mà dựng nổi. Võ công các nhân vật của Cổ Long không có lộ số nhất định, đặc kiểu choảng nhau đường phố (Cổ cũng xuất thân từ đây), miễn giết được đều là võ nên ai đọc Cổ Long thì phải tin ngay vào chất võ tả mồm này thì mới thiêng. Bằng không đang quen từng chiêu từng thức tinh kỳ của Kim Dung sang gặp Cổ Long thấy cứ tức anh ách.

Nhờ lối đặc tả võ công thâm thuý của mình nên các tuyến nhân vật của Kim Dung được khắc hoạ tính cách rất đặc sắc sống động. Nhân vật của Cổ Long thì được đặc tả thiên về tâm tính, triết lý rồi dựa vào tình tiết mà biến ảo. Nếu bảo là thích thì tôi thích đọc Kim Dung hơn, nhưng nếu nói về phân tích bút pháp thì tôi từ lâu rất muốn thu xếp một phen những suy nghĩ của mình về trường hợp Cổ Long. Nhưng hãy để dành vào dịp khác, hôm nay là muốn luận bàn chuyện luyện quyền, luyện khí, luyện tâm trong võ thuật theo mạch của bác Thái Phong Quyền đã nêu ở trên: quyền thuật (kata) chả có ích lợi gì rõ ràng trong đối kháng thực chiến cả!

Tôi tuy không phải loại tiên thiên bất túc nhưng xin trình bày ngay đầu tiên là thân thể hư nhược, tính tình dát chết ngại va chạm chứ đừng nói chuyện đã từng tập võ. Vậy nên luận kiếm ở đây là đánh võ mồm cho thoả đêm đông, không sợ sai không cầu đúng làm một phiên mãi võ mua vui cuối năm.

5.
Người đọc Kim Dung đều biết đến võ công của Lệnh Hồ Xung học được là thứ võ công vô địch thiên hạ. "Vô chiêu thắng hữu chiêu" của y được người đời nhắc đi nhắc lại trong nhiều cảnh huống khác nhau, phần vì nó cũng bàng bạc như đạo lý vi vô vi của Lão Tử khó hiểu dễ dùng trong cõi đời bung xung thường nhật. Trước đây tôi cũng không nghĩ ngợi gì nhiều cho đến khi có một lần tự nhiên nằm nghĩ ra một ý: người tập quyền thì đánh theo lộ số, án chiếu vào mình trong khi thực chiến là đánh vào đối phương. Đối phương thì gầy béo cao thấp bất định, nhảy nhót biến hoá liên tục. Vậy thì đạo lý của thực chiến phải là án vào tình thế chứ! Đến đây thì vỡ lẽ ra cái món Độc Cô Cửu Kiếm của Kim Dung cũng không đến nỗi không tài nào hiểu được. Cũng giống như thi đấu thể thao, đánh nhau theo quy củ, đối thủ đánh đòn gì đều có ước định, chỉ còn lại là chuyện nhanh chậm biến hoá thêm thắt nữa thôi. Đến hồi thực chiến gặp phải đối phương không thèm quy củ gì cả, chiêu nào cũng độc địa tất sát thì có mà quy củ vào mắt. Đạo lý này thực ra rất bình thường nhưng lâu nay cái bầu không khí mê ảo ngập tràn các từ Hán Việt nó làm ý thức của mình bị gấp nếp, không để ý hay suy nghĩ gì nữa.

