Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Đêm tháng chạp ở quê nghe ngâm thơ trên đài

Nhân tìm được một chỗ nghe ngâm thơ :)
-----------------

Có lẽ khoảng thời gian từ ngoài 23 tháng chạp đến giáp tết là nhiều ý vị nhất. Mọi thứ vừa hối hả chộn rộn lại vừa bâng khuâng tản mạn. Sang năm mới rồi thì phong vị ngày xuân nó lại khác hẳn: dãn ra, vừa lặng vừa rộn lại mênh mang. Khoảng thời gian trước tết lòng người theo lẽ tự nhiên thường nghĩ ngợi nhiều chuyện, tưởng nhớ nhiều thứ linh tinh. Kẻ xa xứ tha hương thì khỏi nói, dẫu muốn về quê hay không thì cũng không khỏi tư lự lòng lữ khách. Trong những ngày đông rét mướt thì lại càng quay quắt bần thần.

Nếu nghĩ đến những đêm lạnh ở quê thì điều thường trực nhất trong ký ức của tôi là khoảng trời đen thẫm thưa ánh đèn của thôn xóm. Mình ngồi nghe nghé trong nhà hoặc thấp thỏm ngoài hiên mà nhìn vào màn đêm hun hút. Sẽ vọng từ đâu đó tiếng đài phát thanh. Có thể là của một nhà hàng xóm vì người nhà quê hầu như đều nghe đài cả. Cũng có thể là tiếng đài phát ra từ cái loa công cộng treo cao đầu thôn. Đài tiếng nói Việt Nam có một đặc sản rất quý, cần bảo tồn thật lâu đó là những giọng đọc của chương trình văn nghệ lúc khoảng 10giờ tối. Giọng đọc truyện đêm khuya và nhất là những chương trình ngâm thơ về đêm, chúng thấm vào tâm trí mình đến rợn người.

Từ Trường Sơn về, bố tôi đem theo hai thứ cho đến tận già: thói quen nằm võng và thói quen nghe đài phát thanh gần như 24/24. Kể cả bật ti vi, đọc báo hay đi loanh quanh ngoài vườn ngoài ngõ thì vẫn cứ phải bật đài. Tôi thì hầu như không chủ ý theo dõi gì trên đài - mà thực ra thì hình như bố tôi cũng thế - nhưng riết bao nhiêu năm rồi tiếng đài cũng thành một vùng ký ức đáng kể. Tất cả ký ức đấy chỉ gom lại trong một đặc điểm: giọng đọc của chương trình văn nghệ buổi tối. Nó với ánh đèn vàng vọt ở những sân ga xép lúc nào cũng bất hủ trong một góc tâm trí mình; không sợ sến, không sợ thời gian và sự thay đổi bấp bênh của lòng người.

Nằm ghé một góc của câu chuyện tiếng nói đài phát thanh là những chương trình ngâm thơ. Tôi thích nghe ngâm thơ và phát hiện ra là chỉ đơn giản là thích giọng ngâm, điệu ngâm, còn ra chẳng quan trọng là bài gì, ai ngâm! Giá kể văn kiện đại hội mà ngâm được thì mình vẫn thấy hay. Một mặt tôi quan niệm thơ là để đọc, và đọc hay nhất là đọc bình thường thì mới diễn đạt được tính gợi, sự kín đáo miên man vô định của thơ. Nhưng mặt khác thì tôi thấy ngâm thơ rất có giá trị âm nhạc :) Vậy chứ âm nhạc của điệu ngâm thơ là thứ âm nhạc gì mà nhảy tọt vào lòng người ta như thế?

Hẳn là điệu ngâm thơ có nguồn gốc từ mấy câu ngâm trong điệu ca trù ngày trước. Hẳn là còn trong nhạc điệu của chèo xưa nữa. Có nghĩa chúng là một bộ phận trong một làn điệu. Tuy lênh đênh vô định dễ rời ra khỏi làn điệu tổng thể nhưng vẫn cứ là một bộ phận. Giống như một khoảng nghỉ, một đoạn dạo đầu của làn điệu. Cái tính chất phụ hoạ, phác gợi này thế là tự nhiên rất gần gũi với yếu tính của thơ. Nhưng tôi nhất quyết cho rằng nếu muốn thưởng thức bài thơ thì không nên ngâm mà chỉ nên đọc thôi. Khi nghe ngâm thơ thì mình xác định thưởng thức điệu ngâm, giọng ngâm là chính.

Mưa gió phai ai, xớn xác trong dòng chảy hiện đại, ở cái tuổi lừng khừng lỡ cỡ này, nói thì hay vậy nhưng bảo tôi nghe ngâm thơ thì hãy nhất định là trong một đêm lạnh cuối tháng chạp, mình về quê ra hiên ngó rồi nghe từ đâu ngẫu nhĩ vọng lại giọng ngâm xưa đó kìa. Giờ ngồi viết mấy dòng này lại tưởng đến ngày thằng bé lớp 7 đọc thơ Nguyễn Bính mơ những chiều biên tái xa quê loang khói lam chiều nhớ quê. Giấc mơ của tuổi trẻ là cứ đi mãi, đi và nhớ về một quê xứ chưa bao giờ rời xa.

Chiều lại buồn rồi em vẫn xa
Lá rừng thu đổ nắng sông tà
Chênh vênh quán rượu mờ sương khói
Váng vất thôn sâu quạnh tiếng gà

2 nhận xét:

Nhị Linh nói...

quan tái mồm thích, bác nhỉ, nằm trong chăn ấm mơ đến chiều mưa biên giới anh đi về đâu là nhất, thượng hảo hạng :) đít không dịch ra khỏi giường mà vẫn "Tôi đi mãi mãi vào sơn cước" thì là cái thú công tử phong lưu Bắc Việt không zì sánh nổi ;d

Tung H nói...

Hihi, công tử Bắc Kỳ ở giữa làng đêm đông mò mẫm đi comment cũng có thể coi là đệ nhị thú trên đời :P