Nhưng vậy các tác gia như Kim Dung có biết việc này không, tả như vậy có phải là sai hay không thì xét về phương diện văn học lại chẳng sai tý nào cả. Cũng giống như võ thuật trên phim ảnh, chúng là thứ ngôn ngữ trình diễn để truyền tải. Chúng tuân theo luật tượng trưng là chính. Khán giả cần theo dõi được, hiểu được diễn tiến, đủ để cảm thụ được các động tác theo kiểu thưởng thức màn vũ đạo (ở đây là múa thôi :) Ví dụ như trong chụp ảnh thể thao, chụp ảnh trình diễn thời trang, các bức ảnh đẹp đều là những bức ảnh nắm bắt được khoảnh khắc điển hình nhất, mô tả rõ nhất thần thái đặc trưng của bộ môn. Thô thiển hơn, kỹ thuật thuần tuý thì các nhiếp ảnh gia tổng kết lại rằng chụp ảnh phải chụp đúng được lúc người mẫu đang chân vung tay quăng thì ảnh thể nào cũng đẹp. Có một sự hội tụ ở đây: tính thẩm mỹ của động tác, tính có thể nắm bắt, tính triết lý trong biểu tượng...tất cả đóng vai trò như những đơn vị nghĩa trong một diễn ngôn. Nó dùng để "đọc" theo nghĩa rộng nhất của từ này. Muốn choảng nhau ngoài phố ngàn vạn lần không nên học theo kiểu Kim Dung!

(còn tiếp)

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Đêm tháng chạp ở quê nghe ngâm thơ trên đài

Nhân tìm được một chỗ nghe ngâm thơ :)
-----------------

Có lẽ khoảng thời gian từ ngoài 23 tháng chạp đến giáp tết là nhiều ý vị nhất. Mọi thứ vừa hối hả chộn rộn lại vừa bâng khuâng tản mạn. Sang năm mới rồi thì phong vị ngày xuân nó lại khác hẳn: dãn ra, vừa lặng vừa rộn lại mênh mang. Khoảng thời gian trước tết lòng người theo lẽ tự nhiên thường nghĩ ngợi nhiều chuyện, tưởng nhớ nhiều thứ linh tinh. Kẻ xa xứ tha hương thì khỏi nói, dẫu muốn về quê hay không thì cũng không khỏi tư lự lòng lữ khách. Trong những ngày đông rét mướt thì lại càng quay quắt bần thần.

Nếu nghĩ đến những đêm lạnh ở quê thì điều thường trực nhất trong ký ức của tôi là khoảng trời đen thẫm thưa ánh đèn của thôn xóm. Mình ngồi nghe nghé trong nhà hoặc thấp thỏm ngoài hiên mà nhìn vào màn đêm hun hút. Sẽ vọng từ đâu đó tiếng đài phát thanh. Có thể là của một nhà hàng xóm vì người nhà quê hầu như đều nghe đài cả. Cũng có thể là tiếng đài phát ra từ cái loa công cộng treo cao đầu thôn. Đài tiếng nói Việt Nam có một đặc sản rất quý, cần bảo tồn thật lâu đó là những giọng đọc của chương trình văn nghệ lúc khoảng 10giờ tối. Giọng đọc truyện đêm khuya và nhất là những chương trình ngâm thơ về đêm, chúng thấm vào tâm trí mình đến rợn người.

Từ Trường Sơn về, bố tôi đem theo hai thứ cho đến tận già: thói quen nằm võng và thói quen nghe đài phát thanh gần như 24/24. Kể cả bật ti vi, đọc báo hay đi loanh quanh ngoài vườn ngoài ngõ thì vẫn cứ phải bật đài. Tôi thì hầu như không chủ ý theo dõi gì trên đài - mà thực ra thì hình như bố tôi cũng thế - nhưng riết bao nhiêu năm rồi tiếng đài cũng thành một vùng ký ức đáng kể. Tất cả ký ức đấy chỉ gom lại trong một đặc điểm: giọng đọc của chương trình văn nghệ buổi tối. Nó với ánh đèn vàng vọt ở những sân ga xép lúc nào cũng bất hủ trong một góc tâm trí mình; không sợ sến, không sợ thời gian và sự thay đổi bấp bênh của lòng người.

Nằm ghé một góc của câu chuyện tiếng nói đài phát thanh là những chương trình ngâm thơ. Tôi thích nghe ngâm thơ và phát hiện ra là chỉ đơn giản là thích giọng ngâm, điệu ngâm, còn ra chẳng quan trọng là bài gì, ai ngâm! Giá kể văn kiện đại hội mà ngâm được thì mình vẫn thấy hay. Một mặt tôi quan niệm thơ là để đọc, và đọc hay nhất là đọc bình thường thì mới diễn đạt được tính gợi, sự kín đáo miên man vô định của thơ. Nhưng mặt khác thì tôi thấy ngâm thơ rất có giá trị âm nhạc :) Vậy chứ âm nhạc của điệu ngâm thơ là thứ âm nhạc gì mà nhảy tọt vào lòng người ta như thế?

Hẳn là điệu ngâm thơ có nguồn gốc từ mấy câu ngâm trong điệu ca trù ngày trước. Hẳn là còn trong nhạc điệu của chèo xưa nữa. Có nghĩa chúng là một bộ phận trong một làn điệu. Tuy lênh đênh vô định dễ rời ra khỏi làn điệu tổng thể nhưng vẫn cứ là một bộ phận. Giống như một khoảng nghỉ, một đoạn dạo đầu của làn điệu. Cái tính chất phụ hoạ, phác gợi này thế là tự nhiên rất gần gũi với yếu tính của thơ. Nhưng tôi nhất quyết cho rằng nếu muốn thưởng thức bài thơ thì không nên ngâm mà chỉ nên đọc thôi. Khi nghe ngâm thơ thì mình xác định thưởng thức điệu ngâm, giọng ngâm là chính.

Mưa gió phai ai, xớn xác trong dòng chảy hiện đại, ở cái tuổi lừng khừng lỡ cỡ này, nói thì hay vậy nhưng bảo tôi nghe ngâm thơ thì hãy nhất định là trong một đêm lạnh cuối tháng chạp, mình về quê ra hiên ngó rồi nghe từ đâu ngẫu nhĩ vọng lại giọng ngâm xưa đó kìa. Giờ ngồi viết mấy dòng này lại tưởng đến ngày thằng bé lớp 7 đọc thơ Nguyễn Bính mơ những chiều biên tái xa quê loang khói lam chiều nhớ quê. Giấc mơ của tuổi trẻ là cứ đi mãi, đi và nhớ về một quê xứ chưa bao giờ rời xa.

Chiều lại buồn rồi em vẫn xa
Lá rừng thu đổ nắng sông tà
Chênh vênh quán rượu mờ sương khói
Váng vất thôn sâu quạnh tiếng gà

Viên tướng


Tôrei (1721-1792)
Ensô
Mực trên giấy, 32,5 x 44,3
Sưu tập tư nhân.
(Trích từ Nghệ thuật Zen).

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Tư duy kinh tế Vn 1975-1989 (tiếp).

3.
Đối tượng khảo cứu của cuốn sách là về "tư duy kinh tế VN". Xét trên phương diện phương pháp luận nghiên cứu KH, tôi không rõ là liệu trong ngành kinh tế học thì khái niệm trên có trở thành một đối tượng nghiên cứu được không nữa? Sẽ dễ chịu hơn nhiều nếu xếp công trình này vào phân mục lịch sử - mặc dù bản thân sử học cũng lại là một thứ rất khó để phân loại. Bỏ lại vấn đề phân loại duy danh (có phần dễ dãi) sang một bên, ta lại thấy chính từ độ vênh này phạm trù "tư duy kinh tế VN" tìm được sự thích nghi cho hoàn cảnh chính trị - kinh tế - xã hội đặc thù của mình.

Như chính trong cuốn sách đã ghi lại, nhiều ý kiến từ quan điểm kinh tế học phương Tây đã cho rằng tiền ở VN giai đoạn bao cấp không thực sự là tiền tệ (vì nó gắn với vô số thủ tục, giấy tờ, tem phiếu...khác) nên những khái niệm kinh tế học chẳng biết gò vào đâu cho vừa thực tế VN lúc đó. Một đằng thì đến bản thân khái niệm chủ chốt là "tư duy kinh tế" cũng phải loay hoay tìm kiếm một uyển ngữ cho mình, đằng kia là cái cấm kị về hệ tư tưởng CS đã chốt chặt tại bổ ngữ "muôn năm", ở giữa hai đằng hai nẻo đó mới thấy được việc lựa chọn đối tượng trình bày là "tư duy kinh tế VN" trở nên vô cùng thích đáng. Trong phạm trù này đồng thời vừa bao hàm các tư tưởng, lý luận, lại vừa bao hàm các chủ thể của nó từ các cá nhân chính trị gia đến các cơ cấu ban ngành của thể chế cũng như hệ thống các chuyên gia, các think tank.

Trong bài tựa của GS Trần Phương - một nhân vật chính được đề cập nhiều lần trong cuốn sách - hầu như không hề chạm đến một điều gì cụ thể của tác phẩm. Tất cả chỉ là những câu hỏi rất cơ bản, rất hiển nhiên về mô hình kinh tế của VN. Một người trong cuộc nêu lại những câu hỏi căn bản - tự điều này cũng nói lên được khá nhiều điều: nếu chúng ta đã làm được rất nhiều điều trong Đổi Mới, vậy thì vị trí của những đổi mới ấy là ở đâu trong tiến trình chung của lịch sử? Đứng từ ngoài để nhận xét thì hầu như chỉ có thể rút gọn lại một câu "đổi mới chẳng qua là cải lùi!". Từ đó chuyển sang phủ nhận vai trò lịch sử cũng chẳng xa là mấy. Trong công trình của mình, ĐP đã phần nào chuyển tải được bối cảnh chính trị - kinh tế - xã hội của VN một thời kỳ trong sự liên tục và không thể tách rời từng mặt của nó bằng lối ghi chép riêng trong đó các chứng từ của lịch sử xuất hiện một cách chi tiết và sống động không ngờ so với những ấn tượng thông thường về chúng. Nhìn nhận lịch sử bằng cái nhìn từ những vận động nội kết thường giúp đem lại những kiến thức có nhiều ích lợi hơn là những phán xét suông "if what".

4.
Một điểm thú vị khác của cuốn sách là dưới sức căng của tình huống kinh tế đất nước thời kỳ đặc biệt này, những sinh hoạt chính trị ở cấp cao nhất ở Vn hiện ra rất sinh động đến từng cá nhân một. Nó giới thiệu cho công chúng một loạt những chuyên gia còn ít được biết đến đứng đằng sau cuộc cải cách. Những chính khách nổi tiếng trở lên cụ thể sinh động hơn trong từng tình huống câu chuyện cụ thể. Hầu như tác phẩm chỉ ghi lại những sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến tiến trình cải cách, đổi mới. Nhưng chính từ cách ghi chép chi tiết cụ thể với nhiều chứng từ lịch sử đã làm nổi bật lên những điều, những việc của những người trong cuộc nhưng không được nói đến! Những hình ảnh đen trở lên bớt đen hơn và những hình ảnh sáng quá trở lên có hình khối hơn.

Thông qua những chi tiết, người đọc có thể phác dựng lên được lề lối hoạt động, cơ chế ảnh hưởng và ra quyết định của cơ quan quyền lực cao nhất là BCT. Những diễn tiến thay đổi cung cách sinh hoạt chính trị trong nội bộ, những xu thế cân bằng mới dần xuất hiện sau thời kỳ của các lãnh tụ. Trong một cái nhìn kéo dài, nó sẽ giúp ta hình dung phần nào về cơ chế của những sinh hoạt chính trị giai đoạn gần đây.

5.
Từ những đặc điểm của mình, có lẽ đúng hơn cuốn sách thuộc loại hình lịch sử giống như nó tự nhận "Nhật ký thời bao cấp". Sự sống động của tư liệu giúp người đọc như cùng quay lại một thời kỳ để theo dõi tiến thoái của nó. Một điều khá đặc biệt với tôi là sau khi đọc cuốn này bỗng nhận thấy hơn 20 năm không phải là quá dài. Những gì đang diễn ra là sự kéo dài của những sự kiện của thời kỳ trước. Những đòi hỏi cải cách thay đổi một mặt vừa rất cấp thiết một mặt cần có đủ thời gian cho nó diễn ra. Những vấn đề kinh tế cần một pha thời gian của nó, những vấn đề xã hội khác cũng sẽ cần một pha khác để thay đổi.

Nhưng nếu những vấn đề kinh tế của giai đoạn 1975-1989 là rất cấp bách tạo ra tình thế không thể không đổi mới để từ đó chính cũng những cá nhân như Trường Chinh có thể thay đổi để tác động vào tiến trình thì đối với những vấn đề xã hội hiện nay sức căng của tính huống sẽ xác lập từ đâu? Chúng ta vẫn đang còn hân hoan vì hàng trăm năm nay chưa bao giờ cuộc sống dễ chịu như vậy (như báo Mỹ nói) thì tương lai những yếu tố nào, những ai sẽ là người thức tỉnh những vấn đề cấp bách ở một bình diện khác, ở những tầng trên của tháp Maslow?

Đọc Tư duy kinh tế VN 1975-1989. Đặng Phong

(Ảnh ST)
1.
Ấn tượng và ký ức về thời bao cấp trong tôi là khá nhẹ nhàng. Đơn giản vì nó chỉ vừa kịp nằm trọn trong tuổi thiếu niên vô tư lự của thế hệ cuối 7x chúng tôi. Điều khác biệt tưởng nhỏ bé này hoá ra lại rất căn bản khi tôi nhận ra sự khác biệt trong cách nhìn nhận đánh giá về xã hội Việt Nam của mình với những người thuộc thế hệ khác, đặc biệt là lứa đi trước. Về căn bản, chúng tôi lớn lên, thấy những khó khăn, kỳ cục chỉ là những kỷ niệm ấu thơ đáng yêu dễ tha thứ, thấy sự phát triển, thay đổi là điều đương nhiên và xã hội luôn có cơ hội tích cực cho sự thay đổi.

Chúng tôi được đặc quyền nhìn mọi vấn đề của thời bao cấp bằng cái nhìn non nớt như vậy mà không sợ bất cứ chế giễu nào: xét cho cùng thì chúng tôi đâu có hiểu biết gì nhiều nhặn về xã hội thời đó ngoài những trải nghiệm sống của tuổi nhi đồng, thiếu niên. Tuổi trẻ của chúng tôi có quá nhiều điều để khám phá và loay hoay lựa cách thích nghi. Cái loay hoay muôn thuở của tuổi đôi mươi vừa hay cũng trùng hợp với cái loay hoay đôi mươi của một xã hội đang tự vượt lên chính mình những năm 90s. Một cách tự nhiên, thời bao cấp lặng lẽ nằm bên rìa ký ức như một điều đương nhiên.

Nhưng khi đã tiếp xúc với thế giới internet thì tránh thế nào được việc phải có một quan điểm khi mỗi ngày đều tràn ngập trên các trang mạng đang trong trào lưu giải mật chế độ là những tranh chấp (thậm chí thù địch) quan điểm xét lại về xã hội Việt Nam. Dù không cố ý, dần dà tôi chắp nối những sự kiện, những ý kiến thành một nền tảng hiểu biết của mình về thời bao cấp. Sự khác biệt bây giờ trở thành rất quan trọng: tôi luôn nhìn những mâu thuẫn gay gắt như là những mâu thuẫn của nội giới và nhờ vậy thoát ra khỏi sự hằn học bài trừ về mặt quan điểm đối với quá khứ. Khi mình đã từng sống đơn giản, hài hoà với một xã hội; rồi xã hội đó cũng đã đổi thay tích cực hàng ngày thì không thể nào mình tư duy về nó theo kiểu phải cắt đục chỗ này, tiêu diệt chỗ kia, theo lối mày sống tao chết được. Sự chú tâm của tôi ưu tiên cho việc thấu hiểu, đồng cảm và tìm kiếm cơ hội cho sự thay đổi.

2.
Nhược điểm lớn nhất của những thông tin từ nguồn phổ thông trên mạng là tính phiến diện, nhặt nhạnh và có tính chất tin đồn là chủ yếu. Những thông tin như vậy chỉ có thể lặng lẽ theo dõi, để vào một chỗ chờ dịp đủ điều kiện xử lý thì thao tác chứ ít tính xây dựng cho hiểu biết có ích. Trong một bối cảnh như vậy thì cuốn sách "Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989" của Đặng Phong là một tài liệu rất có ích để góp phần định hình cách nhìn nhận đánh giá về thời bao cấp nói chung và về đường lối xã hội thời đó nói riêng.

Việc cuốn sách là một phần của một đề tài cấp Bộ về Tư duy kinh tế VN 1975-2005 dễ khiến người ta liên tưởng đến 02 việc: thứ nhất, nó được tư duy và trình bày theo phong cách, lối viết của nghiên cứu khoa học VN vốn buồn tẻ và dễ đáng ngờ; và thứ hai, nó chỉ nói chuyện kinh tế là thứ không phải hấp dẫn đối với tất cả mọi độc giả phổ thông. Cái hấp dẫn trước đây của thời kỳ bao cấp là những tập quán, lối sống, kỷ niệm buồn vui một thời - mà hầu hết là mang màu sắc tương phản với hiện tại - giống như những hiện vật trong bảo tàng Dân tộc học, hay ở quán cafe Báo phố Trần Quốc Toản hoặc trong những bộ sưu tập tư nhân và trên những trang blog đầy hoài niệm.

Tưởng vậy mà không phải vậy, khi đã bắt đầu đọc cuốn sách là sẽ khó có thể dứt ra được khỏi mạch lạc của nó. Lớn lao hơn rất nhiều hình dạng một đề tài về kinh tế, vốn cũng chính là một lựa chọn rất thông minh, rất đặc sắc của các tác giả, cuốn sách đã tìm ra được lối mạch lạc để xâu chuỗi liên kết các sự kiện, các số liệu, văn bản, nhân vật lịch sử để dựng lên thành một thực tế chính trị - kinh tế - xã hội của cả một thời kỳ lịch sử. Cả những điều nó nói đến và những điều nó không nói đến (lối vòng vo gián tiếp Á Đông) đã cho ta biết được rất nhiều góc cạnh của lịch sử một cách sống động và chính thức. Chính trị, vâng chính là chính trị, được đề cập chính thức, nghiêm túc và có thể hiểu được. Bên cạnh những tiếp cận kiểu tin đồn, thuyết âm mưu mang nặng phong cách Tam quốc diễn nghĩa lâu nay, ở đây chúng ta có thể bình thường mà tiếp cận, suy nghĩ, đánh giá về những cá nhân của lịch sử chính trị Việt Nam một thời kỳ. Vừa mang trong mình khối tư liệu đủ để đứng riêng một mạch lạc, cách trình bày của cuốn sách còn mở ra vô số lối ngỏ để mỗi người tuỳ vào sở thích, hứng thú và hiểu biết có thể tham chiếu, dựng khung bối cảnh, phác hoạ lên tư cách của từng nhân vật lịch sử giai đoạn đó. Thăng bằng giữa cách đọc chính diện và cách đọc giữa những hàng chữ, đó chính là giá trị bút pháp nổi bật của Tư duy kinh tế VN 1975-1989.

(còn tiếp)

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Hoàng Ngọc Hiến

Trên Diendan thông tin dịch giả HNH đã mất. Ngoài những tác phẩm của Francois Jullien đã được dịch hầu như tôi không biết gì về ông nhưng cũng xin bày tỏ chút tình cảm.

Với tôi, việc gặp đúng được một số cuốn sách vào một số thời điểm trong đời là điều may mắn.

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Viết ra - ghi lại

Ghi lại 1 comment đã viết ra trên blog bác Kazenka (nhờ bác mà tôi có cái giao diện blog như bây giờ :)
---------------

Về nhu cầu viết ra-ghi lại, em có một số ý nghĩ thế này: cái fact thứ nhất của cuộc sống là sự bất an (Khổ, Phi lí, nhu cầu hợp nhất...). Viết ra trong một chừng mực là gán cho quá khứ một chiều hướng, một trật tự có thể nắm bắt...tức là có tác dụng an thần tạm thời :)

Nhưng vì tính giả tạm của giải pháp nên hệ quả dễ đến là hành động xuất bản: nó vừa là chia sẻ, kêu gọi đồng lõa vừa là chối bỏ những gì đã định hình. Vì sự thực cả cuộc đời và chính tâm thức đều là những dòng chảy nên nếu nó bị định hình nó chỉ còn có thể vừa thừa nhận vừa chối bỏ.

Như vậy rồi thì nên coi Ký ức là vấn đề phụ*, là phương tiện của vấn đề số 1: sống đương đầu với hiện tại. 

--------------

(*): khi tôi nói phụ có nghĩa nó là khán giả của cuộc đấu kiếm sinh tử.

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

Sau những thung lũng núi đồi của hiểu và không hiểu

Những con sóng - (Hoàng Yến)

Và cuối cùng ta sẽ nói thương nhau
Sau những thung lũng núi đồi của hiểu và không hiểu
Cả vực thẳm khác biệt tưởng chừng không qua nổi
Đã là ghềnh thác sau lưng ta chảy tiếp như sông
Những dòng sông xuôi ra biển mênh mông
Muôn con sóng reo vui tung bọt nước
Sóng tìm đến cánh buồm xưa ao ước
Đỏ chênh vênh tít tắp ở chân trời
Chuyện tình yêu như là giấc mơ thôi
Trang cổ tích đôi lần làm ta thao thức
Khúc nhạc du dương từ lâu đã dứt
Tiếng tơ lòng lan vòng sóng miên man
Sóng vươn ra những ước vọng chứa chan
Về một thế giới tốt lành và nhân ái
Không ai phải đau buồn sợ hãi
Vì những hàng rào bạo lực phi nhân
Người với người sống giữa mối tình thân
Tràn như nước san bằng muôn cao thấp
Những đốm lửa nơi biển đêm đã thắp
Sẽ sáng lên muôn dòng chảy chơi vơi
Sóng tìm về bè bạn giữa trùng khơi
Tay nắm tay ta hát lời biển lớn
Tình nguồn cội trong veo không chút gợn
Mang yêu thương từ sông suối về đây
Tiếng hát vang trên sóng nước lên đầy
Lan xa mãi biển chiều nay lộng gió…
5-1-2011
--------------
Bài thơ này của chị HY tôi thích vì nó cũng có được tâm thế khoáng đạt, phảng phất như bài Dạo Khúc 27 của Nguyễn Quang Tấn.

Ở chỗ mà chúng ta buông tay rơi vỡ chiếc bình
Long lanh giọt nước tình duyên
Nơi này thành sông thành biển ...

Nơi này anh đã yêu em.


Khúc cuối bài Dạo Khúc 27 láy lại khúc đầu nhưng đã là vọng chuyển từ "Nơi đó sau này thành sông thành biển". Nhẹ nhàng, khoáng đạt nhưng đau nỗi đau của tơ ngó sen đầu hè. Đây đó, đó đây.


Kinh Phật nói "Thấy Tu-di sơn trong một hạt cải", muốn hiểu phải vượt quá được ngã mạn. Long lanh một giọt nước tình duyên cũng đủ một lối nhân duyên để nhập lưu vong sở, thấy mình và người là những dòng sông.


Nhưng vì chúng ta chỉ là người nên tất cả còn lại là những tứ thơ thôi :)


Bài thơ của HY, thích từ 2 câu đầu:


Và cuối cùng ta sẽ nói thương nhau
Sau những thung lũng núi đồi của hiểu và không hiểu

Thơ hay ở chỗ bất ngờ, bình thường thì như vậy, nhưng có những nội cảm sâu thẳm chỉ chực chờ được một duyên cớ để dâng tràn như triều lên trên biển lớn trong khuya.

Lại có những bài thơ tình đủ kín đáo và tinh tế để có thể đọc trước mọi người - như xưa kia Hoài Thanh nói về thơ Đoàn Phú Tứ là một. Hai bài trên theo tôi cũng xếp được vào nòi này!